Họp mặt anh chị em Giáo lý Dự Tòng TGP.TPHCM
WGPSG -- Nhằm tạo cơ hội cho anh chị em Dự tòng va Giáo lý viên phụ trách Giáo lý Dự tòng được gặp gỡ các Giám mục trong Giáo phận để cảm nghiệm và sống cách cụ thể mầu nhiệm Hiệp thông trong Giáo Hội, Ban Giáo lý TGP.TPHCM –do cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền làm Trưởng ban– đã tổ chức cuộc gặp gỡ Mùa Chay dành cho tất cả anh chị em Dự tòng và Giáo lý viên.
Vào lúc 15g30 ngày 28/2/2010, tại khuôn viên Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM, đã có sư hiện diện của hơn 1.000 người gồm: 450 dự tòng cùng những người đỡ đầu đến từ 36 giáo xứ trong giáo phận, 96 giáo lý viên, cùng với thân nhân bạn bè của các anh chị dự tòng. Các anh chị em dự tòng cùng thân nhân đã nhận được sự tiếp đón rất ân cần niềm nở.
Phần chuẩn bị
Lúc 16:00, tất cả tập trung trong Hội trường GB. Phạm Minh Mẫn để nghe giới thiệu chương trình, để được hướng dẫn về ý nghĩa cuộc họp mặt với Đức Hồng Y và về Nghi thức Tuyển chọn.
Trong phần giải lao từ 17:10 đến 18:20, mọi người uống nước, ăn bánh, sau đó ra ngồi ngoài sân xem các ca sĩ, nghệ sĩ diễn tả hạnh phúc của “những người tin” với những bài ca vừa sôi động hân hoan, vừa sâu đậm tha thiết. Khán giả tích cực vỗ tay hòa lời ca thật phấn khởi. Lúc này bóng mát đã phủ khắp mảnh sân rộng của Trung tâm Mục vụ. Gần 1500 chiếc ghế dựa đã kín người ngồi.
Người Dự tòng cao tuổi nhất
Tranh thủ lúc giải lao, chúng tôi đã gặp gỡ chuyện trò với người Dự tòng cao tuổi nhất. Đó là cụ Huỳnh Văn Bê, 80 tuổi, đến từ Giáo xứ Thủ Đức. Cụ được học Giáo lý từ quý Sơ và quý Thày. Cộng đoàn của cụ đến đây hôm nay gồm 34 anh chị dự tòng. Cụ lấy vợ là người Công giáo, 3 người con của cụ được rửa tội từ nhỏ. Trước đây thỉnh thoảng cụ cũng đi nhà thờ.
Khi được hỏi: “vậy sao bây giờ mới theo đạo”, cụ hồn nhiên nói:
“Trước đây do mê mải làm ăn nên không quan tâm, hơn nữa, tôi nghĩ đạo nào cũng tốt miễn sao sống cho đàng hoàng.”
Được hỏi tiếp: “Sao lúc này cụ lại quyết định theo đạo Công giáo?”, cụ chân thành kể:
“Thú thật, lúc đầu do vợ con nói quá, lại được quí thầy thường xuyên thăm viếng khuyến khích và giải thích nhiều điều, tôi thấy hữu lý quá nên đi học vài buổi thử xem. Nhưng sau đó, càng học tôi càng vỡ lẽ ra nhiều điều và thấy hết sức hối tiếc vì đã được biết về Chúa quá trễ. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy cũng không muộn màng gì, cũng vừa kịp lúc để tôi có đủ thời gian sống theo Chúa để được cứu độ và về Nước Trời với Chúa.”
Lại được hỏi: “điều gì làm cụ vui nhất?”, cụ phấn khởi tâm sự:
“Trước đây, tôi cứ nghĩ, sống sao cho đàng hoàng là được, nhưng lúc này tôi thấy sống như vậy chung chung quá, chông chênh quá, không thể an tâm mỗi khi giật mình suy nghĩ. Nay tôi sống có niềm tin, cụ thể là tin Chúa Giê su, đó là điều làm tôi vui nhất. Điều làm tôi vui hơn nữa, khi tôi được đến với cộng đoàn, nhất là đêm nay được sự quan tâm của Đức Hồng Y và các Đấng bậc, cùng với mọi người.”
Trò chuyện với Đức Hồng Y và Đức Cha Phụ Tá
Lúc 18:20, Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn và Đức Cha Phụ Tá Phêrô Nguyễn Khảm đến trong tiếng hát chào mừng rộn ràng vui tươi của cộng đoàn.
Trong lời chào khai mạc, anh Tạ Đình Vui nói Trung Tâm Mục vụ là “nhà của mình”, là ngôi nhà của chúng ta, khiến mọi người cảm thấy thật ấm lòng. Các anh chị dự tòng càng thêm ấm lòng, khi biết mình sắp sửa được chính thức công nhận là con cái của Cha trên trời: “Đây là con Ta, người đã được Ta tuyển chọn”
Thay mặt các anh chị dự tòng, anh Hoàng Bảo hỏi ĐHY:
- Thưa ĐHY, theo đạo rồi vẫn còn có bàn thờ ông bà thì có được không?
