Chúa nhật 25 Thường niên năm A (Mt 20,1-16)
Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ?
Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?” (Mt 20,15)
BÀI ĐỌC I: Is 55, 6-9
“Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.
Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 144, 2-3. 8-9. 17-18
Đáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người (c. 18a).
Xướng:
1) Hằng ngày tôi sẽ chúc tụng Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được. - Đáp.
2) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi người, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Đáp.
3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Pl 1, 20c-24. 27a
“Đối với tôi, sống là Đức Kitô”
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Đức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em. Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Đức Kitô.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mt 20, 1-16a
1 “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết ?” 7 Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !”
8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: 12 ”Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?” 16a Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
Bài giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân
Bài giảng của linh mục Giuse Vũ Hữu Hiền
Bài giảng của linh mục GB Phương Đình Toại
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 25 Thường niên năm A
WHĐ (21.09.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014
Số 210-211: Thiên Chúa nhân hậu và từ bi
210. Sau khi dân Israel phạm tội, chối bỏ Thiên Chúa để quay sang thờ con bê bằng vàng[1], Thiên Chúa đã nghe lời chuyển cầu của ông Môisen và chấp nhận đồng hành giữa đám dân bất trung, qua đó biểu lộ tình yêu của Ngài[2]. Khi ông Môisen xin được thấy vinh quang Thiên Chúa, Ngài trả lời: “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Chúa [YHWH] trước mặt ngươi" (Xh 33,18-l9). Và Chúa đi qua trước mặt ông Môisen và hô to: “Chúa, Chúa [YHWH,YHWH], Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,5-6). Lúc đó ông Môisen tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa hay tha thứ[3].
211. Thánh Danh “Ta Hiện Hữu” hoặc “Đấng Hiện Hữu” diễn tả sự trung tín của Thiên Chúa, Đấng “giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ” (Xh 34,7) cho dù con người có bất trung, tội lỗi, đáng phải trừng phạt. Thiên Chúa mạc khải rằng Ngài “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4), đến noi trao ban chính Con Một của Ngài. Chúa Giêsu, khi hiến mạng sống mình để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, sẽ mạc khải rằng chính Người mang danh thánh của Thiên Chúa: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là ‘Tôi Hiện Hữu’” (Ga 8,28).
Số 588-589: Chúa Giêsu đồng hóa cách xử sự nhân từ của Người đối với các tội nhân, với cách xử sự của chính Thiên Chúa đối với họ
588. Chúa Giêsu đã là cớ vấp phạm (scandalum) cho những người Pharisêu, khi Người dùng bữa với những người thu thuế và tội lỗi[4] một cách rất thân mật, giống như với chính họ[5]. Chống lại những người “tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18,9)[6], Chúa Giêsu xác quyết: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). Người còn đi xa hơn nữa, khi tuyên bố trước mặt nhóm Pharisêu rằng, mọi người đều có tội[7], cho nên ai tự cho mình là không cần được cứu độ, là người đui mù về chính bản thân mình[8].
589. Chúa Giêsu đã là cớ vấp phạm đặc biệt bởi vì Người đã đồng hóa cách xử sự nhân từ của Người đối với các tội nhân, với cách xử sự của chính Thiên Chúa đối với họ[9]. Người còn đi đến chỗ muốn cho người ta hiểu rằng, qua việc Người đồng bàn với các tội nhân[10], Người đón nhận những người đó vào bàn tiệc của Đấng Messia[11]. Nhưng đặc biệt khi Người tha tội, Chúa Giêsu đã đặt các nhà cầm quyền tôn giáo của Israel trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ đã chẳng sửng sốt nói rất đúng sao: “Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,7)? Chúa Giêsu, khi Người tha tội, thì hoặc là Người nói phạm thượng, bởi vì là người mà dám coi mình ngang hàng với Thiên Chúa[12], hoặc là Người nói đúng, thì như vậy, Con Người của Người làm hiện diện và mạc khải thánh Danh của Thiên Chúa[13].
Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Chúa nhật 25 Thường niên năm A:
Đức Phanxicô:
20.09.2020 – Thiên Chúa không ngừng mời gọi tất cả mọi người
24.09.2017 – Luận lý tình yêu của Thiên Chúa là Cha
Đức Bênêđictô XVI:
18.09.2011 – Tin Mừng đã và còn đang biến đổi thế giới
21.09.2008 – Như người thợ được gọi vào làm vườn nho của Chúa
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta một dụ ngôn đáng ngạc nhiên: người chủ vườn nho đi ra từ sáng sớm đến chiều muộn để gọi một số người đi làm công cho ông, nhưng cuối cùng, ông trả lương cho mọi người như nhau, kể cả những người mới chỉ làm việc được một giờ (x. Mt 20.1-16). Có vẻ như một sự bất công, nhưng không nên đọc câu chuyện dụ ngôn qua tiêu chí tiền lương; đúng hơn, Chúa muốn chúng ta nhìn thấy những tiêu chuẩn của Thiên Chúa, Đấng không tính toán công trạng của chúng ta, nhưng yêu thương chúng ta như những người con.
Hãy nhìn vào hai hành động của Thiên Chúa trong câu chuyện. Đầu tiên, Thiên Chúa luôn đến để kêu gọi chúng ta; thứ hai, Người trả cho tất cả mọi người với cùng một “quan tiền”.
Trước hết, Thiên Chúa là Đấng luôn đến để kêu gọi chúng ta. Dụ ngôn kể rằng người chủ “vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình” (câu 1), nhưng sau đó tiếp tục đi ra vào nhiều giờ khác nhau trong ngày cho đến khi mặt trời lặn để tìm những người chưa có ai thuê làm việc. Do đó, chúng ta hiểu rằng trong dụ ngôn, những người làm công không chỉ là con người, mà trước hết là Thiên Chúa, Đấng luôn đi ra suốt ngày không mệt mỏi. Thiên Chúa là như vậy: Người không chờ đợi những cố gắng của chúng ta để đến với chúng ta, Người không làm cuộc khảo sát để đánh giá công trạng của chúng ta trước khi tìm kiếm chúng ta, Người không bỏ cuộc nếu chúng ta chậm đáp lại; thay vào đó, chính Người đã chủ động và trong Chúa Giêsu, Người “đi ra” hướng về phía chúng ta, để biểu lộ cho chúng ta thấy tình yêu của Người. Và như Thánh Grêgôriô Cả nói, Người tìm chúng ta vào mọi thời điểm trong ngày, vào các giai đoạn và mùa khác nhau của cuộc đời chúng ta cho đến tuổi già (x. Bài giảng Tin Mừng, 19). Đối với tình yêu của Người thì không bao giờ là quá muộn, Người tìm kiếm chúng ta và luôn chờ đợi chúng ta. Đừng quên điều này: Chúa tìm kiếm chúng ta và Người luôn đợi chúng ta, luôn luôn!
