Lời Chủ chăn tháng 9 năm 2009
Giáo dục đức tin sống mầu nhiệm Thánh Thể trong hoàn cảnh xã hội hôm nay
Anh em linh mục, cùng anh chị em tu sĩ giáo dân trong gia đình giáo phận
1. Cốt lõi của công cuộc giáo dục đức tin là gây ý thức và nhắc nhở, tạo cơ hội và nêu gương cho mọi người tín hữu, đặc biệt là người trẻ, sống tình yêu mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng mỗi người chúng ta từ ngày lãnh bí tích Thánh Tẩy. Tình yêu đó là tình yêu cứu độ mà Chúa Giêsu Thánh Thể đã thể hiện đến cùng. Mục đích của giáo dục đức tin là soi sáng và trợ lực cho người tín hữu bước theo Chúa Giêsu trên con đường tình yêu dẫn đến sự sống thật, sự sống dồi dào, sự sống trong yêu thương và an bình, bây giờ và mãi mãi.
2. Đặc điểm của hoàn cảnh xã hội hôm nay. Một là công việc giáo dục học đường hiện tại thiếu môn giáo dục dạy sống đạo làm người trong trời đất cũng như trong thiên hạ, song cùng với xã hội lại thừa cách dạy sống thực dụng trong gian dối, sống cá nhân hưởng thụ trong ích kỷ, từ đó phát sinh nhiều tệ nạn và bệnh tật xã hội. Hai là Giáo Hội không có những hoạt động xã hội, và đời sống Giáo Hội thu hẹp trong khuôn viên nhà thờ.
3. Bị thu hẹp trong khuôn viên nhà thờ, song kỳ thực người tín hữu có được tự do cầu nguyện và chiêm ngắm Chúa Giêsu, đặc biệt Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài vừa là hiện thân tình yêu cứu độ của Cha trên trời, vừa là Đấng tự nguyện làm tấm bánh dưỡng nuôi sức sống mới và tình yêu mới lớn lên trong ta, vừa là Thầy dạy con đường tình yêu. Do đó chúng ta hãy chuyên cần nuôi dưỡng lòng tin cậy mến đối với Chúa Giêsu Thánh Thể, và học tập nơi Ngài phương hướng và phương pháp giáo dục đức tin trong thực tế cuộc sống hôm nay.
4. Như cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy, phương hướng và phương pháp giáo dục của Ngài là dùng Lời Chúa là ánh sáng chân lý soi dẫn đường đời, dùng đời sống cầu nguyện để hiệp thông và kết hợp với Chúa Cha cùng Chúa Thánh Thần là cội nguồn sự sống và tình yêu, dùng gương sống dấn thân yêu thương và khiêm tốn phục vụ cho sự sống con người, để giáo dục cho các môn đệ mặc lấy tâm tình và tư tưởng, thái độ và hành vi yêu thương của Ngài, và bước đi trong đường lối yêu thương tới cùng của Ngài.
5. Trong thời gian qua, chúng ta đã tổ chức công cuộc giáo dục đức tin qua những sinh hoạt trong tầm tay, nay những người có trách nhiệm hãy đối chiếu với tấm gương Chúa Thánh Thể, đánh giá cách làm của mình, và cải tiến sao cho có hiệu quả hơn.
5.1 Tại đa số giáo xứ, mỗi Chúa nhật có nhiều Thánh lễ, mỗi Thánh lễ dành cho một giới. Đa số các giáo xứ có từ 3,4 đến 7, 8 ca đoàn, và có nhiều nhóm lễ sinh, mỗi ca đoàn, mỗi nhóm lễ sinh phục vụ trong một thánh lễ. Có lẽ nhờ ơn Chúa ban và những cố gắng của các linh mục cũng như của anh chị em giáo dân cùng các gia đình mà trong các Thánh lễ ngày Chúa nhật, 200 nhà thờ trong Thành phố này đều đầy người dự lễ, một số đầy tràn ra sân, ra đường. Có lẽ điều cần làm thêm là quan tâm chuẩn bị dọn bữa tiệc thánh, tiệc Lời Chúa cũng như tiệc Thánh Thể, cho thích hợp hơn với tâm thức cùng trình độ văn hoá của con người hôm nay. Trung thành với những quy định của Giáo Hội về cử hành phụng vụ là điều không thể thiếu trong việc chuẩn bị đó.
