ĐHY Charles Bo: Đề nghị lộ trình 5 điểm cho Giáo hội Á Châu
Đức hồng y Bo viết: “Tôi mong thấy năm cột mốc mà chúng ta cần đạt được trong cuộc hành trình mục vụ-xã hội của chúng ta tại Châu Á”, và ngài thêm rằng, đây là những đề nghị đúng đắn và có thể còn “nhiều đề nghị đáng kể hơn nữa”.
Lộ trình 5 điểm được Đức hồng y tân Chủ tịch FABC đưa ra như sau:
1. Công cuộc Rao giảng Tin mừng trong Thiên niên kỷ thứ ba thuộc về Giáo hội Á châu
Đức hồng y Bo coi nhiệm vụ mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II uỷ thác cho Châu Á là điểm đầu tiên đối với châu lục đông dân nhất thế giới này. Mục tiêu này đã được nêu rõ trong Tông huấn kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục về Châu Á “Ecclesia in Asia - Giáo Hội tại Châu Á” được công bố tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào năm 1999; trong đó Thánh Giáo hoàng nói rằng Kitô giáo được thiết lập tại Châu Âu vào thiên niên kỷ thứ nhất, thiên niên kỷ thứ hai tại Châu Mỹ và Châu Phi, đến thiên niên kỷ thứ ba sẽ đến lượt Châu Á, tại đây “một mùa gặt bội thu đức tin sẽ được thu hoạch nơi lục địa rộng lớn và sinh động này”.
2. Công bằng về kinh tế và môi trường
Điểm thứ hai: Đức hồng y Chủ tịch FABC kêu gọi Giáo hội Á Châu đáp lại lời kêu gọi của Đức giáo hoàng Phanxicô về công bằng kinh tế và môi trường, vì nhiều người ở Châu Á đã bị từ chối quyền này. Đức hồng y nói rằng đây là những điều đã được nói rõ trong Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin mừng) và Thông điệp Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa) của Đức giáo hoàng.
3. Quyền lợi người bản địa
Điểm thứ ba là cần cấp bách nhìn nhận sự hiện diện và quyền lợi của dân bản địa, mà đa số là người Công giáo ở các khu vực rộng lớn của nhiều quốc gia trên châu lục này. Nền kinh tế thị trường khiến cho cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên của họ bị đảo lộn. Thông điệp Laudato Si’ nhắc nhở chúng ta một lần nữa cùng với Giáo hội bản địa khẳng định quyền lợi của họ đối với các nguồn tài nguyên và lối sống truyền thống của họ.
4. Đối thoại với các nền văn hoá, với các tôn giáo và với người nghèo
“Theo đuổi hoà bình qua việc tiếp tục cuộc đối thoại tam diện với các nền văn hoá, với các tôn giáo và với người nghèo”, đó là điểm thứ tư Đức hồng y Charles Bo đề nghị đối với Giáo hội Á châu. Đức hồng y nói rằng “những việc chúng ta làm cho người nghèo và phẩm giá của họ cần trở thành môi trường để chúng ta gặp gỡ các tôn giáo khác”. Ngài coi bức tranh khảm về văn hóa của Châu Á như một lời mời gọi Giáo hội hội nhập đức Tin vào văn hóa.
5. Đẩy mạnh hòa giải
Cuối cùng, thấy rằng các cuộc xung đột và cuộc chiến kéo dài vẫn gây đau thương và đổ máu cho một số khu vực ở Châu Á, vị tân Chủ tịch FABC kêu gọi Giáo hội Á châu đẩy mạnh việc hòa giải như một cuộc Tân Phúc âm hoá.
Về vấn đề này, Đức hồng y Bo nhắc lại lời kêu gọi của Đức giáo hoàng Phanxicô ở Myanmar hồi tháng 11 năm 2017: “Giáo hội hãy trở nên phương thuốc giải độc chống lại nền văn hoá hận thù; không được lấy oán báo oán, nhưng phải là người chữa lành những vết thương bên ngoài và ở trong lòng”.
Đức hồng y nói: “Nghèo đói, hận thù, khác biệt về văn hóa một lần nữa lại kêu gọi tất cả chúng ta đi sâu vào cuộc đối thoại tam diện (với các nền văn hoá, với các tôn giáo và với người nghèo)”.
Tuy nhiên, vị tân Chủ tịch FABC thừa nhận còn nhiều thách đố khác ngoài năm thách đố mà ngài đã nêu và thúc giục Giáo hội Á châu coi đó là những cơ hội để giúp hướng dẫn người tín hữu ở Châu Á trong mọi thời.
***
Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) là một Liên đoàn gồm 19 Hội đồng Giám mục và 8 thành viên liên kết thuộc các quốc gia ở Nam, Đông Nam, Đông và Trung Á, nhằm mục đích thúc đẩy tình liên đới và đồng trách nhiệm giữa các thành viên vì lợi ích của Giáo hội và xã hội ở Châu Á cũng như cổ vũ và bảo vệ tất cả những gì đem lại thiện ích lớn hơn.
Trong cuộc họp của Uỷ ban Trung ương FABC ngày 16/11/2018, Đức hồng y Charles Bo đã được bầu làm Chủ tịch FABC, thay thế Đức hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Bombay, người kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 31/12/2018.
Đức hồng y Charles Bo, Tổng giám mục Yangon là Hồng y đầu tiên của Myanmar, người đảm nhận trách vụ Chủ tịch FABC vào ngày 1-1-2019, đã viết trong sứ điệp Giáng Sinh như sau: “Ước mong bình minh của Năm Mới 2019 sẽ là một năm của Tình yêu nhập thể của Thiên Chúa chúng ta, Đấng hằng sống, yêu thương và giải thoát. Sứ điệp Giáng sinh cho chúng ta thêm hăng hái tiếp bước trên con đường công lý và thịnh vượng cho mọi người ở Châu Á. Ánh sáng soi chiếu túp lều khiêm hạ ở Bêlem sẽ trở thành ánh sáng hy vọng cho tất cả chúng ta.”
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha
-
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô