Đối thoại với thực tế - Một cách thế hiệp hành của người thánh hiến

Đối thoại với thực tế - Một cách thế hiệp hành của người thánh hiến

Đối thoại với thực tế - Một cách thế hiệp hành của người thánh hiến

WHĐ (20.04.2023) – Con người đang sống trong một thế giới bị tổn thương, không an toàn và bất ổn. Tiến bộ khoa học kĩ thuật hứa hẹn cho con người một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng nó lại gây xáo trộn trong nhân loại. Cũng như tại các nước khác, nhiều người Việt Nam đang phải chịu cảnh loạn lạc, li tán do chiến tranh; nghèo đói do thất nghiệp, phá sản; bạo lực nơi công sở, trường học, thậm chí nơi gia đình; đau đớn thể xác vì bệnh tật, tổn thương tinh thần vì bị phản bội, hiểu lầm, li hôn (ở Việt Nam có khoảng 60.000 vụ li hôn mỗi năm)[1]; và còn nhiều điều bất ổn khác. Đây là những nguyên do khiến nhiều người tự tử vì không tìm được hướng giải quyết. Theo thống kê năm 2022, mỗi năm có 40.000 người tự tử (người lớn và thanh thiếu niên) do trầm cảm, gấp 4 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông.[2]

Người sống đời thánh hiến được mời gọi ở lại trong Chúa và được chính Chúa sai đi. Như vậy, trước những thực tại của xã hội, đời sống thánh hiến không chỉ là con đường nhằm mưu ích cho riêng bản thân mình mà còn cho toàn thể Giáo hội. Người tu sĩ phải có trách nhiệm chia sẻ những thao thức của Giáo hội, đó là, quy tụ toàn thể nhân loại hợp nhất với Thiên Chúa. Không một dòng tu nào được thành lập mà không có mục đích truyền giáo. Nói cách khác, người tu sĩ thi hành sứ vụ trong bất kì môi trường nào cũng cần phải hiệp hành với đối tượng mà họ phục vụ. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân mà việc thi hành sứ vụ của họ chưa đúng với ơn gọi và đặc sủng.

Số ơn gọi tu sĩ và linh mục mới trong các dòng tu Việt Nam có vẻ dồi dào và phong phú hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, các hội dòng sẽ trở nên khô cằn, không cuốn hút được nhiều người đến với Chúa nếu “thiếu sự đối thoại và dấn thân với thực tế.”[3] Vì thế, trong thế giới đang bị rạn nứt này, Đức Thánh Cha Phanxicô tỏ lòng mong đợi những người tận hiến phải (1) bày tỏ được niềm vui, (2) là ngôn sứ, (3) là người kiến tạo sự hiệp thông, (4) đi đến biên cương thế giới, và (5) làm nổi bật đặc sủng của hội dòng mình.[4] Như vậy, việc đối thoại và dấn thân với thực tế là chiều kích hướng ngoại không thể thiếu của đời tu bên cạnh chiều kích hướng nội.

Bài viết này mời gọi người sống đời thánh hiến một lần nữa nhìn lại ơn gọi ngôn sứ được sai đi dưới ánh sáng của đặc sủng dòng qua việc đối thoại với những thực tại của xã hội và của chính dòng tu để thực hiện tinh thần sống hiệp hành. Bài viết này sẽ trình bày (1) tình hình hiệp hành của các tu sĩ Việt Nam hiện nay giữa những thách đố mới của xã hội, (2) tại sao cần phải đối thoại với thực tế, và (3) những thách đố trong sứ mạng đối thoại với thực tế.

I. TÌNH HÌNH HIỆP HÀNH CỦA CÁC TU SĨ VIỆT NAM

1. Phạm vi sứ vụ bị giới hạn

2. Quan niệm sai về truyền giáo

3. Việc đào tạo trong các dòng tu

II. TẠI SAO PHẢI ĐỐI THOẠI VỚI THỰC TẾ?

1. Tính ngôn sứ trong Kinh Thánh

2. Sứ vụ ngôn sứ theo giáo huấn của Giáo hội

III. NHỮNG THÁCH ĐỐ TRONG VIỆC ĐỐI THOẠI VỚI THỰC TẾ

KẾT LUẬN

I. TÌNH HÌNH HIỆP HÀNH CỦA CÁC TU SĨ VIỆT NAM

Hơn 50 năm qua sau lời mời gọi của Công đồng Vatican II, đặc biệt sau lời kêu gọi của Bộ Tu sĩ trong văn kiện Rượu Mới Bầu Da Mới (2014), các hội dòng đã có nhiều nỗ lực trong việc nhìn lại ơn gọi và sứ vụ của mình. Tuy nhiên đến hôm nay, các hoạt động sứ vụ của các dòng tu vẫn còn hạn chế.

1. Phạm vi sứ vụ bị giới hạn

Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động của tôn giáo nói chung và của giới tu sĩ nói riêng chưa được hoàn toàn tự do. Các sứ vụ của tu sĩ vẫn bị giới hạn trong lĩnh vực giáo dục mầm non và hoạt động mục vụ giáo xứ. Một số ít tu sĩ giảng dạy tại các đại học hoặc làm việc tại các bệnh viện. Một số dòng có lưu xá cho sinh viên. Đây là một trở ngại lớn cho sứ vụ của các tu sĩ vì đặc sủng của các hội dòng không được xác định rõ ràng, dần dần sẽ quên đi đặc sủng của mình.

Các hội dòng nữ đã nỗ lực hết sức đưa việc loan báo Tin Mừng vào việc giảng dạy trong các trường mầm non – một nơi không còn xa lạ gì với những người Công giáo và ngoài Công giáo. Nhiều bậc phụ huynh muốn gửi con cái mình vào học trường của các Sơ vì “các Sơ lúc nào cũng hiền từ và dạy dỗ chăm sóc rất nhẹ nhàng.”[5] Thực tế, môi trường mầm non là một cơ hội lớn để các nữ tu tiếp cận và hiệp hành với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, theo cái nhìn chung, trường mầm non dường như chỉ là kế sinh nhai của các dòng nữ. Vì thế, họ chỉ tập trung vào việc đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng chuyên môn giảng dạy để đáp ứng những đòi hỏi của Bộ Giáo Dục. Bên cạnh đó, các nữ tu phải chu toàn bổn phận các giờ chung của cộng đoàn và bổn phận thiêng liêng. Thế nên, ngoài việc truyền đạt kiến thức và những kĩ năng đối nhân xử thế cho các em nhỏ tại lớp học, họ không có thời gian để quan tâm đến hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, đặc biệt là những gia đình đang gặp khó khăn về tinh thần.

2. Quan niệm sai về truyền giáo

Nhiều tu sĩ vẫn còn hiểu truyền giáo ở khía cạnh địa lí. Khi nói đến truyền giáo, mặc nhiên nhiều người nghĩ ngay đến vùng sâu vùng xa, đến những anh chị em dân tộc, mà quên chú ý đến các đô thị, các thành phố lớn, nơi “phát sinh những phong tục, những mẫu sống mới, những hình thức văn hóa và truyền thống mới có ảnh hưởng lớn đến dân chúng.”[6]

Các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Bình Dương – “miền đất hứa” của người dân nông thôn muốn đổi đời – nay bị quá tải vì dòng di cư từ nông thôn đổ về. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có trên 8 triệu dân với đủ mọi thành phần: Công giáo và ngoài Công giáo, giàu-nghèo, trí thức, giáo sư, sinh viên, học sinh, v.v… Con số cần được phục vụ này cũng thật sự quá tải cho 156 dòng tu, 30 tu hội, với số tu sĩ là 7.070 đang hiện diện tại Tổng giáo phận Sài Gòn.[7] Tuy nhiên trên thực tế, ngoài các giáo xứ tham gia công tác truyền giáo, không biết có bao nhiêu dòng hay bao nhiêu tu sĩ thực sự đã và đang hiệp hành với các thành phần trong xã hội.

