Đại dịch khủng khiếp mà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu phải đối mặt trong tu viện Cát Minh ở Lisieux
TGPSG / ComShalom -- Các chuyên gia nghiên cứu về Thánh Têrêsa thành Lisieux đã nêu bật: Cộng đoàn dòng tu của Thánh Têrêsa lúc ấy đôi khi cho rằng cô nữ tu nhỏ tuổi này xem ra vô dụng và vụng về, nhưng từ thời điểm của đại dịch, họ khám phá ra những điều khác hơn nơi nữ tu ấy.
“Cái chết ngự trị khắp nơi”: đây là cách Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu mô tả mùa Đông khủng khiếp từ năm 1891 đến năm 1892 tại Tu viện Cát Minh Lisieux, trong suốt thời gian đại dịch 'Cúm Nga' hoành hành, với hơn 1 triệu nạn nhân trên khắp thế giới trong khoảng thời gian từ 1889 đến 1895. Nữ tu trẻ tuổi dòng Cát Minh này đã tận tụy phục vụ các chị em nằm liệt giường cách vô vị lợi. Việc rước lễ hằng ngày, đặc biệt vào thời điểm đó, đã nâng đỡ Têrêsa rất nhiều.
Có hai trang trong cuốn “Truyện một linh hồn” - tự truyện của nữ tu Têrêsa bé nhỏ - khiến cho người đọc có cảm tưởng như vừa mới được viết gần đây, sau những tuần đầy thử thách, khi đại dịch coronavirus dường như không thuyên giảm ở Pháp. Nhưng thực ra, chúng đã được viết từ năm 1895 đến năm 1896, thời điểm bản thảo A được viết ra, mô tả thời gian đầy thử thách mà cộng đoàn Dòng Cát Minh Lisieux phải đối mặt, đó là mùa Đông năm 1891-1892.
Vào ngày 2-1-1892, Têrêsa mừng sinh nhật thứ 19 của mình trong nỗi buồn thật lớn, như chúng ta sẽ thấy. Được nhận vào Dòng Cát Minh vào ngày 9-4-1988, Têrêsa bấy giờ là một nữ tu đã tuyên khấn, và đối với Têrêsa, đây là thời điểm trưởng thành trong ơn gọi. Vào tháng 10-1891, một cuộc tĩnh tâm do linh mục Abade Alexis Prou thuyết giảng - nhấn mạnh lòng thương xót, niềm tin tưởng và sự buông bỏ trong tay Chúa: “Ngài đã đưa tôi ra khơi xa của đại dương tín thác và yêu thương mà tôi đã từng khao khát đi tới, nhưng đến nay vẫn chưa dám thực hiện.”
Cúm Nga và vị nữ tu Cát Minh trẻ tuổi
Thách thức của đại dịch ập đến, không nghi ngờ gì nữa, đã làm sâu sắc thêm hành trình nội tâm của Thánh nữ. Cúm Nga, trong đợt tấn công đầu tiên của nó đã cướp đi sinh mạng của khoảng 70.000 người ở Pháp, vào năm 1889-1890. Nó đến tu viện Cát Minh Lisieux vào tháng 1-1892, một tháng sau cái chết của người sáng lập nó - Mẹ Geneviève de Sainte-Thérése. Vào cuối tuần, tất cả các nữ tu đã bị ảnh hưởng, và dự kiến là có ba người, trong đó có Têrêsa. Bốn nữ tu đã chết, cái chết đầu tiên lại đến… đúng vào ngày sinh nhật của Têrêsa.
Nhưng vị nữ tu Cát Minh trẻ tuổi này vẫn can đảm và tận tụy đối với các chị em đau yếu của mình. Têrêsa dành thời gian chăm sóc, tham gia tổ chức cuộc sống chung, thể hiện lòng dũng cảm và sức mạnh tâm hồn trong nghịch cảnh. Các chuyên gia nghiên cứu về Thánh Têrêsa thành Lisieux đã nêu bật: Cộng đoàn dòng tu của Thánh Têrêsa lúc ấy đôi khi cho rằng cô nữ tu nhỏ tuổi này xem ra vô dụng và vụng về, nhưng từ thời điểm của đại dịch, họ khám phá ra những điều khác hơn nơi nữ tu ấy.
Têrêsa được rước lễ hằng ngày cách đều đặn: một ơn ngoại thường đối với thời bấy giờ, vì Giáo hội chỉ tuyên bố dứt khoát cho rước lễ hằng ngày vào năm 1905, dưới triều đại Thánh Giáo hoàng Pio X - người đã vô cùng xúc động trước những bài viết của Thánh Têrêsa về chủ đề này. Có lẽ chính trong Chúa Giêsu Thánh Thể mà vị nữ tu Cát Minh trẻ tuổi này có được sức mạnh để phục vụ các chị em và vượt qua nỗi sợ hãi, ngay cả khi Têrêsa nhấn mạnh đến việc không cảm nếm được “niềm an ủi” lúc cám ơn sau khi rước lễ.
Lắng nghe Têrêsa miêu tả mùa Đông đau đớn này
“Khoảng một tháng sau cái chết đau lòng đó, vào cuối năm 1891, một trận dịch cúm hoành hành trong cộng đồng; Con chỉ bị nhẹ thôi và có thể là con cùng với hai chị em khác đang sắp nhiễm cúm. Không thể tưởng tượng được tình trạng đau lòng của Dòng Cát Minh Lisieux trong suốt những ngày đau buồn đó. Những người mắc bệnh nặng được chăm sóc bởi những người cũng đang lê lết thân xác mỏi mòn của mình; cái chết ở xung quanh chúng con, và khi một chị em trút hơi thở cuối cùng, chúng con phải rời xa người chị em ấy ấy ngay lập tức.
