Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B - Lời chứng (Ga 1,6-8.19-28)
“Tôi là tiếng người hô trong hoang địa:
Hãy sửa đường cho thẳng
để Đức Chúa đi,
như ngôn sứ I-sai-a đã nói”.
(Ga 1,23)
BÀI ĐỌC I: Is 61, 1-2a. 10-11
“Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.
Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Lc 1, 46-48. 49-50. 53-54
Đáp: Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa (Is 61, 10b).
Xướng:
1) Đức Maria nói: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ Người; thực từ đây, thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phước. - Đáp.
2) Vì Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là thánh. Đức từ bi Người từ đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người. - Đáp.
3) Kẻ đói khát, Người cho no đầy thiện hảo; bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. Chúa đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Tx 5, 16-24
“Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến”.
Trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Đừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức.
Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Đấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Đấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện.
Đó là lời Chúa.
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.
7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.
8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
19 Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai ?” 20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” 21 Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào ? Ông có phải là ông Ê-li-a không ?” Ông nói: “Không phải.”
- “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng ?” Ông đáp: “Không.” 22 Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến ? Ông nói gì về chính ông ?” 23 Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.
24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ ?” 26 Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. 27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”
28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
Bài giảng của Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm B:
WHĐ (14.12.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 30, 163, 301, 736, 1829, 1832, 2015, 2362: Niềm vui
Số 713-714: Những nét phác hoạ về Đấng Messia được chờ đợi
Số 218-219: Tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Israel
Số 772, 796: Giáo Hội là Hiền Thê của Đức Kitô
Bài Ðọc I: Is 61, 1-2a. 10-11
Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 16-24
Phúc Âm: Ga 1, 6-8. 19-28
Số 30, 163, 301, 736, 1829, 1832, 2015, 2362: Niềm vui
30. “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỉ!” (Tv l05,3). Dù con người có thể quên lãng hay chối từ Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa vẫn không ngừng kêu gọi mọi người tìm kiếm Ngài để họ được sống và đạt được hạnh phúc. Nhưng việc tìm kiếm này đòi hỏi con người phải có nỗ lực của trí tuệ, sự ngay thẳng của ý chí, “một tấm lòng thành”, và phải có cả chứng từ của những người khác để dạy con người tìm kiếm Thiên Chúa.
“Lạy Chúa, Chúa vĩ đại và rất đáng ca tụng: quyền năng của Chúa cao cả và sự khôn ngoan của Chúa thật khôn lường. Và con người, một phần nhỏ bé trong các thụ tạo của Chúa, con người trong thân phận phải chết, mang nơi mình chứng tích của tội lỗi mình và chứng tích việc Chúa chống lại kẻ kiêu căng: vậy mà con người như vậy, một phần nhỏ bé trong các thụ tạo của Chúa, muốn ca tụng Chúa. Chính Chúa thúc giục để con người vui thích ca tụng Chúa, bởi vì Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con không yên nghỉ cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”[1].
163. Đức tin làm cho chúng ta như được nếm trước niềm hoan lạc và ánh sáng của ơn hưởng kiến hồng phúc (visio beatifica), ơn đó là mục đích của cuộc lữ hành trần gian này của chúng ta. Lúc đó chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa “mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12), và “Ngài thế nào chúng ta sẽ thấy Ngài như vậy” (1 Ga 3,2). Vì vậy đức tin đã là khởi đầu của sự sống muôn đời:
“Khi chúng ta chiêm ngưỡng, như nhìn trong gương, ân sủng là những điều thiện hảo còn xa vời được hứa ban cho chúng ta, mà nhờ đức tin chúng ta mong chờ được hưởng, thì y như những điều đó đã có đây rồi”[2].
301. Sau khi tạo dựng, Thiên Chúa không bỏ mặc thụ tạo của Ngài. Không những Thiên Chúa cho chúng hữu thể và hiện hữu, nhưng Ngài còn luôn luôn giữ gìn chúng “hiện hữu”, cho chúng có thể hoạt động và dẫn đưa chúng đến cùng đích của chúng. Nhận biết sự lệ thuộc tuyệt đối như vậy vào Đấng Tạo Hoá là nguồn mạch của sự khôn ngoan và tự do, của niềm vui và sự tin tưởng:
“Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,24-26).
736. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các con cái Thiên Chúa có thể mang lại hoa trái. Đấng đã tháp chúng ta vào Cây Nho thật, sẽ làm cho chúng ta mang lại hoa trái của Thần Khí, là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23). Thần Khí là sự sống của chúng ta; chúng ta càng từ bỏ chính mình[3], Thần Khí càng làm cho chúng ta hoạt động[4].
“Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta được phục hồi để vào thiên đàng, được dẫn lên Nước Trời, được ban ơn làm nghĩa tử: chúng ta được vững lòng để gọi Thiên Chúa là Cha của mình, và thông phần vào ân sủng của Đức Kitô, được gọi là con cái ánh sáng và dự phần vào vinh quang vĩnh cửu”[5].
