Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật Truyền giáo - Lập trường (Mt 22, 15-21)

Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật Truyền giáo - Lập trường (Mt 22, 15-21)

Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật Truyền giáo - Lập trường (Mt 22, 15-21)

Người bảo họ:
“Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da;
của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.
(Mt 22,21)

BÀI ĐỌC I: Is 45, 1. 4-6

“Ta đã cầm tay hữu của Cyrô để bắt các dân suy phục trước mặt nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Đây Chúa phán cùng Cyrô, kẻ xức dầu của Chúa mà Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó, và các cửa không được đóng lại:

Nhân vì Giacóp tôi tớ Ta, và Israel kẻ Ta kén chọn, Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta. Ta là Chúa, và chẳng còn chúa nào khác: ngoài Ta ra, không có Thiên Chúa nào nữa. Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 95, 1 và 3. 4-5. 7-8. 9-10a và c

Đáp: Hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang (c. 7b).

Xướng:

1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. - Đáp.

2) Vì Thiên Chúa, Người hùng vĩ và rất đáng ngợi khen, Người khả uý hơn mọi bậc chúa tể. Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh. - Đáp.

3) Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người. Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa. - Đáp.

4) Mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 1 Tx 1, 1-5b

“Tôi hằng nhớ đến đức tin, đức cậy và đức mến của anh em”.

Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn thành Thêxalônica trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an.

Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em, trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng; tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta. Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín.

Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Mt 22,15-21

15 Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. 16 Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. 17 Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?”

18 Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! 19 Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. 20 Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” 21 Họ đáp: “Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 29 Thường niên năm A:

 

WHĐ (20.10.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 1897-1917: Tham gia vào lãnh vực xã hội

Số 2238-2244: Các bổn phận của công dân

Bài Ðọc I: Is 45, 1. 4-6

Bài Ðọc II: 1 Tx 1, 1-5b

Phúc Âm: Mt 22, 15-21

 

Số 1897-1917: Tham gia vào lãnh vực xã hội

1897. “Xã hội loài người sẽ không thể được tổ chức tốt, cũng không thể thịnh vượng, nếu không có những người, được trao quyền bính hợp pháp, để gìn giữ các cơ chế, và làm mọi điều cần thiết để tích cực bảo trợ cho lợi ích của mọi phần tử”[1]. Được gọi là “quyền bính”, là tư cách nhờ đó những cá vị hay những cơ chế đưa ra những luật lệ và lệnh truyền cho người ta, và mong đợi người ta tuân phục.

1898. Mọi cộng đồng nhân loại đều cần có một quyền bính để quản trị nó[2]. Quyền bính này đặt nền tảng trên bản tính nhân loại. Quyền bính là cần thiết cho sự thống nhất của cộng đồng dân sự. Nhiệm vụ của nó cốt tại việc bảo đảm tối đa cho công ích của xã hội.

1899. Quyền bính, theo trật tự luân lý đòi hỏi, phát xuất từ Thiên Chúa: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại Ngài, sẽ chuốc lấy án phạt ” (Rm 13,1-2)[3].

1900. Bổn phận vâng phục đòi buộc mọi người phải tôn trọng quyền bính cho xứng hợp; và đối với những người đang thực thi nhiệm vụ, phải tôn trọng và tùy công trạng của ho mà tỏ lòng biết ơn và quý mến.

Trong tác phẩm của thánh Giáo Hoàng Clêmentê thành Rôma, có một lời kinh cổ xưa nhất cầu cho chính quyền[4]:

“Lạy Chúa, xin ban cho họ sức khỏe, bình an, hòa thuận và bền vững, để họ thực thi đúng đắn quyền hành Chúa đã trao cho họ. Lạy Chúa là Chủ tể, là Vua trời vĩnh cửu, chính Chúa ban cho con cái loài người vinh quang, danh dự và quyền bính trên mọi vật trần thế. Lạy Chúa, xin hướng dẫn kế hoạch của họ theo điều gì là tốt, là đẹp trước mặt Chúa, để khi thi hành một cách đạo đức nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho, trong an bình và quảng đại, họ nhận được ơn Chúa phù hộ”[5].

1901. Một khi quyền bính thuộc về trật tự do Thiên Chúa ấn định, thì “việc xác định thể chế và việc chỉ định những người điều hành, phải được dành cho ý muốn tự do của các công dân”[6].

Sự khác nhau của các thể chế chính trị có thể được chấp nhận về mặt luân lý, miễn là các thể chế này phục vụ lợi ích chính đáng của cộng đồng đã thừa nhận chúng. Các thể chế có bản chất trái ngược với luật tự nhiên, với trật tự công cộng và với các quyền căn bản của con người, thì không thể đem lại công ích cho những quốc gia đang bị áp đặt phải theo những thể chế đó.

1902. Quyền bính không rút ra tính hợp pháp luân lý tự chính mình. Họ không được xử sự cách chuyên chế, nhưng phải hành động vì công ích với tư cách là “một sức mạnh luân lý đặt nền tảng trên sự tự do và ý thức trách nhiệm”[7]:

“Luật pháp nhân loại chỉ có tính cách là luật khi phù hợp với lẽ phải: và theo đó, rõ ràng là nó xuất phát từ Lề luật vĩnh cửu; khi xa lìa lẽ phải, nó được gọi là một luật bất công: nó không còn có tính cách là luật, nhưng đúng hơn, nó mang tính cách bạo lực”[8].

1903. Quyền bính chỉ được thực thi một cách hợp pháp khi nó mưu cầu công ích của tập thể liên hệ, và dùng những phương tiện được phép về mặt luân lý để đạt được công ích đó. Nếu các nhà lãnh đạo đưa ra những luật bất công hay sử dụng những biện pháp trái luân lý, thì những mệnh lệnh đó không thể bắt buộc lương tâm. “Trong trường hợp này, quyền bính không còn hiệu lực, và trở thành một lạm dụng đáng xấu hổ”[9].

1904. “Vì vậy, tốt hơn là, mọi quyền hành phải được quân bình với những quyền hành khác và những thẩm quyền khác, để gìn giữ những giới hạn của nó. Đó là nguyên tắc ‘Nhà Nước pháp chế’, trong đó luật pháp là tối thượng, chứ không phải ý muốn độc đoán của một số người”[10].

CÔNG ÍCH (BONUM COMMUNE)

1905. Theo bản tính xã hội của con người, lợi ích cá nhân tất nhiên được liên kết với công ích. Công ích chỉ có thể được định nghĩa trong tương quan với nhân vị:

“Các bạn đừng sống cô lập hay khép kín nơi mình, như thể các bạn đã được công chính hóa rồi, nhưng hãy hợp lại nên một để cùng tìm kiếm điều hữu ích cho mọi người”[11].

1906. Phải hiểu công ích là “toàn thể những điều kiện của đời sống xã hội giúp cả những tập thể, cả những phần tử riêng rẽ, đạt tới sự hoàn hảo riêng của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn”[12]. Công ích liên quan đến đời sống của mọi người. Nó đòi hỏi mỗi người phải khôn ngoan, nhất là những ai đang cầm quyền. Công ích gồm ba yếu tố căn bản:

1907. Trước hết, công ích giả thiết phải tôn trọng cá vị theo đúng nghĩa. Vì công ích, các nhà cầm quyền phải tôn trọng các quyền căn bản và bất khả nhượng của nhân vị. Xã hội phải để cho mỗi thành viên thực hiện ơn gọi của mình. Đặc biệt, công ích nằm trong những điều kiện để thực thi các sự tự do tự nhiên, các sự tự do đó là cần thiết để ơn gọi nhân linh được phát triển: như quyền “hành động theo quy tắc ngay thẳng của lương tâm mình, quyền bảo vệ đời tư và quyền tự do chính đáng, cả trong vấn đề tôn giáo”[13].

