Gương đức hạnh của Tổ phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia
Gương đức hạnh của Tổ phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia: Lm. Henri Denis Biển Đức Thuận
Ngày 18.11.2018, Tòa Giám Quản Roma công bố sắc lệnh thu thập các chứng tích về Đấng sáng lập dòng Xitô Phước Sơn tại Việt Nam - Cha Biển Đức Thuận, tục danh là Henri Denis - để tiến hành án phong chân phước cho Cha. Sắc lệnh mang chữ ký của Đức Hồng y Angelo De Dontis có đoạn viết:
“Vị Tôi Tớ Chúa là Tu sĩ Henri Denis Biển Đức Thuận qua đời ngày 25 tháng 07 năm 1933 tại Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn, Việt Nam.
Sau khi hoàn tất chương trình đào tạo tại Chủng viện Hội Thừa Sai Paris, Tôi Tớ Chúa được thụ phong linh mục ngày 07 tháng 03 năm 1903, và ngay sau đó cha được sai đến truyền giáo tại Huế, Việt Nam. Sự dấn thân truyền giáo của cha thật là quảng đại. Cho dù phải trải qua nhiều hy sinh và thiếu thốn đủ điều, công việc truyền giáo của cha đã đơm hoa kết trái rất dồi dào. Cha đã đem được nhiều người Việt Nam vào Giáo Hội, và đặc biệt là ngày 15 tháng 08 năm 1918 cha đã thành lập Dòng Đức Bà An Nam, tiền thân của Hội Dòng Xitô Thánh Gia ngày nay. Đời sống của cha là một mẫu gương về lòng yêu mến Chúa Kitô, về đời sống cầu nguyện, về sự khó nghèo, về tâm tình sám hối và về lòng nhiệt thành đối với phần rỗi các linh hồn. Với thời gian, danh thơm tiếng tốt về sự thánh thiện của cha không ngừng gia tăng, hình ảnh của cha ngày càng trở thành điểm qui chiếu cho nhiều linh mục và rất nhiều tu sĩ cũng như giáo dân Việt Nam”[1].
Nhân dịp này xin gửi tới quý độc giả bài viết về mẫu gương đời sống đức hạnh của Cha Biển Đức Thuận ngang qua các thư từ, bút tích và các lời giáo huấn của cha (Di Ngôn) và qua những tích truyện, những lời tường thuật khá đơn sơ mộc mạc, nhưng rất chi tiết của các chứng nhân sống đồng thời với cha đã kể lại (Hạnh Tích).
1. Về lòng mến Chúa Kitô: Cha Biển Đức Thuận có một lòng mến Chúa rất nồng nàn nhờ sự giáo dục từ cha mẹ ngài. Chính ngài viết trong nhật ký: “Tôi có phước vì ngay từ thơ ấu đã được mẹ dạy cho biết ham mộ sự đọc kinh cầu nguyện […] tinh mơ sáng cả gia đình dậy đọc kinh và nín lặng ba giờ luôn để nguyện gẫm” (HT. tr. 30). Gia đình của cha làm nghề bán bánh mì: Những khi đánh xe bán bánh quanh thành Boulogne, phải trải qua một đồi nhỏ có đền thánh giá; hồi ấy, cha mới lên 5 tuổi, mà đã sốt sắng cùng quỳ gối cầu nguyện trước tượng thánh giá này bên thân phụ mình. (x. HT. tr. 30).
Lòng mến Chúa nơi cha Thuận thể hiện qua việc cha yêu thích phụng vụ, mê đàn ca xướng hát (x. HT. tr. 43) để ca tụng Chúa, như trong thư cha thổ lộ với song thân: “Con thích làm lễ hát, vì hát thì dễ suy gẫm hơn đọc” (HT. tr. 44). Lòng mến Chúa thúc giục cha hi sinh hãm mình chia sẻ những đau khổ để nên giống Chúa Kitô: đối với mọi người thời gian ngủ nghỉ là thời gian thư giãn, lấy lại sức khỏe sau một ngày làm việc, một nhu cầu thiết yếu để tồn tại. Thế mà, mỗi đêm cha chỉ nghỉ có 5 giờ, không nghỉ trưa, lúc đó cha vào nhà thờ viếng Chúa. Các ngày thứ Sáu quanh năm và trót cả Mùa Chay, cha thường giữ chay nhặt (HT. tr. 44. 78).
