Kinh Mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ tư - Năm Sự Vui - Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh

Kinh Mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ tư - Năm Sự Vui - Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh

Kinh Mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ tư - Năm Sự Vui - Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh

WHĐ (31/01/2025) – Vua Vinh Hiển này là ai? Chính là Chúa! Mầu nhiệm thứ tư - Năm Sự Vui - Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh.

Bốn mươi ngày sau khi Chúa Giêsu sinh ra, theo lịch của Giáo hội là ngày 2 tháng 2, Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse đã đến Đền thờ Giêrusalem để “để tiến dâng cho Chúa” Con trai đầu lòng của mình (Luca 2:22-38).

Mọi nam giới Do Thái đều được kết hợp vào đức tin đó thông qua nghi lễ cắt bì, diễn ra vào ngày thứ tám sau khi sinh. Tin Mừng về nghi lễ cắt bì được đọc vào Lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, ngày 1 tháng 1.

Vì vậy, đôi vợ chồng nghèo quê Nadarét này đã ở lại Giêrusalem hơn một tháng. Ban đầu họ đến để đăng ký điều tra dân số, họ ở lại để tuân thủ Lề luật Cựu Ước về việc chuộc lại con đầu lòng, mặc dù Chúa Giêsu, chính là Đấng nơi Ngài Lề luật được hoàn tất, thực sự không cần phải làm đúng theo Lề luật đó, nhưng giống như trường hợp Ngài sẵn sàng chịu Phép Rửa của Gioan, Ngài sẵn sàng tuân giữ Lề luật. Đôi vợ chồng nghèo này có gặp thấy một số người họ hàng xa trong dòng dõi Đavít của mình tại Giêrusalem không? Nào ai biết được?

Xuất Hành 13:13-16 yêu cầu con đầu lòng của người và thú vật trong dân Israel phải được chuộc lại bằng cách dâng của lễ trong Đền thờ. Tại sao? Bởi vì “ngươi phải nhượng lại cho Chúa mọi con đầu lòng của loài người và mọi con đầu lòng của loài vật trong đàn vật của ngươi” (13:12).

Hãy nhớ rằng tai họa thứ mười và cũng là tai họa cuối cùng giáng xuống người Ai Cập là cái chết của đứa con đầu lòng của họ. Chỉ sau cái chết của đứa con đầu lòng của người Ai Cập, cả người và thú vật, Pharaô mới để người Do Thái rời khỏi Ai Cập. Điều này nhấn mạnh đến quyền của Thiên Chúa đối với đứa con đầu lòng, mặc dù Ngài có quyền đối với tất cả chúng ta, và nhắc nhở Israel về những gì Thiên Chúa đã làm để họ được tự do. Ngài thậm chí còn làm nhiều hơn thế nữa bằng cách sai Con của Ngài đến thế gian!

Cựu Ước quy định việc dâng của lễ để chuộc con đầu lòng. Của lễ đó thường là một con chiên non, đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, “Chiên Thiên Chúa,” thực sự không cần phải tuân theo yêu cầu này. Tuy nhiên, Cựu Ước (Lêvi 12:8) cũng cho phép thay thế con chiên bằng “hai con chim gáy hoặc bồ câu” nếu người phụ nữ nghèo. Hãy nhớ rằng ở một nơi khác Chúa Giêsu cũng đã nói rằng hai con chim sẻ được bán với giá một xu, nhưng không có con nào từ trên trời rơi xuống mà Thiên Chúa không biết (Mátthêu 10:29-31). Kinh thánh nói rõ ràng rằng Mẹ Maria và Thánh Giuse không phải là những người giàu có.

Vì vậy, các ngài đến Đền thờ. Vào một thời điểm nào đó, cụ già Simêon sẽ gặp họ, trước hay sau khi các ngài dâng hy lễ, điều đó không được rõ. Nhưng dù sao đi nữa, cụ già Simêon sẽ đến gặp các ngài. Giống như Êlidabét và Gioan Tẩy giả trước khi sinh, “Chúa Thánh Thần ngự trên ông.” Thánh Thần đã an ủi ông bằng lời đảm bảo rằng ông sẽ không chết “trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa” (Luca 2: 26).

Có lẽ sáng hôm đó, cụ già Simêon đã đi đến Đền thờ, mà không biết rằng đây sẽ là ngày trọng đại. Cụ già Simêon gặp Thánh Gia và đến gần các ngài, muốn bế đứa con của các ngài. Bấy giờ, giống như Êlidabét trước đó, Mẹ Maria nghe thấy những điều kỳ diệu phát ra từ môi miệng của ông cụ.

Ông bắt đầu bằng cách nói chuyện với Chúa. Trong “Bài ca của Simêon”, ông tạ ơn Chúa, cầu nguyện: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi”. Simêon biết rằng Chúa đã giữ lời hứa của Ngài, và bây giờ Ngài đang giữ lời hứa của Ngài. Điều mà ông chờ đợi đã xảy ra: “Chính mắt con được thấy ơn cứu độ của Chúa”. Nhưng ơn cứu độ đó không hẹp hòi: đây là “Ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài”.

