Mácta và Maria trong tôi
1. Bêtania
Nằm trên phía đông-nam của sườn núi Oliviers, Bêtania là một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem gần 3 km về hướng đông, nơi có nhà của ông Simon, một bệnh nhân phong. Trong khi dùng bữa tại gia đình ông, Đức Giêsu đã được một phụ nữ xức dầu thơm, một “việc nghĩa” được loan báo “trong khắp thiên hạ” (Mt 26, 6.10.13).
Bêtania, bêt’aniyyah trong tiếng Do Thái có nghĩa là “nhà của người nghèo”, cũng là nơi thầy trò Đức Giêsu thường dừng chân trên hành trình loan báo Tin Mừng, khi đến Giêrusalem (x. Mt 21, 17; Mc 11, 1.11-12; Lc 19, 29; Ga 11, 18). Mái ấm của 3 chị em Mácta cũng tọa lạc tại nơi gần gũi thành thánh này. Đức Giêsu gọi các môn đệ và chúng ta là “bạn hữu” (Ga 15, 15), chính Thầy đã đặc biệt biểu hiện tình thân với gia đình những người bạn tại Bêtania này.
2. Hai phong cách phục vụ
Đến với gia trang của Mácta tại Bêtania, chúng ta sẽ cảm nhận ngay lòng hiếu khách của gia chủ, vì cả hai chị em đều nhiệt tâm hướng về Thầy Giêsu và tận tình phục vụ Người Bạn quý của gia đình này. Tuy nhiên, căn cứ trên biểu hiện bên ngoài, thì dường như sự phục vụ của chị Mácta còn vướng bận tính chất quy ngã nào đó: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ?” (Lc 10, 40). Xem ra chị muốn Thầy chú ý đến mình và không nghĩ rằng em mình cũng đang phục vụ Thầy bằng thái độ chăm chú lắng nghe, vì Maria thì “cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (Lc 10, 39). Phải chăng, đôi khi tôi cũng ngầm muốn đưa sự phục vụ âm thầm của mình ra ánh sáng, ước mong được người khác lưu tâm đến hoạt động của mình? Khuynh hướng “Mácta” này có thể khiến tôi không hài lòng về cách sống của một người thân cận chăng? Tôi chợt “ngộ” ra rằng chính thái độ của mình đối với Đức Giêsu điều hướng và qui định cái nhìn cũng như cách nhìn về tha nhân.
Thực ra, nghe Lời Chúa hay làm theo Lời Chúa cũng là hai biểu hiện của một cuộc sống cho Chúa, vì Chúa, đặt Chúa làm trung tâm. Cho nên không nhất thiết phải yêu cầu người khác theo mình hay làm giống như mình, mới gọi là phục vụ Chúa hay Giáo hội. Hơn nữa, “chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người” (Rm 12, 6). Thánh Phaolô từng tâm sự: “Tôi ước muốn mọi người đều như tôi ; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác” (1 Cr 7, 7). Vị tông đồ cho dân ngoại này cũng đã xác quyết về tính đa diện trong việc phục vụ như sau : “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ” (1Cr 12, 28).
Tương quan giữa Đức Giêsu và gia đình Bêtania này chắc phải thân tình lắm, nên chị Mácta mới có thể thẳng thắn bày tỏ sự bất hài lòng và tiếc rẻ của mình với Đức Giêsu: về Maria, về sự vắng mặt của Đức Giêsu khi Lazarô lâm bệnh nặng và qua đời. Những sự kiện này chứng tỏ tính tình của chị khá bộc trực, không ngại nói hết những gì mình nghĩ.
Khác với bối cảnh riêng tư của cuộc “thường huấn” cho các môn đệ, gần thành Xêdarê Philípphê, nơi Phêrô nói lên căn tính của Đức Giêsu như một lời tuyên tín được mạc khải (Mt 16,13-17); tại Bêtania, giữa nỗi buồn vì người em trai vừa tạ thế, Mácta đã công khai tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” (Ga 11, 27). Kinh nghiệm của Giáo hội chứng tỏ rằng không phải người “bạn hữu” nào của Đức Giêsu cũng có thể đứng vững trong niềm tin giữa thảm cảnh hay nghịch cảnh: vị tông đồ đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin ngày nào đã yếu đuối chối Thầy, ngoại trừ Gioan, các đệ tử khác cũng “biệt tích” trong khi Thầy bị hành hình và xử tử. Những người can trường trong đau thương là những môn đệ vững niềm trông cậy vào Thầy.
* * *
Trong tôi luôn có hai thái độ mang tính cách Mácta và Maria. Thách đố được đặt ra là tôi có nhận diện ra mình đang thiên về khuynh hướng nào và làm sao quân bình trong cung cách phục vụ Thiên Chúa và Hội Thánh. Vì cả hai tính cách đều có thể được điều hướng trong hành động đến lòng yêu mến Chúa mỗi ngày một nhiều hơn.
bài liên quan mới nhất
- Thánh tích của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đến Rôma nhân Năm Thánh
-
Một nhân viên hải quan Congo sẽ được phong chân phước -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp sẽ được phong chân phước -
Thư của cha Tổng Quyền Dòng Giảng Thuyết về việc tuyên hiển thánh cho chân phước Pier Giorgio Frassati, O.P -
Một vị thánh an bình giữa cơn bách hại -
Hai Chân phước trẻ Frassati và Acutis sẽ được tuyên thánh vào Năm Thánh 2025 -
Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và những ước nguyện -
Mừng lễ Các Thánh và những ước nguyện -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Nhận diện sự thánh thiện -
Mười bài học thiêng liêng từ thánh nữ Têrêsa Avila
bài liên quan đọc nhiều
- Sự khác biệt giữa Thiên thần và Tổng lãnh thiên thần
-
Thánh Phaolô: Hành trình từ Damas đến Roma -
Những câu nói của các Thánh về lòng Chúa thương xót -
Thánh Valentine thực sự là ai? -
Điều gì đã xảy ra với Mười Hai Vị Tông Đồ ? -
Danh sách Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xếp theo ngày lễ -
5 vị thánh đã từng tan vỡ cõi lòng sẽ phù giúp bạn trong ngày Valentine -
"Cười đến phút chót với Chiara": những giây phút cuối đời của Chiara Corbella -
Phiên khai mạc cuộc điều tra Phong Chân Phước và Phong Thánh cho Đức cha Pierre Lambert de la Motte tại Tàpao -
Mộ Thánh Phêrô: Khi khoa học xác nhận Truyền thống