Công bằng xã hội theo Kinh Thánh
Công bằng xã hội là một trong những đề tài nền tảng của Kinh Thánh. Thiên Chúa đã tạo dựng trái đất và nhân loại, và ước vọng sâu xa nhất của Ngài là tất cả mọi người được sống và hạnh phúc. Thánh Kinh thường xuyên nhắc đến những người bị áp bức và hướng lên Chúa để cầu nguyện. Các tiên tri như Isaia và Amos đều lên tiếng bênh vực người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Khi ban hành lề luật, chính Thiên Chúa đã ra chỉ thị xây dựng một trật tự xã hội huynh đệ. Cũng thế, Đức Giêsu khai triển nền đạo đức của tình yêu. Chúng ta có thể nhìn vào những khía cạnh khác nhau được Kinh Thánh trình bày về việc xây dựng công bằng xã hội, đồng thời xem giáo huấn của Cựu Ước được phát triển trong giáo huấn của Đức Giêsu như thế nào.
Hướng đến một xã hội công bằng: tự do, không lạm dụng quyền lực, hiệp nhất
Trong Thánh Kinh, tình trạng áp bức dân Israel bên Ai Cập là hình ảnh rõ nét nhất về sự bất công xã hội. Thiên Chúa hết sức quan tâm đến tình trạng đó (Xh 2,23-25; 3,7), và Ngài đưa dân Israel đến với Ngài (Xh 19,4), đến núi Sinai. Ở đó, Ngài thiết lập nền tảng cho Israel xét như một dân tộc tự do, sống theo một trật tự công bằng xã hội. Mười Điều Răn làm nên một loại hiến pháp cho Israel, với lời dẫn nhập: “Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Đấng đã đưa các ngươi ra khỏi đất Ai Cập, miền đất nô lệ” (Xh 20,2). Cho nên, dân đạt đến tự do ngang qua sự gặp gỡ Thiên Chúa. Nói cách khác, Thiên Chúa là nền tảng của một xã hội công bằng thực sự. Đó là đòi hỏi tiên quyết cho một xã hội tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, nền tảng của những gì được trình bày trong Mười Điều Răn (Xh 20,2-17). Chẳng hạn việc thiết định ngày Sabát là cách thế để giảm bớt những khác biệt xã hội, tạo điều kiện cho người làm công và khách ngoại kiều cũng được nghỉ ngơi như giới chủ và công chức (Xh 20,8-11).
Theo tầm nhìn của Thánh Kinh, việc thực thi quyền bính cách độc tài luôn luôn tạo ra bất công xã hội. Chỉ khi mở rộng chân trời, không chỉ nhắm đến quyền lợi riêng của những cá nhân hoặc nhóm hoặc đảng phái, thì xã hội mới có thể được xây dựng công bằng. Điều này đã được chứng thực trong lịch sử, từ chủ nghĩa quốc xã đến cộng sản đến thứ chủ nghĩa tư bản rừng rú. Theo Kinh Thánh, vị vua đích thực của Israel và của toàn thế giới là chính Thiên Chúa (Tv 95-99). Khi con người gạt Thiên Chúa ra bên lề để tự biến mình thành Thiên Chúa, nắm mọi quyền sinh sát trong tay mà không cần điểm quy chiếu nào khác, thì sự bất công sẽ lan tràn.
Chúa Giêsu khai triển ý tưởng này rất cụ thể: “Anh em biết, những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 42-44). Hình ảnh cộng đoàn này đã dẫn đến giáo huấn của thánh Phaolô: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hi Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, vì tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gal 3,28).
Công bằng pháp lý và công bằng của tình yêu
Việc duy trì và bảo đảm cho công bằng xã hội tùy thuộc phần lớn vào sự ngay thẳng và sức mạnh của hệ thống pháp luật. Cho đến nay, tại nhiều đất nước, tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính tạo nên đói nghèo và bất công xã hội, vì tham nhũng vi phạm khuôn khổ pháp lý và luân lý của xã hội. Kinh Thánh dạy rất rõ: “Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử” (Lv 19,15); “Các ngươi chỉ được có một pháp luật, cho ngoại kiều cũng như cho người bản xứ, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 24,22). Các tiên tri không ngừng lên án tình trạng xét xử bất công: “Khốn thay những kẻ đặt ra các luật lệ bất công, những kẻ viết nên các chỉ thị áp bức, để ngăn cản người yếu không được hưởng công lý, tước đoạt quyền lợi người nghèo khó trong dân” (Is 10,1). Vì thế, để bảo đảm cho công bằng xã hội, phải bắt đầu từ chính việc thiết lập lề luật công bằng đồng đều cho mọi người, chứ không thể biến pháp luật thành khí cụ của kẻ thống trị, với mục đích bảo vệ những quyền lợi riêng của bản thân, phe nhóm, hoặc đảng phái của mình. Đồng thời phải giám sát việc thi hành pháp luật cách ngay thẳng, không bị bất cứ áp lực nào chi phối.
