Ngày 13 tháng 4: Chúa nhật lễ Lá

WHĐ (09/4/2025) – Vào Chúa nhật lễ Lá, chúng ta tưởng niệm việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, được đón chào bởi một đoàn người đông đảo trong niềm hân hoan, và sau đó là cuộc Thương khó của Người. Ngay từ những năm 400, đã có nghi thức rước lá.
13 tháng 4
Chúa nhật lễ Lá
Tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa
Chúa nhật lễ Lá, còn gọi là Chúa nhật Thương khó của Chúa, mở cửa đưa chúng ta bước vào Tuần thánh. Đây là thời gian để chúng ta chiêm ngắm về những khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc đời dương thế Chúa Giêsu. Chúng ta tưởng niệm việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, được đón chào bởi một đoàn người đông đảo trong niềm hân hoan, và sau đó là cuộc Thương khó của Người. Ngay từ những năm 400, đã có nghi thức rước lá.
Phụng vụ của ngày lễ hoàn toàn xoay quanh chủ đề Thương khó của Chúa Giêsu, đặc biệt là trong các bài Tin mừng - thay đổi theo chu kỳ năm phụng vụ - tường thuật lại cuộc khổ hình. Bài đọc I từ sách Ngôn sứ Isaia (Bài ca Người Tôi Tớ Đau Khổ, Isaia 50) trở thành lời cầu nguyện trong Thánh vịnh 22 với điệp khúc: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” Sự kinh hoàng mà Chúa Giêsu gánh chịu khi vâng phục Chúa Cha “cho đến nỗi phải chết, và chết trên thập giá” được phản ánh trong Bài đọc II, trích từ thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philípphê. Đây không chỉ là việc cử hành sự “đau buồn” hay “thống khổ” mà còn là tuần lễ làm nổi bật “tâm điểm” của mầu nhiệm Vượt Qua, khi Chúa Giêsu hiến dâng mạng sống mình vì ơn cứu độ chúng ta. Chúa Giêsu nhập thể làm người vì yêu thương chúng ta, và cũng chính vì yêu thương, Người đã hiến dâng mạng sống. Qua sự vâng phục này, Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha và yêu thương những người mà Người đến để cứu độ.
Vào Chúa nhật lễ Lá, chúng ta được mời gọi suy tư về ý nghĩa cuộc sống và số phận của mình. Mọi đau khổ và nỗi buồn của chúng ta đều tìm thấy lời giải đáp nơi Chúa Giêsu. Trước những câu hỏi về tại sao lại có đau khổ, tại sao lại có cái chết, tại sao có những chọn lựa dường như vượt ngoài trí hiểu con người, thì Chúa Giêsu không đưa cho chúng ta những câu trả lời mơ hồ. Qua cuộc đời mình, Người nói với chúng ta rằng Người luôn ở cùng chúng ta, đồng hành bên cạnh chúng ta, cho đến tận cùng. Chúng ta sẽ không bao giờ đơn độc – dù trong niềm vui hay trong đau khổ. Chúa Giêsu luôn ở cùng chúng ta. Đây là một cuộc cử hành mà chúng ta hiểu qua sự thinh lặng và cầu nguyện nhiều hơn là qua lời nói, để nhờ đó, trái tim chúng ta có thể cảm nhận và bước vào chiều sâu mầu nhiệm này.
Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.” Rồi Người đưa ông Phêrô và hai người con ông Dêbêđê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến…. “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” ….Người còn đang nói, thì Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai, đã đến. Cùng đi với hắn, có cả một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến. Kẻ nộp Người đã cho họ một dấu hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!” (Mt 26,36-39. 47-48)
Ông Phêrô đang ở dưới sân, có một người tớ gái của thượng tế đi tới; thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Nadarét, ông Giêsu đó chứ gì!” Ông liền chối: “Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì!” Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. [Bấy giờ có tiếng gà gáy.] … “Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Galilê!” Nhưng ông Phêrô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó!” Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phêrô sực nhớ điều Đức Giêsu đã nói với mình: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần.” Thế là ông oà lên khóc. (Mc 14,66-72).
Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm... Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! ... Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Nói xong, Người tắt thở. (Lc 23,33-34. 39-46).
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
giữa đoàn người tung hô tưng bừng,
Chúa tiến vào Giêrusalem.
Vâng lời cho đến chết,
Chúa trao phó thần trí vào tay Chúa Cha,
hiến dâng mạng sống để cứu chuộc chúng con.
Những đôi môi hôm nay tung hô Chúa
là “Con Vua Đavít,”
ngày mai sẽ la lên: “Đóng đinh nó vào thập giá!”
Các môn đệ đã hứa sẽ ở lại với Chúa đến cùng,
rồi cũng bỏ rơi Chúa.
Còn con thì sao, lạy Chúa?
Con nhận ra rằng con khó lòng bước theo Chúa.
Con nhận ra rằng con gặp khó khăn
khi diễn đạt lòng mình trong lời cầu nguyện.
Con bối rối. Con dừng lại. Con suy tư.
Con nhận ra rằng,
như Giuđa, con cũng sẵn sàng
phản bội Tình yêu bằng một nụ hôn.
Như Philatô, con cũng sẵn sàng
bảo vệ sự thật
nhưng chỉ khi nó không đòi hỏi nơi con sự hy sinh.
Như Phêrô, con cũng sẵn sàng
hứa với Chúa nhiều điều,
nhưng cũng sẵn sàng rời bỏ Chúa.
Như các môn đệ, con cũng sẵn sàng
hứa trung thành với Chúa,
rồi lại biến mất trong âm thầm.
Nhưng con cũng nhận ra rằng…
như Mẹ Maria sầu bi,
con biết cách đồng hành cùng Chúa trong thinh lặng,
với một trái tim tan nát
trên Đường Thánh Giá của Chúa.
Như người môn đệ được Chúa yêu,
với Mẹ Maria,
con biết cách ở bên Chúa, ngay cả dưới chân thập giá.
Như tên trộm lành,
con biết nhận ra lỗi lầm của mình
và tín thác vào trái tim xót thương của Chúa.
Như viên đại đội trưởng,
con biết tuyên xưng Chúa
là Thiên Chúa và là Chúa của con.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh,
Con của Chúa Cha
và Anh của chúng con,
xin thương xót con!
Xin giúp con luôn bước theo Chúa,
ở cùng Chúa,
để sống trong Chúa và vì Chúa.
Lời nguyện của Linh mục Andrea Vena.
Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News
(Nguồn: hdgmvietnam.com)
bài liên quan mới nhất

- Ủy ban Phụng tự lưu ý khi cử hành nhiều lần nghi thức Tam nhật Vượt Qua tại một nhà thờ
-
Giải đáp vài thắc mắc liên quan đến phụng vụ Mùa Chay và Tuần Thánh -
Ngày 25 tháng 03: Lễ trọng Truyền tin -
Ngày 22 tháng 02: Lễ kính Lập Tông tòa Thánh Phêrô, Tông đồ -
Đức Hồng Y Roche: ‘Ngọn hải đăng hy vọng’ Thánh Têrêsa được tưởng nhớ trong các bản văn phụng vụ -
Mẹ Têrêsa được ghi vào Lịch chung Roma, mừng vào ngày 5 tháng 9 -
Ngày 11 tháng 02: Lễ Nhớ Đức Mẹ Lộ Đức -
Ngày 02 tháng 02: Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh -
Ngày 12 tháng 01: Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa -
Ngày 06 tháng 01: Lễ Trọng Chúa Hiển Linh
bài liên quan đọc nhiều

- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024