Chúa nhật 26 Thường niên năm C (Lc 16,19-31)
Con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh.
Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.
Bài đọc 1: Am 6, 1a.4-7
Giờ đây, chúng sẽ bị lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn.
Bài trích sách ngôn sứ A-mốt.
1a Đức Chúa là Thiên Chúa các đạo binh phán thế này:
“Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on,
và sống an nhiên tự tại trên núi Sa-ma-ri.
4Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ,
mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng.
5Chúng đàn hát nghêu ngao;
như Đa-vít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác.
6Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng,
nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giu-se sụp đổ!
7Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày,
dẫn đầu những kẻ bị lưu đày.
Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!”
Đáp ca: Tv 145, 6b-7a.7b-8.9-10 (Đ. c.1b)
Đ.Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
6bChúa là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, 7axử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.
Đ.Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
7bChúa giải phóng những ai tù tội, 8Chúa mở mắt cho kẻ mù loà.
Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
Chúa yêu chuộng những người công chính.
Đ.Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
9Chúa phù trợ những khách ngoại kiều,
Người nâng đỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.10Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở,
Xi-on hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.
Đ.Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Bài đọc 2: 1 Tm 6, 11-16
Hãy tuân giữ điều răn của Chúa cho đến ngày Chúa chúng ta xuất hiện.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.
11 Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà. 12 Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng. 13 Trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sức sống cho mọi loài, và trước mặt Đức Ki-tô Giê-su là Đấng đã làm chứng trước toà tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp, tôi truyền cho anh: 14 hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện. 15 Đấng sẽ cho Đức Ki-tô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi,
là Chúa Tể vạn phúc vô song,
là Vua các vua, Chúa các chúa.
16Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử,
ngự trong ánh sáng siêu phàm,
Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy.
Kính dâng Người danh dự
và uy quyền đến muôn đời. A-men.
Tin mừng: Lc 16, 19-31
19 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.
20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
23 “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.
24 Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’
25 Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.
26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’
27 “Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’
29 Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’
30 Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’
31 Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Của cải là con dao hai lưỡi. Nó là tên đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu. Những ai khôn ngoan biết sử dụng nó, sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Ngược lại, những kẻ ngu đần tôn nó làm ông chủ sẽ bị nó nhận chìm xuống tận hố diệt vong. Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn Chúa dùng để dạy chúng ta biết sử dụng của cải cho đúng chỗ, để đạt được hạnh phúc muôn đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, giàu hay nghèo không phải là một hạnh phúc hay bất hạnh muôn đời, nhưng điều quan trọng là chúng con sống theo giáo huấn của Ðức Giêsu. Biết luyện tập cho mình một tinh thần yêu thương, một tâm hồn quảng đại. Sống chân tình với Chúa và chan hòa với anh em. Chỉ trong trái tim rộng mở đó, chúng con mới được hưởng niềm vui vĩnh cửu. Amen.
Ghi nhớ: “Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ”.
2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
GIẦU CỦA GIẦU LÒNG
A. DẪN NHẬP
Chúa nhật tuần trước, Đức Giêsu đã nói với chúng ta về việc sử dụng tiền của, tuần này Ngài nhắc đến một lần nữa và khuyến cáo chúng ta rằng tiền của có thể trở thành một mối nguy, một cản trở chúng ta vào Nước trời. Một cách cụ thể, Đức Giêsu đưa ra một dụ ngôn về “người phú hộ và Lazarô khó nghèo”. Người phú hộ chỉ biết cậy dựa vào tiền của, chỉ biết hưởng thụ một mình mà quên đi người nghèo khó khác nên đã bị trầm luân; còn Lazarô nghèo khó chỉ biết cậy dựa vào Chúa, sống theo thánh ý Ngài nên được lên thiên đàng.
Người phú hộ trong dụ ngôn không làm điều gì gian ác, không lỗi đức công bằng, không ức hiếp ai, không phạm gì đến Lazarô cả, vậy tại sao ông ta lại bị sa vào hoả ngục? Tội ông ở chỗ nào? Thực ra, ông không phạm một tội ác nào mà chỉ có tội “hờ hững, dửng dưng” trước đau khổ của người khác. Ông không phạm tội một cách tích cực mà phạm tội một cách tiêu cực, đó là “tội thiếu sót” như chúng ta đọc trong kinh Cáo mình. Ông chỉ biết hưởng thụ, yến tiệc linh đình, ca hát suốt ngày đêm, mà không màng gì đến người khó nghèo Lazarô nằm ngay cổng nhà ông, muốn ăn những hạt cơm rơi trên bàn ăn của ông mà cũng không được.
Người ta thường nói: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”: lành dữ đều có thưởng phạt, cao bay xa chạy cũng không thể thoát được. Cái chết đã phân chia hai người thành hai thế giới đối nghịch: thế giới đau khổ và thế giới hạnh phúc. Người phú hộ bị phạt, Lazarô được thưởng. Bài học Chúa dạy ta hôm nay là phải biết quản lý tài sản của Chúa “cho nên”, vì chúng ta không phải là chủ mà chỉ là quản lý những gì Chúa đã thương ban. Phải có tinh thần liên đới và bác ái, phải biết chia sẻ với người đau khổ hầu kiếm được nhiều bạn hữu để “họ sẽ đón rước các con vào chốn an nghỉ đời đời” (Lc 16, 9).