1829. Niềm vui, sự bình an và lòng thương xót là như hoa trái của đức mến. Đức mến đòi hỏi phải làm điều tốt và sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ; đức mến thì nhân hậu; nó khơi dậy sự tương thân tương ái, không tìm tư lợi, và quảng đại; đức mến là tình bằng hữu và sự hiệp thông:
“Yêu thương là sự hoàn tất của mọi công việc của chúng ta. Đó là mục đích: chúng ta chạy vì đó, chúng ta chạy đến đó; và khi tới đó, chúng ta sẽ yên nghỉ”[6].
1832. Các hoa trái của Thần Khí là những điều trọn hảo mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền thống Hội Thánh kể ra mười hai hoa trái: “Bác ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, khiết tịnh” (Gl 5,22-23 vulg.).
2015. Con đường của sự trọn hảo phải đi qua thập giá. Không thể có sự thánh thiện, nếu không có sự từ bỏ và cuộc chiến đấu thiêng liêng.[7] Sự tiến bộ về đời sống thiêng liêng bao hàm sự khổ chế và hy sinh hãm mình, là những điều từng bước dẫn tới việc sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc:
“Ai trèo lên, người đó không bao giờ ngừng từ bắt đầu này tiếp sau bắt đầu kia, qua những bắt đầu không chấm dứt. Người đó không bao giờ ngừng ao ước điều người đó đã biết rồi”[8].
2362. “Những hành vi…, qua đó đôi phối ngẫu kết hợp với nhau cách thân mật và khiết tịnh, đều ngay chính và xứng đáng, và khi được thực hiện cách thật sự nhân bản, những hành vi ấy biểu thị và khích lệ sự hiến thân cho nhau, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong tâm tình vui mừng và biết ơn”[9]. Tính dục là nguồn mạch của sự hoan lạc và thú vui.
“Chính Đấng Tạo Hoá ... cũng đã sắp đặt để, trong nhiệm vụ sinh sản, đôi phối ngẫu gặp được thú vui và hạnh phúc cả thân xác cả tinh thần. Vì vậy, đôi phối ngẫu chẳng làm điều gì xấu, khi tìm kiếm và tận hưởng thú vui đó. Họ đón nhận những gì Đấng Tạo Hoá đã nhắm ban cho họ. Tuy nhiên, đôi phối ngẫu cũng phải biết giữ mình trong những giới hạn của sự tiết độ chính đáng”[10].
Số 713-714: Những nét phác hoạ về Đấng Messia được chờ đợi
713. Những nét phác hoạ về Đấng Messia được mạc khải chủ yếu trong các bài ca về Người Tôi trung[11]. Những bài ca này loan báo ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và cho thấy cách Người sẽ đổ tràn Thần Khí để cho muôn người được sống: không phải từ bên ngoài, nhưng bằng cách “mặc lấy thân nô lệ” của chúng ta (Pl 2,7). Khi mang lấy cái chết của chúng ta trên mình Người, Người có thể truyền thông cho chúng ta Thần Khí riêng của Người, Thần Khí sự sống của Người.
714. Chính vì vậy, Đức Kitô khởi đầu công cuộc loan báo Tin Mừng của Người bằng cách áp dụng cho mình đoạn sau đây của tiên tri Isaia (Lc 4,18-19)[12]:
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,
Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa”.
Số 218-219: Tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Israel
218. Theo dòng lịch sử của mình, Israel đã có thể khám phá ra rằng Thiên Chúa chỉ có một động lực duy nhất khiến Ngài tự mạc khải cho họ và chọn họ giữa mọi dân để họ là dân của Ngài: đó là tình yêu nhưng không của Ngài[13]. Nhờ các Tiên tri, Israel hiểu rằng, cũng vì tình yêu mà Thiên Chúa đã không ngừng giải cứu họ[14] và tha thứ cho sự bất trung và tội lỗi của họ[15].
219. Tình yêu của Thiên Chúa đối với Israel được so sánh với tình yêu của một người cha đối với con mình[16]. Tình yêu đó còn mạnh hơn tình yêu của một người mẹ dành cho con cái mình[17]. Thiên Chúa yêu dân Ngài hơn người chồng yêu người vợ yêu dấu của mình[18]. Tình yêu đó cũng sẽ chiến thắng những bất trung thậm chí tồi tệ nhất[19], và sẽ đi đến chỗ ban tặng hồng ân quý giá nhất: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài” (Ga 3,16).
Số 772, 796: Giáo Hội là Hiền Thê của Đức Kitô
772. Trong Hội Thánh, Đức Kitô hoàn thành và mạc khải mầu nhiệm riêng của Người như mục đích của kế hoạch của Thiên Chúa: “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep l,l0). Thánh Phaolô gọi cuộc kết hợp phu phụ của Đức Kitô với Hội Thánh là “một mầu nhiệm cao cả” (Ep 5,32). Bởi vì được kết hợp với Đức Kitô như với Phu Quân của mình[20], nên chính Hội Thánh cũng trở thành một mầu nhiệm[21]. Khi chiêm ngắm mầu nhiệm nơi Hội Thánh, thánh Phaolô đã thốt lên: “Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,27).
