Dư âm một buổi chiều: “Đã phải có gì hơn thế!!!”
23g00 thứ Sáu ngày 10-05-2013. Một dòng người bước ra khỏi tòa nhà Adora lộng lẫy ánh đèn. Một mẩu đối thoại đâu đó vang lên:
– Giới Doanh nhân tổ chức coi được quá hỉ?
– Có tiền mà làm gì chẳng được! Bồ không nhớ câu "Có tiền mua tiên cũng được" à?
Tự thâm tâm, mình không phản đối ý nghĩa ngàn đời của câu nói ấy. Nhưng từ một góc sâu thẳm của tâm hồn, mình cảm thấy nội dung câu nói đó chưa thực sự lột tả hết sự thật của buổi chiều “Doanh nhân Công giáo” hôm nay.
Bất giác hình ảnh cô gái rượu của Bill Gates, mà mình có dịp ngắm trên internet với đôi dòng khen ngợi của tác giả săn ảnh, hiện rõ mồn một trong ký ức mình. Một gương mặt trái xoan thanh tú đầy sức sống, dư tràn sức quyến rũ của một cô gái ngoài tuổi đôi mươi. Nhưng đôi mắt, nụ cười tươi mát nhẹ nhàng lại toát lên nét trong trắng đơn sơ của tâm hồn không tô son trát phấn, trong bộ y phục giản đơn hợp nhãn. Chắc chắn, tài sản nhất nhì thế giới có thể giúp cô sắm được những bộ cánh đắt tiền, những trang sức quý giá… nhưng hoàn toàn không thể tậu cho cô một nét đẹp ngây thơ trong trắng toát ra từ tâm hồn sâu kín bình an. Và như một giòng nước ngầm thấm qua các tầng đất đá, ý nghĩ: “Giới Doanh nhân Công giáo ắt phải có cái gì hơn thế, hơn cả mãnh lực đồng tiền” đã quyện lấy tâm trí mình suốt cả một chặng đường dài như dư âm của một buổi chiều len lén tâm tư.
Theo quan niệm xưa, giới thương gia cũng không lấy gì làm rạng mày nở mặt trong việc xếp loại bậc thang xã hội: “Sĩ, nông, công, thương…”. Cùng với những nhận xét, phê bình có tính cách thậm xưng, đôi khi gây đau xót cho những người liên hệ: “Loài gian thương trọc phú”; “Cứ hơi đồng là thay đổi cục diện”; “Ăn ngược nói ngạo như bạn hàng cá”… “Tay mang túi bạc kè kè; Nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm”. Có thể những suy nghĩ này cũng đã có căn cứ thực tế của nó. Nếu không thì làm gì có cảnh Chúa quở phạt những bọn con buôn tại Đền thờ Giêrusalem: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”; làm gì mà Chúa Giêsu bị chỉ trích: “Kìa xem Ông ấy ngồi cùng bàn với bọn thu thuế”; làm gì mà tên Giuđa phản bội cứ kè kè túi bạc bán Chúa chỉ với 30 đồng chẵn!!! Tuy nhiên, khi nhìn vào giới Doanh nhân Công giáo bằng xương bằng thịt, những con người uy tín dễ thương dễ mến, học cao biết rộng và cư xử nhã nhặn, những tư tưởng phê phán này đã chạy “mất dép” khỏi tâm trí mình. “Họ đã phải có gì hơn thế!”
Trong cuộc sống đời thường, mình có dịp tiếp xúc với rất nhiều đại gia trong môi trường sân tennis cũng như sân golf. Những câu chuyện thốt ra từ miệng họ thường là những kỳ công trong việc “cua ghệ bồ nhí”, trong việc ăn nhậu suốt sáng thâu đêm, trong việc sát phạt đỏ đen ngày tháng, trong việc hút chích ảo vọng. Nhưng giới Doanh nhân này lại tự nguyện trói chặt họ vào đức tin Công giáo, nghĩa là tự nguyện sống trọn bề làm tôi Chúa, tự nguyện hy sinh xa lánh các dịp tội. Mỗi tháng, thay vì họ hẹn gặp nhau trong những chốn ăn chơi bù khú, họ lại cùng nhau gặp mặt học hỏi, thảo luận một con đường thích hợp bước theo Đức Kitô trong môi trường sống của mình. Mỗi năm, thay vì họ gặp nhau để tôn vinh sự thành đạt giàu sang, ngưỡng mộ một thần tượng lạc thú, họ lại khuyến khích nhau cùng dâng Thánh lễ kính Thánh Mát-thêu Lê Văn Gẫm, bổn mạng của họ, một chứng nhân Đức tin trong nghề nghiệp lái buôn của mình. “Họ đã phải có gì hơn thế!”.
Thông thường, với túi tiền rủng rỉnh, mọi người đều có quyền nghĩ rằng, đây là tài sản của riêng mình, do công khó mình tạo dựng, mình có quyền tiêu xài tùy thích. Nhưng giới Doanh nhân Công giáo lại nghĩ khác. Đây là ân lành Chúa thương ban, hãy dùng đủ cho mình và gia đình, người thân. Số còn lại thuộc về tha nhân, nhất là những người nghèo khó đang cần sự giúp đỡ. Họ đã tổ chức những cuộc bán đấu giá như là một dịp thuận tiện cho những ai khiêm tốn và tế nhị, muốn dâng hiến tài sản của mình cho Giáo hội và tha nhân. Còn đó, những đóng góp cho việc trùng tu Trung tâm Mục vụ Giáo phận. Còn đó, những nén bạc lao nhọc cho việc xây dựng Đại chủng viện tương lai. Còn đó, những sự giúp đỡ hữu hiệu cho mầm non đất nước trong môi trường học đường. Một cách nào đó, xã hội loài người được thăng tiến và đầy ắp tình người nhờ vào những nghĩa cử cao đẹp ấy. “Họ đã phải có gì hơn thế!”.
Phải, dựa vào những sự kiện đã qua, mình tin chắc rằng, họ không chỉ có nhiều tiền bạc, họ cũng không chỉ dựa vào sức mạnh của tiền bạc, nhưng “Họ đã phải có gì hơn thế!”. Và dựa vào sự tin tưởng đó, mình có quyền hy vọng họ sẽ tiến một bước khá dài trên đường trọn lành hơn trong tương lai. Đó là vấn đề QUYỀN LỰC. Đừng quên rằng, tiền bạc là một thứ quyền lực. Một quyền lực đầy sự lôi cuốn, ảnh hưởng và đe dọa. Quyền lực CỨNG của nó chính là xem nó như một ông chủ đầy quyền năng, có chiều hướng muốn nô dịch người cần nó. Một giám đốc, với khối lượng dồi dào kim ngân, bắt gia nhân phục tùng mình bằng mọi giá, không cần đến những bậc thang giá trị đức tin và luân lý Kitô giáo. Quyền lực MỀM, chính là dùng tiền bạc như một phương tiện giải thoát và thăng tiến con người, làm cho người anh em được sống và sống dồi dào, đúng với phẩm giá CON NGƯỜI, một hiện thân chia sẻ sự tự do của Thiên Chúa. Ranh giới giữa quyền lực cứng và mềm hết sức mong manh. Nhưng quyền lực mềm chính là con đường mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nêu gương. Quyền lực mềm chính là nội dung sự nhắn nhủ hết sức tế nhị của vị cha chung Giáo phận, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, dành cho giới Doanh nhân Công giáo Tổng Giáo phận Sàigòn.
Qua những nỗ lực vượt bậc trong thời gian mười năm qua, với sự đồng hành đắc lực của cha linh hướng Đaminh Nguyễn Đình Tân, vào lúc 17g30 ngày 10-05-2013, cuối Thánh lễ mừng Chúa Giêsu Lên Trời, qua vị cha chung thân yêu của Giáo phận, đã lột xác GIỚI DOANH NHÂN CÔNG GIÁO thành GIA ĐÌNH DOANH NHÂN CÔNG GIÁO (GĐDNCG). Liệu tôi có quá cuồng tín khi tin chắc rằng GĐDNCG sẽ xác quyết và chọn quyền lực mềm, quyền lực của lòng Tin Yêu và Thương Xót phát xuất từ Thiên Chúa, trong cách ứng xử với anh em đồng loại?
Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa
Trưởng Ban Thường Trực
Ban Đại diện các Giới & Đoàn thể
Tổng Giáo phận TP.HCM
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19