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Am 6, 1a.4-7
Cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế thế kỷ 8 trước công nguyên đã đào sâu hố phân cách giữa người giầu và người nghèo. Rất nhạy bén với những bất công xã hội, tiên tri Amos không thể chịu đựng những kẻ có thế lực nhục mạ những kẻ yếu khốn khổ bằng lối sống xa hoa của mình. Vị tiên tri không tiếc lời đả kích những kẻ giầu có chỉ biết hưởng thụ, ăn uống, chè chén say sưa, ca hát mà không quan tâm đến người khác, “chẳng biết đau lòng trước cảnh Israel sụp đổ”. Họ sẽ bị diệt vong. Sống trên đời là phải sống liên đới với người khác trong vui buồn sướng khổ.
+ Bài đọc 2: 1Tm 6, 11-16
Điều thánh Phaolô chờ đợi nơi Timôthêô là phải chiến đấu đến cùng trong cuộc chiến đấu vì đức tin. Đó không phải là cuộc bảo vệ đức tin chống kẻ thù. Đức tin là một cuộc chiến đấu, vì nó cần được diễn tả trong suốt cuộc sống.
Thánh Phaolô khuyến khích ông Timôthêô trung thành trong đức tin đã lãnh nhận, và hãy làm chứng về đức tin ấy trước mặt mọi người. Người Kitô hữu, phương chi vị mục tử, cần ghi nhớ những lời khuyên này.
+ Bài Tin mừng: Lc 16, 19-31
Sự đảo ngược hoàn cảnh trong dụ ngôn ông nhà giầu ích kỷ và anh Lazarô khó nghèo – người nghèo được hưởng hạnh phúc còn người giầu bị trừng phạt – là một hình ảnh văn học thường gặp trong các sách tiên tri và Tin mừng.
Người phú hộ quen cậy dựa vào tiền của, không thèm để ý đến ai, khi chết thì những chỗ cậy dựa cũng tiêu tan và phải rơi vào cảnh khốn khổ! Còn Lazarô là người nghèo khó không có chỗ dựa ở trần gian, chỉ biết cậy dựa vào Chúa, nên khi chết được hưởng hạnh phúc trong vòng tay Chúa.
Dụ ngôn cũng nhắc nhở cho người giầu phải sớm sửa lỗi lầm, đừng cậy dựa vào của cải trần gian nhưng hãy cậy dựa vào Chúa. Hãy ăn năn hối cải, đừng để đến giờ chết mới sám hối, vì lúc đó đã quá muộn và tình thế không thể đảo ngược được.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Sự giầu có đích thực
I. HAI THẾ GIỚI ĐỐI NGHỊC.
1. Dụ ngôn người phú hộ và Lazarô nghèo khó
Dụ ngôn người quản gia bất lương của Chúa nhật tuần trước và dụ ngôn về Lazarô và nhà phú hộ của tuần này hỗ tương nhau, vì cả hai dụ ngôn đều qui về một ý tưởng: người giầu có sẽ hư mất, sẽ trầm luân đời đời, nếu không biết chia sẻ của cải với những người túng thiếu. Đức Giêsu đem đối chiếu hai nhân vật thực tương phản: một nhà phú hộ chỉ biết tin cậy vào của cải để hưởng thụ, và một người nghèo khổ chỉ biết trông cậy vào Chúa.
Chúng ta đang đồng hành với Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài trên đường tiến về Giêrusalem – nơi Ngài sẽ tự hiến vì nhân loại. Bằng dụ ngôn “người phú hộ và Lazarô nghèo khó”, Đức Giêsu không những muốn gửi đến cho nhóm người Pharisêu vốn ham thích tiền bạc, xem tiền của, giầu sang như là dấu hiệu được Giavê chúc phúc, mà còn là lời cảnh tỉnh cho hết những ai coi trọng tiền bạc hơn anh em đồng loại của mình.
Mở đầu dụ ngôn, chúng ta thấy hai con người với hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược xuất hiện. Một bên đại diện cho phú quí giầu sang, ngày ngày yến tiệc linh đình, còn bên kia là nghèo khổ, bệnh hoạn, dơ dáy bẩn thỉu. Một bên là thế giới của “lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình” và một bên là thế giới bệnh hoạn nghèo túng đến thảm thương, thế giới của “mụn nhọt ghẻ lở đầy mình” và là thế giới của những ước ao rất ư bình dị đáng thương “thèm được những thứ trên bàn ăn rơi xuống ăn cho no”. Cả hai thế giới ấy đều được khép lại với cái cửa là sự chết, nhưng cũng đồng thời mở ra một thế giới mới với hai số phận, hai cảnh đời hoàn toàn trái ngược.
Cái chết là tận số chung của mọi người, bất phân giầu nghèo. Hậu quả của cái chết khác nhau tuỳ theo cách sống của mỗi người khi còn sống. Ở đây người giầu, vì đã không biết sử dụng của cải để bố thí cho người nghèo theo lời khuyên của lề luật và các tiên tri, vì thế ông bị cực hình trong hoả ngục.
2. Hai hạng người đối nghịch nhau
a) Người phú hộ
Người phú hộ trong dụ ngôn này không có tên riêng chỉ biết ông ta là người giầu có. Hình ảnh người phú hộ rất quen thuộc trong xã hội Do thái bấy giờ: một xã hội có những người giầu sống tách biệt với người nghèo. Người phú hộ trong dụ ngôn thường xuyên đầy đủ của cải, nhưng không phải do những lối làm ăn bất chính, cũng như ông không tiêu xài của cải vào việc bất chính như ăn chơi, xa xỉ. Ông chỉ lo sống như những người giầu khác vào thời ông: ăn mặc sang trọng, ngày ngày yến tiệc linh đình. Ở đây cho thấy người phú hộ này không xấu về phương diện tiêu cực, như làm giầu cách bất công và tiêu xài của cải cách bất chính để gây ra tội lỗi.