Việc loan báo Tin Mừng nói chung và truyền giáo cho anh chị em lương dân nói riêng ở thành phố là rất khó. Các đô thị cũng là nơi quy tụ những người trí thức, người giàu có, người có chức có quyền, có địa vị trong xã hội. Họ là những người có ảnh hưởng lớn đến những thay đổi của xã hội. Chắc chắn họ là người bận rộn, và nếu người tu sĩ cũng bận rộn mà lãng quên tiếp xúc và lắng nghe những vấn đề của họ thì quả là một thiếu sót lớn trong sứ mạng.

Một thực tế khác cho thấy nhiều tu sĩ vẫn quan niệm rằng việc thi hành sứ mạng cách gián tiếp như cầu nguyện, hoàn thành đầy đủ trách vụ được giao, hay vâng lời bề trên là đủ. Vì thế, khi sứ vụ của họ bị giới hạn trong môi trường nhà trẻ, phòng khám, lưu xá hay mái ấm, họ ít quan tâm đến những vấn đề xã hội. Một ví dụ điển hình trong cuộc khảo sát các tu sĩ Việt Nam được thực hiện năm 2017 về vấn nạn buôn người, rất nhiều tu sĩ nam lẫn nữ đều không biết vấn đề nghiêm trọng này đang diễn ra thế nào. Một số thì biết nhưng không quan tâm vì cho rằng vấn nạn đó nằm ngoài khả năng giải quyết của tu sĩ. Một số khác cho rằng vấn nạn đó không thuộc linh đạo và sứ vụ của dòng họ.[8]

3. Việc đào tạo trong các dòng tu

Cha José Cristo Rey Garcia Paredes nhận xét rằng sứ mạng loan báo Tin Mừng không được đào tạo cách mạch lạc trong giai đoạn huấn luyện. Người ta thường nghĩ rằng mỗi ứng sinh trong thời kỳ đào luyện ban đầu phải giải quyết các vấn đề hay các xung đột riêng của cá nhân về đời sống tu trì, lời khấn, cộng đoàn. Điều này là đúng. Nhưng khi chỉ đi tìm cách giải quyết các xung đột cá nhân bên ngoài sứ mạng và ơn gọi cho sứ mạng thì có nghĩa là tự tước bỏ nguồn tài nguyên tốt nhất để giải quyết các vấn đề ấy. Khi tinh thần ơn gọi - sứ mạng không hoạt động, tiến trình đào luyện trở nên rối loạn: thụ huấn sinh sẽ cảm thấy an vị với những gì mình có bên trong bốn bức tường nhà dòng, không dám bước ra khỏi vùng an toàn, dửng dưng với các vấn đề của xã hội nhưng lại quá nhạy cảm với ý kiến cá nhân. Khi sứ mạng được đặt ở tâm điểm đời sống thánh hiến, nó sẽ ảnh hưởng sâu xa đến linh đạo và đời sống cộng đoàn.[9]

Ngài cũng nhận xét là các cuộc họp cộng đoàn thường quá bận tâm đến các vấn đề nội bộ như công tác, kế hoạch cộng đoàn, đời sống tâm linh, v.v…, nhưng lại quên bàn đến những vấn đề của thế giới hôm nay, họa may những vấn đề đó chỉ được suy xét hời hợt bên ngoài chứ không phải từ bên trong để có thể biến đổi chúng. Điều này dẫn đến nguy cơ khô cằn của các dòng tu và họ chẳng còn có lý do để hiện hữu.[10]

II. TẠI SAO PHẢI ĐỐI THOẠI VỚI THỰC TẾ?

Để hiểu rõ hơn sứ mạng đối thoại với thực tế của người sống đời thánh hiến, trước hết, chúng ta cần hiểu sứ vụ của ngôn sứ.