1908. Thứ hai, công ích đòi hỏi sự thịnh vượng xã hội  sự phát triển của chính tập thể. Sự phát triển là tóm kết của tất cả mọi trách nhiệm xã hội. Vì công ích, quyền bính có nhiệm vụ phân xử giữa các quyền lợi riêng tư khác nhau. Nhưng quyền bính phải giúp mỗi người có được những gì cần thiết để có được một cuộc sống thật sự nhân bản: lương thực, áo quần, sức khỏe, việc làm, giáo dục và văn hóa, được thông tin đầy đủ, quyền xây dựng gia đình[14], v.v....

1909. Cuối cùng, công ích bao hàm hòa bình, nghĩa là, sự bền vững và sự an ninh của một trật tự chính đáng. Vì vậy, công ích giả thiết rằng quyền bính, bằng những phương tiện trung thực, phải bảo đảm an ninh cho xã hội và cho các thành viên của xã hội. Công ích thiết lập quyền tự vệ chính đáng của cá vị và tập thể.

1910. Nếu mỗi cộng đồng nhân loại đều có một công ích cho phép mình nhận biết mình theo đúng nghĩa, thì người ta thấy sự hoàn thành đầy đủ nhất của một công ích như vậy trong cộng đồng chính trị. Nhà Nước có nhiệm vụ bảo vệ và thăng tiến công ích của xã hội dân sự, của các công dân và các tổ chức trung gian.

1911. Những lệ thuộc giữa con người với nhau trở nên chặt chẽ hơn. Những lệ thuộc đó dần dần được mở rộng khắp thế giới. Sự hợp nhất của gia đình nhân loại, khi quy tụ những thành viên có cùng một phẩm giá theo bản tính, đòi hỏi có một công ích phổ quát. Công ích này đòi sự tổ chức của cộng đồng các quốc gia, “có khả năng đáp ứng những nhu cầu khác nhau của con người trong các lãnh vực của đời sống xã hội như thực phẩm, sức khỏe, giáo dục..., cũng như trong một số hoàn cảnh đặc biệt có thể xảy ra nơi này nơi khác, … như lam nhẹ bớt những khốn khổ của những người tị nạn rải rác khắp thế giới, hoặc giúp đỡ cho những người di cư và gia đình họ”[15].

1912. Công ích luôn hướng tới việc thăng tiến con người: “Trật tự của các sự việc phải lệ thuộc trật tự của các cá vị chứ không ngược lại”[16]. Trật tự này được đặt nền trong chân lý, được xây dựng trên công bằng, được có sự sống bởi tình yêu.

TRÁCH NHIỆM VÀ SỰ THAM GIA (RESPONSABILITAS ET PARTICIPATIO)

1913. Tham gia là sự dấn thân tự nguyện và quảng đại của cá vị vào những giao dịch xã hội. Cần thiết là, tất cả mọi người phải tham gia vào việc mưu cầu công ích, mỗi người theo địa vị và vai trò mình đảm nhận. Bổn phận này gắn liền với phẩm giá của nhân vị.

1914. Trước hết, sự tham gia được thể hiện bằng việc đảm nhận nhiệm vụ trong các phần việc thuộc trách nhiệm cá vị: khi quan tâm chăm sóc gia đình mình, khi làm việc của mình một cách có lương tâm, là con người tham gia vào công ích của những người khác và của xã hội[17].

1915. Các công dân phải tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống cộng đồng. Cách tham gia có thể khác nhau từ nước này đến nước khác, hoặc từ nền văn hoá này đến nền văn hoá khác. “Phải khen ngợi đường lối hành động của những quốc gia đang để cho các công dân được tham gia tối đa vào việc nước trong sự tự do đích thực”[18].

1916. Cũng như mọi bổn phận đạo đức, sự tham gia của mọi người trong việc hoạt động cho công ích, bao hàm sự hối cải không ngừng được canh tân của các thành viên của xã hội. Phải kết án nghiêm khắc sự gian lận và những mánh lới khác mà một số người dùng để trốn tránh các đòi buộc của luật pháp và các quy định của bổn phận xã hội, vì chúng không thể đi đôi với những đòi hỏi của đức công bằng. Phải quan tâm phát triển những cơ chế giúp cải thiện các điều kiện của đời sống con người[19].

1917. Những người đang thực thi nhiệm vụ của quyền bính có bổn phận khẳng định những giá trị đem lại sự tín nhiệm nơi các thành viên của tập thể, và khuyến khích họ tham gia phục vụ đồng loại của mình. Sự tham gia bắt đầu từ việc giáo dục và văn hóa. “Chúng ta có lý do chính đáng để nghĩ rằng: tương lai nhân loại nằm trong tay những người có khả năng trao cho các thế hệ đến sau những lý do để sống và để hy vọng”[20].

 

Số 2238-2244: Các bổn phận của công dân

2238. Những người phục tùng quyền bính phải coi cấp trên của mình như những người đại diện Thiên Chúa, Đấng đã đặt họ làm thừa tác viên phân phát các hồng ân của Ngài[21]: “Vì Chúa, anh em hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra…. Hãy hành động như những người tự do, không phải như những người lấy sự tự do làm màn che sự gian ác, nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa” (1 Pr 2,13.16). Sự cộng tác trung thành của những người phục tùng quyền bính bao hàm quyền, đôi khi là bổn phận, phải lên tiếng phê phán cách công bằng những gì họ coi là có hại cho phẩm giá của các nhân vị và cho công ích.

2239. Bổn phận của các công dân là cộng tác với chính quyền dân sự để mưu ích cho xã hội trong tinh thần tôn trọng chân lý, công bằng, tình liên đới và sự tự do. Lòng yêu mến và sự phục vụ Tổ quốc phát xuất từ bổn phận của sự biết ơn và theo trật tự của đức mến. Việc tùng phục quyền bính hợp pháp và sự phục vụ công ích đòi hỏi các công dân thực thi nhiệm vụ của mình trong đời sống của cộng đồng chính trị.

2240. Việc tùng phục quyền bính và tinh thần đồng trách nhiệm đối với công ích đòi hỏi các công dân, về mặt luân lý, phải đóng thuế, thực thi quyền bầu cử và bảo vệ quê hương:

“Anh em nợ ai cái gì, hãy trả cho người ta cái đó: nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính” (Rm 13,7).

Các Kitô hữu “cư ngụ trên quê hương riêng của mình, nhưng như những ngoại kiều; họ có chung mọi sự với những người khác, như các công dân, và chịu đựng mọi sự như những lữ khách.... Họ tuân theo luật pháp thiết định nhưng cách sống của họ vượt trên luật pháp.... Thiên Chúa đã dành cho họ một địa vị cao quý đến độ họ không bỏ đi được”[22].

Thánh Tông Đồ cũng khuyến dụ chúng ta phải cầu nguyện và tạ ơn Chúa cho các vua và tất cả những người thực thi quyền bính, “để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1 Tm 2,2).

