Đức Lêô XIV: “Trong Đức Kitô, chúng ta là một gia đình”
TGPSG/Vatican News -- Đức Giáo hoàng Lêô XIV ca ngợi những nỗ lực toàn cầu của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, cảm phục vì các hiệp hội này “thực sự là ‘phương tiện chính’ để đánh thức tinh thần truyền giáo nơi mọi người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và nâng đỡ các cộng đoàn Giáo hội tại những nơi Giáo hội còn non trẻ.”
“Hôm nay, cũng như thời kỳ sau lễ Ngũ Tuần, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, với niềm vui tín thác và can đảm xuyên suốt lịch sử, Giáo hội tiếp tục hành trình loan báo danh thánh Giêsu và ơn cứu độ phát sinh từ niềm tin vào chân lý Tin Mừng cứu độ. Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là một phần quan trọng trong nỗ lực vĩ đại này.”
Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã khích lệ các hiệp hội này vào sáng thứ Năm tại Vatican, nhân dịp Đại hội Khoáng đại của họ.
Về việc điều phối đào tạo truyền giáo và làm cho tinh thần truyền giáo được sống động nơi các Giáo hội địa phương, Đức Thánh Cha yêu cầu các Giám đốc Quốc gia của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo ưu tiên đến thăm các giáo phận, giáo xứ và các cộng đoàn. Điều này sẽ giúp các tín hữu nhận ra tầm quan trọng cơ bản của sứ vụ và hỗ trợ anh chị em ở những khu vực trên thế giới, nơi Giáo hội còn non trẻ và đang phát triển.
Đức Giáo hoàng Lêô tiếp kiến Các Hội Truyền Giáo Tòa Thánh (@Vatican Media)
Nói bằng tiếng Anh, Đức Thánh Cha - nhớ lại thời gian ngài từng là nhà truyền giáo - đã khen ngợi các đại diện của hơn 120 quốc gia hiện diện trước mặt ngài vì công việc đầy ý nghĩa của họ cho Giáo hội trên toàn thế giới.
“Trước hết, tôi bày tỏ lòng biết ơn đến anh chị em và các cộng sự viên vì sự phục vụ tận tụy của anh chị em - điều không thể thiếu đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội - mà chính tôi có thể chứng thực từ những năm tháng thi hành thừa tác vụ mục vụ tại Peru.”
Ngài khẳng định, “Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo thực sự là ‘phương tiện chính yếu’ để đánh thức tinh thần trách nhiệm truyền giáo nơi mọi người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và nâng đỡ các cộng đoàn Giáo hội tại những vùng mà Giáo hội còn non trẻ.”
Đức Giáo hoàng Lêô tiếp kiến Các Hội Truyền Giáo Tòa Thánh (@Vatican Media)
Trong bối cảnh này, Đức Giáo hoàng đã nhấn mạnh đến Hội Truyền bá Đức tin, “đã hỗ trợ các chương trình mục vụ và giáo lý, xây dựng các nhà thờ mới, chăm sóc y tế và nhu cầu giáo dục tại các vùng truyền giáo,” cũng như Hội Nhi đồng Truyền giáo, ngoài việc chăm sóc nhu cầu cơ bản và bảo vệ các em, còn hỗ trợ các chương trình hình thành đức tin Kitô cho trẻ em.
Tương tự, ngài đề cập đến Hội Thánh Phêrô Tông đồ với nhiệm vụ “giúp vun đắp các ơn gọi truyền giáo, linh mục và tu sĩ,” cùng với Liên hiệp Truyền giáo Giáo hoàng “cam kết đào tạo các linh mục, tu sĩ nam nữ, và toàn thể dân Chúa cho công tác truyền giáo của Giáo hội.”
Thế giới chúng ta cần nghe thông điệp Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa
Đức Giáo hoàng Lêô nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy lòng sốt sắng tông đồ nơi Dân Chúa “vẫn là một khía cạnh thiết yếu của việc đổi mới Giáo hội như được Công đồng Vatican II đề ra, và càng cấp bách hơn trong thời đại của chúng ta.”
Ngài khẳng định: “Thế giới chúng ta, bị thương tổn bởi chiến tranh, bạo lực và bất công, cần nghe thông điệp Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa và trải nghiệm sức mạnh hòa giải từ ân sủng của Chúa Kitô.”
Đức Thánh Cha tái khẳng định: “Theo nghĩa này, chính Giáo hội ngày càng được mời gọi trở thành một Giáo hội truyền giáo, mở rộng vòng tay với thế giới, loan báo Lời Chúa … và trở thành men hòa bình cho nhân loại.”
Sự cấp bách trong việc đem Chúa Kitô đến với mọi người
Đức Giáo hoàng Lêô XIV nói: “Chúng ta phải mang đến cho mọi dân tộc, đích thực là cho mọi loài thụ tạo, lời Tin Mừng hứa ban bình an thực sự và vĩnh cửu, đó là điều có thể đạt được vì, theo lời Đức Giáo hoàng Phanxicô, ‘Chúa đã chiến thắng thế gian và những xung đột không ngừng của nó bằng cách thiết lập hòa bình nhờ máu của Thánh Giá.’”
Do đó, ngài đề nghị: “chúng ta thấy tầm quan trọng của việc vun đắp tinh thần môn đệ truyền giáo nơi mọi người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và nhận thức sự cấp bách phải đem Chúa Kitô đến với mọi người.”
Đức Giáo hoàng bày tỏ lòng biết ơn họ và các cộng sự vì hằng năm họ đã nỗ lực quảng bá Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo vào Chúa Nhật áp chót tháng Mười, “điều này giúp tôi rất nhiều trong mối quan tâm đến các Giáo hội tại những vùng do Bộ Truyền Giáo quản lý.”
Đức Giáo hoàng Lêô tiếp kiến Các Hội Truyền Giáo Tòa Thánh (@Vatican Media)
Trong Đức Kitô, chúng ta là một gia đình của Thiên Chúa
Đức Thánh Cha kết thúc bài nói chuyện bằng cách mời gọi mọi người suy tư về hai yếu tố đặc biệt trong căn tính của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo: hiệp thông và phổ quát.
Ngài giải thích: “Là các hiệp hội dấn thân chia sẻ sứ vụ truyền giáo của Đức Giáo hoàng và Hồng Y đoàn, anh chị em được mời gọi vun đắp và thúc đẩy các thành viên nhìn về Giáo hội như một sự hiệp thông của các tín hữu, được Thánh Thần thổi sức sống, cho phép chúng ta bước vào sự hiệp nhất hoàn hảo và hòa hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa.”
Ngài thán phục: “Quả thật, chính trong Chúa Ba Ngôi mà mọi sự tìm thấy sự hiệp nhất.”
Với tâm tình ấy, Đức Giáo hoàng Lêô nói: “Khía cạnh này của đời sống và sứ mạng Kitô giáo là điều tôi luôn trân trọng, và được phản chiếu trong lời của Thánh Augustinô mà tôi đã chọn cho sứ vụ giám mục và tông toà của mình: In Illo uno unum (Mọi sự nên một trong Ngài). Đức Kitô là Đấng cứu chuộc chúng ta, và trong Người, chúng ta là một, một gia đình của Thiên Chúa, vượt lên trên sự đa dạng phong phú của ngôn ngữ, văn hoá và trải nghiệm.”
Sự phong phú phát sinh từ việc biết Đức Giêsu Kitô
Đức Thánh Cha giải thích rằng việc trân trọng sự hiệp thông của chúng ta với tư cách là thành viên trong Thân Thể Đức Kitô “tự nhiên mở ra cho chúng ta chiều kích phổ quát của sứ mạng truyền giáo của Giáo hội,” và “truyền cảm hứng để chúng ta vượt qua giới hạn của các giáo xứ, giáo phận và quốc gia riêng biệt, nhằm chia sẻ với mọi dân tộc và mọi người sự phong phú vượt bậc của tri thức về Đức Giêsu Kitô.”
Cuối cùng, Đức Giáo hoàng Lêô kết luận bằng cách nhắc nhở rằng Năm Thánh thách thức “tất cả chúng ta trở thành những người hành hương của hy vọng,” và như vậy, ngài đã khích lệ họ trở thành “các truyền giáo của hy vọng giữa mọi dân tộc, trước khi ngài giao phó họ cùng các nhà bảo trợ và công việc của họ cho Đức Mẹ.
Tác giả: Deborah Castellano Lubov
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News
bài liên quan mới nhất

- Bổ nhiệm đầu tiên của Đức Thánh Cha Lêô XIV cho Giáo triều Roma: một nữ tu làm Tổng Thư ký Bộ Tu sĩ
-
Thông điệp giả mạo Đức Giáo hoàng gửi Tổng thống Burkina Faso -
Đức Thánh Cha Lêô XIV viếng Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành -
Đức Hồng y Ferrao mong muốn Đức Thánh Cha Lêô XIV tham dự Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu -
Tiếp phái đoàn giáo phận Chiclayo, Đức Thánh Cha Lêô XIV nhấn mạnh chứng tá đức tin và tình bạn của người Peru -
Luận án tiến sĩ của Đức Lêô XIV làm sáng tỏ tầm nhìn của ngài đối với Giáo hội -
Đức Lêô XIV: Thời điểm của đối thoại và xây những nhịp cầu -
Đức Lêô XIV: Giáo hội hiệp nhất và mở rộng vòng tay với thế giới -
Hát lên mừng Chúa một bài ca mới - Chút tâm tình về Đức Giáo hoàng Lêô XIV -
Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV (18/05)
bài liên quan đọc nhiều

- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2023 -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y