Hội thảo kỷ niệm 400 năm Dòng Tên hiện diện tại Việt Nam
WGPSG -- Vào sáng thứ Bảy, ngày 28/6/2014, buổi Hội thảo 400 năm Dòng Tên loan báo Tin Mừng trên đất Việt Nam, đã được tổ chức tại hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, số 6 Tôn Đức Thắng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến tham dự có Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Giáo phận Bắc Ninh, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và giáo dân trong và ngoài Giáo phận. Chủ tọa hội thảo là cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, Bề trên Tỉnh dòng và hai diễn giả là cha Phanxicô Nguyễn Hai Tính, SJ và cha Antôn Phaolô Trần Quốc Anh, SJ.
Để mở đầu, cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ - Trưởng ban Tổ chức - đã nói lên lòng biết ơn đối với các nhà truyền giáo tiên khởi của Dòng Tên đã đến và giới thiệu Đạo Kitô cho người Việt. Cha nhấn mạnh về những đóng góp quan trọng của các ngài cho đất nước và cho nền văn hóa Việt Nam của cha Alexand Rhodes, cha Girolamo Maiorica, cũng như các di sản mà các ngài để lại, như: chữ Quốc ngữ, sách Giáo lý, sách Thánh Kinh bằng tiếng Nôm…
Đề tài thứ nhất: “Thuyết Tam phụ và đạo hiếu - Một nỗ lực hội nhập văn hóa. Nền văn hóa Nho giáo tại Việt Nam thời xưa”. Cha Antôn Phaolô Trần Quốc Anh, SJ, đã trình bày sơ lược về bối cảnh lịch sử Việt Nam cách đây 400 năm và sứ mạng đưa những giá trị Tin Mừng vào đời sống tâm linh người Việt của các vị Thừa Sai Dòng Tên. Vào thế kỷ 17, xã hội phong kiến Việt Nam được tổ chức dựa trên tôn ti trật tự: Tam cương, Ngũ thường và Tứ đức. Những tư tưởng, thuyết giáo ấy trở thành chuẩn mực đạo đức chi phối cách ứng xử giữa các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Do đó, những câu hỏi đặt ra cho các nhà truyền giáo là làm sao để những giá trị Tin Mừng có thể cắm rễ sâu trong một xã hội ảnh hưởng nặng nề bởi Nho giáo và Phật giáo như thế. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của Linh thao I-nhã, những khái niệm Thượng phụ - Trung phụ - Hạ phụ được các nhà truyền giáo vận dụng tinh tế và được đông đảo tín hữu chấp nhận. Các ngài đề cao việc tôn thờ Ông Trời, kính vua và thảo hiếu với cha mẹ là những nguyên tắc đạo đức bất biến, nhưng vẫn biết kính sợ Thiên Chúa tối thượng. Trong các sách “Minh giáo”, “Phép giảng tám ngày” hay “Giảng đạo thật”, các giá trị Quân Sư Phụ, hiếu thảo, thờ cha kính mẹ và phục vụ vua chúa được các ngài trân trọng, gìn giữ và dạy dỗ cho các dự tòng. Chính những việc làm đó đã phản bác quan niệm việc theo Đạo Kitô là xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Hơn nữa, những giá trị của Kitô giáo đã tạo ra những nét tương đồng với các tôn giáo khác, như: Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, và đi vào đời sống tâm linh của người Việt.
Đề tài thứ hai: “Ngôn ngữ biểu trưng trong giáo lý. Sách giáo lý của cha G. Maiorica và sáng kiến hội nhập văn hóa”. Cha Phanxicô Nguyễn Hai Tính, SJ, đã làm rõ hơn về một nhân vật đã có công lớn trong việc hình thành nên các tác phẩm văn xuôi Nôm có một không hai vào thế kỷ 17, đó là cha G. Maiorica, tác giả của 48 cuốn sách viết bằng chữ Nôm, nội dung xoay quanh về các sách truyện Thánh, sách Giáo lý và Thánh Kinh cho người bình dân. Trong đó, sách “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” (nhập môn giáo lý Đức Chúa Trời) được cho là một cuốn sách đầu tiên do cha G. Maiorica viết. Trong cuốn sách, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều từ ngữ cổ như: “đí” gì?, “dái” là sợ, “dộng” là tâu, “cha mày” là cha nuôi, “min” là tôi, và sử dụng cấu trúc ngôn ngữ phương Tây. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên thú vị khi các cụm từ nhà đạo như: sinh thì, cả sáng, chịu lụy, hằng sống, trị đến... đã có cách đây 400 năm. Đặc biệt, các cha Dòng Tên đã giải thích giáo lý, đức tin Kitô giáo rất dễ hiểu và dễ tưởng tượng cho người bình dân bằng việc sử dụng ngôn ngữ biểu trưng rất gần với ngôn ngữ biểu tượng. Nghĩa là, giúp cho người đọc cảm nhận ý nghĩa sâu xa bên trong chứ không phải bên ngoài. Chính cách làm sáng tạo này đã giúp cho đa số người bình dân thời đó đọc, hiểu sách Giáo lý và Thánh Kinh, và gia nhập Đạo Kitô.
Ngoài các đề tài trên, các diễn giả còn nhận rất nhiều các phản hồi và ý kiến của các tham dự viên xoay quanh vấn đề hội nhập văn hóa Việt Nam của Tin Mừng, trong đó có những kinh nghiệm quý báu của những người soạn thảo sách Giáo lý, như cha Nguyễn Cao Siêu, SJ đã chia sẻ: “Chúng ta rút ra được những gì khi chứng kiến sự đóng góp công sức và di sản của các nhà truyền giáo Dòng Tên đã để lại cho đất nước và văn hóa Việt Nam? Chúng ta sẽ làm gì để 93% dân số Việt Nam nhận ra Chúa Kitô? Chúng ta sẽ làm gì cho công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam ngày nay, nhất là đối với các bạn trẻ, những người nắm giữ tương lai của xã hội, Giáo hội?”
Qua buổi hội thảo này, chúng ta thấy rõ giá trị di sản đạo Kitô thật lớn lao, được hình thành trong một giai đoạn khó khăn, đầy thử thách nhờ các nhà truyền giáo Dòng Tên. Chính cha ông ta đã gìn giữ và lưu truyền niềm tin ấy, di sản ấy, để hôm nay, chúng ta vui mừng, hãnh diện vì là con cháu các ngài.
bài liên quan mới nhất
- Tiến trình phong chân phước giai đoạn giáo phận cho Cha Arrupe đã hoàn tất
-
Thánh lễ Truyền chức Phó tế và Linh mục thuộc Tu đoàn Nhà Chúa -
Ngọn nến Tháng 11 -
Tu đoàn Chị Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ mừng kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi -
Giờ tưởng niệm cha Thánh Phanxicô Assisi lâm chung 03.10.2024 -
Chào tháng 10 - Chào Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu -
Niềm vui của Dòng Tông Đồ Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi - Rogate -
Thánh lễ tạ ơn 25 năm thành lập Liên hiệp nữ Cát Minh Chân Trần Việt Nam -
Thánh lễ truyền chức linh mục thầy phó tế Phêrô Hoàng Khanh Nguyễn Ngọc Thuận, CS -
Thánh lễ khai giảng lớp Thần học Liên dòng Nữ năm học 2024-2025
bài liên quan đọc nhiều
- Cung hiến nhà nguyện Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn
-
Có thật là có “quỷ nhập” và “trừ quỷ”? -
Đan viện Cát Minh Sài Gòn: Lễ Thánh Têrêsa Hài đồng & Lễ Thánh Têrêsa Avila -
Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp: Lễ an táng nữ tu Têrêsa Phan Thị Thanh Nhì và nữ tu Maria Trần Thị Kim Chi -
Dòng Thánh Thể - Tỉnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Thánh lễ Truyền Chức Linh mục và Phó tế ngày 02/12/2023 -
Lễ Truyền Chức phó tế và linh mục tại Học viện Phanxicô Thủ Đức -
Tân Giám tỉnh Dòng Salêdiêng Bosco Việt Nam -
Văn phòng Đặc Trách Tu Sĩ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo hướng dẫn cử hành Phụng vụ -
Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán: Thông báo về việc tin giả mạo ngày 4-8-2021 -
Lễ Khánh Thành Nhà dưỡng lão Vị Hoàng: “Yêu thương- Sống khỏe - Sống vui”