Chính vì tình yêu lớn như thế mà Chúa – với hành động thứ hai – trả cho tất cả mọi người với cùng một “quan tiền”, đó là tình yêu của Người. Đây là ý nghĩa sâu xa nhất của dụ ngôn: những người làm công vào giờ chót được trả lương như những người đầu tiên, vì trên thực tế, sự công bằng của Thiên Chúa thì cao hơn, xa hơn. Sự công bằng của con người nói rằng “hãy trả cho mỗi người những gì họ xứng đáng”, trong khi công bằng của Thiên Chúa không đo lường tình yêu dựa trên bậc thang hiệu quả của chúng ta, thành tích hay thất bại của chúng ta: Thiên Chúa yêu chúng ta và chỉ có thế, Người yêu chúng ta vì chúng ta là những người con, và Người làm điều đó với tình yêu vô điều kiện và vô vị lợi.
Anh chị em thân mến, đôi khi chúng ta có nguy cơ tương quan với Thiên Chúa kiểu “mua bán”, chú ý đến sự tài giỏi của chúng ta hơn là vào lòng quảng đại của ân sủng Người. Đôi khi, ngay cả với tư cách là Giáo hội, thay vì đi ra vào mọi giờ trong ngày và mở rộng vòng tay với mọi người, chúng ta có thể thấy mình đứng đầu lớp, xét đoán những người ở xa, mà không nghĩ rằng Thiên Chúa cũng yêu thương họ bằng tình yêu như Người yêu chúng ta. Và ngay cả trong các mối tương quan, vốn có trong các cơ cấu xã hội, công bằng mà chúng ta thực hành đôi khi không thể thoát ra khỏi cái lồng tính toán và chúng ta giới hạn việc cho đi theo những gì chúng ta nhận được, không dám đi xa hơn, không dám đặt cược hiệu quả dựa trên sự tốt lành vô vị lợi và tình yêu được trao ban với tấm lòng rộng mở. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi: với tư cách là một Kitô hữu, tôi có biết cách đến với người khác không? Tôi có quảng đại với mọi người không, tôi có biết cách cho đi “nhiều hơn” về sự hiểu biết và tha thứ, như Chúa Giêsu làm cho tôi và làm tất cả mọi ngày cho tôi không?
Xin Đức Mẹ giúp chúng ta hoán cải theo thước đo của Thiên Chúa, bằng một tình yêu không thước đo.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Hình ảnh người thợ làm vườn nho vào giờ thứ nhất, ngay từ tảng sáng, đó là những người biệt phái, người theo đạo gốc. Còn những người đến sau là dân ngoại, tân tòng. Chủ mời họ vào sau những người kia, nhưng cũng được trả công như những người trước. Chính vì tình thương của chủ đối với những người thợ đến sau mà chủ bị phản kháng.
Thiên Chúa cũng yêu thương và mời gọi tất cả mọi người vào trong tình yêu của Ngài. Ðiều quan trọng đối với Thiên Chúa không phải là ta làm được nhiều hay ít, nhưng là tình yêu và thiện chí của ta như thế nào đối với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa nhân từ và công bằng với hết mọi người. Xin cho chúng con sống trọn niềm tin yêu vào Chúa. Chúa luôn yêu thương và ban tràn đầy ơn lành cho chúng con. Chúa cũng không tính toán và không so đo. Vậy tại sao chúng con lại hay so đo và cứ thích thương lượng kèo nèo với Chúa ? Tại sao chúng con cứ so sánh hoàn cảnh của mình với người anh em để rồi ghen tị, mặc cảm, tức giận... ? Xin cho chúng con ý thức và sống cuộc đời đầy tràn niềm hân hoan, vì tin rằng Chúa luôn yêu thương và nhân hậu với chúng con. Amen.
Ghi nhớ: “Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
- Phân tích (Hạt giống...)
Dụ ngôn những thợ làm vườn nho. Điểm nhấn mạnh của dụ ngôn này là 2 lối suy nghĩ khác nhau về cách trả lương của ông chủ:
- Lối suy nghĩ của một số thợ làm nhiều giờ: làm nhiều thì phải được trả công nhiều.
- Lối suy nghĩ của ông chủ: ông trả công vì thương (nhưng không hại đức công bình), cho nên kẻ làm ít giờ cũng được trả nhiều bằng kẻ làm suốt ngày.
Hai cách suy nghĩ trên phản ánh hai quan niệm khác nhau của người do thái và của Chúa Giêsu:
- Người do thái làm việc đạo đức để tính công với Chúa. Họ nghĩ họ làm càng nhiều thì Chúa phải ban ơn cho họ càng nhiều.
- Đối với Chúa Giêsu: Thiên Chúa ban ơn cho ta không phải vì công lao của ta mà vì tình thương của Ngài.
- Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Lý lẽ của tình thương nhiều khi không song hành với lý lẽ của công bằng. Trong gia đình, cha mẹ lo cho con cái không phải theo lý lẽ công bằng, theo đúng công lao của chúng, nhưng theo lý lẽ tình thương. Có thể một đứa con bệnh tật yếu đuối chẳng làm gì được cho gia đình nhưng lại được chăm sóc nhiều hơn. Nếu cha mẹ trong gia đình mà cư xử với con cái theo lý lẽ của công bình thì không biết con cái sẽ ra sao ?
Chúa cũng cư xử với chúng ta như thế. Nếu Chúa xử theo công bình thì không biết chúng ta sẽ ra sao ?
2. Nếu tôi là người thợ làm từ giờ thứ nhất, tôi không nên ganh tị với những người làm từ giờ thứ 11 (những người lương trở lại sau, những người hấp hối mới ăn năn tội). Trái lại tôi phải nghĩ rằng mình hạnh phúc hơn họ vì đã được biết Chúa, ở với Chúa và làm việc cho Chúa lâu hơn họ.
3. Mỗi khi tôi bị cám dỗ viện lẽ công bình để ganh tị với người khác, tôi hãy nghĩ đến câu Thánh vịnh “Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vũng được !”. Nhờ Chúa cư xử bằng tình thương chứ không cư xử theo công bình mà tôi mới có thể đứng vững. Tôi phải xin Chúa giúp tôi cư xử với mọi người hơn lẽ công bình, vươn tới tình thương.
4. Một người do thái nọ qua đời. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng nghĩa y học, và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất. Giữa lúc chuẩn bị hạ huyệt, người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, người ta rất đỗi ngạc nhiên khi thấy kẻ chết sống lại. Thế nhưng vị chủ trì nói với kẻ chết sống lại như sau: “Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực là người chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của bác sĩ.” Nói xong ông truyền đóng nắp quan tài lại và tiếp tục chôn.
Câu chuyện trên đây có lẽ muốn chế diễu tính máy móc, cứng nhắc của nhiều người khi tuân giữ các lề luật tôn giáo cũng như khi cư xử với nhau. (“Mỗi ngày một tin vui”)
5. “Mấy người sau chót làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi, là những người đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20,12)
Trời quá oi bức, cái quạt bàn trong nhà thờ hôm nay lại trục trặc rồi. Nó vẫn quạt mát nhưng lại đứng lì một chỗ mà không quay xung quanh được.
Một người lên xoay nó về phía mình. Chưa đầy hai phút một người khác chạy lên, và tiếp tục xoay nó. Thế rồi một lúc sau một người khác nữa lại chạy lên. Bây giờ tiếng xầm xì nổi lên và người ta bắt đầu tranh chấp. Bỗng từ phía dưới một người lên tiếng: “Tốt hơn, hãy tắt cái quạt máy đi !” Và họ chỉ yên lặng sau khi quạt máy đã tắt hẳn.
Tôi suy nghĩ và tự hỏi: Tại sao đến với Chúa mà người ta vẫn còn tranh chấp, ganh tị ? Nhưng dường như cuộc sống con người thường như vậy. Khi tính ích kỷ đã lấn át, cái tôi ngự trị, người ta chỉ còn nghĩ đến mình, thu vén mọi lợi ích cho mình mà quên đi nhu cầu của tha nhân.
Lạy Chúa, Tình yêu Chúa vượt qua mọi tính toán, xin cho con có một tình yêu như Ngài, để con không dừng lại ở quyền lợi, nhưng dừng ở chính những con người để biết yêu thương. (Hosanna)
6. “Người thế gian thường hỏi ‘Cho bao nhiêu ?’; còn Đức Kitô thì hỏi ‘Tại sao cho ?” (John Kaleigh Mott)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA
A. DẪN NHẬP
Hôm nay Chúa sẽ nói với chúng ta: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi” (Is 55,8). Đúng vậy, có bao giờ chúng ta ngạc nhiên và sửng sốt bởi cách hàng động của Chúa không ? Những hành động đó không đúng với tính toán và dự liệu của chúng ta, và có khi đi ngược lại các dự tính của chúng ta.
Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa khác hẳn con người, khác nhau như trời cao đất thấp. Con người thì thấp hèn nhỏ nhen, hay so đo ghen tị, chỉ thích giữ công bằng mà quên đi tình yêu. Còn Thiên Chúa thì khác hẳn, Ngài không thích chúng ta chỉ sống như người làm thuê, tính toán sòng phẳng như kẻ mua người bán, mà chỉ muốn là người Cha yêu thương hằng săn sóc đến con cái, cung cấp cho nó những cái gì cần thiết và tốt đẹp nhất.
Vì thế dụ ngôn những người thợ được thuê vào giờ thứ 11 mà phụng vụ hôm nay đọc lại cho chúng ta sẽ va chạm đến ý niệm của chúng ta về công bằng trong phân phát. Đấy là vì Chúa Kitô đặt công lý của Nước trời trên một bình diện khác hẳn bình diện của chúng ta dưới thế gian, đến độ mà “đường lối và tư tưởng của chúng ta” bị xáo động và sửng sốt.
Chúng ta hãy cố gắng sống với Chúa như người con thảo, muốn làm đẹp lòng Cha yêu thương. Đừng bao giờ sống như người làm thuê trong nhà Cha mà so đo tính toán với Chúa. Hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, đừng kiêu ngạo, đừng phân bì với tha nhân. Hãy sống trong tình anh em con một Cha trên trời.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Is 55,6-9
Kẻ có tội thường sợ Thiên Chúa trừng phạt nên trốn tránh Ngài. Tiên tri Isaia hối thúc dân Israel từ chốn lưu đày trở về, phải sám hối và hãy tìm đến Chúa. Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa bởi vì những dự định và cách hành xử của Ngài không giống với tư tưởng của ta. Ngài không nghĩ đến trừng phạt mà chỉ nghĩ đến cứu vớt, Ngài không bắt tội mà chỉ thứ tha.
Nếu đem so sánh tư tưởng và cách cư xử của loài người và của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra một khoảng cách rất xa, rất cách biệt: “Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta cao hơn của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy”.
+ Bài đọc 2: Pl 1,21-24,27
Thánh Phaolô viết thư này ở trong tù vào khoảng năm 63 gửi cho tín hữu Philipphê biết: Ngài không biết số phận của Ngài sẽ ra sao, được tha hay bị kết án, nhưng Ngài sẵn sàng đương đầu với tất cả:
- Nếu được thả tự do, Ngài sẽ tiếp tục rao giảng Tin mừng Đức Giêsu Kitô và Đức Kitô sẽ được vẻ vang.
- Nếu bị giết chết, Ngài sẵn sàng hy sinh vì Chúa, vì cái chết của Ngài cũng làm vẻ vang cho Đức Kitô.
Và Ngài kết luận: Dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang nơi tôi.
+ Bài Tin mừng: Mt 20,1-16a
Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn này có ý nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa. Ngài là người Cha yêu thương và nhân hậu. Cách cư xử của Ngài không giống với lối cư xử của con người.
