Một cái nhìn về Nghệ thuật thánh (phần 1)
Khi có dịp tham quan các ngôi đền thờ nổi tiếng ở Âu Châu, như nhà thờ Đức Bà Paris và nhất là đền thờ thánh Phêrô tại Rôma, người ta không khỏi trầm trồ thán phục sự vĩ đại, tính cổ kính, dấu tích lịch sử và nhất là giá trị nghệ thuật vô cùng to lớn vượt thời gian của chúng. Mỗi đền thờ là một kho tàng vô giá đầy ắp những tác phẩm nghệ thuật từ điêu khắc đến kiến trúc, hội họa, trang trí, do các nghệ sĩ nổi tiếng sáng tạo nên để diễn tả niềm tin và những tâm tình tôn giáo của cộng đồng dân Chúa trải qua chiều dài của dòng lịch sử. Người ta chiêm ngắm, nghiên cứu, tìm hiểu, nhưng không bao giờ có thể tát cạn ý nghĩa sâu xa và phong phú của chúng. Người ta gọi đó là kho tàng nghệ thuật thánh của Giáo Hội công giáo. Để có một cái nhìn về nghệ thuật thánh, chúng ta hãy dựa vào giáo huấn của Giáo Hội để tìm hiểu ý nghĩa, mục đích và cách thức thể hiện của loại hình nghệ thuật này, sau khi thử lược qua khái niệm thánh thiêng và tương quan giữa thánh thiêng với nghệ thuật nói chung.
1. KHÁI NIỆM THÁNH THIÊNG
Trong văn hóa Tây phương, từ “thánh thiêng” hay “linh thánh” (lt. sacer, sacra, sacrum) thường được dùng theo hai nghĩa. Theo nghĩa thứ nhất, “thánh thiêng” là từ mà những người có tôn giáo dùng để chỉ chính Thiên Chúa, Đấng-hoàn-toàn-khác, Hữu-Thể-tuyệt-đối, Mãnh-lực-tối-cao. Những cách gọi này cho thấy một cảm nghiệm khôn tả về một Hữu Thể mà người ta gọi là Đấng Thánh hay Đấng Linh Thiêng. Con người tôn giáo cũng như mọi nền văn hóa mang tính tôn giáo đều được xác định ít nhất bằng nhận thức về Đấng Linh Thiêng hiện diện trong bầu trời, tinh tú, sông nước, thảo mộc, đất đá, v.v., nói chung trong tất cả những gì hiện hữu, như là một huyền nhiệm vừa hấp dẫn (mysterium fascinans) lại vừa đáng sợ (mysterium tremens). Sự thánh thiêng còn hiện diện nơi những gì thuộc về Đấng Linh Thiêng mà người ta quen gọi là các thực tại thánh. Tuy nhiên, trong cách hiểu của các dân tộc, cái thánh thiêng vừa có thể chỉ cái đáng kính, vừa có thể chỉ cái đáng sợ, như khi nói về các thần ác. Như thế cái thánh thiêng cho thấy một chiều kích tách biệt và dị nghĩa, vừa tốt vừa xấu. Trong Kitô giáo, cái thánh thiêng chỉ được hiểu theo nghĩa tốt và qui hướng về Thiên Chúa là Đấng Thánh.
Theo nghĩa thứ hai, “thánh thiêng” là từ dùng để chỉ một cái gì đó được dâng hiến cho thần linh, cho một mãnh lực cao siêu. Vì thế nó còn được dùng để chỉ những điều mà người ta không được xâm phạm, ngay cả không được đụng chạm đến. Từ này còn được dùng để chỉ những gì được tách riêng ra để dùng cho mục tiêu tôn giáo. Được coi là thánh thiêng những không gian và thời gian cử hành lễ tế, những đồ vật dùng trong nghi thức tôn giáo như ảnh tượng, đồ thờ, lễ phục, v.v. Vì thế, tự điển Le Petit Robert định nghĩa thánh thiêng là thuộc về một lãnh vực tách biệt, bất khả xâm phạm và là đối tượng của một tâm tình tôn kính mang tính tôn giáo; nó có liên quan đến việc thờ phượng và phụng vụ. Đối lại với thánh thiêng là phàm tục. Từ này trong tiếng La-tinh là profanum, có nghĩa là “trước” đền thờ hay bên ngoài khuôn viên đền thờ. Theo nghĩa rộng nhất, từ này chỉ những gì không thuộc về lãnh vực thánh thiêng.
Theo Tự điển công giáo phổ thông của J.A. Hardon SJ, “thánh thiêng là những gì thuộc về Thiên Chúa, khác với những gì thuộc về con người; là những gì vĩnh cửu chứ không phải phù du; là những gì của thiên giới chứ không phải của hạ giới; là những gì huyền nhiệm và vì thế không thể giải thích được bằng lý trí; là những gì vô hạn chứ không phải hữu hạn. Tôn giáo nào cũng coi thánh thiêng mới là cái tuyệt đối, bất di bất dịch; còn phàm tục chỉ là cái tương đối, vốn hay thay đổi”.
Tuy nhiên, trong các xã hội sơ khai, cái thánh thiêng và cái phàm tục ít khi tách rời nhau. Theo cha Teilhard de Chardin, không có gì trong thời gian và trong không gian là phàm tục cả. Toàn thể thế giới chúng ta đang sống là một đền thờ, một thứ bí tích của Thiên Chúa. Tu sĩ và nghệ sĩ giống nhau và liên kết với nhau trong viễn tượng này. Điều được nói về thế giới thì càng được nói về con người. Nếu toàn thể thế giới một cách nào đó có thể được coi là đền thờ, là bí tích của Thiên Chúa, thì con người càng là đền thờ và là bí tích của Thiên Chúa hơn nữa, bởi lẽ qua mầu nhiệm sáng tạo và nhập thể, con người là hình ảnh của Thiên Chúa và là nơi Thiên Chúa ngự trị, vì Ngài là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Mầu nhiệm của Thiên Chúa được phản ánh nơi mầu nhiệm con người. Vì thế con người cũng là một mầu nhiệm và do đó cũng mang tính thánh thiêng.
bài liên quan mới nhất
- Thánh Đường Latêranô - Hướng về Giêrusalem mới
-
Đức Thánh Cha: Nghệ thuật phản ánh sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người -
Nghệ thuật phá cách ở nhà thờ Assy -
La Vang - Công trình đền thờ của toàn Giáo hội Việt Nam -
Nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh -
Kiến trúc Công giáo (1) -
Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang: Lễ đặt viên đá đầu tiên -
Lời giới thiệu Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang -
Chương trình truyền hình: Nét đẹp kiến trúc Nhà thờ cổ Việt Nam
bài liên quan đọc nhiều
- La Vang - Công trình đền thờ của toàn Giáo hội Việt Nam
-
Kiến trúc Công giáo (2) -
Kiến trúc Công giáo (1) -
Ngôi nhà nguyện cổ trong Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh -
Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang: Lễ đặt viên đá đầu tiên -
Tỉ lệ & Nhịp điệu: hai yếu tố của cái đẹp -
Một cái nhìn về Nghệ thuật thánh (phần 3) -
Nghệ thuật phá cách ở nhà thờ Assy -
Sở Kiện trong dòng thời gian (1862 - 2011)