Cha Kính, một chứng nhân cũng làm chứng rằng: Cha Thuận có lòng mến Chúa tha thiết, ngài thường đắm mình trước sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, đầy lòng sốt mến, thân thiết như hai người bạn (x. HT. tr. 73). Bởi vậy khi đi lập dòng giữa rừng núi Phước Sơn (Quảng Trị), cuộc sống chưa ổn định, không có Nhà Tạm, cha cảm thấy rất cơ cực, khao khát mau có Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện để “chầu chực hầu hạ yêu mến Người” (HT. tr. 132; DN. số 37). Cha Thuận đã cảm nhận được niềm hạnh phúc dạt dào khi say mê yêu mến Chúa nên đã ân cần dạy dỗ các môn sinh: “Chúng ta nên nhớ điều này, mọi sự thế gian thảy đều vô lối, vô ích chóng qua cả, trừ sự kính mến Chúa và làm tôi người đáng cho chúng ta chăm lo mà thôi” (DN. số 107. 129). Cách sống và lời giảng dạy của cha Biển Đức Thuận thật đáng để chúng ta noi theo hầu yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn.
2. Về đời sống Cầu nguyện: Khi đã yêu ai người ta muốn hiện diện thường xuyên với người ấy. Đời sống Cầu nguyện nơi cha Biển Đức Thuận cho chúng ta thấy rõ điều đó, ngài làm mọi sự vì Chúa, với Chúa, cho vinh Danh Chúa (x. DN. số 107). Một cha giáo sư bạn của ngài ở trường An Ninh làm chứng: cha Thuận luôn dọn mình làm lễ và cám sốt sắng lắm, cha thường xuyên cầu nguyện lâu giờ, cử hành Thần Vụ với dáng điệu trang nghiêm… (x. HT. tr. 80. 90).
Lời chứng này càng được xác thực như lá thư cha viết cho song thân: “Hằng ngày con cứ làm chút việc thường của con một cách thủng thẳng bình an như cha mẹ đó. Nghĩa là con đi nghỉ sớm, độ 9 rưỡi, 10 giờ, có khi đến 11 giờ. Rồi mai sớm gà gáy lần thứ I: độ 3 rưỡi 4 giờ, con dậy nguyện gẫm, nghĩa là cầu xin với Chúa, nói chuyện với Ngài, 6 giờ kém 15 con đi làm lễ, cám ơn, đọc kinh, xem sách thiêng liêng, 7 giờ rưỡi lót lòng rồi dọn bài; dạy học rồi lại dọn bài khác, dạy giờ sau xong là đến giờ cơm. Cơm trưa rồi con vào nhà thờ chầu Mình Thánh (Nhà Nguyện Tiểu Chủng Viện An Ninh. Hình lấy từ http://conggiao.info) nói chuyện với Chúa đó là lúc con nói với ngài về cha mẹ. Xong, con về dọn bài buổi chiều, dạy rồi con lại vào nhà thờ đọc kinh nhật khóa và đi đàng thánh giá tùy ngày. Khi các chú làm việc thủ công thì con đi làm thuốc cho kẻ liệt… mỗi ngày con làm bác sĩ chừng nửa giờ hơn kém tùy ngày, làm thuốc xong con đọc sách ít phút, đoạn chấm bài hoặc làm bài thi, thế là tối đến giờ cơm. Cơm xong con lại xem sách, đọc kinh rồi đi nghỉ. Đó là hết một ngày cuộc đời của con” (DN. số 46; HT. tr. 46). Như thế, có thể nói cha Thuận luôn sống dưới sự hiện diện của Chúa, mọi lúc, mọi nơi và trong mọi công việc. Trước sự hiện diện của Chúa, cha tha thiết cầu xin cho mọi người đặc biệt cho người ngoại được ơn trở lại (x. HT. 194)
3. Về lòng nhiệt thành đối với phần rỗi các linh hồn: Từ sự sống kết hợp với Chúa trong cầu nguyện thúc bách Cha mang Tin Mừng đến với tha nhân. Trong giai đoạn coi xứ Nước Mặn (Thừa Lưu: 1908-1913), Giáo phận Huế, Cha áp dụng nhiều phương pháp Truyền giáo như: Dạy Giáo Lý (HT. tr. 51-52), thăm viếng giáo dân (HT. tr. 52; DN. số 7), săn sóc bệnh nhân (HT. tr. 53; DN. số 8), giúp người nghèo (HT. tr. 54-55; DN. số 9), tổ chức lễ hội (HT. tr. 56-58, DN. số 11), đặc biệt sau này (15/08/1918) ngài lập dòng chiêm niệm cho người Việt Nam chuyên cầu nguyện hy sinh cho việc truyền giáo (x. HT. tr. 194-195).
Chính khi ý thức trách nhiệm truyền giáo như một niềm vinh dự lớn lao mà cha đã chú trọng dạy kinh bổn cho các dự tòng, điều này được cụ thể trong thư Cha viết gửi song thân: “Con khởi sự dạy kinh bổn đạo lý, song có nhiều đứa dốt quá lẽ, vừa đây có đứa nói: Chúa bị đau rét mà chết! Đứa khác rằng thiên đàng có quỷ, hỏa ngục có các thánh! Đứa khác nữa rằng: Phạm tội trọng rồi thì không được khỏi nữa! Phải nói đi nói lại một điều trăm ngàn lần mà nó chưa nhớ, khổ quá cha mẹ ạ, có khi con phát xung phát gắt, mà cũng không xong, song con trông cậy thế nào nó cũng hiểu đủ cho được lên thiên đàng, thế là con không mất thời giờ vậy” (HT. tr. 48).
Cảm nghiệm niềm hạnh phúc ngọt ngào được sống tình con thảo với Chúa, cha lại càng thương xót người ngoại: “Lạy cha mẹ yêu dấu, thương hại thay cho người ngoại giáo, lễ Sinh Nhật năm nay cũng còn chưa phải cho họ! Chúa xuống thế gần 2000 năm, mà còn biết bao kẻ chưa nhận biết Người! Khi con suy sự ấy thì cái phòng giáo sư của con đây nên như cái ngục cho con. Con ước ao mở miệng la hết sức về Chúa cho những kẻ chưa nhận biết người được trở lại kẻo sa hỏa ngục thì tội nghiệp quá!” (HT. tr. 49; DN. số 4). Bởi đó, cha ước ao được đi giảng đạo cho những người chưa nhận biết Chúa.
Thao thức lớn nhất, cũng là ưu tiên số một của cha là đem thật nhiều linh hồn về cho Chúa, như cha thổ lộ với song thân: “Công việc chiếm nhiều thời giờ nhất của con là dạy kinh bổn cho giáo hữu tân tòng” (HT. tr. 52). Không chỉ chăm sóc phần hồn cha còn tế nhị lo liệu cho họ phần xác: “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, con đi thăm bổn đạo, con đến từng nhà một, mỗi nhà con cho một ảnh Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, tràng hạt, áo Đức Bà, đoạn con nói ít lời an ủi họ… Con tốn rất nhiều thuốc cho họ phần nhiều là bệnh nhân ngoại giáo nên khi con chữa bệnh phần xác thì con xin Chúa chữa tật linh hồn họ” (HT. tr. 53. x. tr. 194; DN. số 7). Cha tận tâm phục vụ Chúa trong tha nhân chính tay lau chùi băng bó vết thương cho tất cả mọingười không phân biệt lương giáo, có khi đích thân liệm xác và cho họ tiền mai táng (HT. tr. 53; DN. số 8).
Vì nhiệt tâm lo việc Chúa mà “Tôi Tớ Chúa” đã phải thiệt thân: Năm ấy cha làm lễ minh niên cho họ Châu Mới. Tối Ba Mươi rạng mồng Một, thói quen người ngoại hay dựng cây nêu (Hình trên Internet) để trừ ma quỷ. Khi biết tin có một tín hữu muốn bỏ đạo, đã dựng cây nêu tại nhà. Chạnh lòng thương con chiên xiêu lạc, cha thắp đèn đến tận nhà an ủi khuyên lơn, dạy hạ nêu xuống, nhưng họ không nghe. Cha bèn tìm dao ra chặt cây nêu hai ba phát. Vậy là cả nhà họ chạy ra lấy roi, lấy gậy đánh cha túi bụi, quăng cả cái đèn của cha đi. Thế mà, cha cứ bình tĩnh tìm đèn thắp ra về… (HT. tr. 61). Chính nhờ lòng nhiệt thành hy sinh quên mình của cha Thuận mà Giáo Hội Việt Nam có thêm nhiều người tin theo Chúa (x. DN. số 2. 3. 4. 6. 7. 11. 12. 20. 24. 59. 65).
4. Về sự khó nghèo: Cha Thuận triệt để theo gương Chúa Giêsu yêu chuộng đức khó nghèo và thanh thoát tiền bạc, các cha cựu học sinh của ngài làm chứng rằng: “Trong phòng ngài chỉ có một bàn viết xấu, vài ba cái ghế xấu, một giường nhỏ, không nệm, gối đầu bằng một cục gỗ, một cái tủ đời thượng cổ, vài ba bộ quần áo vải thô, năm bảy quan tiền cho kẻ khó. Một ghế qùi nhỏ, một kệ để sách. Trên tường treo một mẫu ảnh Thánh Giá, một ảnh Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, ngoại giả không thấy vật chi trau giồi mĩ thuật” (HT. tr. 45; x. HT. tr. 78). Cha vận y phục cũng thật giản dị, thô sơ: “Mùa nào cha cũng chỉ mang một áo lót vải thô với một áo dài đen vải dù rất mỏng… đội nón lá, đi dép quai chéo, vắt khăn trên vai, nhất là ưng áo tơi lá Việt Nam” (HT. tr. 45 - 47). Cha làm việc nhiều mà ăn uống ít, lại rất thanh đạm: bữa sáng chỉ vài ba củ khoai là xong… Cha không dùng thịt cá trứng, trừ những hoàn cảnh đặc biệt, nhưng rượu và thuốc lá ngài không bao giờ dùng (x. HT. tr. 44. 78. 129-132; DN. số 15. 37). (Phòng ăn Tiểu Chủng Viện An Ninh năm 1906. Hình lấy từ http://conggiao.info)
Trong thư gửi Đức Cha Allys - Giám mục Giáo phận Huế - về việc lập dòng, cha tha thiết xin cho dòng được sống nghèo: Vì nếu các thầy dòng Việt Nam mà giữ luật giống như các thầy dòng Trappe thì vẫn là sung túc về cái ăn cái mặc, nhà cửa tiện nghi… như thế thì không thể nên gương cho tín hữu Việt Nam… “Vậy, thân lạy Đức Cha, xin ban phép cho con được sống nghèo ngay cả bề ngoài nữa, con xin hứa với Đức Cha là chúng con sẽ ở sạch sẽ”[2].
Sau một thời gian dài chờ đợi, ước nguyện của cha được chấp thuận. Thế là, ngày 14/08/1918 cha ra đi lập dòng cùng với một người môn đệ đầu tiên tiến lên núi Phước Sơn với một gánh hành lý nhẹ nhàng, cũng chẳng có gì là giá trị vật chất chỉ là: “Mấy bộ áo lễ, vài cặp quần áo cũ, vài ba chiếc chiếu, mấy quyển sách, ít chén bát, một thúng gạo, một âu ruốc, một đọi muối, vài cái nồi, một con dao và một con gà gáy giữ hiệu” (HT. tr. 111).
Vâng theo những lời khôn ngoan của thánh Bênađô: “Sung sướng thì cheo leo cho đức sạch sẽ, lắm của thì dễ mất đức khiêm nhường” (HT. tr. 194), nên Cha thường giáo huấn các môn sinh: “Thánh đức nghèo cần phải được tỏ rạng trên nhà cửa, vật dụng, áo mặc, thức ăn và ngay cả trong cách trang trí bàn thờ và bình thánh; nhưng các đồ phụng tự thì cũng cần được trình bày trang nhã để giúp lòng sốt sắng… hãy nhớ mình đã khấn khó nghèo” (DN. số 105. 127). Chính bản thân Cha đã sống khó nghèo một cách triệt để. Cha lao động như người nghèo, ngay cả khi dường như trót cơ nghiệp của nhà dòng bị cháy hết, Cha vẫn xướng Magnificat trọng thể tạ ơn Chúa, tuyên xưng “vạn tuế đức khó nghèo” (DN. số 47; x. HT. tr. 150), và kín múc niềm bình an phó thác trong sự sung túc của Thiên Chúa.
5. Về sự khiêm nhường[3]: Nung nấu trong tim khát vọng bừng bừng mang Chúa đến cho dân Việt, Cha Henri Denis “bước xuống” mảnh đất Việt đúng ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với cung cách hết sức dịu dàng từ tốn, không một chút phô trương, trịch thượng coi mình là người đến khai sáng văn minh. Trái lại, vừa đến Việt Nam, cha đã rất mực khiêm tốn xin Cố Nhơn (R. P. Mendiboure), cha sở Lăng Cô, rồi thụ huấn Cố Chính Đăng ở Kim Long chỉ vẽ mọi lẽ về ngôn ngữ và phong tục Việt Nam (x. HT. tr. 41. 44).
Trong giai đoạn cha làm giáo sư tiểu chủng viện An Ninh lần I (1903-1908), có lời chứng rằng: “Cha giáo Thuận giữ nết na nghiêm chỉnh lắm. Ngài giữ bậc khiêm nhường thứ XII trong Tu Luật thánh tổ Bênêđictô kỹ lắm, bất kỳ đi đâu, ở đâu, ngài quen giữ thái độ đầu cúi xuống, hai tay chéo lại, cặp mắt ngó xuống, không trông ngang ngửa” (HT. tr. 45). Tích này hé lộ cho chúng ta biết cha giáo Thuận đang “thai nghén” ý tưởng lập Dòng chiêm niệm cho người Việt Nam và sẽ thành sự trong tương lai.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, nay đã bước sang năm 1918, chỉ còn 7 tháng trước lúc Cha Biển Đức Thuận lập Dòng, nhiều cha minh chứng rằng: “Cha giáo Thuận càng ăn ở sốt sắng nhiệm nhặt, khiêm nhường… cha tập đức khiêm nhường cách riêng vì cha quý trọng đức ấy nhất. Không bao giờ cha khoe mình hoặc khinh dể kể khác (Trích thư các cha Thuận, Luyến, Bá, Kính, Tịch)” (HT. tr. 90). Khi được Đức Giám mục Lý ban phép lập Dòng ở Ba Trục là đất của Nhà Chung, Cha Biển Đức Thuận hết sức vui mừng vội vào Huế xem sở Ba Trục, nhưng bị cha Soái quản nhiệm ở đó ngăn trở... Đức Giám mục nghe lời cha Soái, truyền cha giáo Thuận trở về An Ninh dạy học thêm sáu tháng nữa. Cha giáo Thuận một mực khiêm nhường cúi đầu thuận theo thánh ý Chúa, không nửa lời oán hận. Sáu tháng ấy ngài ăn ở khiêm nhường nhiệm nhặt hơn thường, phó dâng mọi sự trong tay Chúa và Đức Mẹ (x. HT. tr. 103). Phải chăng Thiên Chúa quyền năng đang dùng cơn thử thách này để làm cho triều thiên khiêm nhường của Cha thêm huy hoàng rực rỡ hơn?
Đức khiêm nhường của Cha Biển Đức Thuận lại được tỏ lộ qua công việc lao động thường ngày, dù ở cương vị là Cha Bề Trên của Dòng nhưng không bao giờ cha chuẩn miễn cho mình bất cứ một công việc gì: từ việc gánh đá, gánh vôi, cưa gỗ, xay lúa, giã gạo, cuốc đất, gánh phân, đi rừng kiếm củi, hoặc rửa chén bát, giúp bàn, giúp bếp, gánh nước, chăn trâu bò… (x. HT. tr. 190. 118). Hơn nữa, Cha luôn chọn lấy những công việc cực khổ hèn hạ nhất cho riêng mình cụ thể là việc quét dọn vệ sinh. Cha không cho ai làm việc ấy, trừ khi bận tiếp khách hoặc đi vắng (x. HT. tr. 191).
Người ta sẽ tinh tế nhận ra sự khiêm nhường nơi Cha Biển Đức Thuận trong bức chân dung của ngài “đầu cúi xuống, hai tay chéo lại, cặp mắt ngó xuống”. Con người khiêm nhường ấy luôn hạ mình, xóa mình, không để ai ca tụng, không muốn ai biết đến, ngay cả chụp riêng cho mình một tấm chân dung ngài cũng không (x. HT. tr. 90. 218). Chẳng ai tìm được tấm hình riêng nào của ngài! Bức chân dung hiện thời của ngài, có lẽ được hoạ lại từ tấm hình ngài chụp chung với nhà dòng năm 1922 (x. HT. tr. 246). (Hình lấy từ http://hoidongxitothanhgia.com)
6. Về tâm tình sám hối: Chính trong sự kết hợp mật thiết với Chúa mà Cha Biển Đức Thuận nhận ra sự bất toàn nơi mình, cha luôn đắm mình trong cầu nguyện cùng với một lòng sám hối thẳm sâu. Một linh mục cựu học sinh của cha kể lại: Cha Thuận thường quỳ gối trong nhà thờ trước Mình Thánh Chúa, đôi mắt ngó xuống, giọt lệ nhỏ sa (x. HT. tr. 80). Phải chăng, cung cách cầu nguyện của cha như thể tái hiện tâm tình sám hối của người thu thuế và người phụ nữ tội lỗi trong Tin Mừng ? (x. Lc 18, 9-14; Lc 7, 36-50). Sự sám hối của cha chắc không phải vì đã sống phóng túng bê tha, do đó chúng ta có thể suy ra thế này: vì quá yêu mến Chúa nên cha khát khao được kết hiệp trọn vẹn với Chúa bằng mối tình hoàn hảo, có lần cha than thở: “Cả ngày những sao lãng, chỉ có lúc dọn mình làm lễ, và giờ cám ơn sau lễ là thiên đàng” (HT. tr. 80)
Đối với tha nhân, khi có ai nói cho ngài biết những khuyết điểm thì ngài ra sức sửa mình. Theo thư của Cha Rey (Cố Phú) là cha phó giúp Cha Thuận coi xứ Nước Mặn (1908-1913) kể lại: “Tôi thú thật tôi không làm cho cố Thuận được hài lòng mấy. Tôi mới học tiếng Việt Nam được mấy tháng mà ngài muốn tôi nói xuôi sao được? Tôi nhớ sao nói vậy mà ngài cũng vui lòng luôn. Tính ngài nóng như lửa cháy, song cũng mau tắt. Ngài sắc trí lắm, nên mau hiểu sự lỗi của mình khi đã biết thì tự hạ cách đơn sơ khiêm nhường lắm” (HT. tr. 63).
Thêm nữa, thầy Micael Biện - nghĩa tử của Cha Biển Đức Thuận - cũng làm chứng rằng: Trong những năm coi Giáo xứ Nước Mặn (1908-1913), thường sau thánh lễ các ngày Chúa Nhật, chức việc các họ lẻ vào gặp cha xứ để họp bàn công việc. Hôm ấy đến giờ cơm mà chưa xong, Cha Thuận cứ ngồi nói tiếp. Các chú lên dọn bàn thì ngài bảo từ từ đã. Nhưng cha phó Lược tỏ vẻ không bằng lòng. Đến khi xong việc, làm phép bàn xong, cha Lược nói ngay: “Cơm nguội như vầy ăn sao được? Họ bàn công việc mặc họ, đến giờ dùng bữa thì cứ đi, đợi họ làm cơm canh nguội cả. Cha Thuận vội đứng lên xin lỗi: Nay lỡ rồi xin cha bỏ qua, tự hậu không dám nữa… ngài dốc lòng sửa đổi” (HT. tr. 63). Cả đến những góp ý của quý vị trong hội đồng mục vụ giáo xứ về cách thức quản trị của cha, cha cũng đón nhận và hứa canh tân (x. HT. tr. 68).
Giai đoạn Cha giáo Thuận dạy tiểu chủng viện An Ninh lần II (1913-1918), có nhiều lời chứng của quý cha giáo và các chủng sinh công nhận ngài tiến đức một cách rõ ràng: Ngài bớt tính nóng hơn trước nhiều, tập được đức “khiêm nhường hiền lành cách lạ, đến nỗi nhiều khi có chú cự lại, nói nhiều câu sóc óc mà ngài cứ làm thinh, chỉ bắt vào nhà thờ chầu Mình Thánh, lại tha hết các hình phạt… Hễ ai nói ngài kiêu ngạo thì dầu xung giận khó chịu mấy, ngài cũng cầm mình lập tức (Trích thư cha Thuận)” (HT. tr. 71. 81)
Lần chót, trước lúc lâm chung, tự nhận mình hèn mọn tội lỗi, Cha Biển Đức Thuận liền xin cha Bề Trên nhì Bernard đổ tro xuống đất cho ngài nằm (x. HT. tr. 222). Hành động này phải chăng cũng biểu lộ một lòng sám hối theo như Lời Chúa kêu gọi: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Tóm lại, những gì vừa trình bày trên chỉ là một phần rất nhỏ, như thể phần nổi của một tảng băng về đời sống đức hạnh của Vị Tôi Tớ Chúa - Cha Biển Đức Thuận. Hẳn là ngài còn rất nhiều đức tính tốt như: khôn ngoan, tiết độ, can đảm… Nếu đặt câu hỏi: làm thế nào Cha Biển Đức Thuận thủ đắc được nhiều đức tính quý giá như vậy? Chúng ta có thể trả lời ngay: ngài đã sống trệt để châm ngôn “Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô”[4], và dù làm bất cứ việc gì ngài cũng làm vì Chúa, làm cho vinh danh Chúa (x. DN. số 107). Chính tình yêu Chúa Kitô thúc bách cha khao khát nên giống Chúa mỗi ngày một hơn trong sự cầu nguyện, nhiệt thành với phần rỗi tha nhân, yêu chuộng sự khó nghèo, khiêm nhường, đặc biệt là tâm tình sám hối theo Tin Mừng.
Tuy nhiên, các đức tính đó không phải là dễ thực hiện, không phải ngày một ngày hai mà cha đạt được, đó quả là một quá trình khổ luyện gian nan “đến đỏ mặt tía tai, tay chân run rẩy” (x. HT. tr. 71). Nhưng trong mọi hoàn cảnh, cha đã không cậy dựa vào sức riêng mình mà luôn kêu cầu ơn Chúa giúp, vậy nên Chúa đã biến đổi cha thành một người nêu gương nhân đức cho mọi người.
Đức tính tốt sẽ trội lên nơi những ai tha thiết kiếm tìm và gắng công tu luyện. Ước chi gương đức hạnh của Cha Biển Đức Thuận khơi lên trong chúng ta quyết tâm thực hành những sự tốt lành đó trong hoàn cảnh sống của mình, như dấu chứng lòng mến Chúa, hầu làm cho nhiều người nhận biết tin yêu Chúa giữa lòng dân tộc Việt Nam.
Những chữ viết tắt:
DN. Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận (1880-1933), Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia.
HT. Hạnh Tích Cha Benoit - R. P. Henri Denis Cố Thuận (1880-1933) - Tổ Phụ Dòng Xitô Thánh Gia, do Viện phụ Emmanuel Chu Kim Tuyến biên soạn, Nhà in HỒNG LAM, 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Saigon, 24/7/1968.
KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng, Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc đời ẩn dật nghèo khó, chết đau thương trên thập giá để cứu chuộc muôn dân.
Chúa đã chọn tôi tớ Chúa là cha Biển Đức Thuận, làm thừa sai nhiệt thành rao giảng Tin Mừng trên đất nước Việt Nam. Chúa lại dùng cha lập dòng chuyên sống cầu nguyện và hy sinh, để diễn lại cuộc đời âm thầm nghèo khó của Con Chúa, và tham gia việc cứu rỗi những người chưa nhận biết Chúa.
Lạy Chúa, chúng con tha thiết nài xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Cha Biển Đức, cho chúng con biết noi gương người, nhiệt thành cộng tác vào việc cứu rỗi các linh hồn bằng đời sống cầu nguyện và tuân theo ý Chúa trong mọi sự. Để Chúa được tôn vinh nơi tôi tớ Chúa, và mưu ích cho phần rỗi chúng con, đặc biệt, xin Chúa ban cho chúng con những ơn này như lòng chúng con mong ước…
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
(Kinh này do Hội Dòng Xitô Thánh Gia soạn và phổ biến).
[1] http://hoidongxitothanhgia.com/giao-hoi-hoan-vu/toa-giam-quan-ro-ma-thu-thap-chung-tich-ve-co-thuan-2689.html
[2] Trích thư gửi Đức Cha Allys, 31/1/1912; x. Di Ngôn, số 0.
[3] Mời quý vị xem thêm bài viết của cùng một tác giả đăng trên: http://hoidongxitothanhgia.com/cha-to/ke-chuyen-nguoi-cha-khiem-nhuong-maria-gioan-lasan-csdd-2195.html
[4] Tu Luật Thánh Phụ Biển Đức, Chương 72, Câu 11.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ tháng Mười Hai 2020
-
Bình thường mới và Cảnh giác -
Ra đi thanh thản -
Phụng vụ tháng Mười Một 2020 -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Phụng vụ tháng Mười 2020: Tháng Mân Côi -
Tu sĩ Công giáo góp phần phòng chống Covid-19 -
Covid-19 ảnh hưởng lâu dài đến An ninh Mạng -
Phụng vụ tháng Chín 2020 & Lễ Mẹ Sầu Bi -
Phụng vụ tháng Tám 2020
bài liên quan đọc nhiều
- Ba 'thị chứng nhân' và Bí mật Fatima
-
ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn nói về 'Ngoại tình và Tha thứ' -
Kinh Mân Côi đổi mới cuộc đời -
Ơn gọi nên thánh trong hôn nhân -
Đại dịch 1918-1920: Cái chết của hai vị Thánh trẻ ở Fatima -
13 thói quen lành mạnh cho thể xác và tâm hồn -
Hậu quả của quan hệ tình dục ngoài hôn nhân -
Chữa lành những vết thương lòng -
Ra đi thanh thản -
Tư duy tích cực về người khác