Chúa nhật IX Thường Niên A
9th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Deuteronomy 11:18,26-28,32 II: Romans 3:21-25,28
Chúa Nhật 9 Thường Niên
Bài Đọc I: Đnl 11:18,26-28,32 II: Rôma 3:21-25,28
Gospel
Matthew 7:21-27
21 "Not everyone who says to me, 'Lord, Lord,' will enter the kingdom of heaven, but only the one who does the will of my Father in heaven.
22 Many will say to me on that day, 'Lord, Lord, did we not prophesy in your name? Did we not drive out demons in your name? Did we not do mighty deeds in your name?'
23 Then I will declare to them solemnly, 'I never knew you. Depart from me, you evildoers.'
24 "Everyone who listens to these words of mine and acts on them will be like a wise man who built his house on rock.
25 The rain fell, the floods came, and the winds blew and buffeted the house. But it did not collapse; it had been set solidly on rock.
26 And everyone who listens to these words of mine but does not act on them will be like a fool who built his house on sand.
27 The rain fell, the floods came, and the winds blew and buffeted the house. And it collapsed and was completely ruined."
Phúc Âm
Matthêu 7:21-27
21 "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỵ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?"
23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!
24 "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.
25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bảo táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.
26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trrên cát.
27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành".
Interesting Details
• The Gospel reading of this week links two teachings of Jesus: one on false prophet (vv. 21-23) and the other on true foundation of Christian life (vv. 24-27) to emphasize living the Word of God.
• (vv. 21-23) Israel has a tradition of distinguishing the true prophet of God from the false one. It is not what the person proclaims but the effect of that proclamation and whether the prophet's lifestyle matches his words.
• "False prophet" is not a code name for Pharisees, or Zealots, or other opponents of the Christian communities, but refers to Christian teachers who are "wolves in sheep's clothing" (see Mt 7:15).
• (v. 21) What Matthew objects is not the message but the false messenger who does not bring about a conversion of heart. Only those who do the will of God, not simply talk about it can inherit the Kingdom of Heaven.
• (v. 22) The ability of prophesizing, or exorcising, or performing miracles in itself will not count for anything if it is not motivated by love from God (see 1 Cor 13:1-3).
• (v. 24) "Therefore everyone who hears these words of mine" is the conclusion of the whole Sermon on the Mount (Chapters 5-7).
• The parable of the two builders appears both in Matthew 7:24-27 and Luke 6:47-49, but Matthew's version reflects the custom of building house in Palestine, which usually was done during the dry season when the soil seems solid. If the house is not secured properly, the seasonal storm will come and sweep it away.
• To illustrate the two kinds of hearers of the Word, Matthew uses contrasting images: "wise/foolish," "rock/sand," "doing/not doing," "not fall/fall."
• The label "wise" or "foolish" does not apply to the intellect of a person but his or her spiritual insight (that is, what is really count in tough time).
Chi Tiết Hay
• Bài tin mừng tuần này liên kết hai giáo huấn của Chúa Giêsu: về các ngôn sứ giả (c. 21-23) và về nền tảng thật của đời sống Kitô (c. 24-27), để nhấn mạnh đến việc sống Lời Chúa.
• (c. 21-23) Israel có truyền thống biện phân giữa ngôn sứ thật của Thiên Chúa và ngôn sứ giả. Phân biệt thật giả không dựa trên những gì vị ngôn sứ rao giảng, nhưng trên tác động của lời rao giảng và xét xem lối sống của vị ngôn sứ có phù hợp với những gì người ấy đã giảng dậy không.
• "Ngôn sứ giả" không phải là danh từ ám chỉ người Biệt Phái (Pharisêu), nhóm Quá Khích (chống chính quyền La mã) hay những kẻ đối kháng cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi, nhưng chính là những bậc thầy trong cộng đoàn đang là "sói đội lốt chiên". (xem Mt 7:15).
• (c. 21) Tin Mừng Matthêu không phản đối sứ điệp, nhưng phản đối ngôn sứ giả, kẻ đã không đem người khác đến việc hoán cảị Chỉ có những ai thực thi thánh ý Chúa chứ không phải chỉ nói trên môi miệng mới được thừa hưởng Nước Trời.
• (c. 22) Khả năng tiên tri, trừ quỵ, hoặc làm phép lạ, tự nó không có giá trị, trừ phi động lực của khả năng ấy là tình yêu từ Thiên Chúa (xem 1Cr 13:1-3).
• (c. 24) "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành" là câu kết luận của toàn bộ Bài Giảng trên Núi (Mt chương 5-7).
• Dụ ngôn hai người xây nhà được thuật lại trong cả Matthêu 7:24-27 lẫn Luca 6:47-49 nhưng Matthêu diễn tả việc xây dựng theo cung cách ở Palestin. Thông thường người ta dựng nhà vào mùa khô khi mặt đất khô cứng lại trông có vẻ chắc chắn. Nhưng nếu căn nhà không được gia cố chắc chắn, đến mùa giông bão sẽ bị gió và nước lùa đi mất.
• Để minh hoạ hai loại người nghe Lời Chúa, Matthêu dùng những hình ảnh tương phản như "khôn ngoan/khờ dại", "đá/cát", "đem ra thực hành/chẳng đem ra thực hành", "không sụp đổ/sụp đổ".
• "Khôn ngoan" hay "khờ dại" không phải nói về khả năng tri thức của một người, nhưng nói về sự hiểu biết thiêng liêng (có nghĩa rằng điều gì mới đáng kể trong lúc gian nan).
One Main Point
The Word of God will not be fruitful unless it is put into practice.
Một Điểm Chính
Lời Chúa sẽ không sinh hoa kết quả trừ phi được đem ra thực hành.
Reflections
1. What are my actions (and inactions)?
2. What is the foundation of my actions? What do I "put into practice"?
3. What can I do to more firmly establish my house upon the "rock"?
Suy Niệm
1. Tôi đang thực hành hoặc không thực hành những gì?
. Đâu là nền tảng hành động của tôi?
3. Tôi có thể làm gì hơn nữa để xây nhà vững vàng trên "đá tảng"?
CHÚA NHẬT 9 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Đnl 11,18.26-28.32; Rm 3,21-25a.28; Mt 7,21-27
MỤC LỤC
1. Nói và làm
2. Môn đệ chân chính – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
3. Xây dựng một đức tin thiết thực
4. Khi cầu nguyện đừng có nhiều lời
5. Điều ấy chưa đủ
6. Gợi ý giảng của Lm Carôlô
7. Xây nhà trên đá – Lm ViKiNi
8. Bởi tin chứ không phải bởi việc làm luật dạy
9. Kitô hữu thứ thiệt
10. Chọn lựa
11. Xây dựng trên đá tảng kiên cố
12. Suy niệm của Lm. Trần Ngà
SUY NIỆM
Con đường hẹp nằm giữa hai vách núi cheo leo. Trời mưa tầm tã. Nước từ các nơi đổ xuống tạo nên một cơn lũ khủng khiếp. Chứng kiến cơn lũ, một phóng viên đã kể lại:
- Chúng tôi nhìn thấy chiếc xe nhỏ chở bốn người đàn bà và một tài xế bị dòng nước cuốn đi. Chỉ trong chớp nhoáng, tất cả đều biến mất theo cơn lũ chảy xiết.
Rồi anh ta kết luận:
- Một người khôn ngoan xây nhà trên vùng đất này, thì phải tìm cách neo chặt căn nhà của mình vào đá, nếu không thì một lúc nào đó, căn nhà ấy sẽ bị dòng nước cuốn trôi.
Từ hình ảnh trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay và chúng ta nhận thấy: Lời Chúa chính là đá tảng, để trên đó chúng ta xây dựng ngôi nhà cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta không neo chặt đời mình trên Lời Chúa, thì sẽ có lúc chúng ta bị cuốn trôi bởi cơn lũ cuộc đời.
Tuy nhiên nghe, đọc và hiểu Lời Chúa mà thôi chưa đủ, điều quan trọng là phải sống Lời Chúa, phải thực thi Lời Chúa, nghĩa là phải tuân giữ những điều Ngài truyền dạy.
Cách đây vài năm, có một chàng thanh niên tình nguyện xin đi dạy giáo lý trong một trường trung học công giáo ở Ấn Độ. Ông hiệu trưởng hỏi chàng có phải là người công giáo hay không, thì chàng trả lời:
- Không, tôi là một người Ấn Độ giáo, nhưng tôi biết rành về công giáo. Suốt đời, tôi đã đi đến các trường công giáo. Tôi rất vui nếu được ông trắc nghiệm khả năng của tôi.
Vị hiệu trưởng bèn cắt nghĩa:
- Trọng tâm của đạo công giáo không hệ tại việc hiểu biết các chân lý, các mầu nhiệm, nhưng sự hiểu biết này cần phải được chuyển biến thành hành động, thành việc làm. Cần phải đưa Lời Chúa vào cuộc sống.
Chúng ta không được phép chỉ là những kẻ nghe, đọc và hiểu Lời Chúa, mà còn phải là những người thực hành lời ấy nữa, như một câu danh ngôn đã bảo: Sống khiêm nhường thì quan trọng hơn là biết định nghĩa xem khiêm nhường là gì.
Để biến Lời Chúa trở thành hành động thì chúng ta có hai việc cần làm ngay. Việc thứ nhất đó là hãy khắc ghi Lời Chúa vào lòng, rồi suy niệm và quyết định cách thức áp dụng lời ấy cho mình và cho cuộc sống của mình. Tiếp đến là chúng ta phải thực thi những bước cụ thể để chu toàn việc áp dụng ấy trong đời sống của mình, có nghĩa là chúng ta phải biến đổi quyết định ấy trở thành những hành động, những việc làm cụ thể và tức khắc. Có như vậy, chúng ta mới thực sự là những chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa.
2. Môn đệ chân chính – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
Những lời Chúa nói hôm nay khiến ta run sợ. Ngay cả những người làm được những việc phi thường như nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ cũng có thể bị loại ra khỏi Nước Trời. Ngay cả những người làm việc cho Chúa, cho Hội Thánh cũng có thể bị vào nơi khóc lóc nghiến răng. Tại sao thế?
Lý do thứ nhất: vì họ nói mà không làm. Điều này rất dễ xảy ra cho những ai có nhiệm vụ khuyên bảo dạy dỗ người khác. Cứ nghĩ người khác phải thực hành, còn mình được miễn. Chúa Giêsu gay gắt nên án điều này khi nói với dân chúng: “Các kinh sư và những người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23,2-3). Hôm nay Chúa nhắc lại cho chúng ta: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”.
Lý do thứ hai: vì họ làm nhưng không có nền tảng. Có những người đã nói tiên tri, đã trừ quỷ, đã làm những việc phi thường, nhưng không được Chúa chấp nhận. Vì họ làm theo ý mình chứ không theo ý Chúa Cha. Làm không phải vì tình yêu mến thì dù những việc kinh thiên động địa cũng trở thành vô ích như Thánh Phaolô đã căn dặn chúng ta: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên Thần…, được ơn nói tiên tri…, có được đức tin chuyển núi rời non…, có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (x. 1Cr 13, 1-3)
Sau khi nên án những môn đệ giả hiệu, Chúa Giêsu cho biết căn tính của người môn đệ chân chính. Người môn đệ chân chính thao thức lắng nghe Lời Chúa và tìm thi hành thánh ý Chúa. Như thế người môn đệ chân chính sẽ có những đặc tính sau:
Tìm ý Chúa trên hết mọi sự. Luôn cầu nguyện, cân nhắc để tìm thánh ý Chúa trong mọi sự. Khi tìm được ý Chúa thì mau mắn thực hành ngay.
Từ bỏ ý riêng. Luôn tìm theo ý Chúa, nên sẵn sàng từ bỏ ý riêng. Sẵn sàng chấp nhận những gì trái ý. Không tìm kiếm những thành công lẫy lừng. Nhưng chọn những việc nhỏ bé âm thầm. Chấp nhận cả những thất bại. Chấp nhận sự hiền lành khiêm nhường.
Chính những người môn đệ chân chính mới xây dựng cuộc đời vững chắc. Chính những môn đệ khiêm nhường âm thầm mới xây dựng Hội Thánh trên nền tảng vững chắc. Những thành công bề ngoài như những ngôi nhà xây trên cát, khi gặp khó khăn thử thách sẽ đổ vỡ tan tành. Những hy sinh âm thầm như những ngôi nhà xây trên nền đá vững chắc. Càng qua gian khổ càng bền vững, càng phát triển mạnh mẽ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trở thành môn đệ chân chính của Chúa, biết xây dựng Hội Thánh trên nền tảng khiêm nhường, từ bỏ ý riêng, thực hành ý Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Tại sao nhiều người làm được những việc lớn lao kỳ diệu lại không phải là môn đệ Chúa?
2. Người môn đệ chân chính phải có thái độ nào để xây Hội Thánh trên nền đá vững chắc?
3. Chúa Giêsu đã nêu gương xây dựng nhà trên đá thế nào?
3. Xây dựng một đức tin thiết thực (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Cần nói ngay tảng đá chúng ta phải xây cất trên đó công trình thiêng liêng, ‘ngôi nhà’ nói trong Phúc Âm là Chúa Giêsu Kitô. Người ta có thể có ý tưởng hay, ước vọng lớn, dự tính hấp dẫn, không xây cất chắc chắn trên đó được. Ngược lại một người siêu nhiên đặt nền tảng vững vàng trên Chúa Kitô, về mặt trí thức và nhất là về mặt thực tế, người ấy chắc chắn. Phúc Âm mời gọi chúng ta suy nghĩ về thái độ thực tế cần thiết của lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu là ai? Ngài là Con Thiên Chúa. Quan hệ đức tin nối kết chúng ta với Chúa Con, đồng thời cho chúng ta tới được Chúa Cha. Chúng ta được tham dự vào tương quan mật thiết khiến ý Chúa Con cũng là ý Chúa Cha. Do đó, thái độ thực tế của đức tin đòi buộc chúng ta hoàn thành như Chúa Giêsu, với Ngài và trong Ngài, thánh ý Chúa Cha.
1) ‘Thánh ý’ Chúa Cha nghĩa là gì?
Chúng ta hãy gạt bỏ mọi ý tưởng quyền lực thống trị hay độc đoán. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu không có ý muốn theo nghĩa đè nén, nhưng có ‘hảo ý’. Tiếng Do thái mà Chúa Giêsu dùng trong trường hợp này mang lại cho chữ ‘ý muốn’ cái nghĩa ‘hảo ý, mỹ ý’: Chúa Cha đề nghị cho tự do nhân loại những điều Ngài xét là chân thật và tốt lành. Chúa Con đáp trả đề nghị ấy của Chúa Cha cách hoàn hảo, vì vậy Ngài được Chúa Cha hài lòng mọi đàng. Chúng ta chỉ vào được Nước Trời theo mức độ chúng ta biết liên kết các đáp trả của chúng ta là những nghĩa tử, với lại sự đáp trả của Chúa Giêsu. Chúa Cha là Đấng duy nhất thẩm định được cái gì tốt cho chúng ta, cái gì góp phần vào sự thăng tiến, cái gì tạo nên hạnh phúc thật cho chúng ta. Những điều ấy Ngài muốn cho chúng ta được, nhưng Ngài không áp đặt. Mỹ ý của lòng Cha vui mừng nếu thấy chúng ta ưng nhận điều tốt Ngài đề nghị cho chúng ta. Thực ra chính nơi việc ấy, Ngài tìm thấy vinh danh vì khi ấy bản tính Cha hay thương yêu của Ngài được tỏ rõ. Không được quên rằng, chỉ với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, chúng ta mới có thể đáp trả ‘thánh ý’ Thiên Chúa trong tư cách là con cái.
2) Câu: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa! chẳng phải nhân danh Ngài’… có nghĩa gì?
Nó nhắm đến một mầu nhiệm kỳ lạ và đáng sợ. Quả thực, người ta có thể dùng nhiều yếu tố của đức tin Kitô giáo mà làm những việc to tát. Mặc dầu vậy, chúng vẫn không phù hợp với thánh ý Chúa Cha và do đó không sinh ích gì cho Nước Trời. Những người ngày nay kêu gọi đến Phúc Âm để khơi dậy, hay đẩy mạnh những hành động nhằm thiết lập một thiên đàng hạ giới ảo tưởng nơi cuối cùng Thiên Chúa không còn chỗ; những người ấy có nguy cơ nghe Chúa phán với mình: Ta chưa hề bao giờ biết các ngươi. Người Kitô hữu chiến sĩ cán bộ, do đó không được cậy vào hành động của mình, nhưng luôn cảnh giác về những động lực thúc đẩy mình. Phải kiểm soát nền dựa xem có chắc không? Chỉ có một nền móng duy nhất, tảng đá là Chúa Giêsu Kitô. Hành động nào cẩn thận nương dựa vào Chúa Giêsu Kitô nguồn mạch phát sinh sáng kiến, dự tính, thẩm định, thì hành động ấy chắc chắn. Nên thêm rằng, không gặp được Chúa Giêsu Kitô ở đâu ngoài thực thể huynh đệ rộng lớn Chúa Cha đã muốn là Giáo Hội.
4. Khi cầu nguyện đừng có nhiều lời (Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ của Charles E. Miller)
Người ta thường nói rằng “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, vì thế người ta dễ nói nhiều, nhưng để sống những lời ấy lại là chuyện khác. Lúc đám cưới, đôi tân hôn nói với nhau: “Anh xin nhận em… mọi điều tốt cũng như xấu, lúc giàu có hoặc lúc nghèo hèn, khi mạnh khỏe cũng như khi yếu đau cho đến chết”. Những lời này chỉ đọc có một lúc nhưng đòi hỏi sự tận tụy và trung thành trong cả đời sống.
Những lời chúng ta đã nói với Thiên Chúa, mà chúng ta gọi là cầu nguyện cũng đòi hỏi sự tận tụy và trung thành trong cả đời sống. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc cầu nguyện của chúng ta, theo nghi thức phụng vụ hay riêng tư đều phải dẫn chúng ta đến hành động. Quả thật, Người đã dạy chúng ta rằng mức xác thực của lời cầu nguyện có thể được đo lường bởi sự tận tụy thực thi ý Chúa của chúng ta.