796. Sự hợp nhất giữa Đức Kitô và Hội Thánh, giữa Đầu và các chi thể của Thân Thể, cũng bao hàm sự phân biệt giữa hai bên trong một tương quan cá vị. Khía cạnh này thường được diễn tả bằng hình ảnh phu quân và hiền thê. Đề tài Đức Kitô phu quân của Hội Thánh đã được các Tiên tri chuẩn bị và ông Gioan Tẩy Giả loan báo[22]. Chính Chúa cũng tự xưng như là “chàng rể” (Mc 2,l9)[23]. Thánh Tông Đồ trình bày Hội Thánh và mỗi tín hữu, chi thể của Thân Thể Người, như là Hiền Thê “được kết hôn” với Chúa Kitô để nên một Thần Khí với Người[24]. Hội Thánh là Hiền Thê tinh tuyền của Con Chiên tinh tuyền[25], mà Đức Kitô đã yêu thương, Người đã hiến mạng sống mình vì Hội Thánh “để thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,26), Người liên kết Hội Thánh với mình bằng một giao ước vĩnh cửu, và không ngừng chăm sóc Hội Thánh như thân thể riêng của Người[26]:
“Đây là Đức Kitô toàn thể, gồm Đầu và thân thể, và là một do bởi nhiều người…. Vậy hoặc là đầu nói, hoặc là các chi thể nói, thì đều là Đức Kitô nói: Người nói trong cương vị là Đầu (ex persona capitis), và Người nói trong cương vị là Thân Thể (ex persona corporis). Nhưng nói gì? ‘Cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh’ (Ep 5,3l-32). Và chính Chúa cũng nói trong Tin Mừng: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt l9,6). Vậy như anh em đã biết, thật sự thì có hai người, nhưng cả hai đã nên một khi thành vợ thành chồng…. Với tư cách là Đầu, Người tự xưng là ‘Phu quân’; với tư cách là Thân Thể, Người tự xưng là ‘Hiền thê’”[27].
Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm B:
Đức Phanxicô:
13.12.2020 – Gioan Tẩy Giả là mẫu gương tìm kiếm niềm vui đích thực
17.12.2017 – Ba thái độ Mùa Vọng: tươi vui, cầu nguyền và biết ơn
14.12.2014 – Niềm vui của chúng ta là chính Đức Giêsu
Đức Bênêđictô XVI:
11.12.2011 – Niềm vui đích thực
14.12.2008 – Chúa ở gần kề là phạm trù của tình yêu
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Ðức Giêsu Kitô là ánh sáng từ muôn thuở và tồn tại muôn đời. Ánh sáng đem hạnh phúc đích thực cho con người. Trước lầm tưởng của dân chúng. Gioan không dựa vào thế để tìm vinh quang cho mình, nhưng ông đã chân thành và can đảm dám sống, dám làm chứng cho một chân lý: Ông chỉ là con người hèn mọn, là tôi tớ dọn đường cho Ðấng đến sau. Ngài mới là chính Ðấng muôn dân đợi trông. Chỉ có Ngài mới đem tự do hạnh phúc đích thực cho con người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Gioan là con người ngay thẳng, khôn ngoan, khiêm hạ. Ông sáng suốt để nhận đúng: mình là mình. Ông không ảo tưởng, không tham vọng.
Con người với bản tính sa đọa thường không muốn là mình, nhưng muốn làm Thiên Chúa. Ađam - Eva xưa ăn trái cấm vì muốn có quyền biết lành biết dữ như Thiên Chúa, bằng Thiên Chúa. Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ khiến con người ngày càng kiêu căng tưởng rằng: đó là do sức lực của mình, mà chối bỏ sự can thiệp đầy tình thương của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, như lời Thánh Augustinô đã cầu xin: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”, để nhờ đó con luôn sống trong tâm tình tôn thờ, tạ ơn, yêu mến và sống chứng nhân giữa lòng cuộc đời. Amen.
Ghi nhớ: “Giữa các ngươi có một Ðấng mà các ngươi không biết”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Gioan Tiền hô làm chứng cho Chúa Giêsu: “Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (câu 8)
1. Người ta cứ tưởng Gioan là ánh sáng: Tưởng ông là Messia (câu 20), là Elia, là một ngôn sứ (câu 21).
2. Gioan nói mình không phải là ánh sáng: mà chỉ là một tiếng hô dọn đường (câu 23), là người không đáng cởi quai dép cho Đấng Kitô sắp đến (câu 27).
3. Bằng cách nói úp úp mở mở, Gioan khơi lên trong lòng thính giả một sự tò mò để họ chờ mong Chúa Giêsu: Ngài đang đến cho nên Gioan đang dọn đường (câu 23), Ngài “đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (câu 26), Ngài đến sau Gioan nhưng cao trọng hơn Gioan (“tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài”câu 27).
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Việc làm chứng của Gioan Tiền hô gồm 3 giai đoạn:
a/ Do sống tốt, Gioan được người ta qúy mến, thậm chí còn được người ta tưởng là Đấng Messia.
b/ Khi đó Gioan khiêm tốn nói mình không phải là Messia.
c/ Rồi giới thiệu Đấng Messia thật cho người ta biết.
2. Nếu vì thích được khen ngợi mà Gioan nhận vào mình những đánh giá của người khác, thì ông đã bỏ ất dịp làm chứng cho Chúa Giêsu. Muốn cho Chúa Giêsu “lớn lên” thì Gioan phải “nhỏ đi”.
3. Trong một năm, có lẽ thời gian quanh lễ Giáng sinh là thời gian người ta chú ý tới đạo nhiều nhất. Cho nên đây là thời gian thuận tiện nhất để ta làm chứng cho Chúa.
4. Một nhóm trẻ thuộc nhiều quốc tịch đang bàn nhau làm thế nào để phổ biến Tin mừng cách rộng rãi nhất. Có người bảo dùng đài phát thanh và truyền hình, có người bảo dùng báo chí v.v. Một cô gái Châu Phi lên tiếng:
- Ở xứ chúng tôi, khi chúng tôi muốn loan Tin mừng tới một nơi nào thì chúng tôi gửi đến đấy một gia đình Kitô hữu tốt để gia đình này sống giữa những người khác.(Barclay)
3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
4. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
CHÚA ĐẾN MANG LẠI NIỀM VUI
A. DẪN NHẬP.
Người ta thường nói: Đời là bể khổ hoặc đời là thung lũng nước mắt. Đối với chúng ta đời không hẳn là như thế, mà ta có thể nói: cuộc đời có rất nhiều đau khổ, đầy gian nan thử thách, và chúng ta có thể biến tất cả thành niềm vui nếu chúng ta biết đặt niềm tin vào Chúa, Đấng là nguồn vui bất tận.
Qua các bài đọc Chúa nhật hôm nay, Giáo hội mời gọi ta sống trong niềm vui chờ đợi Giáng sinh. Chúa sẽ đến cứu chúng ta, ngày giờ Chúa đến không được xác định. Trong thời gian chờ đợi có lẽ chúng ta lo âu, buồn phiền và nghĩ rằng hy vọng của mình có thể là ảo tưởng, niềm tin của mình xem ra hão huyền.
Không, chúng ta hãy vững tin, đừng thất vọng. Thánh Phaolô thúc giục chúng ta: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi”(bài đọc 2). Tuy trên bước đường chờ đợi có gặp nhiều khó khăn, nhiều gian nan thử thách, nhưng chúng ta là Kitô hữu, hãy cứ mạnh tiến, với tâm hồn tin tưởng và phấn khởi. Đức Kitô đang ở đó, vẫn âm thầm hiện diện, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ gặp gỡ Ngài ở cuối đường. Sống trong Mùa Vọng, chúng ta hãy sống với tư tưởng này : Chúa đã gần đến, nên ta hãy trút mọi phiền sầu và hãy vui lên.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1: Is 61,1-2a.10-11
Dân Israel bị bắt đi lưu đày ở Babylon 70 năm trường. Vài năm trước khi kết thúc cuộc lưu đày, tiên tri Isaia đã loan tin mừng cho dân, báo cho họ biết là sắp được giải thoát, họ sẽ không còn bị đè nén, ức hiếp bởi kẻ thù nữa.
Họ sẽ được trở về quê cha đất tổ của mình, tuy còn là những người nghèo khổ, đụng phải những khó khăn nghiêm trọng, hoàn toàn thiếu phương tiện vật chất, bị những người lân cận sách nhiễu và thù ghét, nhưng trước mặt Thiên Chúa, họ không còn là những người bị ruồng rẫy, trái lại, họ mới là chính đối tượng Thiên Chúa dành cho mối tình âu yếm.
Như vậy, tiên tri Isaia đã đem đến cho những người khốn khó này một sứ điệp hy vọng, nhằm an ủi họ và cũng khơi dậy niềm vui trong họ, là những kẻ được Thiên Chúa yêu hơn cả: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao” (Is 61,10) . Sau này, trong bài Magnificat, Đức Maria đã lấy lại tâm tình này, và Đức Giêsu, tại hội đường Nazareth, cũng áp dụng ý tưởng này cho bản thân mình.
+ Bài đọc 2: 1 Tx 5,16-24
Trong thư gửi cho tín hữu Thessalonica, thánh Phaolô nhắc nhở họ hãy vui tươi vì đã được Thiên Chúa cứu độ: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng”. Nhưng dù sao, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải quan tâm đến ngày Quang lâm hay ngày Chúa trở lại. Phải chuẩn bị cho ngày đó .
Phải chuẩn bị bằng cách nào? Theo thánh Phaolô, phải chuẩn bị bằng cách sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần, trong bình an và vui tươi nhờ cầu nguyện, theo đuổi điều thiện hảo, tin tưởng nơi Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Nếu làm được như thế là chúng ta đã sẵn sàng đón tiếp Đức Kitô, cho dù không biết ngày nào Ngài trở lại.
