Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: Ơn gọi, dấu chỉ Đức Tin và Hy Vọng

Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: Ơn gọi, dấu chỉ Đức Tin và Hy Vọng

WGPSG -- Bí nhiệm của Tình yêu là Ơn gọi, và huyền nhiệm của Ơn gọi chính là sự Tự do: tự do đáp trả và tự do xin vâng! (Thánh Augutinô).

Trên đây là lời mở đầu cho buổi sinh hoạt và cầu nguyện nhân ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn gọi được tổ chức tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (ĐCV) lúc 19g00 ngày 19/4/2013 với chủ đề: “Ơn gọi, dấu chỉ Đức Tin và Hy Vọng”.

Đến tham dự buổi cầu nguyện có Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả; Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Phó Giám đốc đặc trách Tiểu ban Truyền giáo và Ơn gọi ĐCV; quý cha giáo sư ĐCV; Cha Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn - Nhà Chung Phú Cường; Cha Giuse Vương Sĩ Tuấn - phụ tá nhà thờ Chính tòa Sài Gòn; Cha Giuse Vũ Minh Danh - chánh xứ Gx. Tân Phước; quý nữ tu Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres, Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản, Học viện liên dòng Phaolô Nguyễn Văn Bình; quý thầy ĐCV và anh em chủng sinh dự bị của Tổng Giáo phận Sài Gòn và một số Giáo phận lân cận.

Ngoài ra, còn có sự tham dự của các em lễ sinh Gx. Bùi Phát, Gx. Phú Trung và thiếu nhi Gx. Thánh Phaolô Bình Tân.

Buổi sinh hoạt và cầu nguyện do quý thầy ĐCV thực hiện, đã dẫn dắt cộng đoàn cảm nghiệm được sự huyền nhiệm của Ơn gọi dâng hiến; và qua Ơn gọi, biết bao con người sẵn sàng đáp trả tiếng Chúa kêu mời, bước theo con đường Thầy Giêsu đã đi, để dấn thân phục vụ tha nhân giữa lòng thế giới.

Ơn gọi đến từ Thiên Chúa

Tâm tình của Thánh Augustinô: “Thiên Chúa dựng nên con, không cần đến con; nhưng khi cứu độ con, Ngài lại cần con đáp lời” đã được diễn tả qua hoạt cảnh “Huyền nhiệm Ơn gọi”. Thiên Chúa đã chọn Ông Abramham làm Tổ phụ dân riêng của Ngài. Và để có vị ngôn sứ loan truyền Ơn Cứu độ, Ngài đã chọn ông Môsê. Cũng vậy, Đavít đã được chọn để làm thủ lãnh, dẫn dắt dân chúng. Bước sang thời Tân ước, Ngài đã chọn Phêrô làm đá tảng và Mađalêna là người loan báo Tin Mừng Phục Sinh đến cho muôn dân. Thánh Phaolô là kẻ bách hại đạo, đã trở thành chứng nhân về tình yêu của Đức Kitô đối với nhân loại… Tất cả các đấng thánh đã đáp trả tiếng Chúa kêu mời, cộng tác với Ngài, tiếp nối công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

Đúng vậy, Ơn gọi luôn là một mầu nhiệm, như lời Đức Hồng y Sépé khi sang thăm Việt Nam năm 2005 đã nói: “Ơn gọi là một hồng ân lớn lao nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho một loài thụ tạo”. Vì thế, mục tiêu chính yếu của Ơn gọi là nên thánh. Để trở nên thánh, chúng ta cần phải sống với Đức Giêsu Phục sinh, đáp trả lời mời gọi của Ngài, đặt để ý muốn của ta nơi Thánh ý Ngài, đặt Ngài vào vị trí trổi vượt trong mọi lãnh vực của đời sống: gia đình, công việc, sở thích, ý riêng và chính bản thân mình.

Ơn gọi thánh hiến trong Thế giới hôm nay

Nối tiếp phần một, phần hai của chương trình đã hướng cộng đoàn trở về với thực tại ngày nay khi nhận định: Thiên Chúa lúc nào cũng kêu gọi con người trong những môi trường nhân sinh và môi trường Giáo hội nhất định. Người được tuyển chọn sống trong môi trường, thời đại mà họ được sai đến để phục vụ Tin Mừng Chúa Kitô. Chính vì thế, dù cho Thế giới ngày nay nói chung và tại Việt Nam nói riêng, vẫn còn những mảng tối, nhưng cũng có những điểm sáng, đó là những con người luôn bước theo Đức Kitô trên con đường thập giá trong đức tin và hy vọng, trở nên dấu chỉ đức tin và hy vọng cho người khác. Vẫn còn đó, tấm gương của Thánh linh mục Gioan Maria Vianney. Cũng vậy, nhờ chiêm ngắm Thánh Thể mà Mẹ Têrêsa Calcuta đã nhận ra Đức Kitô nơi người nghèo, để Mẹ dấn thân phục vụ người nghèo... Vẫn còn đó, tấm gương của Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, dù phải sống trong lao tù nhưng vẫn mở ra một con đường “Hy vọng”. Qua mọi thời đại, các Đức Giáo hoàng và các vị Giám mục luôn là những chứng nhân về đức tin và hy vọng cho con người.

Hành trình trở nên dấu chỉ đức tin và hy vọng

Riêng tại Việt Nam, “chứng nhân đức tin và hy vọng” của Cha Wibaux – Đấng sáng lập Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn – đã khởi đi từ Ơn gọi đời sống Kitô hữu. Ngài khát khao được đi truyền giáo ở phương xa, và ngài đã dấn thân cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam… Để rồi, “Khi qua đời, Cha Wibaux đã để lại cho vùng truyền giáo Sài Gòn cơ sở Chủng viện được tổ chức rất tốt với 150 chủng sinh, trong đó đã có 10 đại chủng sinh được chịu chức linh mục”.

Như vậy, các bậc tiền nhân đã mở lối để hậu bối tiếp bước cha anh. Sau hoạt cảnh Thánh linh mục Philiphê Phan Văn Minh - một người con ưu tú của ĐCV - đã hy sinh chịu chết để tuyên xưng đức tin của mình, bài hát “Anh hùng tử đạo” đã vang lên cùng với đội trống, làm nổi bật “lòng trung kiên bất khuất” của một chứng nhân đức tin. Cùng với tiếng trống trầm hùng, với lời ca vang dội, và với đội cờ hùng tráng, đã vẽ nên một bức tranh lịch sử của Giáo hội Việt Nam đầy uy hùng, lẫm liệt.

Chia sẻ của các khóa tại Đại Chủng viện

Vâng, như cha giáo môn Giáo Sử đã nói: “Lịch sử là bài học cho hiện tại và hiện tại là bài học cho tương lai”. Khởi đi từ việc lắng nghe tiếng Chúa kêu mời và đáp trả, đại diện quý thầy thuộc các khóa đã lần lượt chia sẻ những kinh nghiệm dấn thân, từ bỏ chính mình để bước theo thầy Giêsu:

- Trong hai năm đầu tại chủng viện, chủng sinh được đào luyện trước tiên về sống “Con người Mầu nhiệm”. Quý thầy ít nhiều vẫn còn những quyến luyến chưa phù hợp với Ơn gọi theo Chúa, như đam mê về vật chất, tiền bạc… Nhưng chính bằng việc kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, xây dựng tình bạn với Ngài qua: Thánh lễ, nguyện gẫm, viếng Thánh Thể, cầu nguyện riêng, viết nhật ký thiêng liêng... chủng sinh dần nhận diện được sự thật về chính mình, về con đường Chúa đang mời gọi bước theo, dứt khoát từ bỏ chính mình, để nhẹ nhàng, thanh thoát hướng về Thiên chức linh mục mà Chúa đang mời gọi. (Chia sẻ khóa 14 và 15)

- Sống Hiệp thông luôn là một đòi hỏi của hành trình Ơn gọi. Vì thế, mỗi người cần từ bỏ tính cá nhân để hòa mình vào tập thể. Dẫu gặp nhiều khó khăn, nhưng vì cùng chí hướng nên có thể hiểu biết, thông cảm và dần chấp nhận nhau theo tinh thần “đừng để những bất hòa thành cớ gây chia rẽ nhưng những bất hòa có thể giúp mình hiểu nhau hơn để tránh va chạm trong những lần kế tiếp”. Bên cạnh đó, những tấm gương thánh thiện và hy sinh phục vụ của anh em mình trong chủng viện, cũng như khi đi thực tập mục vụ tại các giáo xứ, nhờ vào đời sống đức tin của cộng đoàn, cũng như sự hy sinh, dấn thân của cha sở... mà Ơn gọi của chủng sinh được củng cố. (Chia sẻ khóa 12)

- Vì biết mình còn nhiều sự bất toàn, nên chủng sinh đã lấy Đức Giêsu là mẫu gương tuyệt hảo về sự trao hiến. Đồng thời, học hỏi các gương sáng trong đời sống Giáo hội như Đức cha Jean Cassaigne, Cha Théodore Louis Wibaux, Thầy Luciano Quang (giáo sư La ngữ), quý cha giáo... để mạnh dạn ra đi thực tập hè tại các giáo xứ. Để rồi, chính sự dấn thân của cha sở, lòng nhiệt tình công tác của các đoàn thể, sự hy sinh vật chất và công sức của giáo dân, đã thôi thúc chủng sinh tiếp tục rèn luyện mình ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, sẵn sàng trao ban chính mình một cách vô điều kiện cho Dân Thiên Chúa, trong tinh thần phục vụ cho Tin Mừng và Giáo hội. (Chia sẻ khóa 10 và 11)

Xen kẽ các bài chia sẻ là phần phát giải Sáng tác về Chủng viện 150 năm.

Với ánh nến lung linh huyền ảo, mọi người đã lắng nghe lời Chúa: “Anh chỉ thiếu một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Tiếp đến là những tâm tình sốt sắng cùng dâng lên Thiên Chúa trong lời cầu nguyện tha thiết cho Ơn gọi dâng hiến. Buổi sinh hoạt đã kết thúc lúc 21g15 với nửa giờ cầu nguyện thật lắng đọng và linh thánh như thế.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top