"Một ít" là bao lâu?

"Một ít" là bao lâu?

WGPSG -- “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, và một ít nữa các con lại thấy Thầy” (Ga 16,16).

Thầy loan báo cho các môn đệ biết về “giờ của Thầy”, giờ mà Thầy tự nguyện đón nhận cái chết trên thập tự, đền thay tội lỗi muôn dân. Thầy cũng loan báo thời điểm mà các ông sẽ được gặp lại Thầy: một ít nữa!

Rõ ràng Thầy biết chính xác là ngày nào giờ nào Thầy sẽ “được” treo trên thập tự, Thầy biết chính xác là ngày 14 tháng Nisan (ngày kỷ niệm biến cố Vượt qua, theo lịch của người Do Thái) năm đó mà? “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9,51). Thầy cũng biết chính xác là vỏn vẹn 3 ngày sau khi bị đóng đinh chết trên thập giá là Thầy sẽ trỗi dậy mà? “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi. Nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”(Ga 2, 19).

Sao Thầy không một lần nữa lặp lại cách chính xác về thời gian của các biến cố: các môn đệ sẽ “Không thấy Thầy” (vì Thầy đi chịu chết) và “sẽ thấy Thầy” (vì Thầy sẽ sống lại và hiện ra gặp các ông)?

Thế nào là “một ít”? Thế nào là “nhiều”?

“Một ít để xa Thầy” nơi Giuđa Itcariốt đến sớm hơn 11 tông đồ còn lại, anh ta đã rời khỏi bàn tiệc trước khi bữa tiệc ly kết thúc, anh ta rời khỏi Thầy sớm hơn tất cả anh em, để lao mình vào bóng đêm: “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó trời đã tối” (Ga 13,30).

Không chậm hơn Giuđa bao nhiêu, chỉ nội trong đêm ấy, khoảnh khắc “một ít nữa không thấy Thầy” của các môn đệ còn lại cũng nhanh chóng xảy ra: khi quân lính ùa tới bắt Thầy, các ông đã “nhanh như cắt” bỏ chạy thoát thân, còn lại Thầy đơn độc, hồn lạnh buốt. May thay còn Phêrô đang lăm le thanh gươm trong tay để bảo vệ Thầy, an ủi phần nào cho Thầy!

Nhưng cái “một ít” thật nghiệt ngã, chỉ trong chốc lát thôi, người vừa mạnh miệng tuyên bố hùng hồn rằng “Con sẽ thí mạng vì Thầy!” (Ga 13, 37), thì đã ba lần mạnh mẽ chối phắt mối liên hệ với Thầy, chối mau chối đau, dù chỉ mới đối diện với người hầu gái nhà Thượng tế!

Sau khi phục sinh, Thầy hiện ra trên bờ biển Tibêria chỉ chỗ các ông thả lưới bắt cá. Được Thầy chỉ bảo, các ông đã có một mẻ lưới thật lạ kỳ “các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá” (Ga 21,6). Nhờ mẻ cá lạ đó, người môn đệ Chúa yêu lập tức nhận ra Thầy đang đợi các ông ở trên bờ, ông báo cho Phêrô biết: “Chúa đó!”; nghe vậy Phêrô lập tức lao xuống biển mong bơi thật nhanh vào bờ gặp người Thầy yêu dấu.

Đối với Phêrô, con thuyền đang lướt sóng lao nhanh vào bờ nhờ những cánh tay vạm vỡ đang ra sức chèo kia, tốc độ của thuyền vẫn hãy còn chậm lắm! Cần phải nhanh chóng rút ngắn khoảng cách… không thể cứ ngồi yên trên thuyền mà đợi, ông muốn nhanh chóng được diện kiến Thầy Giêsu.

Phêrô muốn thời khắc “một ít” nữa thôi là thuyền cũng cập bến để mọi người gặp Thầy phải thật sự là một ít ngắn ngủi, cho nên ông nhảy ùm xuống nước, ông bơi bằng cái tâm đang tràn trề nhớ nhung, chan chứa mến yêu Thầy! “Một ít” lúc này đối với ông vẫn là một khoảng thời gian quá dài!

Thế đấy, “một ít” có thể là thời gian “tâm lý”, bất xác định: đối với người này thời gian đó có thể là ngắn ngủi; nhưng đối với kẻ khác, thì khoảng thời gian ấy lại kéo dài hơn! Tất cả tùy thuộc vào tương quan trò-Thầy, vào vị trí dành cho Thầy trong cái tâm của họ!

Vì thế, ít hay nhiều không còn được đo bởi thời gian vật lý, mà được đong bằng cái tâm dành cho Thầy: càng yêu Thầy nhiều, thì càng thấy xa Thầy “một ít” cũng là quá lâu!

 

Top