2241. Những quốc gia giàu hơn buộc phải đón nhận, bao nhiêu có thể, những người nước ngoài đến tìm kiếm an ninh và sinh kế mà họ không có được nơi chính quê hương họ. Công quyền phải quan tâm tôn trọng quyền tự nhiên là luật đặt người khách dưới sự che chở của những ai đón nhận họ.

Vì công ích, chính quyền có thể quy định một số điều kiện pháp lý cho quyền nhập cư, nhất là đòi hỏi các người di cư phải tôn trọng các bổn phận đối với quốc gia đón nhận họ. Người nhập cư buộc phải tôn trọng, với lòng biết ơn, di sản vật chất và tinh thần của đất nước đón nhận họ, tuân thủ luật pháp và chia sẻ các nhiệm vụ trong nước đó.

2242. Người công dân bị buộc theo lương tâm, không được tuân theo những chỉ thị của chính quyền dân sự, khi những mệnh lệnh đó đi ngược lại các đòi hỏi trong lãnh vực luân lý, các quyền lợi căn bản của con người hoặc các giáo huấn của Tin Mừng. Sự khước từ vâng phục chính quyền dân sự, khi những đòi hỏi của chính quyền dân sự đi ngược lại những đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng, được biện minh bằng việc phải phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và việc phục vụ cộng đồng chính trị. “Của Cêsar, trả về Cêsar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21). “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29):

“Khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp các công dân, thì chính các công dân đừng từ chối những gì công ích đòi hỏi cách khách quan. Họ được phép bảo vệ các quyền lợi của mình và của đồng bào mình, chống lại sự lạm dụng của quyền bính này, với sự tôn trọng các giới hạn, mà Luật tự nhiên và Luật Tin Mừng đã vạch ra”[23].

2243. Hành động dùng vũ khí chống lại sự áp bức của chính quyền là không hợp pháp, trừ khi đồng thời hội đủ các điều kiện sau đây:

1) Trong trường hợp chắc chắn các quyền lợi căn bản bị vi phạm một cách nghiêm trọng và kéo dài;

2) Sau khi đã dùng hết mọi phương cách khác;

3) Không gây ra những xáo trộn tệ hại hơn;

4) Có đủ cơ sở để hy vọng thành công tốt đẹp.

5) Không thể tiên liệu hợp lý được những giải pháp tốt hơn.

Cộng đồng chính trị và Hội Thánh

2244. Mọi thể chế đều, ít là cách mặc nhiên, được cảm hứng bởi một tầm nhìn (visio) nào đó về con người và về vận mệnh của con người, từ đó, thể chế rút ra điểm quy chiếu cho các phán đoán của mình, bậc thang các giá trị và quy tắc hành động của mình. Đa số các xã hội xây dựng thể chế của mình dựa trên một sự ưu việt nào đó của con người trên các sự vật. Chỉ có tôn giáo được Thiên Chúa mạc khải, mới nhận biết cách rõ ràng rằng nguồn gốc và vận mệnh của con người ở nơi Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá và Cứu Chuộc. Hội Thánh mời gọi các chính quyền quy chiếu các phán đoán và quyết định của mình theo sự linh hứng của chân lý về Thiên Chúa và về con người.

Các xã hội không biết đến hay khước từ sự linh hứng này, nhân danh sự độc lập của mình đối với Thiên Chúa, đều đi tới chỗ tìm nơi chính mình hay vay mượn ở một ý thức hệ nào đó những điểm quy chiếu và vận mệnh của mình và, vì không chấp nhận cho người ta bảo vệ một tiêu chuẩn khách quan về điều tốt điều xấu, các xã hội ấy tự cho mình một quyền lực độc tài, một cách công khai hoặc ngấm ngầm, đối với con người và vận mệnh con người, như lịch sử đã cho thấy[24].

Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật 29 Thường niên năm A:

Đức Phanxicô:

18.10.2020 – Mỗi người đều mắc nợ về sự hiện hữu của mình

22.10.2017 – Người Kitô sống trong trần thế

19.10.2014 – Hãy trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Của ai trả lại cho người đó, đó là luật công bằng. Con người chúng ta, những gì chúng ta có, những gì chúng ta đang hưởng... Tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta và cả muôn loài đều qui hướng về Thiên Chúa, phải trả lại cho Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha, chúng con được mang bản tính của Cha, chúng con là hình ảnh của Cha. Xin cho chúng con trở về với bản chất của mình, trở về với nguồn cội của mình. Chúng con chỉ tìm được chính mình khi chúng con tìm về với Cha. Xin đừng để chúng con vong thân, đừng để chúng con bị tha hóa. Hạnh phúc đích thật của chúng con chỉ có ở trong Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho ông Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Sự khôn khéo của Chúa Giêsu trong chuyện này không phải chỉ là không để mình mắc bẫy những người thuộc hai nhóm pharisêu và Hêrôđê, mà còn là dạy lại cho họ một bài học “Của Xêsa hãy trả cho Xêsa, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”: họ chỉ mãi lo chuyện thế tục (“của Xêsa”: vấn đề nộp thuế) mà quên lo bổn phận tối thượng là thờ phượng Thiên Chúa.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Chúa đã làm gương cho chúng ta phải có những lập trường sống rất rõ rệt và dứt khoát: trong lãnh vực nào thì phải sống như thế nào ? đối với hạng người nào thì phải cư xử như thế nào ? đối với vấn đề gì thì phải có lập trường gì ? v.v. chứ đừng ba phải để mình bị lôi cuốn đẩy đưa theo hoàn cảnh, theo dư luận hoặc theo áp lực. “Của Xêxa hãy trả cho Xêxa, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” là một lập trường sống rõ ràng về vấn đề thế quyền và thần quyền. Nhưng còn nhiều lãnh vực khác nữa: thí dụ tôi có lập trường thế nào về tương giao với phụ nữ ? về cách xài tiền ? về danh vọng, địa vị ? về gian nan thử thách ? v.v.

2. Câu “Của Xêxa hãy trả cho Xêxa, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” còn dạy tôi không được nhập nhằng lẫn lộn, hay nói cách khác là “giờ nào việc ấy”. Giờ làm việc thì làm việc hết mình, giờ chơi thì chơi hết mình, giờ cầu nguyện thì cầu nguyện hết mình… đừng lấy giờ cầu nguyện để làm việc, đừng lấy giờ làm việc để chơi, cũng như đừng lấy giờ chơi để làm việc v.v.

3. Câu trên còn cảnh giác chúng ta về một thói xấu chúng ta thường vấp phạm, đó là lấy của Thiên Chúa để trả cho Xêxa. Chẳng hạn lấy giờ cầu nguyện để làm việc khác.

4. Nhiều nhà nuôi ong chuyên nghiệp có thể chăm sóc tổ ông mà không cần mang mạng che mặt hoặc quần áo đặc biệt gì cả. Nhờ đâu ? Kỹ thuật rất đơn giản: phải rất bình tĩnh và cử động phải rất chậm chạp và dứt khoát. Nhờ đó các con ông cũng bình tĩnh không hoảng sợ mà tấn công lại. Ngay cả khi các con ông đậu trên tay, trên mặt họ, họ cũng không khiến chúng sợ hãi.

Câu chuyện trên là minh họa thêm cho ta thấy rõ hơn một đức tính của Chúa Giêsu: luôn bình tĩnh trước bất cứ tình huống nào.

