Điểm lại các sự kiện trong tháng 4 năm 2016

Điểm lại các sự kiện trong tháng 4 năm 2016

WGPSG -- Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong những tháng qua kéo dài đến đầu Tháng Tư, đã làm cho cả triệu nông dân Việt Nam sống ở khu vực hạ nguồn sông Mekong,  rơi vào tình trạng trắng tay. Những đập nước ở Lào và Trung Quốc tác động trực tiếp làm tổn hại tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dù vậy, Ủy ban sông Mekong (Mekong River Commission), với 4 thành viên là Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, vẫn không tìm được tiếng nói chung trong việc ngừng xây dựng các công trình thủy điện. Thêm vào đó, việc nghêu và các loại cá chết trắng xóa các bờ biển miền Trung vừa được phát giác từ những ngày giữa tháng đến cuối tháng làm dấy lên nỗi sợ hãi môi trường sống bị tận diệt và nỗi lo lắng cho các thế hệ sau này sẽ không còn có một ngày mai tươi sáng.

Papa Phanxicô đã ban hành Tông huấn hậu Thượng Hội đồng về Gia đình “Amoris Laetetia” (Niềm vui Tình yêu) đáp ứng sự mong đợi của mọi người. Giữa tháng Tư, Papa đã có chuyến viếng thăm đầy cảm động tại trại tị nạn Moria, đảo Lesbos, Hy Lạp và đã chào thăm từng người di dân Afghanistan, Syria, Iraq hay Pakistan trong một căn lều lớn. Papa đã mang theo 12 di dân về Roma.

Đài Chân lý Á Châu tại Philippines đã phối hợp với Trung tâm Truyền Thông Thánh Giuse Freinademetz, tổ chức một buổi hội thảo để tưởng nhớ và ghi nhận những đóng góp của Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài cho ngành truyền thông tại Á châu nói chung, cách riêng tại Việt Nam trong ngày giỗ một năm của ngài.

Hội nghị thường niên kỳ I của Hội đồng Giám mục đã diễn ra tại Toà Giám mục Giáo phận Thái Bình, từ ngày 04 đến 08 tháng Tư, trong tuần thứ hai sau Phục sinh.

Giáo hội toàn cầu    

1/ Cuộc gặp gỡ giữa ĐTC và Giám mục Bernard Fellay, Bề trên Tổng quyền của SSPX diễn ra hôm thứ Sáu 01.04, đã được giới báo chí ở Italia thông tin và Tòa Thánh cũng xác nhận ngày 04.04, có thể là một bước tiến trong việc hai bên xích lại gần nhau. Theo các nguồn tin của Vatican được nhật báo Il Foglio trích dẫn, cuộc nói chuyện kéo dài khoảng bốn mươi phút giữa hai người tỏ ra “tích cực”. Sau khi đã chìa tay cho các thành viên của Huynh đoàn linh mục Thánh Piô X (SSPX) nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC đã gặp Bề trên Tổng quyền của Huynh đoàn này trong khuôn khổ các cuộc thảo luận không chính thức về việc Huynh đoàn tái hội nhập với Roma. (Xem bài) 

2/ “Tin Mừng về lòng thương xót luôn là một cuốn sách mở”, ĐTC đã nhắc nhở như trên trong Thánh lễ kính Lòng Chúa thương xót vào Chúa nhật 03-04 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy “trở thành những người viết Phúc Âm một cách sinh động, trở thành những người đưa Tin Mừng”. Một lời kêu gọi bước theo chân Đức Kitô, làm chứng bằng “những cử chỉ cụ thể của tình yêu, vốn là chứng tá tốt nhất của lòng thương xót”. (Xem bài)

3/ Tông huấn hậu Thượng Hội đồng về Gia đình, một văn kiện rất được mong đợi trong thời gian gần đây, sẽ được công bố vào ngày 08.04 sắp tới. Tông huấn đã được ĐTC ký vào lễ Thánh Giuse 19.03.2016, mang tên Amoris Laetitia (Niềm vui Tình yêu), trình bày giáo huấn của ĐTC về gia đình, đánh dấu thành quả của hai Thượng Hội đồng về Gia đình. (Xem bài)