1. Tính ngôn sứ trong Kinh Thánh

1.1 Các ngôn sứ thời Cựu Ước

Thời Israel xưa, các ngôn sứ thường lên tiếng chống lại sự bất công, hành động vô đạo đức, việc thờ ngẫu tượng, những tội ác trong cộng đoàn và hành động gian ác của tầng lớp thống trị. Mặc dù họ bị xã hội ghét bỏ vì những sự thật được nói ra đó, nhưng không ai có thể buộc họ phải im lặng.

Hai trong số các vai trò chính của ngôn sứ là “người phát ngôn” và “người canh gác” của Thiên Chúa. Là người phát ngôn của Thiên Chúa, các ngôn sứ không ngừng lên tiếng mạnh mẽ buộc Israel phải loại bỏ tham nhũng, đoạn tuyệt với những phong tục và đạo đức của dân ngoại – điều đã khiến Israel rơi vào tình trạng bất công xã hội và giờ đang khiến họ tin tưởng vào con người hơn là tin Thiên Chúa. Là “người canh gác” dân của Thiên Chúa, các ngôn sứ có nhiệm vụ trông chừng cách sống của dân dựa vào các giới răn của Thiên Chúa và cảnh báo hành động phạm tội của họ chống lại Thiên Chúa (x. Ez 3,16b-21, Am 2,4-22). Nhìn ở một khoảng cách xa, người canh gác phải phân định điều họ thấy được mà người khác không thể thấy, và đưa ra lời cảnh báo cho dân chúng. Sứ mạng này đòi họ phải can đảm bước ra khỏi nỗi sợ của chính mình bởi họ luôn gặp nguy hiểm vì những lời lên án cay nghiệt của mình. Ngoài ra, ngôn sứ cũng là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân của Người (x. Am 5,12; Is 37,4; Gr 7,16).

Các ngôn sứ có cái nhìn nhạy bén và khôn ngoan (x. 1Sm 9,9). Thiên Chúa đã mở mắt họ để họ có thể “thấy mọi người như Thiên Chúa thấy” và làm theo lệnh truyền của Thiên Chúa bằng cách “nhìn cho kĩ, lắng nghe cho tỏ, và chú tâm vào mọi điều” mà Thiên Chúa muốn tỏ cho họ thấy (x. Ez 40,4). Với cái nhìn nhạy bén – một ơn đặc biệt từ Thiên Chúa (x. Am 7,1) – các ngôn sứ này có thể đọc và hiểu được các dấu chỉ của thời đại (x. Gr 7,12-17; Am 8,2). Họ được mời gọi (1) nhìn vào những biến cố đang diễn ra xung quanh và xem Thiên Chúa đang làm gì trong các biến cố đó (Đnl 2,24.31); và (2) nhìn vào những gì đang diễn ra tận sâu trong lòng dạ con người: nỗi thống khổ, đau đớn (x. Xh 3,9; Đnl 26,7).

Hơn nữa, các ngôn sứ mời gọi mọi người nhìn vào điều họ được Thiên Chúa cho thấy, dẫn mọi người đi từ bóng tối tới ánh sáng, giúp họ nhận ra được điều xấu lẫn sự nguy hiểm (x. Gr 17,6; Is 26,11). Các ngôn sứ được lệnh mở mắt cho dân, chia sẻ và làm cho họ thấy (x. Ez 11,25; 40,4) tất cả những gì các ngôn sứ thấy, với mục đích kêu gọi dân Israel hoán cải và quay về với giao ước. Thực tế, không phải lúc nào dân Israel cũng chịu mở tai để nghe, mở mắt để thấy và thừa nhận việc làm sai trái của mình. Có những ngôn sứ bị bắt bớ vì rao giảng sự phán xét. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng làm cho dân thấy việc làm của Thiên Chúa thông qua hành động và cuộc sống của họ.    

Đằng sau những lời lên án cay nghiệt và khó nghe của các ngôn sứ về việc làm sai trái của dân là một lời kêu gọi hoán cải, và đặc biệt, tỏ lộ lòng thương xót của Thiên Chúa, loan báo tin mừng cứu độ, một chân trời mới trong tương lai (x. Is 52,8; 62,6-11). Tình yêu của Thiên Chúa không biến con người thành nô lệ, nhưng trái lại, đưa họ đến tự do hoặc giúp họ trở lại với tự do.

