Đức Gioan Phaolô II – Vị Giáo Hoàng của truyền thông
Bài viết này được đăng trong tập sách VƯỢT QUA NGƯỠNG CỬA THIÊN NIÊN KỶ THỨ III (trang 352-420), do Uỷ ban Văn hoá/HĐGMVN phát hành vào tháng 5-2011 nhân dịp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được tôn phong Chân phước - đây là tài liệu của cuộc Hội thảo về Đời sống và Sứ vụ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, số 6B Tôn Đức Thắng, Q. 1, TP.HCM, vào ngày 6-5-2011.
***
DẪN NHẬP
Đoạn cuối của văn bản Rogito được đọc bởi Đức Tổng Giám mục Piero Marini, trưởng ban Cử hành các Nghi lễ Phụng vụ Giáo hoàng, được ký bởi tất cả những vị có mặt và được đặt trong quan tài của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II trước khi an táng được viết bằng tiếng Latinh có nội dung như sau:
ORPUS IOANNIS PAULI II P.M.
VIXIT ANNOS LXXXIV, MENSES X DIES XV
ECCLESIAE UNIVERSAE PRAEFUIT
ANNOS XXVI MENSES V DIES XVII
Semper in Christo vivas, Pater Sancte!
Dịch nghĩa:
Di hài của Đức Gioan Phaolô II, Giáo hoàng tối cao
Ngài đã sống 83 năm 10 tháng 15 ngày
là Đầu của Giáo Hội Hoàn Vũ
trong thời gian 26 năm 5 tháng và 17 ngày
Ngài luôn sống trong Đức Kitô, thưa Đức Thánh Cha![1]
Đó là một sứ điệp ngắn gọn nói với mỗi người chúng ta về cuộc đời và con người của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, một vị Giáo hoàng xuất chúng về nhiều lĩnh vực khác nhau, với một triều đại được xem là một trong những triều đại lâu nhất trong lịch sử của Giáo Hội (chỉ thua triều đại Giáo hoàng của Thánh Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi, và triều đại dài 32 năm của Đức Giáo hoàng Piô IX).
Cuộc đời của ngài nổi bật như một con người cầu nguyện, làm chứng tá cho niềm tin Kitô giáo, sứ giả của hoà bình, người bạn của giới trẻ, người lữ hành với các cuộc tông du liên lục địa, vị mục tử nhân lành mở ra cánh cửa hy vọng, con người của đối thoại liên tôn, người khởi xướng cho nền văn minh tình thương... Chắc hẳn ngài có thể làm được tất cả những điều đó, bởi ngài chính là vị Giáo hoàng của Truyền thông, một con người biết mở lòng ra với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình, và cũng không ngừng mời gọi toàn thế giới "Đừng sợ hãi", hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô...[2]
Phải, Đức Gioan Phaolô II là một trong những nhà tiên phong vĩ đại của Kitô giáo trong lĩnh vực truyền thông đại chúng và tương quan công cộng (public relations). Ngài là một trong số rất ít những nhân vật trong lịch sử dám để cho giới truyền thông xâm nhập vào mọi lĩnh vực cuộc sống của mình, ghi hình cả những giờ phút riêng tư của ngài với Chúa, hoặc tường thuật về những lời ngài nói, những cuộc gặp gỡ của ngài với mọi giới... Sách Guinness về các kỷ lục thế giới ghi nhận ngài là người phá vỡ mọi kỷ lục về số lượng khán giả hâm mộ trong cả lịch sử loài người, cả trong nhà lẫn ngoài trời. Đặc biệt những thánh lễ long trọng và những bài nói chuyện của ngài khi được truyền hình trực tiếp trên thế giới có số lượng người xem hơn hẳn bất kỳ nghệ sĩ nổi tiếng nào. Riêng tại nước Philippines, đã từng có một thánh lễ ngoài trời mà số người tham dự lên đến 7,5 triệu.[3] Tại quê hương Ba Lan, thánh lễ kết thúc chuyến viếng thăm của ngài sáng Chủ Nhật mồng 10-6-1979 ước lượng có khoảng 3 triệu người tham dự, ngài đã soạn sẵn bài diễn văn, nhưng sau những tiếng hoan hô như sấm sét của người trẻ, ngài quyết định đối thoại trực tiếp với họ.[4] Điều đó nói lên con người rất đặc biệt của ngài như một vị Giáo hoàng của Truyền thông.
I. ĐÔI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II
Với một tình yêu vô biên, Thiên Chúa đã can thiệp vào dòng lịch sử con người và biến nó thành lịch sử cứu độ theo những cách thế con người không bao giờ hiểu thấu. Thiên Chúa đã mời gọi không biết bao nhiêu những nhà lãnh đạo, những vị ngôn sứ, những chứng nhân khác trong suốt cả chiều dài lịch sử nhân loại để cộng tác vào cộng trình của Người. Để chuẩn bị một con người mà Người muốn mời gọi thực hiện một sứ mạng đặc biệt trong Giáo Hội, Thiên Chúa đã đặt để nơi con người ấy những tiềm năng và những ân ban cần thiết với một gia đình và hoàn cảnh xã hội cụ thể nơi người ấy được sinh ra. Cuộc đời của cậu bé Karol Wojtyla cũng thế, từ khi sinh ra vào năm 1920, cho tới khi được thụ phong linh mục, làm Giám mục, Hồng y, rồi được chọn lên kế vị Thánh Phêrô tại ngai tòa Roma vào năm 1978, cho đến năm 2005 khi ngài trở về nhà Cha, là một chuỗi dài bao hồng ân và những thách đố. Cuộc đời đó đã tỏa sáng yêu thương, thông truyền cho mọi người niềm xác tín vững chắc, và mở ra chia sẻ với cả thế giới lời loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúng ta cùng đọc lại cuộc đời của Ngài dưới cái nhìn truyền thông, để nhận ra Ngài chính là một ân ban lớn lao của Thiên Chúa cho thế giới trong thời đại của truyền thông hôm nay.
1. Thời ấu thơ và tuổi trẻ
Chúng ta đều biết Karol Józef Wojtyla sinh ngày 18-5-1920 tại Wadowice nước Ba Lan, là con út trong ba người con mà người chị đã chết từ nhỏ. Cha của cậu là ông Karol Wojtyka - cựu sĩ quan, và mẹ là bà Emilia Kaczorowka, một phụ nữ đạo đức tốt lành. Ngay từ lúc cậu còn bé, bà mẹ thánh thiện đã muốn Karol trở thành một linh mục, và thường khoe với những người hàng xóm rằng: "Lolek của tôi (tên bà gọi Karol cách thân mật) sẽ trở thành một người vĩ đại".[5] Cậu rước lễ lần đầu khi được 9 tuổi, cùng năm đó thân mẫu của cậu qua đời vì bệnh thận và suy tim. Người anh của cậu là bác sĩ Edmund bị lây bệnh trong cơn dịch và qua đời ở tuổi 27, lúc Karol mới được 12 tuổi. Karol là một cậu bé hiếu động, thông minh, yêu thích thể thao và đặc biệt có lòng đạo đức. Bầu khí gia đình bồi đắp nơi cậu lòng yêu mến Chúa, một đời sống tương quan thân thiết với Chúa và biết dâng lên Chúa mọi biến cố trong cuộc sống. Đó là khởi điểm của hoạt động truyền thông nội tại ngày càng sâu sắc hơn trong suốt cuộc đời của ngài.
Sau khi Karol tốt nghiệp trung học với bằng xuất sắc ở Wadowice năm 1938, gia đình dọn về thành phố Krakow là nơi cậu ghi danh tại Trường Đại học Jagiellonia, chuyên về văn chương và triết học. Thời trai trẻ, Karol rất năng động trong mọi lĩnh vực, từ tri thức, hoạt động xã hội đến thể thao và kịch nghệ. Trong thời gian học đại học, Karol đồng thời học thêm ngành kịch và là một thành viên năng động của nhóm kịch thử nghiệm Studio 38. Năm 1941, cha cậu qua đời, Karol từ nay không còn một ai là người thân trong gia đình ruột thịt. Tất cả những biến cố đó ghi đậm dấu vết trong cuộc đời của vị Giáo hoàng sau này, giúp ngài trở thành một con người có khả năng lắng nghe, gần gũi với mọi người, đồng cảm với những đau khổ trong cuộc sống của những kẻ bị bỏ rơi, dám lên tiếng bênh vực cho sự thiện, cho nhân quyền và phẩm giá con người, luôn sẵn sàng loan báo Tin Mừng của Sự sống và Tình thương... Khả năng truyền thông liên vị của ngài đã đâm chồi nẩy lộc từ chính thực tế đời sống và ngày càng mạnh mẽ hơn.
2. Cuộc đời linh mục
Khi quân đội Ðức quốc xã chiếm Ba Lan và đóng cửa các đại học vào năm 1939, Karol phải đi làm việc để kiếm sống, cậu chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đi tu vì cho rằng mình không xứng đáng. Mãi đến năm 1942, được Chúa thôi thúc và được cha linh hướng là linh mục Figlewicz hướng dẫn, Wojtyla đến Toà Giám mục Krakow xin được gặp Đức Hồng y Adam Stefan Sapieha, Tổng Giám mục Cracovia, và nói: "Thưa Đức Cha, con muốn được chia sẻ chức linh mục của Chúa Kitô". Từ đó cuộc đời của Wojtyla rẽ sang một bước ngoặt quan trọng.[6] Wojtyla bắt đầu nhập Chủng viện Cracovia, nhưng đất nước Ba Lan rơi vào tay Đức quốc xã nên thầy phải học thần học chui. Vào ngày 1.11.1946, thầy Karol được thụ phong linh mục do Đức Hồng y Sapieha truyền chức trong một ngôi nhà nguyện riêng. Như thế, cuộc sống với nhiều thăng trầm do những tác động của thời thế đã tiếp tục đẩy đưa chàng thanh niên Karol đi tới, bắt đầu với cuộc sống của một sinh viên, một người công nhân, rồi một nhà thơ, một kịch sĩ, một nhà giáo và sau cùng Karol đã trở thành một linh mục đầy khả năng và nhiệt huyết như mơ ước của mẹ ngài.
Hai tuần sau khi thụ phong, linh mục trẻ Karol được Đức Hồng y Sapieha gửi sang Rôma, và ngày 27.11.1946, ngài nhập học tại Đại học Angelicum. Vào tháng 6.1948, ngài bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thần học với đề tài: Những vấn đề đức tin trong các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá, được các giáo sư phê ưu hạng.[7] Cũng trong thời gian du học tại Rôma, vào những lúc nghỉ hè, ngài đã thực thi công tác mục vụ cho những người di cư gốc Ba Lan tại các nước Pháp, Bỉ và Hà Lan. Bao mối tương quan cá nhân, bao hoạt động tham gia cùng với nhóm và cả cộng đồng, và việc học rất đòi hỏi giúp ngài mở rộng tầm nhìn và khả năng nghiên cứu đào sâu kiến thức, cũng như có thêm các kinh nghiệm mục vụ tông đồ. Tại Rôma ngài cũng có dịp tiếp cận với một thế giới rộng lớn hơn, nghe biết những ngôn ngữ của rất nhiều dân tộc, mở rộng hiểu biết và có được cái nhìn "Công giáo" về Giáo Hội của Đức Kitô.
Tháng 7-1948, ngài trở về Ba Lan, phục vụ họ đạo Niegowic rồi họ đạo Thánh Florian tại Krakow, đồng thời là tuyên uý sinh viên cho đến năm 1951, khi ngài quyết định học về triết lý và thần học trở lại tại trường Đại học Công giáo ở Lublin. Vào năm 1953, ngài bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Triết học "Hiện tượng luận của Max Scheler" chuyên về khía cạnh đạo đức của Max Scheler. Ngài cũng trở thành Giáo sư Thần học Luân lý và Đạo đức Xã hội tại Đại Chủng viện Krakow từ năm 1952-1958. Đến năm 1956, ngài giữ ghế giáo sư tại Khoa Thần học của trường Đại học Công giáo tại Lublin, nơi ngài theo học trước kia. Việc say mê nghiên cứu nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy giúp ngài mở rộng cái nhìn về khoa thần học đương đại, đồng thời cung cấp cho ngài khả năng lý luận sắc bén và phương pháp trình bày những hiểu biết của mình cách rõ ràng sáng sủa.
Trong thời gian giúp xứ, ngài xây dựng cho mình một thời khoá biểu sống thật chặt chẽ và một chương trình hoạt động mục vụ đầy kín. Ngài đặc biệt quan tâm đến giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và dành rất nhiều thì giờ và công sức cho giới trẻ. Với những chuyên môn đã được học, ngài tụ họp các nhóm trẻ, hướng dẫn họ tập luyện diễn xuất để trình diễn trên sân khấu, giúp họ học thêm để mở rộng kiến thức, tổ chức những buổi cắm trại hoặc những chuyến du ngoạn trong các khu vực lân cận. Ngài rất thích tham gia thể thao, và đã lập các đội bóng chuyền cũng như túc cầu cho thanh thiếu niên trong vùng. Những hoạt động này giúp ngài trở nên con người mẫu mực và uy tín đối với giới trẻ, ngài thực sự quan tâm và yêu mến họ, đồng thời cũng được họ mến yêu. Thời gian phục vụ này là kinh nghiệm quý giá giúp ngài khám phá ra giá trị và tầm quan trọng của người trẻ. Là một linh mục trẻ đạo đức, ngài luôn mở rộng cho mọi người và mọi hoạt động hữu ích cả trong và ngoài Giáo Hội, có lẽ đó là khởi điểm của các mối tương quan công chúng rộng lớn sau này.
3. Cuộc đời Giám mục - Hồng y - và Giáo hoàng
Đầu tháng 7.1958, Hồng y Stefan Wyszynski mời Cha Wojtyla đến văn phòng và trao cho cha bức thư như sau: "Do lời thỉnh cầu của Đức cha Baziak, Tổng Giám mục Krakow, Ta chỉ định Cha Karol Wojtyla làm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Krakow...", ngài đã sẵn lòng nhận lời không do dự! Nhưng trên đường về nhà, Cha Wojtyla đã vào nhà nguyện của các sơ Ursuline, sấp mình cầu nguyện lâu đến 8 tiếng đồng hồ![8] Vào ngày 28.9.1958, ngài được Đức Piô XII tấn phong làm Giám mục Phụ tá của Tổng Giáo phận Krakow. Chỉ sau đó ít hôm, Đức Piô XII qua đời và Đức Gioan XXIII lên kế vị mở ra một kỷ nguyên mới cho Giáo Hội qua việc triệu tập Công đồng Vatican II. Vị tân Giám mục mới 38 tuổi đã được mời tham dự Công đồng cùng với 2.593 giám mục thuộc 141 quốc gia trên thế giới.[9] Ngày 30.12.1963, Giám mục Wojtyla được Đức Phaolô VI nâng lên làm Tổng Giám mục Krakow. Với vai trò mới này, sự hiện diện của ngài trong các cuộc thảo luận tại Công đồng được chú ý nhiều hơn. Ngài tham dự đủ bốn khoá họp của Công đồng từ năm 1962 đến 1965, và có nhiều đóng góp quan trọng. Với 7 diễn từ và 13 phát biểu, Giám mục trẻ Wojtyla đã gây ấn tượng sâu sắc đối với hầu hết các Nghị phụ tham dự Công đồng.[10]
Ngày 29.6.1967, Tổng Giám mục Wojtyla được Đức Phaolô VI nâng lên chức Hồng y lúc 47 tuổi, và vẫn tiếp tục cai quản Tổng Giáo phận Krakow. Ngài được mời và đã tham dự hầu hết những công hội của các Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới. Từ năm 1968, tình hình Ba Lan có nhiều biến động về chính trị, vào dịp Giáng Sinh 1970, các công nhân đình công đòi cải thiện quy chế làm việc, đòi tăng lương đồng thời yêu cầu rút lại lệnh tăng giá thực phẩm. Dù là người rất cẩn trọng khi nêu lên các quan điểm chính trị, Hồng y Karol Wojtyla đã đứng về phía dân chúng để công khai nói lên lập trường của Giáo Hội trước sự kiện những người dân thấp cổ bé miệng bị đàn áp, bị giết chết cách bất công.[11] Từ đó, Ðức Hồng y Karol Wojtyla luôn kiên trì với công cuộc bênh vực cho hoà bình, công lý và lẽ phải, bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra cho mình.
