Mật nghị Hồng y sắp tới có gì mới?

Mật nghị Hồng y sắp tới có gì mới?

UCANews -- Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ bước sang tuổi 86 vào ngày 16-4 tới, trở thành vị giáo hoàng cao tuổi thứ ba trong 600 năm qua.

Như thường lệ, đã có các đồn đoán xôn xao về ai trong số những ứng cử viên hồng y nặng ký sẽ kế vị ngài.

Đức cố Giáo hoàng Clement XII (1730-1740) qua đời ở tuổi 87, trong khi Đức cố Giáo hoàng Leo XIII (1875-1903) sống đến 93 tuổi - mặc dầu những ghi chép trước đây về tuổi của các giáo hoàng có khuynh hướng không chính xác hoàn toàn.

Sức khoẻ tổng thể của Đức Bênêđictô XVI có vẻ tốt nhưng ngài đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu mệt mỏi và suy yếu. Và dường như có bằng chứng cho thấy chính ngài đang chuẩn bị cho người kế vị.

Năm ngoái, ngài đã bổ nhiệm 27 hồng y mới, đưa số Hồng y đoàn lên con số tối đa là 120.

Năm 1996, Đức Gioan Phaolô II đã sửa luật bầu Giáo hoàng cân nhắc việc tính số phiếu chiếm đa số đơn sau một ít tuần bế tắc. Trước đây, việc bỏ phiếu sẽ phải tiếp tục cho đến khi một ứng cử viên nhận được đa số phiếu là 2/3 cộng 1.

Người ta nói rằng khi đó Đức Hồng y Ratzinger đã đạt được số phiếu đa số đơn rất sớm trong cuộc bỏ phiếu mà cuối cùng ngài được chọn làm giáo hoàng và rằng một số hồng y đã ủng hộ thêm để tránh mật tuyển viện kéo dài thêm.

Điều này có thể không xảy ra trong mật tuyển viện bầu giáo hoàng tiếp theo. Không lâu sau khi được chọn, Đức Bênêđictô XVI đã thay đổi luật để quay trở về với phương thức truyền thống. Vì vậy, người kế vị ngài có thể sẽ là người phải có được sự ủng hộ của đa số chứ không phải của một người đến từ một phe nhóm nào đó.

Một vài người cho rằng vụ Vatileaks là một phản ứng mạnh chống lại vị hồng y chuyên quyền và bảo thủ người Ý, Hồng y Bertone, và là một cách xác định một ứng viên thủ cựu cho vị trí giáo hoàng kế tiếp.

Mật tuyển viện tiếp theo sẽ bao gồm một nhóm hồng y quan trọng với kinh nghiệm làm việc lâu năm ở Giáo triều Rôma. Vị giáo hoàng kế tiếp sẽ cần đến sự hậu thuẫn của họ.

Ngoài ra, hơn một nửa Giáo triều là người châu Âu và đại đa số đã học ở Rôma hoặc một nơi nào khác ở châu Âu. Vì thế, vị giáo hoàng kế tiếp - cả khi không phải là người châu Âu - cũng có thể đã được “Âu hoá” nhiều.

Vả lại, bất cứ đối thủ nặng ký nào cho vị trí Giám mục Rôma đều cần phải thành thạo tiếng Ý.

Với một số lượng lớn người Ý đứng đầu các văn phòng của Vatican và nhiều tổng giáo phận Ý theo truyền thống được cai quản bởi các hồng y, các hồng y người Ý sẽ có được lượng phiếu bầu mạnh mẽ tại mật nghị hồng y tới.

Thực tế, ngay cả sau khi phong 6 hồng y mới nhất, các hồng y người Ý vẫn ở con số 28 hồng y cử tri, 20 trong số này do Đức Bênêđictô XVI phong hồng y. Tuổi trung bình của các hồng y cử tri là trên 72.

Một trong hai vị người Ý đang dẫn đầu là Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, 70 tuổi, người đã chỉ trích các linh mục về những bài giảng “nhàm chán” và “không thích hợp” của họ. Ngài trêu chọc và khuyến khích họ sử dụng mạng xã hội Twitter.

Là một cựu giáo sư và là học giả khảo cổ học, Đức Hồng y Ravasi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá năm 2007. Ngài cho thấy một sự háo hức thật sự để Giáo Hội tái tham gia vào nghệ thuật đương đại trong một cách thức có ý nghĩa.

Đức Hồng y Ravasi nói rằng ngài muốn đề xướng một cuộc “đối thoại”, không giáo huấn và chê bai, không thuyết giảng và luận chiến, nhưng là một cuộc đối thoại hai chiều dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Ngài rất được mến mộ đến nỗi hiện tại có một danh sách chờ đợi 2 năm để được ngài xác nhận với tư cách là phát ngôn viên của hội đồng.

Người Ý thứ hai được đánh giá cao là Đức Hồng y Angelo Scola, 71 tuổi, Tổng Giám mục Milan. Nhiều vị thánh và giáo hoàng từng đảm nhiệm chức tổng giám mục này như Thánh Ambrôsiô ở thế kỷ thứ tư và Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI (1963-1978).

Đức Hồng y Scola được cho là gần gũi với Đức Bênêđictô XVI. Một trong những thành tựu lớn của ngài là đưa các học giả Kitô giáo và Hồi giáo ngồi lại với nhau nhằm nghĩ cách giải quyết tương lai của khu vực Địa Trung Hải.

Tỷ lệ của các cử tri châu Âu vượt 51%. Con số này rõ ràng tương phản với thực tế rằng, theo số liệu thống kê của Vatican, không tới 24% người Công giáo trên khắp thế giới sống ở châu Âu.

Trong số các vị người châu Âu nhưng không phải là người Ý, có Đức Hồng y Christoph Schönborn của Giáo phận Vienna, 67 tuổi, thuộc dòng Đa Minh, có lẽ là ứng cử viên nặng ký hơn cả. Năm 1998, khi trở thành hồng y trẻ tuổi, ngài đã được xem là một trong những người sáng giá nhất của nhóm bảo thủ trong Hồng y đoàn. Nhiều người tin rằng nếu được trao cho cơ hội, ngài sẽ thực hiện một khởi đầu mới.

Trong tất cả các công nghị, nhân vật then chốt là phúc trình viên hoặc tổng thư ký, người tổ chức công việc, giám sát việc chuẩn bị toàn bộ tài liệu và phân phát hai bài báo cáo chính trước và sau các cuộc thảo luận ở công nghị. Hai vị giáo hoàng liên tiếp gần đây nhất trước tiên đã nổi bật lên với vai trò là phúc trình viên của công nghị.

Đức Hồng y Karol Wojtyla của Ba Lan đã đảm nhận công việc này ở công nghị năm 1974 về Phúc Âm hoá và Đức Hồng y Joseph Ratzinger của Đức cũng giữ vai trò đó trong công nghị năm 1980 về gia đình.

Tại công nghị tháng 10-2012 về Tân Phúc Âm hoá, phúc trình viên là Đức Hồng y Donald Wuerl, 72 tuổi, Tổng Giám mục Washington từ năm 2006. Trước đây ngài là Giám mục Phụ tá Giáo phận Seattle (1986-1987) và Giám mục Giáo phận Pittsburgh (1988-2006). Ngài được Đức Bênêđictô XVI vinh thăng hồng y.

Năm 2010, Đức Hồng y Wuerl ban hành Thư Mục vụ về Tân Phúc Âm hoá, để lại một ấn tượng rất tốt nơi Đức Giáo hoàng đương kim. Ngài có thể là ứng viên sáng giá vùng Bắc Mỹ cho chức giáo hoàng?

Hay sẽ là Đức Hồng y Canada gốc Pháp Marc Ouellet, người đã trải qua 10 năm ở Colombia, sau đó trở về Canada trong 9 năm trước khi sang Rôma năm 1997 để dạy tại Học viện Gioan Phaolô II về Hôn nhân và Gia đình? Ngài đứng đầu Bộ Giám mục ở Vatican từ năm 2010.