Và rồi ông nói với Mẹ Maria, bằng những lời mà chắc hẳn Mẹ đã “suy ngẫm trong lòng” suốt cuộc đời và chắc hẳn những lời này đã trở lại với Mẹ và ý nghĩa của chúng trở nên trọn vẹn tại thành Giêrusalem trên đồi Canvê 33 năm sau. “Cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà

Câu nói của Simêon chắc chắn không phải là, “Ôi, cháu bé dễ thương quá! Ma-ma, ba-ba.”

Giống như lời chào của Êlidabét, được Chúa Thánh Thần soi dẫn, Thiên Chúa cũng phán qua đôi môi con người những chân lý vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã ở trong thời đại của Ngài và ngày nay vẫn là “dấu hiệu cho người đời chống báng”. Ngài là “một hòn đá làm cho vấp, một tảng đá làm cho ngã” (Rôma 9:33; 1 Phêrô 2:8). Đối với người Do Thái, việc Ngài là chướng ngại vật gây vấp ngã” không phù hợp với cách giải thích ưa thích của họ về đức tin của mình, và đối với dân ngoại, Ngài là “sự điên rồ” (1 Côrintô 1:23). Thập giá của Ngài là “sự điên rồ”, là sự phi lý (1 Côrintô 1:18).

Đối với một số người hiện nay, Chúa Giêsu cũng không còn hấp dẫn nữa.

Chúa Giêsu hay Giáo hội của Ngài có phải là “chướng ngại vật” đối với tôi không? Chúa Giêsu hay Giáo hội của Ngài có phải là “sự điên rồ” đối với tôi không?

Sau lời tiên tri của cụ già Simêon, bà Anna xuất hiện. Giống như Simêon, bà là một người lớn tuổi “không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.” Và, giống như Simêon, bà tiến đến gần Hài Nhi và nói về Ngài như là Đấng được mong đợi sẽ mang lại “sự cứu chuộc Giêrusalem.”

Mầu nhiệm này nhắc nhở chúng ta về nhiều điều. Về quyền thống trị của Thiên Chúa đối với sự sống và cái chết và về đòi buộc của Ngài đối với chúng ta. Về lòng trung tín của Thiên Chúa đối với lời Ngài, được minh họa trong cuộc đời của Simêon và Anna. Về sự sẵn sàng của Thiên Chúa khi sử dụng những người yếu đuối và tầm thường đối với thế gian - hai người già dường như quanh quẩn trong Đền thờ - để công bố những sự thật sâu xa và mạnh mẽ, thậm chí đau đớn. Về tương lai đau đớn đang chờ đợi cháu bé này.

Simêon đã thấy trước cháu bé này sẽ là nguyên nhân gây chia rẽ, sự chia rẽ sẽ ảnh hưởng đến chính gia đình cháu. Đồng thời, ông nhận ra rằng sự chia rẽ như vậy là cần thiết: Ý muốn của Thiên Chúa đòi hỏi phải đứng về phe nào, và không phải ai cũng đứng về phe Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là có chia rẽ. Điều đó có nghĩa là có phân cực. Điều đó có nghĩa là có sự tách biệt cừu khỏi dê, bởi vì dê dù mang một thẻ căn cước thay thế vẫn không phải là cừu. Thậm chí đôi khi chúng lại có thể là sói.

Mầu nhiệm này được Giovanni di Paolo, một họa sĩ người Ý trường phái Phục Hưng thời kỳ phôi thai, quê ở Siena, mô tả. “The Presentation in the Temple - Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh”, có niên đại từ năm 1435, được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, nhưng không được trưng bày.

Giovanni di Paolo, “Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh”, 1435 (ảnh: Juan Trujillo / Public Domain)

Cảnh này ghi lại khoảnh khắc dâng hy lễ cứu chuộc trên bàn thờ, rất giống bàn thờ theo phong cách Công giáo, có cả màn che. Vị tư tế Do Thái, đứng phía sau bàn thờ, nhìn chằm chằm vào Simêon, người đang bế Hài nhi, chăm chú nhìn vào Đấng mà ông đã chờ đợi suốt những ngày tháng dài. Mẹ Maria, người đã trao đứa trẻ, giờ đây chờ đợi với đôi tay mở rộng để đón nhận Ngài trở về, như Mẹ sẽ đón nhận Ngài trong tương lai sau khi trái tim của Chúa Giêsu và của Mẹ bị những thanh kiếm đâm thâu. Bà Anna cao niên, hơi khom lưng, đứng bên phải. Thánh Giuse đứng bên trái, tay giữ đôi bồ câu. Các viên chức Đền thờ khác đang suy nghĩ, những người nghèo ở bên phải, một số phụ nữ giàu có hơn, có lẽ là những người tài trợ cho bức tranh (?) ở bên trái. Bối cảnh bên trong của bức tranh rất tiêu biểu của thời Phục hưng, không phải của Israel cổ đại.

Gentile da Fabriano đã vẽ một bức “Presentation” rất giống với bức của di Paolo: xem tại https://www.metmuseum.org/art/collection/search/436513.

Phêrô Phạm Văn Trung

Chuyển ngữ từ: ncregister.com (28/07/2024)

Top