5. “Giận dữ là ngọn gió thổi tắt ngọn đèn của trí khôn” (Robert Ingersoll)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

PHẢI TRẢ VỀ CHO AI ?

+++

A. DẪN NHẬP

 Thiên Chúa có thể dùng mọi phương tiện để thực hiện ý định của Ngài. Ngài dùng ngay cả vua ngoại đạo để giải thoát dân Ngài. Mọi sự đều ở trong tay Chúa. Chúa muốn thế nào thì được như vậy, không ai có thể phá bỏ được kế hoạch của Thiên Chúa.

 Người Kitô hữu sống trên trần thế có hai nhiệm vụ song song nhiệm vụ đối với Thiên Chúa và đối với Tổ quốc. Trên nguyên tắc, hai nhiệm vụ này độc lập với nhau, nhưng trong thực tế, khi thi hành những nhiệm vụ này, đôi lúc chúng ta gặp không ít khó khăn, đôi lúc làm cho chúng ta lo lắng. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào vừa phụng sự Thiên Chúa vừa phụng sự Tổ quốc mà không xung đột nhau ? Làm sao có thể sống tốt đạo đẹp đời một cách hài hòa trong cuộc sống hằng ngày ?

 Chúa Giêsu cũng là một công dân của nước Do thái. Ngài cũng có lý lịch rõ ràng và một Tổ quốc để phụng sự. Ngài đã chu toàn nhiệm vụ của một người công dân của một nước bị trị (x. Mt 17,26; Lc 23,22) theo nguyên tắc “Của César thì trả cho César”. Chúng ta cũng phải theo cách sống của Chúa Giêsu: chu toàn nhiệm vụ đối với Thiên Chúa và Tổ quốc. Dĩ nhiên, trong những trường hợp có sự va chạm giữa chính quyền và tôn giáo thì chúng ta hãy theo nguyên tắc này: không luật lệ nào được chống lại luật của Thiên Chúa, vì như thế là cũng phạm đến con người.

 Nhiệm vụ của Kitô hữu là phải cầu nguyện và khôn khéo thế nào, để tạo ra sự hoà hợp giữa Giáo hội và quốc gia để cả hai cùng phục vụ con người một cách tốt đẹp.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 45,1.46.6

 Thiên Chúa có thể dùng bất cứ phương tiện nào để thực hiện ý định của Ngài: bằng chứng là Ngài đã dùng Cyrô, vua ngoại đạo, để giải thoát dân Ngài.

 Theo lịch sử, năm 587 trước công nguyên, đế quốc Babylon xâm chiếm Giêrusalem, dân chúng bị bắt đi đầy. Gần 50 năm sau, đế quốc Babylon sụp đổ và đế quốc Ba Tư chiếm ngôi bá chủ. Năm 538, vua Ba Tư là Cyrô, sau khi chiến thắng Babylon, đã ra sắc chỉ cho dân Do thái được hồi hương.

 Mặc dầu vua là người không biết Thiên Chúa, nhưng Ngài đã dùng vua để thực hiện chương trình của Ngài. Chính vua Cyrô cũng không ngờ rằng: ông là khí cụ của Thiên Chúa: chính Thiên Chúa trao quyền cho ông. Thiên Chúa cho ông thống trị các dân, và Thiên Chúa xúi lòng ông cho dân Chúa được hồi hương. Vì thế tiên tri Isaia đã không ngại gọi ông là “Đấng xức dầu của Thiên Chúa”.

+ Bài đọc 2: Tx 1,1-5b

 Thánh Phaolô đã thành lập giáo đoàn Thessalonica vào năm 50 trong chuyến truyền giáo lần thứ hai. Trong khi gặp rất nhiều khó khăn: người Do thái muốn ám hại, nên Ngài phải bỏ trốn trước khi hoàn thành việc đào tạo và tổ chức giáo đoàn. Khi được tin tốt về giáo đoàn non trẻ này, Ngài vô cùng sung sướng vì họ có một đức tin vững vàng, một lòng cậy trông và một đức ái sống động. Ngài viết thư này để khuyến khích họ và cảm tạ Chúa vì tất cả những thành quả mà giáo đoàn này đã thu lượm được: “Chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi”.

+ Bài Tin mừng: Mt 22,15-21

 Bình thường nhóm biệt phái và nhóm Hêrôđê không thuận nhau vì, một đàng nhóm biệt phái là người ái quốc chống lại chính quyền Rôma đang đặt ách đô hộ trên quê hương họ; đàng khác nhóm Hêrôđê thì ủng hộ chính quyền Rôma để trục lợi. Hai khuynh hướng mâu thuẫn nhau, nhưng hôm nay cùng liên minh với nhau để gài bẫy Chúa Giêsu.

 Họ chất vấn Chúa bằng một cầu rất hóc búa: “Có được phép nộp thuế cho César không ?” Nếu trả lời “có” thì nhóm biệt phái cho Ngài là phản quốc vì tiếp tay với ngoại bang; nếu trả lời “không” thì sẽ bị nhóm Hêrôđê tố cáo là Ngài phản động và chắc chắn Ngài sẽ bị chính quyền bắt giữ.

 Nhưng, Chúa Giêsu giội cho họ một gáo nước lạnh khi trả lời: “Của César trả cho César, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã thoát khỏi cạm bẫy thâm độc của họ; đồng thời dạy cho họ một bài học thực hành: có sự khác biệt giữa tôn giáo và chính trị. Tôn giáo không phải là để phục vụ cho chính trị, và chính trị cũng không để phục vụ cho tôn giáo.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Res clamat domino: Của đòi về chủ.

I. BỐI CẢNH CÂU CHUYỆN

 Từ trước tới nay chúng ta thấy Chúa Giêsu ở thế công. Ngài đã dùng ba dụ ngôn để chỉ trích những nhà lãnh đạo truyền thống Do thái: dụ ngôn đứa con trai bất hiếu không chịu nghe lời cha, dụ ngôn người làm vườn gian ác đã giết đầy tớ vua, dụ ngôn tiệc cưới của nhà vua vì họ không đến dự.

 Bây giờ chúng ta thấy họ đưa ra đòn phản công, để đưa Chúa Giêsu vào thế gọng kìm bằng một câu hỏi hóc búa, nhằm hai mục đích: một là bị nhà cầm quyền bắt, hai là mất uy tín với dân chúng vì là người phản quốc.

 Cũng nên biết, chúng ta đang ở vào năm 30 dưới thời hoàng đế César Tiberius, và quân đội ông đang chiếm xứ Do thái gây nhiều nhiễu nhương cho dân chúng, phong trào chống đối đang âm ỉ lan rộng. Họ có hai tầng lớp người lãnh đạo chống đối nhau: nhóm biệt phái ái quốc chống nhà cầm quyền và nhóm Hêrôđê thân chính quyền đô hộ để trục lợi. Bình thường, hai nhóm này chống đối nhau, nhưng hôm nay cùng nhau tìm phương thế ám hại Chúa Giêsu với một câu hỏi hóc búa về vấn đề nộp thuế.

 Dân Do thái phải nộp thuế cho chính quyền Rôma. Có ba thứ thuế:

                   - Thuế điền thổ.

                   - Thuế lợi tức.

                   - Thuế thân.

 Luật thuế thân qui định mọi người nam nữ từ 14 đến 65 tuổi đều phải đóng một denier, tương đương với lương công nhật của một người. Thuế ở trong câu hỏi đây là thuế thân.