5.2 Từ nhiều năm nay, nhiều chục giáo xứ tổ chức chầu Thánh Thể suốt ngày, một số ít chầu thâu đêm. Gần đây, tại nhiều nhà thờ, có những nhóm giáo dân tự tổ chức giờ cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể hay trước tượng đài Chúa hoặc Đức Mẹ. Qua những phản ảnh, tôi nghĩ rằng họ cần được hướng dẫn giúp họ tránh chỉ chạy theo tính hiếu kỳ và tình cảm hẹp hòi, là những nguyên nhân dễ gây bất đồng, chia rẽ, xáo trộn trong cộng đoàn. Đồng thời mọi người cần được tạo điều kiện sống tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu trong đời sống làm con Chúa và làm anh em của mọi người.
5.3 Các giáo xứ tổ chức các lớp giáo lý các cấp, thường là trước hoặc sau Thánh lễ Chúa nhật. Gần như 100% trẻ theo học các lớp giáo lý đến khi lãnh bí tích Thêm sức, sau đó số % giảm dần. Cần tạo cơ hội cho người trẻ thực hành Lời Chúa dạy, đưa những giá trị nhân bản và đạo đức của Tin Mừng vào trong đời sống gia đình và xã hội.
5.4 Khuyến khích các gia đình kiên tâm duy trì giờ kinh tối trong gia đình, trợ lực cho gia đình phát huy vai trò làm cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương, ngôi trường đầu tiên giáo dục đức tin cho con em, nêu gương sống những đức tính nhân bản cùng Tin Mừng trong gia đình.
5.5 Đồng hành với 23 đoàn thể tông đồ giáo dân, tạo thuận lợi cho họ tổ chức những nhóm nhỏ học hỏi Lời Chúa, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống Lời Chúa và giáo dục con em, đồng thời tạo cơ hội cho họ thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ mọi người quanh cận, đặc biệt người nghèo khổ.
5.6 Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận, hình thành năm 2004, tổ chức các khoá học, tĩnh tâm, hội thảo, lễ hội, cho giới trẻ và các giáo lý viên, cho các đoàn thể tông đồ giáo dân, cho các gia đình, nhằm tạo khả năng và kỹ năng giúp họ sống những giá trị nhân bản và đạo đức của Tin Mừng. Đó là cách mở đường cho họ làm toả sáng tình yêu cứu độ của Chúa Kitô trong xã hội hôm nay. Hãy tạo điều kiện cho anh chị em giáo dân tích cực tham gia vào công cuộc giáo dục đức tin nầy.
5.7 Trung Tâm Văn Hoá Công Giáo, được ĐHY Sepe khánh thành năm 2005, là nơi mọi người có thể tìm gặp ngọn đuốc đức tin của các tiền nhân cùng chứng nhân đức tin sáng soi cho cuộc đời mình.
6. Ngày nay có nhiều du khách đến VN quan sát đời sống Giáo Hội từ Bắc chí Nam, đâu đâu họ cũng thấy nhà thờ, nhà tu, Đại Chủng viện đầy người, nên hỏi tôi đâu là bí quyết và tôi nghĩ gì về tương lai của Giáo Hội tại Việt Nam. Câu trả lời của tôi là trước hết nhờ ân huệ Chúa thương ban, nhờ Chúa là người gieo giống đồng hành cùng dân Người , và đã gieo nhiều hạt giống hồng ân cứu độ, hạt giống ơn đức tin, ơn gọi linh mục, tu sĩ, trên cánh đồng Việt Nam.
