Học hỏi Thánh Phao Lô
Năm Thánh Phao lô sắp kết thúc. Có nhiều bài học, bài suy niệm, nghiên cứu rất hay về Ngài. Nhưng tự học hỏi suy niệm sẽ cảm nhận sâu xa hơn. Nhờ việc đọc và suy niệm các Thư của Ngài, xin có một vài chia sẻ nho nhỏ phát xuất từ lòng mến của bản thân đối với thánh nhân.
Cuộc đời của Thánh Phao lô có thể được tóm lược ngắn gọn: Sống kết hợp với Đức Giê su Kitô, đón nhận ân sủng của Chúa thông qua Hội Thánh, nhờ sự hướng dẫn thúc giục và sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà cuộc sống luôn đổi mới trong tình yêu Chúa. Và tất cả đều phát xuất từ lòng thương xót bao la của Chúa.
1/ Nhận ra lòng thương xót bao la của Chúa Giê su
Trước đây ông Phao lô là một nhà trí thức, có địa vị xã hội, có nghề nghiệp ổn định, có uy tín với mọi người. Ông là người giữ đạo Môi sê nghiêm ngặt. Nhưng đó chỉ là hình thức. Trong tận sâu thẳm của tâm hồn ông là sự bất an, bảo thủ, quá khích, bạo ngược, được thể hiện rõ rệt khi ông bắt bớ giết hại những người tin theo Chúa Giê su. Ông đã nhìn nhận mình như vậy: “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin”.
Chúa Giê su đã tỏ lòng thương xót khi can thiệp và tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông. Đúng vào lúc việc bắt bớ giết hại của ông đang ở mức cao độ, Chúa Giê su đã can thiệp thức tỉnh ông khi làm cho ông trở nên bất lực: mắt của ông bị mù không nhìn thấy được nữa. Việc này diễn ra trên đường Đa mát. Qua biến cố này, ông đã nhận ra Đức Giê su là Đấng đầy lòng thương xót , đến thế gian để cứu rỗi người tội lỗi. Từ nay ông đặt niềm tin, niềm cậy trông, và lòng mến yêu vào Ngài, như lời cảm tạ của ông “Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Ðây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: đó là Ðức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi”. Và ông dâng lời cảm tạ chúc tụng vị Chúa đã mở lòng soi trí cho ông “Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen.”
2/ Nhờ Chúa Giê su, Thành Phao lô đã có những nhận thức rất phong phú về đức tin, đức cậy, đức mến.
- Trước hết ông tin Chúa Giê su từ Thiên Chúa mà đến, khi khẳng định Ngài là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người: “chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Ðức Kitô Giêsu”.
Và ông đã được kêu gọi làm tông đồ để rao giảng chân lý ấy. Ông đã xác tín Đức Giê su là Đấng chiến thắng sự chết (một giới hạn mà con người và các thụ tạo bất lực không thể vượt qua) để vào sự sống bất diệt muôn đời: “Chính Ðức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử. Thiên Chúa đã đặt tôi làm người rao giảng Tin Mừng đó, làm tông đồ và thầy dạy”.
Ông đã đặt niềm tin và gắn kết cuộc đời mình vào Ngài để nhờ Chúa mà ông nhận được ân sủng và trở nên người công chính, là dân thánh của Chúa: “Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Ðức Kitô Giêsu”.
Gắn bó với Đức Kitô làm cuộc sống chúng ta có ý nghĩa và làm chúng ta trở nên người công chính. Qua các thư của mình, ông đã khẳng định: công chính nhờ đức tin. Vì vậy sống tín thác vào Đức Giê su Kitô là tiếp nhận ân sủng nơi Ngài, làm cho chúng ta vững vàng đi trên đường Ngài đã đi: “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.”
Là con người với những yếu kém, bất lực, nên cho dù có quyền thế, chức vụ, sức khoẻ, giàu sang… mọi người đều phải khuất phục trước cái chết. Tội lỗi làm cho con người trở thành nô lệ ma quỷ và cái chết đã thống trị được họ. Chỉ có phép rửa mới làm con người thoát khỏi sự chết. Thánh Phao Lô đã nói rõ tầm quan trọng của phép Rửa: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”.