Nếu người phú hộ không phạm một tội ác nào đối với Lazarô mà lại bị trầm luân thì vì lý do gì? Nếu xét về mặt tội lỗi để buộc người phú hộ phải mất linh hồn đời đời nơi hoả ngục, chúng ta thấy ông ta chẳng có tội nào để chuốc lấy cái án phạt lớn đến như thế. Ông không hề chiếm đoạt tài sản của bất cứ ai. Ông cũng không phải chịu trách nhiệm trên sự nghèo nàn và thống khổ của Lazarô. Còn chuyện ông dư dật và ăn xài cũng không hẳn đã thành tội, vì đó là của cải của ông. Đức Giêsu không kê khai bất cứ tội nào của ông. Ngài cũng không cho biết người nghèo Lazarô đã xin nhà phú hộ giúp đỡ, hay nhà phú hộ đã từ chối giúp đỡ Lazarô. Vậy tại sao ông phải sa hoả ngục?
Đó chính là nhà phú hộ đã làm ngơ, có thái độ dửng dưng, hững hờ đối với Lazarô đang sống trong cảnh cùng quẫn. Tội của ông chính là tội “Thiếu sót”, vì ông đã không làm gì để cải thiện đời sống của người anh em nghèo khó ở sát cạnh mình. Bác sĩ Albert Schweitzer, người đã bán hết gia tài kếch sù của ông, xây một bệnh viện và dấn thân cứu giúp những con người cùng khổ nhất Châu Phi đã đặt ra câu hỏi cho chính mình: “Làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc trong khi có biết bao người đang đau khổ?”
Đúng vậy! Dửng dưng hay hững hờ trước những đau khổ của người khác là một tội. Đó là điều Đức Giêsu muốn nêu bật qua hình ảnh người phú hộ trong Tin mừng hôm nay.
b) Người nghèo khó Lazarô
Lazarô là hình ảnh đối nghịch với người phú hộ, là người nghèo khó, bệnh hoạn, khốn khổ đến cùng cực, cần sự giúp đỡ nhưng không ai cho, ngay cả người phú hộ ở ngay bên cạnh.
“Lazarus”, tên bằng tiếng La tinh của từ “Eleazar” tiếng Do thái, có nghĩa là “Thiên Chúa là sự nương tựa của tôi” hay “Thiên Chúa phù trợ”. Do đó, Lazarô, không phải chỉ là một người nghèo, nhưng là một người nghèo hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa. Đây ắt hẳn là một lý do tại sao ông đã “được các thiên thần đem lên lòng Abraham” (Lc 16, 22). Nhờ đức tin, sự trông cậy, và lòng phó thác nơi Thiên Chúa giữa cuộc sống nghèo khổ ông được lên thiên đàng, không phải vì nghèo nàn, khốn khổ về vật chất.
Đặt sự tương phản giữa sự nghèo khó của Lazarô và sự giầu có của nhà phú hộ, để nói lên khía cạnh ích kỷ, keo kiệt của nhà phú hộ. Ở đây muốn nói: người giầu có đang có cơ hội thường xuyên để giúp người khốn khổ Lazarô, sử dụng của cải theo đúng vai trò người quản lý của Chúa. Nhưng vì người giầu có này hà tiện, keo kiệt, ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ, nên đã không biết sử dụng của cải giúp đỡ ngưởi nghèo khổ, vì thế ông đáng tội.
3. Vực thẳm giữa hai thế giới
Cái chết thay vì làm cho họ xích lại gần với nhau, lại làm cho khoảng cách giữa họ trở thành vĩnh viễn. Sự thật cho thấy từ nay tình thế của họ đã hoàn toàn đảo ngược. Lazarô, kẻ ăn xin xưa kia trên trần gian, nay đã được thiên thần đem vào lòng ông Abraham, hưởng vinh phúc vô tận. Còn người phú hộ thì trái lại, trước đây hưởng sự giầu sang, chẳng đoái hoài gì đến người nghèo nằm trước cửa nhà mình, nay phải ở “dưới hoả ngục, đang chịu cực hình”.
Dưới âm phủ: chữ âm phủ hay hoả ngục dịch chữ Hadis hoặc Schéol, chứ không phải dịch chữ Gehenna. Theo quan niệm một số người Do thái, Schéol là nơi người chết vào trong đó và tạm thời được xếp thành 2 loại: Loại một gồm những người công chính được Chúa an ủi và được ngồi dự tiệc trong lòng của tổ phụ Abraham (x. Lc 23, 43). Loại hai gồm những kẻ vô tâm bất tín bị lửa hồng thiêu đốt rất đau đớn. Nhưng cả hai đều phải chờ đến ngày tận thế để được phán xét chung. Sau đó kẻ lành sẽ được hưởng hạnh phúc Nước trời vĩnh viễn và kẻ dữ sẽ bị phạt trong lửa hỏa ngục đời đời.
“Trong hoả ngục, nhà phú hộ nhìn thấy đàng xa có Abraham và Lazarô trong lòng Ngài”. Thấy thế, nhà phú hộ năn nỉ tổ phụ Abraham sai Lazarô – ông nêu rõ tên, cái tên mà ông chẳng thèm biết tới khi còn sống ở trên đời – “nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát”.
Muộn quá rồi! Cuộc chơi đã mãn! Cả Abraham lẫn Lazarô chẳng ai làm được gì cho ông nữa. Một cách vô thức, ông đã từng buớc đào sâu thêm, giữa sự giầu có ích kỷ của mình và cái khốn cùng của người nghèo trước cửa nhà một “vực thẳm” mà rốt cùng cái chết đã làm cho trở thành vĩnh viễn không thể vượt qua. Thua xa sự “khôn khéo” của người quản gia bất lương của Chúa nhật vừa qua, ông đã không biết “làm bạn” với Lazarô, để được anh “đón rước vào nơi ở vĩnh viễn”.