1.2 Đức Giêsu - hơn cả một ngôn sứ

Công đồng Vatican II đã coi đời thánh hiến của các tu sĩ là phương thế kết hiệp một cách đặc biệt với Giáo hội và với Mầu nhiệm Giáo hội, do đó đời thánh hiến luôn nỗ lực đem lại lợi ích cho Giáo hội (x. LG 44). Việc mưu cầu đó được thực hiện bằng cách “bắt chước cách chính xác và thực hiện liên tục trong Giáo hội nếp sống Con Thiên Chúa đã đón nhận khi Người xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha, và cũng là nếp sống Người đề ra cho các môn đệ đi theo Người” (LG 44).      

Trong con người Đức Giêsu, ý nghĩa của tính ngôn sứ không chỉ là vấn đề của lời nói xuất phát từ Thiên Chúa được nói qua các ngôn sứ, nhưng hơn hết, đó là cách hiện diện của Ngài trong thế giới này. Trong suốt thời gian tại thế, Ngài luôn bận tâm đến cuộc sống hiện tại cũng như tương lai của dân chúng. Ngoài việc chữa lành, lời nói và hành động của Ngài đầy uy lực chống lại cường quyền áp bức, cái nhìn hẹp hòi của các kinh sư và biệt phái. Ngài đã lật ngược suy nghĩ của những người Biệt phái rằng ơn cứu độ chỉ dành riêng cho những người học thức, đạo đức, những người tuân theo luật pháp. Thay vào đó, Ngài bao gồm cả người mù, người què, người câm điếc, người ốm đau, v.v…

Qua hành động chữa lành, giảng dạy, và cùng ăn uống với tất cả mọi người, lời nói của Đức Giêsu trở nên mạnh mẽ hơn và thuyết phục hơn. Ngài thể hiện tình liên đới với những người bị xã hội ruồng bỏ, cũng như lòng thương xót qua việc chia sẻ bữa ăn với nhiều cảnh đời khác nhau. Bằng việc chữa lành mọi bệnh tật thể xác lẫn tinh thần của người dân, Ngài đã bẻ gãy tất cả những rào cản ngăn cách các tầng lớp xã hội, chủng tộc, v.v…, lấy lại phẩm giá cho họ trong xã hội. Tất cả những gì Đức Giêsu làm đều xuất phát từ lòng trắc ẩn nhằm giải phóng con người khỏi đau khổ và đồng thời muốn đánh thức lòng trắc ẩn đó nơi những người xung quanh Ngài.

2. Sứ vụ ngôn sứ theo giáo huấn của Giáo hội

Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes không nói cách trực tiếp đến sứ vụ ngôn sứ của Giáo hội, nhưng đã trả lời cho mối bận tâm về khái niệm ngôn sứ trong Kinh Thánh được thực hiện như thế nào nơi Giáo hội tôi tớ. Hiến chế chỉ ra đây là một Giáo hội phục vụ thế giới bằng cách thách thức những giá trị thống trị, những phát triển mới và những thách đố có thể làm suy đồi những giá trị luân lí của con người. Từ khuynh hướng độc quyền của mình, Giáo hội đã trở nên hòa nhập hơn và cởi mở hơn trong việc giải quyết các thực tại của thời đại.

Gaudium et Spes nhấn mạnh việc giải thích các dấu chỉ của thời đại dưới ánh sáng của Tin Mừng về phương diện đối thoại với thế giới. Một trong những điểm quan trọng được nhấn mạnh là khái niệm phẩm giá con người qua việc nhìn con người như được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Trách nhiệm xã hội của Kitô giáo được nhấn mạnh với hành động của Đức Kitô, trong đó mọi người phục vụ lẫn nhau tùy theo những khả năng được ban riêng cho mỗi người. Rõ ràng, Công đồng đã nhìn ra được một Giáo hội cần đối thoại ngôn sứ với thế giới thực tại hơn là một Giáo hội chỉ “dùng truyền thống Kitô giáo của thế giới khác như một thước đo cho thế giới này.”[11]

Mặc dù được ban hành cách nay hơn 50 năm, Hiến chế Gaudium et Spes vẫn thúc đẩy sứ vụ ngôn sứ của Giáo hội với những vấn đề của ngày hôm nay. Giáo hội nên nhìn nhận mình là một phần trong toàn thể gia đình nhân loại, bước vào cuộc đối thoại với thế giới này, và chia sẻ cùng những mối bận tâm của nhân loại. Vì thế, Giáo hội được mời gọi luôn tự cập nhật những vấn đề mới xảy ra trong thế giới. Hay nói cách khác, để hoàn thành sứ vụ Thiên Chúa giao phó, Giáo hội cần luôn phân định, thông qua tình yêu phục vụ, những dấu chỉ của thời đại và đáp ứng trong xã hội hiện đại ngày nay.

III. NHỮNG THÁCH ĐỐ TRONG VIỆC ĐỐI THOẠI VỚI THỰC TẾ

Hơn ba thập niên qua, “đối thoại” được xem như là một phương thế thiết yếu trong sứ mạng của Hội thánh vì “nó xuất phát từ chính sự đối thoại yêu thương ban ơn cứu độ của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.”[12] Theo nghĩa này, đối thoại – một ơn gọi thâm sâu của mỗi Kitô hữu, cách riêng của người sống đời thánh hiến – mời gọi phải tích cực đi đến với mọi anh chị em để lắng nghe, chia sẻ, hiểu biết, cảm thông, và loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống mình. Trong một xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo cùng với những thách đố đặc biệt về luân lý như hiện nay, đối thoại phải nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người theo gương Chúa Giêsu. Vì thế, đối thoại không chỉ là nhận ra vấn đề thực tại nhưng còn là thái độ đáp ứng và hành động.

Một Giáo hội inter gentes và cum gentibus

Những biên cương mới do thế giới không ngừng thay đổi tạo ra đang mở đường cho sứ mạng của Giáo hội hôm nay. Những bất ổn trong xã hội bị phân mảnh đòi hỏi Giáo hội phải làm một cuộc thay đổi từ sứ mạng ad gentes (hướng đến muôn dân) đến sứ mạng inter gentes (ở giữa muôn dân) và cum gentibus (cùng với các quốc gia).[13] Theo nghĩa này, trong bối cảnh hôm nay khi mà người ta cần các chứng nhân hơn thầy dạy, thì sứ mạng ở giữa và cùng với muôn dân đòi hỏi Giáo hội Việt Nam, cách riêng các tu sĩ, phải hiện diện thật, không hời hợt và hợp tác với mọi người trước những vấn đề của xã hội. Sự hiện diện này không phải để lấn át hay loại bỏ người khác nhưng mang tính quan hệ và đối thoại, mục đích là để người khác có cái hiểu sâu hơn về một Thiên Chúa tình yêu luôn hiện diện trong cuộc sống của con người.

Sứ mạng inter gentes và cum gentibus không thể thực hiện được nếu thiếu yếu tố đối thoại. Đối thoại là “một bước tất yếu hướng tới sự tự nhận thức của con người, sự tự nhận thức của mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng nhân loại.”[14] Nó mang lại cái hiểu sâu hơn về chân lí và những tương quan nhân loại tốt hơn. Nói chung, đối thoại là điều thiết yếu của sứ vụ để đem lại tiếng nói chung cho những vấn đề thực tại.

Văn kiện Vatican Đối Thoại và Rao Truyền đưa ra mô hình đối thoại liên tôn truyền thống bốn khía cạnh: đối thoại bằng đời sống, đối thoại bằng hành động, đối thoại qua trao đổi thần học và đối thoại bằng kinh nghiệm tôn giáo.[15] Liên quan đến những tổn thương trong thế giới, đối thoại bằng đời sống và bằng hành động là khía cạnh quan trọng nhất mà tất cả các Kitô hữu có thể thực hiện. Hai hình thức đối thoại này chỉ diễn ra khi “mỗi người làm chứng cho người khác về những giá trị họ tìm thấy trong đức tin của mình. Và qua việc thực hành tình huynh đệ, mỗi người chứng tỏ mình là người lân cận của Chúa Kitô. Kitô hữu đích thực cống hiến cho thế giới bị tổn thương này những giá trị phát sinh từ thông điệp của Thiên Chúa khi tiếp đón người già, tận tâm với người trẻ, chăm sóc người bệnh và người nghèo, và cùng nhau làm việc vì một xã hội công bằng và vì nhân quyền.[16]

Để tham gia vào cuộc đối thoại, Đức thánh cha Phanxicô mời gọi Giáo hội, đặc biệt những người thánh hiến, đi đến với người khác và duy trì nền văn hóa gặp gỡ với sự khiêm nhường và tôn trọng. Họ phải là những “chuyên gia của sự hiệp thông” để đưa mọi người đến với nhau. Thiên Chúa đã ra khỏi chính mình để đến và ở giữa nhân loại, đem lòng xót thương để cứu độ và mang lại hy vọng.[17] Theo gương Chúa Giêsu, những người thánh hiến phải ra đi để trao cho mọi người cuộc sống của Đức Giêsu. Thế giới đang bị tổn thương trầm trọng thúc giục những tu sĩ nam nữ Việt Nam bước ra khỏi “cánh cửa đã được mở” và kết nối với các tôn giáo khác cũng như các tổ chức xã hội để thực hiện sứ vụ ngôn sứ của mình, từ đó có thể cùng nhau xây dựng một xã hội huynh đệ và thúc đẩy phát triển con người.

Để có thể thi hành sứ mạng inter gentes và cum gentibus, các tu sĩ thánh hiến cũng cần là người tích cực lắng nghe và là người xây dựng cầu nối.[18] Đức Giêsu là một người lắng nghe tích cực – Ngài nghe rất cẩn thận và giải quyết những vấn đề cấp bách của dân chúng. Khi lắng nghe tích cực và cẩn thận, các tu sĩ cũng sẽ có thể nhận ra và hiểu được những tổn thương nghiêm trọng của từng con người cụ thể xung quanh họ, đó là sự cô đơn, căng thẳng, trầm cảm, xuống cấp về luân lý, v.v… do xã hội cũng như chính họ gây ra. Vì thế, tu sĩ không nên dừng ở việc nghe suông và chỉ trích vấn nạn xã hội nhưng hãy bước ra ngoài và xây dựng cầu nối giữa tu sĩ và những thành phần khác trong xã hội. Nói cách khác, tu sĩ Việt Nam cần cởi mở hơn và quan tâm đến những vấn đề của những người xung quanh mình.

KẾT LUẬN

Thế giới hiện đại này đầy rẫy sự bất công, thờ ngẫu tượng, quyền lực, nô lệ của chủ nghĩa tiêu thụ, và cuộc khủng hoảng những giá trị luân lý do lạm dụng kĩ thuật. Nó đang rất cần những tiếng nói ngôn sứ nhân danh Thiên Chúa. Amaladoss, thần học gia nổi tiếng dòng Tên, đã khẳng định rằng: “Tính ngôn sứ không chỉ là một trong những hình ảnh của sứ vụ, nhưng là bản chất của truyền giáo trong bối cảnh đương thời.[19] Vậy, một khi tính ngôn sứ là bản chất của Giáo hội thì Giáo hội không thể trốn tránh sứ vụ này. Đức Giêsu không chỉ loan báo ơn cứu độ mà còn tham gia vào cuộc sống của từng con người. Theo đó, thay vì sợ và bảo vệ hiện trạng của mình, Giáo hội nói chung và những người sống đời thánh hiến nói riêng cần mở ra và trở nên năng động hơn. Thực sự, những vấn đề của xã hội sẽ trở nên tệ hại hơn nếu chính người sống đời thánh hiến tắt tiếng nói ngôn sứ của mình chỉ để bảo vệ thể chế.

Giấc mơ về một thế giới hòa bình, an toàn và an ninh có trở thành hiện thực hay không, tùy thuộc vào việc đào tạo toàn diện con người của đối thoại và cho đối thoại. Cho dù người ta khao khát một thế giới hòa bình đến đâu, mọi nỗ lực cũng sẽ vô ích nếu con người không khiêm tốn bước ra khỏi chính mình và đối thoại với nó. Thế giới đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục các cuộc chiến tranh, bất công, áp bức, suy đồi về luân lí, v.v… Vì vậy, Giáo hội, cần phải quan tâm đến việc đào tạo các tu sĩ trở thành những con người của đối thoại và cho đối thoại nếu Giáo hội muốn là tác nhân của một thế giới hòa bình.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 138 (Tháng 11 & 12 năm 2023)

 

[1] Hoàng Chiến, Gia Tăng Tình Trạng Li Hôn, Báo Đại Đoàn Kết (28/6/2022).

[2] Hoàng Lê, Gần 40.000 Người Việt Tự Tử Mỗi Năm Do Trầm Cảm, Dân Trí (03/07/2022).

[3] ĐTC Phanxicô, Thư gửi đến các tu sĩ Tây Ban Nha nhân dịp Tuần Lễ Đời Sống Thánh Hiến lần thứ 50vaticannews.va/vi, (17/5/2021)

[4] ĐTC Phanxicô, Tông thư gửi đến anh chị em tu sĩ trong năm đời sống thánh hiến (30/11/2014 – 02/02/2016).

[5] Lời chia sẻ của một phụ huynh trên trang Làm Cha Mẹ

[6] ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris (1990), số 37.

[7] TGP Sài Gòn, Lược Sử Tổng Giáo Phận Sài Gòn TP.HCM (2022).

[8] Xem bản khảo sát thái độ của tu sĩ Việt Nam trước vấn nạn buôn người, thực hiện bởi Sơ Anna Nguyễn Ngọc Hạnh, MTGTL, (2017).

[9] José Cristo Rey Garcia Paredes, Mission: The Key to Understanding Consecrated Life Today (Sứ Mạng: Chìa Khóa để hiểu đời sống thánh hiến hôm nay), chuyển ngữ: Đa Minh Ngô Quang Tuyên, Báo Hiệp Thông số 114 (2019): 80.

[10] Ibid., tr.77.

[11] General Hall, Phophetic Dialogue as a Practical Theological Category (Đối Thoại Ngôn Sứ - một Phạm Trù Thần Học Thực Hành), Australian eJournal of Theology 10, (5/2007): 9.

[12] ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (1999), số 29.

[13] Phan Đình Cho, Misión inter gentes Asiae (Sứ Mạng giữa các nước Á Châu): 135.

[14] ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Ut Unum Sint về Đại Kết (25/5/1995): số 28.

[15] Văn Phòng Đối Thoại Liên Tôn thuộc Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc, Văn Kiện Đối Thoại và Rao Truyền (Dialogue and Proclamation) (1991), số 42.

[16] BIRA II, Muslim-Christian Dialogue (Đối Thoại giữa Hồi giáo và Kitô giáo) (1979), For All the People of Asia (Cho Tất cả Dân tộc Á Châu), vol.1, 115.

[17] ĐTC Phanxicô, Buổi tiếp kiến chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô (27/3/2013).

[18] Lynne M. Baab, The Power of Listening: Building Skills for Mission and Ministry (Sức Mạnh của việc Lắng Nghe: Xây Dựng những Kĩ Năng cho Sứ Vụ và Mục Vụ) (New York, NY: Rowman and Littlefiled, 2014), vii.

[19] Amaladoss, “Mission as Prophecy” (Sứ Mạng Ngôn Sứ) trong cuốn “New Directions in Mission and Evangelization 2” (Những Hướng Mới trong Sứ Mạng và Loan Báo Tin Mừng), 71.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top