Linh thao & cảm thức thiêng liêng
WGPSG -- Chúng ta vẫn xác tín về niềm tin của mình. Chúng ta vẫn biết Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên ta và toàn thể vũ trụ này, muôn loài muôn vật đều thuộc về Ngài. Chúng ta vẫn biết mình mang thân phận tội lỗi và Thiên Chúa đã yêu thương cứu chuộc chúng ta bằng chính giá máu của Con Một Người. Đi theo Chúa Giêsu và chia sẻ cuộc khổ nạn của Người, chúng ta hy vọng được sống lại cùng Người và được hưởng vinh phúc đời đời nơi Nhà Cha. Đó là niềm tin của chúng ta.
Hàng ngày chúng ta cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình, tạo bầu khí yêu thương trong gia đình, giữ hòa khí trong môi trường làm việc, môi trường sống của ta; chúng ta có thể luôn niềm nở, nhiệt tình với mọi người và sẵn sàng giúp đỡ với khả năng của mình; chúng ta có thể là những giáo lý viên, nhà giảng thuyết, thủ lĩnh tinh thần…; chúng ta có khả năng sống kết hợp với ơn Chúa để cân bằng nhanh tâm lý của mình, để giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống, kể cả chống lại cám dỗ… Cho dù chúng ta có hoàn hảo đến thế trước mắt người đời, chúng ta vẫn có thể bị rơi vào cơn cám dỗ tinh vi của người Pharisêu: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11-12). Cơn cám dỗ này khiến chúng ta xơ cứng trong cái vỏ hoàn hảo, chúng ta làm mọi việc đạo đức để khẳng định đẳng cấp của mình, nụ cười trở nên thường trực đến nỗi ta không thể khép lại khẩu hình trước đau khổ của người anh em, lòng nhiệt tình trở nên máy móc đến mức ta không thể thinh lặng khi người anh em cần ở yên một mình…Và khi không được khẳng định mình qua những việc làm đạo đức, ta buồn chán, thất vọng, trách cứ mọi người… rồi thờ ơ, vô cảm.
Đi tĩnh tâm linh thao dài ngày, ta rời xa mọi việc làm đạo đức hàng ngày, tịnh khẩu, tịnh tâm, ta buộc phải mở lòng ra trước Chúa mỗi ngày ít nhất là 4 lần (nghe giảng và cầu nguyện). Ở nơi này chẳng có ai cần ta cứu giúp, phục vụ, mà ngược lại, ta được phục vụ hết mình; chỉ để ta có thời gian hát lên với Chúa: “Ơi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính. Chúa Con sinh ra trong máng cỏ hang lừa. Tuy Chúa là Vua muôn nước suy phục tôn kính. Chúa bỏ ngai vàng sinh xuống trần đêm xưa”; để ta có thời gian ôn lại lịch sử cứu độ của cuộc đời mình: bắt đầu từ khi ta nghe tiếng gọi đích danh, run rẩy cởi dép ra và quì xuống trước Đấng cao cả vô biên, Đấng Mầu Nhiệm khôn lường, đến những cuộc vượt qua liên tiếp trong từng ngày sống để thoát khỏi sự bon chen với đồng loại, sự nô lệ cho ngẫu tượng và những vui thú trước mắt, để dấn thân vào con đường cứu độ -con đường Thập giá- mà Chúa Giêsu là người dẫn đường và nâng đỡ chúng ta. Ta nhận ra không phải ta đã dùng Ngài vào kế hoạch của mình mà chính Ngài dẫn ta đi theo kế hoạch của Ngài. Ngài không lôi ta xềnh xệch như ta đã từng lôi kéo bao người khác, nhưng dẫn dắt ta với sự nhẫn nại, tôn trọng và bằng tình yêu cháy bỏng, không hề suy suyển, đi qua cả cái chết.
Khi sống trong bầu khí chân thành như vậy, Ngài gieo trong ta lòng tôn kính, sự biết ơn, tin tưởng vào Đấng Toàn Năng. Ta thấy mình nhỏ bé, được bảo bọc chở che trong tình thương bao la mà rất gần gũi, riêng tư của Ngài. Mối tình thiêng liêng ấy giúp ta khiêm nhường, bao dung, mở lòng ra với mọi người một cách kính trọng và hân hoan, không hề nhàm chán hay máy móc.
Ta thấy hạnh phúc thật sâu thẳm khi sống theo nguyên lý nền tảng của Thánh Ignatio: “Chúng ta được dựng nên để ca tụng, tôn kính và phụng sự Chúa, và nhờ đó mà cứu rỗi linh hồn mình”. Quả thật, chúng ta được sinh ra từ Tình Yêu, bởi thế chúng ta chỉ hạnh phúc khi để cho Tình Yêu thấm nhập vào mình, được tung tăng trong bể Tình bất tận và được làm việc đáp trả lại Tình Yêu. Cảm thức thiêng liêng dẫn chúng ta đến với tình yêu cao cả, tình yêu đích thực của người dám quên mình vì hạnh phúc đời đời của người yêu, mà không bị mệt mỏi, tù túng, khô héo trong “cái tôi” nhỏ bé của mình.
Sài Gòn 06/8/2012
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19