+ Bài Tin mừng: Ga 1,66-8.19-28
Trong bài Tin mừng tuần trước, thánh Gioan Tẩy giả đã hô hào dân chúng dọn đường cho Chúa đến, hôm nay, Ngài tự giới thiệu cho người Do thái Ngài chỉ là người làm chứng và sửa soạn cho Chúa đến. Gioan đi rao giảng phép rửa thống hối, từng đoàn người tấp nập kéo đến bờ sông Giođan xin chịu phép rửa. Việc này chứng tỏ ảnh hưởng của Gioan đã lan rộng khắp vùng, làm cho các nhà chức trách phải thắc mắc: Ông này là ai? Ông có ý đồ gì không?
Vì thế, nhà chức trách gửi một số tư tế và mấy Lêvi đến điều tra xem Gioan là ai? Câu hỏi chỉ xoay quanh tư tưởng chủ chốt: “Ông có phải là Đấng Messia không?” Gioan đã trả lời thẳng thắn: Ông không phải là Đấng Messia, cũng không phải là Elia, thậm chí cũng không phải một trong các tiên tri thời xưa trở lại. Ông chỉ khẳng định: Ông là sứ giả có trách nhiệm dọn đường cho Chúa thôi. Còn phép rửa của ông làm chỉ là dọn đường mở lối cho phép rửa chính thức của Đấng Cứu thế. Nhưng ông nhấn mạnh cho họ tư tưởng này: Đấng Cứu thế đang ở giữa họ, mà họ không biết.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Làm chứng cho Chúa
I. GIOAN, ÔNG LÀ AI?
Đã từ 400 năm, tiếng nói tiên tri đã im bặt, bây giờ với Gioan, tiếng nói ấy lại vang lên. Qua đó một số người đã ngưỡng mộ ông Gioan Tẩy giả đến độ dành cho ông địa vị cao hơn địa vị thích đáng, còn cao hơn cả Đức Giêsu. Tiếng nói của Gioan đã vang dội và đánh động nơi nhiều người.
Cấp lãnh đạo Do thái sợ Gioan chiếm mất địa vị của mình, đã sai mấy tư tế và Lêvi đến điều tra xem Gioan là ai. Họ sợ ông là Êlia sống lại, người đã thiêu sống hơn 500 tư tế của hoàng hậu Giêzabel thời vua Achab. Họ sợ ông là một tiên tri, như bao tiên tri của Thiên Chúa, đến đe doạ họ, đưa những tin làm đảo lộn thời thế, làm mất quyền lợi địa vị của họ. Họ phải đề phòng, kiểm soát, canh chừng mọi bất trắc xảy ra. Họ đã biết có nhiều người được dân coi là Đấng Cứu thế, nổi lên chống ngoại bang, làm cho bao nhiêu người phải chết lây, nhất là tầng lớp lãnh đạo tôn giáo lại càng sợ đế quốc tiêu diệt.
Vì vậy cấp lãnh đạo tôn giáo sai tư tế và Lêvi đến đặt câu hỏi, yêu cầu Gioan phải trả lời cho họ biết: Ông là ai?
1. Gioan là Đấng Messia?
Tâm lý chung của các nước các dân bị trị đều mong có một vị cứu tinh nào đến giải phóng họ khỏi cảnh kìm kẹp của ngoại bang. Dân Do thái đang sống trong tâm trạng đó. Họ tin rằng họ là dân tuyển chọn của Giavê, họ không nghi ngờ gì về việc chẳng chóng thì chầy Thiên Chúa sẽ can thiệp để cứu dân Ngài. Không phải chỉ có một quan niệm về Đấng Messia: có người tin rằng Đấng Messia sẽ đem lại hoà bình cho cả thế giới. Có người trông chờ Ngài sẽ cai trị đất nước bằng sự công chính. Có người trông chờ có một siêu nhân đến từ Thiên Chúa. Nhưng đa số trông mong một vị tướng lãnh vô địch sẽ cầm đầu quân đội quốc gia Do thái đi chinh phục cả thế giới.
Trước câu hỏi đó, Gioan hoàn toàn bác bỏ danh xưng Messia, nhưng lại tiết lộ một phần khác. Trong tiếng Hy lạp có vẻ như Gioan muốn nói: “Tôi không phải là Đấng Messia, nhưng Đấng Messia đang có mặt ở đây mà các ông không biết”.
2. Gioan là tiên tri Êlia?
Người Do thái tin rằng tiên tri Êlia và ông Hênốc đã được đưa về trời trên chiếc xe bằng lửa, và khi Đấng Messia giáng lâm, Êlia sẽ trở lại để loan báo trước, và chuẩn bị cho thế gian tiếp rước Ngài. Họ tin rằng Êlia sẽ đến sắp xếp lại mọi công việc cho người Do thái: dàn xếp những bất hoà, đem lại sự đoàn kết và nối lại các gia đình. Niềm tin rằng Êlia phải đến trước Đấng Messia bắt nguồn từ Malakia 4,5. Người ta còn tin rằng: chính Êlia xức dầu cho Đấng Messia làm vua cũng như cho tất cả các vị vua được xức dầu. Nhưng Gioan Tẩy giả đã bác bỏ mọi vinh dự đó.
