Muốn trở nên khiêm nhường hơn trong Năm Mới
WGPSG / Aleteia -- “Thế giới của chúng ta không đề cao nó nhưng lại rất cần nó”.
Hôm nay, khi mà tất cả chúng ta đã từng đề ra rồi sau đó gần như từ bỏ ngay lập tức các quyết tâm của mình cho Năm Mới, thì vẫn có một kế hoạch phù hợp hơn cho việc tự cải thiện bản thân, đó là tập đức Khiêm nhường.
Chúng ta cần có cái nhìn thực tế hơn về khả năng thay đổi bản thân của mình. Tôi nói điều này cũng là để nói cho chính bản thân tôi. Tôi không chỉ hoạch định những quyết tâm cho Năm Mới, mà còn liên tục đưa ra các kế hoạch lớn để tự cải thiện bản thân, điều mà nếu khiêm nhường hơn một chút, tôi sẽ nhanh chóng nhận ra là chúng vượt quá khả năng của mình.
Trong suốt đời tôi, tôi đã chiến đấu với sự kiêu ngạo. Cha giải tội của tôi có lẽ đã quá mệt khi nghe tôi xưng tội về nó: nghe tất cả những ý nghĩ đầy xét đoán (mà tôi ước gì mình đã đừng nghĩ như thế), nghe về những lãnh đạm tôi dành cho người khác...
Kiêu ngạo là dấu hiệu của một tâm trí thiếu khôn ngoan. Socrates nói: “Bước đầu tiên để hướng tới sự khôn ngoan, đó là ngạc nhiên”. Một người nhìn vào vũ trụ với sự ngạc nhiên sẽ có niềm say mê như trẻ nhỏ về sự bí ẩn của tất cả những gì người đó không hiểu. Một người biết ngạc nhiên sẽ đánh giá cao người khác và ngạc nhiên về sự độc đáo thú vị nơi họ. Thái độ ngạc nhiên này dẫn đến sự khôn ngoan bởi vì nó dẫn chúng ta tới sự lắng nghe và học hỏi một cách khiêm nhường.
Trong khi đó, một người kiêu ngạo thì không khôn ngoan, bởi vì anh ta nghĩ rằng anh ta đã biết tất cả mọi thứ và không còn gì để học nữa. Sự kiêu ngạo này, ít nhất là theo như tôi đã xem xét nó trong bản thân tôi, là một sự bất an tiềm ẩn, một nhu cầu gây ấn tượng với người khác bởi vì tôi thèm khát sự bợ đỡ của họ.
Tất cả chúng ta cần liên tục để ý tới sự kiêu ngạo nơi bản thân chúng ta. Nó là một loại tật xấu dẫn đến sự trì trệ thay vì tăng trưởng nhân cách, bởi vì một người kiêu ngạo hoặc sẽ nghĩ rằng mình có thể dễ dàng thay đổi và sau đó kết thúc trong thất bại, hoặc sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình cần phải thay đổi ngay từ đầu.
Sự thay đổi bản thân hoàn toàn có thể làm được nhưng rất khó khăn, thế nên chúng ta sẽ thành công hơn nhiều nếu chúng ta tiếp cận mục tiêu của mình với sự khiêm nhường. Đây là lý do tại sao Thánh Augustinô nói: “Khiêm nhường là nền tảng của tất cả các nhân đức khác.” Tất cả mọi thứ chúng ta làm sẽ tốt đẹp hơn nhờ một chút khiêm nhường, vì vậy nó rất đáng để được xem xét.
Khiêm nhường là gì? Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách liệt kê những gì không phải là khiêm nhường. Khiêm nhường không phải là: cảm thấy xấu hổ về bản thân với những lý do không chính đáng, hay thiếu lòng tự trọng, hay không sẵn sàng mạo hiểm, hoặc là thụ động.
