Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP.TPHCM mừng bổn mạng
WGPSG -- Vào lúc 10 giờ sáng ngày 10/7/2010, tại nhà thờ giáo xứ Tân Định, một thánh lễ trọng thể và ấm cúng đã được cử hành mừng kính Thánh nữ tử đạo Anê Lê Thị Thành, quan thày của Hội các Bà mẹ Công giáo.
Thánh lễ do Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục GP. Phan Thiết chủ tế, cha Tổng linh hướng GB. Võ Văn Ánh đồng tế, cùng với sự tham dự của gần 500 hội viên nòng cốt gồm các quý chị, quý mẹ đến từ nhiều giáo xứ trong Giáo phận.
Không rềnh rang cờ xí nhiều màu, cũng chẳng ồn ào kèn trống, chỉ với những tà áo dài trắng và chiếc khăn xanh đơn sơ duyên dáng quàng ngang trên cổ, ngay từ hồi 9 giờ sáng, các chị các mẹ đã làm cho ngôi thánh đường cổ kính của giáo xứ Tân Định như tăng thêm phần sinh động bằng những vẻ mặt vui tươi rạng ngời của mình.
Niềm vui của lễ bổn mạng như được nhân lên, khi hôm nay, mọi người đã được gặp lại “cố nhân”, là người cha chung thân yêu từ Giáo phận Phan Thiết xa xôi, nhưng đã cất công lặn lội về với họ trong ngày đầy ý nghĩa này.
Đừng sợ
Ngỏ lời chào mừng trước khi nhập lễ, Đức cha đã nói lên sự vui mừng của ngài vì có dịp được về thăm Giáo phận cũ, nơi mà ngài đã phục vụ gần 9 năm trời. Vui mừng hơn nữa, khi được thấy đổi thay tốt đẹp nhiều nơi trong Giáo phận, đặc biệt trong giáo xứ Tân Định. Ngài rất cảm động và bày tỏ lòng biết ơn vì được gặp lại những người đã tích cực cộng tác và giúp đỡ ngài chu toàn bổn phận mục tử của mình.
Triển khai Tin Mừng và bài đọc từ sách Macabê, đoạn bà mẹ và 7 anh em tử đạo, trong phần giảng lễ, ngài nhắc đến lời nhắn nhủ của ĐGH Gioan Phaolo II khi khởi đầu triều đại qua một thông điệp có tựa đề rất ngắn: “Đừng sợ”.
Sợ hãi là thái độ bình thường và rất tự nhiên của con người trước biết bao vấn nạn và nan đề của thời đại, nhưng khi biết phó thác và cậy trông nơi Chúa, thì “Đừng sợ” sẽ trở thành lời chúc thiêng liêng có sức nâng đỡ lớn lao; đặc biệt, sự khiêm hạ nơi Đức Maria trong tâm tình vâng phục qua tiếng “Xin vâng” sẽ giúp có được sự bình an nội tâm, dù gặp những gian nan nghịch cảnh trong đời.
Liên hệ đến bổn phận của các Bà mẹ Công giáo (BMCG) và tấm gương của Thánh nữ tử đạo Anê Lê Thị Thành, ngài nhấn mạnh, nhiệm vụ của các BMCG trong đời sống gia đình là luôn khó khăn và rất nặng nề.
Thời nay, không còn bách hại tù đầy, không có tra tấn với “máu đổ thịt rơi” như thời thực dân phong kiến, nhưng tử đạo trong tinh thần thì thời nào và ở đâu cũng có.
Tử đạo là chết cho ý riêng. Tử đạo là lột xác, là vượt qua những tham lam ích kỷ và ghét ghen lười nhác. Tử đạo chính là từ bỏ mình để chu toàn bổn phận hàng ngày, những bổn phận có tên và không tên trong gia đình, để giáo dục con cái nên người Công giáo theo đường hướng Giáo hội.
Tóm lại, cho đến lúc này, sứ điệp từ Thánh bổn mạng Anê Lê Thị Thành luôn mang tính thời sự. Thánh nữ Anê tử đạo là bà mẹ của tất cả chúng ta….
Sau phần hiệp lễ, ca đoàn Bình An hát “Bài ca ngàn trùng” thật hay, và cộng đoàn đã được nhận phép lành cuối lễ. Thánh lễ chấm dứt hồi 11 giờ 15.
Thánh lễ trong nhà thờ, thánh lễ ngoài cuộc đời
Sau đó, Đức cha Giuse và cha Tổng linh hướng đã cùng với mọi người dự một bữa cơm thân mật, trò chuyện thật cởi mở hồn nhiên vui vẻ. Lúc này, các chị các mẹ như biến thành những con người khác rất khôi hài dí dỏm với nhiều nụ cười. Thấy sự năng động, chuyện trò nhiệt tình, đi lại nhẹ nhàng thanh thoát, không ai ngờ chị Vịnh đã 80 tuổi. Hỏi bí quyết nào đã giúp chị sống vui, sống khỏe và hồn nhiên như thế, chị đơn sơ bảo: “Tôi chẳng biết giận ghét ai bao giờ, luôn tín thác vào Chúa và Mẹ”. Cả đời gắn bó với ngành giáo dục, nhiều thế hệ học trò đã được hưởng những điều bổ ích từ Đức tin của chị; đặc biệt, 8 người con của chị, 6 trai và 2 gái đều rất thành đạt với những địa vị cao trong xã hội. Con của chị, dù là Tổng giám đốc, nhưng vẫn siêng năng đi dạy giáo lý rất nhiệt tình.
Tất nhiên mỗi người một hoàn cảnh và điều kiện sống không giống nhau, chị Vịnh chỉ là một trong rất nhiều Bà mẹ Công giáo hôm nay, nhưng qua bữa cơm thân mật với Đức cha lúc này dễ gợi nhớ đến trình thuật trong sách Công Vụ, kể về đời sống của các tín hữu thời sơ khai đại ý rằng: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ cầu nguyện. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2, 46).
Đã trưa lắm rồi, nắng thật gay gắt, đường phố Sàigòn như đổ lửa, nhưng vẫn nghe văng vẳng như đang có tiếng hát trong lòng: “….Ta về thôi vì Thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là Thánh lễ nối dài như đang có tiếng hát dịu dàng đâu đây….”.
Quả thật, Thánh lễ đang nối dài theo mỗi vòng quay của bánh xe đời sống.
Sơ lược tiểu sử Thánh nữ tử đạo Lê thị Thành
Rất độc đáo và thật gần gũi.
Trong suốt thời kỳ bắt đạo qua các triều đại vua quan phong kiến, có 117 vị được phúc tử đạo ở Việt Nam, nhưng duy nhất chỉ có một phụ nữ là Thánh nữ quan thày Anê Lê Thị Thành, đó là một điều đặc biệt nhưng cũng rất gần gũi, vì đó chỉ là một giáo dân sống đời gia đình như bao nhiêu phụ nữ bình thường khác. Rất bình thường, nên nhiều người đã gọi một cách nôm na dân dã là Bà Thánh Đê, là gọi theo tên con đầu lòng như phong tục địa phương.
Bà Thánh Đê sinh năm 1781 tại Bái Điền, tỉnh Thanh Hoá trong một gia đình đạo hạnh. Năm 17 tuổi bà kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất, người cùng xã. Vợ chồng sống với nhau hòa thuận, hạnh phúc. Chúa cho sinh được 2 con trai tên là Đê, Trân và 4 con gái tên Thu, Năm, Nhiên, Nụ.
Bà rất nhiệt tâm với đạo Chúa, đặc biệt, luôn hết lòng giúp đỡ các linh mục trong lúc khó khăn bắt bớ. Chính vì điều này mà bà bị tù đầy với biết bao khốn khổ nhục hình.
Dưới đời vua Thiệu Trị bắt đạo, có nhiều linh mục ẩn trốn tại giáo xứ Phúc Nhạc, Ninh bình. Trong số đó có cha Thành ngụ tại nhà bà Đê, cha Lý ở nhà ông Trùm Cơ. Cha Thành có người giúp việc tham tiền ham chức, đã đến tố cáo ngài với quan Trịnh Công Khanh. Quan liền kéo quân đến vây bắt. Cha Thành may mắn trốn troát, Cha Lý chạy sang vườn nhà bà Đê, nhờ bà chỉ chỗ ẩn nấp. Bà nói:
- Xin cha ẩn dưới rãnh này, ĐCT gìn giữ thì cha thoát, bằng không thì cha và con đều bị bắt.
Chẳng may quân lính trông thấy, đến bắt cha và bà Đê giải về Nam Định.
Khi bị tù đầy bà vẫn luôn kiên cường mạnh mẽ sống đức tin, dù bị đánh đập, tra tấn buộc khai chỗ lẩn trốn của các linh mục. Bà nhất quyết không khai cũng chẳng bước qua Thập Giá .
Có lần, quan cho túm tay áo bà lại, rồi thả rắn độc vào trong áo, nhưng bà đã giữ được bình tĩnh cách lạ lùng. Bà đứng yên không hề nhúc nhích, nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam trong ngục. Nhưng bà đã kiệt sức, đi không nổi, phải có người dìu.
Chết vinh quang theo Ý Chúa : Ngoài những cực hình tra tấn nặng nề và ăn uống kham khổ, bà còn phải chịu thêm nỗi đau đớn của bệnh kiết lị. Hai dì phước chăm sóc bà, các linh mục gửi thuốc, đến thăm,ban Bí tích giải tội, xức dầu. Trong giờ hấp hối, người ta thường nghe bà cầu nguyện:
- Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết vì con, con hết lòng vâng theo Thánh Ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con.
Cuối cùng Bà dâng lời sau hết:
- Giêsu Maria Giuse, con xin phó linh hồn con và thân xác con trong tay Chúa, xin ban cho con trọn niềm tin ở Chúa.
Bà Anê Đê đã về nhà Cha trên trời trong tinh thần thánh thiện. Hôm ấy là ngày 12 tháng 7 năm 1841, sau 3 tháng chịu cực hình trong tù ngục vì đức tin. Lúc ấy, bà được chẵn 60 tuổi.
Sau khi lính đến báo cho quan lớn biết bà Ðê đã qua đời, theo tục lệ, người lính đốt ngón chân bà để xác định nạn nhân không còn sống. Họ tẩm liệm thi hài rồi đem an táng tại pháp trường Bảy Mẫu. Sáu tháng sau, giáo hữu cải táng đem về Phúc Nhạc
Những người tẩm liệm nói rằng thân xác bà Ðê vẫn mềm mại tươi tốt, đẹp hơn khi còn sống. Khi mở nắp quan tài, mọi người đều nhìn thấy xác bà còn nguyên vẹn, mặt mũi như khi còn sống, áo quần không bị hư hại. Năm 1881, cha xứ Phúc Nhạc đem thi hài Thánh nữ về an táng chung với bảy đấng tử đạo Phúc Nhạc trong mồ riêng.
bài liên quan mới nhất
- Đại hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu giáo hạt Tân Định mừng lễ Chúa Kitô Vua -
Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024 -
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023