Sinh nhật lần thứ 19 của con rất đau buồn bởi cái chết của Mẹ Phó Bề trên; con đã chăm sóc thuốc men cho Mẹ khi Mẹ đau đớn, và rồi còn hai cái chết nữa nhanh chóng xảy ra ngay sau đó. Bây giờ con phải một mình lo việc phòng thánh, và đôi khi con tự hỏi làm thế nào để có thể chu toàn được tất cả.
Một buổi sáng, đến lúc thức dậy, con có linh cảm rằng chị Magdalen không còn nữa. Nhà ngủ chìm trong bóng tối, và không thấy có bóng người rời khỏi phòng của chị ấy. Con quyết định đi vào gặp chị Magdalen, và con thấy chị ấy đã mặc quần áo, nhưng nằm chết trên giường. Con không sợ hãi chút nào, vội chạy đến phòng thánh, nhanh chóng mang theo một cây nến đã làm phép, và đặt lên đầu chị ấy một vòng hoa hồng. Giữa tất cả sự hoang vắng này, con cảm nhận được Bàn tay của Chúa và biết rằng Trái tim của Ngài đang dõi theo chúng con. Các chị em thân yêu của chúng con đã rời bỏ cuộc sống này để có một cuộc sống hạnh phúc hơn mà không cần phải đấu tranh; một biểu hiện của niềm vui thiên đàng sáng lên trên khuôn mặt của họ, và họ dường như chỉ đang tận hưởng một giấc ngủ dễ chịu.
Trong suốt những tuần dài đầy nỗ lực này, con có được niềm an ủi khôn tả là được rước lễ mỗi ngày. Thật ngọt ngào làm sao! Trong một thời gian dài, Chúa Giêsu đã nuông chiều con hơn cả những người bạn đời chung thủy của Chúa. Ngài vẫn còn đến gặp con hằng ngày trong vài tháng liền sau khi dịch cúm đã chấm dứt, một đặc ân không dành cho cộng đoàn. Con đã không xin đặc ân này, nhưng con hạnh phúc khôn tả khi được kết hợp ngày này qua ngày khác với Người yêu dấu của con.
Con rất vui khi được phép chạm vào chén thánh và chuẩn bị khăn trải bàn thờ để đặt Chúa chúng ta trên đó. Con cảm thấy rằng con phải tăng thêm lòng nhiệt thành, và con thường nhớ lại những lời các phó tế được nghe khi được phong chức: “Hãy nên thánh, hỡi những người mang chén thánh của Chúa.”
Mẹ yêu dấu, con có thể nói gì với Mẹ về những khoảnh khắc tạ ơn của con sau khi rước lễ? Không có lúc nào con lại cảm thấy ít được an ủi hơn! Nhưng đấy lại là những gì con nên mong đợi. Con mong muốn được rước Chúa, không phải để thỏa mãn cho riêng con, mà đơn giản chỉ vì con muốn mang lại niềm vui cho Chúa.”
(Trích từ ‘Truyện một linh hồn’: Tự truyện của Thánh Têrêsa thành Lisieux / với những bài viết và câu nói bổ sung của Thánh Têrêsa (Bản thảo A, 79r-79v) - Bản dịch: Gabriela Gois.)
bài liên quan mới nhất
- Tiến trình phong chân phước giai đoạn giáo phận cho Cha Arrupe đã hoàn tất
-
Thánh lễ Truyền chức Phó tế và Linh mục thuộc Tu đoàn Nhà Chúa -
Ngọn nến Tháng 11 -
Tu đoàn Chị Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ mừng kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi -
Giờ tưởng niệm cha Thánh Phanxicô Assisi lâm chung 03.10.2024 -
Chào tháng 10 - Chào Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu -
Niềm vui của Dòng Tông Đồ Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi - Rogate -
Thánh lễ tạ ơn 25 năm thành lập Liên hiệp nữ Cát Minh Chân Trần Việt Nam -
Thánh lễ truyền chức linh mục thầy phó tế Phêrô Hoàng Khanh Nguyễn Ngọc Thuận, CS -
Thánh lễ khai giảng lớp Thần học Liên dòng Nữ năm học 2024-2025
bài liên quan đọc nhiều
- Cung hiến nhà nguyện Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn
-
Có thật là có “quỷ nhập” và “trừ quỷ”? -
Đan viện Cát Minh Sài Gòn: Lễ Thánh Têrêsa Hài đồng & Lễ Thánh Têrêsa Avila -
Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp: Lễ an táng nữ tu Têrêsa Phan Thị Thanh Nhì và nữ tu Maria Trần Thị Kim Chi -
Dòng Thánh Thể - Tỉnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Thánh lễ Truyền Chức Linh mục và Phó tế ngày 02/12/2023 -
Lễ Truyền Chức phó tế và linh mục tại Học viện Phanxicô Thủ Đức -
Tân Giám tỉnh Dòng Salêdiêng Bosco Việt Nam -
Văn phòng Đặc Trách Tu Sĩ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo hướng dẫn cử hành Phụng vụ -
Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán: Thông báo về việc tin giả mạo ngày 4-8-2021 -
Lễ Khánh Thành Nhà dưỡng lão Vị Hoàng: “Yêu thương- Sống khỏe - Sống vui”