Đức tin và hành động
“ Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con ” (Lc.17,5)
Vào đầu giờ các thánh lễ, giờ nguyện kinh Mân Côi, kinh Lòng Thương Xót Chúa, Cha chủ tế, hoặc người hướng dẫn xướng lên tất cả những ý lễ, ý khấn, nếu ta để ý ta sẽ thấy, nào là cầu cho các linh hồn, xin ơn bình an, như ý, chữa lành….Có lẽ chưa bao giờ ta thấy có ý xin như các môn đệ ngày xưa xin với Đức Kitô: “ Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con ”(Lc.17,5). Khách quan mà nói, có thể ta tự hào hơn các môn đệ của Chúa khi xưa, vì qua những ý lễ và ý khấn, chứng tỏ ta tin vào Chúa một cách mạnh mẽ, có tin ta mới xin, có tin ta mới bày tỏ với Ngài tất cả những gì ta cần trong cuộc sống, lời Đức Kitô đã minh định: “ Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: 'Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển', nó liền vâng lời các con ” (Lc.17,6). Nhưng, lòng tin của ta có bằng hạt cải hay không thì phải coi lại? Nhất là khi ta đang gặp những khó khăn, tuyệt vọng trong cuộc sống, ta xin, ta kêu cầu, nhưng lời kêu xin của ta như không lời đáp trả.
Có một câu chuyện kể rằng: Một chàng thanh niên, anh ta thường tuyên bố một cách mạnh mẽ với mọi người: “ Tôi không tin có Thiên Chúa, không bao giờ tin Thượng Đế hiện hữu nơi cuộc đời này ”. Vào một ngày đẹp trời, anh ta đi picnic , đang khi thả hồn theo nhưng tiếng chim hót, những cảnh quang đẹp và hùng vĩ của núi rừng, bỗng anh ta bị trượt chân và rớt xuống một vực thẳm, may mắn cho anh khi tay anh chụp được một cành cây vắt ngang vực, nhìn xuống vực sâu hun hút anh ta hốt hoảng và kêu lên:
- Lạy Thượng Đế! Xin cứu con, lời kêu cứu của anh như rơi xuống vực sâu và mất hút, anh lại một lần nữa kêu lớn hơn:
- Lạy Thượng Đế! Xin cứu con, kẻo con chết mất, rồi anh nghe có tiếng thì thầm trả lời
- Này anh! Anh đâu có tin là Ta hiện hữu đâu? Anh trả lời:
- Thưa Chúa! Giờ thì con tin có Chúa, xin cứu con, rồi anh ta lớn tiếng, xin Chúa cứu con, Chúa cứu con đi, rồi con sẽ nói cho mọi người biết là có Chúa và Chúa luôn hiện hữu, anh nghe thấy tiếng trả lời:
- Được, Ta sẽ cứu anh nếu anh tin là có Ta ở bên anh mọi nơi và mọi lúc. Nào! Giờ anh hãy buông tay ra, anh ta nhìn xuống phía dưới và nói lớn tiếng:
- Lạy Chúa! Chúa có giỡn không Chúa, buông tay ra con rớt xuống và chết mất sao, con có khùng đâu Chúa? Rồi…..!
Qua câu chuyện trên cho thấy lòng tin của gười thanh niên không khởi đi từ tình yêu, nhưng do sợ hãi, anh tin khi gặp sự cố, anh tin khi ranh giới giữa cái sống và cái chết kề cận, anh tin nhưng anh không xác tín lòng tin của mình qua hành động, bằng chứng là anh không dám buông đôi bàn tay anh ra khỏi cành cây theo lời mời gọi của Thiên Chúa. Đời người, ai trong chúng ta trong cuộc sống lại không gặp những lúc phải lo sợ giữa bệnh tật, đói nghèo; giữa khổ đau, tuyệt vọng; giữa cái sống và cái chết, những lúc như thế thì “ Đức Tin ” như chiếc phao cứu hộ, giúp ta có niềm hy vọng. Đức tin là do Chúa ban tặng nhưng không cho ta, nhưng để đức tin được lớn lên và trưởng thành, đem lại cho ta sự bình an, niềm hy vọng, quan trọng nhất là sự sống đời đời, ta nhớ lại lời của thánh Giacôbê: “ Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng ”(Gc.2,14). Hành động theo đức tin là gì? Và hành động như thế nào trong đời sống đức tin?