Chúa Giê su đã khẳng đinh mình là sự sống khi Người phán cùng chị Mácta trước khi làm phép lạ cho ông Ladarô sống lại: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy,sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?" (Ga 11,25-26). Đây cũng là luân lý Kitô giáo của chúng ta: tin vào Chúa Giê su Ki tô. Thánh Phao Lô đã diễn giải cho chúng ta thấy chỉ thông qua con đường Chúa Giê su, con người cũ, con người tội lỗi mới bị huỷ diệt, và chúng ta sẽ được sống lại cùng với Chúa Giê su “Nếu chúng ta cùng chết với Ðức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8).
Đức tin là ơn ban nhưng không của Thiên Chúa: đó là tình yêu của Người dành cho chúng ta “Hỡi anh em là những kẻ được Chúa yêu mến, chúng tôi phải luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa về anh em, vì Thiên Chúa đã chọn anh em ngay từ lúc khởi đầu, để cứu độ anh em nhờ Thần Khí thánh hóa và nhờ lòng tin vào chân lý.” (2 Tx 2,13). Chúa Giê su đã khen ngợi ông Phê rô khi tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa và đã cho ông biết chính Thiên Chúa đã lôi kéo ông để ông tuyên xưng như thế. Thánh Phao Lô đã diễn giải cụ thể hơn: chính Thần Khí Chúa dẫn dắt chúng ta đến cùng Đức Giê su và từ đây đối với Thiên Chúa chúng ta là con: “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: "Ápba! Cha ơi!" Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,15-16)
Nhờ đức tin ta trở nên công chính: Đức Ki tô là Đấng công chính do đó tin vào Ngài chúng ta cũng trở nên người công chính: “Quả thế, cứu cánh của Lề Luật là Ðức Kitô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính” (Rm 10,4). Người có đức tin là người đặt hy vọng và niềm cậy trông vào Thiên Chúa. Thánh Phao Lô đã lấy ông Ápraham là gương mẫu điển hình cho niềm tin và cậy trông vào Chúa khi hai ông bà đã gần 100 tuổi mà vẫn sinh con vì Người đã hứa con cái họ sẽ đông đúc như cát biển sao trời:“Dòng dõi người sẽ đông đảo như thế”. Niềm tin đã làm ông Ápraham trở thành người công chính: “Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có quyền năng thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính”. (Rm 4,18-22).
- Đức tin phải có hành động và nhờ đức cậy nâng đỡ để chiến đấu với cám dỗ và thử thách: Vì chúng ta thuộc về Đức Kitô nên thế gian ghét bỏ chúng ta. Chúng ta sẽ gặp thử thách, có thể đó là bệnh tật, bị lên án tù đày, bị gian khổ, bị ghét bỏ…nhưng lòng trông cậy, ân sủng của Chúa sẽ nâng đỡ giúp chúng ta chiến thắng. Niềm tin và niềm cậy trông nhờ vậy cũng được tăng trưởng: “chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”(Rm 5,3-5). Sự sống từ Thiên Chúa mà ra, quyền năng của Ngài vô hạn, thành công của chúng ta chính là nhờ Người. Vì vậy, đặt niềm trông cậy nơi Chúa là việc cần thiết của mỗi người.
- Đức mến là hành động của đức tin, là dấu chỉ của niềm cậy trông vào Chúa. Thánh Phao Lô đã rất coi trọng đức mến “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,13). Đức mến là sống cuộc đời chân thật, là sự tha thứ, là hiền hậu nhẫn nhục, “không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.” Đức mến chính là sự tỏ hiện và làm đức tin thêm vững mạnh “Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”. Đức mến phải nhờ tình yêu của Chúa Giê su để tiến tới mức hoàn thiện, chiến thắng mọi sức mạnh của trần thế “Ðúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8,38-39)
- Tuy nhiên ân sủng Đức Giê su chỉ được thông ban qua Hội Thánh và sự hướng dẫn của Thánh Thần. Thánh Thần chỉ đến với mỗi người chúng ta thông qua thân thể Đức Kitô là Giáo Hội. Thánh Phao lô đã nhắc lại nghi thức đặt tay như khẳng định thẩm quyền, phẩm trật của Giáo Hội “đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh”. Khi ở trong Giáo Hội và nhận được ơn Thánh Thần chúng ta được biến đổi. Tác dụng của Chúa Thánh Thần chính là “một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ”. Ông nhấn mạnh việc kết hợp với Đức Ki tô là điểm căn bản để thấu hiểu giáo lý của Hội Thánh và có trách nhiệm truyền dạy lại cho người khác nhờ Thánh Thần tác động: “Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Ðức Kitô Giêsu, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta”.
- Dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ có cuộc sống hoàn toàn đổi mới và trở nên làm con Thiên Chúa được thừa hưởng gia nghiệp của Ngài trên cõi trường sinh. Hãy đọc câu sau để cảm thấy niềm vui đang hiện diện trong chúng ta: “Nhưng Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Ðức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng.”
3/ Bài học về tham dự Thánh lễ:
Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta cùng kết hợp với Chúa Giê su thành của lễ đền tội và tạ ơn Thiên Chúa, vì chỉ có mình Ngài mới là của lễ tinh tuyền mà Thiên Chúa vui lòng chấp nhận: “như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.” Cũng trong Thánh Lễ, ta cử hành lại việc Chúa Giê su hiến mình trên Thánh giá: “Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Ðức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1 Cor 10,16 ). Như vậy khi tham dự Thánh lễ với tâm tình tôn thờ mến yêu là chúng ta đang cùng chết và sống lại với Người.
4/ Cầu nguyện
Trong mọi trường hợp, cầu nguyện luôn là biện pháp mang lại hiệu quả tốt đẹp. Nhưng để lời cầu nguyện đạt kết quả, đúng theo thánh ý Chúa, cần có “tấm lòng nhân” và sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Phương pháp để nâng cao tâm hồn là dùng các bài thánh ca phụng vụ trong những giờ cầu nguyện: “hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.”
bài liên quan mới nhất
- Hai Chân phước trẻ Frassati và Acutis sẽ được tuyên thánh vào Năm Thánh 2025
-
Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và những ước nguyện -
Mừng lễ Các Thánh và những ước nguyện -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Nhận diện sự thánh thiện -
Mười bài học thiêng liêng từ thánh nữ Têrêsa Avila -
Thánh Giuseppe Allamano, nhà truyền giáo không vượt trùng dương -
Têrêsa: Con đường tình nhỏ bé -
Luận về Phép Lạ của Thánh Phanxicô Assisi theo Tommaso Da Celano -
Sự thật về việc được in Năm Dấu Thánh của Thánh Phanxicô -
3 bài học từ cuộc đời của Thánh Monica dành cho các Kitô hữu hiện đại
bài liên quan đọc nhiều
- Sự khác biệt giữa Thiên thần và Tổng lãnh thiên thần
-
Thánh Phaolô: Hành trình từ Damas đến Roma -
Những câu nói của các Thánh về lòng Chúa thương xót -
Thánh Valentine thực sự là ai? -
Điều gì đã xảy ra với Mười Hai Vị Tông Đồ ? -
Danh sách Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xếp theo ngày lễ -
5 vị thánh đã từng tan vỡ cõi lòng sẽ phù giúp bạn trong ngày Valentine -
"Cười đến phút chót với Chiara": những giây phút cuối đời của Chiara Corbella -
Phiên khai mạc cuộc điều tra Phong Chân Phước và Phong Thánh cho Đức cha Pierre Lambert de la Motte tại Tàpao -
Năm vị thánh đem lại niềm vui và hài hước cho gia đình bạn