 Người dân các nước bị trị bao giờ cũng phải nộp thuế cho chính quyền bảo hộ. Năm 1920, ông Gandhi hô hào dân chúng Ấn không đóng thuế cho đế quốc Anh, để tranh đấu cho nước được độc lập. Đóng thuế là nghĩa vụ của dân đối với chính quyền. Dân Ấn không đóng thuế là không công nhận người Anh là chính quyền của mình, là chống lại đế quốc xâm lăng để giải phóng đất nước thoát cảnh thực dân.

 Vậy, Chúa Giêsu có theo đường lối của ông Gandhi không hay phải theo một đường lối nào để giải quyết cho ổn thỏa ? Câu trả lời xảy ra như sau theo Tin mừng của Luca: Hôm ấy, nhóm biệt phái và nhóm Hêrôđê sai mấy môn đệ đến hỏi thử Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: Có được phép nộp thuế cho César hay không ?”

 Hỏi như vậy là họ đã đưa Chúa Giêsu vào thế gọng kìm, mà triết học gọi là cái thế “lưỡng đao luận”, nghĩa là con dao hai lưỡi, nói thế nào cũng chết: chối cũng chết mà nhận cũng chết. Nếu Chúa Giêsu bảo nên nộp thuế là lệ thuộc vào ngoại bang, là phản quốc, do đó mất uy tín với dân chúng. Nếu Chúa bảo là không thì bị liệt vào loại phản động, chống chính quyền, thế nào cũng bị bắt.

 Nhưng Chúa Giêsu lại có một cách xử lý rất khéo léo, rất tinh vi: “Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế”. Họ đưa cho Ngài một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai ?” Họ đáp: “Của César”. Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của César, trả về cho César; của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa”.

II. BÀI HỌC CHÚA DẠY TA.

1. Chúa Giêsu, một người công dân

 Chúa Giêsu có một lý lịch rõ ràng. Ngài là một công dân Do thái nên Ngài phải thi hành mọi nhiệm vụ đối với một công dân Do thái đang bị người Rôma đô hộ. Bản thân Ngài sống như mọi người không có gì khác, cả gia đình Ngài cũng vậy. Kinh thánh cũng cung cấp cho chúng ta một số chi tiết chứng tỏ gia đình Thánh gia thất đã chu toàn nghĩa vụ công dân:

 - Cha mẹ Ngài đã vâng lệnh nhà vua để về Belem khai hộ khẩu (Lc 2,4).

 - Chính Ngài đã sai Phêrô đi câu cá để lấy tiền nộp thuế cho mình và cho Phêrô nữa (Mt 17,26).

 - Chính quyền ra lệnh bắt và giết Chúa, Ngài vẫn vui lòng tuân lệnh dù Ngài biết lệnh ấy bất công, mà chính Philatô, người lên án giết Chúa cũng phải nhận là Ngài vô tội (Lc 23,22).

 Câu nói của Ngài “Của César thì trả cho César” đã phản ảnh một cách hết sức trung thực những công việc Ngài đã làm, đúng như Thánh kinh đã viết về Ngài: “Chúa làm trước, rồi mới dạy người ta làm sau” (Cv 1,1).

2. Kitô hữu, một người công dân

 Một người công dân phải có giấy khai sinh và có một hộ khẩu thường trú. Không ai ở trên trời rơi xuống, không ai sống lơ lửng trên không trung. Mỗi người phải có một quốc tịch, mặc dù có thể thay đổi được quốc tịch ấy. Đã là công dân của một nước nào thì phải chấp hành những luật lệ của nước ấy. Mọi công dân phải góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tránh những hành vi làm tổn thương đến Tổ quốc ấy.

 Về điểm này, ta có bằng chứng về cách sống của những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Một tác giả vô danh hồi thế kỷ thứ ba đã viết trong tác phẩm “Thư gửi cho Diognetus” như sau:

 “Người Kitô hữu không khác với những người khác về cư trú, về ngôn ngữ hay về lối sống. Bởi vì họ không cư ngụ một thành nào riêng biệt, cũng không dùng ngôn ngữ nào khác thường và nếp sống của họ chẳng có chi khác biệt. Không phải do suy tư hay bận tâm tra cứu mà họ khám phá được các giáo thuyết. Họ không chủ trương một giáo điều nào của loài người như một số người nọ.

 Họ ở rải rác trong các thành phố Hy lạp lẫn trong các thành của người Man di, tuỳ theo số phận dun dủi. Họ sống theo tập tục của kẻ bản xứ trong cách phục sức, ăn uống và cách sống, nhưng bộc lộ một thái độ sống khiến nhiều người cho là lạ lùng. Họ sống trong quê hương của họ mà như những kẻ ở đậu. Họ tuân thủ mọi cái chung như các công dân khác và chịu gánh nặng dường như ngoại kiều. Miền xa lạ cũng là quê hương của họ nhưng mọi quê hương chỉ là đất khách cho họ mà thôi. Họ cũng dựng vợ gả chồng như ai và sinh đẻ con cái, nhưng chẳng hề bỏ con. Họ đồng bàn nhưng chẳng đồng sàng”. (Cap.V.VI PG 21173 B.117 C, Các Bài đọc 2 Mùa PS, tr 84)

 Chúng ta phải khẳng định rằng trước khi là một Kitô hữu ta đã là người của một quốc gia nào đó, ví dụ, trước khi là người Công giáo, tôi đã là người Việt Nam. Nhờ phép rửa tội, chúng ta trở thành người Việt Nam Công giáo. Giữa người công dân Việt Nam và người công dân Công giáo Việt Nam không có gì khác nhau, không có gì mâu thuẫn nhau. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi người đều có bổn phận và quyền lợi như nhau đối với đất nước.

3. Tương quan giữa tôn giáo và chính trị

 Vấn đề tương quan giữa tôn giáo và chính trị, giữa Giáo hội và quốc gia là một vấn đề tế nhị và đôi khi, thật gai góc, nhiều khi có nhiều lấn cấn. Chúng ta có thể đưa ra đây mấy nguyên tắc cho chúng ta hành xử trong đời sống thực tế không thể tránh được:

a) Nguyên tắc thứ nhất:

 Xã hội dân sự và xã hội tôn giáo, quốc gia và Giáo hội là hai vấn đề độc lập với nhau. Dù là cả hai phục vụ cho ơn gọi cá nhân và xã hội của con người; nhưng quan điểm và cách hành động của họ vẫn khác nhau.

b) Nguyên tắc thứ hai:

 Với tư cách là công dân, thành viên của một đoàn thể thế gian, người Kitô hữu phải chấp nhận sống theo luật lệ của đoàn thể đó và làm tròn bổn phận như đóng thuế, vâng phục chính quyền hợp pháp trong mọi việc mà chính quyền đòi hỏi. Người Kitô hữu sẽ dùng mọi phương tiện hợp pháp: bỏ phiếu, báo chí, nghiệp đoàn để góp phần xây dựng một xã hội công bằng và nhân đạo hơn.

c) Nguyên tắc thứ ba:

 Người Kitô hữu cố giữ giá trị hướng thượng và tư cách tuyệt đối những quyền của Thiên Chúa, vì biết rằng: khi những giá trị này bị xâm phạm thì con người cũng bị xâm phạm, nhất là kẻ hèn yếu. Chúng ta không bao giờ chấp nhận một luật lệ nào chống lại luật của Thiên Chúa. Người Kitô hữu cố gắng làm sao để tạo ra sự hoà hợp giữa Giáo hội và quốc gia, và như thế cả hai sẽ phục vụ tốt biết bao cho con người. (Cf Cử hành Phụng vụ Chúa nhật , tr 215)

III. SỰ CHỌN LỰA CỦA CHÚNG TA

 Người Kitô hữu chúng ta có hai quyền công dân đi đôi với nhau. Chúng ta là công dân của thế giới, tức trần thế này và công dân thiên quốc. Chúng ta phải phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc, hai nhiệm vụ này phải đi sánh đôi. Như thế chúng ta kính trọng và tôn kính đối với những đòi hỏi của hai bên.