Đồng thời cũng nhờ ơn Chúa thương ban cho người tín hữu VN có lòng đạo bẩm sinh và trung thành với những giá trị nhân bản và đạo đức của Tin Mừng cũng như của truyền thống văn hoá lành mạnh của dân tộc. Chúa còn ban ơn cho những người trung thành với niềm tin kitô giáo biết dùng đời sống cầu nguyện và bác ái hy sinh, hoà với máu của Chúa Giêsu Thánh Thể cùng các chứng nhân đức tin và các thánh tử đạo Việt Nam, vun tưới cho các hạt giống ơn thánh phát triển xanh tươi.
7. Thế nhưng tình hình xã hội Việt Nam ngày nay đang chuyển biến. Việc đất nước mở cửa cho nền kinh tế thị trường cùng khuynh hướng toàn cầu hoá, đồng nghĩa với việc du nhập vào đất nước mình những giá trị mới, như chủ nghĩa thực dụng cùng chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ duy vật chất. Những giá trị mới nầy cuốn hút nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ, và đang từng bước thay thế những giá trị Tin Mừng cùng truyền thống văn hoá lành mạnh trong đời sống xã hội hôm nay, đồng thời đe doạ tàn phá mùa màng của các hạt giống ơn thánh.
8. Do tình thế đã đổi thay, nếp sống đạo và truyền thống đạo đức xưa nay, dù vẫn rất cần thiết, xem ra không còn đủ sức bảo vệ đời sống đức tin của nhiều bạn trẻ hôm nay. Tình hình nầy đòi hỏi giới hữu trách cùng các bậc phụ huynh cùng nhau thực hành lời Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhắn nhủ dân Chúa tại Việt Nam như sau :
(1) chú tâm phát huy tình liên đới giữa mọi người cùng mọi gia đình, cũng như giữa các thành phần dân Chúa với nhau, liên đới bảo vệ đời sống tin cậy mến, liên đới chu toàn sứ vụ làm chứng nhân Tin Mừng và lưu truyền đức tin.
(2) cùng nhau quan tâm mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin cho mọi người, giúp cho mọi người ý thức và quyết tâm =sống ơn bí tích Thánh Tẩy là theo gương Chúa Giêsu sống đạo làm con Chúa và làm anh em của mọi người.
(3) tổ chức mục vụ thích hợp nhằm chăm sóc các bạn trẻ hôm nay, đặc biệt là các bạn trẻ di dân, các bạn trẻ nạn nhân các tệ nạn xã hội cùng các bệnh tật thời đại.
Công việc tổ chức mục vụ thích hợp đòi hỏi trước hết là học tập gương Chúa Giêsu đồng hành, đồng cảm, quảng đại bao dung đối với các bạn trẻ, yêu thương phục vụ họ, đem lại bình an cho họ. Mục đích là nhằm củng cố niềm tin của các bạn trẻ, giúp họ cảm thấy Chúa thực sự yêu thương họ, và yêu thương tới cùng. Để tình yêu cảm hoá họ, trợ lực cho họ bền tâm vững chí bước theo Chúa yêu thương cứu độ như là lẽ sống cho cuộc đời họ. Đó cũng là giúp họ tái sinh thành con người mới, con người cùng với Chúa Kitô Phục Sinh sống đời sống mới, cùng với Chúa Giêsu Thánh Thể sống yêu thương đến cùng.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Giám mục của anh chị em
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024)
-
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024) -
Thánh lễ mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn -
Một chút tâm tình Mùa Vọng -
Tuần tĩnh tâm thường niên 2024 của linh mục đoàn Sài Gòn -
Chương trình “Ngày Quốc Tế Người nghèo” tại giáo hạt Thủ Thiêm -
Đại hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024 -
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu giáo hạt Tân Định mừng lễ Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023