Dụ ngôn này gợi cho ta hai cách suy nghĩ:
a) Suy nghĩ của loài người: theo cách cư xử thông thường thì người thợ làm nhiều sẽ được lãnh nhiều, người làm ít sẽ lãnh lương ít. Như thế mới công bằng và hợp lý.
b) Suy nghĩ của Thiên Chúa: ông chủ vẫn trả lương cho người làm nhiều giờ như đã hợp đồng. Nhưng ở đây, ông chủ có lòng quảng đại, muốn trả cho người thợ làm có một giờ cũng được lãnh một quan tiền mà không có hợp đồng, hoàn toàn do lòng tốt của ông chủ. Như vậy, người làm thợ giờ cuối cùng được ông chủ thương cách riêng, không có lỗi đức công bằng.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Tất cả là hồng ân
I. TÌM HIỂU DỤ NGÔN
1. Tình trạng thất nghiệp
Mọi người phải có công ăn việc làm để nuôi sống mình và gia đình. Ai cũng phải có một việc làm hoặc bằng chân tay hoặc bằng trí óc. Không có việc làm là thất nghiệp. Tình trạng thất nghiệp đã làm đau đầu các nhà lãnh đạo quốc gia, vì phải tìm cách tạo công ăn việc làm cho dân. Ngày nay, những người thất nghiệp được nhận vào làm việc trong các nhà máy là một niềm vui và hy vọng. Ngày xưa cũng không thiếu gì người thất nghiệp cả ngày ngồi ở chợ, chờ đợi mà không có chủ thuê, nếu được gọi vào làm công cho người ta thì là một sự may mắn.
2. Cách thuê thợ ở Palestine
Ở Palestine, mùa hái nho chín vào đầu tháng 10, sau đó là mùa mưa. Nếu không hái nho kịp trước khi mưa đến thì nho sẽ hư, vì vậy người ta phải chạy đua với thời gian để kịp thu hoạch. Bất cứ người làm công nào cũng được thu nhận dù người đó chỉ làm được một giờ.
Tiền công trả cũng bình thường, một denier (một quan tiền) là tiền công của một ngày bình thường của một người làm mướn. Những người đứng ở chợ không phải là những người biếng nhác ở đầu đường xó chợ, hạng ăn không ngồi rồi. Ở Palestine, chợ là nơi trao đổi lao động. Người ta đến đó vào sáng sớm, mang theo dụng cụ lao động của mình, và chờ ở đó cho đến khi có người đến mướn. Họ ở đó chờ công việc, bằng chứng là trong số họ có người chờ đến 5 giờ chiều, chứng tỏ họ muốn làm việc như thế nào.
Thời giờ trong dụ ngôn cũng là thời giờ bình thường của người Do thái. Giờ của người Do thái bắt đầu từ 6 giờ sáng và được tính từ đó đến 6 giờ chiều. Tính từ 6 giờ sáng thì giờ thứ 3 là 9 giờ sáng, giờ thứ 6 là 12 giờ trưa, và giờ thứ 11 là 5 giờ chiều.
3. Ý nghĩa dụ ngôn
Để hiểu dụ ngôn này, chúng ta phải chú ý tới tâm trạng của người Do thái lúc bấy giờ. Họ quan niệm rằng: Nước trời chỉ dành cho họ những con cái Abraham, còn người ngoại bang, dân ngoại bị loại trừ hoàn toàn. Người Do thái chiếm được Nước trời là vì sự trung thành của họ đối với Lề luật Maisen, được thể diện ở giao ước Sinai giữa Israel và Giavê. Để đả phá quan niệm sai lầm này, Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn “Thợ vườn nho” đây, vì Nước trời không phải là món tiền lương, hay một đặc ân, nhưng là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại.
Dụ ngôn này là lời cảnh cáo đối với người Do thái. Người Do thái biết họ là dân được chọn, và không bao giờ quên được sự tuyển trạch đó. Kết quả là họ khinh người ngoại bang, chỉ muốn cho người ngoại bang bị huỷ diệt. Thái độ này có nguy cơ được đem vào Hội thánh Chúa. Nếu người ngoại bang được cho vào thân hữu của Hội thánh thì phải vào như những kẻ thấp kém hơn.
Trong đạo Chúa không có quan niệm ưu đãi một dân tộc nào. Chính những người tin Chúa lâu năm có thể học hỏi được nhiều nơi những người tân tòng, những người mới bước vào cộng đồng đức tin.
Ông chủ trong Tin mừng hôm nay thật là siêu việt, ông đã thực thi và đề ra chính sách công bằng, bác ái vượt thời gian và không gian. Ông chủ đó chính là Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Đấng cứu thế đã đặt ra giải pháp cứu con người và truyền dạy con người phải biết sống công bằng và bác ái, như thế mới mong xây dựng được một xã hội tuyệt hảo.
Thế nhưng, con người từ bao nhiêu ngàn năm vẫn đố kỵ, ghen ghét lẫn nhau. “Họ lẩm bẩm kêu trách chủ rằng: bọn sau chỉ làm một giờ mà ông trả bằng chúng tôi sao ?” Ông buộc lòng phải sửa trị thói ghen tị đó bằng cách vạch ra cho họ thấy lòng bác ái cao cả của ông: “Chẳng lẽ tôi không có quyền cho của cải của tôi sao ? Hay vì bạn thấy lòng tốt của tôi, mà bạn ghen tức ư ?”
II. BÀI HỌC CHO CHÚNG TA
1. Tư tưởng của Chúa và của ta
Loài người chúng ta suy nghĩ giống như một người buôn bán: món hàng trị giá thế nào, vậy phải mua thế nào, bán thế nào ? bao nhiêu thì đúng, bao nhiêu thì sai ?
Chúng ta áp dụng suy nghĩ ấy chẳng những trong đối xử với người khác, mà còn cho cả Thiên Chúa nữa: tôi đã làm gì và làm bao nhiêu, cho nên Thiên Chúa phải ban cho tôi ơn gì và ban bao nhiêu. Chúng ta cho rằng như thế là công bằng.
Nhưng Thiên Chúa không muốn làm người bán cũng không muốn làm người mua. Ngài chỉ muốn làm người Cha, yêu thương chúng ta là con. Ngài chỉ có yêu thương và chỉ dùng lòng tốt để đối xử. Đối với từng đứa con, Ngài không xem xét nó đã làm được gì, nó đáng được bao nhiêu. Ngài chỉ nghĩ nó cần được chăm sóc như thế nào, ban cho nó cái gì là tốt nhất.
