Hãy "bẻ tấm bánh cuộc đời"
WGPSG -- Tạm gác mọi công việc bề bộn trong cuộc sống hằng ngày, vợ chồng tôi đã đến tham dự khóa “Canh tân đời sống hôn nhân” lần thứ 21 được tổ chức tại Tu Hội Bác Ái Cao Thái (Foyer de Charité) từ ngày 16 đến ngày 18-08-2013 với mục đích duy nhất là tham dự hội thảo, và tìm thời gian thư giãn những ngày cuối tuần.
Thế nhưng từ khâu đón tiếp, đến cách trang trí và chụp hình lưu niệm lứa đôi… đã khiến bao hình ảnh về ngày cưới (05/10/1975) cứ ùa về, tưởng chừng như mới ngày nào, thế mà đã 38 năm chung sống.
Chương trình được sắp đặt khá chặt chẽ và sinh động, đã lôi cuốn các tham dự viên hòa mình vào mọi sinh hoạt chung của tập thể, thẳng thắn chia sẻ; thảo luận với nhau, với người bạn đời của mình “rất thật” trong sự tôn trọng và lắng nghe nhau.
Khởi đi từ đề tài “Chương trình của Chúa cho hôn nhân” do nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế - Đặc trách Chương trình Chuyên đề Giáo Dục thuộc Ban Mục vụ Gia đình, TGP TPHCM - trình bày, đã nhắc nhở mọi người ý thức rằng: Hôn nhân là một Ơn gọi. Vì lẽ đó, mỗi người hãy noi gương Chúa Giêsu, mở rộng cõi lòng, từ bỏ mọi định kiến để củng cố đời sống gia đình, để gia đình mình được Thiên Chúa chúc phúc.
Nối tiếp, một số đôi vợ chồng đã được mời gọi “bẻ tấm bánh cuộc đời” của gia đình mình. Họ rất chân thật và chân tình khi chia sẻ những thao thức, khó khăn, thất bại, hạnh phúc gia đình… tưởng chừng có lúc sắp đổ vỡ! Nhưng vượt lên tất cả, họ đã trông cậy vào Chúa và đã bảo vệ ngôi nhà hạnh phúc của mình được như ngày hôm nay.
Mở rộng thêm, anh chị Kim & Hoa đã nhấn mạnh đến sự hiện diện của Chúa Giêsu trong gia đình, cùng với sự chấp nhận và thông cảm cho nhau trong sự yêu thương, tha thứ… đó chính là nền móng vững chắc cho Hôn nhân. Tuy nhiên, để đạt được điều này, anh chị Tuấn & Ngân đã bộc bạch những khó khăn để mỗi người có thể từ bỏ cái “tôi” của mình, từ đó biết lắng nghe, bàn bạc, tâm sự, chia sẻ, bổ khuyết khiếm khuyết của nhau, để ngày càng gần nhau hơn, không chỉ bằng thể xác, nhưng bằng cả tâm hồn và trái tim.
Nhất là, vợ chồng tôi đã sống một buổi tối thứ Bảy (17/8/2013) thật nhiều ý nghĩa:
- Sau giờ Kinh tối trong gia đình (Phút hồi tâm), nhằm giúp cha mẹ và con cái có những giây phút chia sẻ cho nhau và cầu nguyện với Chúa, nghi thức rước nến nhập “Tiệc hồng Tình yêu” đã để lại nhiều ấn tượng cho các đôi vợ chồng. Phòng ăn được trang trí thành một tiệc cưới, nghi thức cầu nguyện và chúc phúc của Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng ban Mục vụ Gia đình TGP TPHCM, rượu Champagne được bật nắp nổ vang đã đổ tràn trên tháp ly, bánh cưới được cắt ra… đã gợi lại những cảm xúc khó quên mà các đôi bạn đã từng được tận hưởng trong ngày cưới.
- Rời phòng tiệc, sau giây phút nghỉ ngơi, mọi người đã trở lại nhà nguyện để lắng nghe anh chị Tường & Liễu bộc bạch về những nỗi đau trong tâm hồn, cùng những dằn vặt về tâm trí để có thể tha thứ cho nhau từ việc nhỏ đến việc lớn, từ đó hai vợ chồng đã hiểu nhau hơn, sống chân tình và hạnh phúc với nhau như châm ngôn của Chương trình: “Hãy sống giây phút hiện tại cho tràn đầy yêu thương”.
- Nối tiếp, trong ánh nến lung linh của các ngọn nến được các đôi vợ chồng thắp lên, từng đôi vợ chồng đã có giây phút tâm sự riêng tư để xin lỗi nhau, thay phiên nhau vẽ lên cát những đường nét diễn tả suy nghĩ, những điều muốn xin lỗi người bạn đời của mình, để rồi người bạn đời đã xóa đi những đường nét trên cát đó, diễn tả sự tha thứ cho nhau. Sau đó, các tham dự viên đã đón nhận bí tích Hòa Giải trước khi về nghỉ đêm, đó chính là đỉnh cao của Khóa Canh Tân Đời Sống Hôn Nhân lần thứ 21.
Dẫu vậy, qua đề tài “Đối thoại trong hôn nhân” do anh chị Tuấn Anh & Kim Phượng chia sẻ, đã khiến vợ chồng tôi tìm được tiếng nói chung sau bao năm chung sống, bởi lẽ hai vợ chồng tôi hơi khắc khẩu với nhau. Đó cũng là lý do trong Thánh lễ bế mạc, tôi đã chọn viên đá ghi hai chữ “Đối thoại”, còn vợ tôi chọn viên đá ghi hai chữ “Tha thứ”. Thật trìu mến, vợ tôi giải thích: “Đối thoại phải tha thứ - Tha thứ để đối thoại”.
Và rồi, giây phút chia tay đã đến, mọi người lưu luyến tạm biệt nhau để trở về gia đình mình, mang theo những dấu ấn tốt đẹp trong đời sống lứa đôi. Các đôi vợ chồng đã tìm gặp những gia đình để kết nghĩa thành “Bạn đường cầu nguyện”, hầu chia sẻ cho nhau mọi chuyện vui buồn, thành công hay thất bại trong tương lai để có thể nâng đỡ nhau… Nhưng trên tất cả, họ sẽ tiếp tục cầu nguyện cho nhau, để mỗi người tích cực hơn trong việc chia sẻ món quà yêu thương với bạn đời và với cộng đoàn dân Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19