 Thiên Chúa có thể dùng mọi phương tiện để giúp ích cho con người và cho dân Chúa. Trong bài đọc thứ nhất, ta thấy Thiên Chúa đã dùng vua Cyrô để giải phóng dân Chúa. Như thế, dân Chúa đã phải tùng phục chính quyền trong những công việc về chính trị, mà không thể làm khác vì đó là đường lối của Thiên Chúa.

 Thánh Phêrô trong thư thứ nhất đoạn 2 câu 17 đã bảo các Kitô hữu: “Hãy tôn kính Thiên Chúa và hãy kính trọng Hoàng đế”. Và trong thư gửi tín hữu Rôma đoạn 13, câu 1 và 7, thánh Phaolô bảo các Kitô hữu “Hãy vâng phục các vị cầm quyền. Hãy nộp cho họ những gì các ngươi mắc nợ họ, hãy nộp thuế thân, thuế tài sản và hãy tỏ lòng kính trọng họ”.

 Mong ước rằng hai loại quyền công dân này của chúng ta không bao giờ xung đột nhau. Tuy nhiên, lỡ có xảy ra xung đột, thì người Kitô hữu phải biết cách giải quyết. Các Kitô hữu đã từng phải giải quyết như thế ngay từ thời Chúa Giêsu. Họ đã phải giải quyết như thế suốt thời kỳ đế quốc Rôma bách hại Giáo hội. Họ đã phải giải quyết như thế suốt thời trung cổ. Họ đã phải giải quyết như thế trong thế kỷ 16 và 17 khi hàng chục ngàn Kitô hữu phải chạy trốn sang Mỹ châu để giữ đạo mà không bị nhà nước can thiệp.

 Có lẽ chúng ta có thể minh hoạ tất cả những điều trên bằng trường hợp của thánh Thomas More, vị thánh tử đạo người Anh. Robert Bolt đã làm nổi bật cuộc xung đột của More – liên quan đến những gì thuộc César và những gì thuộc về Thiên Chúa – trong cuốn sách nhan đề “A man for all seasons” (Người của mọi mùa).

Truyện: Thánh Thomas More

 Vua Henry VIII nước Anh đã kết hôn hợp thức với bà Catherine d’Aragon, nhưng ông nại đến Tòa thánh Rôma xin huỷ bỏ cuộc hôn nhân đó. Toà thánh đã từ chối. Henry liền tự mình giải quyết vấn đề và tái kết hôn. Thế là ông ta ra lệnh cho bạn bè và các chức sắc ký vào một văn bản tuyên bố đồng ý nhìn nhận hành động của ông là đứng đắn. Nhiều bạn bè của More đã ký vào, nhưng More thì từ chối. Henry yêu cầu More ký vào, nếu không sẽ bị bắt giam và xử tội tạo phản theo luật nhà nước. More vẫn khăng khăng từ chối. Ngài bị giằng co giữa hai bổn phận: một đối với Chúa, một đối với Tổ quốc. Khi chúng xung đột nhau, thì More không còn chọn lựa nào ngoài sự trung tín với luật Chúa (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 305).

 Như thế, bài Tin mừng hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến hai bổn phận đi đôi với nhau của chúng ta. Chúng ta là công dân trần thế, đồng thời cũng là công dân Nước trời. Chúng ta có bổn phận phải trung tín với cả hai Tổ quốc. Chúng ta hy vọng các bổn phận này không bao giờ xung đột nhau. Nhưng nếu lỡ có xung đột thì chúng ta phải giải quyết chúng giống như thánh Thomas More đã làm, nghĩa là không gây thương tổn cho Thiên Chúa hoặc cho lương tâm ta.

 Cuộc sống của Kitô hữu tại thế là như vậy, chúng ta không thể làm khác được. Nhiều lúc chúng ta hay than vãn là chúng ta phải mang hai gánh trên vai: vừa phải chu toàn bổn phận ở đời lại vừa lo tròn nghĩa vụ trong đạo. Đối với những ai có tâm hồn đạo đức thánh thiện thì sự khó khăn đó không đến nỗi quá băn khoăn lo lắng; trái lại, đối với những ai mang nặng ích kỷ trần tục nếu chẳng may đạo hay đời đòi hỏi phải chịu khó hy sinh làm một điều gì đó, tức khắc họ lên tiếng phàn nàn kêu trách và nại đủ lý do để từ chối.

 Đây chính là vấn đề mà người biệt phái đã thắc mắc với Chúa và Chúa đã giãi bày cho họ cũng như cho chúng ta hiểu để biết mà sống cho tốt đạo đẹp đời. Trong mọi trường hợp chúng ta phải đặt quyền lợi của Chúa trên hết, đôi lúc vì thế mà phải bị thiệt thòi. Lời Chúa vẫn còn yên ủi chúng ta, khi chúng ta gặp phải những trường hợp éo le như thế: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích lợi gì”.

Truyện: Mọi sự thuộc về Chúa

 Hoàng đế Frédéric đi tham quan một trường học nhỏ miền quê. Đúng lúc học trò đang học môn địa lý. Vua hỏi một em nhỏ tuổi:

 - Làng con ở đâu ?

 - Tâu hoàng thượng, làng con ở trong nước Phổ.

 - Nước Phổ ở đâu ?

 - Tâu hoàng thượng, nước Phổ ở trong đế quốc Đức.

 - Đế quốc Đức ở đâu ?

 - Tâu hoàng thượng, đế quốc Đức ở trong châu Âu.

 - Châu Âu ở đâu ?

 - Tâu hoàng thượng, châu Âu ở trong thế giới.

 - Thế giới ở đâu ?

 Suy nghĩ một lát em bé dõng dạc trả lời:

 - Tâu hoàng thượng, thế giới ở trong tay Chúa.

 Chúng ta hãy cầu nguyện cho dân tộc mình theo lời của Thomas Jefferson:

 Lạy Thiên Chúa tối cao,

 Ngài ban cho chúng con mảnh đất tốt tươi này làm gia nghiệp. Xin hãy chúc lành cho mảnh đất chúng con, xin hãy cứu chúng con khỏi bạo lực, và mọi đường lối xấu xa, xin hãy bảo vệ sự tự do của chúng con...

 Xin ban thần trí khôn ngoan xuống trên những kẻ mà nhân danh Ngài, chúng con đã uỷ thác quyền cai trị... Trong thời thịnh vượng, xin đổ tràn xuống lòng chúng con niềm tri ân, và trong ngày gian truân, xin đừng để niềm tin của chúng con vào Ngài bị suy giảm. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Mt 22,15-21

TRẢ LẠI CHO THIÊN CHÚA

Khi Thượng Hội Đồng điệu Đức Giêsu ra trước mặt Philatô,

họ tố cáo Ngài về tội sách động dân chúng nổi loạn,

tội ngăn cản dân nộp thuế, và tội xưng mình là vua (Lc 23,1-2.5.14).

Philatô chẳng bao giờ tin vào những lời tố cáo ấy (Lc 23,4.14.22).

Đối với ông, Đức Giêsu chẳng hề phạm tội chính trị.

Dù Đức Giêsu có nói về Nước của Ngài,

nhưng Nước ấy lại không thuộc về thế giới này (Ga 18,36).

Cũng chẳng bao giờ Ngài nhận mình là vua

một cách minh nhiên (Mc 15,2; Mt 27,11; Lc 23,3; Ga 18,37).

Tin Mừng hôm nay cho thấy Ngài không chống lại chuyện nộp thuế.

Đế quốc Rôma cai trị xứ Giuđê từ năm 63 trước công nguyên.

Mọi người Do-thái trưởng thành phải nộp thuế thân cho họ.

Mỗi năm nộp một đồng tiền denarius, bằng một ngày lương.

Có một số người Do-thái phản đối mạnh mẽ chuyện nộp thuế,

vì đối với họ nộp thuế là tôn thờ các hoàng đế Rôma.

Nhóm Pharisêu cũng không ưng chuyện nộp thuế,

nhưng họ phản ứng nhẹ nhàng hơn, chứ không dùng bạo động.

Còn nhóm Hêrôđê vì thân với Rôma nên ủng hộ chuyện này.

Vậy mà hôm nay hai nhóm Pharisêu và Hêrôđê

lại hợp lực để gài bẫy Đức Giêsu về chuyện nộp thuế.

Họ khéo léo nịnh Đức Giêsu là người nói thẳng, nói thật,

để Ngài bộc trực mà trả lời câu hỏi của họ (Mt 22,16):

“Có được phép nộp thuế cho Xê-da không ?”

Đây là câu hỏi nóng vào thời đó,

và cũng khá nham hiểm vì đưa Ngài vào thế kẹt.

Nếu trả lời được phép, thì Đức Giêsu là người chạy theo Rôma.

Nếu trả lời không được phép, thì Ngài là người chống đối đế quốc.

Đức Giêsu biết họ đang thử mình, nhưng Ngài thoát bẫy ra sao ?

Ngài xin họ đưa cho Ngài một đồng tiền để nộp thuế.

Họ đem đến cho Ngài một đồng denarius,

trên đó có khắc hình và danh hiệu.

Khi biết đó là hình và danh hiệu của Xê-da, hoàng đế Rôma,

Đức Giêsu nói ngay một câu làm họ kinh ngạc:

“Của Xê-da trả lại cho Xê-da, của Thiên Chúa trả lại cho Thiên Chúa.”

Câu trả lời này đã làm Đức Giêsu thoát khỏi cái bẫy họ giăng.

Ngài không trả lời được phép hay không được phép,

nhưng khi nói “của Xê-da trả lại cho Xê-da”

Ngài có vẻ không phản đối chuyện nộp thuế cho Rôma,

và không coi đó là một tội phạm thượng.

Ngài còn đi xa hơn khi nói: “của Thiên Chúa trả lại cho Thiên Chúa.”

Lời của Đức Giêsu đã được đưa vào sách Giáo lý Công giáo (số 2242).

“Của Xê-da trả lại cho Xê-da”:

mọi quyền hành hợp pháp đều đến từ Thiên Chúa,

nên ta phải tôn trọng, phục tùng và cộng tác (Rm 13,1-7; 1 Pr 2,13-17).

Chỉ khi quyền hành đó bị lạm dụng, đi ngược với đạo lý luân thường,

ngược với Lời Chúa dạy, với những đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng,

chúng ta mới phải từ chối tuân theo.

“Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29).

Chúng ta đang sống trong một thế giới cho phép làm nhiều điều,

như phá thai, ly dị, án tử hình, án tử, hôn nhân đồng tính…

nhưng chúng ta không buộc phải theo.

“Của Thiên Chúa trả lại cho Thiên Chúa.”

Nói cho cùng, không có gì lại không phải là của Thiên Chúa.

Mọi người, dù là ai, cũng đều mang hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27).

Mọi sự tôi có và mọi sự trên mặt đất là của Đấng Tạo thành.

Con người không được quyền lấy cắp của Ngài.

Bổn phận của chúng ta là trả lại cho Thiên Chúa điều thuộc về Ngài,

là chỉnh lại những hình ảnh của Ngài đã bị méo mó, dập nát.

là đưa mọi thụ tạo trên trái đất về với Ngài là nguồn cội.

Mong mọi người đều mang hình và danh hiệu Thiên Chúa trong tim.

CẦU NGUYỆN

Giữa một thế giới mê đắm bạc tiền,

xin được sống nhẹ nhàng thanh thoát.

Giữa một thế giới lọc lừa dối trá,

xin được sống chân thật đơn sơ.

Giữa một thế giới trụy lạc đam mê,

xin được sống hồn nhiên thanh khiết.

Giữa một thế giới thù hận dửng dưng,

xin được chia sẻ yêu thương và hy vọng.

Lạy Chúa Giêsu mến thương,

xin dạy chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.

Xin giúp chúng con tìm ra những cách thức mới

để người ta tin và yêu Chúa.

Ước gì hơn hai tỷ Kitô hữu

giữ được vị mặn của muối và sức biến đổi của men,

để chúng con làm cho thế giới này mặn mà tình người,

và làm cho trần gian trở thành tấm bánh thơm ngon.

Chỉ mong Thiên Chúa Cha được tôn vinh

qua những việc tốt đẹp chúng con làm cho những người bé nhỏ.

 

5. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vua Frederic của nước Đức luôn cho mình là học rộng tài cao, ông suy tính rằng: Mỗi năm chim sẻ ăn hết hai triệu thùng thóc trên toàn lãnh thổ. Ông nảy ra sáng kiến chiến dịch bài trừ chim sẻ và truyền phát động toàn vương quốc: Giết được một con chim sẻ là được một phần thưởng. Nhà vua lấy làm hãnh diện về việc khám phá ra phương pháp mới, theo ông phương pháp làm cho nền kinh tế quốc gia phát triển mạnh…

Toàn dân hưởng ứng nhiệt liệt vì thấy công việc dễ dàng và còn vui thú săn bắn, hơn nữa lại có được phần thưởng. Thế là lần lượt chim sẻ bị bắn chết, một số khác sợ bay về một phương trời xa để lánh nạn. Cuối cùng, trên toàn lãnh thổ Đức người ta không còn thấy một con chim sẻ nào. Vua Frederic 

vui mừng khôn tả vì tin chắc kế hoạch của mình sẽ thành công rực rỡ: Không còn chim nào ăn vụng thóc, quốc gia sẽ giữ được hai triệu thùng thóc…

Nhưng khi ngày mùa tươi tốt đầy hứa hẹn vừa tới, tự nhiên không biết từ đâu từng bầy sâu bọ đua nhau kéo đến, từng đàn châu chấu cũng ùn ùn xuất hiện tràn lan khắp lãnh thổ, không cách nào diệt nổi. Thế là, vua Frederic chỉ còn cách ngồi trong điện rồng lòng buồn ủ rũ, chứng kiến kỳ công của mình hoàn toàn sụp đổ, chim sẻ diệt sâu bọ và châu chấu, nay chim sẻ không còn nên chúng hoành hành và phá hại mùa màng, gây mất mùa…

Các quy luật của thiên nhiên, các định luật trong vũ trụ đều được Thiên Chúa quan phòng sắp xếp. Khi con người tự mình phá vỡ những quy luật thiên nhiên và vũ trụ thì tai họa sẽ ập tới.

