Khiêm tốn và hành trình tìm kiếm sự hiểu biết

Khiêm tốn và hành trình tìm kiếm sự hiểu biết

Khiêm tốn và hành trình tìm kiếm sự hiểu biết

WHĐ (03/02/2025) - Trước khi vào chủ đề này, chúng ta thử xem mẩu đối thoại trong lớp giáo lý, thầy Phêrô đang giảng về đức khiêm nhường. An giơ tay hăng hái.

- An: Thưa thầy, con nghĩ con hiểu khiêm nhường là gì rồi! Khiêm nhường nghĩa là... không khoe khoang, không tự cao, phải giả vờ mình kém hơn thực tế một chút, đúng không ạ?

- Thầy Phêrô: Ồ, vậy nếu con làm bài kiểm tra được 10 điểm mà nói với bạn là “Mình chỉ làm được 5 điểm thôi” thì có phải khiêm nhường không?

- An: Dạ… con nghĩ là có ạ! Vì con không khoe khoang mà!

- Minh: (cười) Thầy ơi, con nghĩ bạn An đang nhầm rồi! Khiêm nhường đâu phải là nói sai sự thật!

- Bình: Đúng rồi, khiêm nhường là chấp nhận sự thật về bản thân, nhưng không tự cao, cũng không hạ thấp mình một cách giả tạo.

- Thầy Phêrô: Chính xác! Khiêm nhường không phải là giả vờ yếu kém, mà là nhận biết sự thật: mình có tài năng gì, mình còn thiếu sót gì, và tất cả đều là ơn Chúa ban.

- Minh: Vậy tức là nếu con giỏi đàn mà ai đó khen, con không cần phải nói "Ôi, mình đàn dở lắm" mà chỉ cần cảm ơn Chúa, đúng không ạ?

- Thầy Phêrô: Tuyệt vời! Khiêm nhường là sống thật, nhưng không kiêu ngạo. Như Chúa Giêsu đã dạy: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.” (Mt 23,12).

- An: Vậy có nghĩa là… nếu con không giỏi môn toán thì con cũng nên thừa nhận, không nên giả vờ giỏi hơn đúng không ạ?

- Thầy Phêrô: Chính xác! Khiêm nhường giúp con biết chấp nhận sự thật và không so đo với người khác. Đó là lý do các thánh luôn khiêm nhường, vì họ ý thức rằng tất cả đều là ân sủng của Chúa.

- Bình: Con nhớ đến Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Ngài luôn khiêm nhường và tin rằng dù nhỏ bé, Chúa vẫn yêu thương và nâng đỡ.

- Minh: Còn Thánh Phanxicô Assisi nữa! Ngài từ bỏ tất cả để sống nghèo khó, nhưng luôn vui vẻ và khiêm nhường trước mọi người.

- Thầy Phêrô: Rất tốt! Vậy bây giờ mỗi người thử chia sẻ một hành động nhỏ thể hiện sự khiêm nhường mà các con có thể làm trong tuần này nhé!

- An: Con sẽ không cãi với em con nữa, vì lúc nào con cũng muốn tỏ ra mình đúng!

- Minh: Con sẽ ngừng khoe khoang với bạn về điểm số của mình.

- Bình: Con sẽ chủ động giúp đỡ bạn nào yếu hơn trong lớp mà không chờ ai nhắc.

- Thầy Phêrô: Rất tốt! Nhớ rằng khiêm nhường không phải là hạ thấp mình mà là để Chúa nâng mình lên!

(Cả lớp cười vui vẻ, kết thúc buổi học trong sự hứng khởi.)

Với vài gợi hứng trên, tôi viết những dòng này để chia sẻ với các bạn trẻ Công giáo về một trong những nhân đức trong Công giáo: khiêm tốn. Chúng ta học giáo lý rằng khiêm nhường chớ kêu ngạo. Đây không chỉ là bài học thuộc lòng nhưng còn là châm ngôn sống để đạt được thành công và hạnh phúc đích thực. Dưới đây tôi chia sẻ cho bạn thấy nền tảng logic của thái độ khiêm nhường đưa ra đến với mọi đường lối khôn ngoan.

Để bắt đầu, tôi muốn trích dẫn bài thơ của người Hungary:

“Nézd a' búzakalászt, büszkén emelődik az égnek,
Még üres; és ha megért, földre konyítja fejét.
Kérkedik éretlen kincsével az iskola gyermek,
Még a tellyes eszű Bölcs megalázza magát.”
(Az igaz Bölcs, 1806)

Tôi tạm dịch sang tiếng Việt Nam:

“Hãy nhìn bông lúa mì, ngẩng cao đầu tự hào với trời xanh,
Khi còn rỗng, và khi chín, cúi mình xuống đất.
Đứa trẻ khoe khoang với kho báu non nớt trong trường học,
Nhưng bậc hiền triết khôn ngoan luôn hạ mình khiêm tốn.”

Hình ảnh đồng lúa, hay những cây lúa rất quen thuộc với văn hóa nông nghiệp nước ta. Lúa trĩu hạt bao giờ cũng cúi đầu, chỉ có những bông lúa lép hoặc cỏ dại mới ngẩng cao đầu. Hai hình ảnh trái ngược gợi lên cho mỗi người về cách thức hành xử trong cuộc đời. Bạn có tự do để chọn cách sống khiêm tốn hay kiêu ngạo. Đó cũng là lúc bạn muốn mình thành cỏ hoang hay bông lúa nặng hạt. Về logic, không ai muốn mình thành người vô dụng, thành cỏ lùng vốn chẳng có ích chi. Nhưng trên thực tế, cỏ hoang lại khoác cho chúng ta chiếc áo của hào quang lấp lánh. Lý do? Chúng ta thích được người đời khen ngợi, quyền cao chức trọng luôn hấp dẫn con người. Tiếc rằng nhiều bạn trẻ, thậm chí trong đó có tôi, lầm tưởng rằng thái độ kiêu ngạo sẽ giúp chúng ta đạt được những điều này. Không, hoàn toàn ngược lại.

Từ hình ảnh cây lúa giờ đây chuyển sang một học sinh. Trường học vốn là khoảng không gian và thời gian để chúng ta tiếp nhận kiến thức (Cognitio) và tri thức (Scientia). Cả hai đều là kết quả của quá trình học hỏi, tìm hiểu và trải nghiệm. Chúng đều liên quan đến việc tiếp thu thông tin và khả năng hiểu biết về thế giới. Nhưng rõ ràng tri thức mang tầm vóc cao rộng hơn. Ví dụ tri thức là sự hiểu biết sâu sắc, ứng dụng của kiến thức vào thực tế một cách có ý nghĩa. Chúng đến từ sự chiêm nghiệm, trải nghiệm thực tế, và tư duy phản biện. Người tri thức thường sâu sắc, thấu hiểu và sáng tạo. Dù sao, cả hai điều này cần một thái độ quan trọng, đó là sự khiêm nhường.

Hiền triết thích sự khôn ngoan, khôn ngoan đưa hiền triết đến với sự khiêm nhường. Ngược lại, một học sinh khoe khoang hoặc kiêu ngạo với kiến thức mình có, hẳn là người này muốn mình hơn người khác. Với cặp mắt xem trời bằng vung, hoặc cho mình là giỏi nhất, thử hỏi người này có thể học được gì từ thầy cô, bạn bè? Kiến thức và tri thức chỉ có thể thẩm thấu vào một trí óc trống rỗng, nghĩa là họ sẵn sàng đón nhận. Một tâm hồn khép kín sẽ ngăn chặn mọi thứ từ bên ngoài. Thái độ này nguy hiểm cho tiến trình trở nên người tri thức. Ngược lại, hiền triết hoặc những người khiêm tốn biết để tâm đến mọi người; họ thích học hỏi và luôn có thái độ lắng nghe tích cực. Khiêm tốn cho họ cơ hội để thẩm thấu những giá trị vững bền.

Giờ đây cho phép tôi phân tích triết lý hơn một chút. Ông tổ của mọi triết gia Socrates đã nói thế này: “Hiểu biết đích thực là biết rằng mình không biết gì cả.” Câu nói này rất giống với chia sẻ của Albert Einstein: “Càng học, tôi càng nhận ra mình chẳng biết gì.” Đây không phải là thái độ giả vờ hoặc ngụy biện. Đây là chân lý, vì chúng ta không thể biết hết mọi sự. Dù ai đó hiểu biết rất nhiều, nhưng rõ ràng kho tàng kiến thức của nhân loại, những bí mật của thế giới là muôn trùng, tới lúc nào ta mới hiểu hết được! Thái độ khiêm tốn này đẩy chúng ta lên đường học hỏi và tìm kiếm: Khiêm tốn tìm kiếm sự hiểu biết. Trên hành trình này, người khôn ngoan và người luôn hạ mình kiếm tìm. Họ biết ơn khi nhận được tri thức, biết đối nhân xử thế với con tim nhạy bén của người khiêm nhường. Ánh mắt họ toát lên sự tinh khiết của người muốn hiểu biết thêm. Khuôn mặt họ rạng ngời khi thẩm thấu được chút chân lý của cuộc đời. Với họ, mỗi bài học, dù nhỏ đến đâu, cũng khiến họ cúi đầu biết ơn. Tóm lại, Socrates cho rằng người khôn ngoan cần ba điều:

- Khiêm nhường trí tuệ, thực sự biết rằng kiến thức của mình chỉ là một phần nhỏ so với sự bao la của vũ trụ.

- Khuyến khích học hỏi, thừa nhận “không biết“ là khởi đầu của sự học hỏi, mở ra cơ hội để tìm tòi, khám phá và phát triển bản thân.

Và tránh tự mãn, để nhận ra sự hạn chế giúp tránh kiêu ngạo, luôn duy trì tinh thần cầu tiến.

Các bạn trẻ thân mến,

Tuổi trẻ có thể mắc sai lầm, nhưng hy vọng sau mỗi sai lầm chúng ta rút ra những bài học quý giá. Qua năm tháng tại trường học cũng như trường đời, thái độ khiêm nhường luôn là kim chỉ nam để chúng ta trưởng thành hơn, khôn ngoan hơn. Câu thơ trên đã khéo léo sử dụng hình ảnh bông lúa để minh họa hành trình trưởng thành của con người. Khi còn “non và xanh”, bông lúa vươn cao kiêu hãnh, nhưng khi “chín chắn”, nó cúi đầu xuống, như một biểu tượng của sự khiêm nhường. Tiếng Việt thật hay khi dùng từ “trẻ người non dạ”, hoặc “Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại”. Điều này cho thấy rằng con người, khi còn thiếu kinh nghiệm hoặc non nớt trong tri thức, thường dễ dàng khoe mẽ, tự hào về những hiểu biết nhỏ bé của mình. Ngược lại, khi đạt đến “độ chín” trong nhận thức, người trưởng thành không còn cần phải thể hiện bản thân qua sự khoe khoang mà chọn cách khiêm nhường, tôn trọng người khác và biết những giới hạn của chính mình.

Khiêm nhường không chỉ là một đức tính cá nhân mà còn là một phần thiết yếu trong đời sống Kitô hữu. Nó giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa và với người khác. Khiêm nhường cho phép các tín hữu nhận ra rằng mọi điều họ có đều là ân sủng từ Thiên Chúa và rằng họ được kêu gọi để phục vụ người khác với tình yêu thương. Cụ thể hơn, xin cho tôi trích ở đây vài cách Kinh Thánh diễn tả về đức tính khiêm nhường:

Cựu Ước (Tiếng Do Thái)

עֲנָוָה (ʿănāwāh) là từ chính diễn tả sự khiêm tốn, khiêm nhường. Nó xuất hiện trong sách Châm Ngôn và Thi Thiên, diễn tả một thái độ nhún nhường trước Thiên Chúa. Ví dụ: “Phần thưởng của sự khiêm tốn (ʿănāwāh) và kính sợ Đức Chúa là sự giàu có, vinh dự và sự sống.” (Cn 22,4).

עָנִי (ʿānî) cũng diễn tả đức khiêm nhường, nhưng hướng đến “người nghèo, người hèn mọn, người khiêm nhường”. Nó nhấn mạnh sự lệ thuộc vào Thiên Chúa, thường được dùng để chỉ những người thấp bé trong xã hội nhưng được Chúa nâng đỡ. Ví dụ: “Đức Chúa nâng đỡ những người khiêm nhường (ʿānî), nhưng hạ nhục những kẻ gian ác.” (Tv 147,6).

שָׁפַל (šāp̄al) lại có nghĩa “hạ mình xuống, khiêm tốn”. Thường diễn tả hành động tự hạ thấp trước Thiên Chúa. Ví dụ: “Đức Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho những ai khiêm nhường" (Cn 3,34).

Tân Ước (Tiếng Hy Lạp)

ταπεινοφροσύνη (tapeinophrosynē) – Đây là từ Hy Lạp phổ biến nhất cho “khiêm tốn”, nghĩa đen là “có một tinh thần khiêm nhường, suy nghĩ thấp về mình”. Nó xuất hiện nhiều lần trong các thư của thánh Phaolô. Ví dụ: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu: Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ...” (Pl 2,5-8).

ταπεινός (tapeinos) – có nghĩa là “thấp bé”. Nó được dùng để mô tả tâm thế của người tin tưởng vào Chúa, không kiêu căng. Ví dụ: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,12).

πραΰς (praÿs) – Nghĩa là “hiền lành, dịu dàng, khiêm tốn”, thường được dùng để mô tả Chúa Giêsu. Ví dụ: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường (praÿs)” (Mt 11,29).

Như vậy, trong năm mới này, ước gì bạn và tôi cùng nhau tập sống khiếm tốn. Nghĩa là mỗi người nhận biết sự thật về bản thân. Khiêm tốn không có nghĩa là coi mình thấp kém một cách tiêu cực, mà là nhìn nhận đúng vị trí của mình trước Thiên Chúa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tín thác vào Thiên Chúa: Người khiêm tốn không tự mãn với khả năng của mình mà ý thức rằng tất cả đều đến từ Thiên Chúa. Trên hành trình này, chúng ta luôn có mẫu gương của Chúa Giêsu: Đức Giêsu Kitô là hình mẫu tuyệt vời nhất về sự khiêm tốn. Dù là Thiên Chúa, Ngài đã trở thành người phàm và chịu chết vì nhân loại (Pl 2,5-8).

Để kết thúc, tôi xin trích thêm một câu châm ngôn trong Kinh Thánh rất gần với nội dung bài thơ trên: “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường” (Châm Ngôn 11,2). Dĩ nhiên tôi muốn theo đuổi con đường khôn ngoan với thái độ khiêm nhường như bông lúa nặng hạt. Với thái độ này, tôi sẽ bước vào đời với tâm hồn rộng mở, mở ra với mọi người, mở ra với đất trời, mở ra với thế giới. Chỉ như thế, tôi mới không phụ lòng lời của một người mẹ nhắn cho đứa con mình:

“Con ơi, hãy hoàn thành công việc của con một cách nhũn nhặn,
thì con sẽ được yêu mến hơn người hào phóng.
Càng làm lớn, con càng phải tự hạ,
như vậy, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.” (Huấn Ca 3,17-18)

Top