Châu Mỹ Latinh có 2 ứng cử viên sáng giá. Một là Đức Hồng y Odilo Pedro Scherer của Giáo phận São Paulo, 64 tuổi, người có sức lôi cuốn vượt ra khỏi ranh giới địa lý. Ngài không những đứng đầu một giáo phận lớn nhất ở đất nước đông người Công giáo nhất thế giới từ năm 2007, mà ngài còn đạt được những bằng cấp ở Rôma.

Đức Hồng y Brazil gốc Đức này đã đậu cử nhân và tiến sĩ thần học tại Đại học Greogria và sau đó làm việc tại Bộ Giám mục một vài năm (1994-2001).

Hai là Đức Hồng y Oscar Andrés Rodríguez Maradiaga của Giáo phận Tegucigalpa, 70 tuổi, người được mô tả là Đức Gioan Phaolô II của châu Mỹ Latinh vì tính cách lôi cuốn, khả năng về ngôn ngữ và công việc của ngài trong việc thúc đẩy các giáo huấn xã hội của Giáo Hội.

Đức Hồng y người Honduras bản địa này - hiện đang là Chủ tịch Caritas Quốc tế - đã được “Ý hoá” rất sớm bởi chương trình đào tạo trong dòng Salesian ở Rôma và Turin. Ngài được vinh thăng hồng y năm 2001. Tuy nhiên, ngài đã làm lu mờ danh tiếng của mình do ban đầu ủng hộ cuộc đảo chính quân sự năm 2009 ở Honduras.

Đức Hồng y châu Phi Peter Turkson, 64 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, là người dẫn đầu trong các quốc gia châu Phi. Sinh ra ở Ghana trong một gia đình có cha mẹ là người Công giáo trở lại từ Tin Lành Methodist, ngài là một trong số ít những người châu Phi đã thực hiện các nghiên cứu tiến sĩ tại Giáo hoàng Học viện Kinh Thánh ở Rôma.

Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Cape Coast năm 1992 và làm Hồng y năm 2003.

Đức Hồng y Turkson dường như đã thu nhỏ các cơ hội của mình do trong công nghị Tân Phúc Âm hoá, ngài đã trình chiếu một đoạn video chống Hồi giáo và đã bị các giám mục từ một số nơi trên thế giới chỉ trích vì gây hoang mang và không chính xác.

Ít được biết tới hơn nhưng vẫn có thể là ứng cử viên của châu Phi là Đức Hồng y Laurent Monsengwo Pasinya của Giáo phân Kinshasa, nước Cộng hoà Dân chủ Congo, một tiếng nói lâu năm của Công giáo châu Phi, và Đức Hồng y Robert Sarah của Guinea, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cor Unum.

Các cử tri châu Á chiếm 9%. Tỷ lệ người Công giáo ở châu Á là trên 10% trong tổng số người Công giáo trên khắp thế giới. Ứng cử viên châu Á duy nhất được đánh giá có thể ứng cử cho chức giáo hoàng là Đức Hồng y Luis Tagle của Tổng Giáo phận Manila, Philippines, 55 tuổi, người mới được vinh thăng hồng y.

Cổ ngữ có câu: “Người nào bước vào như giáo hoàng thì đi ra như hồng y”, có nghĩa là người được ưa chuộng không phải là người luôn chiến thắng. Chúa Thánh Thần có thể cho nổi lên một ứng viên bất ngờ cho chức giáo hoàng trong mật nghị hồng y tới.

------------------
(*) Linh mục Desmond de Souza thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, trước đây là thư ký điều hành của Văn phòng Phúc Âm hoá của Liên Hội đồng Giám mục Á châu. Ngài có liên hệ chặt chẽ với các Giáo Hội ở châu Á từ năm 1980-2000. Giờ ngài đang ở Goa, Ấn Độ.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top