Hành trình nội tâm của linh mục trong tiến trình Phúc âm hóa việc mục vụ giáo xứ

Hành trình nội tâm của linh mục trong tiến trình Phúc âm hóa việc mục vụ giáo xứ

WGPSG -- Trong đợt tĩnh tâm linh mục năm 2012 vừa qua, Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn đã mời Cha Tôma Vũ Quang Trung, S.J. phụ trách giảng tĩnh tâm cho các linh mục cao niên với các bài giảng có tựa đề: 

 

1/ “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ”
2/ “Ở lại với Người”
3/ Bình tâm và siêu thoát
4/ Con đường Giêsu và con đường Satan
5/ Hãy học với Tôi.

(Xem các album hình:

- Tĩnh tâm Linh mục 2012: ngày khai mạc.

- Tĩnh tâm Linh mục 2012: ngày thứ II.

- Tĩnh tâm Linh mục 2012: đêm & ngày cuối.)

Chúng tôi xin giới thiệu cùng quý độc giả bài viết tổng kết khóa tĩnh tâm của Cha Tôma như một cái nhìn tổng hợp về những ngày tĩnh tâm năm nay:

HÀNH TRÌNH NỘI TÂM CỦA LINH MỤC
TRONG TIẾN TRÌNH PHÚC ÂM HÓA VIỆC MỤC VỤ GIÁO XỨ

Việc chăm sóc mục vụ giáo xứ khởi đi từ con tim của linh mục là mục tử chăm sóc đoàn chiên Chúa trao phó. Phúc Âm hóa việc mục vụ giáo xứ là để cho các giá trị Tin Mừng biến đổi con tim của linh mục. Các giá trị mẫu mực của Tin Mừng chứa đựng nơi trái tim của Vị Mục Tử nhân lành là chính Chúa Giêsu.

Chính con tim của linh mục cần được Chúa Thánh Thần biến đổi mỗi ngày trở nên giống trái tim yêu thương của Vị Mục Tử nhân lành, biết yêu thương khi tận tụy hy sinh thì giờ, sức khỏe để chăm sóc đoàn chiên.

Nhờ đó, trái tim của linh mục cùng rung cảm một nhịp với trái tim của Vị Mục Tử nhân lành: “Tôi là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10, 11), “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10b).

Tất cả hành trình biến đổi này sẽ diễn ra trong tiến trình nội tâm của linh mục trong đời sống cầu nguyện dưới ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa:

(1) Một con tim nhạy bén trước tiếng gõ cửa để mở rộng tâm hồn đón tiếp vị Mục Tử nhân lành như con chiên quen nghe tiếng mục tử, sẵn sàng lắng nghe và thực thi Lời Ngài. (Bài giảng 1)

(2) Nhờ ở lại với Người, và cảm nhận sâu xa tình thương của vị mục tử dành cho mình, linh mục đi đến sự kết hợp sâu xa hơn với Đức Giêsu, là nguyên lý sinh nhiều hoa trái thiêng liêng của Chúa Thánh Thần nơi bản thân linh mục và trong việc phục vụ đoàn chiên Chúa trao phó. (Bài giảng 2)

(3) Với sức mạnh của tình yêu mục tử và với một trái tim quảng đại luôn giữ được sự bình tâm và siêu thoát khỏi những cuốn hút của “các thụ tạo xinh đẹp” (x. Augustinô), con tim linh mục vượt qua được những vướng mắc, trói buộc của mọi hình thức gắn bó lệch lạc nơi những thụ tạo đầy sức hấp dẫn giữa thế gian, giữ được sự tự do nội tâm nơi con tim trong sáng, để luôn sẵn sàng thi hành thánh ý Chúa tỏ lộ trong mọi hoàn cảnh. (Bài giảng 3)

(4) Đi theo Chúa Giêsu trong sứ mạng phục vụ đoàn chiên Chúa trao phó, linh mục vẫn luôn là đối tượng số một mà Satan nhắm đến để “rảo quanh tìm mồi cắn xé”, cùng với hai đồng minh đáng sợ của nó là xác thịt và thế gian. Linh mục luôn ở trong tư thế của người bước vào cửa hẹp, sống “tiết độ và tỉnh thức” trước mọi cạm bẫy của kẻ thù để vững vàng bước đi trên con đường Giêsu. Đồng thời, nhận ra những dấu hiệu của con đường Satan để xa tránh những cạm bẫy và sự lừa dối tinh vi của nó. (Bài giảng 4)

(5) Sau cùng, như một tiến trình thường huấn nội tâm, linh mục được mời “đến với Giêsu” để học nơi mái trường của Người hai môn học hết sức thiết yếu cho đời mục tử: “hiền hậu và khiêm nhường”. Chính tình yêu gắn bó và hiệp thông với Thầy Giêsu như người bạn thân thiết nhất trong cuộc đời mục tử sẽ làm cho linh mục cảm nhận việc chăm sóc mục vụ giáo xứ trở nên “một ách êm ái và một gánh nhẹ nhàng”. (Bài giảng 5)


Lm. Tôma Vũ Quang Trung, S.J.
Ngày cuối tuần tĩnh tâm – 23.8.2012

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top