Khi lẩm bẩm trách, những người thợ làm nhiều giờ muốn lấy suy nghĩ của mình áp đặt lên lối suy nghĩ của ông chủ, họ muốn ông chủ đừng làm người cha yêu thương, mà hãy làm người buôn bán vô tình (Lm. Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 478).
2. Hai bài học cho ta
a) Bài học thứ nhất: Như đã nói: mọi công việc đối với Chúa đều bằng nhau, vấn đề không phải ở số lượng công việc nhưng ở tình yêu thúc đẩy làm công việc đó. Một người có thể tặng chúng ta một món quà cả trăm ngàn, chúng ta rất biết ơn người đó. Một em bé có thể tặng chúng ta một món quà chỉ đáng giá vài ngàn, nhưng đó là món quà dành dụm đầy nỗ lực và yêu thương của nó, dù món quà nhỏ không giá trị bao nhiêu, nhưng nó khiến chúng ta cảm động nhiều hơn. Thiên Chúa không nhìn vào số lượng công việc của chúng ta. Bao lâu ta còn làm, công việc đều được xếp như nhau trước mặt Chúa.
b) Bài học thứ hai: Đó là tất cả mọi sự Chúa ban cho ta đều là ân sủng của Ngài. Chúng ta không thể làm ra những điều Chúa ban cho, chúng ta không xứng đáng với điều đó. Thiên Chúa cho chúng ta là do bởi lòng tốt của Ngài, bởi ân sủng Ngài. Tất cả những gì Chúa ban cho không phải là để trả công nhưng là quà tặng, đó không phải là phần thưởng nhưng là ân sủng.
3. Thái độ chúng ta phải có
Chúng ta phải chấp nhận như một người con khiêm nhường những hành động của Chúa, vì chúng ta biết rằng: động cơ duy nhất thúc đẩy người ta trong sự lựa chọn là tình yêu. Chúng ta hãy khôn ngoan chấp nhận những quyết định của Người với sự mau mắn và biết ơn.
Chúng ta phải hành động như Chúa đối với tha nhân: không ganh tị, không nghiêm khắc, không phán xét xấu, không lên án chung thẩm, nhưng phải thông cảm, ưu ái với “một nụ cười của tâm hồn”.
Muốn nên giống Chúa Kitô, chúng ta phải sống theo tinh thần Tân ước, không chỉ chú ý đến công bằng mà nhất là chú ý đến Bác ái. Đối với Chúa, đức công bằng chưa đủ vì như thế chúng ta còn đang sống theo tinh thần Cựu ước, vì Cựu ước chưa được hoàn hảo… Chính vì vậy mà dụ ngôn hôm nay nhắc cho chúng ta là phải chú trọng đến tình yêu đối với Chúa và với tha nhân. Từ nay chúng ta đừng bao giờ phân bì với nhau, mà hãy để cho Chúa hành động theo ý Ngài.
Truyện: Cha Sở và Cha Phó
Tại một xứ đạo kia số giáo dân khá đông, có Cha Sở, Cha Phó. Một số giáo dân, vì cuộc sống bác ái chưa trưởng thành, nên có hai nhóm xung khắc với nhau. Một nhóm quí Cha Sở, nhóm kia mến Cha Phó, vì ngài còn trẻ, năng nổ.
Một hôm nhóm ủng hộ Cha Sở đến trao đổi tâm tình với ngài:
- Thưa cha, cha ở đây đã lâu năm, công dầy, đức cao, sao cha để Cha Phó thay đổi nề nếp giáo xứ mình – bỏ đi công lao cha xây dựng ? Và đám thanh niên cùng một số lớn giáo dân có vẻ nghiêng cảm tình về Cha Phó. Xin cha ngăn cản đi.
Cha Sở bình tĩnh trả lời:
- Giữa tôi và Cha Phó ai vất vả hơn ?
- Cha Phó.
Cha Sở chậm rãi nói tiếp:
- Ngài còn trẻ, còn có sức hoạt động, phải dấn thân nhiều, và Chúa cũng lo liệu và trợ giúp Ngài bằng cách cho những tâm hồn biết thông cảm, cộng tác. Đó là điều công bằng, điều tốt đẹp, sao các ông bà so bì với tôi – một người đáng lẽ đã về hưu ?
Nghe Cha Sở nói sai tần số với mình, nhóm kia chống chế:
- Cha cũng đã từng hoạt động dấn thân, có khi còn hơn Cha Phó bây giờ.
Cha Sở nói tiếp:
- Và tôi cũng đã từng được người ta quí mến, ủng hộ. Và biết đâu còn hơn Cha Phó. Vì bây giờ Cha Phó vẫn còn một số người thiếu thông cảm, muốn hạ thấp.
Đám người kia ra về, họ cảm phục Cha Sở “đức cao” và cảm thấy tâm hồn, cõi lòng mình sao nhỏ nhen, trần thế quá! Từ đó nạn “bè phái” bớt nhiều (Cử hành Phụng vụ Chúa nhật, năm A, tr 175-177).
Chúng ta hãy nhớ: ghen tị là một trong bảy mối tội đầu. Kẻ ghen tị là người không muốn ai hơn mình, mà nếu có ai hơn mình thì tỏ ra khó chịu, buồn sầu, tức bực và oán ghét với những thành công của người khác.
Người ta ghen tị về đủ mọi mặt: của cải, tài ba, nhan sắc, thành công, nhân đức. Người ta ghen tị nhau, vì không lượng đúng giá trị những gì mình có, không thoả mãn với hiện trạng của mình, không nhận ra vị thế của mình, lúc nào cũng thấy núi khác cao hơn.
Người ta ghen tị nhau vì kiêu ngạo, vì ích kỷ, không muốn ai thành công hơn mình, đạo đức hơn mình, phục vụ hơn mình. Càng liên hệ thân thiết với nhau người ta càng ghen tị nhau. Thường thường những người ở trong một hoàn cảnh, cùng gia tộc, cùng một tình thân như bạn bè mới ghen tị nhau, chẳng hạn chị em ghen tị nhau, nhà giáo, nghệ sĩ, hàng thịt hàng cá... ghen tị nhau.