Với sự dụng dị vốn có, ĐHY đã trả lời đại ý rằng:
- Sở dĩ trước đây Công giáo không cho thờ cúng ông bà vì đã có những hiểu lầm về nghi thức. Có một thời, các nhà truyền giáo thấy nghi thức thờ cúng ông bà giống với nghi thức thờ Thiên Chúa, nên đề nghị với Vatican nên cấm việc thờ cúng ống bà này, lý do: chỉ được thờ lạy một mình Thiên Chúa thôi. Sự hiểu lầm kéo dài đến mấy thế kỷ. Nhưng từ năm 1960, khi Công đồng Vatican II nhóm họp, thì mọi hiểu lầm được khai thông: các nghi thức Á Đông trước đây trước di ảnh tổ tiên chỉ diễn tả lòng hiếu thảo thôi. Ngày nay bàn thờ ông bà có thể đặt ngay dưới bàn thờ Chúa, việc đó không những có vấn đề gì, mà còn được cổ võ.
Một câu hỏi rất cảm động của chị Thanh Vân được đưa ra, khi chị kể về trường hợp của mình, đại ý, chị có một con trai, khi cháu hấp hối nằm trong phòng cách ly, cứ đòi bằng được một cây Thánh giá nhưng không thể có được. Cha cháu mới bảo với con mình rằng, con cứ bắt chéo hai tay thay cho Thánh giá. Như vậy, con chị có được phần rỗi không vì cháu đã qua đời mà chưa được đổ nước rửa tội?
Đức Cha phụ tá đã trả lời ngay rằng, Bí tích Rửa tội có 3 loại: Rửa bằng nước, bằng lửa và bằng máu. Trường hợp con chị: đã được rửa bằng Lửa của lòng yêu mến, vì thế, chị hãy an tâm, con chị đã được cứu độ.
Xuất hành mới
Sau phần "Trò Chuyện với Chủ Chăn", Thánh lễ đã bắt đầu với sự chủ tế của Đức Hồng Y, đồng tế với Đức Giám mục phụ tá và 3 linh mục.
Trong bài giảng, Đức cha phụ tá đã nói với các anh chị em sắp nhận bí tích rửa tội vào đêm vọng Phục sinh sắp tới. Đức Cha nhắc đến 40 năm lưu đầy của dân Chúa thời Cựu ước, 40 ngày Chúa chay tịnh và chịu cám dỗ, là lý do để để Mùa Chay của Giáo Hội kéo dài 40 ngày. Ngài đặc biệt nhấn mạnh, không phải khi nhận bí tích rửa tội là hoàn tất mọi việc, nhưng đó mới chỉ là lúc khởi hành cho một cuộc Xuất Hành mới, Xuất Hành với Chúa, vì không có Chúa, mình không thể thực hiện được cuộc Xuất Hành nội tâm này: thoát khỏi nô lệ tội lỗi để đi tâm linh được tự do trong Chúa.
Tiếp theo phần Chia sẻ Lời Chúa, các anh chị dự tòng đã được chính thức tuyển chọn qua một nghi thức do ĐHY đích thân chủ sự.
Thánh lễ kết thúc cùng với lời cám ơn của đại diện các dự tòng.
Nhạc dân tộc và ánh trăng đêm Nguyên Tiêu
Lễ Tuyển Chọn đã trở nên sinh động và đặc biệt ấn tượng nhờ sự góp phần không nhỏ của âm nhạc với CLB Lửa Hồng, các ca sĩ, ca đoàn Cát Minh, đặc biệt qua Nhóm đàn Dân tộc với tiếng đàn tranh réo rắt cùng với ngón sáo thật điêu luyện du dương, mà nhờ đó, đã có người nhắm mặt thưởng thức ngồi “Thiền” đến quên hết mọi chuyện xung quanh.
Và, thật tình cờ, một tình cờ đầy ý nghĩa nên thơ, đêm 28/2 lại chính là Đêm Nguyên Tiêu, đêm của trăng rằm tháng giêng, một đêm mà văn chương bình dân mô tả:“Giỗ tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng.”
Đêm nay, khoảng sân rộng của Trung Tâm có một lúc đã tắt hết đèn điện, chỉ còn nguyên ánh trăng lung linh trên cao. Chưa bao giờ cái không gian của Trung Tâm lại đẹp đến thế, và càng trở nên quí giá biết bao, khi giữa lòng thành phố xô bồ xây dựng đầy xi măng cốt thép và đèn điện đủ mầu, lại có một khoảng thiên nhiên với ánh trăng dịu dàng huyền ảo đến thế.
bài liên quan mới nhất
- Đại hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu giáo hạt Tân Định mừng lễ Chúa Kitô Vua -
Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024 -
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023