Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay

Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay

Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay

TGPSG/Oursundayvisitor -- Mùa Chay là thời gian chuẩn bị tâm hồn để mừng đại lễ Phục Sinh với muôn ân sủng Chúa ban. Tuy nhiên, tội lỗi khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa và không sẵn sàng đón nhận ân sủng của Ngài. Ta dễ bị cuốn vào những lo toan trần thế, và bận tâm đến ân huệ hơn là chính Đấng Ban Tặng.

Thánh Augustinô nói: "Lòng chúng ta khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa." Nhưng con người lại thường tìm hạnh phúc nơi trần thế thay vì nơi Thiên Chúa. Và thay vì trở về với Ngài, ta lại cố khỏa lấp sự khắc khoải ấy bằng cách chạy theo thú vui chóng qua.

Mùa Chay giúp ta buông bỏ những gì đang chiếm chỗ Thiên Chúa trong lòng mình. Thánh Augustinô nhận định: Chúa muốn ban chính Ngài cho chúng ta, nhưng tay ta lại đang đầy ắp những thứ không phải là Chúa. Đó là lý do cần đến sự hãm mình để buông bỏ những thứ khiến ta khó đón nhận Chúa.

Tuy nhiên, đừng biến việc hãm mình thành một nỗ lực tự sức riêng mình. Ta dễ mắc vào bẫy này: cố gắng hy sinh, gia tăng cầu nguyện, làm việc bác ái, rồi lại thất vọng khi không đạt như mong muốn. Lúc ấy, hãy nhớ lại dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, còn được gọi là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu.

Bối cảnh của dụ ngôn

Các người Pharisêu đã phàn nàn chê trách khi thấy Đức Giêsu đồng bàn với người thu thuế và tội nhân. Trong bối cảnh này, Người kể ba dụ ngôn, nhắc đến: đồng bạc bị mất, con chiên lạc, và cao trào là người con hoang đàng.

Trong dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, cả hai người con đều hiểu sai về cha mình.

Ở đây, người cha tượng trưng cho Thiên Chúa, đứa con hoang đàng là tội nhân, còn người con cả là các Pharisêu. Khi trách em mình, người anh phơi bày sự khinh miệt dành cho những ai lầm lạc. Nhưng điều quan trọng hơn là cả hai đều không nhìn cha qua lăng kính tình yêu, mà chỉ thấy đòi hỏi và phần thưởng.

Thiên Chúa cần con cái, không cần nô lệ

Người con hoang đàng xem nhà cha như một giới hạn cho tự do, nên muốn rời xa. Nhưng trớ trêu thay, người anh cả cũng cảm thấy như vậy. Khi trách cha, anh nói: "Bấy nhiêu năm con phục vụ cha, chưa bao giờ trái lệnh cha, thế mà cha chẳng bao giờ cho con một con dê nhỏ…" Anh nói như thể anh đang chịu đựng một kiếp nô lệ!

Giống như con rắn trong vườn Địa Đàng bóp méo lời Chúa để khiến Eva bất mãn, người anh cả cũng phóng đại sự khổ sở của mình. Thực ra, anh không thực sự yêu cha, mà chỉ mong hưởng gia tài sau bao năm “công trạng”. Điều này khiến anh, chứ không phải em mình, rơi vào nguy hiểm lớn hơn.

Từ nhận thức đến hoán cải

Người em chỉ nhận ra lòng nhân hậu của cha khi chạm đến đáy khổ đau: "Biết bao kẻ làm công cho cha ta có dư dật bánh ăn, còn ta lại chết đói!" Nhưng ngay lúc khốn khổ ấy, anh vẫn chưa hiểu hết về cha mình. Anh quay về với tâm thế tủi hổ, chỉ mong cha coi mình như “một kẻ làm công” thì cũng bớt khổ rồi, chứ chưa phải một người con tin vào tình yêu vô điều kiện của cha mình.

Chỉ khi gặp lại cha, anh mới thực sự hiểu. Người cha chạy ra đón anh, không chờ anh chứng minh sự ăn năn. Như Augustinô phân tích, việc anh "tỉnh ngộ" nơi chuồng heo là ơn Chúa thúc đẩy (prevenient grace), còn sự tha thứ của cha là ơn thánh hóa (justifying grace).

Thiên Chúa – người cha rộng lượng và thương xót

Dụ ngôn này đáng lẽ nên gọi là "Dụ ngôn về Người Cha Rộng Lượng", vì lòng thương xót của ông quá dạt dào. Nếu ta là người cha ấy, hẳn ta sẽ không trao gia tài cho đứa con hoang đàng ngay từ đầu. Nhưng Thiên Chúa không hành động theo lẽ công bằng khắt khe, mà theo tình yêu vô bến bờ của Ngài.

Từ đầu đến cuối, Thiên Chúa không muốn ta chỉ "làm theo lệnh" để được thưởng. Ngài không phải một ông chủ, mà là một Người Cha. Nhưng phải đến khi chạm đến đáy khốn khổ của cuộc đời để quay về với cha, người con hoang đàng mới thực sự hiểu được điều ấy.

Như Chân Phước John Henry Newman nói, có sự khác biệt giữa một niềm tin lý thuyết (notional assent) và một niềm tin từ con tim (real assent). Người con hoang đàng hẳn từng nghe cha nói "cha yêu con" như một bài giảng thuyết (notional assent), nhưng chỉ khi thấy cha chạy đến ôm mình khi mình quay về, anh mới thực sự cảm nghiệm được tình yêu của cha (real assent). Và đó chính là điều biến đổi anh.

Mùa Chay – thời gian sám hối và đón nhận hồng ân

Mùa Chay là thời gian để ta ý thức thân phận mình và khao khát trở về, như người con hoang đàng, khi đang vui hưởng thú vui trần thế thì không nghĩ đến cha mình; nhưng khi mọi thứ sụp đổ, đã nhớ về ngôi nhà thân thương.

Tuy nhiên, Mùa Chay không phải chỉ là từ bỏ, mà là dọn lòng đón nhận tình yêu Chúa. Nếu không, ta sẽ như Ađam và Eva, xấu hổ mà xa Chúa. Ta dễ lặp lại lời biện hộ: "Xin nhận con làm đầy tớ", nhưng Chúa không muốn đầy tớ. Ngài muốn con cái.

Và khi ta trở về, ta sẽ thấy rằng dù ta có cảm thấy không xứng đáng, thì Chúa đã sẵn sàng đón nhận ta vào bàn tiệc. Trên bàn tiệc, không phải một con dê nhỏ, mà là Chiên Thiên Chúa - Con Một Ngài.

"Khi chúng ta còn là tội nhân, Đức Kitô đã chết vì chúng ta" (Rm 5,8).

Mùa Chay là thời gian buông bỏ, sám hối và cảm nhận lại tình yêu của Cha, để đến Lễ Phục Sinh, ta có thể vui mừng nghe lời này:

"Em con đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy!"

Hướng dẫn thực hành Mùa Chay

  • Xét mình mỗi ngày để nhận ra những điều ngăn cách ta với Chúa.
  • Lãnh nhận Bí tích Hòa Giải để đón nhận lòng thương xót của Ngài.
  • Gia tăng cầu nguyện để kết hợp mật thiết hơn với Chúa Cha.
  • Sống bác ái bằng cách giúp đỡ tha nhân, đặc biệt là những người lầm lạc.

Khi thực hiện những điều này, ta có thể thực sự bước vào bàn tiệc của Chúa, vì Chúa Giêsu luôn sẵn sàng đồng bàn với những tội nhân đã được thứ tha – và vì thế, đã có thể yêu mến thật nhiều.

Tác giả: Rodney Howsare

 Xuân Đại (TGPSG) lược dịch từ Oursundayvisitor

Top