Một người khiêm nhường không chối bỏ những lời khen ngợi hoặc khước từ những lời biểu dương khi hoàn thành tốt công việc. Thánh Tôma Aquinô, trong một định nghĩa đơn giản nhưng chính xác, đã nói: “Nhân đức khiêm nhường bao gồm việc nhìn nhận bản thân mình có giới hạn.”
Như thế, nếu chúng ta ao ước trở nên khiêm nhường, chúng ta phải biết mình cách chính xác để nhận ra những giới hạn của mình. Chúng ta biết những gì chúng ta có thể làm và những gì chúng ta không thể. Một người khiêm nhường là một người trung thực.
Một vài năm gần đây, khi tôi bắt đầu chú trọng đến sự khiêm nhường một cách nghiêm túc, tôi quyết định tự kiểm điểm bản thân một cách trung thực. Nhận biết đầu tiên của tôi là tôi không thể đơn giản ngừng kiêu ngạo và thay đổi bản thân chỉ sau một đêm (khi nghĩ rằng mình có thể làm được như thế, thì đấy đúng là kiêu ngạo!).
Có vài người trong đời tôi đã thể hiện sự khiêm nhường và truyền cảm hứng cho tôi. Tôi muốn trở nên giống như họ, nhưng tôi cũng biết rằng mình còn kém xa họ. Rõ ràng là tôi cần phát triển những thói quen tốt hơn và bắt đầu thực hiện từng bước nhỏ để hướng tới mục tiêu lớn lao đó.
Có một vài tập quán khiêm nhường, mà tất cả chúng ta đều có thể phát huy ngay cả khi cảm thấy mình không khiêm nhường, cùng với thời gian sẽ hình thành nơi chúng ta cách cư xử khiêm nhường hơn, và dần dần sự thay đổi bên ngoài sẽ được nội tâm hóa.
Tôi đã tìm thấy một vài gợi ý khá hay trên internet: “Hãy nuôi dưỡng một tâm hồn quảng đại để chia sẻ niềm tin”, hãy thường xuyên nói tiếng “cám ơn”, hãy nói về “bạn” hơn là nói về “tôi”, hãy xin góp ý, hãy đặt câu hỏi, hãy lắng nghe, hãy thừa nhận những thất bại, và hãy phát huy khả năng ngạc nhiên như chúng ta đã nói trong bài viết này.
Thực hành sự khiêm nhường sẽ dẫn đến hàng loạt các lợi ích. Nó xoa dịu tâm hồn, nâng tầm kỹ năng lãnh đạo, giúp tự chủ, tăng hiệu suất làm việc và xây dựng tương quan lành mạnh hơn, gắn kết hơn.
Điều tôi đã nhận ra được trong suốt hành trình cá nhân hướng đến sự khiêm nhường là khá đơn giản: Mọi người thực sự thích tôi hơn (và tôi không trở nên kiêu ngạo, điều đó thật sự đúng!). Tôi cũng nhận ra rằng tôi được hưởng những điều có giá trị nếu tôi sẵn sàng lắng nghe, ngay cả trong những lĩnh vực mà tôi nghĩ rằng mình đã nắm vững. Luyện tập sự khiêm nhường khiến tôi trung thực hơn, đánh giá cao về người khác và tự tin hơn.
Chúng ta không bao giờ đi trọn được con đường, không bao giờ có khoảnh khắc mà chúng ta có thể thư thái và tuyên bố rằng, cuối cùng chúng ta cũng đã khiêm tốn hơn những người khác, nhưng khi cuộc hành trình vẫn còn đang tiếp diễn thì đấy quả là một tin tốt lành. Điều đó có nghĩa là luôn có điều gì đó mới mẻ sắp đến.
Có lẽ việc trở nên khiêm tốn hơn là một quyết tâm mà tất cả chúng ta nên thực hiện mỗi năm. Nếu chúng ta kiên trì làm điều đó, ai mà biết được những gì chúng ta sẽ có thể hoàn thành?
Lm. Michael Rennier (aleteia.org) / Chuyển ngữ: Anna Lệ Thuý / Nguồn: WGPSG
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024