Bài Tin mừng trong Thánh lễ hôm nay nhắc cho chúng ta hai điều:
1. Chúng ta phải luôn luôn khiêm nhường nhìn nhận mình không có gì cả, lúc nào cũng phải nương nhờ vào ơn Chúa, vì tất cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có đều là do Chúa ban. Chúa là Đấng tốt lành vô cùng. Ta hãy nói như thánh Phaolô: “Tất cả là hồng ân”.
2. Mỗi người hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, bằng lòng với những gì mình đang có, đừng nhìn vào người khác mà phân bì ghen tị. Ghen tị làm mất tình yêu thương và gây nên những gương mù gương xấu.
“Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn, vì muôn ơn phúc Chúa đã tặng ban cho chúng con suốt cả cuộc đời.
“Xin giúp chúng con lánh xa lối suy nghĩ do lòng ghen tị, và biết cố gắng làm cho trổ hoa kết trái ân phúc Chúa đã ban cho mỗi người, để Chúa được vinh danh, anh em được an bình và hạnh phúc”.
Ta hãy có tâm tình như Chúa Giêsu đã dạy trong Tin mừng:
Khi hoàn tất việc phải làm
Nâng lòng lên Chúa mà than thở rằng:
Này con vô dụng muôn phần,
Phần con, con đã thi hành mà thôi (Mt 5,16)
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
Mt 20,1-16a
CÔNG BẰNG VÀ TỐT LÀNH
Khi đọc Kinh Thánh, đôi khi chúng ta thấy
Chúa là Đấng công bằng, thưởng phạt rạch ròi.
Ngài giống như vị quan tòa, nghiêm minh khi xét xử.
Trong chương 25 của Tin Mừng Mát-thêu ta thấy
Ngài đóng cửa không cho năm cô trinh nữ dại khờ vào dự tiệc,
vì họ đi mua dầu để thắp đèn nên về trễ;
Ngài quẳng tên đầy tớ lười nhác vào chỗ tối tăm
vì anh ta không đầu tư mà lại chôn giấu yến bạc dưới đất;
Ngài tống vào lửa đời đời để chịu cực hình muôn kiếp
những ai đã không giúp đỡ các anh em bé nhỏ nhất của Ngài.
Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy
Thiên Chúa không chỉ là Đấng công bằng (dikaios, Mt 20,5.13)
mà còn là Đấng tốt lành (agathos, Mt 20,15).
Ngài là ông chủ vườn nho, ra chợ một ngày năm lần,
đích thân tìm thợ và đưa họ về làm việc,
hứa trả lương công nhật đúng theo tiêu chuẩn đã định.
Lòng tốt của ông chủ biểu lộ khi ông thấy những người thợ
cứ đứng chờ ngoài chợ vì không có ai mướn.
Vẫn luôn luôn có những người đứng chờ như thế cả ngày:
lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, rồi lúc 3 giờ và 5 giờ chiều.
Lần nào ra chợ ông chủ đều gặp họ.
Lần nào gặp họ ông chủ đều mời họ đi làm cho mình (Mt 20,5).
Khi chỉ còn một tiếng nữa là hết ngày lao động,
ông chủ vẫn tiếp tục ra chợ, vẫn thấy những người đứng chờ.
Ông trò chuyện, hỏi thăm lý do khiến họ cứ đứng không như vậy.
Khi biết chẳng ai mướn họ, ông chủ liền kêu họ làm cho mình.
Những người được mướn vào lúc 5 giờ chiều chắc vui lắm,
vì ít ra họ cũng kiếm được chút đỉnh để nuôi vợ con.
Niềm vui của nhóm thợ cuối cùng được nhân lên gấp bội
khi họ là những người đầu tiên được lãnh lương,
và đã được trả lương cả ngày, dù chỉ làm có một tiếng.
Niềm vui của nhóm thợ lúc 5 giờ chiều
lại gây sự hụt hẫng cho nhóm thợ làm từ 6 giờ sáng,
vì cuối cùng, họ cũng chỉ nhận được một quan.
Họ cằn nhằn về lối cư xử bất công của ông chủ:
một người làm vất vả nắng nôi cả ngày
được trả lương bằng một người khác làm có một tiếng.
Ông chủ gọi họ là “bạn,” và cho biết mình không bất công
vì đã trả cho họ theo như hai bên đã “thỏa thuận” (Mt 20,2.13).
Ông còn khẳng định ông có quyền làm điều mình muốn.
Ông có quyền cho những người cuối như những người đầu.
Ông có quyền sử dụng những gì ông có theo lòng tốt của ông.
Lòng tốt ấy vượt lên trên công bằng, nhưng không phải là bất công.
Không ai được phép ganh tỵ vì thấy ông quảng đại.
Thiên Chúa không chỉ công bằng mà còn tốt lành, vì Ngài có trái tim.
Ngài thương những người đứng chờ cả đời,
những người tìm kiếm mà chưa bao giờ gặp,
những người liên tục gặp thất bại và vấp ngã trong đời.
Ngài thương những người đến sau, đến chậm hơn người khác,
và Ngài thi ân cho sự chờ đợi, tìm kiếm tưởng như vô ích của họ.
Trên thiên đàng có nhiều người thợ vào giờ thứ 11, tức 5 giờ chiều,
có nhiều anh trộm lành được cứu độ vào giờ phút chót.
Thiên Chúa luôn làm chúng ta ngỡ ngàng vì những món quà bất ngờ.
Ngài không chỉ công bằng mà còn tốt lành, vì Ngài có trái tim.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa,
việc tông đồ của con phải là việc diễn tả lòng tốt.
Để khi thấy con, người ta phải nói:
“Vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt.”
Và nếu có ai hỏi con, tại sao con lại hiền lành và tốt như thế,
con sẽ trả lời, vì con là tôi tớ của một Đấng tốt hơn con nhiều.
“Ước chi bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!”
Con muốn sống thật tốt để người ta có thể nói:
“Nếu tôi tớ mà tốt như vậy, thì Chủ sẽ tốt biết chừng nào!”
(Chân phước Charles Foucauld)
5. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Vườn nho là hình ảnh thân thương đối với dân Do Thái. Chủ đề vườn nho là một trong những chủ đề phong phú nhất của cả Cựu ước, thường được liên kết với chủ đề tình yêu và vườn nho trở nên biểu tượng của “Dân Thiên Chúa” (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78,9-16).
Ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh vườn nho được chăm sóc để làm nổi bật Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc dân “tuyển chọn” rất ân cần chu đáo qua nhân vật chủ vườn nho: “Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5,2a). Người chủ quý vườn nho đến nỗi anh có thể làm tất cả cho sự trù phú của nho: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?” (Is 5,4). Với sự chăm sóc ân cần cho vườn nho - dân tuyển chọn của Thiên Chúa, người chủ vườn mong những cây nho thân yêu của mình sinh ra những trái nho ngon ngọt...
Suy niệm
Theo ý nghĩa của Kinh Thánh, vườn nho là nơi hạnh phúc, nơi Giao ước với Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta bước vào như Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy đi vào vườn nho của tôi... Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (x. Mt 25,21-23).
Chúa Giêsu là ông chủ vườn nho, Ngài gọi mọi người đi làm vườn nho cho Ngài vào giờ thứ ba, thứ sáu, thứ chín và thứ mười một. Người Do Thái khi xưa chia một ngày ra tám phần, bốn phần cho ban đêm gọi là canh, và bốn phần cho ban ngày gọi là giờ - giờ thứ nhất, giờ thứ ba, thứ sáu và thứ chín. Với thời gian hôm nay giờ thứ nhất bắt đầu vào rạng đông tức khoảng 6 giờ sáng, giờ thứ ba tương ứng với 9 giờ, giờ thứ sáu là 12 giờ trưa, giờ thứ chín tức 15 giờ và giờ thứ mười một tương đương lúc 17 giờ và ngày làm việc chấm dứt lúc giờ thứ mười hai tức là 18 giờ.
Giờ thứ mười hai là giờ chủ trả công cho mọi người một đồng, một đồng là một số lương với giá trị tối thiểu cho một gia đình sống qua ngày. Chờ đến giờ thứ mười một là những người rất khao khát và cần làm việc kiếm tiền nuôi gia đình. Tất cả đều được trả công một đồng. Người làm sớm cằn nhằn, lẩm bẩm vì ông chủ trả hậu hĩ cho người mới làm một tiếng cũng được một đồng. Bản văn Hy Lạp dùng một chữ có nghĩa chính xác: “Họ lẩm bẩm”. Đó là từ ngữ trong Kinh Thánh nói về những tiếng lẩm bẩm, cằn nhằn của dân Israel trong sa mạc (x. Xh 16,9; Tv l06,25). Những kẻ lẩm bẩm, cằn nhằn ấy trong Tân ước thường thấy nơi các kinh sư và biệt phái, họ không ngừng lẩm bẩm chống lại Đức Giêsu khi Người tiếp đón những “kẻ thu thuế, kẻ tội lỗi và gái điếm” (x. Mt 9,11; Mc 2,16).
Qua dụ ngôn “làm vườn nho”, Đức Giêsu mời chúng ta thay đổi cái nhìn về Thiên Chúa. Ngài công bình, nhưng không cứng nhắc trong luật lệ. Ngài còn là Thiên Chúa của tình yêu (x. 1Ga 4,16), Thiên Chúa của người trộm lành (x. Lc 23,41-43). Qua đó chứng thực sấm ngôn của Isaia: Tư tưởng của Chúa khác hẳn tư tưởng của con người (x. Is 55,8-9). Cách cư xử của nước Trời khác hẳn cách cư xử của nước trần gian. Lý luận của Chúa khác hẳn lý luận của người đời. Ngài không trọng sang khinh hèn, nhưng yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, bị bỏ rơi trong xã hội. Ngài không dùng lý lẽ của lý trí nhưng dùng lý lẽ của con tim luôn yêu thương, luôn mong muốn hạnh phúc cho mọi người.
Phần chúng ta, theo Chúa không cần một sự thỏa thuận được thua hơn kém, theo Chúa là vào làm việc cho vườn nho của Ngài là tin tưởng vào sự công bình và quảng đại của chủ vườn nho. Tình thương của Thiên Chúa khiến chúng ta nhớ đến người trộm lành trên đồi Canvê là người được gọi làm vườn nho vào giờ thứ mười một của nước Thiên Chúa, anh chỉ tín thác “khi về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”, trong khi đó bạn anh lên tiếng trước “...” đòi hỏi thỏa thuận “nếu ... thì” (x. Lc 23,39-43).
Ước gì con sẽ “không lẩm bẩm” với Chúa, con cũng chẳng “hãnh diện so sánh hơn thiệt” với anh em. Đi vào vườn nho Giáo hội, con không đặt điều kiện đòi hỏi nơi Ngài mình sẽ được gì, nhưng luôn tin và tín thác vào Ngài và cố gắng làm vườn nho.
Ý lực sống
“Người ta được nên công chính vì tin…” (Rm 3,30).
6. Suy niệm (song ngữ)
25th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Isaiah 55:6-9 II: Philipians 1:20-24,27
Chúa Nhật 25 Thường Niên năm A
Bài Đọc I: Isaia 55:6-9 II: Philípphê 1:20-24,27
-----------o0o-----------
Gospel
Matthew 20:1-16
1 “For the kingdom of heaven is like a householder who went out early in the morning to hire laborers for his vineyard.
2 After agreeing with the laborers for a denarius a day, he sent them into his vineyard.
3 And going out about the third hour he saw others standing idle in the market place;
4 and to them he said, ‘You go into the vineyard too, and whatever is right I will give you.’ So they went.
5 Going out again about the sixth hour and the ninth hour, he did the same.
6 And about the eleventh hour he went out and found others standing; and he said to them, ‘Why do you stand here idle all day ?’
7 They said to him, ‘Because no one has hired us.’ He said to them, ‘You go into the vineyard too.’
8 And when evening came, the owner of the vineyard said to his steward, ‘Call the laborers and pay them their wages, beginning with the last, up to the first.
9 And when those hired about the eleventh hour came, each of them received a denarius.
10 Now when the first came, they thought they would receive more; but each of them also received a denarius.
11 And on receiving it they grumbled at the householder,
12 saying, ‘These last worked only one hour, and you have made them equal to us who have borne the burden of the day and the scorching heat.’
13 But he replied to one of them, ‘Friend, I am doing you no wrong; did you not agree with me for a denarius ?
14 Take what belongs to you, and go; I choose to give to this last as I give to you.
15 Am I not allowed to do what I choose with what belongs to me ? Or do you begrudge my generosity ?’
16 So the last will be first, and the first last.”
Phúc Âm
Matthêu 20:1-16
1 “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.
2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.
3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ.
4 Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”.
5 Họ liền đí. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy.
6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết ?”
7 Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”
8 Chiều đến ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất”.
9 Vậy những người mới vào làm lúc mười một giờ tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.
10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền.
11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ:
12 “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”.
13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan tiền sao ?
14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó.
15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?
16 Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. [“Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”.]
Interesting Details
• At that time, the whole day was divided into 4 parts (watches) for night time and 4 parts (hours) for day time. The first hour is at dawn, the third hour is about 9 in the morning, the sixth hour is about noon, the ninth hour is about 3 in the afternoon.
• At that time, day laborers did not actively seek employment, but gathered with their tools at the market in the hope to be hired. Being hired was considered a privilege. During Jesus’ time, harvest time was most hectic since the grapes had to be harvest as fast as possible before the rain came, which would ruin all the unharvested grapes; a householder would need to hire workers.
• One deranius was the lowest wage for a day of labor work, it would not leave a man and his family much of a margin. Those who still waited till the eleventh hour were desperate for work to feed his family.
• The parable was organized carefully to enable the first workers to reveal their envy.
Chi Tiết Hay
• Người Do thái khi xưa chia một ngày ra tám phần, bốn phần cho ban đêm gọi là canh, và bốn phần cho ban ngày gọi là giờ - giờ thứ nhất, thứ ba, thứ sáu và thứ chín. Giờ thứ nhất bắt đầu vào rạng đông cho tới khoảng chín giờ, giờ thứ ba đến ngọ, giờ thứ sáu đến ba giờ chiều, và giờ thứ chín đến hoàng hôn khi ngày mới bắt đầu.
• Trong thời Chúa Giêsu ở vùng Địa Trung Hải, người ta không đi kiếm việc làm nhưng họ lại tụ tập ở chợ để người chủ đến “mời” đi. Do đó, được chọn là một vinh dự, còn chuyện tìm việc là một hành động đáng chê cười, và không được chấp nhận (Mt 20:7). Vào mùa nho khi nho chín, chủ vườn phải tranh đua với thời gian để hái hết nho trước khi mùa mưa đến.
• Một đồng một ngày thời bấy giờ là một số lương có giá trị tối thiểu cho một gia đình sống qua ngày. Do đó những người còn đứng chờ vào giờ 11 là những người rất cần làm kiếm tiền nuôi gia đình.
• Những kẻ đến trước đã bộc lộ tính hám lợi của họ ngay từ ban đầu. Họ đi làm cho người chủ sau khi đã “thỏa thuận” số tiền; còn những người đến sau thì đi theo mà không đặt điều kiện (Mt 20:5).
• Câu chuyện được sắp dặt chu đáo. Nếu tác giả chỉ đổi ngược thứ tự những người được phát tiền, thì những người đến trước không còn ở đó mà tỏ lòng ganh tị.
One Main Point
Jesus confirmed the generosity and grace of God: the Kingdom of God is meant for all those who accept His preaching and follow him to build the kingdom.
Một Điểm Chính
Đức Giêsu khẳng định lòng quảng đại của Thiên Chúa: Nước Trời là cho tất cả những ai nhìn nhận Thiên Chúa và theo Ngài xây Nước Trời.
Reflections
1. Examine your attitude in responding to God’s calling. Are you doing it because of love, or because of expected rewards that God has to pay you ? Contemplate the generosity of God through all the graces that He has bestowed upon you, including the grace of salvation through His Son Jesus. Compare God’s grace with the value of all the works that you have done for Christ, how would one need to reward the other to be fair ?
2. Sometimes you became arrogant because you believe that God has favored you over those of other religions, or over not so pious Christians. Perhaps you are those first workers who expect to be rewarded better than others, and you are obsessively contemplating those rewards. Contemplate your attitude in responding to Christ to fulfill your mission.
3. How did, or would you react when you perceived that God is more generous with others ? Put you in place of the first workers, and contemplate your feeling and the way that you should react.
Suy niệm
1. Xét lại thái độ của bạn đối với sự kêu gọi của Thiên Chúa, bạn làm việc với lòng nhiệt tình không vụ lợi, hay luôn tính toán công phần mà Thiên Chúa phải “nợ” mình ? Suy niệm về lòng quảng đại của Thiên Chúa qua những hồng ân Ngài ban cho bạn trong cuộc sống, kể cả ơn cứu độ Ngài ban qua sự hy sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa. So sánh ơn Chúa với giá trị của tất cả các việc bạn nghỉ là làm cho Chúa, ai sẽ mắc nợ ai thế nào cho công bằng ?
2. Đôi khi bạn kiêu căng một cách vô tình. Bạn nghĩ rằng mình đuọc Chúa ưa chuộng hơn những người khác tôn giáo, hoặc những người không giữ đạo sốt sắng. Có lẽ bạn đang là những người thợ đến trước đã nghĩ rằng mình sẽ được trả công hơn người khác, và đang mãi mê chiêm niệm công trạng của mình. Suy niệm về thái độ “theo Chúa” của bạn.
3. Bạn phản ứng trong lòng thế nào khi suy rằng Thiên Chúa đối xử rộng lượng hơn với những người khác không có công trạng như bạn ?
bài liên quan mới nhất
- Thứ Năm tuần 1 Thường niên năm I - Đấng Messiah (Mc 1,40-45)
-
Thứ Tư tuần 1 Thường niên năm I - Chữa lành (Mc 1,29-39) -
Thứ Ba tuần 1 Thường niên năm I - Thẩm quyền (Mc 1,21-28) -
Thứ Hai tuần 1 Thường niên năm I - Sám hối (Mc 1,14-20) -
Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C - Con người mới (Lc 3,15-16.21-22) -
Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh (Ga 3,22-30) -
Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh (Lc 5,12-16) -
Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh (Lc 4,14-22a) -
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh (Mc 6,45-52) -
Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh (Mc 6,34-44)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Vâng phục (Lc 1, 26-38)