Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 05: Ông Môsê, con người cầu nguyện

Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 05: Ông Môsê, con người cầu nguyện

Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI - Bài 05: Ông Môsê, con người cầu nguyện

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Tư, 01 tháng 6 năm 2011 

Khi đọc Cựu Ước, chúng ta thấy có một nhân vật nổi bật giữa những nhân vật khác, đó là  ông Môsê, như một con người cầu nguyện. Ông Môsê, vị ngôn sứ vĩ đại và nhà lãnh đạo thời Xuất Hành, đã đóng vai trò như người trung gian giữa Thiên Chúa và dân Israel, qua việc trở thành người mang những lời và mệnh lệnh của Thiên Chúa đến cho dân chúng, bằng cách dẫn đưa họ tới tự do của Đất Hứa, bằng việc giảng dạy con cái Israel sống trong sự vâng phục và tín thác nơi Thiên Chúa trong suốt hành trình dài nơi sa mạc, nhưng trên hết, bằng lời cầu nguyện, như tôi sẽ đề cập đến sau đây. Ông cầu nguyện cho vua Pharaô khi gặp những bệnh dịch, Thiên Chúa đã cố gắng biến đổi tâm hồn của người dân Ai Cập (x. Xh 8-10); ông Môsê xin Chúa chữa lành cho chị ông là bà Mariam khi bà mắc bệnh phong cùi (x. Ds 12,9-13); ông cầu xin cho những người đã nổi loạn, vì sợ hãi về những báo cáo của các thám tử (x. Ds 14,1-19); ông cầu nguyện khi hỏa hoạn hầu như thiêu hủy doanh trại (x. Ds 11,1-2) và khi rắn độc giết hại dân chúng (x. Ds 21,4-9); ông tự mình thưa chuyện với Chúa và phản ứng bằng cách khiếu nại khi gánh nặng của sứ vụ ông trở nên quá nặng nề (x. Ds 11,10-15); ông đã thấy Thiên Chúa và thưa chuyện với Người “diện đối diện, như thể một người nói với bạn mình” (x. Xh 24,9-17, 33,7-23; 34,1-10,28-35). 

Cũng thế, tại núi Sinai, khi dân chúng xin ông Aharon đúc cho họ một con bò vàng, ông Môsê cầu nguyện, và điều này thực thi một cách điển hình vai trò của một người trung gian đích thực. Trình thuật này được kể lại trong sách Xuất Hành, chương 32, và có một trình thuật song song nơi sách Đệ Nhị Luật, chương 9. Trong chương này tôi muốn tập trung vào chính trình thuật này, và đặc biệt là về lời cầu nguyện của ông Môsê mà chúng ta tìm thấy trong trình thuật của sách Xuất Hành.

Dân Israel tại chân núi Sinai, trong khi ông Môsê lên núi chờ đợi quà tặng là các bia đá Lề Luật bằng cách ăn chay bốn mươi ngày và bốn mươi đêm (x. Xh 24,18; Đnl 9,9). Con số bốn mươi có một giá trị tượng trưng và có nghĩa là toàn bộ kinh nghiệm, trong khi việc ăn chay cho thấy một chân lý là sự sống đến từ Thiên Chúa, là chính Người là Đấng bảo tồn nó. Quả thật, việc ăn uống bao gồm việc hấp thụ các chất bổ để nuôi dưỡng chúng ta; cho nên ăn chay, hay kiêng ăn, trong trường hợp này có một tầm quan trọng tôn giáo, đó là một cách để tỏ ra rằng người ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra (x. Đnl 8,3). Qua việc ăn chay, ông Môsê chứng tỏ rằng mình đang chờ đợi món quà Lề Luật của Thiên Chúa như nguồn mạch sự sống: điều đó mặc khải thánh ý Thiên Chúa và nuôi dưỡng tâm hồn con người, làm cho họ được tham dự vào một giao ước với Đấng Toàn Năng, Đấng là nguồn mạch sự sống và là chính sự sống.

Nhưng trong khi Chúa ban Lề Luật cho ông Môsê ở trên núi, thì ở chân núi dân chúng lại vi phạm Lề Luật. Vì không thể chịu được sự chậm trễ và vắng mặt của người trung gian, dân Israel đã xin ông Aharon rằng: “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Môsê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai Cập” (Xh 32,1). Mệt mỏi vì cuộc hành trình với một Thiên Chúa vô hình, giờ đây ông Môsê, người trung gian, cũng mất dạng, dân chúng đòi hỏi một sự hiện diện hữu hình và có thể đụng chạm được của Chúa, và tìm thấy nơi con bò vàng được ông Aharon làm ra một vị thần có thể đến gần được, có thể cử động được, trong tầm tay con người. Đây là một cám dỗ liên tục trong cuộc hành trình đức tin: tránh né huyền nhiệm của Thiên Chúa bằng cách tạo cho mình một thần linh dễ hiểu, theo kế hoạch của mình, theo dự án riêng của mình. Việc xảy ra tại Sinai phơi bày tất cả sự điên rồ và ảo tưởng phù phiếm của đòi hỏi này, bởi vì như Thánh vịnh 106 xác nhận một cách châm biếm rằng: “Chúng đổi Chúa vinh quang, lấy hình bò ăn cỏ” (Tv 106,20).