4/ Bài ca chính thức của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 tại Krakow, Ba Lan có nhan đề “Phúc cho ai xót thương”, cũng là chủ đề của Ngày Giới trẻ Thế giới “Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Tác giả bài ca này (nhạc và lời) là Jakub Blycharz, một luật sư sống tại Krakow. (Xem bài)

5/ Trong thông cáo phát hành hôm thứ Năm 07.04, Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết ĐTC đã nhận lời mời của Đức Thượng Phụ Constantinopolis Bartholomaios I và của Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos, đến viếng thăm đảo Lesbos của Hy Lạp vào ngày 16 tháng Tư. (Xem bài)

6/ Ngày thứ Sáu 08.04, Toà Thánh đã công bố Tông huấn về gia đình, một văn kiện rất được mong đợi  của ĐTC, tổng hợp những ý kiến tham khảo người Công giáo ở khắp nơi trên thế giới trong gần ba năm qua, cũng như những nội dung đã thảo luận tại hai Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình: Khoá ngoại thường (tháng Mười 2014) với chủ đề “Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của công cuộc loan báo Tin Mừng” và Khoá thường lệ (tháng Mười 2015) với chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay”. (Xem bài)

7/ Mười điểm chính của Tông huấn Amoris Laetitia chủ yếu là tài liệu suy tư về đời sống gia đình và khích lệ các gia đình; nhưng cũng là lời nhắc nhở của ĐTC rằng Giáo hội cần tránh việc chỉ phán xét con người và áp đặt luật lệ cho họ mà không nhìn đến những phấn đấu của họ. (Xem bài)

8/ Tông huấn Amoris Laetitia “là một món quà quý giá đối với Giáo hội của chúng ta, cũng như cho các gia đình và xã hội ở châu Á”, đặc biệt là Tông huấn lại được công bố trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. (Xem bài)

9/ Hôm thứ Bảy 09.04, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố: ĐTC sẽ viếng thăm Armenia vào tháng Sáu năm nay. Chuyến viếng thăm dự kiến diễn ra từ ngày 24 đến 26 tháng Sáu, nhằm đáp lại lời mời của Đức Tổng Thượng phụ Karekin II, giáo chủ Toàn Armenia; của chính quyền Armenia; và của Giáo hội Công giáo tại Armenia. (Xem bài)

10/ Ngày thứ Tư 13.04, Hội đồng Hồng y Tư vấn đã kết thúc khoá họp thứ 14. ĐTC đã tham dự tất cả các phiên họp với các Hồng y, trừ buổi sáng thứ Tư phải chủ tọa buổi Tiếp kiến chung. Đặc biệt, các Đức Hồng y cũng bàn về các tiêu chí của việc thu thập thông tin cho vấn đề bổ nhiệm các Giám mục mới, theo bản sắc và sứ vụ mục vụ của họ. Ngoài ra, các ngài cũng thảo luận ý nghĩa và vai trò của các vị Sứ thần Toà Thánh. (Xem bài)

11/ Nhật báo Công giáo La Croix (Pháp) đã phỏng vấn ba nhà thần học châu Phi về những cảm nhận ban đầu khi đọc Tông huấn hậu Thượng Hội đồng về Gia đình “Amoris Laetetia” (Niềm vui Tình yêu): Tôi không thấy Tông huấn Niềm vui Tình yêu đưa đến sự thay đổi chính yếu nào về giáo lý. Nếu phải nói đến thay đổi, có lẽ Tông huấn đưa đến sự thay đổi về thái độ qua lôgích của lòng thương xót và sự đồng cảm khi đồng hành, xem xét và giúp các gia đình hoà nhập. (Xem bài)

12/ Ngày 16 tháng Tư, ĐTC đã đến trại tị nạn Moria, điểm chính trong chuyến viếng thăm của ngài tới đảo Lesbos, Hy Lạp. Cùng với Đức Thượng phụ Constantinopolis và Đức Tổng giám mục Athina, ĐTC đã chào thăm những người di dân ở trong một căn lều lớn: những người lớn và trẻ em đến từ Afghanistan, Syria, Iraq hay Pakistan: “Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng thông điệp tôi muốn để lại cho anh chị em là đừng để mất niềm hy vọng! ... Món quà lớn nhất chúng ta có thể dành cho nhau là tình yêu, là ánh mắt xót thương, là sự ân cần lắng nghe và thấu hiểu, là lời khích lệ, lời cầu nguyện.” (Xem bài)