Suy niệm

Chúa Giêsu đã khẳng định: “Của Cêsarê trả cho Cêsarê, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Con người cần phải tôn trọng trật tự của thiên nhiên và vũ trụ mà Thiên Chúa đã dựng nên, con người cũng cần trân trọng quyền bính dân sự, để quản lý trật tự xã hội.

Nhóm biệt phái chủ trương dân tộc ái quốc chống nhà cầm quyền đế quốc, không muốn nộp thuế và nhóm Hêrôđê thần phục chính quyền đô hộ để trục lợi ủng hộ việc nộp thuế. Bình thường, hai nhóm này chống đối nhau, nhưng hôm nay cùng nhau tìm phương thế ám hại Chúa Giêsu với một câu hỏi hóc búa về vấn đề nộp thuế. Họ đưa Chúa Giêsu vào thế gọng kìm: Một là bị nhà cầm quyền Rôma bắt nếu nói không nộp thuế, hai là mất uy tín với dân chúng vì là người phản quốc nếu tuyên bố phải nộp thuế...

Trước gọng kìm tiến thoái lưỡng nan, Đức Giêsu truyền đưa đến đồng tiền nộp thuế. Đây là một đồng tiền bằng bạc, được lưu hành trong toàn đế quốc La Mã từ năm 268 trước Công nguyên đến năm 200 sau Công nguyên vẫn còn được sử dụng. Trên mặt đồng tiền có hình bán thân của hoàng đế Cêsarê Tiberius. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai ?. Họ đáp: “Của Cêsarê”. Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Cêsarê, trả về cho Cêsarê; của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa”.

Hình ảnh Cêsarê mà Chúa Giêsu nhắc tới, đại diện cho quyền bính dân sự, Chúa Giêsu không nói rõ ràng là phải nộp thuế cho Cêsarê hay không, nhưng Chúa khẳng định: Hãy trả cho hoàng đế những gì thuộc về hoàng đế, mệnh lệnh diễn tả những đòi buộc của đời sống cộng đồng xã hội trong số những gì của đòi buộc tự nhiên. Dù Kitô hữu là công dân của nước Trời (x. Pl 3,19-20), nhưng chúng ta cũng là công dân của một quê hương trần thế mà chúng ta phải mang trách nhiệm, đòi chúng ta phải dấn thân phục vụ (x. Cv 21,39: Phaolô, công dân thành Tarsê; Cv 16,37-39 và 22,25-29: Phaolô, công dân Rôma.

Cho nên, người Kitô hữu không thể nào tự miễn cho mình những bổn phận của người công dân đối với quốc gia và xã hội, với điều kiện quyền bính dân sự phải phục vụ công ích cho người dân, thánh Phaolô đã dạy: “Những gì ta nợ ai, thì phải trả cho người ấy. Hãy nộp thuế cho kẻ có quyền thu thuế hay trả công cho kẻ có quyền lấy công, hãy sợ kẻ đáng sợ, hãy kính kẻ đáng kính” (Rm 13,7). Cho nên, đối với quyền bính dân sự phục vụ ích lợi chung (không là quyền bính phục vụ cho cá nhân), thánh Phaolô nói: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt” (Rm 13,1-2).

Tuy nhiên, nếu chúng ta đóng góp vì nghĩa vụ công dân thì cũng đừng quên rằng mình thuộc về Thiên Chúa, và chỉ có mình Ngài mới có quyền tối thượng vì: Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. Ga 19,11; Rm 13,1), Đấng chúng ta phải yêu mến và tuân phục trên hết mọi sự.

Xin Chúa giúp chúng ta trở nên người công dân tốt trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và trở nên người tín hữu công dân nước Trời luôn tin tưởng, tín thác và vâng phục Thiên Chúa trên hết…

Ý lực sống

Sinh ra đời, giữa lòng dân tộc,
nhưng linh hồn nguồn gốc thần linh.
Quê hương, đất nước nặng tình,
tình yêu Thiên Chúa trung trinh tôn thờ.
(Bâng Khuâng Chiều Tím).

 

6. Suy niệm (song ngữ)

Interesting Details

• During that period of time, the Palestine has not been an independent state since the time of the Roman Empire headed by Caesar.

• According to Roman law, all males from age 14 to 65 and females from 12 to 65 years old to pay taxes.

• The Herodians were pro-Romans while the Pharisees were pro-Jews.

• The Jews did not accept the Romans's tax laws. These zealots resented the fact that they have to pay taxes to the Roman ruler and they used violence against the tax collectors.

• The Pharisees and the Herodians are two opposing forces. However, they joined force to trap Jesus.

• (v.25) Jesus did not reply directly but challenged with a wise comment.

 

Chi Tiết Hay

• Vào thời ấy, Pa lét tin là một lãnh thổ cai trị bởi đế quốc La Mã với Xê da là hoàng đế.

• Theo luật La Mã, mỗi người nam từ 14 đến 65 tuổi và nữ từ 12 đến 65 tuổi đều phải đóng thuế.

 

• Phe Hêrôđê thân chính quyền La Mã, còn phe Pharisêu thân giáo quyền Do thái.

• Dân Do thái không chấp nhận luật thuế má của La Mã. Nhóm quá khích cấm thành viên của họ đóng thuế, chống đối chính quyền thuộc địa và dùng bạo lực đối với người đi thu thuế.

• Hai phe Pharisêu và Hêrôđê chống đối nhau, nhưng họ rủ nhau đi đến chất vấn Chúa Giêsu để gài bẫy Ngài.

• (c.17) Câu hỏi về xã hội chính trị được cố tình đặt ra để chờ một câu trả lời "có hay không".

 

One Main Point

In responding to the question "Is it lawful to pay the census tax to Caesar or not ?", Jesus has wisely answered in according to the social justice and God's law.

 

Một Điểm Chính

Để trả lời câu hỏi, "Có được phép trả thuế cho Xê da hay không ?", Chúa Giêsu đã trả lời khôn khéo theo luật công bằng và nhất là theo quyền uy tối thượng của Thiên Chúa.

 

Reflections

1. In my daily life, what do I do to make wise decisions in difficult situations ?

2. I usually think about being just and fair in relation with others. How do I respond to His love and His graces to me ?

3. What priorities do I give to God in my life ?

4. God creates me in His image. How do I reflect this image to others ?

 

Suy Niệm

1. Trong đời sống, khi đứng trước một hoàn cảnh khó xử, tôi phải làm gì để có được một quyết định khôn ngoan ?

2. Tôi thường nghĩ đến sự công bằng đối với mọi người, còn đối với Chúa, tôi đã đáp trả lại tình yêu và ân sủng của Ngài như thế nào ?

3. Tôi đặt Chúa trong cái tầm quan trọng nào trong đời sống của tôi ?

4. Thiên Chúa xây dựng tôi theo hình ảnh Ngài. Tôi cảm nghiệm như thế nào về tình yêu sâu xa đó ?

Top