Theo nhận định của H. Cousin: “Vực thẳm chia cách giữa những người đang được hưởng hạnh phúc quanh Abraham và những kẻ đang chịu cực hình dưới hoả ngục, thực ra chỉ là sự nối dài của vực thẳm đã được đào sâu giữa cổng nhà nơi Lazarô đã nằm và bàn tiệc cao lương mỹ vị, mà suốt đời viên phú hộ kia đã chẳng làm gì để lấp cho đầy” (Fiches dominicales C, tr 316).
II. MỘT VÀI SUY TƯ VỀ DỤ NGÔN TRÊN
1. Giầu hay nghèo không phải là xấu
Thoạt tiên, xem ra có vẻ mâu thuẫn về quan niệm giầu nghèo trong Thánh kinh Tân ước. Một đàng Đức Giêsu ca tụng nhân đức khó nghèo. Chúa nhấn mạnh rằng tiền bạc có thể là mối nguy hại cho việc cứu rỗi. Đàng khác, Ngài ý thức rằng nghèo túng có thể làm giảm nhân vị của họ. Nếu xét đến tinh thần nghèo khó trong Phúc âm thánh Matthêu thì cái mâu thuẫn không còn nữa. Vì vậy giầu hay nghèo theo tinh thần Phúc âm là tuỳ thuộc vào thái độ của ta đối với của cải vật chất. Do đó, người giầu có về phương diện vật chất có thể được coi là nghèo khó về phương diện tinh thần nếu họ làm giầu cách chính đáng, không để lòng dính bén vào của cải vật chất và biết giúp đỡ người nghèo đói. Trái lại, một người nghèo túng về phương diện vật chất, có thể được coi là giầu có về phương diện thiêng liêng, nếu họ luôn mơ ước làm giầu chính đáng.
Như vậy giầu không phải là tội. Và nghèo – nếu chỉ vì nghèo – cũng không phải là một nhân đức. Vậy giầu hay nghèo tự bản chất không phải là một điều xấu. Tuy nhiên nếu người ta coi của cải đời này là cùng đích thì người ta đi vào con đường sai lầm. Con người được tạo dựng với những nhu cầu vật chất để sinh sống và phát triển nhân vị. Tuy nhiên người ta không được để cho của cải đời này làm cản trở mối liên hệ với Chúa. Vậy cái thái độ ta phải có đối với của cải vật chất là tâm tình biết ơn Chúa là Đấng ban phát mọi sự.
Theo chương trình quan phòng của Thiên Chúa thì của cải phải khơi dậy trong ta cái tâm tình biết ơn Chúa, và liên kết ta lại với tha nhân trong tinh thần liên đới trách nhiệm. Của cải là để phục vụ con người, chứ không phải là con người phục vụ của cải. Vì thế, ta phải biết quản lý của cải một cách khôn ngoan và có trách nhiệm: không phung phí cũng không ích kỷ. Mỗi người tín hữu dù giầu hay nghèo, tu hay không tu phải cố gắng sống tinh thần Phúc âm là tinh thần siêu thoát. Nếu không, người ta có thể phải làm nô lệ cho của cải (Trần Bình Trọng).
2. Giầu của có thể nghèo lòng
Trong dụ ngôn hôm nay, người phú hộ bị hình phạt trong hoả ngục, chịu lửa thiêu đốt và khát cháy cổ, không phải vì phạm tội ác nào, mà chỉ vì sử dụng của cải Thiên Chúa ban để ích lợi cho một mình mình thôi. Ông ta “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”, bỏ mặc người nghèo ở ngay trước cổng nhà mình “sống chết mặc bay”, phải chịu “mụn nhọt đầy mình”, “mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta”, “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông chủ rớt xuống mà ăn cho no” mà không hẳn được ai cho. Người phú hộ ấy – cũng như biết bao người giầu có khác – nghĩ rằng những gì mình đang có trong tay là của mình, mình muốn sử dụng hay hưởng thụ thế nào, cho ai hay không cho là tuỳ ý mình. Ông ta nghĩ rằng ông hoàn toàn vô tội không làm thiệt hại gì ai. Đối với những người nghèo khổ đến với ông, ông nghĩ ông có quyền không cho, và làm như thế ông không có lỗi gì với họ cả: ông có làm gì khiến họ thiệt hại đâu.
Chúng ta hãy nhớ lại nhiều lời cảnh báo chống lại nguy cơ của những người giầu có vật chất (Lc 12, 115-21- 16, 9-11). Đối với Đức Giêsu, sự giầu có bao gồm hai nguy cơ chết người:
- Nó khép kín lòng mình với Thiên Chúa: người ta bằng lòng với những lạc thú trần gian mà quên đi đời sống vĩnh cửu là điều chủ yếu.
- Nó khép kín lòng mình với những người khác: người ta không còn nhìn thấy người nghèo nằm ngay cổng nhà mình.
Truyện: Bà già đón Chúa
Chúa hứa với một bà là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bà rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Bà ngồi và đợi Chúa đến.
Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói: “Không, hôm nay tôi không giúp anh, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại.
Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. Thấy gì? Vài người già nghèo nàn. “Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ các ông”. Rồi bà ta đóng sầm cửa lại.
Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh xin ăn và nghỉ qua đêm. “Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến, Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.
Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.
Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Bà ngủ quên và mơ thấy Chúa đến với bà và nói: “Hôm nay Ta đã đến với con 3 lần và 3 lần con đều đuổi Ta” (Góp nhặt).