Tất cả điều này không có nghĩa là chúng ta hạ phẩm giá quan trọng của những lời nói. Theo truyền thống đối với người Israel thì môt số từ sau đây có giá trị tuyệt đối: “Hãy nghe đây, hỡi Israel. Chúa là Thiên Chúa ngươi. Chúa duy nhất. Do đó các ngươi sẽ yêu mến Chúa Thiên Chúa các ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”. Những lời này rất quan trọng khi Môisen dạy dân chúng: “Hãy ghi nhớ những lời của tôi vào trái tim và linh hồn các ngươi”. Tiếp đó, ông nói tiếp: “Hãy buộc chúng nơi cổ tay các ngươi như một dấu hiệu, hãy đeo chúng như đồ trang sức trên trán của các ngươi”. Những lời đó đã trở nên một tục lệ đối với những người Do Thái sốt sắng, họ viết điều luât cao cả này vào giấy da, đặt vào bên trong một hộp da nhỏ được gọi là hộp kín, có lúc được buộc nơi cổ tay, có lúc được buộc ngay trên trán.
Dĩ nhiên khi mang hộp kín bằng da đó diễn tả một sự sùng bái thật sự thì người mang nó phải thực hiện điều luật lớn lao đó. Mặc dầu những người Công Giáo chúng ta không mang hộp kín bằng da đó, một số người trong chúng ta có mang ảnh vảy hay thánh giá nhỏ, thường ở bên dưới quần áo. Khi ảnh vảy hoặc thánh giá được chúng ta đeo trên cổ với một sợi dây, nó nối kết với lòng chúng ta. Điều đó nhắc nhở chúng ta tôn giáo là một vấn đề, chứ không đơn thuần chỉ là từ ngữ nhưng là tấm lòng.
Nếu chúng ta viết ra những lời xác quyết rồi đặt vào trong một cái hộp giống như cái hộp của người Do Thái, chúng ta sẽ viết những lời nào. Cũng sẽ thích hợp thôi nếu chúng ta lấy điều luật cao cả trong Cựu Ước nhưng tôi giả thiết là sau một lúc suy nghĩ, chúng ta có thể dùng những lý tưởng để diễn tả đức tin Công Giáo của chúng ta. Tôi muốn đề nghị một số từ, đó là những lời của Chúa Giêsu đã phán trên bánh: “Đây là Thịt Ta” và Người cũng phán trên rượu: “Đây là Chén Máu Ta”. Sự dâng hiến, tâm điểm của lời cầu Thánh Thể làm hiện tại hóa và thật sự cho chúng ta hy lễ lớn lao của Đức Kitô. Bánh thật sự đã trở nên Thân Mình Người trao ban cho chúng ta. Rượu thật sự trở nên Máu Người đã đổ ra vì chúng ta. Thánh Thể làm viên mãn những lời của Chúa Giêsu: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn người…”,
Luôn giữ tình yêu của Đức Kitô trong tâm trí sẽ là động cơ thúc đẩy chúng ta sống như là những người Công Giáo chính danh. Lưu ý đến những lời dâng hiến trên cổ tay chúng ta sẽ chuyển chúng ta tới hành động và chỉ làm theo ý muốn của Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta sẽ không bao giờ do dự khi phải kêu lên: “Lạy Chúa, Lạy Chúa”. Nhưng chúng ta phải bảo đảm là những lời ấy dẫn đến sự tận tụy và trung thành trong trót cuộc sống chúng ta.
Tôi muốn viết thành chữ thật lớn lời cảnh báo của Chúa Giêsu, ánh sáng của bài suy niệm này: “Chưa đủ”. Cái gì chưa đủ? Xin thưa, đó là “nói”. Chúng ta đang đứng trước một trong những chủ đề lớn của Chúa Giêsu, khoảng cách xa xôi giữa nói và làm: “Không phải nói với Ta: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa’ là đủ; còn phải làm theo ý Cha Ta nữa”.
Đó là kết luận của bài giảng mà chúng ta vừa suy niệm ngày này sang ngày khác: các chương 5, 6 và 7. Các chương này chỉ ra cho chúng ta rất rõ phải làm sao để sống với tư cách là Kitô hữu. Nhưng biết tất cả những điều trên vẫn chưa đủ, còn phải vượt qua khoảng cách nhỏ mà lớn giữa biết và làm, giữa nói và sống thực sự điều chúng ta nói. Cũng giáo lý tuyệt vời đó, cũng những bài giảng hay đó, cũng những bài đọc và những bài suy niệm đó tạo nên hai loại Kitô hữu hoàn toàn khác nhau.
Có loại người Kitô hữu tôn thờ việc nghe và đọc: “Các bạn hãy nói cho tôi nghe về Thiên Chúa! Hãy chỉ cho tôi biết quyển sách nào tốt nhất để cầu nguyện”. Họ biết tất cả những điều gì cần phải biết, nhưng thất vọng thay! thật là phiền khi thấy họ sống trong những lo toan, cay đắng, ích kỷ, châm chọc. Họ đọc hàng ngàn Kinh Lạy Cha nhưng không tha thứ gì cả. Họ tâm đắc dụ ngôn cọng rơm và xà nhà nhưng lại đi bươi móc những cọng rơm.
Chúa Giêsu nói với những người hay nói những từ ngữ Kitô giáo mà không thực hành: “Các ngươi là những kẻ điên!” Kết cục của Bài Giảng Trên Núi thật bi đát: “Những kẻ điên này xây nhà trên cát, nhà sụp đổ hoàn toàn”.
Loại người tốt, loại người đúng nghĩa, cũng thích lắng nghe Chúa Giêsu. Nhưng những Kitô hữu đó cố gắng làm điều Ngài nói. Họ xây dựng trên nền tảng thực hành. Bạn biết rằng bạn phải tha thứ? Bạn hãy tha thứ! Bạn biết rằng bạn phải tin tưởng vào Chúa Cha? Bạn hãy rũ bỏ những lo toan của bạn. Bạn biết rằng bạn phải cầu nguyện? Bạn hãy cầu nguyện! Bạn phải cho? Bạn hãy cho đi! Bạn không được nói xấu? Bạn hãy im lặng.
Chúng ta không bao giờ thiếu ánh sáng. Chúng ta có đủ ánh sáng để bước đi trên con đường của các thánh. Và chúng ta biết rằng mỗi bước chân của chúng ta sẽ mang lại thêm ánh sáng: Chúa ban ánh sáng để can đảm mà “làm”.
6. Gợi ý giảng của Lm Carôlô
THỰC HÀNH ĐIỀU CHÚA DẠY
1. Nền nào vững chắc?
Theo cách diễn tả của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng này thì sống đạo cũng giống như xây nhà. Có người xây nhà trên nền bằng cát không vững, có người xây nhà trên nền bằng đá tảng rất vững vàng.
Chúng ta hãy suy nghĩ về một số cách sống đạo, để xem đó có phải là xây nhà trên nền đá vững chắc không.
- Sống đạo bằng cách đọc kinh, dự lễ rất đầy đủ và chuyên cần. Có lẽ đa số giáo dân chúng ta theo cách này. Ngày Chúa nhựt và những ngày lễ, nhà thờ chật ních. Nhiều nơi xây thêm nhà thờ mới. Nhiều nhà thờ ngày càng trở nên chật hẹp, phải nới rộng thêm. Đây cũng là cách của những người biệt phái và luật sĩ thời Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu đã nói “Không phải những ai thưa ‘Lạy Chúa lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời”. Đọc kinh dự lễ rất nhiều mà rốt cuộc không được vào Nước Trời. Đó là xây nhà trên cát.
- Sống đạo bằng cách chọn Chúa là Đấng bảo vệ che chở cho đời mình: người ta có kẻ thờ Quan Công, có người thờ thần tài, có người thờ Phật Bà Quan Am. Nhưng tôi nhất quyết chọn Chúa vì tin rằng Ngài quyền phép hơn tất cả những thần thánh kia. Bởi thế, khi bắt đầu làm ăn, tôi cầu xin Chúa giúp; khi gặp trục trặc, tôi xin Ngài giải quyết; khi thành công, tôi dâng lễ vật tạ ơn Ngài; cho đến khi sắp chết, tôi xin Ngài rước tôi lên thiên đàng với Ngài. Thiên Chúa trở thành ô dù, là nhà tài trợ, là mạnh thường quân, là lá bùa hộ mệnh. Những người này có phần “khôn khéo” vì biết chọn theo Thiên Chúa mạnh thế hơn, nhưng xét cho cùng thì cách sống đạo của họ cũng không khác gì những người thờ các thần khác. Cũng là xây nhà trên cát.
- Có những người bệnh tật không đến nhà thờ được, hoặc ở nơi không có nhà thờ. Họ không dự lễ nhiều, nhưng họ luôn cố gắng thực hành những điều Chúa dạy trong Tin Mừng, họ quan tâm tìm hiểu ý Chúa và làm theo ý Chúa. Chúng ta hãy nghe Chúa Giêsu nói về họ: “Ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá”.
2. Mưa tuôn, sóng vỗ…
Nhiều kitô hữu nghĩ rằng khi họ đặt niềm tin vào Chúa thì giống như họ xây ngôi nhà của mình trên đá. Cuộc đời của họ sẽ an toàn. Nhưng rồi mọi chuyện không xảy ra như vậy: họ phải gặp hết khó khăn này đến đau khổ khác. Họ thất vọng. Ngôi nhà của họ đã được xây trên “đá” đức tin, nhưng tại sao nó vẫn sụp đổ?
Thực ra, những người đó đã hiểu sai, ít là ở hai điểm:
Cái nền đá vững chắc mà Chúa nói không phải là tin suông mà là một đức tin thể hiện ra bằng việc làm. Đây ta hãy nghe lại cho kỹ lời Ngài nói: “Không phải những ai nói với Ta ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người nào thực hiện ý Cha Ta trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời”, “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành thì giống như người không ngoan đã xây nhà mình trên đá”.
Chúa không hề hứa là ngôi nhà trên đá đó sẽ không bị mưa tuôn, sóng vỗ. Điều Chúa hứa là cho dù ngôi nhà đó có bị bao nhiêu mưa tuôn và sóng vỗ đi nữa thì nó vẫn đứng vững. Nhờ đâu mà đứng vững? Nhờ sống thực hành Lời Chúa.
Việc tìm hiểu kỹ lời Chúa như trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc sống kitô hữu:
- Kitô hữu không phải chỉ là người tin Chúa. Ma quỷ còn tin Chúa hơn ta nữa, nhưng ma quỷ đâu có được vào Nước Trời!
- Là kitô hữu không phải là được bảo hiểm khỏi mọi khó khăn gian khổ - có khi còn gặp khó khăn gian khổ hơn nhiều người khác nữa. Nhưng Chúa hứa họ sẽ đứng vững trước mọi khó khăn gian khổ ấy, nếu họ sống thực hành Lời Chúa.
3. Hai con đường
Người ta thường nói “Chúa phạt xuống hỏa ngục”. Có người hiểu giáo lý hơn nên cãi lại: “Thiên Chúa nhân từ vô cùng, không thể nào phạt ai xuống hỏa ngục được”.
Đúng vậy, Thiên Chúa nhân từ chẳng phạt ai cả. Sở dĩ có người xuống hỏa ngục là vì người đó đã dùng tự do của mình mà chọn sai con đường thôi.
Như Ông Môsê đã nói với dân do thái: “Đây ta đặt trước mặt các ngươi sự chúc lành và sự chúc dữ: nếu các ngươi tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi… thì các ngươi được chúc phúc; còn nếu các ngươi không tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi… thì sẽ bị chúc dữ”.
Cũng như cha mẹ nói với đứa con đã trưởng thành: “Cha mẹ sẵn sàng lo cho con học hành đến nơi đến chốn. Nếu con chịu khó học hành thì sẽ có một tương lai tươi sáng. Còn nếu con cứ chơi bời lêu lỏng như hiện nay thì tương lai rất đáng lo ngại”.
Vì chúng ta có tự do nên Thiên Chúa và cha mẹ không thể ép buộc ta được, nhưng các Ngài sẵn sàng giúp đỡ nếu ta chọn con đường tốt.
4. Chuyện minh họa
a/ Đức tin và việc làm
Tâm là một người cứng cỏi. Khi trận lụt xảy đến trong vùng, anh trèo lên mái nhà. Một chiếc tàu đến cứu nhưng anh từ chối: “Không, cám ơn. Tôi tin vào Thiên Chúa, Ngài sẽ cứu tôi”.
Sóng nước dâng cao hơn và Tâm đã trườn lên tận nóc nhà. Một chiếc tàu khác đến cứu anh nhưng anh xua đi. Anh tin là Thiên Chúa sẽ cứu anh. Khi nước chạm đến chân anh, anh lại trèo lên đỉnh ống khói. Một chiếc trực thăng xà xuống cứu, nhưng anh vẫn dựa vào Thiên Chúa. Bạn đoán xem điều gì xảy ra? Tôm chết đuối.
Trước mặt Chúa, anh phàn nàn: “Lạy Chúa, con có đức tin mạnh như thế, tại sao Ngài không cứu con?” Chúa trả lời: “ Con còn muốn Ta làm gì cho con nữa? Ta đã gởi tới con hai chiếc tàu và một chiếc máy bay!”
b/ Làm và hưởng thiên đàng
Truyện kể: một nông dân nghèo Nhật bản vào thiên đàng và điều đầu tiên ông nhìn thấy là một kệ dài với những vật rất kỳ lạ. Ông hỏi:
- Cái gì thế? Có phải để nấu xúp?
- Không, đó là những cái tai. Chúng là của những người khi sống ở đời nghe được những điều tốt, nhưng họ không làm. Nên khi chết, tai họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không.
Một lát sau, ông lại thấy một kệ khác với những vật kỳ quái. Ông hỏi:
- Cái gì thế? Có phải để nấu xúp?
- Không, đó là những cái lưỡi. Chúng là của những người sống ở đời bảo người khác làm điều tốt và sống tốt, nhưng chính họ không làm hoặc không sống điều đó. Nên khi chết, lưỡi họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không.
7. Xây nhà trên đá – Lm ViKiNi (Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)
Đứng trước thành Giêrusalem đồ sộ, thành lũy kiên cố bao quanh, Chúa Giêsu nghĩ đến một Đền Thánh khác do chính Người thiết lập.
Giêrusalem trên đất nước Do thái sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, vì nó xây trên cát. Một thứ cát kiêu kỳ cố chấp, một thứ cát giả hình gian ác. Một thứ cát bằng môi bằng miệng: lậy Chúa, lậy Chúa, mà lòng thì xa Thiên Chúa. Một thứ cát ngồi trên tòa Môsê nói tiên tri về Đấng Cứu Thế, mà chẳng nhận ra Đấng Cứu Thế thật đang sống giữa họ. Một thứ cát giữ tỉ mỉ luật rửa chén, rửa tay, mà lại khinh bỉ loại trừ lương dân và những kẻ tàn tật neo đơn. Một thứ cát phong mình là dòng dõi Abraham, dòng dõi thánh, nhưng vu khống cho người vô tội, giết hại các tiên tri, và cả gan đóng đinh Con Thiên Chúa.
Giêrusalem đã xây trên những thứ cát đó, nên đã bị hận thù, mâu thuẫn bên ngoài và bên trong dân tộc xô đẩy sụp đổ.
Thay thế Giêrusalem bằng cát đó, Chúa Giêsu đã thiết lập một Đền Thánh mới xây trên ý Cha trên trời. Đó chính là thứ đá, cho dù trời đất qua đi Lời Hằng Sống của Người vẫn không qua đi, dù một chấm, một phẩy. Một thứ đá mặc cho quỷ tung hoành, vẫn không lay chuyển. Một thứ đá không bao giờ nâng mình lên cao, nên không bao giờ bị xô đổ. Một thứ đá nhu mì, khiêm tốn, nên không lực lượng sắt đá nào đập bể như đá liệng xuống nước vậy. Một thứ đá không ngồi trên tòa, trên ngai, trên đài mà nói, nhưng đi rao giảng khắp thành phố, làng mạc, hang cùng ngõ hẻm để rao giảng Tin Mừng, lặn lội, chung đụng với những người cùi, què, đui, câm điếc, tàn tật, tê bại để chữa lành (Mt. 9, 35). Một thứ đá không kỳ thị màu da, tiếng nói, giai cấp, dân tộc, mà tất cả đều là anh em, là chi thể trong một thân thể thánh. Một thứ đá không đàn áp, vu khống, kết án ai, nhưng sẵn sàng hy sinh, chịu sỉ nhục, bắt bớ, chết đi cho mọi người được sống lại và được sống dồi dào.
Mọi vương quốc, thành trì không xây trên đá đó đều bị sụp đổ mau chóng, còn thành Thánh là Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô từ hai ngàn năm đã tồn tại cho đến nay và tới muôn đời nhờ xây trên ý Cha trên trời.
Con người chúng ta được xây vừa bằng bùn cát vừa bằng đá, nếu không biết lấy đá ngăn chặn bùn cát, nó sẽ dễ dàng trôi dạt trong đam mê dối trá, bất công, hận thù. Nếu biết lấy lòng tin vàng đá, lòng mến sắt son giữ gìn bùn cát, nó sẽ trở nên đất tốt cho bao nhiêu cây cối tốt tươi, hoa lá xinh đẹp trổ sinh hoa quả phúc đức: khoan dung, nhân hậu, quảng đại, kiên trung, nhẫn nại, can đảm, hy sinh, vui với người vui, khóc với người khóc. Xây dựng trên nền tảng đức tin và đức mến, con người sẽ không phải chết bao giờ, nhưng sẽ được sống và sống vinh quang trong tình yêu mến Chúa muôn đời (Eph. 4,17-5,14 và 1Cor. 13)
Đức tin và đức mến giúp ta luôn luôn thi hành thánh ý Chúa Cha và lời hằng sống của Chúa Con: “Ai yêu mến Ta thì hãy giữ lời Ta” đó chính là đá, chỉ trên đá này, chúng ta mới xây đời sống mình một cách kiên cố và bền vững muôn đời, mặc cho trời đất qua đi. “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai: vì chỉ Thầy mới có Lời ban sự sống đời đời” (Ga. 6, 68)
8. Bởi tin chứ không phải bởi việc làm luật dạy (Trích trong ‘Giải Nghĩa Lời Chúa’ của Đức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Đời sống con người không phải chỉ có những khó khăn trước mắt. Chính cuộc sống hàng ngày đã là một khó khăn; vì ngày nào ngày nào con người cũng phải cố gắng; ngưng các cố gắng này, đời sống chẳng còn ra gì nữa. Và con người phải cố gắng về nhiều mặt. Hôm nay Lời Chúa bảo chúng ta phải cố gắng về mặt đạo đức, đem Lời Người ra thực hành.
A. Lệnh Truyền Của Chúa
Bài sách Thứ luật đơn sơ vắn tắt. Nó làm vọng lại thời xưa; nhưng chân lý của nó vẫn có giá trị hiện đại. Đó là những lời Thiên Chúa trực tiếp nói với dân Israel ở thời Giao Ước núi Sinai. Đúng hơn, đoạn trích hôm nay kết thúc những chương trình bày giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người.
Người đã cho Dân ấy hiểu rằng chính Người đã ra tay oai hùng và mạnh mẽ cứu Dân ra khỏi đất tôi mọi. Người muốn chọn họ làm Dân Riêng của Người nếu họ bằng lòng chỉ nhận Người làm Chúa. Dĩ nhiên trăm người như một, họ đã đồng thanh hưởng ứng vì uy quyền và ân huệ của Thiên Chúa trong việc cứu Dân đang còn rõ ràng trước mắt. Họ thấy theo Người không thiệt gì cả mà chỉ có lợi, vì nếu không, nay họ đã không là một Dân có lịch sử và tương lai nhưng đã hao mòn, mạt kiếp nơi chỉ toàn gặp những chuyện bất công ức hiếp. Do đó trong lúc phấn khởi, họ đã nhận hết mọi lệnh truyền của Chúa do Môsê truyền lại. Ông đã ghi tất cả vào bia đá và sách vở. Nhưng chưa đủ. Cần thiết hơn là mỗi người phải nắm vững, và đem ra thi hành. Thế nên để kết luận, Môsê nói với Dân những lời chúng ta vừa nghe đọc.
Ông yêu cầu họ hãy đặt lệnh truyền của Chúa vào lòng, vào linh hồn; hãy buộc nó làm dấu nơi tay để luôn có thể nhìn thấy; cũng như hãy lấy nó làm khăn chít nơi trán để nhắc nhở cho nhau. Bởi vì hạnh phúc tùy thuộc ở việc tuân giữ lệnh truyền ấy. Người ta sẽ được chúc lành khi đem nó ra thi hành; ngược lại họ sẽ bị chúc dữ khi lạc xa đường lối Thiên Chúa đã vạch ra. Không tất nhiên Người phải phạt họ. Chính đường lối họ đi theo khi bỏ đường lối của Thiên Chúa sẽ đưa họ đến những bất hạnh vô cùng khốn khổ. Đó là con người của tà thần nơi các dân ngoại. Bước vào con đường đó, Israel sẽ ra khỏi Lời Hứa và mất tất cả những gì làm cho Dân ấy nên vinh dự và độc đáo. Israel sẽ ra khỏi ơn gọi làm Dân Riêng của Thiên Chúa và không còn lẽ sống đặc biệt nữa. Do đó đứng trước lệnh truyền của Chúa là đứng trước lời chúc lành hay lời chúc dữ, là đứng trước hạnh phúc hay bất hạnh, sự sống hay sự chết. Israel có quyền lựa chọn. Thiên Chúa kính trọng sự tự do của con người. Tuy nhiên không lúc nào Người không muốn Israel lựa chọn đường lối sự sống. Đến nỗi sau khi đã nhiều lần nhiều cách khuyên nhủ họ qua các tiên tri, cuối cùng Người đã phải sai chính Con Một của Người đến để giúp họ, kéo họ trở về với lệnh truyền và chúc lành của Người. Đó là Đức Yêsu Kitô mà hôm nay bài Tin Mừng cho chúng ta thấy cũng đang kết thúc Bài giảng trên Núi, giống như Môsê đã kết thúc huấn từ về Giao ước trong bài sách Thứ luật vừa nghe.
B. Hãy Xây Nhà Trên Đá
Thật vậy đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc một bài giảng dài trong sách Tin Mừng Matthêô. Đó là Bài giảng trên Núi, khởi đầu với các mối phúc thật. Rồi Chúa Yêsu đã đề cập đến việc cầu nguyện ăn chay và bố thí, là những việc đạo đức đặc biệt trong dân Dothái. Người cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác nữa. Cuối cùng nhìn vào đám thính giả đang chăm chú nghe, Người như muốn nói với các cộng đồng tín hữu cử hành Phụng vụ của Người sau này. Nói đúng hơn, tác giả sách Tin Mừng nhìn thấy các cộng đồng Kitô hữu nơi đám thính giả đang chăm chú nghe Đức Yêsu. Và người muốn đặt những lời này trên miệng Chúa: “Không phải mọi kẻ nói với Ta: lạy Chúa! lạy Chúa! là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành Ý Cha Ta”.
Những ai quen biết Kinh Thánh lập tức đã nhận ra bối cảnh của ngày chung thẩm trong những lời vừa nghe. Người ta đến lay cửa Nước Trời như những trinh nữ khờ dại, không chuẩn bị dầu đèn, nên khi mọi người đã vào phòng cưới và cửa đã đóng mới chậm chân đến gõ cửa xin vào (25,11). Đức Yêsu bấy giờ không còn như lúc rao giảng ở trần gian nữa. Người đã là “Chúa”. Tước hiệu đặc biệt này Người đã nhận được khi sống lại và người ta được chiêm ngưỡng khi Người trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Sách Tin Mừng Matthêô hay dùng chữ “trong ngày ấy” để nói về thời thế mạt.
Vậy trong ngày ấy, nhiều kẻ sẽ đến nói với Đức Yêsu: Lạy Chúa, lạy Chúa! Họ làm chúng ta liên tưởng đến những con người quen đọc kinh, những người thường đọc kinh và đọc kinh nhiều, nhưng lại là những kẻ không thi hành Thánh ý Chúa. Họ giữ đạo như những người nơi dân ngoại và như dân Dothái mà các tiên tri đã nói rằng họ chỉ thờ Chúa bằng môi miệng, còn lòng họ thì ở xa Người. Dĩ nhiên những người như vậy sẽ không được Đức Kitô nhìn đến.
Ở đây, sách Tin Mừng Matthêô còn nói đến cả những người đã nhân Danh Chúa mà nói tiên tri, nhân Danh Người mà trừ quỷ, nhân Danh Người mà làm phép lạ. Đó chẳng phải là những người ở trong hàng ngũ môn đệ sao, mà sách Tin Mừng đã có lần nói rằng họ cũng được Chúa sai đi giảng đạo và họ cũng đã làm được nhiều phép lạ? Phải, có nhiều người ở trong Giáo hội, ngay cả nơi phẩm trật Hội Thánh nữa vẫn “nhân Danh” Chúa mà làm nhiều truyện. Trong ngày ấy họ đến với Chúa; họ chào Chúa: lạy Chúa, lạy Chúa; nhưng họ sẽ được trả lời: Ta không hề biết các ngươi! Nghĩa là Ta không thấy có gì mật thiết với các ngươi, Ta không thấy các ngươi là bạn hữu, vì như lời Phaolô nói: có những kẻ làm phép lạ mà không có đức mến. Những người ấy đã làm việc chiếu lệ. Và tệ hơn nữa, lời Tin Mừng hôm nay nói: họ hết thảy là phường tác quái. Tác giả Matthêô quen dùng từ ngữ này để nói đến những hành động thiếu bác ái, yêu thương (xem 13,41; 23,28; 24,12). Và như thế làm chúng ta thấy rõ những lời Chúa phán xét ở đây cũng y hệt như ở một đoạn khác, đoạn 25 trong sách Tin Mừng Matthêô nói về chung thẩm. Và Người cũng nói với những kẻ không thi hành bác ái rằng: hãy xéo đi xa Ta! y như hôm nay Người tuyên bố với hạng người không thi hành Lời Chúa.
Tuy nhiên chúng ta đừng nghĩ tưởng Nước Trời và hạnh phúc thiên đàng như một thứ phần thưởng ngoại tại sẽ được trao tặng cho những kẻ thi hành Ý Chúa. Nhưng cây xiêu đàng nào thì đổ đàng ấy. Con người không giữ Luật Chúa, thì như lời sách Thứ luật hôm nay nói, họ đã đi vào con đường bất hạnh. Và con người không làm bác ái, thì đã là phường tác quái. Đời sống và công trình của họ giống như của người xây nhà trên cát: mưa đổ, sông tràn, gió thổi, nó sập và sập đổ lớn.
Đây không phải là văn chương. Đó là những nét gợi lại cảnh hồng thủy ngày xưa và gợi lên cảnh trời long đất lở trong ngày chung thẩm. Vào ngày đó, con người tác quái sẽ thấy họ đã sống vô ích. Công việc họ làm theo thế gian đã qua đi với thế gian. Thánh Phaolô bảo trong ngày đó chỉ còn đức ái tồn tại. Và ở đây thánh Matthêô nói, chỉ còn cuộc đời bác ái mới đứng vững trước mặt Chúa. Chính Người là Đá Vững Chắc để ai gắn bó với Người mới tồn tại qua các cơn phong ba và đặc biệt trong cơn bão táp cuối cùng là thời tận thế. Thánh Yoan nói: “Ai bảo mình biết Chúa Yêsu mà không giữ lệnh truyền của Người, thì là kẻ nói láo” (1Yn 2,3-6). Lời ấy có thể giải thích vì sao “trong ngày ấy nhiều kẻ nói với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa... mà sẽ bị Ta tuyên bố: Ta không hề biết các ngươi”.
Do đó, giữ đạo không phải chỉ là đọc kinh xem lễ, nhưng nhất là lắng nghe Lời Chúa và thi hành Ý Người. Chính Người đã phán: chỉ những ai làm như vậy mới là mẹ, là anh, là em của Người, nghĩa là mới có tình nghĩa với Người và mới có đức bác ái.
C. Bởi Tin Chứ Không Phải Bởi Việc Làm Luật Dạy
Đọc qua, chúng ta có thể tưởng Phaolô không nhất trí với sách Thứ luật và Tin Mừng Matthêô. Người nghĩ rằng “con người mà được giải án tuyên công (= được công chính hóa) ấy là bởi tin, chứ không phải bởi việc làm Luật dạy”. Do đó người Tin Lành thường nói: chúng ta được rỗi chỉ nhờ lòng tin.
Tuy nhiên chúng ta có thể tạm phân biệt hai giai đoạn trong cuộc đời của người tín hữu: lúc họ đi từ nơi tối tăm sang nơi ánh sáng, tức là từ tình trạng tội lỗi được trở nên công chính; và cuộc đời từ đó trở đi. Ở đây thánh Phaolô muốn nói đến giai đoạn thứ nhất, lúc con người được công chính hóa, nghĩa là được tha thứ tội lỗi để nên thánh thiện, được giải án là con cái của lôi đình giận dữ để được tuyên bố là con cái của ân sủng và tình thương. Điều này không tùy vào luật nào hay việc nào, nhưng hoàn toàn chỉ nhờ bởi tin vào Đức Yêsu Kitô, Đấng mà Thiên Chúa đã bày ra trước mắt thiên hạ như phương xá tội. Chỉ nhờ ơn Người, nhờ việc cứu chuộc trong Máu Người mà mọi kẻ tin đều được công chính hóa.
Đàng khác, “tin” đối với thánh Phaolô không chỉ là một hoạt động của trí tuệ chấp nhận chân lý, nhưng tự bản chất là một hoạt động của cơ thể con người hiến thân cho mạc khải cứu độ của Thiên Chúa. “Tin” như vậy chính là “yêu”, và yêu không chỉ ở trong tư tưởng nhưng là dấn thân và hành động. Người ta tin Phúc Âm thì vâng lời Phúc Âm; và người ta tin Chúa thì phải giữ lệnh Người truyền.
Phaolô và Matthêô không nói khác nhau như thoạt đầu chúng ta tưởng. Phaolô nói đến hành vi vào đạo; đang khi Matthêô nói với một cộng đoàn đã có đạo. Nhưng trong tư tưởng của cả hai tác giả, tin vẫn là dấn thân cũng như không được kêu “lạy Chúa, lạy Chúa” mà không giữ lệnh Người truyền. Phaolô phi bác giá trị của các việc Luật dạy làm khi người ta quả quyết chúng có thể giải án tuyên công, tức là cứu chuộc con người ra khỏi tội lỗi. Vì như vậy mầu nhiệm Chúa Yêsu Kitô và việc Người hy tế sự sống mình trở nên vô ích. Còn Matthêô lại nói đến các việc làm mà đức tin đòi buộc để chứng tỏ đức tin chân thật. Phụng vụ hôm nay đọc cho chúng ta nghe lời của cả hai tác giả để chúng ta có một cái nhìn đầy đủ và hàng ngày biết sống xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu.
Ngay trong giờ phút này, chúng ta cử hành Thánh lễ. Đức tin cần thiết biết bao! Vì chính đây là mầu nhiệm đức tin. Không tin ở lời toàn năng biến đổi bánh rượu nên Mình Máu Chúa, chúng ta không có Bí tích tình yêu ở giữa chúng ta. Chúng ta không tham dự vào mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh của Chúa. Chúng ta không được thêm ơn cứu độ.
Nhưng khi đức tin làm cho chúng ta biết nhìn nhận và lãnh nhận Mình Máu Chúa trong mầu nhiệm cứu thế này thì đức tin đồng thời đòi hỏi chúng ta phải chết đi cho con người cũ và sống cho con người mới. Không như vậy làm sao có thể nói tham dự vào mầu nhiệm Chúa chết và sống lại? Và khi đã tham dự vào Bí tích biến đổi như thế, ai nghĩ rằng mình có thể trở về mà cứ sống như trước đây? Hay là tất cả chúng ta đều thấy “lễ xong” chúng ta phải ra về để thi hành Lời Chúa và Luật Chúa? Đời sống Kitô hữu không phải là thực thi lệnh truyền của Chúa hay sao? Và như vậy là vì đã phát xuất từ niềm tin và luôn được niềm tin nâng đỡ. Vì thế, chúng ta hãy tin và hãy làm như Lời Chúa hôm nay dạy bảo.
9. Kitô hữu thứ thiệt
Vào dịp tết, khi đi mua sắm, cho dù rất tinh ý, thế mà nhiều lúc chúng ta cũng đã mua phải những thứ hàng “nhái”, hàng “dổm”.
Một hộp bánh cũng in nhãn hiệu thật đẹp, mua về tưởng thứ thiệt, thứ ngon, nhưng khi mở ra thi ôi thôi, chỉ toàn những thứ bánh tào lao thiên địa. Một chai “rượu tây”, cũng mang nhãn hiệu Martel, Hennessy đàng hoàng, nhưng khi khui ra thì lại nồng nặc mùi cồn. Trong những trường hợp như thế, chúng ta dở khóc dở cười, bực bội tức tối như bị lừa gạt. Đúng như người ta thường bảo:
- Hồng Kông bên hông Chợ Lớn.
Trong lãnh vực tôn giáo cũng vậy, chính Chúa Giêsu qua đoạn Tin Mừng hôm nay đã xác quyết:
Không phải những ai nói rằng: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi mà được vào Nước Trời”.
Theo sự nhận xét thường tình, thì khi thấy một người nào đeo ảnh, một gia đình nào có bàn thờ, một giáo xứ nào có thánh đường… chúng ta sẽ kết luận ngay rằng: người đó, gia đình đó, giáo xứ đó có đạo.
Nhận xét trên tuy đúng, nhưng mới chỉ đúng được có một phần nào mà thôi, bởi vì rất có thể “cái nhãn hiệu trình tòa” ấy, cái dấu chỉ bên ngoài ấy thì đúng, nhưng tâm tình bên trong thì lại sai và họ chỉ là một loại Kitô hữu “dổm” mà thôi.
Thực tế đã cho thấy: nhiều người tuy có đạo, nhưng đời sống lại không phản ảnh cho tinh thần của đạo. Cũng cờ bạc, cũng rượu chè và trai gái, cũng gian tham và hối lộ, cũng độc ác và hận thù… đôi khi còn tệ hơn cả những anh em lương dân, khiến cho thiên hạ phải phát biểu:
Có đạo mà cũng thế à?
Tôi tưởng người có đạo thế nào, chứ như vậy thì cũng chẳng hơn gì. Tin đạo nhưng đừng tin kẻ có đạo.
Bản thân họ xấu đã đành, mà hơn thế nữa họ còn làm cho tập thể mang tiếng xấu, họ đã bôi nhọ khuôn mặt của Giáo hội và của đạo Chúa. Vỏ thì có đạo, nhưng ruột lại chẳng có đạo. Bên ngoài thì sốt đáng, nhưng bên trong lại chất đầy những ý đồ đen tối theo kiểu:
Khẩu phật tâm xà. Miệng nam mô, bụng bồ dao găm.
Ông Gandhi, được coi như một vị thánh của Ấn Độ, mặc dầu đã công nhận Chúa Giêsu là Đấng tốt lành, nhưng vẫn không chịu tin theo và cũng chẳng muốn cho dân tộc mình tin theo Kitô giáo, chỉ vì ông đã tiếp xúc với những loại Kitô hữu dổm, những người giáo dân bê bối.
Đây cũng là một nhận xét đáng cho chúng ta suy nghĩ: Có đạo, nhưng cũng trộm cắp và gian tham, thì cũng chỉ là một loại Kitô hữu dổm mà thôi. Có đạo nhưng cũng thù hận, bỏ vạ và cáo gian thì cũng chỉ là một loại Kitô hữu dổm mà thôi. Có đạo nhưng cũng bê bối chuyện gia đình và phản bội trong tình yêu, thì cũng chỉ là một loại Kitô hử dổm mà thôi. Có đạo nhưng cũng rượu chè say sưa đến độ không còn giữ được nhân cách của mình, hay cờ bạc khiến cho vợ con phải nheo nhóc, thì cũng chỉ là một loại Kitô hữu dổm mà thôi.
Đeo ảnh, đi nhà thờ, làm dấu thánh giá… đó là những điều tốt, nhưng mới chỉ là những dấu hiệu bên ngoài, những nhãn hiệu trình tòa mà thôi. Muốn trở nên người Kitô hữu thứ thiệt, người Kitô hữu 100% thì việc làm phải đi đôi với lời nói và lời nói phải đi đôi với tư tưởng, có nghĩa là bên ngoài cũng như bên trong phải là một, bằng cách sống Lời Chúa và thực thi những điều Ngài truyền dạy. Người ta thường bảo:
Chiếc áo không làm nên thầy tu.
Dấu chỉ bên ngoài không đủ để chứng minh là người Kitô hữu, nhưng phải căn cứ vào chính nếp sống. Vì thế, gần nhà thờ hay xa nhà thờ, có linh mục hay không có linh mục, được tự do hay không được tự do, những điều ấy không mấy quan trọng, bởi vì bất cứ nơi nào cũng có Chúa và cũng có thể sống đạo. Bất cứ nơi nào cũng có thể trở thành nhà thờ. Được tự do, thì chúng ta tôn thờ Chúa một cách công khai. Còn khi gặp khó khăn, thì ít nữa là chúng ta sống đạo một cách kín đáo vì Chúa luôn hiện diện trong cõi lòng chúng ta và tại đây chúng ta cũng có thể tìm gặp Ngài bất cứ lúc nào.
Có sống lời Chúa, có thực thi những điều Ngài truyền dạy, chúng ta mới trở nên người Kitô hữu thứ thiệt và mới bảo đảm cho chúng ta phần thưởng Nước Trời.
Sau khi trình bày bản Hiến Chương Nước Trời trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu kể dụ ngôn xây nhà trên đá và trên cát như để xác quyết rằng:
- Nghe Tin Mừng cứu độ chưa đủ, cần phải đem ra thực hành. Biết Phúc Âm chưa đủ, còn phải sống Phúc Âm.
Môisen trong Cựu Ước cũng dạy như vậy. Sau khi ban bố giao ước Sinai, ông nói với dân chúng:
- Hôm nay ta đặt trước mắt các ngươi sự chúc lành và sự chúc dữ. Nếu các ngươi tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà hôm nay ta rao truyền cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được chúc phúc. Còn nếu các ngươi không tuân giữ, thì các ngươi sẽ bị chúc dữ.
Không phải cứ chịu cắt bì, thuộc về dân Israel là sẽ được thừa hưởng lời hứa, nhưng phải có lòng tin như Abraham. Vì thế Chúa Giêsu đã phán:
- Không phải tất cả những ai nói với Ta: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời. (Mt 7,21).
Giáo lý của Chúa không phải là một mớ lý thuyết chỉ cần nhồi nhét vào đầu óc, nhưng là phải thấm nhập vào cả cuộc sống con người, để thần linh hóa nó như men trong bột.
Thế nhưng, Thiên Chúa tôn trọng công trình tay Ngài dựng nên, vì thế Ngài cũng tôn trọng tự do của con người. Con người có quyền lựa chọn sự chúc lành hay chúc dữ, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết: Ngài là đường là sự thật và là sự sống. Đồng thời Ngài cũng kêu mời mỗi người chúng ta: Hãy bước theo Ngài.
Chúng ta có thể bỏ mọi sự mà theo Chúa như các tông đồ, nhưng chúng ta cũng có thể buồn phiền cúi mặt bỏ đi như chàng thanh niên giàu có, chỉ vì những đòi hỏi của đời sống Kitô hữu quá gắt gao đối với chúng ta.
Thực vậy, không ai có thể làm tôi hai chủ, nếu mến chủ này thì sẽ ghét chủ kia, cũng vậy, không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của (Mt 6,24).
Qua lời nói này, chúng ta thấy người Kitô hữu phải dứt khoát lập trường, không thể lửng lơ, trung lập hay đi nước đôi. Phải chọn lựa giữa Đức Kitô và Satan, giữa thập giá và túi tiền. Một khi đã lựa chọn Chúa, chúng ta phải trung thành với sự lựa chọn ấy, nghĩa là chúng ta phải thực thi ý Chúa. Thánh ý Chúa phải trở nên như của ăn cho tâm hồn chúng ta.
Hãy biết chọn lựa theo thánh ý Chúa chứ không phải chọn lựa theo ý riêng mình, như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu:
- Không theo ý Con, một theo ý Cha.
Hồi còn nhỏ, ngày kia Thánh Stanillas, đang chơi banh, mồ hôi nhễ nhãi, Cha bề trên đứng xem, liền gọi cậu ra và thử hỏi:
- Nếu sau trận banh này Chúa gọi con về thì sao?
Không ngần ngại cậu đã trả lời:
- Con cứ tiếp tục chơi như thường vì đó là thánh ý của Chúa.
Hãy thực thi thánh ý Chúa, để nhờ đó chúng ta chiếm được phần thưởng Nước Trời.
11. Xây dựng trên đá tảng kiên cố
1) Thánh thiện là thi hành ý Chúa trong những việc quan trọng hay có vẻ vặt vãnh tầm thường
Thiên Chúa dành tình yêu đặc biệt cho những ai hết lòng phục vụ Người trong mọi sự, bằng lời nói và khát khao đối thoại với Người. Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu tuyên bố. "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi." Chúa nói đến nhiều người biến việc cầu nguyện thành một công thức hoàn toàn chẳng ăn nhập gì với cung cách giả hình và xảo quyệt của họ. Lời cầu nguyện của chúng ta phải khác. Lời cầu nguyện của bạn phải là lời cầu nguyện của người con Chúa, chứ không phải của bọn người giả hình Pharisêu là những kẻ sẽ phải nghe lời Chúa nói: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu!"
Lời cầu nguyện của bạn, qua hàng ngàn cách khác nhau trong suốt cả ngày, phải được liên kết với lòng khát khao và nỗ lực hiệu quả muốn thi hành thánh ý Chúa.
Cho dù chúng ta có thể làm được những kỳ công hay phép lạ, chẳng hạn như nhân danh Chúa nói tiên tri hay trừ quỷ - nhưng nếu chúng ta không nỗ lực thực thi ý muốn đáng yêu của Chúa thì vẫn chưa đủ. Lúc đó ngay cả sự hy sinh to lớn nhất cũng sẽ trở nên vô ích. Trái lại, như chúng ta thấy trong Thánh Kinh, Thiên Chúa yêu thương và chúc phúc cho người nào tìm cách đồng hóa mọi việc mình làm với ý muốn của Người: "Ta đã tìm được Đavít, con của Giêsê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta". Thánh Gioan viết: "Thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi." Chính Đức Giêu tuyên bố. "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người." Đây là điều quan trọng: thi hành ý muốn của Chúa, trở nên điều Chúa muốn. Chúng ta phải càng ngày càng loại bỏ khỏi bản thân những thái độ vụ lợi và ích kỷ, để hoàn toàn nên một với điều Chúa muốn cho chúng ta.
Con đường dẫn đến thiên quốc, và đến hạnh phúc ngay trên trần gian này, là vâng phục thánh ý Chúa, chứ không chỉ là cứ mãi kêu tên Người. Cầu nguyện phải được xác nhận bằng hành động, bền bỉ khát khao thi hành ý Chúa. Thánh Têrêxa nói: "Thật là một điều kinh khủng nếu Thiên Chúa thẳng thắn bảo bạn lo liệu công việc của Người một cách nào đó nhưng bạn lại không làm, thay vào đó bạn cứ đứng trân trân nhìn Người vì điều đó mang lại cho bạn sự vui khoái hơn”. Thật đáng thương nếu Thiên Chúa muốn dắt chúng ta đi theo một con đường, nhưng chúng ta lại ngoan cố đi theo con đường riêng của mình!
Thỉnh thoảng bạn có thể nghĩ về vị Tông đồ trẻ Gioan, người Chúa Giêsu yêu mến. Bạn có muốn xứng đáng được gọi là "người yêu mến thánh ý Chúa không? Vậy thì hãy tiến hành các bước cần thiết, ngày này qua ngày khác. Các bước này thường hệ tại ở chỗ thi hành các bổn phận nhỏ bé hằng ngày và tự hỏi nhiều lần trong ngày: Có phải hiện giờ tôi đang làm điều nên làm hay không? Chúng còn bao hàm việc chấp nhận những khó khăn thử thách trong đời thường, phấn đấu làm theo lời khuyên nhận được trong khi linh hướng, và thanh lọc ý hướng thường xuyên.
Lạy Chúa, con chỉ muốn làm điều Chúa muốn con làm, theo cách Chúa muốn con thực hiện. Con không muốn làm theo ý riêng con, theo những ý thích ngu ngốc của con, nhưng theo thánh ý Chúa. Lạy Chúa, con ước ao rằng cuộc sống của con phải là thi hành ý Chúa trong mọi sự để con có thể nói, như Chúa đã từng nói, cả trong việc lớn cũng như việc nhỏ: Lương thực của tôi, điều mang lại ý nghĩa cho đời tôi, là thi hành thánh ý Chúa Cha.
2) Chúng ta muốn điều Chúa muốn. Phó thác cho Người chăm lo
Cũng trong bàì Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô nói với chúng ta về hai ngôi nhà, được xây cùng lúc, và bên ngoài giống hệt nhau. Nhưng điểm khác biệt lớn giữa chúng trở nên rõ rệt khi thời gian thử thách xảy đến: mưa xuống, nước lụt và gió giật. Một trong hai vẫn đứng vững vì nó dựa trên nền móng kiên cố, còn cái kia thì sụp đổ vì xây trên cát. Chúa gọi người xây ngôi nhà thứ nhất, ngôi nhà đứng vững, là người khôn ngoan. Còn kẻ xây ngôi nhà thứ hai là người ngu dại.
Ngôi nhà thứ nhất chống đỡ được những cơn gió giật và nước lụt dâng cao, không phải do thiết kế, hoặc ngay cả do mái nhà cấu kết chặt chẽ với nhau, nhưng do nền móng của nó đặt trên đá tảng. Ngôi nhà ấy tồn tại, che chở an toàn cho chủ nhân và là một mô hình kiến trúc vững chãi: Cũng như vậy đối với người xây trên đá, nghĩa là khát vọng của họ được chuyển thành hiện thực, bằng cách thi hành ý Chúa trong những việc nhỏ bé thường ngày và cả những lúc khó khăn thử thách ập đến. Ngôi nhà - đời sống của người Kitô hữu noi gương Đức Kitô bằng những hành động cụ thể - không sụp đổ, bởi vì nó được xây trên sự phó thác hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa Cha. Sự phó thác này không cản trở người ấy bảo vệ mình khi phải tranh cãi đề tìm ra công lý. Người ấy cũng có quyền đòi hỏi những quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, tất cả những việc này phải được thực hiện với thái độ bình tâm, không dằn vặt hay cay cú chua chát.
Trong buổi cầu nguyện hôm nay, chúng ta sẽ nói với Chúa rằng chúng ta muốn buông mình trong cánh tay Người; ở đó chúng ta sẽ được an toàn tuyệt đối. Đừng khao khát điều gì vì bản thân, dù tốt hay xấu: chỉ muốn điều Chúa muốn. Khi ở bên Đức Giêsu, bạn sẽ thấy rằng điều cay đắng trở nên ngọt ngào, và những gì thô nhám biến thành dịu êm.
Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng đặt mình trong tay Chúa, giấu mặt con vào ngực Chúa, ép chặt trái tim con vào Trái Tim Chúa: Con muốn điều Chúa muốn, trong hết mọi sự.
3) Thi hành và yêu mến Ý Chúa trong mọi hoàn cảnh sống, trong việc lớn cũng như việc nhỏ
Nếu chúng ta muốn đứng vững trong những giờ phút thử thách khó khăn, chúng ta cần phải vui vẻ chấp nhận những trở ngại nhỏ nhặt xảy ra tại nơi làm việc, trong đời sống gia đình... Chúng ta phải thi hành, một cách trung tín và không vụ lợi, các nghĩa vụ của bậc sống, như việc học hành, chăm sóc gia đình... Nhờ vậy nền móng ngôi nhà của chúng ta cắm sâu hơn, và toàn bộ tòa nhà được vững chãi hơn. Trung thành trong những việc nhỏ nhặt và ít được chú ý, sẽ giúp chúng ta trung thành trong những việc lớn.
Nếu chúng ta trung thành thực thi ý muốn của Chúa trong các việc nhỏ, chúng ta sẽ tập được thói quen nhận ra Sự Quan Phòng của Thiên Chúa đang hoạt động nơi mọi sự xảy đến cho mình. Những việc nhỏ có thể là các bổn phận hằng ngày hay lời khuyên mà chúng ta nhận được trong khi linh hướng, đón nhận những khó khăn không thể tránh khỏi trong đời thường. Chúng ta sẽ nhìn ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong lúc khỏe mạnh và khi ốm đau, khô khan và an ủi, bình an và thử thách, lao nhọc và nghỉ ngơi. Chúng ta sẽ học được cách dễ dàng gạt sang một bên lòng kính trọng của con người, bởi vì điều quan trọng đối với chúng ta sẽ là thi hành bất cứ điều gì Thiên Chúa muốn. Nhờ đó chúng ta sẽ được hưởng sự tự do khi luôn luôn hành động trước mặt Chúa, một cách tin tưởng, mạnh bạo, dạn dĩ, không e sợ khi phải nói về Người.
Một nền móng rộng lớn, kiên cố và không thể lay chuyển có thể chống đỡ cho cả những tòa nhà khác nữa. Khi đời sống nội tâm của chúng ta xây trên nền tảng cầu nguyện và hành động, nó trở thành nơi trú ẩn cho nhiều người, ở đó họ tìm thấy nguồn tiếp sức cần thiết mỗi khi sức lực bắt đầu cạn kiệt.
Chúng ta đừng bao giờ để mất dấu Đức Giêsu, cho dù chỉ là một giây. Khi gặp phiền toái... cũng như khi thành công, bạn hãy lặp đi lặp lại: "Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con, đừng bỏ con mà đi; xin hãy nâng đỡ con như nâng đỡ một đứa trẻ vụng về lóng ngóng; xin hãy luôn luôn cầm tay dắt con đi!" Và cùng với Người, chúng ta sẽ đi đến cuối con đường, ở đó chúng ta sẽ thấy Người, diện đối điện. Cùng với Đức Giêsu, chúng ta sẽ tìm thấy Đức Maria, mẹ Người, cũng là mẹ chúng ta. Ước gì Mẹ ban ơn cho chúng ta thi hành thánh ý của Con Mẹ trong mọi việc. Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con, đừng bỏ con mà đi; xin hãy giúp con như giúp một đứa trẻ vụng về lóng ngóng, xin hãy luôn luôn cầm tay dắt con đi!
12. Suy niệm của Lm. Trần Ngà
NÊN SỐNG THEO Ý MÌNH HAY THEO Ý CHÚA
1. Mọi sự đều tuân theo qui luật
Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ càn khôn và Người truyền cho mọi vật phải tuân theo qui luật mà Người đã định sẵn. Nhờ đó, vạn vật được vận chuyển trong trật tự hài hoà và sự sống mới được duy trì.
Trái đất phải quay quanh mặt trời theo đúng quỹ đạo đã được qui định cho nó và cứ 365 ngày và 6 giờ thì giáp một vòng và nó đã tuân theo như thế luôn mãi không hề sai chậy một giây.
Mặt trăng phải quay quanh trái đất theo một quỹ đạo nhất định với một vận tốc không đổi và cứ 29 ngày rưỡi thì giáp một vòng và cứ thế không nhanh, chậm một giây phút nào suốt niên đại nầy sang niên đại khác.
Tất cả các ngôi sao trên trời đều di chuyển theo đúng quỹ đạo, theo đúng vận tốc đã quy định cho chúng không bao giờ sai lệch.
Chính vì các hành tinh luôn luôn vận hành theo đúng quy luật một cách tuyệt đối, nên các nhà thiên văn mới có thể xác định cách chính xác về thời gian và địa điểm các hiện tượng nhật thực hoặc nguyệt thực sẽ xảy ra trong tương lai hàng trăm năm tới.
Nói chung, mọi sự trên đời (ngoại trừ con người vì con người có tự do) đều răm rắp tuân theo các qui luật mà Thiên Chúa đã qui định cho chúng.
Nước gặp nhiệt độ cao thì phải bốc hơi, gặp lạnh thì phải đông lại; kim loại bị nung nóng thì giãn nở ra theo trị số nhất định; cây nào sinh trái đó, loài ong phải lo xây tổ, hút mật; loài kiến phải cặm cụi tha mồi; loài cá phải sống trong nước v.v...
Ngay cả ngôn ngữ của loài người cũng bị chi phối bởi qui luật, đó là ngữ pháp. Nói hay viết không theo quy luật (tức không đúng ngữ pháp) thì sẽ gặp rối loạn trong giao tiếp. Âm nhạc cũng phải được sáng tác theo qui luật của nó, đó là nhạc lý.
2. Thuận theo quy luật thì sống, đi trái quy luật thì tiêu vong
Nếu trái đất đi trệch ra ngoài quỹ đạo của mình, hoặc vận hành nhanh hay chậm hơn vận tốc mà Đấng Tạo Hoá đã quy định, thì lúc ấy là ngày tận thế.
Nếu các ngôi sao khác trên vòm trời “từ chối” đi theo con đường Thiên Chúa đã vạch thì đại hoạ sẽ đến với vũ trụ nầy.
Nếu máy bay, tàu biển, xe cộ không vận hành đúng quy luật hàng không, quy luật hàng hải hay quy luật giao thông đường bộ thì các phương tiện nầy sẽ ngốn nhiều nhân mạng hơn tất cả mọi cuộc chiến trên thế gian.
Thỉnh thoảng báo chí đưa tin một vài chiếc tàu lửa đi trật đường rầy nên đã gây hậu quả vô cùng thảm khốc.
Tàu lửa đi trật đường rầy gây hậu quả đau thương thế nào thì mỗi người nói riêng và loài người nói chung đi “trật đường rầy” cũng phải gánh lấy hậu quả tai hại không kém.
Chính vì thế nên Chúa Giê-su dạy: “những ai chẳng thực hành lời Thiên Chúa, được ví như người dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”
3. Đâu là 'quỹ đạo' của con người?
Muôn vì trăng sao, tinh tú phải đi đúng quỹ đạo của mình thì mới khỏi gây ra va chạm, đổ vỡ và diệt vong. Loài người cũng phải đi đúng 'quỹ đạo' của mình mới mong được sống còn và thăng tiến.
Vậy đâu là con đường mà con người phải theo để đạt tới cùng đích đời mình?
Đó là thực hành lời Chúa, tuân giữ các giới răn.
Khi có người đến gặp và hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu đáp: “Ngươi hãy giữ các giới răn” và cũng có nghĩa là thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su mạnh mẽ khẳng định rằng: chỉ có những ai đi theo con đường Thiên Chúa đã vạch, tức thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha, thì mới được cứu rỗi, mới được vào Nước Trời mà thôi: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa, lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.”
Một khi đã “đi trật đường rầy”, tức không thi hành ý Chúa, thì dù có tạo được kỳ công như nói tiên tri, xua trừ ma quỷ hay làm phép lạ cũng chỉ là không: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà xua trừ ma quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều ác!”
Tuân giữ các giới răn bao gồm trong luật yêu thương là 'quỹ đạo' của con người, là con đường đưa chúng ta tới cùng đích của cuộc đời chúng ta.
Nếu chúng ta đi “trật đường rầy”, “đi sai quỹ đạo”, nghĩa là làm trái điều răn của Chúa, chúng ta sẽ lãnh lấy hậu quả đau thương.
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19