Do đó Thiên Chúa trả lời và truyền cho ông Môsê xuống núi, tỏ cho ông biết những gì mà dân chúng đang làm, và kết thúc bằng những lời này: “Bây giờ hãy để mặc Ta, cứ để cho cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn” (Xh 32,10). Như đã tỏ ra cho ông Ápraham về Sơđôm và Gômôra, giờ đây Thiên Chúa cũng tỏ ra cho ông Môsê những gì Người dự định làm, hầu như Người không muốn làm nếu không có sự đồng ý của ông (x. Am 3,07). Người nói: “Hãy để mặc Ta, cơn thịnh nộ của Ta đã nổi lên”. Trên thực tế, câu “Hãy để mặc Ta, cơn thịnh nộ của Ta đã nổi lên” được nói ra với mục đích chính là để ông Môsê can thiệp và xin Người đừng làm điều ấy, tỏ ra rằng Thiên Chúa luôn muốn cứu độ dân chúng. Cũng như đối với hai thành trong thời ông Ápraham, việc trừng phạt và tiêu hủy, trong đó cơn thịnh nộ của Thiên Chúa được diễn tả như khai trừ sự dữ, cho biết mức độ nghiêm trọng của tội lỗi đã phạm, đồng thời, lời cầu xin của người trung gian có mục đích bày tỏ ý muốn tha thứ của Chúa. Đây là ơn cứu độ của Thiên Chúa, là điều liên quan đến lòng thương xót, nhưng cũng phơi bày sự thật về tội lỗi, về sự dữ đang hiện diện, để kẻ có tội ý thức về việc từ bỏ chính tội lỗi của mình để mình được tha thứ và biến đổi bởi Thiên Chúa. Như thế lời cầu bầu làm cho lòng thương xót của Thiên Chúa hoạt động trong thực tại hư hỏng của những người tội lỗi, để lòng thương xót này được nói lên trong lời cầu xin của con người trong cầu nguyện và qua người ấy trở nên hiện diện nơi mà người ta cần ơn cứu độ.

Lời cầu nguyện của ông Môsê đặt trọng tâm hoàn toàn vào lòng trung tín và ân sủng của Thiên Chúa. Trước hết, ông đề cập đến lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đã khởi đầu với việc xuất hành khỏi Ai Cập của dân Israel, sau đó để nhắc lại lời hứa xưa kia với các Tổ phụ. Chúa đã đem ơn cứu độ đến bằng cách giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ Ai Cập; ông Môsê hỏi: “Tại sao người Ai Cập lại có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất? Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài” (Xh 32,12). Công trình cứu độ đã khởi sự phải được đưa đến hoàn thành; nếu Thiên Chúa tiêu diệt dân Người, điều này có thể được hiểu như là một dấu chỉ của một Thiên Chúa không đủ khả năng hoàn thành kế hoạch cứu độ của mình. Thiên Chúa không thể cho phép điều này xảy ra: Người là Chúa nhân từ, Đấng cứu độ, Đấng đảm bảo sự sống, là Thiên Chúa của lòng thương xót và tha thứ, của giải thoát con người khỏi tội lỗi, là điều giết chết con người. Và như vậy ông Môsê cầu khẩn Thiên Chúa, nại vào đời sống nội tại của Người, để phản đối bản án bề ngoài. Nhưng sau đó, ông Môsê lý luận cùng Thiên Chúa rằng nếu dân được tuyển chọn của Người bị hư mất, ngay cả khi họ có tội, thì Thiên Chúa có thể bị coi như không có khả năng chinh phục tội lỗi. Và điều ấy không thể chấp nhận được. Ông Môsê đã có một kinh nghiệm cụ thể về ơn cứu độ của Thiên Chúa; ông đã được sai đi như một trung gian của ơn giải thoát của Thiên Chúa, và giờ đây, với lời cầu nguyện của ông, ông nói lên mối quan tâm hai chiều, quan tâm về số phận của dân mình, mà cùng với nó, quan tâm về danh dự của Thiên Chúa, cho sự thật về Thánh Danh Người. Quả thật, người trung gian muốn cho dân Israel được cứu độ, vì họ là đàn chiên đã được trao phó cho ông, nhưng cũng bởi vì trong ơn cứu độ ấy, sự thể thật sự của Thiên Chúa được tỏ bày. Yêu thương anh em và kính mến Thiên Chúa thấm nhập lẫn nhau trong lời chuyển cầu; chúng không thể tách rời nhau được. Ông Môsê, người chuyển cầu, là một người giằng co giữa hai tình yêu, mà trong cầu nguyện chúng chồng lên nhau làm một ý muốn duy nhất là sự tốt lành.

Sau đó, ông Môsê nại đến lòng trung tín của Thiên Chúa bằng cách nhắc lại lời hứa của Người: “Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Ápraham, Isaác và Israel; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời” (Xh 32,13). Ông Môsê nhắc lại lịch sử nguyên thủy của việc thành lập dân Israel, về các Tổ phụ của dân, và việc tuyển chọn họ hoàn toàn nhưng không, là sáng kiến của một mình Thiên Chúa. Không phải vì công trạng của họ mà họ đã nhận được lời hứa, nhưng nhờ sự chọn lựa tự do của Thiên Chúa và tình yêu của Người (x. Đnl 10,15). Và giờ đây, ông Môsê xin Chúa tiếp tục cách trung tín lịch sử cứu độ và việc tuyển chọn của Chúa bằng cách tha thứ cho dân Người. Người trung gian không bào chữa cho tội lỗi của dân; ông không kể ra những công trạng được coi như của họ hay của chính ông; nhưng ông nài xin lòng nhân từ của Thiên Chúa: một Thiên Chúa tự do, là tình yêu hoàn toàn, Đấng không ngừng tìm kiếm những kẻ lạc đường, Đấng luôn luôn trung tín với chính mình và ban cho kẻ có tội khả năng ăn năn trở lại với Người và nhờ ơn tha thứ, trở thành người công chính và có thể trung tín. Ông Môsê xin Thiên Chúa chứng tỏ rằng Người còn mạnh hơn tội lỗi và sự chết, và lời cầu nguyện của ông đã đem lại mặc khải này của Thiên Chúa. Một người trung gian của sự sống, người cầu bầu bày tỏ tình đoàn kết với dân chúng. Trong khi chỉ muốn ơn cứu độ mà chính Thiên Chúa mong muốn, ông khước từ khả năng trở thành tổ phụ một dân mới đẹp lòng Chúa. Những lời mà Thiên Chúa đã nói với ông: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc vĩ đại” (Xh 32,10b), thậm chí không được “người bằng hữu của Thiên Chúa” chấp nhận, mà thay vào đó ông sẵn sàng không những gánh vác tội lỗi của dân, mà còn gánh vác tất cả hậu quả của chúng. 

Sau khi tiêu huỷ con bò vàng, ông trở lên núi để một lần nữa để xin ơn cứu độ cho dân Israel, ông thưa cùng Chúa rằng: “Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xóa tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết” (Xh 32,32). Nhờ cầu nguyện, nhờ mong muốn điều Thiên Chúa muốn, người cầu bầu hiểu biết sâu xa hơn về Thiên Chúa và về lòng thương xót của Người, và trở nên có khả năng yêu bằng một tình yêu có thể đạt đến mức hoàn toàn tự hiến.

Trong ông Môsê, người đứng trên đỉnh núi mặt đối mặt với Thiên Chúa, cùng trở thành người cầu bầu cho dân của ông, và hiến dâng chính mình - “xin Ngài xóa tên con” - các Giáo phụ của Giáo hội nhìn thấy một tiên trưng về Đức Kitô, Đấng từ trên đỉnh cao của Thập giá đã thực sự đứng trước Thiên Chúa, không những như người bạn hữu mà còn như người Con. Và không những Người tự hiến chính mình - “xin hãy loại trừ con” - nhưng với trái tim bị đâm thâu qua, Người đã bị khai trừ, Người trở thành tội lỗi, như thánh Phaolô nói: Người đã gánh tội chúng ta nơi chính bản thân mình để cứu độ chúng ta. Lời chuyển cầu của Đức Kitô không chỉ là sự liên đới, nhưng đồng hóa với chúng ta. Người mang tất cả chúng ta trên Thân thể chí thánh của Người. Và bằng cách này toàn thể cuộc đời của Đức Kitô như một con người và như một người Con, đó là một tiếng kêu đến trái tim của Thiên Chúa, là sự tha thứ, nhưng sự tha thứ nhằm biến đổi và canh tân. 

Tôi nghĩ rằng chúng ta nên suy niệm về thực tại này. Chính Đức Kitô đang ứng trực trước nhan Thiên Chúa và đang cầu nguyện cho tôi. Lời cầu nguyện của Đức Kitô trên Thập giá chính là lời cầu nguyện trong hiện tại với tôi, trong hiện tại với tất cả nhân loại này: Người cầu nguyện cho tôi, Người đã chịu đau khổ và chịu đau khổ cho tôi, Người tự đồng hóa với tôi bằng cách mặc lấy thân xác và linh hồn người phàm chúng ta. Người mời gọi chúng ta chia sẻ căn tính của Người, làm cho chúng ta thành một thân thể, một tinh thần với Người, vì từ đỉnh cao Thập giá, Người đã không mang đến một Lề Luật mới, được viết trên những bia đá, nhưng đã mang chính Người, Mình và Máu Người, như một giao ước mới. Vì vậy, Người làm cho chúng ta thành một máu huyết với Người, một thân thể với Người, được đồng hóa với Người. Người mời chúng ta bước vào căn tính này, được kết hợp với Người trong ước muốn thành một thân thể, một tinh thần với Người. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho việc đồng hóa này biến đổi chúng ta, đổi mới chúng ta, bởi vì tha thứ là canh tân, và chính là biến đổi. 

Tôi xin kết thúc chương này bằng lời thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu Rôma rằng: “Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?... cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,33-35.38-39).

Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top