3. Người giầu thật và nghèo thật
Người giầu thật là người biết cho, người nghèo thật là người chỉ biết nhận.
Người giầu thật là người có rất ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đủ; người nghèo thật là người có quá nhiều nhu cầu nên luôn cảm thấy thiếu.
Sự giầu có thật là giầu trong tâm hồn, sự nghèo nàn thật là một tâm hồn trống rỗng.
Bởi vậy cái giầu vật chất hay đi đôi với cái nghèo tâm hồn. Và đó cũng là cái nguy hiểm của vật chất:
- Nó khiến ta quá chú ý đến cái “có” mà quên xây dựng cái “là” của mình.
- Mà những cái “có ấy” chỉ là vật chất và ngoại tại, nên chúng dễ khiến ta lơ là với những giá trị tinh thần và cuộc sống nội tâm.
- Quá quan tâm đến vật chất, chúng ta còn có thể bị chúng che mờ cặp mắt không còn nhìn thấy tha nhân và Thiên Chúa (Carôlô).Truyện: Giầu có tâm hồn
Một tu sĩ đi lang thang đến một ngôi làng. Ông đang định nghỉ qua đêm dưới một gốc cây thì một dân làng chạy đến gặp ông và nói: “Xin thầy cho con viên ngọc quý”.
“Anh định nói về viên ngọc nào?” Người tu sĩ hỏi.
“Tối hôm qua con có một giấc mơ: nếu con đi ra bên ngoài làng lúc chạng vạng tối, con sẽ gặp được một tu sĩ và vị này sẽ cho con một viên đá quý, làm con trở nên giầu có mãi”.
Tu sĩ lục lọi trong túi xách, tìm thấy một viên ngọc và lấy ra. “Đây có lẽ là viên ngọc mà anh nói đến”, ông nói và đưa cho người dân làng. “Tôi tìm thấy nó trong rừng, cách đây mấy ngày. Anh hãy nhận lấy nó”.
Người dân làng cầm viên ngọc và ngắm nghía với vẻ thán phục. Nó là một viên kim cương, viên lớn nhất mà anh ta chưa bao giờ thấy. Anh ta đem về nhà. Nhưng suốt đêm, anh ta trằn trọc trên giường, không thể ngủ được. Sáng sớm hôm sau anh ta trở lại gặp vị tu sĩ và nói: “Suốt đêm qua, con đã suy nghĩ nhiều. Thầy hãy lấy lại viên kim cương này. Thay vào đó, hãy cho con sự giầu có nào làm thầy cho đi viên kim cương ấy dễ dàng đến thế”.
Người giầu có sống bằng đời sống tinh thần bên trong, người bình thường sống bằng đời sống bên ngoài – điều mà người kém cỏi lại thấy cần và mong muốn (McCarthy).
Theo sự suy tư của cha Flor McCarthy ta có thể nói:
Sự giầu có thật được đo không phải bởi những thứ người ta thu tích, mà bởi những thứ người ta cho đi.
Sự giầu đáng giá nhất là giầu trong tâm hồn.
Khi ta đóng cửa lòng mình lại là lúc ta bắt đầu chết,
Khi ta mở cửa lòng ra là lúc ta bắt đầu sống.
4. Phải biết chia sẻ
Suy niệm qua dụ ngôn này, ta thấy Thiên Chúa không chấp nhận cho vào Nước trời những người sống ích kỷ, không biết yêu thương, những người lãnh đạm hoặc làm ngơ trước những đau khổ của những người chung quanh chúng ta đang phải gánh chịu một cách bất công. Vì thế, một cách cụ thể, chúng ta cần biết chia sẻ, giúp đỡ họ, và phải làm một cái gì đó khi có thể. Nếu chúng ta có tình yêu đích thực, tình yêu ấy ắt sẽ khiến chúng ta bức xúc và không thể im lặng hay bất động trước những đau khổ người khác đang phải chịu trước mắt mình.
Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên, tại sân vận động Yankee, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lấy lại dụ ngôn hôm nay và nói: “Người giầu này bị hình phạt vì ông không quan tâm đến người khác, vì không để ý gì đến Lazarô đang nằm trước cổng nhà ông chờ đợi từng mẩu bánh từ bàn ông ăn rơi xuống. Đức Kitô không bao giờ lên án việc có tài sản, nhưng Ngài đưa ra những lời nghiêm khắc chống lại những người sử dụng của cải vật chất cách ích kỷ, không chú ý gì tới người khác…
Chúng ta phải luôn luôn nhớ, dụ ngôn người giầu và người nghèo này. Câu chuyện đó phải đào tạo lương tâm chúng ta. Đức Kitô đòi buộc ta phải mở rộng lòng với anh chị em sống trong khó nghèo. Với những người giầu, những người khoẻ mạnh, những người có được một bảo đảm kinh tế, Chúa đòi buộc phải rộng lòng đối với người nghèo, những người sống trong các nước chưa phát triển”.
III. BÀI HỌC CHO NGÀY HÔM NAY
1. Biết quản lý tài sản của Chúa
Tất cả những gì chúng ta đang có đều là của Chúa ban. Chúng ta không phải là chủ mà chúng ta chỉ là người quản lý, cho nên chúng ta phải sử dụng tài sản ấy theo ý của Chúa, không được phung phí. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về những việc làm của chúng ta.
