Mùa Tạ Ơn
WGPSG -- Nếu hỏi bất cứ học sinh nào: “Tháng 6 thuộc mùa nào?”, các em sẽ trả lời không chút ngập ngừng: “Dạ, mùa hè”. Một câu trả lời thực tế: tháng 6 thuộc “mùa hè” nếu tính theo bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông luân phiên tiếp nối nhau; là “mùa nghỉ hè” vì mọi học sinh đều đã được bãi trường, không còn phải ngày ngày cắp sách đến trường (trừ các bạn đi học thêm)!
Có lẽ nhiều người cũng sẽ trả lời như các em, riêng tôi lại nghĩ đến một đáp án khác: “Tháng 6 là mùa Tạ Ơn”. Người người tạ ơn! Nhà nhà hân hoan! Dòng dòng vui mừng! Xứ xứ tưng bừng!
Cung hiến nhà thờ, khánh thành nhà sinh hoạt giáo xứ, khởi công xây dựng Thánh đường, đặt viên đá đầu tiên xây dựng cơ sở của Hội Dòng nè; tiên khấn và vĩnh khấn nè; chịu chức Phó tế, Linh mục nè; hồi hộp khi được rước Mình Thánh Chúa Giêsu lần đầu, lâng lâng đón nhận sức mạnh Chúa Thánh Thần, hãnh diện tuyên xưng Đức tin cách trọng thể nè; kỷ niệm Ngân Khánh – Ngọc Khánh – Kim Khánh khấn Dòng, ngày thụ phong Linh mục, ngày thành hôn nè...
Lý do tạ ơn Thiên Chúa thật nhiều, cách thức tạ ơn cũng rất đa dạng! Nơi thì nô nức tổ chức các cuộc lễ hoành tráng-trang trọng-đông người, chốn thì âm thầm-đơn sơ-ấm cúng; người này xin dâng lễ với nhiều giáo dân tham dự để “cùng hòa lên hai tiếng cám ơn”, dâng lên Thiên Chúa những của lễ phong phú thể hiện tấm lòng tri ân, người khác lại chọn chốn tĩnh lặng cùng những giờ khắc “diện đối diện” với Thiên Chúa, để “lòng kề lòng” họ thổ lộ tâm tình cho nhau…
Trong “mùa Tạ Ơn” này, khi chia sẻ với cộng đoàn dịp kỷ niệm 20 năm lãnh nhận và thi hành Thánh chức Linh mục, một cha đã tâm sự:
Giữa đêm khuya, một mình ngồi đối diện với Thầy nơi Nhà Tạm, hồi tưởng lại bao biến cố thăng trầm trong đời linh mục: khi hăng say chẳng quản ngại đêm trường mưa gió hay ngày nắng nóng đem tình yêu Chúa đến cho tha nhân; lúc ốm đau ngại ngần … hoặc khi chùn bước do dự tiến tới… Rồi ngài tự hỏi: “20 năm đã trôi qua, con đã làm được gì cho Chúa và Hội Thánh?”
Nhưng Chúa cười và nói: “Đừng hỏi con đã làm được gì cho Ta, hãy hỏi xem Ta đã làm những gì cho con suốt hai mươi năm trường?”
Nụ cười nhẹ nhàng và tiếng nói êm ái ấy khiến vị linh mục giật mình bừng tỉnh: “Thưa Chúa, trước đây con đã bị đánh động bởi câu nói ‘Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc?’ Tương tự, con đã tự vấn xem mình đã cống hiến và phục vụ được gì cho Giáo hội và tha nhân. ‘Ta đã làm những gì cho con suốt hai mươi năm trường?’ câu Chúa hỏi khiến con chưng hửng quá!
Vẫn biết mình chỉ là một đầy tớ vô duyên, nhưng ít ra cũng làm được một vài việc cho Chúa và Giáo hội của Chúa (dù ít ỏi, nhỏ bé thôi)! Nếu phải “trả lại” cho Chúa tất cả những gì Chúa đã thực hiện nơi con trong thời gian qua, thì có chi gọi là công sức riêng mình đâu? Con chỉ có đôi bàn tay trắng!
Vâng, lạy Chúa, câu Chúa hỏi làm con càng thấm thía tâm tình cảm mến và “tạ ơn”, vì mọi sự đều do Chúa dìu dắt và thực hiện nơi con, qua con và cho mọi người! “… từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa” (Kinh Sáng soi).
Khi cảm nghiệm bao ân tình đã nhận, ta mang tâm tình biết ơn, rồi tìm cách tạ ơn. Người Kitô hữu thường xin lễ, dâng lễ để thổ lộ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa.
Không phải vô tình mà người ta chọn Thánh lễ như một phương thế để tạ ơn Thiên Chúa. Từ “Eucharist - Thánh lễ” có từ nguyên trong Hi văn εὐχαριστία và có nghĩa là tạ ơn. Thánh lễ như là hành vi cảm tạ, ngợi khen và hân hoan. Thật vậy, Thánh lễ là hiến tế tạ ơn.
Phải chăng chỉ có những con người nhận được những may mắn trên mới có đủ lý do để tạ ơn Thiên Chúa? Khi có nhà mới, chức mới, kinh nghiệm mới… chúng ta mới có thể tổ chức những Thánh lễ tạ ơn?
Nếu chỉ vậy, ý nghĩa tạ ơn của Thánh lễ sẽ hạn hẹp và gò bó, vì những ai không có những lý do may mắn trên thì chẳng bao giờ dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa sao? Họ không nhận được ơn lành từ Thiên Chúa sao?
Thưa không, ai ai trong chúng ta cũng có đủ lý do để tạ ơn Thiên Chúa. Không cần tìm tòi đâu xa xôi để nhận ra những ân huệ Thiên Chúa tặng ban cho ta, bạn chỉ dừng lại một chút sẽ nhận ra ngay thôi!
Này nhé, tại sao bạn sinh ra là người (chứ không phải là con voi to lớn hay là một chú chim lộng lẫy sắc màu)? Hỏi cũng là trả lời: được làm người đã là một hồng ân, một ân huệ lớn lao khởi đầu cho muôn vàn ân sủng khác!
Từng phút giây trôi qua, trong mỗi nhịp hít thở chúng ta hưởng dùng và tồn tại nhờ nguồn dưỡng khí vô tận mà Chúa tặng ban cho, đó không phải là dấu lạ giữa đời thường ư? Bằng chính đôi mắt của mình, ta được ngắm nhìn vũ trụ lộng lẫy, lung linh và huyền bí; trên chính đôi chân của mình, ta được tung tăng chạy nhảy; với cái miệng xinh xắn, ta ca hát reo hò; … Điều xem ra thật bình thường ấy lại là giấc mơ bất khả thi của bao anh chị em khiếm thị, khiếm thính và khuyết tật đấy!
Mỗi phút giây trong đời sống chúng ta là một dấu lạ của tình thương và ân huệ Thiên Chúa dành cho chúng ta! Đó chẳng phải là lý do để tạ ơn sao?!
Những biến cố trọng đại, hân hoan trong đời sống cá nhân, tập thể dồn dập xảy ra trong cùng một thời điểm, tạo nên một mùa mới trong năm “mùa Tạ ơn”!
Phải chăng, “mùa tạ ơn” chỉ diễn ra vào tháng 6, hay một đôi tháng trong năm?
Ắt hẳn không phải thế, mỗi cuộc đời, từng ngày sống là sống trong ơn huệ của Thiên Chúa, nên mỗi ngày sống đều có thể trở thành một lời tạ ơn!
Và cách tạ ơn nào đẹp lòng Thiên Chúa nhất, nếu không phải là cùng với Chiên Thiên Chúa dâng lên Chúa Cha hiến lễ tạ ơn mỗi ngày!
“Mùa tạ ơn” là chuỗi ngày sống trong tâm tình tri ân Thiên Chúa vậy!
bài liên quan mới nhất
- “Biết cười, men tạo nên niềm vui”. Tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô
-
Mừng thọ - Lời tạ ơn và bài học cho người Kitô hữu -
Lắng -
Nhịp bước với Mẹ Maria trong cuộc hành hương hy vọng -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ nhất Năm Sự Sáng - Chúa Giêsu chịu phép rửa -
Hành hương thời Tân ước - Phần 1: Đức Giêsu hành hương lên thánh địa -
Lý do theo Kinh Thánh để chúng ta phải tránh nói hành nói xấu -
Mùa Giáng Sinh lần hạt Năm Sự Vui -
Ba bước chân hành hương thực hiện trong cuộc sống -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 01/2025: Cầu cho quyền được giáo dục
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19