Tin và Yêu là hai động từ luôn gắn kết vào nhau, trong mối tương quan gia đình trần thế, nếu muốn tin ai thì việc đầu tiên ta phải có chút cảm tình với người đó, từ cảm tình, dẫn đến niềm tin, từ niềm tin ta có thể cùng hợp tác kinh doanh, cùng làm việc chung trong môi trường nhà đạo cũng như đời; an ủi và rộng tay giúp đỡ khi người ta tin, gặp sự cố trong cuộc sống… Mối tương quan giữa Thiên Chúa và ta cũng thế, Ngài yêu, Ngài mới sinh dựng nên ta, khi ta lỗi lầm, sa ngã Ngài vẫn yêu và tin ta, bằng chứng là Ngài đã xuống trần ở cùng ta và chết vì yêu ta.
Là người Kitô hữu, vậy thì thử hỏi: Ta có thực sự tin vào Ngài không? Ta tin nhưng ta có yêu Ngài không? Ta yêu Ngài nhưng ta có làm cho tình yêu của Ngài được triển nở và lan tỏa bằng hành động không? Hay những lúc ta thành công, hạnh phúc, ta goodbuy Ngài, có chăng ta đến với Ngài nhưng chỉ như xác không hồn, đến theo thói quen, theo luật buộc và sợ, rồi những lúc ta rơi vào hoàn cảnh như chàng thanh niên kia, ta mới chạy lại với Ngài để van xin, cầu khẩn. Thiên Chúa là Đấng từ tâm và xót thương, Ngài vẫn đón nhận ta, dù ta có ra sao. Nhưng Ngài luôn mong ước ta tỏ hiện lòng tin và tình yêu của ta đối với Ngài bằng hành động cụ thể.
Có yêu ta mới tin, khi đã yêu ai thì ta luôn mong ở gần người đó và cố gắng làm vui lòng người đó. Thiên Chúa cũng thế, điều mà Đức Kitô đã nhắc nhở: “ Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy…. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em ”(Ga.14,15; 15,12), nhưng yêu thương như thế nào cho đẹp lòng Chúa? Thánh Phaolô đã dạy ta: “ Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả ”( 1Cr.13,4-7). Đây chính là việc làm, hành động đi kèm với đức tin, qua hành động đức tin của ta sẽ dần lớn như hạt cải, nhờ đức tin bằng hạt cải, ta có thể biến những khổ đau thành niềm vui, biến những tuyệt vọng thành niềm hy vọng như lời minh định của Đức Kitô: “ Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: 'Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển', nó liền vâng lời các con ” (Lc.17,6).
Là những con người yếu đuối thì tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố, luôn là rào cản ta thực hiện giới răn của Đức Kitô và cũng làm cho đức tin ta không triển nở, Đức Kitô đã biết và biết rất rõ những yếu đuối của ta, nên Ngài đã dặn dò các môn đệ và cũng cho ta: “ Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái….Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được ”(Ga.15,4-50). Vì thế, để đức tin của ta dần lớn bằng hạt cải điều quan trọng là ta ở lại với Đức Kitô trong đời sống cầu nguyện, trong lời của Ngài nơi Kinh Thánh, trong tình yêu của Ngài nơi bí tích Thánh Thể và ta xin Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi, Mẹ là trường dạy đức tin, Mẹ sẽ giúp ta. Có như thế ta mới có sức mạnh hành động theo đức tin, nhờ ơn Chúa ta cũng xác tín đức tin của ta như thánh Phaolô: “ Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy ”(Dt.11,1).
Lạy Chúa Giêsu! Con cảm tạ Chúa đã ban đức tin cho con, nhưng đôi lúc con bị chao đảo niềm tin vì những thách đố của cuộc sống, xin kiện toàn đức tin luôn yếu đuối và mỏng dòn nơi con và giúp con hành động theo đức tin, bằng việc tuân giữ và thực hành những gì Chúa đã truyền dạy cho con trong Tin Mừng, xin cho con say mê lời của Chúa. Vì lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi; là lương thực, là sức sống cho đời sống đức tin của con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ba đạo sĩ là ai?
-
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ hai Năm Sự Vui - Đức Mẹ đi viếng bà Êlisabét -
Phó Chánh án Tòa Ân giải Tối cao: Tòa giải tội, Cửa thánh cho tâm hồn -
Bức thư năm 2025 từ Taizé: Hy vọng vượt trên mọi hy vọng -
Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem -
Giáng sinh trong thời chiến -
Bừng sáng Tình Yêu -
Chút suy tư mùa Giáng sinh 2024 -
Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui nào? -
Mầu nhiệm Nhập Thể - Mầu nhiệm Chữa Lành
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19