Người ta nói: “Hữu lộc bất khả hưởng tận”: có lộc chẳng nên hưởng hết một mình. Con người phải có tình liên đới, còn phải nghĩ tới người khác. Thông điệp Rerum Novarum của Đức Giáo hoàng Lêô XIII có nói: “Chúa khoan hồng ban dư dật mọi ơn huệ hồn xác cho ai, thì kẻ ấy phải dùng để thánh hoá bản thân và cấp đủ sự cần dùng cho đời sống mình trước, rồi sau phải đóng vai quản lý Chúa quan phòng, để cứu đỡ kẻ khác. Kẻ giầu có nhiều tiền thì chớ để sự nhân từ tê cóng trong lòng họ”(đoạn 9).
2. Phần thưởng và hình phạt đời sau
Cổ nhân đã nói: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”: Lành dữ trước sau sẽ có thưởng phạt. Chúng ta biết Thiên Chúa lòng lành vô cùng. Chúng ta cũng thấy ở đời này có sự chênh lệch diễn ra rõ rệt: người giầu thì giầu quá, người nghèo cũng lại quá nghèo. Một điều rất khó hiểu: người tội lỗi thì cả đời may mắn, trong khi người công chính thì cả đời gặp rủi ro tai hoạ. Giữa lúc phân vân bối rối như vậy thì có những tia sáng loé lên trong đầu óc, trong đó phải kể ngay đến sự việc của người phú hộ.
Người phú hộ phải phạt không phải vì ông là người phú hộ, mà vì ông đã không phú hộ “cho nên”. Giả như ông thương người nghèo đói cho đúng mức, hay ít ra bố thí cho họ những của dư thừa theo câu “nhiễu điều phủ lấy giá gương” thì đâu đến nỗi phải phạt sau khi ông chết? Đức Giêsu cũng không phi bác sự giầu có, mà chỉ cho đó là cản trở khó vào Nước trời (Mt 19, 23-24), do đó sự giầu có vốn nó không xấu, cũng không phải là tội, nếu người ta biết giầu có “cho nên”, mà nhà phú hộ kia đã là cái gương đáng kể về người giầu có vậy.
Tư tưởng thưởng phạt mỗi ngày mỗi thêm sáng tỏ trong các dân tộc: dân La mã cũng như dân Hy lạp tin rằng kẻ không kính thờ thần linh, sau này sẽ bị loại ra khỏi nơi cực lạc, trong khi các dân tộc Á đông tin rằng: “Tác thiện giáng chi bách tường. Giáng bất thiện giáng chi bách ương”. Và nếu kẻ làm lành chưa được thưởng công và kẻ tác quái chưa phải chịu phạt thì “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Phước hoàn bất báo, thời thần vị báo. Cao phi viễn tẩu dã nan tàng”: Có nghĩa là làm lành được thưởng, làm dữ phải phạt. Nếu như chưa thưởng chưa phạt, đó là chưa đến giờ. Và khi giờ đã điểm thì dù cao bay xa chạy đến đâu đi nữa cũng không thoát nổi.
3. Gấp rút sửa mình, đừng chần chừ
Trong hoả ngục nhà phú hộ xin Abraham sai Lazarô về cảnh cáo 5 anh em còn sống, để họ khỏi rơi vào cảnh khốn cực này, để họ trở lại sống đúng ý nghĩa cuộc đời hơn. Nhưng Abraham đáp lại bằng những lý luận Maisen đủ để cảnh tỉnh họ. Luật Maisen và các tiên tri đã chẳng từng dạy về việc sử dụng tiền của vật chất sao cho đúng ư? Các ngài đã chẳng khuyên phải bác ái đối với người nghèo, chia cơm sẻ áo với kẻ đói khát, niềm nở đối với khách lạ, đón tiếp kẻ bất hạnh sao? Sách Đệ nhị Luật (15, 7-11) truyền dạy: “Nếu giữa anh em có một người nghèo, thì anh em đừng có lòng chai dạ đá cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em: hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em”.
Bài học đã quá rõ. Nó được gửi đến tất cả những ai đang có nguy cơ bị tiền của làm cho điếc tai, mờ mắt. Mong sao đừng chờ cho đến khi có một biến cố nào đó lay động, buộc họ phải quyết định. Tốt hơn hãy coi Lời Chúa cảnh báo hôm nay là nghiêm trọng. Đừng chậm trễ. Chậm trễ biết đâu sẽ muộn màng.
Truyện: Đã quá muộn
Đã ba đêm, người ta nghe văng vẳng tiếng nức nở và khẩn khoản của một thanh niên ở ngoài nghĩa trang từ một ngôi mộ của một người đàn ông 50 tuổi mới được chôn cất một tuần: “Cha ơi, con xin lỗi cha. Cha tha lỗi cho con đi cha. Cha có nghe không cha?” Thì ra vì xích mích với cha anh đã bỏ nhà ra đi. Thời gian giúp anh hiểu ra tình cha. Trở về xin lỗi thì đã trễ.
Chúng ta có thể kết luận: Muốn đạt hạnh phúc đời đời ta phải trở nên nghèo khó, nghĩa là ta không dính bén của cải trần gian này. Ta có lắm của nhiều tiền là một việc tốt. Ta biết dùng nó để tạo cuộc sống ấm no cho bản thân, gia đình và xã hội, một điều kiện cần thiết để thực thi lòng mến Chúa yêu người. Ngoài ra, ta cũng biết chia sẻ với người anh em đang thiếu thốn như là một trách nhiệm phải làm chứ không như là một việc thi ân giáng phúc. Dĩ nhiên sự chia sẻ đó phải phát xuất từ tấm lòng của ta là giúp người anh em tiến gần Chúa hơn.
3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
DƯỚI ÂM PHỦ
Một số nhà thần học đưa ra nền thần học thịnh vượng.
Theo họ, giàu có vật chất là dấu hiệu được Chúa chúc phúc.