13/ Để bày tỏ tình liên đới với những người phải rời bỏ quê hương tị nạn chiến tranh, ĐTC đã mời mười hai người tị nạn trong đó có 6 trẻ em cùng đi với ngài. Đây là ba gia đình Hồi giáo đã trốn chạy khỏi Syria sau khi các ngôi nhà của họ ở Damascus và Deir Azzor bị bom phá hủy. (Xem bài)

14/ Thứ năm 21.04, đúng một năm ngày Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, nguyên Giám đốc Chương trình và Trưởng Ban Việt Ngữ Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu (RVA), qua đời, Đài RVA tại Philippines đã phối hợp với Trung tâm Truyền Thông Thánh Giuse Freinademetz, tổ chức một buổi hội thảo để tưởng nhớ và ghi nhận những đóng góp của Đức ông Phêrô cho ngành truyền thông tại Á châu nói chung, cách riêng tại Việt Nam. Đức cha Mylo nói đến cách phục vụ âm thầm, khiêm tốn nhưng hiệu quả trong ngành truyền thông của Đức ông; và đây là điều mà Đức cha mời gọi mỗi người cần ghi nhớ và thực hiện: phục vụ trong khiêm tốn và quảng đại trong ơn gọi riêng của mỗi người, như Chúa Giêsu đã làm và như Đức ông Phêrô đã công bố bằng cả cuộc đời của mình. (Xem bài)

15/ Phiên họp đầu tiên của Ban Thường vụ Khoá XIV của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã diễn ra từ ngày 18 đến ngày 19 tháng Tư, bắt đầu với bài phát biểu của ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội đồng. Trong bài phát biểu, ĐHY Baldisseri cảm ơn ĐTC về sự hiện diện của ngài, cũng như về Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia vừa mới ban hành. (Xem bài)

16/ Ngày 23 tháng Tư 1616, nhà thơ, nhà soạn kịch William Shakespeare qua đời vào đúng ngày sinh nhật của mình (23-04-1564), để lại một di sản đồ sộ sáng tác văn chương được độc giả khắp thế giới thưởng lãm suốt 400 năm qua. (Xem bài)

17/ Nhân kỷ niệm 400 năm thi hào Shakespeare qua đời (1616–2016), nữ phóng viên Veronica Scarisbrick của Radio Vatican đã tìm trong kho lưu trữ tư liệu của đài về các triều giáo hoàng và Shakespeare. Những trích dẫn tác phẩm của Shakespeare trong một số huấn từ của Đức giáo hoàng Piô XII cho thấy ngài quả là một người hâm mộ thi hào người Anh này. (Xem bài)

18/ Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew, Kitô giáo có thể vẫn còn là tôn giáo lớn nhất trên thế giới cho đến giữa thế kỷ 21, đặc biệt là ở châu Phi. Nghiên cứu cho biết, ước tính đến năm 2050, số Kitô hữu chiếm 31,4% dân số thế giới và số người Hồi giáo là 29,7%. (Xem bài)

19/ ĐTC đã bổ nhiệm Đức cha Juan de la Caridad Garcia Rodriguez, hiện là Tổng giám mục Camagüey, làm Tổng giám mục La Habana, Cuba. Đức cha Rodriguez kế nhiệm Đức hồng y Jaime Ortega, vừa được ĐTC chấp thuận cho từ nhiệm vì lý do tuổi tác. (Xem bài)

20/ Nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho Giáo hội tại Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng tới, Đức hồng y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Tổng giám mục Hong Kong, đã chủ tọa một cuộc tập họp gồm khoảng 100 tín hữu trước văn phòng liên lạc Trung Quốc của thành phố hôm Chúa nhật 24.04 vừa qua. (Xem bài)

Giáo hội Việt Nam

1/ Đại lễ LCTX TGP Sài Gòn diễn ra từ 14g30 đến 19g00 tại Trung tâm Mục vụ. Đến tham dự có khoảng 7.000 người gồm mọi thành phần Dân Chúa trong TGP và của các giáo phận. (Xem bài)

2/  Hội nghị thường niên kỳ I của Hội đồng Giám mục năm nay diễn ra tại Toà Giám mục Giáo phận Thái Bình, từ ngày 04 đến 08 tháng Tư, trong tuần thứ hai sau Phục sinh. Các Đức giám mục 26 giáo phận của Việt Nam, ngoại trừ Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu giáo phận Long Xuyên vì lý do sức khỏe không thể tham dự, đã quy tụ về đông đủ từ chiều thứ Hai 04 tháng Tư. (Xem bài)

3/ Thánh lễ giỗ 20 năm nhạc sĩ Viết Chung (Giuse Đỗ Đức Trung) tại nhà nguyện cổ của Trung tâm Mục vụ Sài Gòn, được cử hành lúc 18g00 ngày 11.04. Sau Thánh lễ, mọi người cùng di chuyển lên hội trường Gioan Baotixita tham dự “Đêm nhạc Viết Chung”. (Xem bài)

4/ “Diễn tấu theo tinh thần Bình ca” là đề tài do linh mục nhạc sĩ Xuân Thảo, OFM trình bày trong buổi Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 38 do Ủy ban Thánh nhạc (UBTN), trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, tổ chức vào ngày 12.4 tại Trung tâm Mục vụ Sài Gòn. (Xem bài)

5/ Các Giám mục Việt Nam trong Hội nghị HĐGM kỳ I năm 2016 vừa qua đã cùng nhau suy nghĩ để định hướng mục vụ cho ba năm sắp tới (2017-2019) nhận thấy rằng hướng mục vụ của Giáo hội tại Việt Nam phải cùng mang lấy ưu tư chung hiện nay của Hội Thánh toàn cầu, chắc hẳn sẽ mang đậm những nét chính như sau: Tỏ lộ Dung mạo của LTX; Loan báo Tin mừng LTX phải bắt đầu từ Gia đình; Quan tâm đến việc “Chăm sóc Ngôi Nhà Chung” là Trái Đất của chúng ta; Luôn hướng theo bản hướng dẫn chỉ đường mà Chúa Thánh Thần qua Đại hội Dân Chúa năm 2010 đã vạch ra. (Xem bài)

6/ “Mỗi ơn gọi trong Giáo hội bắt nguồn từ khóe nhìn đầy thương xót của Chúa Giêsu.” Ý tưởng này của Sứ điệp ngày Quốc tế Ơn gọi 2016 đã đặc biệt được nhấn mạnh trong buổi canh thức và cầu nguyện - nhân ngày Quốc tế Ơn gọi lần thứ 53 - được tổ chức vào lúc 19g00 ngày 13.04 tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. (Xem bài)

7/ Thông báo về tình trạng cá chết bất thường của ĐTGM Phaolô: Một cách cụ thể, chúng ta cùng cầu nguyện một cách đặc biệt cho tất cả bà con Miền Trung đang gặp cảnh khó khăn này và có được những hành vi chia sẻ, giúp đỡ thiết thực ngang qua Ủy Ban Bác Ái Xã Hội của HĐGMVN, của các Giáo phận và của các Giáo xứ. (Xem bài)

Tâm tình cuối tháng   

Mong sao Ủy ban sông Mekong học được kinh nghiệm của Ủy ban Quốc tế Bảo vệ sông Danube gồm 19 quốc gia có dòng sông chảy qua. Hơn hai mươi năm phục hồi đã giúp Danube hồi sinh sau nhiều thập kỷ bị lạm dụng. Nó mang lại lợi ích đáng kể không chỉ cho các loài thủy sinh vật mà còn giúp con người phát triển kinh tế thông qua du lịch và giải trí bền vững. Ước gì tất cả mọi người cùng chung tay góp sức để cứu nguy cho biển cả đang càng ngày càng bị ô nhiễm nhiều hơn, hầu cho các thế hệ mai sau còn có được một môi trường đáng sống.

Như lời Papa đã nói với di dân tại trại tị nạn Moria: “Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng thông điệp tôi muốn để lại cho anh chị em là đừng để mất niềm hy vọng! ... Món quà lớn nhất chúng ta có thể dành cho nhau là tình yêu, là ánh mắt xót thương, là sự ân cần lắng nghe và thấu hiểu, là lời khích lệ, lời cầu nguyện.”

Nguyện cho thông điệp của Papa, dưới ơn tác động của Chúa Thánh Thần, được mọi người hưởng ứng và trở thành hiện thực, hầu cho thế giới trở nên một ngôi nhà chung hạnh phúc, chan hòa tình yêu thương. Amen.

Top