3. Gioan là một tiên tri nào đó?
Nhiều người Do thái tin Isaia và đặc biệt là Giêrêmia hoặc một trong các vị anh hùng cứu nước như Samuel, Maisen... sẽ có ngày trở lại. Niềm tin đó dựa vào sách Đệ nhị luật (18,15) nói có vị tiên tri sẽ xuất hiện. Đó là lời hứa dân Do thái không khi nào quên. Họ chờ đợi sự xuất hiện của một nhân vật sẽ là tiên tri vĩ đại nhất. Họ hỏi Gioan có phải là một trong các vị tiên tri được hứa trong sách Đệ nhị luật không? Một lần nữa, Gioan Tẩy giả trả lời là “không”. Sự thực ngài cũng là tiên tri, nhưng không phải là tiên tri theo sách Đệ nhị luật nói.
4. Gioan là người làm chứng?
Để trả lời cho họ, Gioan không trả lời trực tiếp: Tôi là Tiền sứ của Chúa Cứu thế vì ông khiêm tốn, nhưng ông mượn lời tiên tri Isaia: “Tôi chỉ là tiếng hô trong hoang địa: hãy dọn đường cho Chúa”.
Muốn hiểu rõ câu nói đó của Gioan Tẩy giả, ta nên nhớ rằng những con đường ngày xưa chỉ có một ít là trải sỏi hoặc đá, còn đa số là những con đường lầy lội. Khi một vị vua muốn đi thăm một tỉnh nào đó trong vương quốc của mình, ông sẽ sai một người “tiền hô” tới đó trước để báo cho dân chúng lấp đầy những hố, những vũng bùn, và làm cho những con đường thẳng thắn lại. Người “tiền hô” còn một điều nữa phải làm là dạy cho dân chúng những nghi thức tiếp tân thích hợp để đón nhà vua tới. Gioan Tẩy giả cũng lưu ý tới thái độ tiếp tân cần phải có để đón Chúa tới. Ông nói: “Hãy ăn năn hối cải tội lỗi mình và hãy lãnh nhận phép rửa”.
Tóm lại, chúng ta có thể diễn đạt toàn bộ sứ điệp của Gioan như sau: “Tôi không phải là Đấng Cứu thế, nhưng tôi là người “tiền hô” cho Ngài. Hãy chuẩn bị vì Ngài sắp đến”. Gioan đã làm những gì mà mọi vị lãnh đạo tôn giáo đích thực phải làm. Ông không để cho người ta chú ý tới ông, mà hướng mọi sự chú ý của họ vào Đức Giêsu.
Còn một điều khác làm cho phái đoàn Do thái thắc mắc: Gioan lấy quyền gì mà làm phép rửa? Nếu ông là Đấng Messia, là Êlia hay là một tiên tri thì ông mới có quyền làm! Nhưng bằng một giọng thản nhiên, Gioan nói rõ: ông là tiên tri dọn đường Chúa Cứu thế thì cố nhiên phép rửa của ông cũng chính là phép dọn đường mở lối cho phép rửa chính thức của Đấng Cứu thế. Và ông nhấn mạnh thêm: Chúa Cứu thế đã đến rồi và hiện nay đang ở giữa họ, thế mà họ đã không nhận ra Ngài.
II. KITÔ HỮU, NGƯỜI LÀ AI ?
1. Là chứng nhân của Chúa
Kitô hữu là người được mang danh Chúa Kitô, danh hiệu này đã được thánh Phaolô lần đầu tiên gọi các tín hữu ở Antiochia. Kitô hữu là người thuộc về Chúa Kitô, được đồng hoá với Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta. Chúng ta không như người Do thái phải mất mấy thế kỷ mong đợi Đấng Cứu thế đến. Hơn nữa, cũng không phải sống lại những biến cố đã qua. Đức Kitô đã đến. Ngài đang có đó. Liên tục hiện diện giữa chúng ta để loan báo Tin mừng cho người nghèo, để chữa lành các tâm hồn bị tan vỡ và giải thoát những kẻ bị xiềng xích.
Tuy Chúa Cứu thế đã đến rồi và ở giữa chúng ta, nhưng trong thực tế, chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài không? Phải chăng lời khiển trách của Gioan Tẩy giả lại không nhằm đến chúng ta, cũng như những người Do thái đời ông: “Giữa các ngươi có một Đấng, mà các ngươi không biết”. Do đó, lời mời gọi khẩn thiết được trao gửi cho ta, giúp chúng ta dễ chấp nhận những nỗ lực và hy sinh cần thiết, để từ bỏ mọi kiêu căng, thoát khỏi những lố lăng trần thế, hầu nhận biết Đức Kitô.
Truyện: Tình nghĩa vợ chồng
Tại một trung tâm bài phong, đa số các bệnh nhân đều buồn chán, vì cảm thấy bị bỏ rơi và bị mọi người xa lánh. Tuy nhiên, có một người vẫn còn biết cười và vẫn còn tiếp tục tạ ơn khi được giúp đỡ. Vị nữ tu coi sóc trung tâm muốn tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân của phép lạ này. Sau nhiều ngày theo dõi, vị nữ tu mới khám phá rằng: xuyên qua một lỗ nhỏ trên vách tường ngăn cách trung tâm với thế giới bên ngoài, ngày ngày có một người đàn bà đến nhìn vào và mỉm cười rất trìu mến. Đó là tất cả sức mạnh và niềm hy vọng của người đàn ông xấu số. Mỗi ngày ông chờ đợi nụ cười ấy, khuôn mặt người đàn bà khi xuất hiện, mỉm cười và biến mất. Người đàn ông duy nhất còn biết cười nơi trung tâm bài phong đó đã giải thích cho vị nữ tu đó như sau:
“Người đàn bà ấy chính là vợ tôi; trước khi tôi đến đây, nàng đã tìm đủ mọi cách để chữa chạy cho tôi. Mỗi ngày nàng lau chùi một khoảng nhỏ trên khuôn mặt tôi và đặt lên đó một cái hôn. Nhưng cuối cùng nàng không thể giữ tôi lâu hơn, người ta đã đến đưa tôi vào trung tâm này, nhưng vợ tôi đã không bỏ tôi, mỗi ngày nàng đến nhìn qua vách tường và mỉm cười với tôi. Nhờ nàng, tôi biết rằng tôi vẫn còn sống, nhờ nàng, tôi vẫn còn muốn sống”.
Người vợ đã làm sống lại niềm tin của chồng. Ông ta không còn thất vọng, không bi quan, không chán đời và còn muốn sống, vì đã được tình thương của người vợ ấp ủ. Chính tình yêu của người vợ đối với chồng đã làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người.
Người Kitô hữu cũng là chứng nhân của Đức Kitô trong cuộc sống. Về điểm này, nhà thần học, linh mục Teilhard de Chardin đã ví von rất sống động: “Ánh sáng xuyên qua những đám mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng đoán được có Đức Kitô”.
Người vợ trong câu chuyện kể trên phản ảnh một tấm gương sáng ngời về lòng thương người, luôn quan tâm tới người khác, sẵn sàng hy sinh cho tha nhân vì tình yêu Đức Kitô như thánh Phaolô nói: “Caritas Christi urget nos”: Tình yêu Đức Kitô thúc đẩy chúng tôi.
Mục sư Martin Luther King nói:“Chúng ta không làm chứng chỉ bằng lời nói, mà còn làm chứng bằng cả cuộc sống của mình”, đúng như người ta nói:
Lời nói như gió lung lay,
Gương bày như tay lôi kéo.
Có những tâm hồn dần dần được cải hoá nhờ việc làm của ta, nhưng chính ta lại không ngờ.
J. Basquin nói: “Sống chứng nhân không phải là đuổi theo các tâm hồn, mà là sống làm sao để các tâm hồn chạy theo ta”.
Ước gì nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người có thể nói như đã nói về thánh Gioan Vianney: “Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một người”.
2. Chờ đợi ngày Chúa trở lại
Người Kitô hữu luôn nhớ lời Chúa hứa mà phấn khởi trong cuộc sống: “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho các con, thì Thầy lại đến, và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó” (Ga 14,3).
Trong suốt Mùa Vọng, Giáo hội hướng lòng chúng ta về Chúa Kitô như một điểm quy chiếu. Giáo hội hành động giống như vị “tiền hô” của Ngài. Và cuối cùng Giáo hội giải thích cho chúng ta phải chuẩn bị đón Ngài như thế nào.
Mùa Vọng nói với chúng ta về việc Đức Giêsu đến. Ngài không phải chỉ đến trong dòng lịch sử như chúng ta vẫn mừng và kỷ niệm ngày lễ Giáng sinh, mà còn đến lần chót vào cuối dòng lịch sử nữa, để lúc ấy sẽ có trời mới đất mới.
Và việc Chúa sẽ trở lại lần thứ hai với loài người trong ngày chung thẩm, Tin mừng thánh Mátthêu còn ghi rõ: “Khi con người đến với tư cách là vị Vua, Ngài sẽ ngồi trên ngai vàng của Ngài, và toàn dân thiên hạ đều quy tụ trước mặt Ngài. Lúc đó Ngài phân chia họ ra thành hai nhóm, y như người chăn tách chiên ra khỏi dê... Nhà Vua sẽ nói với những người ở bên phải: Hãy đến, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc! Hãy đến và lãnh lấy Nước trời làm cơ nghiệp... Rồi Ngài nói với những người ở bên trái: Hãy đi khỏi mặt Ta mà vào lửa đời đời” (Mt 25,34-41).
3. Chờ đợi trong niềm vui.
Đối với Kitô hữu, cuộc sống ở trần gian này là thời gian chờ đợi Chúa đến. Chúa đến trong ngày chung thẩm và Chúa đến với ta trong ngày sau hết của đời mình. Đời là một cuộc lữ hành đi về trời. Trong cuộc lữ hành đó có buồn vui sướng khổ xen lẫn nhau. Nhưng trong bài Thánh thư hôm nay, thánh Phaolô khuyên tín hữu Thessalonica: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi” (Tx 5,16).
Tại sao Ngài khuyên chúng ta “hãy vui mừng luôn mãi”? Ngài bảo chúng ta hãy vui mừng, vì chúng ta đã được Thiên Chúa cứu độ: “Linh hồn tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Ngoài ra, chúng ta là con cái Chúa, con cái Chúa thì phải vui luôn, vui trong lúc buồn, vui trong lúc khổ, vui trong thất bại, vì tất cả nằm trong thánh ý Thiên Chúa.
Làm sao chúng ta mang một nét mặt buồn rầu, khi chúng ta đến gần Chúa là nguồn vui, như lời thánh vịnh nói: “Tôi sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, Đấng làm cho tuổi thanh xuân tôi được vui tươi”. Chúa là nguồn vui, tại sao gần nguồn vui mà lại buồn? Ta hãy bắt chước thánh nữ Têrêsa Hài Đồng mà chấp nhận trong vui tươi:
Vâng, con sẽ hát, con còn hát mãi
Dù trăm gai con vẫn hái hoa hồng.
Gai càng nhọn, tiếng con hát càng trong
Gai càng dài, lời ca càng thánh thót (Têrêsa Hài Đồng)
Truyện: Kịch sĩ hài lại buồn
Người ta cho biết tại một thành phố kia có một kịch sĩ nổi tiếng vì tài nhạo cười. Ai buồn đến đâu, khó tính đến mấy nếu nghe kịch sĩ này pha trò thì thế nào cũng phải bật cười.
Cũng trong thành phố ấy có một nhà tâm lý nổi tiếng chữa được hầu hết mọi tâm bệnh. Ngày nọ một người đàn ông đứng tuổi, mặt mày rầu rĩ đến xin gặp nhà tâm lý. Được nhà tâm lý hỏi nguyên do, ông trả lời:
- Thưa bác sĩ, tôi là một người thiếu hạnh phúc, cuộc đời tôi quá buồn khổ. Bác sĩ có cách nào làm cho tôi vui được không?
Nhà tâm lý hỏi:
- Ông có quá túng thiếu về tiền bạc không?
Ông đáp:
- Thú thật với bác sĩ, tôi là người khá giàu.
Nhà tâm lý hỏi tiếp:
- Thế vợ con ông ra sao?
Ông ta gật đầu nói:
- Tôi có một người vợ vừa hiền vừa đẹp và mấy đứa con rất dễ thương.
Sau khi hỏi thêm một vài điều khác, nhà tâm lý đề nghị:
- Tôi nghĩ ông nên đến nghe kịch sĩ nổi tiếng trong thành phố chúng ta. Thế nào ông cũng quên đi được nỗi buồn chán và tìm lại được niềm vui.
- Thưa bác sĩ, tôi xin cám ơn lời khuyên của bác sĩ. Nhưng... Tôi lại chính là kịch sĩ đó!
Nghe câu chuyện có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực tế là vậy. Một con người có biệt tài làm cho người khác dù buồn chán đến đâu cũng phải vui lên được, mà chính mình lại là nạn nhân của sự buồn rầu. Cái mâu thuẫn đó dễ hiểu vì kịch sĩ đó ngay trong tâm hồn không có nguồn vui thì làm sao mình cảm thấy vui được? Niềm vui đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là chính niềm vui vĩnh cửu cho chính Ngài và từ nơi Ngài, niềm vui ấy được trao ban cho con người.
Chúa Giêsu chính là hiện thân niềm vui của Thiên Chúa. Từ cung lòng Chúa Cha, Ngài đến báo tin vui cho nhân loại và giải thoát con người khỏi mọi sầu khổ đau thương gây nên bởi tội lỗi và sự chết. Ngài đã đem niềm vui đó đến với nhân trần trong đêm Giáng sinh tại Belem: Vinh danh Thiên Chúa tên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương.
Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy đến với Chúa. Gặp gỡ Chúa là đến với nguồn vui bất tận, có niềm vui Thiên Chúa trong lòng mình, chúng ta sẽ làm cho người khác hưởng được niềm vui chân thật và bền vững.
Chúng ta hãy nhớ một câu trong bản nhạc rất hay của nhạc sĩ trứ danh Sebastian Bach: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho niềm vui của con luôn tồn tại, để niềm vui đó đem lại niềm vui cho những người khác”.
Lạy Chúa, xin hãy đến: Maranatha, xin viếng thăm và ban cho chúng con niềm vui Giáng sinh bất tận.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh (Lc 4,14-22a)
-
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh (Mc 6,45-52) -
Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh (Mc 6,34-44) -
Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh (Mt 4,12-17.23-25) -
Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) -
Ngày 04/01 - Tìm gặp Chúa (Ga 1,35-42) -
Ngày 03/01 - Hy sinh vì tha nhân (Ga 1,29-34) -
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô (Ga 1,19-28) -
Ngày 1 tháng 1: Cuối tuần Bát nhật Giáng sinh - Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa (Lc 2,16-21) -
Ngày 31 tháng 12: Ngày thứ 7 trong tuần Bát nhật Giáng sinh - Ánh sáng chiếu soi giữa bóng tối (Ga 1,1-18)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Vâng phục (Lc 1, 26-38)