Ai có đức tin và đóng góp tiền bạc cho mục đích tôn giáo,
người ấy sẽ trở nên sung túc, khỏe mạnh, thành công.
Nền thần học này đã hấp dẫn nhiều người.
Nếu dựa vào đó để đánh giá hai nhân vật chính
là ông nhà giàu và anh Ladarô trong dụ ngôn,
hẳn ta sẽ kết luận ông nhà giàu là người được chúc phúc,
còn anh Ladarô là người bị Thiên Chúa ruồng bỏ.
Có một sự tương phản rất lớn giữa hai nhân vật trên.
Ông nhà giàu ăn sung mặc sướng, yên ổn sau cánh cổng.
Còn anh Ladarô thì nằm trước cổng, mình đầy mụn nhọt.
Anh thèm được ăn những gì từ trên bàn ông rơi xuống.
Anh chỉ có những con chó hoang đến làm bạn,
vì chúng thích liếm láp những mụn nhọt của anh.
Ông nhà giàu không phải là không thấy Ladarô.
Thậm chí ông còn biết tên của anh nữa (Lc 16, 23).
Nhưng chẳng hề có sự trao đổi nào giữa đôi bên.
Ông nhà giàu cứ ngày ngày vui vẻ tiệc tùng với bè bạn.
Còn anh Ladarô nằm trước cổng, kiên nhẫn đợi trông.
Rồi cái chết đến với cả ông giàu lẫn anh nghèo.
Cái chết dẫn tới một sự tương phản còn lớn hơn.
Anh Ladarô chết, được đem vào lòng Abraham.
Còn ông nhà giàu chết thì được đem chôn.
Số phận của cả hai sau khi chết bị đảo ngược.
Ông giàu quen cao lương mỹ vị, nay bị khổ trong lửa,
thèm giọt nước để nhỏ vào lưỡi mình cho mát.
Anh Ladarô nghèo, thèm vụn bánh,
nay được hưởng hạnh phúc bên cụ tổ Abraham.
Vẫn không có sự trao đổi nào giữa đôi bên.
Dù muốn, Ladarô cũng không thể vượt qua vực thẳm,
để tặng cho ông nhà giàu một giọt nước.
Khi còn sống, hai bên cách nhau một cánh cổng.
Sau khi chết, hai bên cách nhau ngàn trùng.
Rõ ràng có sự thưởng phạt ở đây.
Ladarô được thưởng dù chẳng nổi bật về nhân đức.
Ông nhà giàu bị phạt dù có vẻ không phạm tội gì.
Ông chỉ hưởng thụ những gì ông có.
Nhưng đó chính là tội của ông: tội không chia sẻ.
Ông đóng cửa nhà và cửa lòng mình,
cố ý nhắm mắt trước nỗi khổ của người anh em.
“Ai đói nghèo Chúa ban của đầy dư,
kẻ giàu có, đuổi về tay trắng” (Lc 1, 53).
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo…
Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có” (Lc 1, 20.24).
Thiên Chúa là Đấng làm nên những đảo ngược bất ngờ.
Của cải, quyền lực, tiếng tăm, tất cả là để chia sẻ.
Khi chia sẻ cho người nghèo, tất cả thành con đường
đưa ta đi vào hạnh phúc vĩnh cửu.
Ông nhà giàu có một điểm son.
Trong lúc chịu cực hình, ông vẫn nhớ đến anh em ông.
Ông không muốn họ phải rơi vào cảnh ngộ này.
Ông nghĩ nếu Ladarô hay một người đã chết
hiện về để cảnh cáo họ thì có thể họ sẽ hoán cải.
Cụ Abraham đã từ chối lời yêu cầu của ông.
Để hoán cải, chỉ cần sống điều Sách Thánh dạy là đủ.
Chia cơm cho người đói, chỗ ở cho kẻ vô gia cư,
rộng tay giúp người nghèo (Is 58, 6-7; Đnl 15, 1-11).
Mọi người chết trước Chúa Giêsu đều phải vào âm phủ.
Cả Abraham, Môsê, Êlia, cả Ladarô hay ông nhà giàu…
Chúa Giêsu sau khi chết cũng vào âm phủ (GLHTCG 633),
để giải phóng những người công chính đang ở đó.
Ngài đến để cứu chuộc mọi người ở mọi thời và mọi nơi.
Chúng ta mong mình là ông nhà giàu quảng đại,
biết nhìn thấy những người nghèo ở ngay bên.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới.
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.
Con mơ ước
những người thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.
4. Suy niệm (song ngữ)
Bài Đọc I: Amốt 6, 1.4-7
II: 1 Timôthê 6, 11-16
26st Sunday in Ordinary Time
Reading I: Amos 6:1, 4-7
II: 1 Timothy 6:11-16
Gospel 19 ”There was a rich man, who was clothed in purple and fine linen and who feasted sumptuously every day. 20 And at his gate lay a poor man named Laz’arus, full of sores, 21 who desired to be fed with what fell from the rich man’s table; moreover the dogs came and licked his sores. 22 The poor man died and was carried by the angels to Abraham’s bosom. The rich man also died and was buried; 23 and in Hades, being in torment, he lifted up his eyes, and saw Abraham far off and Laz’arus in his bosom. 24 And he called out, ‘Father Abraham, have mercy upon me, and send Laz’arus to dip the end of his finger in water and cool my tongue; for I am in anguish in this flame.’ 25 But Abraham said, ‘Son, remember that you in your lifetime received your good things, and Laz’arus in like manner evil things; but now he is comforted here, and you are in anguish. 26 And besides all this, between us and you a great chasm has been fixed, in order that those who would pass from here to you may not be able, and none may cross from there to us.’ 27 And he said, ‘Then I beg you, father, to send him to my father’s house, 28 for I have five brothers, so that he may warn them, lest they also come into this place of torment.’ 29 But Abraham said, ‘They have Moses and the prophets; let them hear them.’ 30 And he said, ‘No, father Abraham; but if some one goes to them from the dead, they will repent.’ 31 He said to him, ‘If they do not hear Moses and the prophets, neither will they be convinced if some one should rise from the dead”. |
Phúc Âm 19 ”Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. 23 ”Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” 25 Ông Ápraham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”. 27 ”Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” 29 Ông Ápraham đáp: “Chúng đã có ông Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. 30 Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. 31 Ông Ápraham đáp: “Ông Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”. |
Interesting Details In last Sunday’s Gospel, Jesus told the parable of the unjust manager and drew the conclusion from it that one cannot serve both God and money. “The Pharisees, who loved money, heard all these things and laughed at Him” (16:14). They seem to think that their possessions are a sure sign of God’s favor. So, here Jesus tells another parable of the rich man and Lazarus to condemn the pride of these people and gives them the answer. (v.19) The rich man is nameless while the poor man’s name is given as if to reverse the world’s opinion. The parable is rather a conventional reversal of fortune. Those who are well off in this life trade places with the poor in the next life. It echoes the blessings and woes in the Sermon on the Plain (6:20, 24). (v.24) “father Abraham”: Mere words do not make one a child of Abraham and an assurance of salvation. John the Baptizer had already indicated that it was not enough to claim “we have Abraham as our father” (Lk 3:8); but one must “produce deeds appropriate to conversion”. “have mercy on me”: The irony of the story is that the rich man now requests “mercy” who did not show mercy in almsgiving to the poor man. (v.29) The word of God revealed through Moses and the Prophets makes God’s will clear to anyone who seeks it. Jesus has not abolished the Law (16:17), thus the Law about almsgiving is still valid. The rich are not privileged in God’s sight. They have the obligation to care for the needy. (v.31) Even something as astounding as the resurrection from the dead will not convince those whose minds are closed to God’s truth. Addressed to the Pharisees, Jesus’ parable is a message of rejection. The obstinate Pharisees would continue on their merry way to perdition, as did the rich man in this story. If the teachings of the Law are shrugged off as unimportant, even the teachings of the risen Lord will have no impact. |
Chi Tiết Hay Trong Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người quản gia bất lương và kết luận rằng không ai được làm tôi hai chủ. “Người Pharisêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy thì cười nhạo Đức Giêsu” (16:14). Họ nghĩ rằng của cải là dấu chỉ được Chúa đặc biệt hậu đãi. Vì thế, Đức Giêsu đã kể thêm một dụ ngôn khác về người giầu có và Lazarô để lên án thái độ tự mãn của họ. (c.19) Người giầu có thì không được nêu danh tính trong khi người ăn xin thì được nêu rõ tên như có ý muốn đảo ngược lại quan niệm thông thường. Người giầu có ở đời này đổi ngược lại số phận với người ăn xin ở đời sau. Sự kiện này như nhắc lại những điều được chúc phúc và bị nguyền rủa ở trong bài giảng Các Mối Phúc Thật (6:20, 24). (c.24) Không phải cứ kêu lên: “cha Abraham”, là đủ để làm cho người ta trở nên con cái của ông và được hưởng ơn cứu chuộc. Gioan Tẩy Giả đã nói “Đừng vội nghĩ bụng rằng ‘Chúng ta đã có tổ phụ Abraham’ thì đã đủ để được cứu chuộc” (Lk 3:8); nhưng phải “sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”. “Xin thương xót tôi”: Điều oái ăm là bây giờ người giầu có lại trở thành kẻ ăn xin. (c.29) Lời của Thiên Chúa qua Môi sen và các ngôn sứ chính là thánh ý của Thiên Chúa cho những ai tìm kiếm. Đức Giêsu đã cho hiểu rằng Ngài không phá hủy Lề Luật (16:17), vì thế luật buộc phải bố thí cho người nghèo vẫn có giá trị. Người giầu có không phải là người được Thiên Chúa đặc biệt hậu đãi. Nhưng họ có bổn phận phải chia sẻ cho người nghèo theo luật buộc. (c.31) Đối với những người đã có lòng chai đá thì dù cho có người về từ cõi chết cũng sẽ không thuyết phục được họ. Dụ ngôn Chúa kể cho những người Pharisêu, đã như là một sự khước từ. Họ cứng đầu tiếp tục con đường hư vong giống như người giầu có đã đi. Nếu họ đã coi thường Lề Luật, thì lời giáo huấn của Chúa chẳng thay đổi gì được họ. |
One Main Point Use our possessions wisely, they are on loan from God and have to be used to help the poor. |
Một Điểm Chính Hãy dùng của cải một cách khôn ngoan, vì của cải chỉ là những gì Thiên Chúa cho chúng ta tạm giữ để giúp đỡ người nghèo khổ. |
Reflections 1. How do you feel when you see a street person? 2. How is the Gospel situation true of the present time? In what ways do you identify with the rich person? In what ways do you identify with the poor person in the Gospel? |
Suy niệm 1. Bạn cảm thấy thế nào mỗi khi gặp người hành khất ngoài đường? 2. Những điều kể trong Phúc Âm có vẫn còn đang xảy ra ngày hôm nay chăng? Bạn thấy mình có những điều gì giống người giầu có?, và có những gì giống người nghèo khó trong đoạn Phúc Âm hôm nay? |
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32) -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên năm II - Tín thác (Lc 18,1-8)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy