Đan viện giữa lòng đời
Đan viện giữa lòng đời
Lễ thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu
Ngày lễ thánh Têrêxa năm nay được cử hành trong một bối cảnh có vẻ khác những năm trước. Mười năm trước, đã có một toà nhà cao tầng mọc lên ở đầu đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Du nhưng cũng còn ở xa Nhà Kín. Nhưng năm nay đang có một cao ốc mới mọc lên ngay sát cạnh Nhà Kín, và trong một vài năm tới, có lẽ Nhà Kín sẽ được bao bọc bằng rất nhiều cao ốc. Và sẽ trở thành thung lũng tình yêu! Có người nói đùa rằng thế này thì hết kín nổi! Và trong mắt của nhiều doanh nghiệp, chắc chắn là có người đang tính toán: với giá đất như hiện nay mà bán Nhà Kín đi thì sẽ giầu biết bao nhiêu!
Như thế, từ góc nhìn của xã hội trần thế, sự hiện diện của Nhà Kín giữa những toà cao ốc xem ra thật lạc lõng. Và đời sống đan viện giữa lòng một xã hội công nghiệp cũng thật lạc lõng. Gắn với tình hình đó, người ta cũng có thể tự hỏi, vậy sứ điệp của thánh Têrêxa, một nữ tu dòng kín sống ở thế kỷ 19, có còn thích hợp với xã hội hôm nay không? Sứ điệp của một con người sống tĩnh lặng trong bốn bức tường còn có giá trị gì cho cuộc sống ồn ào náo nhiệt ngày nay không?
Tôi bỗng nhớ đến một đoạn văn của Võ Hồng. Trong một truyện ngắn, ông kể thế này, “Trong thời gian làm nghề dạy học, tôi có dạy ở một trường trung học Bồ Đề, được dạy chữ cho các tăng ni. Lúc vãn niên, mỗi khi có vị tăng ni nào đến thăm là tôi dạy đứa cháu ngoại vốn rất cứng đầu nghịch phá phải đứng nghiêm thủ lễ, chắp tay cúi đầu mà “A Di Đà Phật.” Nó tuân lời, không miễn cưỡng. Tôi đã hiểu đúng tâm lý, áo màu lam, áo nâu, trang nghiêm thanh đạm, giọng nói khoan hoà, cử chỉ từ tốn... đã chinh phục nó. Một hôm, tiễn chân một ni cô trẻ tuổi tới thăm, tôi nói: Cô có nghĩ rằng những người gặp cô trên đường đều đã vô tình nhận được từ cô một bài học nhẹ nhàng? Kẻ gặp thời đang tự mãn ồn ào vì hào quang quyền lực trong tay mà gặp cô nâu sồng thoát tục thì họ giật mình nhận bài học Vô thường. Tên ăn chơi bợm bãi khoe giầu khoe đẹp khoe sang, nhậu nhẹt lu bù thả cửa thì chợt khựng lại, tự xét lại bản thân, âm thầm xấu hổ. Cho đến các em học sinh nhỏ nghịch ngợm phá phách ồn ào cũng tự nhiên giật mình khi thấy cô nhẹ nhàng bước đi không gây tiếng động” (Tiếng chuông triệu mộ, Nxb. Văn nghệ TP. HCM., trang 169-170).
Đây không phải là suy tư của một tu sĩ hay nhà thần học mà là cảm nhận của một người đời, một nhà văn sống giữa lòng đời. Ông cảm nhận được vẻ đẹp và giá trị của đời tu. Vẻ đẹp và giá trị đó không chỉ ở chỗ người đi tu dấn thân vào đời để làm những việc từ thiện bác ái xã hội như Mẹ Têrêxa Calcutta, nhưng còn ở chính đời sống thầm lặng và thoát tục của người tu sĩ. Chính đời sống thầm lặng và thoát tục đó ban tặng cho cuộc đời này những giá trị thật cao quý mà không có gì trong đời có thể mua được.
Hiểu như thế, sự hiện diện của một đan viện giữa lòng xã hội công nghiệp không hề lạc lõng nhưng vẫn thật cần thiết.
Đó là sự hiện diện của một ốc đảo tĩnh lặng giữa cuộc sống quá ồn ào và nhộn nhịp. Sài Gòn là một trong những thành phố ồn ào nhất thế giới. Ồn ào về tiếng xe, tiếng người, tiếng máy nổ không lúc nào ngơi. Về đến nhà lại tiếng máy hát, TV, cãi nhau... Sự ồn ào đó ảnh hưởng đến đời sống bên trong của ta, khiến ta không có đủ tĩnh lặng để có thể nghe thấy tiếng gọi của lương tri và chân lý, nhất là tiếng gọi thầm kín của Thánh Thần trong đáy lòng mình. Chính lúc đó, ta khám phá ra sự hiện diện của đan viện này giữa thành phố là lời mời gọi tìm về cõi tĩnh lặng của tâm hồn. Mỗi lần đi qua đan viện này là mỗi lần được nhắc nhớ về nhu cầu căn bản đó. Có lẽ vì cảm nghiệm được điều đó nên có những anh chị em giữa bộn bề cuộc sống vẫn thỉnh thoảng dừng chân ghé vào nhà nguyện nhỏ bé này để tìm lại sự tĩnh lặng cần thiết cho đời sống.
Sự hiện diện của đan viện này còn là sự hiện diện của một ốc đảo bình yên giữa cuộc sống nhiều sóng gió. Sự ồn ào trong đời sống làm cho cái tâm của ta không được an tĩnh, và vì tâm không tĩnh nên lời nói cũng như hành động của ta có thể gây tranh chấp và chiến tranh hơn là gieo rắc an bình. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm này là nhiều khi cũng một vấn đề phải đối diện, nhưng nếu ta giải quyết trong lúc nóng nảy thì khác, còn nếu ta có đủ thời gian cho lòng mình lắng lại, ta sẽ nhìn nhận vấn đề một cách khác, từ đó cũng có những hướng giải quyết khác. Hiểu như thế sẽ thấy tầm quan trọng của đan viện giữa lòng thành phố. Đây là nơi tốt nhất cho ta tìm lại sự bình an của tâm hồn. Đây là nơi tốt nhất cho ta trở về với chính mình và lắng nghe tiếng Chúa trong tâm hồn, nhờ đó có được niềm bình an đích thực.
Cuối cùng, sự hiện diện của đan viện còn là sự hiện diện của một ốc đảo tình yêu giữa cuộc sống quá nhiều ích kỷ. Chưa bao giờ người ta nói đến tình yêu nhiều như hôm nay, nhất là với người trẻ. Nhưng chưa bao giờ người ta lạm dụng từ tình yêu như ngày nay. Người ta lạm dụng khi đồng hoá tình yêu với tình dục, và khi hết hứng thú tình dục thì bảo là hết yêu. Người ta lạm dụng khi đồng hoá tình yêu với những cảm xúc nồng nàn cháy bỏng nhưng cũng chóng qua và hay thay đổi, và khi hết cảm xúc thì bảo là hết yêu. Thế nên người ta đổi người yêu như thay áo, và nong nả tìm kiếm tình yêu mà lòng mãi trống trải. Chính lúc đó, đan viện là ốc đảo tình yêu vì ta đến đây để học với thánh Têrêxa tình yêu đích thực. Có một thực tế xem ra chứa đầy nghịch lý, đó là một nữ tu nhà kín lại được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Nhưng nghịch lý đó sẽ trở thành thuận lý khi hiểu được ý nghĩa đích thực của tình yêu. Têrêxa được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo vì yêu Chúa hết lòng và yêu tha nhân hết mình. Yêu hết mình nên mong mỏi mang lại điều tốt đẹp nhất cho người chị yêu. Và không có điều nào tốt đẹp hơn là ơn cứu độ của Thiên Chúa. Rồi vì yêu nên chị chấp nhận mọi hi sinh nho nhỏ trong đời sống, biến những hi sinh đó thành lời cầu nguyện cho bước chân các nhà truyền giáo và cho các linh hồn. Chị không đi ra khỏi bốn bức tường tu viện nhưng lòng chị mở ra với cả thế giới, khác với nhiều người rong ruổi khắp đó đây nhưng lòng vẫn khép lại trong lâu đài ích kỷ. Bằng những bước đi của tình yêu, chị đến với mọi người và đem Chúa đến cho biết bao tâm hồn. Quả là bài học quý giá cho chúng ta trong thế giới hôm nay, một thế giới phát triển kinh tế và kỹ thuật rất nhanh nhưng vẫn không sao mang lại bình an và hạnh phúc cho mọi người vì thiếu tình yêu làm động lực.
Kết luận: Suy tư về đan viện như ốc đảo của tĩnh lặng, của bình yên và tình yêu giữa lòng xã hội ồn ào, bất an và ích kỷ cũng là nghe lại lời nhắn gửi của thánh Têrêxa cho chính mình, lời nhắn gửi hãy thường xuyên tìm về sự tĩnh lặng của tâm hồn, xây đắp bình an từ bên trong và sống tình yêu chân thật với Chúa và với mọi người. Lại chẳng phải là những sứ điệp chính yếu của thánh Têrêxa đó sao? Và chẳng phải là những sứ điệp hết sức cần thiết cho cuộc sống của ta đó sao? Đón nhận được những sứ điệp đó đã là một ân phúc lớn lao Chúa ban, và nhờ lời chuyển cầu của thánh Têrêxa, xin cho những sứ điệp đó được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày của ta.
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19