“Chúa là vị thẩm phán chí công, Ngài ngự tòa xét xử, bênh vực và bảo vệ quyền lợi của con” (Tv 9,5); “Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hòa mặt đất” (Tv 33,5); “Chính nghĩa của bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh; công lý của bạn, Ngài sẽ cho huy hoàng như chính ngọ” (Tv 37,6). Những câu Thánh Vịnh trên và còn nhiều câu khác làm nổi bật hình ảnh Thiên Chúa là mô hình cho những ai lãnh trách nhiệm xét xử trong đời sống xã hội, để công bằng thực sự được thiết lập trên trái đất.
Chúa Giêsu thúc đẩy nỗ lực xây dựng công bằng, nhưng đồng thời Người khuyến khích các môn đệ không chỉ nhắm đến việc chu toàn theo luật dạy, mà phải quan tâm đến việc giúp đỡ cho kẻ khó nghèo. Ý hướng này được thể hiện rõ nét trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37) cũng như những tiêu chuẩn Chúa đề ra trong Ngày Phán Xét chung: “Quả thật, Thầy bảo anh em, điều gì anh em làm cho một trong những người nhỏ bé nhất, là anh em làm cho Thầy” (Mt 25,40). Tiêu chuẩn tối hậu của đời sống Kitô hữu luôn luôn là yêu mến Thiên Chúa và tha nhân (Mc 12,28-34). Khi nhấn mạnh điều này, Chúa Giêsu nhấn mạnh lại những nguyên lý và giá trị nền tảng của Lề Luật (Lv 19,18; Đnl 6,4), và xem đó là những nguyên tắc căn bản của đời sống tôn giáo.
Công bằng kinh tế – Thiên Chúa chọn lựa người nghèo
Kinh nghiệm của nhân loại qua bao thế kỷ khẳng định sự ngăn cách giữa người giàu và người nghèo không những không giảm bớt mà còn gia tăng. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa bênh đỡ người nghèo cách tỏ tường: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập. Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp” (Xh 22,20). Không được tước đoạt kế sinh nhai của người ta: “Không được giữ cối xay bột làm đồ cấm, vì như thế là giữ chính mạng người làm đồ cấm” (Đnl 24,6). Không được bóc lột người làm thuê nghèo khó bần cùng (24,14). Và thật lạ lùng: “Khi anh em gặt lúa trong ruộng mình mà bỏ sót một bó lúa trong ruộng, thì không được quay lại mà lấy; bó lúa ấy dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ” (Đnl 24, 19). Còn lề luật nào nhân bản hơn, khi quan tâm đến người nghèo ngay trong những quy định của luật pháp.
Một cộng đoàn tuyệt hảo của tình yêu
Viễn tượng Thánh Kinh về xã hội bắt nguồn từ ước vọng xây dựng xã hội thành cộng đoàn tuyệt hảo của tình yêu. Tiên tri Isaia đã trình bày ước vọng này bằng hình ảnh các loài dã thú sống chung hòa bình (11,1-11) và “trời mới đất mới” (65,17-25). Chúa Giêsu đã tóm tắt cuộc đời Người trong tâm tình cầu nguyện trước khi bị bắt: “Con đã cho họ biết Danh Cha và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha yêu thương con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,26). Nghĩa là để khơi nguồn cho dòng chảy tình yêu thấm đẫm mọi tâm hồn và mọi sinh hoạt xã hội. Đó cũng phải là ước vọng của mọi Kitô hữu, ước vọng dẫn lối cho đời sống cầu nguyện cũng như cho việc xây đắp công lý, hòa bình.
Viết theo Dominik Markl, Social Justice in the Bible
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19