Năm 1978, Giáo hội Công giáo có nhiều biến động quan trọng, Ðức Phaolô VI qua đời ngày 6.8.1978, Ðức Hồng y Albino Luciani, Giáo chủ Venezia đã được bầu lên kế vị, lấy danh hiệu là Gioan Phaolô I. Nhưng chỉ 33 ngày sau khi làm Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô I đã bất chợt qua đời vì bệnh tim. Các Hồng y lại tựu về Rôma, mong chọn ra một vị có khả năng đối đầu với những khó khăn của thời thế. Sau tám vòng bỏ phiếu, Hồng y Wojtyla đã đắc cử vào ngày 16.10.1978. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên phá vỡ truyền thống khi có một bài nói chuyện nói chuyện bằng tiếng Ý với nụ cười tươi ở thời điểm có "khói trắng", thay vì chỉ nói lời chúc lành Urbi et orbi như các vị khác.[12] Có người cho rằng danh hiệu Gioan Phaolô II ngài chọn vì tôn kính vị tiền nhiệm là Gioan Phaolô I, có người nói danh hiệu đó được ghép tên từ niên hiệu của hai vị Giáo hoàng có công triệu tập và bế mạc Công đồng Vatican II: Đức Gioan XXIII và Phaolô VI, vì ngài quý trọng Công đồng và mong muốn đề cao Công đồng trong triều đại của mình. Ngài là vị Giáo hoàng thứ 263 kế vị Thánh Phêrô cai quản Hội thánh Công giáo. Ngài cũng là người Ba Lan đầu tiên, và không phải là người Ý, được bầu làm Giáo hoàng trong 455 năm. Lúc được bầu làm Giáo hoàng, ngài mới có 58 tuổi, là vị Giáo hoàng trẻ trung nhất trong suốt 132 năm kể từ Đức Piô IX năm 1846.[13]
Triều đại Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II kéo dài gần 27 năm (1978-2005), mở ra cho Giáo Hội toàn cầu một trang sử đặc biệt với nhiều viễn cảnh mới. Ngài đã đưa toàn thể Giáo Hội đi vào một cuộc canh tân sâu rộng, thông truyền nguồn sinh lực mới cho mọi hoạt động của Giáo Hội theo tinh thần của Công đồng Vatican II. Văn bản Rogito công bố rằng Đức Gioan Phaolô II là người đã thi hành sứ vụ giáo hoàng với tinh thần truyền giáo không mệt mỏi, cống hiến toàn bộ năng lực vào việc "sollicitudo omnium ecclesiarum - vận động tất cả các Giáo Hội" và lòng bác ái rộng mở đến cho toàn thể nhân loại: Ngài đã gặp gỡ với dân Thiên Chúa và những nhà lãnh đạo các quốc gia, qua việc cử hành, qua những buổi tiếp kiến chung, riêng và những lần viếng thăm mục vụ. Văn bản viết: "Trong ánh sáng Phục Sinh của việc Đức Kitô sống lại từ cõi chết, vào ngày 2 tháng 5, năm của Thiên Chúa 2005, vào lúc 9:37 giờ chiều, nhân lúc sắp kết thúc buổi chiều tối Thứ Bảy, chúng ta đã đưa linh cữu của vị Cha Chung của Giáo Hội, Đức Gioan Phaolô II, từ thế giới này về Nhà Cha... Toàn thể Giáo Hội, hiệp thông qua lời cầu nguyện, nguyện cầu cho sự mất mát này...".[14]
II. ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - MỘT NHÀ TRUYỀN THÔNG MẪU MỰC
1. Thế giới truyền thông giữa bước chuyển thiên niên kỷ
Trong những thập niên cuối của thiên niên kỷ thứ hai, nhiều đất nước đã thoát ra khỏi những giai đoạn thuộc địa lâu dài đưa đất nước đi vào giai đoạn tái thiết và phát triển xã hội (tại Việt Nam: miền bắc năm 1954, cả nước thống nhất năm 1975...). Nhiều biến động chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội xảy ra trên khắp thế giới. Khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng làm thay đổi cả bộ mặt thế giới. Vào thời gian này, mặc dù chỗ đứng của Giáo Hội trong nhiều đất nước vẫn chưa được nhìn nhận, nhưng Giáo Hội luôn ý thức vai trò đồng hành với nhân loại và cùng chia sẻ số phận của nhân loại trong dòng lịch sử. Nhằm đáp ứng những nhu cầu mới của một thế giới, các giáo huấn về xã hội của Giáo Hội đã đưa ra những đường lối hướng dẫn con người trong cuộc tìm kiếm của họ. Tông thư Bát Thập Niên (Octogesima Adveniens) của Đức Phaolô VI kỷ niệm 80 năm Thông điệp "Rerum Novarum" ban hành ngày 14.05.1971 trả lời cho những nhu cầu mới mẻ của một thế giới đang biến đổi có nói: "Một thay đổi lớn khác của thời đại chúng ta đã được khẳng định, đó là vai trò ngày càng lớn của truyền hình, truyền thanh và những phương tiện truyền thông đại chúng khác. Thông điệp và thông tin trở nên luôn sẵn có đến độ thừa thãi, làm thay đổi tâm trạng, kiến thức, văn hoá của con người. Chúng tạo nên những quyền lực mới quyền lực thứ tư - càng mạnh mẽ hơn vì chúng làm cho đại đa số những ai tiếp nhận chúng trở nên thụ động. Phải thẩm định cả những lợi điểm lẫn những nguy cơ...".[15]
Đức Phaolô VI cũng nêu lên tầm quan trọng của các vấn đề xã hội đã trở nên có tính toàn cầu mà mỗi người Kitô hữu cần phải ý thức. Ngài thấy rằng do những đòi hỏi của sứ điệp Tin Mừng, Giáo Hội thấy mình có nghĩa vụ dấn thân phục vụ cho con người nhằm giúp họ nắm bắt hết mọi chều kích của vấn đề hệ trọng này, và nhằm thuyết phục họ về sự cấp bách phải có một hành động liên đới tại khúc quanh lịch sử này của nhân loại.[16] Tiếp nối sự nghiệp và những tư tưởng của Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II đã đồng hành với Giáo Hội bước qua ngưỡng cửa của một thiên niên kỷ mới, và mong muốn mọi người làm sống lại tinh thần của Công đồng Vatican II, như một gia sản lớn lao cho Giáo Hội và thế giới. Trong Di chúc của ngài có viết: "Ðứng nơi ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, một lần nữa tôi muốn nói lên lòng biết ơn đối với Chúa Thánh Thần vì hồng ân cao cả Công đồng Vatican II; cùng với toàn thể Giáo Hội - và nhất là với toàn thể hàng Giám mục - tôi cảm thấy mình mang ơn Công Ðồng này. Tôi xác tín rằng trong thời gian dài lâu nữa các thế hệ đến sau sẽ còn múc lấy những sự phong phú mà Công Ðồng của thế kỷ XX đã phân phát tràn đầy cho chúng ta. Như là vị giám mục đã tham dự vào biến cố Công Ðồng từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng, tôi muốn trao phó phần gia tài to lớn nầy cho tất cả những ai đang và sẽ được mời gọi thực hiện phần gia tài này trong tương lai".[17]
Bước vào thiên niên kỷ mới với những phát triển vũ bão của các phương tiện truyền thông mới mẻ, dù là con người nhiệt thành và kiên quyết bảo vệ những truyền thống cổ kính từ thời các tông đồ, Đức Gioan Phaolô II cũng chính là vị Giáo Hoàng đã đem lại cho đời sống Giáo Hội sức sống mới và sự trẻ trung năng động cần thiết trong thời đại của truyền thông. Những ảnh hưởng của ngài nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại, đã không chỉ giới hạn trong khuôn khổ Giáo Hội, mà còn trải rộng trên toàn thế giới và đi sâu vào trong con tim của mọi người. Ngài sẽ mãi mãi được nhắc đến như một vĩ nhân của thời đại, vì ngài đã mở ra những phương cách mới mẻ giúp Giáo Hội tiếp cận với những con người và những luồng thông tin mới, góp phần cụ thể vào việc làm thay đổi cục diện thế giới. Những sáng kiến của ngài gây ngạc nhiên cho nhiều thành phần trong Giáo Hội, những Giáo huấn và Tông thư của ngài không chỉ gởi đến các thành phần trong Giáo Hội, mà còn gửi đến cả thế giới. Ngài không chỉ là vị lãnh đạo trổi bật của thiên niên kỷ thứ hai, mà còn là nhà lãnh đạo dám nói lên tiếng nói ngôn sứ với cả nhân loại trong thiên niên kỷ chúng ta đang sống.
2. Đức Gioan Phaolô II - con người sống linh đạo truyền thông
Theo Cha Eilers Dòng Ngôi Lời, người khởi xướng và thiết kế chương trình đào tạo về Thần học Truyền thông tại Đại học Thánh Tôma - Manila, linh đạo truyền thông bắt đầu với chính Chúa Thánh Thần, vì Thánh Thần dựng nên Hội Thánh vào lễ Hiện Xuống. Chính Thánh Thần biến đổi các tông đồ thầm lặng và nhát sợ thành các nhà truyền thông mãnh liệt và dũng cảm về sứ điệp cứu độ của Đức Kitô cho mọi dân tộc. Nhờ được đầy tràn sức mạnh Chúa Thánh Thần, họ truyền thông không chút sợ sệt cho toàn thể Israel và cho thế giới vào thời của họ.[18] Chính ơn của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống đã mở ra một khả năng truyền thông phi thường cho con người, giúp tái lập các kênh truyền thông đã bị đóng chặt ở biến cố tháp Babel và ban cho con người khả năng có những mối tương quan với nhau dễ dàng và chân thực nhân danh Đức Giêsu Kitô. Linh đạo Truyền thông chính là sự mở lòng ra với Thiên Chúa; với chính mình và với người khác.[19]
Đức Gioan Phaolô II là một tấm gương của thái độ mở lòng ra với Thiên Chúa trong cầu nguyện, suy niệm Kinh Thánh và kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần. Ngài khẳng định trong Sứ điệp của ngài nhân Ngày Truyền thông Thế giới 1998: "Các nhà truyền thông Kitô giáo phải là những con người cầu nguyện với đầy Thần Khí, ngày càng đi sâu hơn vào sự truyền thông với Thiên Chúa để lớn lên trong khả năng nuôi dưỡng sự truyền thông giữa đồng loại. Họ phải được Chúa Thánh Thần dạy dỗ về lòng trông cậy, vì Người là tác nhân của việc rao giảng Tin Mừng".[20] Việc làm chứng cho Đức Kitô đòi buộc cuộc sống của chúng ta phải phản ánh hình ảnh của Người, phải được ân sủng và sức mạnh của Thánh Thần làm cho sống động trong chúng ta, phải đón nhận các ơn sức mạnh và khôn ngoan, là những yếu tố cơ bản của linh đạo truyền giáo và đạo truyền thông đích thực. Đó là những điểm then chốt trong cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II, giúp ngài có khả năng vượt qua nhiều thách đố của cuộc sống trong sự trầm tĩnh và khôn ngoan. Ngài đã sống kết hợp và hiệp thông sâu xa với Đức Kitô trong mầu nhiệm tự hạ, và được Đức Kitô sai đi để truyền thông cho nhân loại về tình yêu của Người. Linh đạo Truyền thông kêu gọi mọi người phải vươn tới sự thánh thiện, đó là một thách thức đặc biệt đối với những người truyền thông mục vụ và truyền giáo mà Đức Gioan Phaolô II đã vượt qua cách xuất chúng. Việc ngài được tôn phong lên bậc Chân phước vào tháng 5.2011 là một bằng chứng hùng hồn.
Linh đạo Truyền thông còn là sự mở lòng ra với chính mình, vì chỉ những ai biết đối diện với thực tế của bản thân mình mới có thể là một đối tác truyền thông với Thiên Chúa và với tha nhân. Nhà truyền thông phải là một con người cụ thể, quân bình, trưởng thành, đầy Thánh Thần và có trách nhiệm, vì vậy người truyền thông Kitô giáo phải quan tâm tới đời sống và sự trưởng thành thiêng liêng cũng như phát triển nhân bản của chính mình.[21] Chỉ khi trở thành một người truyền thông thiêng liêng và quân bình, người ta mới dễ dàng được nhận ra và sẽ có thể góp phần vào việc xây dựng các cộng đoàn bằng tình yêu, chia sẻ, hiệp thông, quan hệ và bình đẳng. Đó cũng là những nét nổi bật nơi con người của Đức Gioan Phaolô II. Từ giọng nói, các cử điệu, sự hiện diện của ngài tại bàn thờ hoặc trên khán đài đều góp phần vào sự thành công của ngài như một nhà truyền thông mẫu mực. Ngài ý thức về chính mình và luôn phân định rõ những đường lối của Thánh Thần, biết khích lệ sự tăng trưởng bản thân và cống hiến niềm hy vọng, hiểu biết mục đích trong cuộc đời và sứ mạng của mình. Nhờ luôn cố gắng canh tân bản thân trong Thánh Thần, Ngài toả chiếu sự bình an và niềm vui cho những ai ngài tiếp xúc.
Sự mở lòng ra với Thiên Chúa và với bản thân mình dẫn ngài đến sự mở lòng ra với người khác, trong việc lắng nghe các câu chuyện và kinh nghiệm của họ, các nhu cầu và nguyện vọng của họ, chia sẻ các kinh nghiệm đức tin, tạo dựng và nâng đỡ các cộng đoàn, từ đó Ngài là một nhà truyền thông luôn cởi mở phục vụ người khác, biết chia sẻ bản thân và mọi sự của mình để tha nhân và cộng đoàn được phát triển.[22] Theo gương mẫu của Đức Giêsu là nhà truyền thông hoàn hảo, nhà truyền thông Kitô giáo cảm thấy mình đặc biệt liên đới với các nhu cầu của anh chị em mình, và vì vậy mà trong nhiều trường hợp, Đức Gioan Phaolô II đã trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói, bênh vực cho những người bị đàn áp và gạt ra ngoài lề xã hội. Ai ai đã có cơ hội gặp gỡ ngài cũng đều cảm thấy rằng ngài rất chân thành trong việc nhìn nhận phẩm giá của họ, vì họ mang lấy hình ảnh của Chúa và vận mệnh của họ là sẽ được sống với Chúa.
Đức Gioan Phaolô II còn được mệnh danh là "vị khách hành hương không mỏi mệt vì Chúa và vì con người", như Hồng y Roger Etchegaray phát biểu tại Hội trường Lateranô. Ngài đã đi thăm 129 nước (trong đó có 12 nước tại Á Châu), với tổng cộng thời gian là 822 ngày.[23] Ngài xác tín rằng "các giáo hoàng không nên coi mình chỉ là những vị kế nhiệm của Thánh Phêrô, nhưng còn phải tự coi mình như người thừa kế Thánh Phaolô, một con người không bao giờ dừng bước, luôn luôn di động"...[24] Vì thế, ngài mạnh dạn mời gọi mọi thành phần trong Giáo Hội dám can đảm công bố Tin Mừng Đức Giêsu cho mọi người: "Trong sự bí ẩn của tâm hồn, chúng ta đã lắng nghe sự thật của Ðức Giêsu; giờ chúng ta phải công bố sự thật đó từ mái nhà. Trong thế giới ngày nay, mái nhà hầu như luôn được đánh dấu bởi một rừng đài phát tuyến và ăngten gửi đi và nhận về những sứ điệp thuộc mọi thứ và từ bốn phương thiên hạ. Ðiều rất quan trọng là làm sao bảo đảm cho được trong nhiều sứ điệp này lời của Thiên Chúa được nghe đến. Công bố đức tin từ mái nhà ngày nay có nghĩa là nói lời của Chúa Giêsu trong và qua thế giới năng động của ngành truyền thông."[25]
3. Đức Gioan Phaolô II - con người của những kỷ lục về truyền thông
Hiếm có một nhà lãnh đạo nào trong lịch sử có nhiều kỷ lục đặc biệt như Đức Gioan Phaolô II, đặc biệt là các kỷ lục vượt trội trong lãnh vực truyền thông. Ngài có khả năng nói lưu loát 14 ngoại ngữ, là nhà thơ, nhà ngôn ngữ học, là diễn viên, nhà soạn kịch, nhà giáo dục, nhà triết học lịch sử, nhà hiện tượng học, thần học gia... Năm 2004, ngài đã gởi lời Chúc Mừng Lễ Phục Sinh đến toàn thế giới bằng 65 thứ tiếng khác nhau trên truyền hình, trong đó có cả tiếng việt. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II được các sử gia đánh giá là "vị Tông đồ không biết mệt mỏi". Báo chí đã đặt cho ngài danh hiệu "Lực sĩ của Chúa". Người ta còn dành cho ngài nhiều danh hiệu khác như "Con người cầu nguyện", "Vị Giáo hoàng của giới trẻ", "Vĩ nhân của thời đại", "Giáo hoàng của Đức Mẹ", "Con người của niềm vui Kitô giáo đích thực"... Điều đó cho thấy khả năng truyền thông tuyệt vời của ngài, giúp nhiều người có thể hiểu về ngài như gương mẫu cho đời sống của họ ở nhiều bình diện khác nhau. Trong suốt 26 năm ở ngôi vị Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện được những thành tích thật "đáng nể" như sau:[26]
* Về các chuyến viếng thăm mục vụ và các bài nói chuyện
- Là vị Giáo hoàng của truyền thông và luôn đi đến với con người, Đức Gioan Phaolô II là người du hành nhiều nhất trong lịch sử Giáo Hội. Riêng tại Ý, ngài đã thực hiện 146 chuyến viếng thăm mục vụ trên toàn nước Ý, và với tư cách là Giám mục Giáo phận Rôma, ngài đã viếng thăm mục vụ 317 trong tổng số 333 xứ đạo. Đi đến đâu ngài cũng nói những lời khích lệ việc sống niềm tin.
- Ngài cũng đã thực hiện 104 chuyến tông du ngoài nước Ý, đã đi quãng đường dài 1.247.613 cây số, tức là gấp 3,24 lần khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng. Trong các chuyến tông du này, ngài đã có 2.328 bài nói chuyện. Các chuyến viếng thăm của ngài để lại ấn tượng lâu dài trên tất cả giáo dân và cả những người ngoài Kitô giáo.
- Việc ngài tiếp xúc với giáo dân đã vượt hơn hẳn bất kỳ một vị Giáo hoàng nào khác trong lịch sử của Giáo Hội. Hơn 17.600.000 khách hành hương đã tham dự hơn 1,160 buổi tiếp kiến chung được diễn ra vào các ngày thứ Tư, và hơn 8 triệu khách hành hương tham dự vào những ngày lễ của Đại Năm Thánh 2000.
- Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đứng ra xin lỗi toàn thế giới về những lỗi lầm của Giáo Hội trong quá khứ; là vị Giáo hoàng đầu tiên đứng ra hòa giải với Chính thống giáo và Do Thái giáo; là vị Giáo Hoàng đầu tiên đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo của các tôn giáo khác như Phật giáo, Khổng giáo, Chính thống giáo, Do Thái giáo, Cao Đài và Hồi giáo.
- Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm một ngôi đền Hồi Giáo ở nước Xiria. Ngài cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm vùng Thánh Địa, nối lại nhiều mới tương giao đã bị cắt đứt trong quá khứ do nhiều lý do khách quan.
* Về các giáo huấn và tài liệu
- Các văn kiện chính thức của ngài gồm có: 14 Hiến chế (Encyclicals), 15 Tông huấn (Apostolic Exhortations), 11 Tông hiến (Apostolic Constituition) và 45 Tông thư (Apostolic Letters). Đặc biệt có rất nhiều văn kiện liên quan đến truyền thông xã hội.
- Ngài đã biên soạn và xuất bản 5 cuốn sách giá trị, gồm: "Bước qua Ngưỡng cửa Hy vọng" (Crossing the Threshold of Hope) vào tháng 10-1994; "Hồng ân và Mầu nhiệm: Nhân Kỷ niệm 50 năm được Thụ phong Linh mục của Tôi" (Gift and Mystery: On the 50th Anniversary of My Priestly Ordination) vào tháng 11 năm 1996; "Tuyển tập Ba Bộ Suy gẫm về Rôma" (Roman Triptych-Meditations), một cuốn sách tập hợp về các bài thơ vào tháng 3 năm 2003; "Hãy Trỗi dậy, Nào Chúng ta Cùng đi" (Rise, Let Us Be On Our Way) được xuất bản vào tháng 5 năm 2004; và "Ký ức và Căn tính" (Memory and Identity) được xuất bản vào tháng 2-2005.
- Bộ Giáo Luật hiện hành được Ðức Gioan Phaolô II ban hành ngày 25/1/1983; là Bộ Giáo luật mới được soạn thảo, sửa đổi và có hiệu lực từ lúc ban hành đến nay. Đây chính là bộ giáo luật thứ hai của Giáo Hội sau Bộ Giáo luật thứ nhất năm 1917. Bộ Giáo luật này đã lấy cảm hứng từ kinh nghiệm thần học của Công đồng Vatican II, nhất là dựa vào sự đào sâu về học thuyết của Giáo Hội sau Công đồng, nên bộ luật này có hướng nhìn về tương lai, vạch ra những nét chính cho những thể chế chưa có căn bản thực hành lâu dài. Điều này cho thấy một sự tiến bộ về các tư tuởng Giáo luật. Theo ngài, Bộ Giáo Luật phải trở nên một dụng cụ hữu hiệu để thực thi những canh tân mà Công Ðồng mong mỏi.[27]
- Huấn giáo là một trong những phương cách tuyệt vời nhất để truyền thông Tin Mừng, vì thế một trong những sáng kiến quan trọng nhất của Đức Gioan Phaolô II là cho soạn Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Năm 1986, ngài uỷ thác nhiệm vụ dự thảo một quyển giáo lý theo yêu cầu của các nghị phụ Thượng Hội Ðồng cho một ủy ban gồm 12 Hồng y và Giám mục, với tiểu ban biên tập gồm 7 Giám mục và các chuyên viên thần học - huấn giáo. Bản dự thảo được gởi đến các Hội Ðồng Giám mục, các viện Thần học và Huấn giáo để tham khảo ý kiến. Các Giám mục đã quảng đại đáp lại lời mời gọi của ngài, góp phần trách nhiệm của mình trong sáng kiến chung này. Sách Giáo Lý hoàn tất năm 1992 nhân dịp kỷ niệm 30 năm khai mạc Công đồng Vatican II, được Ngài gọi là bản "giao hưởng đức tin" thể hiện tính công giáo của Hội Thánh. Sách Giáo Lý này bao gồm cả những điều mới và điều cũ, trình bày một cách trung thành và có hệ thống giáo huấn của Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền, cũng như gia sản của các Giáo phụ và các thánh, nhằm giúp người ta hiểu biết hơn về Mầu nhiệm Kitô giáo và làm sinh động đức tin của dân Thiên Chúa.[28]
- Đức Gioan Phaolô II cũng đã cho phổ biến chuỗi Mân Côi thứ 4, tức Chuỗi Các Mầu Nhiệm Mân Côi Sự Sáng, thêm vào 3 chuỗi Mân Côi Mùa Vui – Thương – Mừng đã có từ lâu trong Giáo Hội, điều này xuất phát từ lòng yêu mến và tri ân Đức Mẹ, là Đấng đã gìn giữ bảo vệ ngài.
- Trong triều Giáo hoàng của ngài đã có 129 bài nói chuyện giáo lý ngày thứ tư hàng tuần về tính dục - tình yêu - hôn nhân - gia đình, tất cả được tổng hợp thành chủ đề thần học mới: Thần học về thân xác. Ngài gây ngạc nhiên cho nhiều người trong một thời đại mà đạo đức suy đồi và người ta có khuynh hướng loại trừ nền đạo đức tính dục Kitô giáo. Với loạt bài suy tư về Thần học Thân xác, ngài đưa ra một lối nhìn thần học mới mẻ để lý giải đạo đức tính dục của Giáo Hội. Có người nói Đức Gioan Phaolô II là nhà cách mạng tính dục, làm xoay chiều cuộc 'cách mạng tình dục' của thế kỷ vừa qua, để qui hướng nó về Nguồn và Cùng Đích của nó bằng một sự tổng hợp mới về Phúc Âm, giúp não trạng tân tiến thời nay có thể lãnh hội được.[29]
* Về các cuộc tụ họp và cử hành lớn trong toàn Giáo Hội
- Ngài đã chủ trì 147 thánh lễ phong Chân phước, để giới thiệu cho thế giới về 1.338 vị Chân phước; 51 thánh lễ phong Thánh, với tổng cộng là 482 vị Thánh mới của Giáo Hội. Tính ra, con số các vị thánh và chân phước được ngài tôn phong thì nhiều hơn tổng số các vị mà những Giáo hoàng tiền nhiệm của ngài đã tôn phong trong vòng hơn 400 năm trước đó. Mỗi dịp lễ còn được ghi hình, phổ biến bằng nhiều cách với các tài liệu về các vị thánh và chân phước mới, đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho các cộng đoàn.
- Ngài đã triệu tập 9 Thượng Hội nghị Tôn giáo (consistory), qua đó ngài đã phong chức hồng y cho 231 vị (và 1 vị hồng y bí mật). Ngài cũng đã triệu tập 6 phiên họp toàn thể của Hồng y đoàn. Ngài đặc biệt cổ vũ tính đồng đoàn của Hàng Giám mục trong đời sống của Giáo Hội toàn cầu.
- Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chủ trì 15 kỳ họp của Thượng Hội đồng Giám mục Thế Giới: sau kỳ họp thường vào những năm 1980, 1983, 1987, 1990, 1994, 2001; 1 kỳ họp bất thường vào năm 1985; và 8 kỳ họp đặc biệt vào các năm 1980, 1991, 1994, 1995, 1997, 1998 (2 kỳ) và 1999. Đặc biệt Thượng Hội Đồng các châu lục khởi xướng cho những cuộc canh tân sâu rộng và hội nhập văn hoá của các Giáo Hội địa phương.
* Về các tổ chức và sự kiện lớn do ngài khởi xướng
- Vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh năm 1984 nhân dịp Năm Thánh Cứu Độ, Đức Gioan Phaolô II đã trao cho các Bạn Trẻ cây Thánh Giá ngày Đại Hội giới trẻ trong tương lai. Qua năm 1985, ngài loan báo quyết định thành lập tổ chức Ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới hằng năm. Sau đó, Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ nhất tổ chức ở các Giáo phận ngày Lễ Lá 23.3.1986, với chủ đề: "Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em" (1 Pr 3,15). Ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 26 vào tháng 8-2011 sắp tới tại Madrid đã chọn Ngài làm thánh Bổn mạng. Ngài có nhiều ảnh hưởng trên người trẻ cũng như các em thiếu nhi và được họ yêu mến.
- Đức Gioan Phaolô II xem bước đường đối thoại liên tôn và đại kết là cách đẩy mạnh những hoạt động cho hoà bình, hiểu biết, và phẩm giá con người. Ngài thường xuyên gặp gỡ đại diện các tôn giáo khác để nói về nhu cầu hiệp nhất, và kêu gọi người Công giáo cũng như những người khác tôn giáo cầu nguyện và hành động cho mục đích đó. Ngài đã tổ chức những cuộc gặp gỡ cầu nguyện liên tôn tại Assisi, lần đầu tiên vào ngày 27-10-1986. Đặc biệt ngài đã tổ chức cuộc cầu nguyện cho hoà bình ở Bosnia năm 1993.
- Ngài đã thành lập Học viện Gioan Phaolô II ở Sahel vào tháng 2-1984, để đặc trách việc trợ giúp phát triển cho các quốc gia vùng sa mạc Sahara; và Tổ chức "Quỹ Phát triển Populorum Progressio" dành cho những người bản xứ gốc Mỹ Châu Latinh vào tháng 2.1992.
- Từ năm 1992, ngài lập ra Ngày Thế giới dành cho các Bệnh nhân vào ngày 11-2 hằng năm và gởi những lời an ủi khích lệ đến những người đau khổ giúp họ kết hợp với Chúa Giêsu.
- Đức Gioan Phaolô II đã thiết lập Viện Hàn Lâm Giáo hoàng về Khoa học Xã hội (năm 1994) và Viện Hàn Lâm Giáo hoàng về Sự sống (năm 1995).
- Ngày 2.2.1996, ngài cũng đã thành lập Ngày Quốc tế Ðời sống Thánh hiến, cử hành vào dịp Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh hằng năm.
- Ngày 24.3.1997, ngài đã khai trương địa chỉ Internet của Toà thánh...
* Về các bổ nhiệm nhân sự trong các cơ cấu của Giáo Hội
- Trong suốt triều đại Giáo hoàng của ngài, ngài đã bổ nhiệm hơn 3.500 giám mục trong tổng số 4.200 giám mục trên cả thế giới. Ngài gặp gỡ hầu hết với các vị giám mục, khi các vị sang viếng mộ Thánh Phêrô cứ mỗi 5 năm một lần trong những dịp ad-limina.
- Ngài đã thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh với hơn 85 quốc gia và bổ nhiệm các vị đặc sứ Toà Thánh cho công tác này. Tính cho đến nay, Toà Thánh có mối quan hệ ngoại giao với 174 quốc gia, cũng như với Cộng đồng Châu Âu, Malta, và Tổ chức Giải phóng Palestine.
- Ngài cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên bổ nhiệm nữ giới vào các chức vụ cao cấp nhất trong Giáo Hội, như Tiến sĩ Mary Ann Glendon, Chủ tịch Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội; Nữ tu Sara Butler Chủ tịch của Uỷ ban Thần học Quốc tế...
* Một số điểm đặc biệt khác
- Ngài là vị Giáo hoàng người Ba Lan đầu tiên trong lịch sử và là người đầu tiên không phải người Ý kể từ Đức Hadrian VI (1522-1523).
- Ngài là vị Giáo hoàng và là vị lãnh đạo tinh thần duy nhất, sau nhiều lần bị ám sát, nhưng vẫn còn sống nhờ ơn bảo vệ của Thiên Chúa và Mẹ Maria.
- Dưới triều đại của Đức Gioan Phaolô II, ngài đã lên tiếng bênh vực cho hoà bình, công lý, cho phẩm giá con người; và ngài thật sự được xem là một sứ giả của Thiên Chúa nơi trần gian này.[30]
- Ngài có một sự tự do phi thường trong nội tâm và là một người khó nghèo, hoàn toàn tách rời ra khỏi tiền bạc và sự vật, một người không tìm kiếm sự thành đạt cá nhân, ngài luôn cảm thấy nhiệm vụ của mình là không tìm để được yêu mến với bất cứ giá nào, nhưng là để công bố sự thật....[31]
Tóm lại, Đức Gioan Phaolô II là con người của công chúng, được cả thế giới biết đến qua các phương tiện truyền thông với những chuyến tông du và những cuộc tiếp kiến với mọi giới trong xã hội, nhưng con người đó cũng chính là con người thật của Ngài, không chút màu mè giả tạo, luôn nhất quán giữa nói và làm, giữa đời sống xã hội và đời sống cá nhân. Đức ông Slawomir Oder, thỉnh nguyện viên phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II, cho biết: "Những đức tính như thân thiện, lòng yêu mến sự cầu nguyện, những cử chỉ tự phát, khả năng tương giao với mọi người không phải là những phát minh của phương tiện truyền thông, mà chính là bản chất cốt lõi của cá tính riêng của Ngài."[32] Vào những ngày cuối đời, ngài đã chịu đựng cơn bệnh với lòng thanh thản và vẫn tham gia các cử hành chung, qua màn ảnh truyền hình chiếu sau lưng của Ngài trong nhà nguyện riêng, hàng triệu người trên khắp thế giới đã ghi nhớ hình ảnh của vị Giáo Hoàng nắm chặt lấy thánh giá trong buổi lễ Thứ Sáu Tuần Thánh... Ngài trở thành tấm gương cho toàn Giáo Hội về việc truyền thông Tin Mừng bình an và hy vọng qua chứng tá cuộc sống của mình.
III. ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II VÀ CÁC GIÁO HUẤN VỀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
Các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại đang phát triển không ngừng và có khả năng đạt tới mọi người cách dễ dàng nhanh chóng, nên có thể trở thành những dụng cụ rất thích hợp để rao giảng Phúc Âm trong tinh thần phổ quát và hiệp thông của đức ái Công giáo. Tuy nhiên, bên cạnh đó có vô số những cạm bẫy, những cám dỗ mời mọc tinh vi hấp dẫn, mà nếu không hiểu rõ bản chất của chúng và không biết cách tránh xa chúng, cuộc sống con người có thể bị tha hóa, lầm lạc và đánh mất chính mình... Với những khả năng thiên phú về truyền thông và những kinh nghiệm mục vụ cụ thể của mình, Đức Gioan Phaolô II thấy rõ những giá trị và thách đố của truyền thông. Tiếp nối những Giáo huấn về Truyền thông Xã hội của Công đồng Vatican II, Ngài đã đưa ra những Giáo huấn rất cập nhật và hợp thời, làm nổi bật các lập trường và những chỉ dẫn cần thiết của Giáo Hội. Nhờ đó, mọi tín hữu có thể sử dụng các phương tiện truyền thông cách hữu hiệu cho công cuộc truyền giáo, giúp bênh vực người nghèo và thăng tiến xã hội, đồng thời chống lại những thói tục, thể chế, hệ thống làm băng hoại con người.
Trong Tông thư Sự Phát triển Nhanh chóng do chính ngài soạn thảo, ngài viết: "Thách đố lớn nhất của thời đại chúng ta đối với các tín hữu và tất cả những người thiện chí là làm sao duy trì được sự truyền thông trung thực và tự do để giúp củng cố tiến bộ toàn diện trên thế giới".[33] Ngài biết rõ rằng việc tự nguyện đón nhận và gìn giữ những Giáo huấn của Giáo Hội sẽ giúp người Kitô hữu sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội hiện đại hôm nay cách tốt đẹp, nhờ đó họ không bị thiệt hại; nhưng cũng như muối và ánh sáng, họ ướp trái đất và soi sáng thế gian (x. IM số 24). Chúng ta cùng nhìn qua các Giáo huấn về Truyền thông Xã hội trong triều đại của ngài để thấy được nhiệt huyết và những hiểu biết sâu sắc của vị Cha chung trong lĩnh vực này.
1. Các Văn kiện về Truyền thông Xã hội dưới thời Đức Gioan Phaolô II
Dưới thời Ðức Gioan Phaolô II, Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội được khích lệ bởi vị Cha chung của Giáo Hội, để có những suy tư nghiên cứu nghiêm túc về vai trò của truyền thông xã hội trên những thay đổi lớn lao của thế giới và của Giáo Hội, cũng như các hệ luỵ mục vụ của tình trạng hiện hành, trong lúc các phương tiện truyền thông xã hội đang trở thành những phương thế chủ yếu để thông tin, giáo dục và giải trí. Các văn kiện của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội trong giai đoạn này tiếp nối tinh thần Sắc lệnh Inter Mirifica của Công đồng Vatican II và Huấn thị Communio et Progressio ban hành năm 1971, khai triển cái nhìn về truyền thông như là phương thế để hiệp thông, và đưa ra những hướng dẫn cụ thể giúp các thành phần trong Giáo Hội biết rõ những thách đố về mặt luân lý cũng như những cách thức nhằm tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như những khí cụ hữu hiệu phục vụ cho công cuộc truyền giáo và góp phần cho sự thăng tiến sự toàn vẹn nhân vị của con người. Có thể kể đến một số Văn kiện chính về Truyền thông Xã hội dưới thời Đức Gioan Phaolô II như sau:
- Huấn thị Mục vụ Thời Đại Mới - 'Aetatis Novae': do Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội soạn thảo và ban hành tại Vatican năm 1992, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Huấn thị Mục vụ Hiệp thông và Tiến bộ - 'Communio et Progressio'.
Huấn thị trình bày về bối cảnh truyền thông hiện nay: "Các thập kỷ mới đây cũng đã chứng kiến những phát hiện đáng kể trong kỹ thuật truyền thông. Chúng bao gồm cuộc cách mạng mau lẹ các kỹ thuật hiện có và việc xuất hiện các phương tiện viễn thông và kỹ thuật truyền thông mới: vệ tinh, truyền hình qua dây cáp, sợi quang học, băng ghi hình, đĩa compact, kỹ thuật tạo hình bằng điện toán và kỹ thuật điện toán điện tử và nhiều thứ khác. Việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới đó làm xuất hiện điều mà một số người gọi là 'những ngôn ngữ mới' và làm nẩy sinh những khả năng mới mẻ đối với sứ mệnh của Hội Thánh cũng như những vấn đề mục vụ mới" (số 2), và đưa ra lời mời gọi khuyến khích các chủ chăn và các giáo dân tìm hiểu sâu xa những vấn đề liên quan tới truyền thông và các phương tiện truyền thông và diễn tả hiểu biết của mình thành những chính sách thực tiễn và các chương trình khả thi (số 3). Huấn thị nhấn mạnh rằng các phương tiện truyền thông xã hội là các phương thế mà Chúa quan phòng đã đề ra nhằm phục vụ cho con người và nền văn hoá, cho việc đối thoại với thế giới và sự tiến bộ của cộng đồng nhân loại, cũng như cho sự hiệp thông và công cuộc Phúc Âm hoá của Giáo Hội (số 7, 8, 9, 10, 11).
Vì thế, Giáo Hội cần có kế hoạch tiếp cận một cách tích cực và cảm thông với các phương tiện truyền thông, nhằm đi vào nền văn hoá do truyền thông hiện đại tạo ra để rao giảng Tin Mừng cách hữu hiệu, và cần phải đưa ra sự đánh giá nghiêm chỉnh về truyền thông xã hội và ảnh hưởng của chúng trên nền văn hoá (số 12). Huấn thị đưa ra những nguyên tắc chỉ đạo nhằm giúp cấp Giáo phận hoạch định các kế hoạch mục vụ truyền thông xã hội và xác định các chiến thuật truyền thông cho mọi tác vụ của Hội thánh để đáp ứng được các vấn đề và hoàn cảnh đương thời (số 21, 23, 24). Những hướng dẫn của Huấn thị ngày nay vẫn còn hợp thời và cần được các Hội đồng Giám mục xem xét triển khai cách phù hợp với địa phương của mình.
- Văn kiện Đạo đức trong Quảng cáo: do Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội ban hành tại Vatican, vào ngày 22-2-1997.
Tài liệu nhận định rằng vì bản thân các phương tiện truyền thông xã hội đang có ảnh hưởng hết sức lớn lao ở khắp mọi nơi, nên việc quảng cáo - bằng cách sử dụng các phương tiện ấy như công cụ - cũng là một lực lượng đang tràn lan mạnh mẽ, hình thành nên các thái độ và cung cách ứng xử trong thế giới hôm nay. Giáo Hội nhấn mạnh trách nhiệm của truyền thông là góp phần đem lại sự phát triển toàn diện và đích thực của con người, nên Giáo Hội bước vào cuộc đối thoại với các nhà truyền thông và kêu gọi mọi người chú ý tới các nguyên tắc - chuẩn mực luân lý liên quan, cũng như phê bình những gì vi phạm các tiêu chuẩn này (số 1). Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề quảng cáo vì nó có một tác động sâu đậm trên cách người ta hiểu về cuộc đời, thế giới, bản thân mình, nhất là đối với các giá trị, các cách ứng xử và lựa chọn của con người. Quảng cáo nhằm hai mục đích căn bản: thông tin và thuyết phục, nhưng quảng cáo không chỉ là một tấm gương giúp định hình cho thực tại mà nó còn phản ánh và có khi đưa ra một hình ảnh về thực tại đã bị bóp méo, chẳng hạn những quảng cáo thương mại cho rằng có dư dật của cải là sẽ hạnh phúc và hài lòng, điều này có thể vừa sai lầm vừa đưa tới thất vọng (số 3).
Quảng cáo có khả năng đáng kể để làm ra điều tốt trong quá trình của một hệ thống kinh tế được hướng dẫn bởi các chuẩn mực luân lý và đáp ứng được lợi ích chung; góp phần vào sự phát triển của con người. Nó là một công cụ hữu ích để duy trì sự cạnh tranh lương thiện và có trách nhiệm, góp phần phục vụ sự phát triển con người đích thực. Quảng cáo cũng giúp xã hội tốt hơn bằng cách nâng cao nhận thức, gây cảm hứng và thúc đẩy con người hành động để đem lại lợi ích cho mình và cho người khác, làm cho cuộc sống vui tươi hơn nhờ những nội dung dí dỏm, thi vị và giúp thư giãn. Một số quảng cáo tiêu biểu mang tính nghệ thuật dân gian, sống động và hào hứng (số 5, 7). Tuy nhiên quảng cáo đã thật sự gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực có hại cho cá nhân và xã hội khi khai thác những khuynh hướng thấp hèn của con người, liên tục áp lực người tiêu dùng mua sắm để khơi dậy những nhu cầu giả tạo, làm họ quên đi nhu cầu thật của mình... (số 9). Văn kiện đưa ra một số nguyên tắc luân lý và đạo đức cho quảng cáo như tôn trọng sự thật, phẩm giá con người và trách nhiệm xã hội (số 23). Đây cũng là những nguyên tắc nền tảng cho mọi hoạt động truyền thông, nhờ đó công tác truyền thông đóng góp hữu hiệu cho công ích và sự tiến bộ của loài nguời.
- Văn kiện Đạo đức trong Truyền thông: do Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội ban hành tại Vatican, ngày 4-6-2000.
Văn kiện nhận định rằng việc Giáo Hội tiếp cận các phương tiện truyền thông xã hội căn bản là tích cực và rất khích lệ (số 4), vì dù các phương tiện truyền thông gây ra điều này hay làm điều kia, nhưng chúng không phải là những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, cho dù truyền thông có đưa tới những hậu quả ngoài ý muốn, nhưng chính con người vẫn có sự lựa chọn sử dụng các phương tiện ấy vào các mục đích tốt hay xấu, theo phương cách tốt hay xấu (số 1, 19, 28). Văn kiện nhấn mạnh nguyên tắc truyền thông phục vụ con người và cần phải tuân thủ những nguyên tắc đạo đức và chuẩn mực đạo đức như trong các lĩnh vực khác, đặc biệt truyền thông phải luôn luôn trung thực, vì sự thật là điều kiện căn bản để có sự tự do cá nhân và để xây dựng cộng đồng chân chính giữa con người với nhau (số 20). Văn kiện còn nêu ra những nguyên tắc liên quan đến lợi ích chung của cộng đồng ở mọi cấp độ và trong mọi lĩnh vực, như liên đới, bình đẳng, cổ võ sự tham gia... Theo đó, các nhà hoạch định có một nghĩa vụ luân lý rất nặng là phải nhìn ra các nhu cầu và lợi ích của những người dễ bị thương tổn, cần quan tâm những gì các phương tiện truyền thông xã hội đã làm hay không làm khiến cho những tệ nạn cứ tiếp tục mãi như nghèo đói, mù chữ, đàn áp chính trị, vi phạm nhân quyền, xung đột giữa các tập thể và giữa các tôn giáo, triệt hạ những nền văn hoá bản địa... (số 22).
Một ưu tư khác được nêu ra trong văn kiện, là mạng Internet đang đặc biệt làm dấy lên mối quan ngại về những hậu quả hoàn toàn mới: đó là đánh mất giá trị nội tại của những thông tin, là đồng nhất cách thiếu phân biệt mọi thông điệp, thiếu phản hồi một cách có trách nhiệm và làm suy giảm các mối quan hệ liên vị... (số 24). Chắc hẳn trách nhiệm đầu tiên của những người tiếp nhận truyền thông xã hội là phải biết phân định và lựa chọn theo đúng các tiêu chuẩn lành mạnh về mặt đạo đức, nhưng các thành phần hữu trách trong Giáo Hội và những người làm truyền thông cần làm gương trong việc tổ chức truyền thông, phản ảnh những tiêu chuẩn cao nhất như trung thực, dám chịu trách nhiệm trước công luận, biết nhạy bén đối với nhân quyền và những nguyên tắc hay chuẩn mực khác có liên quan (số 25-26).
Văn kiện cũng nêu lên mối quan ngại liên quan đến việc đào tạo về truyền thông cho toàn bộ nhân sự của Giáo Hội từ các chủ chăn đến mọi giáo dân, để mỗi thành phần biết nêu ý kiến một cách có trách nhiệm về lợi ích của Giáo Hội, đi kèm với sự tôn trọng đúng mức đối với sự toàn vẹn của đức tin và luân lý, tôn trọng các phẩm trật, lưu tâm tới công ích và phẩm giá con người. Cần khuyến khích việc sử dụng các phương tiện truyền thông để phổ biến Tin Mừng, trung thực và thẳng thắn trong các mối quan hệ, những người nói thay cho Giáo Hội cần đưa ra những câu trả lời đáng tin, trung thực cho những vấn nạn liên quan, và quan tâm đến việc truyền thông trong nội bộ Giáo Hội (số 26). Phần cuối của văn kiện (số 33) nhắc đến Đức Giêsu là khuôn mẫu và chuẩn mực cho việc truyền thông của chúng ta. Đối với những ai tham gia và việc truyền thông xã hội, bất kể là người hoạch định chính sách hay nhà truyền thông chuyên nghiệp, hoặc chỉ là người tiếp nhận hay bất cứ người nào, kết luận luôn luôn rõ ràng: "Bởi đó, hãy dẹp bỏ sự gian dối, mỗi người hãy nói thật với tha nhân vì tất cả chúng ta là chi thể của nhau... Đừng để sự xấu xa nào thoát ra khỏi miệng anh em, mà chỉ nói những lời xây dựng, tùy theo hoàn cảnh, hầu sinh ơn ích cho người nghe" (Ep 4,25.29).
- Hai Văn kiện Đạo đức trong Internet và Giáo Hội và Internet do Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội ban hành tại Vatican cùng ngày 22-2-2002.
Tài liệu Đạo đức trong Internet đưa ra quan điểm Công giáo về Internet như một khởi điểm cho sự tham gia của Giáo Hội trong cuộc đối thoại với những thành phần khác trong xã hội, đặc biệt với những nhóm tôn giáo khác, liên quan đến sự phát triển và sử dụng khí cụ kỹ thuật diệu kỳ này. Internet là phương tiện mới nhất và mạnh mẽ nhất trong hàng ngũ các phương tiện truyền thông - điện tín, điện thoại, truyền thanh, truyền hình - mà đối với nhiều người đã giúp loại bỏ dần thời gian và không gian như những cản trở cho truyền thông trong suốt một thế kỷ rưỡi qua, Internet có những hệ quả to lớn cho cá nhân, quốc gia và thế giới. Nhưng Internet sẽ là tốt hay xấu phần lớn vẫn tùy thuộc vấn đề cân nhắc lựa chọn, vì thế Giáo Hội mang đến hai yếu tố đóng góp quan trọng: cam kết của Giáo Hội đối với phẩm giá con người và truyền thống khôn ngoan về luân lý đã có từ lâu (số 2).
Việc sử dụng kỹ thuật thông tin mới và Internet cần phải được thông tin và hướng dẫn bởi một cam kết mạnh mẽ, thực hành tình liên đới để phục vụ lợi ích chung trong và giữa các quốc gia, vì các phương tiện truyền thông có khả năng biến mọi người ở mọi nơi trên thế giới trở nên "một bạn hàng của nhân loại". Tuy nhiên, Internet có thể giúp hiện thực hoá viễn ảnh này chỉ khi nó được dùng trong ánh sáng của những nguyên tắc rõ ràng và lành mạnh (số 5), vì đang có nhiều vấn nạn đạo đức như sự riêng tư, sự an toàn và bảo mật dữ liệu, tác quyền và luật về tài sản trí tuệ, tài liệu khiêu dâm, các trạm thông tin thù hận, tán phát tin đồn và thủ tiêu nhân cách dưới lớp nguỵ trang là tin tức... Văn kiện phân tích các tính năng quan trọng của Internet như: tức thời, trực tiếp, toàn cầu, phân quyền (decentralized), giao tiếp (interactive), mở rộng vô hạn về nội dung và phạm vi, linh hoạt và có thể điều chỉnh, bình quyền (egalitarian), cho phép các cá nhân tham dự một cách ẩn danh, gia nhập vào cộng đồng, tự do trao đổi chia sẻ những thông tin và ý tưởng... Vì thế người dùng có thể tích cực tham gia hoặc để bị thu hút cách thụ động vào một thế giới quá chú ý đến mình, tự quy chiếu về mình, của những kích thích với những hiệu ứng ảo, đào sâu thêm sự cô lập cá nhân (số 8). Văn kiện khẳng định: "Hành vi kể là tội phạm trong những bối cảnh khác cũng kể là tội phạm trong bối cảnh của không gian điện toán, và các nhà chức trách dân sự có bổn phận và quyền để áp đặt những luật lệ ấy" (số 16), vì thế cần có những quy định mới để đối phó với những tội ác Internet như việc reo rắc virus điện toán, ăn cắp tài liệu, tội phạm và khủng bố... đồng thời bảo vệ tác quyền, thiết kế và duy trì những kho thông tin cho mọi người, bảo vệ nữ quyền, và nhiều khía cạnh mới khác (số 17).
Văn kiện Giáo Hội và Internet cũng nhấn mạnh "Giáo Hội xem các phương tiện truyền thông này là 'quà tặng của Thiên Chúa' mà, theo dự định quan phòng của Ngài, hiệp nhất nhân loại trong tình huynh đệ và như thế giúp họ hợp tác với kế hoạch của Ngài cho ơn cứu độ của họ" (số 1), nhìn nhận Internet là phương tiện truyền thông đang giúp đem lại những thay đổi có tính cách mạng trong thương mại, giáo dục, chính trị, báo chí, quan hệ giữa các dân tộc và giữa các nền văn hoá với cả những hệ quả đối với tôn giáo, đặc biệt đối với Giáo hội Công giáo (số 2). Cho dù thế giới truyền thông đôi khi tỏ ra ác cảm với thông điệp Kitô giáo, nó cũng đem lại những cơ hội độc nhất cho việc công bố Tin Mừng cứu độ của Ðức Kitô cho toàn thể nhân loại, đặc biệt những khả năng tích cực của Internet giúp chuyển tải những thông tin tôn giáo và giáo huấn vượt mọi rào cản và biên giới. Vì thế, thái độ cần có của người Công giáo là không nên sợ mở rộng cửa truyền thông xã hội ra cho Chúa Kitô, để Tin Mừng của Ngài có thể được công bố từ trên những mái nhà của thế giới (số 4).
Từ những cơ hội và thách đố của Internet, Giáo Hội cần phải hiểu và dùng nó cách hiệu quả để giao tiếp với con người - đặc biệt những người trẻ - đang chìm ngập trong kỹ thuật này, đồng thời biết tận dụng khả năng của nó như một phương tiện truyền thông nội bộ, cũng như cho nhiều hoạt động và chương trình khác của Giáo Hội. Vì thế giáo dục và đào tạo về Internet là cần thiết trong các chương trình giáo dục truyền thông dành cho mọi thành phần của Giáo Hội (số 7). Số 12 của văn kiện đưa ra những lời khích lệ cho những nhóm sử dụng Internet, đặc biệt cho những nhà lãnh đạo Giáo Hội, các vị mục tử, các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ và cho những người trẻ là những cư dân chính của mạng không gian ảo, và đề nghị những ai sử dụng Internet cần rèn luyện một số đức tính như thận trọng, công lý, dũng cảm và tự chế, để có thể dùng Internet cách khôn ngoan cho điều thiện ích.
2. Các sứ điệp Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội hằng năm
Công đồng Vatican II đã thiết lập 'Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội' qua số 18 trong Sắc lệnh Inter Mirifica về Truyền thông Xã hội. Các Nghị phụ của Công đồng nói: "Để việc tông đồ dưới nhiều hình thức của Hội Thánh được hiệu quả hơn trong lĩnh vực truyền thông xã hội, mỗi giáo phận trên thế giới, tuỳ theo quyết định của giám mục, hằng năm phải cử hành một ngày lễ để nhắc nhở các tín hữu về bổn phận của họ trong lĩnh vực này. Phải xin họ cầu nguyện cho sự thành công của hoạt động tông đồ của Hội Thánh trong lĩnh vực này và đóng góp cho mục đích này, các đóng góp của họ phải được sử dụng một cách nghiêm túc để hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các dự án mà Hội Thánh đã khởi xướng vì nhu cầu của toàn thể Hội Thánh" (IM 18). Tuy nhiên, đến năm 1967, Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội lần đầu tiên mới được cử hành vào ngày 7-5, và kể từ đó nó đã trở thành một sự kiện thường kỳ hằng năm.
Theo thông lệ, mỗi năm Toà Thánh đưa ra một chủ đề cho ngày Thế giới Truyền thông Xã hội và Đức Giáo Hoàng sẽ công bố một sứ điệp đặc biệt cho dịp này, thường được ban hành chính thức vào ngày 24-1, lễ Thánh Phanxicô Salê, bổn mạng của các nhà báo Công giáo. Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội thường được cử hành vào Chúa Nhật lễ Chúa Thăng Thiên hằng năm, tuy nhiên các Hội đồng Giám mục có thể tuỳ nghi chọn ngày riêng cho địa phương của mình. Dưới thời Đức Gioan Phaolô II, các sứ điệp cho Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội rất phong phú và sâu sắc, cống hiến cho các tín hữu cơ hội hiểu biết về tầm quan trọng của truyền thông xã hội trong sứ mạng và trong hoạt động của Giáo Hội, đồng thời kêu gọi họ cầu nguyện cũng như tham gia vào các hoạt động truyền thông hoặc cộng tác hỗ trợ cho các hoạt động Mục vụ Truyền thông bằng lời cầu nguyện và các đóng góp tài chính. Đó cũng là cơ hội để Giáo Hội bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn đến các chuyên gia truyền thông vì việc phục vụ của họ cho cộng đồng. Nhìn qua chủ đề 27 sứ điệp cho Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội dưới thời Đức Gioan Phaolô II, chúng ta nhận ra mối quan tâm nổi bật của ngài cho những khía cạnh quan trọng khác nhau của truyền thông xã hội đối với đời sống của Giáo Hội. Chủ đề các sứ điệp Đức Gioan Phaolô II ban hành cho Ngày Quốc tế Truyền thông xã hội từ năm 1979 đến 2005 như sau:
1979: Bảo vệ Trẻ em và cổ vũ sự sự quan tâm tốt nhất đối với trẻ trong Gia đình và trong Xã hội
1980: Truyền thông Xã hội và Gia đình
1981: Truyền thông Xã hội và Trách nhiệm Tự do của Con người
1982: Truyền thông Xã hội và Những Vấn đề của Người Cao tuổi
1983: Truyền thông Xã hội và Cổ vũ Hoà bình
1984: Truyền thông Xã hội: Các Phương tiện để Gặp gỡ giữa Đức tin và Văn hoá
1985: Truyền thông Xã hội phục vụ cho việc thăng tiến Kitô giáo đối với Giới trẻ
1986: Truyền thông Xã hội và việc huấn luyện Kitô giáo về Công luận
1987: Truyền thông Xã hội phục vụ cho Công lý và Hoà bình
1988: Truyền thông Xã hội và việc thăng tiến tình Liên đới và Huynh đệ giữa các Dân tộc và các Quốc gia
1989: Tôn giáo trong Truyền thông Xã hội
1990: Sứ điệp Kitô giáo trong Văn hoá Vi tính
1991: Truyền thông Xã hội và sự Hiệp nhất và Tiến bộ của Gia đình Nhân loại
1992: Loan báo Sứ điệp của Đức Kitô trong Truyền thông Xã hội
1993: Băng hình Nghe nhìn trong việc huấn luyện Văn hoá và Lương tâm
1994: Truyền hình và Gia đình: những chỉ dẫn để biết xem Truyền hình
1995: Phim ảnh: Truyền thông Văn hoá và các Giá trị
1996: Các Phương tiện Truyền thông: Diễn đàn mới để thăng tiến vai trò Nữ giới trong Xã hội
1997: Loan truyền Chúa Giêsu: là Đường, là Sự thật và là Sự sống
1998: Được nâng đỡ bởi Thánh Linh, hãy Thông truyền niềm Hy vọng
1999: Truyền thông Xã hội: Người bạn Đồng hành cho những ai tìm kiếm về Cha
2000: Thông truyền Chúa Kitô bằng mọi phương tiện truyền thông vào buổi bình minh của thiên niên kỷ mới
2001: Hãy rao giảng trên mọi mái nhà: Tin Mừng trong kỷ nguyên truyền thông toàn cầu
2002: Internet: Một diễn đàn mới để loan báo Tin Mừng
2003: Truyền thông Xã hội phục vụ cho Hoà bình Đích thực trong Ánh sáng Thông điệp "Hoà bình trên Thế giới"
2004: Các Phương tiện Truyền thông và Gia đình: Nguy cơ và Phong phú
2005: Truyền thông Xã hội: phục vụ cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc
Các chủ đề của các sứ điệp cho Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội đã tạo thành một kho tàng phong phú về các suy tư và những mối quan tâm của Giáo Hội đối với lĩnh vực truyền thông đang ngày càng quan trọng và có nhiều ảnh hưởng rộng lớn. Một số chủ đề có tác động đặc biệt đối với các hoạt động truyền thông mục vụ của Giáo Hội được tổ chức trong năm đó. Đức Gioan Phaolô II đã mô tả mục đích của ngày này trong Sứ điệp cho Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội năm 1992 như sau: "Vào ngày này, chúng ta cử hành lễ mừng những phúc lành của khả năng nói, nghe và nhìn, giúp chúng ta ra khỏi tình trạng cô độc và cô đơn để trao đổi với những người sống xung quanh chúng ta các tư tưởng và tình cảm phát sinh trong lòng mình. Chúng ta mừng hồng ân viết và đọc, chúng truyền lại cho chúng ta sự khôn ngoan của tiền nhân, để rồi các kinh nghiệm và suy tư của chính chúng ta lại được lưu truyền cho các thế hệ sau... Chúng ta cũng phải nhìn nhận những phát minh đã tăng lên vô số trong thời đại chúng ta và đã khuếch đại tiếng nói của chúng ta khiến cho cùng một lúc nó có thể lọt vào tai của những đám đông không thể nào đếm nổi...".[34]
Những sứ điệp cho Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội trong những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba đặc biệt nói về công tác truyền thông của Giáo Hội cho truyền giáo. Đức Gioan Phaolô II mời gọi mọi Kitô hữu công bố Ðức Kitô qua truyền thông vào buổi bình minh của thiên niên kỷ mới,[35] rao giảng sự thật của Chúa Giêsu cách can đảm hơn và tươi vui hơn từ những mái nhà, vì có đến 2/3 trong số 6 tỉ người trên thế giới không biết Ðức Giêsu Kitô. Mà công bố đức tin từ mái nhà ngày nay có nghĩa là nói lời của Chúa Giêsu trong và qua thế giới năng động của ngành truyền thông.[36] Ngài nhận thấy Internet là một diễn đàn mới để loan báo Tin Mừng, cần làm thế nào để từ giải ngân hà hình ảnh và âm thanh đó, khuôn mặt Ðức Kitô hiện lên và tiếng nói của Ðức Kitô được nghe thấy, nên Giáo Hội cần dũng cảm ra khơi trong biển sâu là mạng máy tính.[37] Những người làm truyền thông đại chúng được kêu gọi để trở thành những tác nhân của sự thật, công lý, tự do và yêu thương,[38] sử dụng những tiềm năng tích cực khổng lồ của truyền thông đại chúng trong việc cổ võ các giá trị nhân bản và như thế góp phần vào việc canh tân xã hội.[39]
3. Tông thư về Truyền thông năm 2005: Sự Phát triển Nhanh chóng
Để đánh dấu kỷ niệm 40 năm sự kiện Công đồng Vatican II cho công bố Sắc lệnh về Truyền thông Xã hội Inter Mirifica (Giữa những điều kỳ diệu), Ðức Gioan Phaolô II đã viết Tông thư về Truyền thông với tựa đề "Sự Phát triển Nhanh chóng" vào ngày 22-2-2005, không đầy 2 tháng trước khi ngài qua đời. Trong tông thư, ngài kêu gọi mọi người "đừng sợ những kỹ thuật mới", vì đó chính là những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã cho phép con người sử dụng để khám phá và loan truyền chân lý về phẩm giá và định mệnh con người. Tuy nhiên, ngài cũng thẳng thắn suy tư về những thách đố mà các phương tiện truyền thông đặt ra đối với Giáo Hội bởi vì "Giáo Hội không chỉ được mời gọi để sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng hầu truyền bá Tin Mừng, nhưng hơn bao giờ hết, còn phải hội nhập thông điệp cứu độ này vào trong "nền văn hoá mới" do những phương tiện truyền thông mạnh mẽ này tạo ra và khuếch trương lên".[40]
Ngài khẳng định rằng thế giới truyền thông đại chúng cũng cần đến ơn cứu độ của Chúa Kitô, vì trong Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, truyền thông tự nó mang lấy một ý nghĩa cứu độ sâu sắc, và trong Thánh Thần, nhân loại được trao ban khả năng để nhận lãnh ơn cứu độ, để công bố và làm chứng cho ơn cứu độ trước thế giới. Hơn nữa, các phương tiện truyền thông cung cấp một cơ may đến với con người ở mọi nơi, vượt qua mọi chướng ngại của thời gian, không gian và ngôn ngữ; trình bày nội dung đức tin trong những cách thế đa dạng nhất có thể nghĩ ra được; và đem đến cho tất cả những ai tìm kiếm khả năng tiến vào cuộc đối thoại với mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô.[41] Nhưng ngài cũng cảnh cáo rằng nếu như những phương tiện truyền thông xã hội có thể tạo ra những cơ may đến với con người ở mọi nơi mọi chốn, thì chúng cũng có thể bị lèo lái để điều kiện hoá cách thế con người tổ chức cuộc sống của họ bằng cách biến họ từ những đối tượng chủ động trở nên những người tiếp nhận thụ động, nghĩa là các phương tiện hay những dụng cụ phục vụ cho các nguồn lợi kinh tế, hay cho các chủ thuyết.[42]
Sự phát triển nhanh chóng của những phương tiện truyền thông mạnh mẽ thúc đẩy Giáo Hội phải thay đổi não trạng, thực hiện một sự tái duyệt mục vụ và văn hoá, để có thể thích ứng được với thời đại của chúng ta, nhờ đó Tin Mừng có thể thấm nhiễm vào xã hội, kích thích con người lắng nghe và chấp nhận thông điệp của Tin Mừng (số 8). Giáo Hội cần góp phần nâng cao phẩm chất các chương trình truyền thông; đề cao những nội dung tôn trọng luật luân lý, phong phú về nhân bản; cổ vũ các giá trị Kitô giáo; đồng thời cần phải bảo đảm sao cho những nhà chuyên môn về truyền thông nhận được sự đào tạo và sự quan tâm mục vụ cần thiết để họ có thể đương đầu với những căng thẳng đặc biệt và những tình huống luân lý nan giải nảy sinh trong công việc hằng ngày (số 9). Ngài cũng kêu gọi thủ đắc các phương tiện truyền thông và sự dự phần đồng trách nhiệm trong việc quản lý các phương tiện này, để có thể sử dụng những khả năng to lớn của chúng trong việc cổ vũ đối thoại, trở nên phương tiện cho sự hiểu biết lẫn nhau, tình liên đới và hoà bình (số 11).
Trong Tông thư, Ðức Gioan Phaolô II đặc biệt đề cao sự phù trợ và quyền năng của Thánh Thần, giúp con người có khả năng vượt qua những trở ngại nội tại đối với truyền thông có thể bị nhân rộng ra bởi các chủ nghĩa, bởi lòng tham muốn lợi lộc và quyền lực, và những đố kỵ và mâu thuẫn giữa các cá nhân và tập thể, cũng như sự yếu đuối của nhân loại và những rắc rối trong xã hội. Những kỹ thuật tiên tiến đang làm gia tăng đến mức đáng kể tốc độ, số lượng và khả năng thâm nhập của truyền thông, nhưng tất cả những thứ đó không tạo điều kiện dễ dàng hơn cho sự trao đổi tế nhị diễn ra giữa những trí óc, những tâm hồn, là tính chất đặc thù của loại truyền thông phục vụ cho tình liên đới và yêu thương. Ngài trích Tin Mừng Matthêu cho thấy Đức Giêsu dạy rằng truyền thông là một hành vi luân lý: "Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói" (Mt 12,35-37). Và mời gọi chúng ta: "Đừng sợ những kỹ thuật mới! Chúng nằm trong số những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta để khám phá, sử dụng và công bố sự thật, cũng là sự thật về phẩm giá của chúng ta, về vận mệnh của chúng ta như là con cái của Ngài, những người thừa tự Vương quốc vĩnh cửu của Ngài".[43]
Ðức Gioan Phaolô II lên tiếng một cách mạnh mẽ và rõ ràng rằng truyền thông đại chúng là một gia sản cần phải được bảo vệ và đề cao, vì chúng ảnh hưởng đến lương tâm của các cá nhân, hình thành não trạng, và quyết định quan điểm trước các sự việc. Ngài mời gọi mọi thành phần trong Giáo Hội hãy mạnh dạn truyền thông sứ điệp của Đức Kitô về hy vọng, ơn sủng và tình yêu, trong khi giữ cho sống động trong thế giới đang qua đi này, triển vọng vĩnh cửu của thiên đàng, một triển vọng mà không phương tiện truyền thông đại chúng nào có thể trực tiếp truyền thông. Với niềm tín thác, Ngài phó dâng hành trình của Giáo Hội trong thế giới hôm nay cho Mẹ: "Xin Đức Mẹ giúp chúng con truyền thông bằng mọi phương tiện vẻ đẹp và niềm vui của cuộc sống trong Đức Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con".[44] Như thế, Giáo Hội phải sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông và phải tận dụng tất cả các phương tiện mới nhất cho việc truyền thông cả bên trong và bên ngoài Giáo Hội để xây dựng các mối tương quan, củng cố đức tin và loan báo Tin Mừng...
4. Các giáo huấn về truyền thông xã hội trong các văn kiện khác
Vì tầm quan trọng của truyền thông nên trong rất nhiều các văn kiện khác nhau dưới thời ngài cũng như trong các dịp tiếp kiến, Ðức Gioan Phaolô II đều đề cập đến lĩnh vực này. Trong tất cả các sứ điệp về truyền giáo, ngài đều vạch ra nhu cầu sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại cho việc rao giảng Tin Mừng. Trong Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế - Redemptoris Missio - ban hành ngày 7.12.1990, ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các phương tiện nghe nhìn trong việc giúp làm sinh động hoá hoạt động truyền giáo (số 83). Nhưng ngài còn đi xa hơn các lời nhắc nhở và đề xuất này khi ngài nhấn mạnh đến các phương tiện truyền thông hiện đại và thế giới truyền thông xã hội như là 'areopagus' - diễn đàn văn hoá hàng đầu của thời đại chúng ta. Chính việc Tin Mừng hoá nền văn hoá hiện đại lệ thuộc một phần lớn vào ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, nên việc sử dụng các phương tiện này chỉ để truyền bá thông điệp Tin Mừng và giáo huấn chân chính của Hội Thánh mà thôi thì không đủ, còn phải tích hợp thông điệp ấy vào 'nền văn hoá mới' do truyền thông hiện đại tạo ra (số 37).
Trong Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại Á Châu), công bố tại New Delhi, Ấn Ðộ, vào ngày 6.11.1999, Ðức Gioan Phaolô II nhận định rằng những mặt tiêu cực của công nghệ truyền thông và giải trí đã làm cho các giá trị truyền thống bị đe doạ, đặc biệt là tính linh thiêng của hôn nhân và sự ổn định của gia đình. Các hình ảnh bạo lực, khoái lạc chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa thái quá và duy vật chủ nghĩa đang đánh vào trung tâm của văn hoá Á Châu, tính tôn giáo của nhân dân, gia đình và xã hội. Tình huống này đặt ra thách thức lớn cho Giáo Hội và cho việc loan báo sứ điệp của Giáo Hội (số 7). Trong số 48 của Tông huấn, ngài phân tích rằng trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, các phương tiện truyền thông xã hội trở nên quan trọng tới mức trở thành phương tiện chính yếu để thông tin và giáo dục, hướng dẫn và soi sáng các thái độ của cá nhân, gia đình và xã hội. Cách riêng, thế hệ trẻ đang lớn lên trong một thế giới bị các phương tiện thông tin đại chúng chi phối. Thế giới hiện nay đang chứng kiến sự ra đời của một nền văn hoá mới, không dựa trên nội dung được diễn đạt mà dựa trên những cách thông tin mới, với những ngôn ngữ mới, những kỹ thuật mới và một khoa tâm lý mới.[45] Như thế, các phương tiện truyền thông đang đóng một vai trò rất đặc biệt trong việc hình thành khuôn mặt thế giới, các nền văn hoá và các kiểu cách suy tư; từ đó đưa tới những thay đổi nhanh chóng và rộng rãi trong xã hội. Ngài mời gọi Giáo Hội cần tìm mọi cách để đưa vấn đề phương tiện truyền thông đại chúng vào kế hoạch mục vụ và hoạt động mục vụ của mình, để nhờ sử dụng chúng cách hữu hiệu, Tin Mừng có thể lan ra xa hơn, đến được với các cá nhân cũng như các dân tộc, đưa các giá trị của Nước Trời thâm nhập các nền văn hoá của Châu Á.
Huấn thị "Xuất phát lại từ Ðức Kitô" năm 2002 có nhắc đến một khía cạnh nổi bật của sự hiệp thông với Giáo Hội là gắn bó bằng cả trí tuệ và con tim với huấn quyền của đức giáo hoàng và của các giám mục; tất cả những người thánh hiến, đặc biệt những ai dấn thân trong công việc nghiên cứu thần học, trong việc giảng dạy, trong việc xuất bản sách vở, trong huấn giáo, trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, phải nghiêm chỉnh thi hành và minh chứng rõ ràng điều này trước mặt Dân Thiên Chúa (số 32). Đồng thời cần cổ vũ trong lòng đời sống thánh hiến một sự đổi mới trong việc dấn thân vào môi trường văn hoá và hiện diện trong lĩnh vực truyền thông xã hội nhằm nâng cao trình độ cá nhân và chuẩn bị cho một cuộc đối thoại giữa đức tin và não trạng thời đại, ngõ hầu cổ võ việc phúc âm hoá các nền văn hoá như phương cách phục vụ sự thật (số 39).
Để đáp ứng cụ thể cho những thách thức về truyền thông, Giáo Hội cần củng cố các giá trị truyền thống, đặc biệt sự bền vững của gia đình với nhiều chăm sóc cá nhân hơn, nhiều trí tưởng tượng và sáng tạo hơn, tuỳ theo các hoàn cảnh và khả năng địa phương. Để làm điều này, cần có những con người giàu sáng tạo, các linh mục, tu sĩ và giáo dân không chỉ là những người quản lý và kế toán, mà là những người có thiện chí 'lắng nghe' và cũng có sự dũng cảm để 'thử những vùng nước mới'. Một cách đặc biệt, họ phải nghe và hiểu ngôn ngữ, tình cảm và nhu cầu của tuổi trẻ, là những người sinh ra giữa nền 'văn hoá' truyền thông và lớn lên với con chuột máy tính. Đức Gioan Phaolô II nói trong Thông điệp Angelus Đầu Năm Mới 2002: "Cùng nhau chúng ta phải kiên cường chống lại cám dỗ của lòng căm thù và bạo lực, nó chỉ tạo ra ảo tưởng giải quyết các xung đột nhưng thực chất nó gây ra những thiệt hại thực sự và lâu dài. Ngược lại, lòng tha thứ xem ra có vẻ là yếu đuối, nhưng đòi hỏi sức mạnh tinh thần to lớn và bảo đảm những lợi ích lâu dài".[46]
Ngài cho thấy rằng việc đối thoại giữa các nền văn hoá là đặc biệt cần thiết, vì ảnh hưởng của kỹ thuật truyền thông mới đối với cuộc sống của các cá nhân và các dân tộc. Thời đại chúng ta là một thời đại truyền thông toàn cầu, nó đang hình thành xã hội theo con đường của các mẫu văn hoá mới ít nhiều cắt đứt với các mẫu cũ. Ít là trên nguyên tắc, bất cứ ai ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có thể tiếp cận các thông tin chính xác và cập nhật. Sự lưu hành tự do các hình ảnh và lời nói trên quy mô toàn cầu đang biến đổi không chỉ các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa các dân tộc, mà thậm chí cả sự hiểu biết của chúng ta về thế giới. Nó mở ra hàng loạt những tiềm năng xưa nay chưa từng được nghĩ tới, nhưng nó cũng mang nhiều khía cạnh tiêu cực và nguy hiểm.[47]
Trong Tông huấn Mục vụ Ecclesia in Africa (Giáo Hội tại Phi Châu) công bố năm 1995, ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta rằng các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại không chỉ là các dụng cụ truyền thông, mà cũng là một thế giới phải được Tin Mừng hoá. Về phương diện thông điệp chúng truyền đi, cần phải bảo đảm rằng chúng truyền bá cái tốt, cái thật và cái đẹp. Ngài cũng diễn tả sự quan tâm sâu xa đến nội dung luân lý của rất nhiều chương trình mà các phương tiện truyền thông đang đổ vào Châu Phi: "Cách riêng tôi khuyến cáo chống lại những cảnh khiêu dâm và bạo lực đang tràn ngập các nước nghèo này... Mọi người Kitô hữu đều phải lo sao để các phương tiện truyền thông là một kênh truyền tải tinh thần Tin Mừng. Nhưng các Kitô hữu là chuyên gia trong lĩnh vực này phải đóng một vai trò đặc biệt. Họ có nhiệm vụ bảo đảm rằng các nguyên tắc Kitô giáo phải ảnh hưởng tới việc hành nghề của họ, kể cả trong khâu kỹ thuật và quản lý" (số 124). Như thế mối quan tâm đến truyền thông của ngài rất thực tế, bao quát toàn diện nhiều lĩnh vực khác nhau nhờ sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên viên trong từng lĩnh vực liên quan.
IV. ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II VÀ NỀN THẦN HỌC TRUYỀN THÔNG
Đức Gioan Phaolô II không bao giờ sử dụng thành ngữ "thần học truyền thông", nhưng trong suốt triều đại của mình, chính ngài đã khai triển một nền Thần học Truyền thông đích thực cho Giáo Hội. Trong quyển sách của Mugridge và Gannon xuất bản tại Ý năm 2008 có tựa đề: "Đức Gioan Phaolô II: Sự Phát triển một nền Thần học Truyền thông", các tác giả đã nhìn nhận rằng trong khi các mầm mống của một nền Thần học Truyền thông đã luôn tồn tại trong suốt lịch sử của Giáo Hội, thì sự phát triển của nền thần học này chỉ bắt đầu trong suốt triều đại của Đức Gioan Phaolô II, và vào một thời kỳ mà chủ nghĩa tục hoá đang gia tăng, sự phát triển này sẽ có tính quyết định đối với sứ mạng Phúc Âm hoá của Giáo Hội. Bà Mugridge cũng cho rằng hiểu được nền Thần học Truyền thông sẽ giúp ta được ơn biến cải, giống như đối với các ngành thần học áp dụng khác. Một cách đặc biệt, nền thần học này giúp con người hiểu một cách trọn vẹn hơn tiềm năng truyền thông mà Chúa quan phòng đã đặt để và chân lý sâu sắc cũng như bản chất thực tại truyền thông của con người.[48]
Trong lịch sử đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau về thần học và truyền thông: cách tiếp cận "Thần học Truyền thông" tìm cách coi sự kiện truyền thông xã hội như một mệnh lệnh thần học: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta các phương tiện truyền thông, vì thế chúng ta phải sử dụng chúng như Chúa Giêsu đã sử dụng mọi phương tiện có sẵn vào thời Người để truyền thông sứ điệp đức tin. Một cách tiếp cận khác hướng tới khoa Thần học Truyền thông, giúp trình bày thần học sao cho cả những người bình dân cũng có thể hiểu cách dễ dàng bằng việc sử dụng chính ngôn ngữ và các khái niệm của họ, đặc biệt hướng tới những người tiếp nhận để trả lời các câu hỏi và các ước muốn thâm sâu của họ. Cách triển khai thứ ba coi thần học như một "hành động truyền thông" mà nền tảng của nó chính là mạc khải của Thiên Chúa được phản ánh trong khả năng truyền thông của con người.[49]
Nhưng đặc biệt vào cuối thập niên 1990, dưới thời Đức Gioan Phaolô II đã xuất hiện một cách triển khai mới nhằm đưa truyền thông vào tâm điểm của thần học, hướng mới này nhìn toàn bộ hệ thống thần học trong viễn tượng truyền thông. Truyền thông trở thành một nguyên lý thần học hay một chìa khoá để mở ra một sự hiểu biết mới về thần học, đó là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với hoạt động truyền thông mục vụ và truyền giáo. Ngành thần học này nghiêm túc coi Thiên Chúa như là một Vị Thiên Chúa truyền thông và mọi cách biểu hiện của Người được coi như là sự truyền thông.[50] Chúng ta cùng xem xét nội dung chính của nền thần học mới mẻ này để nhận thấy nơi đó có những giá trị rất quan trọng cho Giáo Hội và thế giới ngày nay.
1. Các bước triển khai nền Thần học Truyền Thông
Khởi điểm của nền Thần học Truyền thông là việc Thiên Chúa tự truyền thông theo nghĩa thần học đã được phản ánh trong Hiến chế Tín lý Dei Verbum về Mặc Khải của Công đồng Vatican II (x. DV 6). Đức Gioan Phaolô II lấy lại tư tưởng này trong thông điệp về Chúa Thánh Thần Dominum et Vivificantem (1988), trong đó ngài đã sử dụng cách diễn tả này hơn 10 lần để triển khai các cơ sở cho một nền thần học về việc Thiên Chúa tự truyền thông. Theo ngài, việc Thiên Chúa tự truyền thông bên trong Ba Ngôi cũng trở thành một sự tự truyền thông cho loài người, như ngài nêu ra trong số 64 của thông điệp: "Thiên Chúa, Đấng là Thần Khí vô biên đã đến gần với thế giới hữu hình. Thiên Chúa Ba Ngôi tự truyền thông chính mình cho loài người trong Chúa Thánh Thần ngay từ khởi nguyên bằng việc tạo nên loài người 'theo hình ảnh và giống như Người'. Dưới tác động của cùng một Thần Khí, loài người được đưa đến cứu cánh tối hậu của họ trong Thiên Chúa, và nhờ con người, thế giới thụ tạo đã được Đức Kitô cứu chuộc cũng được đưa đến cứu cánh tối hậu ấy".[51]
Hồng y Avery Dulles đã triển khai điều này xa hơn khi gắn Thần học Truyền thông với các ngành thần học cơ bản, thần học hệ thống, thần học thực hành và thần học mục vụ..., ngài gọi Kitô giáo là một tôn giáo trổi vượt về truyền thông, vì Thiên Chúa tự bản thể sâu xa nhất của Người chính là mầu nhiệm của việc tự truyền thông. Toàn bộ công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá là sự nối dài tiến trình truyền thông nội tại trong Ba Ngôi.[52] Có thể tóm tắt các bước chuyển động của truyền thông trong dòng lịch sử cứu độ như sau:[53]
* Từ cội nguồn Thiên Chúa Ba Ngôi
Truyền thông là một thành phần trong Mầu nhiệm Thiên Chúa. Trong chiều kích Ba Ngôi, Thiên Chúa được nhìn như là một vị Thiên Chúa truyền thông trong chính mình: Chúa Cha, Con và Thánh Thần truyền thông lẫn cho nhau trong các chuyển động nội tại của Ba Ngôi. Mỗi ngôi vị trong Ba Ngôi đều sở hữu tất cả chân, thiện, mỹ, nhưng dưới dạng hiệp thông trong một mối truyền thông nội tại tuyệt hảo. Các bước truyền thông đều xuất phát từ mầu nhiệm này và có mục đích lôi kéo chúng ta đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa.
* Qua Mạc Khải
Thiên Chúa Ba Ngôi không đóng kín trong mình, Người tự mạc khải và truyền thông với các tạo vật của Người, để thông truyền tình yêu và hạnh phúc của Người. Người tự mạc khải nhờ tạo dựng và ân sủng. Tất cả Cựu Ước có thể được coi như một bản tường thuật về công trình tạo dựng và việc Thiên Chúa truyền thông với Israel dân Người. Trong Cựu Ước, Người sử dụng mọi đường lối và phương tiện truyền thông bằng lời và không lời mà các nền văn hoá nhân loại hiện có. Việc truyền thông của Người được trình bày và lưu giữ trong một cuốn sách như phương tiện truyền thông về hoạt động của Thiên Chúa.
* Qua Nhập Thể và Cứu Chuộc
Đỉnh điểm việc truyền thông của Thiên Chúa là sự Nhập Thể của Ngôi Con trong lịch sử nhân loại. Đức Giêsu Kitô - Lời của Thiên Chúa - đã truyền thông bằng những cách thức và phương tiện nhân loại, Ngài truyền thông bằng toàn thể con người của Ngài, cho tới cái chết trên thập giá. Ngài không chỉ 'nói' mà còn đi đến chỗ thinh lặng trên thập giá, trong sự hiến dâng trọn cuộc đời ngài. Điều này cũng cho thấy việc truyền thông của ngài không kết thúc ở cuộc đời này, nhưng còn chỉ đến một thực tại sâu xa trổi vượt... Các sách Phúc Âm là Tin Mừng cứu độ về Đức Giêsu gởi đến cho muôn dân.
* Trong một Hội Thánh được sai đi
Hội Thánh được khai sinh trong tác động truyền thông của Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần. Hội Thánh được gọi và được sai đi vào thực tế của mọi nơi và mọi thời để tiếp tục công việc truyền thông của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Mạc Khải và Nhập Thể. Chính Chúa là Đấng sai đi: "Anh em hãy đi rao giảng - truyền thông - Tin Mừng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ..." (Mt 28,19). Sách Công vụ Tông đồ là một bản tường thuật về sự tiếp nối hành vi sai đi và truyền thông liên tục của Thánh Thần Thiên Chúa ở buổi đầu của Hội Thánh. Đời sống của Hội Thánh chính là sự tiếp nối việc Thiên Chúa tự mạc khải cho tới ngày tận thế, để truyền thông Tin Mừng cứu độ cho mọi loài.
Như vậy, toàn thể lịch sử cứu độ được coi như một lịch sử của việc Thiên Chúa tự truyền thông. Từ hoạt động truyền thông bên trong Ba Ngôi, Thiên Chúa mở ra tới các tạo vật của Người. Người tạo dựng loài người 'theo hình ảnh Người và giống như Người', nghĩa là Người tạo dựng họ có khả năng truyền thông và sống trong một cộng đoàn truyền thông. Rồi Người mạc khải chính mình cho họ, bắt đầu với Ađam và đặc biệt với Israel trong lịch sử. Sự nhập thể của Đức Giêsu Kitô là đỉnh điểm và sự sung mãn của việc Thiên Chúa tự truyền thông, qua việc Con của Người trở thành một người giữa chúng ta và truyền thông tình yêu của Cha cho loài người. Mạc Khải và Nhập Thể dẫn tới Hội Thánh, được bắt đầu với việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần và tiếp tục được hướng dẫn bởi Thánh Thần như là 'tác nhân của việc Thiên Chúa tự truyền thông'. Trong đời sống và hoạt động của mình, Hội Thánh tiếp nối hoạt động truyền thông của Thiên Chúa được diễn tả chủ yếu bằng việc rao giảng, bằng đời sống cộng đoàn, và việc phục vụ.
2. Một vị Giáo hoàng Truyền thông
Thiên Chúa tự bản chất là truyền thông, Người truyền thông chính mình cho thế giới và giúp cho chính thế giới trở thành truyền thông để nhờ đó toàn thể tạo vật trong thế giới trở nên giống Người và đạt tới mối hiệp thông mật thiết nhất với Người. Theo quan điểm này, Thần học có nhiệm vụ cơ bản là thể hiện sự truyền thông phổ quát.[54] Đời sống của Đức Gioan Phaolô II đã thực sự thể hiện một chứng tá truyền thông phổ quát đặt nền trên cầu nguyện và nội dung chính là con người Đức Kitô - nhà truyền thông mẫu mực. Ngài khai triển một chìa khoá đơn giản là "Cuộc Gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô Hằng Sống" trong chiến lược truyền thông của ngài đối với sứ mạng của Giáo Hội, đó là một quà tặng dễ hiểu và dễ áp dụng vào kinh nghiệm truyền thông trên bình diện bản thân, xã hội và Giáo Hội để có thể biến cải các chi thể Giáo Hội ở cả hai cấp độ bản thân và cộng đoàn. Hiểu được nền thần học truyền thông này, những ai có liên quan với truyền thông xã hội và những ai có liên quan với sứ mệnh của Giáo Hội đều cảm nhận được một cuộc hồi tâm có tính bản thân và liên tục, nhờ đó Chúa Kitô trở nên một hiện diện sống động làm mẫu mực tuyệt hảo cho bất cứ hoạt động truyền thông nhân bản nào. Hiểu biết và áp dụng được cái nhìn có tính thần học này về hữu thể nhất thiết sẽ tác động lên cuộc sống hằng ngày của ta.[55]
* Cấp độ truyền thông nội tại
Đức Gioan Phaolô II đã dành nhiều thời gian cho cầu nguyện và suy tư, chiêm nghiệm mọi vấn đề của nhân loại dưới ánh sáng của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô trong thinh lặng. Nhờ đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, tiếp cận với cội nguồn truyền thông đích thực, những giá trị sống động chảy trào trong các giáo huấn hiện hành của ngài về hoạt động truyền thông xã hội, các phương tiện truyền thông và việc truyền thông đức tin cả trong và ngoài Giáo Hội. Chúng ta có thể tự hỏi, đâu là những suy nghĩ của ngài về các nền tảng luân lý cho truyền thông đã được biểu lộ trong cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu? Đâu là những suy tư của ngài về việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong thế kỷ mới này? Theo ngài, vai trò của Giáo Hội là gì trong mối tương quan với nền văn hoá đang bị định hình bởi truyền thông, và trong một nền văn hoá truyền thông dưới ảnh hưởng của toàn cầu hoá? Những phương cách truyền thông nào ngài đã sử dụng và chỉ lại cho chúng ta?[56] Ngài khẳng định: "Các nhà truyền thông Kitô giáo phải là những con người cầu nguyện với đầy Thần Khí, ngày càng đi sâu hơn vào sự truyền thông với Thiên Chúa để lớn lên trong khả năng nuôi dưỡng sự truyền thông giữa đồng loại. Họ phải được Chúa Thánh Thần dạy dỗ về lòng trông cậy, vì Người là tác nhân của việc rao giảng Tin Mừng".[57]
Theo Đức Gioan Phaolô II, "... một người chiêm niệm trong hành động là người tìm thấy câu trả lời cho các vấn đề trong ánh sáng của lời Chúa và trong kinh nguyện cá nhân và cộng đoàn. Các tiếp xúc của tôi với đại diện của các truyền thống thiêng liêng ngoài Kitô giáo, đặc biệt các truyền thống ở Châu Á, đã xác nhận cho tôi quan điểm rằng tương lai của truyền giáo tuỳ thuộc một phần rất lớn vào chiêm niệm. Trừ khi người truyền giáo là một người chiêm niệm, họ không thể nào rao giảng Đức Kitô một cách đáng tin được".[58] Quả thật, việc mở lòng ra với Thiên Chúa và với chính mình là những yếu tố then chốt của linh đạo truyền thông, đó là điều ngài luôn thực hiện và cổ vũ.
* Cấp độ truyền thông liên vị
Trong mối tương quan giữa người với người, ngài đi đến với mọi người không phân biện để lắng nghe những chia sẻ và kinh nghiệm đức tin của họ, các nhu cầu, các vấn nạn, thao thức, khủng hoảng và nguyện vọng của họ... Ngài luôn nhắc nhở mọi người hướng về điều cốt yếu: "Thời đại chúng ta là thời đại chuyển động không ngừng, thường dẫn tới rối động, với nguy cơ 'làm vì làm'. Chúng ta phải kháng cự lại cám dỗ này bằng cách cố gắng 'là cái gì' trước khi cố gắng 'làm cái gì'".[59] Ngày 27.12.1983, Đức Gioan Phaolô II gây ngạc nhiên cho nhiều người khi ngài đã tới khám đường Rebibbia thăm tù nhân Ali Agca là người đã mưu sát ngài không thành công. Ngài đã ân cần nói chuyện với anh và tha thứ cho anh. Ngài cũng có những cuộc tiếp kiến, thăm viếng gặp gỡ riêng tư với các nhà lãnh đạo các tôn giáo và quốc gia, để lại cho họ nhiều ấn tượng tốt đẹp, gây ảnh hưởng tích cực trong cuộc sống của họ và còn mở rộng ra cho nhiều người.
Linh đạo truyền thông mà Đức Gioan Phaolô II đã sống cũng chính là linh đạo hiệp thông, nhà truyền thông phải có khả năng suy nghĩ về các anh chị em mình trong đức tin, với sự duy nhất sâu xa của Nhiệm Thể Đức Kitô, và vì vậy có thể nhìn họ như 'những thành phần của tôi'. Điều này giúp chúng ta biết chia sẻ những vui buồn của người khác, cảm thấy được các nguyện vọng và quan tâm tới các nhu cầu của họ, cống hiến cho họ tình bạn sâu xa và chân thật. Linh đạo hiệp thông còn bao hàm khả năng thấy được những điểm tích cực nơi người ta gặp gỡ để đón nhận và quý chuộng họ như quà tặng của Thiên Chúa... Sau cùng, linh đạo hiệp thông còn có nghĩa là biết cách 'dành chỗ' cho anh chị em chúng ta, mang 'gánh nặng lẫn cho nhau' (Gl 6,2) và kháng cự lại các cám dỗ ích kỷ không ngừng làm chúng ta buồn phiền và khích động sự cạnh tranh, nghi kỵ và ghen tương...[60]
* Cấp độ truyền thông nhóm và truyền thông đại chúng
Đức Gioan Phaolô II có những biệt tài để qui tụ người khác, thu hút họ vào câu chuyện của mình. Với một mối tương quan rất cởi mở với giới truyền thông, ngài là người đầu tiên không theo truyền thống khi cho phép phóng viên phỏng vấn cả trên máy bay, cho họ đi theo chụp hình ở Dinh Mùa Hè cả khi ngài đang đọc sách hoặc đi giày bata... và cho họ thông tin nếu có những thay đổi trong chương trình của mình. Ngài không e ngại phải trả lời, dù cho đôi khi ngài phải bực mình vì các câu hỏi. Ngài là vị Giáo hoàng có thể trả lời giới truyền thông bằng nhiều ngôn ngữ, và khiến giới truyền thông Mỹ "mê tít" khi bắt chước giọng nói và cử điệu của Jack Benny là cây hài nổi tiếng của Hoa Kỳ để nói chuyện với họ. Văn phòng Truyền thông Vatican ghi nhận rằng 70% của văn khố lưu trữ các băng ghi âm của Radio Vatican toàn là tiếng nói của Đức Gioan Phaolô II, không chỉ vì ngài có giáo triều lâu dài nhất trong lịch sử 80 năm của Radio Vatican, nhưng cũng vì "ngài là vị Giáo hoàng nói năng nhiều nhất".[61] Nơi ngài, chứng tá Tin Mừng lôi cuốn nhất đối với thế giới là chứng tá về sự quan tâm tới sự sống con người, về lòng bác ái đối với những người nghèo, người đau khổ, sự dấn thân cho hoà bình, công lý, nhân quyền, thăng tiến thiện ích chung, xây dựng nền văn minh tình thương, nhắm tới sự phát triển toàn diện con người...
Quyển sách mang tựa đề John Paul II, My Beloved Predecessor của Đức Bênêđictô XVI kể lại những kinh nghiệm 25 năm ngài làm việc bên Đức Gioan Phaolô II, trong đó có một câu chuyện về biến cố Đức Gioan Phaolô II gặp ca sĩ Bob Dylan năm 1997 trong ngày bế mạc Đại hội Thánh Thể ở Bologna. Bob Dylan là một thần tượng lẫy lừng, là ngôi sao vĩ đại của giới trẻ khoảng thập niên 60 và 70 với bài hát rất nổi tiếng "Blowin' in the wind" (1963). Trước buổi trình diễn, Hồng y Ratzinger đã cực lực phản đối không muốn cho Bob Dylan lên hát vì không thích loại nhạc "xập xình" với đàn guitar. Nhưng Đức Gioan Phaolô II mạnh mẽ quyết định vẫn để cho Bob Dylan trình diễn. Đầu đội nón cao bồi tay ôm đàn, Bob Dylan đã hát hai bài, hát xong ông bước lên ngả mũ chào và bắt tay ĐGH Gioan Phaolô II. Ngài đã thích thú theo dõi phần trình diễn văn nghệ, sau đó đứng lên giảng một bài hùng hồn không có trong văn bản soạn trước. Mượn lời của bài hát "Blown' in the Wind" của Bob Dylan mà mọi người đều biết, Ngài nói: "Trên con đường của âm nhạc tối nay, Chúa Giêsu đã đến gặp bạn. Bạn nói rằng câu trả lời đang bay trong gió. Vâng, đúng thế, nhưng không phải là ngọn gió thổi bay mọi vật. Ngọn gió đây chính là hơi thở và sức sống của Chúa Thánh Thần!" Cử toạ hơn 300.000 người vang dội tiếng vỗ tay. Ngài lại tiếp: "Nếu các bạn hỏi tôi là có bao nhiêu con đường người ta phải đi trước khi nên người? Tôi sẽ trả lời là chỉ có một con đường duy nhất cho con người và đó là con đường của Chúa Giêsu Kitô, vì Ngài đã phán: Ta là Đường và là Sự Sống"...[62] Như thế, ngài xác định rằng tất cả mọi nội dung truyền thông đều phải quy hướng con người đến niềm tin, đến Tin Mừng và các giá trị Kitô giáo nhằm góp phần xây dựng thế giới.
Ngài quan tâm đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội mới mẻ, như phương cách truyền đạt chân lý về con người như đã được mạc khải nơi Chúa Kitô, vì điều này là nền tảng chân chính duy nhất của tình liên đới và của việc thể hiện sự phát triển toàn bộ nhân loại căn cứ vào các tiềm năng và nhân phẩm của con người nhân bản như đã được Thiên Chúa an bài xếp đặt.[63] Ngài không ngại lớn tiếng mời gọi mọi người sống thánh thiện và gắn bó với Giáo Hội: "Hỡi các bạn trẻ của mọi đại lục, chớ sợ làm các vị thánh của thiên niên kỷ mới! Hãy biết chiêm niệm và yêu thích cầu nguyện, nhất quán với đức tin mình và quảng đại phục vụ anh chị em; hãy nên những thành viên tích cực của Giáo Hội và những tác nhân xây dựng hoà bình. Ðể thực hiện dự định sống dấn thân này, các con hãy luôn nghe Lời Chúa, hãy múc lấy sức mạnh trong các Bí tích, đặc biệt Bí tích Tạ Ơn và Cáo Giải. Chúa muốn các con nên những tông đồ gan dạ của Tin Mừng Người và thành những kẻ xây dựng một nhân loại mới".[64] Ngài là người không chỉ dựa trên các văn bản - diễn từ, nhưng có những cử chỉ sáng tạo để hấp dẫn đám đông: Ngài lấy gậy gõ 3 lần khi xuống khỏi máy bay vào thời điểm giới truyền thông đồn ầm lên là ngài đau yếu không đến được, hoặc hôn đất trong mỗi chuyến tông du... Ngài biết cách trấn áp nhóm người định phá rối trong thánh lễ đại trào, và có những sáng kiến nhanh nhạy để "ới ời" đám đông quen biết khi họ phải đứng quá xa, bằng cách lấy gậy chủ chăn vẫy họ.[65]
Ngài đi đến với mọi người để loan báo Lời cứu độ, nhưng ngài cũng chọn một nhóm khán giả mục tiêu chính là giới trẻ. Điều quan trọng nhất trong sứ mạng của một nhà truyền thông không chỉ là chuyển tải thông tin và kiến thức, nhưng chính là truyền đạt, gieo rắc cho người khác những cảm hứng cho cuộc sống, những ước mơ và hy vọng, sự tự tin và niềm phấn khởi nhiệt thành để can đảm chọn lý tưởng sống cho mình và kiên trì theo đuổi. Ngài đặt nhiều kỳ vọng nơi các Đại hội Giới trẻ Thế giới do chính ngài khởi xướng, vì ngài luôn trân trọng coi người trẻ là tương lai của Giáo Hội và của cả nhân loại. Đó là lý do sâu xa thúc đẩy ngài không bỏ lỡ một cơ hội nào mà không đưa vào tâm trí và con tim họ những quan niệm hướng thượng về tình yêu và tình bạn, về những lựa chọn phải có cho cuộc đời bằng những lời thật trìu mến khích lệ: "Các bạn trẻ thân mến, cha tin tưởng vào các bạn là những món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa cho chúng ta, những người hành hương theo dòng thời gian, nhưng luôn mang trong tim khát vọng của đời sống vĩnh cửu...".[66] Chưa bao giờ người ta thấy một vị Giáo hoàng "ngẫu hứng" đứng lên vẫy tay với những cử điệu uyển chuyển theo điệu bài hát trước hàng triệu bạn trẻ như thế. Ngài rất cảm thông và hiểu giới trẻ, luôn gọi họ là "các bạn" như những người tri âm tri kỷ. Trong những bài giảng, đôi khi ngài dừng lại giây lát, chờ cho mọi người tập trung chú ý và nói; "Hỡi các bạn trẻ, Cha yêu chúng con!". Đáp lại là những tràng vỗ tay như sấm vang dậy từ phía cử toạ.[67] Vì thế, ngài trở thành người bạn và thần tượng của giới trẻ trong thời đại thông tin kỹ thuật số.
3. Một tầm nhìn ngôn sứ về thế giới truyền thông hiện đại
Nhìn vào cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II cùng với những hoạt động không mỏi mệt của ngài trong nỗ lực canh tân Giáo Hội, bảo vệ sự sống, xây dựng nền văn minh tình thương, chống lại nền văn hoá sự chết, trở về với Tin Mừng Đức Kitô..., chúng ta nhận ra ngài là một nhà truyền thông vĩ đại, có tầm nhìn xa và những định hướng rõ rệt cho cuộc đời của mình. Các phương tiện truyền thông đại chúng được Đức Gioan Phaolô II tận dụng để lên tiếng với cả thế giới về những vấn đề của thời đại. Ngài đã mạnh dạn lên án việc phá thai, phê phán chủ nghĩa tiêu thụ, kêu gọi xoá nợ cho các nước nghèo, tranh đấu cho nữ quyền, chủ trương đại kết và đối thoại liên tôn... Đặc biệt ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đã dám lên tiếng xin thứ tha các lầm lỗi của Giáo Hội trong những thế kỷ trước đây. Đó cũng là những điều đang cần được lưu ý đặc biệt trong thời đại của chúng ta, để có thể xây dựng một thế giới hiệp thông, hoà bình, hoà giải và liên đới thực sự.
Có một số khác biệt căn bản không dễ gì san bằng trong mối tương quan giữa Giáo Hội và các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng với một tầm nhìn sâu rộng, Đức Gioan Phaolô II đã tìm cách giải quyết các khác biệt này. Ngài nêu lên rằng trong cuộc hành trình tìm kiếm chân lý của con người, Hội Thánh muốn làm bạn với các phương tiện truyền thông vì biết rằng mọi hình thức hợp tác đều mang lại lợi ích cho mọi người. Tuy nhiên, "thỉnh thoảng các mối quan hệ giữa Hội Thánh và các phương tiện truyền thông có thể bị lu mờ vì sự hiểu lầm lẫn nhau, dẫn đến sợ sệt và nghi kỵ lẫn nhau. Đúng là văn hoá Hội Thánh và văn hoá truyền thông khác nhau; thực vậy, có một sự tương phản rõ rệt ở một số điểm. Nhưng không có lý do gì để các khác biệt này khiến chúng ta không thể thân thiện và đối thoại với nhau".[68] Trong lúc các công nghệ kỹ thuật truyền thông mới phát triển với tốc độ chóng mặt và đặt ra nhiều thách đố mới, ngài nêu rõ vai trò thiết yếu của tất cả các phương tiện truyền thông ta không loại trừ một phương tiện nào, như tấm vé vào cửa của mọi người, nam cũng như nữ, để họ đi vào thị trường đương đại, nơi các tư tưởng được nói lên một cách công khai, nơi các ý tưởng được trao đổi, các tin tức được lưu chuyển, các thông tin đủ loại được phát đi và tiếp nhận.[69] Bởi vì "Giáo Hội dạy chúng ta rằng việc sử dụng những kỹ thuật và công nghệ truyền thông đương đại là một phần tích hợp trong sứ mạng của Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba".[70]
Đức Gioan Phaolô II cổ vũ việc lên kế hoạch mục vụ truyền thông ở các cấp, việc chuẩn bị nhân sự, đào luyện thiêng liêng và chăm sóc mục vụ cho các nhà truyền thông Công giáo, sự hợp tác, nghiên cứu về truyền thông... nhằm đẩy mạnh công cuộc loan báo Tin Mừng. Ngài nhìn nhận những khả năng lớn lao của mạng Internet nhưng cũng mạnh dạn cảnh báo các nguy cơ của không gian ảo: "Nhờ Internet, người ta nhân lên những cơ hội tiếp xúc theo những cách thức mà cho tới nay không thể tưởng tượng được. Sự kiện ấy mở ra những khả năng kỳ diệu truyền bá Tin Mừng. Nhưng cũng phải nhận thức rằng những mối tương quan được thiết lập nhờ các phương tiện điện tử không bao giờ có thể thay thế sự tiếp xúc trực tiếp và nhân bản, cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng đích thực".[71]
Có thể thấy rõ ngài quan tâm đến cả hoạt động truyền thông đối nội trong nội bộ cộng đoàn Giáo Hội, lẫn truyền thông đối ngoại giữa Giáo Hội và thế giới, vì cả hai đều đòi hỏi một sự cởi mở và một bước tiến mới. Ngài mạnh mẽ khuyến cáo rằng một phương thế đúng đắn về luân lý trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng đầy uy lực phải được đặt trong bối cảnh của việc thực hành cách trưởng thành quyền tự do và trách nhiệm, được xây dựng trên nền tảng tối cao là sự thật và công lý.[72] Ngài cũng nhấn mạnh rằng bản thân con người và cộng đồng phải là mục tiêu và thước đo cho việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội,[73] đồng thời nhắc nhở mọi người rằng bên cạnh Internet và các phương tiện truyền thông hiện đại, cần kết hợp các phương tiện truyền thông truyền thống để chuyển tải sứ điệp của Đức Kitô về niềm hy vọng, ân sủng và tình yêu cho thế giới đang qua đi này.[74]
KẾT LUẬN
Đức Gioan Phaolô II - Vị Giáo hoàng của Truyền thông - chính là một ân ban lớn lao cho Giáo Hội và cả nhân loại. Con người của ngài, cung cách sống của ngài, các giáo huấn của ngài đều biểu lộ cho mọi người một tâm hồn sống hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa, đồng thời sống mối tương quan truyền thông phổ quát hướng đến con người. Ngài là mẫu gương của một nhà truyền thông vĩ đại, dám sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông kỳ diệu một cách thích đáng cho việc loan báo Tin Mừng hữu hiệu. Ngài cũng là người góp phần định hình và phát triển một nền Thần học Truyền thông cho Giáo Hội, giúp chúng ta có phương cách hiểu biết rất hệ thống về lĩnh vực truyền thông Công giáo với những hệ luận mục vụ cụ thể cho sứ mạng của Giáo Hội và của mỗi người Kitô hữu. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên có địa chỉ email trên mạng để mọi người có thể viết thư cho mình. Địa chỉ đó là: john_paul_ii@vatican.va. Đức Gioan Phaolô II cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên có hai trang web trên YouTube và Facebook, do Trung tâm Truyền hình Vatican và Đài Phát thanh Vatican phối hợp với Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội tạo ra, để truyền tải các tài liệu về cuộc đời và giáo huấn của ngài đến một nhóm đối tượng vô cùng rộng lớn. Các trang mạng xã hội này cung cấp một loạt các video nhìn lại những năm tháng cuộc đời của ngài, các tài liệu và sự kiện quan trọng trên lộ trình phong chân phước cho ngài bằng 5 thứ tiếng khác nhau cho mọi người.
Địa chỉ trang YouTube: www.youtube.com/giovannipaoloii
Địa chỉ trang Facebook: www.facebook.com/vatican.johnpaul2.[75]
Giáo phận Rôma cũng đã ra mắt trang web mới về Đức Gioan Phaolô II, được công bố bằng 7 ngôn ngữ, và cung cấp tin tức cập nhật cũng như các thông tin cơ bản về Đức cố Giáo Hoàng và án phong thánh của ngài. Trang web hiển thị một webcam chiếu trực tiếp mộ của Đức Giáo Hoàng dưới hầm mộ của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, đồng thời cũng cung cấp lời nguyện xin ơn nhờ sự chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô II bằng 31 ngôn ngữ, có cả tiếng Việt. Địa chỉ: http://www.karol-wojtyla.org[76]
Ngày hôm nay, thế giới mới của không gian truyền thông đang vang vọng lời mời gọi Giáo Hội đi vào cuộc mạo hiểm vĩ đại, để sử dụng các tiềm năng của nó cho việc loan báo sứ điệp Tin Mừng. Thách thức này nằm ở tâm điểm của việc thực thi vào đầu thiên niên kỷ này lệnh truyền của Chúa: 'Ra chỗ sâu mà thả lưới' (Duc in altum, Lc 5,4).[77] Đức Gioan Phaolô II vẫn đang tiếp tục nhắc nhở chúng ta rằng sứ mạng Phúc Âm hoá của Giáo Hội không thể không chịu những tác động sâu xa của các phương tiện truyền thông đại chúng, vì các phương tiện ấy càng ngày càng có ảnh hưởng nhiều hơn, ngay cả tại những vùng xa xôi của Châu Á, nên chúng cũng có thể hỗ trợ rất nhiều cho công cuộc loan báo Tin Mừng, bất kể ở chân trời góc biển nào... Điều quan trọng là Giáo Hội cần phải đưa vấn đề truyền thông đại chúng vào kế hoạch và hoạt động mục vụ của mình, để nhờ biết sử dụng chúng cách hữu hiệu, Tin Mừng có thể lan ra xa hơn, đến được với các cá nhân cũng như các dân tộc, chuyển tải các giá trị Nước Trời vào các nền văn hoá.[78]
Nguyện xin Chân phước Gioan Phaolô II chuyển cầu cho mỗi người Kitô hữu chúng ta biết mở rộng lòng cho Thiên Chúa, cho tha nhân và cho chính mình, đồng thời biết vun trồng cho mình những hiểu biết về thần học truyền thông, linh đạo truyền thông, luân lý truyền thông, các kỹ năng mục vụ truyền thông... nhờ đó chúng ta có khả năng sử dụng các phương tiện truyền thông cách hữu hiệu và trở nên nhà truyền thông Tin Mừng trong thế giới hôm nay; trước hết bằng chứng tá đời sống. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những chủ nhân tương lai của xã hội và Giáo Hội, chính là những người trẻ thuộc về thế hệ kỹ thuật số này. Xin cho họ biết ý thức tiềm năng lớn lao của các phương tiện truyền thông và tận dụng chúng cách đúng đắn trong việc phát huy tài năng của mình, để dấn thân phục vụ cho cộng đồng, biết đưa vào nền văn hoá truyền thông những giá trị cuộc sống, thăng tiến sự tôn trọng, đối thoại và tình bạn...[79] Xin Chúa cũng chúc lành cho những ai hiện đang dấn thân cách chuyên biệt trong công tác truyền thông, để họ trở nên chứng tá cho chân lý và bác ái trong môi trường hoạt động của mình.
--------------------------------
[1] x. Anthony Lê, Rogito: Văn bản được đặt trong Quan tài của Đức cố Giáo hoàng, 2005, http://www.vietcatholic.org/News/Html/25523.htm.
[2] x. Linh Tiến Khải, Di sản của Đức Gioan Phaolô II, http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100408/4488
[3] x. Christine A. Mugridge và Marie Gannon, John Paul II: Development of a Theology of Communication, Nxb Vatican 2008, tr.33.
[4] x. Nguyễn Thái Hợp, Đức Gioan Phaolô II trong mắt ai, http://www.daminhvn.net/tai-lieu/4312-duc-gioan-phaolo-ii-trong-mat-ai.html
[5] x. SVCG Hải Hà, vị Giáo hoàng của Giới trẻ, http://www.svhaiha.org/@forum/showthread.php?t=3784
[6] x. Đỗ Ngọc Bảo, OP, Những biến cố lớn trên hành trình cuộc đời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, http://daminhvn.net/tai-lieu/3936--nhung-bien-co-lon-tren-hanh-trinh-cuoc-doi-duc-co-giao-hoang-gioan-phaolo-2.
[7] Nguyễn Long Thao, Lược sử biên niên của Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, http://www.vietcatholic.com/News/Html/12348.htm
[8] x. Đỗ Ngọc Bảo, OP, Những biến cố lớn trên hành trình cuộc đời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, http://daminhvn.net/tai-lieu/3936--nhung-bien-co-lon-tren-hanh-trinh-cuoc-doi-duc-co-giao-hoang-gioan-phaolo-2.
[9] x. Ibid.
[10] x. Ibid.
[11] x. Trần Phong Vũ, Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Vĩ nhân thời đại, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia 2005, chương III.
[12] Báo Time ngày 3.10.1978, A Foreign Pope, http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,912229-1,00.html
[13] x. Lê Hiển, Tôi tớ của Thiên Chúa, Gioan Phaolô II (1920–2005), http://www.wyd2008vn.org.au/index.php?option=com_content&task=view&id=611&Itemid=280
[14] Anthony Lê, Rogito: Văn bản được đặt trong Quan tài của Đức cố Giáo hoàng, 2005, http://www.vietcatholic.org/News/Html/25523.htm.
[15] Phaolô VI, Tông thư Bát Thập Niên (Octogesima Adveniens), Rôma 1971, số 20.
[16] x. Ibid, số 5.
[17] Trích Di chúc của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đoạn viết vào ngày 17-3-2000.
[18] x. Franz-Josef Eilers, Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo, NXB Logos/Divine, Manila 2008, tr. 23.
[19] Ibid, tr.24.
[20] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông lần thứ 32 - Năm 1998.
[21] x. Franz-Josef Eilers, Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo, NXB Logos/Divine, Manila 2008, tr. 26.
[22] Ibid, tr. 27.
[23] Nguyễn Long Thao, Một vài con số thống kê về sự nghiệp ĐGH Gioan Phaolô II, http://vietcatholic.com/News/Html/25223.htm
[24] x. Đỗ Ngọc Bảo, OP, Những biến cố lớn trên hành trình cuộc đời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, http://daminhvn.net/tai-lieu/3936--nhung-bien-co-lon-tren-hanh-trinh-cuoc-doi-duc-co-giao-hoang-gioan-phaolo-2.
[25] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông lần thứ 35 - năm 2001.
[26] x. Anthony Lê, Đôi nét tóm tắt về Karol Józef Wojtyla, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, http://www.cgvn-sweden.com/cgvn/Viet/lichsu_ducgiaohoang.html, và X. Christine A. Mugridge và Marie Gannon, John Paul II : Development of a Theology of Communication, Nxb Vatican 2008, tr.32-37.
[27] x. Hội Đồng GMVN, Bộ Giáo Luật 1983, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2006, tr. 9.
[28] x. HĐGMVN - UB Giáo lý Đức Tin, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2010, tr. 17-18.
[29] Anthony Lê, Đức Giáo hoàng với Thần học về Thân xác (Phần I), http://www.vietcatholic.com/News/Html/19857.htm
[30] x. Kim Hằng, Đức Gioan Phaolô II - Sứ giả Hoà bình, http://www.daminhvn.net/tai-lieu/3954-duc-gioan-phaolo-iisu-gia-hoa-binh
[31] x. Trần Mạnh Trác, Con Người Thật của Đức Gioan Phaolô II, http://www.giaophanvinhlong.net/Con-Nguoi-That-Cua-Duc-Gioan-Phaolo-II.html
[32] Ibid.
[33] Gioan Phaolô II, Sự Phát triển Nhanh chóng - Vatican 2005, số 13.
[34] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần Xã hội thứ 26, Vatican 1992.
[35] x. Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 34, Vatican 2000.
[36] x. Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 35, Vatican 2001, số 1.
[37] x. Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 36, Vatican 2002, số 6.
[38] x. Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 37, Vatican 2003, số 6.
[39] x. Gioan Phaolô II, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 38, Vatican 2004, số 6.
[40] Gioan Phaolô II, Sự Phát triển Nhanh chóng, Vatican 2005, số 2.
[41] x. Gioan Phaolô II, Sự Phát Triển Nhanh Chóng, Vatican 2005, số 3,4.
[42] Nguyễn Việt Nam, Tông thư mới của Đức Thánh Cha về Truyền thông Xã hội: Anh chị em đừng sợ, http://www.vietcatholic.org/News/Html/24051.htm
[43] Gioan Phaolô II, Sự Phát triển Nhanh chóng, Vatican 2005, số 14.
[44] Ibid.
[45] x. Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Aetatis Novae, Vatican 1992, số 11.
[46] Franz-Josef Eilers, Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo, NXB Logos/Divine, Manila 2008, tr. 165-166.
[47] x. Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình, Vatican 2001, số 11.
[48] x. Vũ Văn An, Thần học Truyền thông của Đức Gioan Phaolô II, http://catholicvideo.org/News/Html/61273.htm
[49] x. Franz-Josef Eilers, Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo, NXB Logos/Divine, Manila 2008, tr. 12.
[50] x. Ibid, tr. 13.
[51] x. Franz-Josef Eilers, Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo, NXB Logos/Divine, Manila 2008, tr. 16.
[52] Ibid, 17.
[53] Phần này xin Tham khảo Franz-Josef Eilers, Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo, NXB Logos/Divine, Manila 2008, tr. 17-22.
[54] x. Franz-Josef Eilers, Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo, NXB Logos/Divine, Manila 2008, tr. 15.
[55] x. Vũ Văn An, Thần học Truyền thông của Đức Gioan Phaolô II, http://catholicvideo.org/News/Html/61273.htm
[56] x. Christine A. Mugridge và Marie Gannon, John Paul II: Development of a Theology of Communication, Nxb Vatican 2008, tr.30.
[57] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 32, Vatican 1998.
[58] Gioan Phaolô II, Sứ vụ Đấng Cứu Thế, Vatican 1990, số 91.
[59] Gioan Phaolô II, Novo Millennio Ineunte (Khởi đầu ngàn năm mới), Vatican 2001, số 15.
[60] x. Franz-Josef Eilers, Truyền thông trong Mục vụ và Truyền giáo, NXB Logos/Divine, Manila 2008, tr. 31.
[61] x. Bùi Hữu Thư, Mối tương quan giữa Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và giới truyền thông, http://www.vietcatholic.net/News/Html/88642.htm
[62] Neil McCormick, Pope tried to stop concert by Bob Dylan, http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/1544924/Pope-tried-to-stop-concert-by-Bob-Dylan.html
[63] x. Vũ Văn An, Thần học Truyền thông của Đức Gioan Phaolô II, http://catholicvideo.org/News/Html/61273.htm
[64] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ năm 2000, số 3.
[65] x. George Weigel, Nhân chứng cho Niềm Hy vọng, tr. 201, NXB PerfectBound, 2005, tr. 456.
[66] Gioan Phaolô II, Nói với Giới trẻ năm 2000, http://vietcatholic.org/News/Html/28041.htm
[67] Vũ Văn Thiên, Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của Giới trẻ, http://www.hdgmvietnam.org/duc-gioan-phaolo-ii-vi-giao-hoang-cua-gioi-tre/2642.24.16.aspx
[68] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ năm 1999, số 3.
[69] x. Gioan Phaolô II, Sứ vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio), Vatican1990, số 37.
[70] Gioan Phaolô II, Sự Phát triển Nhanh chóng, Vatican 2005, số 2.
[71] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ năm 2002, số 5.
[72] x. Gioan Phaolô II, Sự Phát triển Nhanh chóng, Vatican 2005, số 3.
[73] x. HĐGH về Truyền thông Xã hội, Đạo đức trong Truyền thông, Vatican 2000, số 21.
[74] x. Gioan Phaolô II, Sự Phát triển Nhanh chóng, Vatican 2005, số 9,12.
[75] x. Tiền Hô, Vatican: ra mắt trang Facebook về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, http://catholicvideo.org/News/Html/88367.htm
[76] x. Lã Thụ Nhân, Giáo phận Rôma ra mắt trang web về Đức Gioan Phaolô II, http://catholicvideo.org/News/Html/87666.htm
[77] x. Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ năm 2002, số 2.
[78] x. Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia), New Delhi 1999, số 48.
[79] x. Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã hội lần thứ 43, Vatican 2009.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc sống và đức tin của ông Tom Monaghan, nhà sáng lập Domino’s Pizza
-
Bí quyết kinh doanh của Luz Maribel Jimenez: Có Chúa là có tất cả -
Ba Tỷ Người Trên Toàn Cầu Bị Ảnh Hưởng Bởi Tình Trạng Suy Thoái Đất -
Sứ vụ của Sơ Luke Boiarsk: xây dựng cộng đồng, biến đổi cuộc sống tha nhân -
Sơ Pia và sứ vụ mang lại ánh sáng cho trẻ em khiếm thị ở Rwanda -
Nữ tu Công giáo Nigeria được trao giải thưởng Opus trị giá 1,2 triệu đô la -
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành thừa sai tại đền thánh Mễ Du -
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm -
Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu -
Chứng tá truyền giáo của cha Ignazio Lastrico ở Brazil: Điều quan trọng là luôn hiện diện và ở mọi nơi
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại