Chiến đấu trong thời bình

Chiến đấu trong thời bình

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một biến cố quan trọng trong lịch sử đất nước Việt Nam. Ngày đó chấm dứt thời chiến, mở sang thời bình.

Thời bình, tính từ ngày đó đến hôm nay, đã được 35 năm. Thời gian này vắng tiếng súng, nhưng vẫn có nhiều mồ hôi nước mắt. Bởi vì vẫn còn nhiều cuộc chiến đấu vô hình. Ở đây, tôi chỉ xin nói lên một số cuộc chiến vô hình đó.

1/ Chống lại tình trạng trống rỗng

“Trống rỗng” là hiện tượng khá quen. Trống rỗng khách quan là cuộc sống đầy đặc những lời nói và hoạt động, nhưng trống rỗng nội dung. Trống rỗng chủ quan là cuộc đời không thiếu hưởng thụ, mà vẫn cảm thấy trống rỗng nội tâm.

Cái trống rỗng nặng nề là trống rỗng ngay trong những tương quan. Bề ngoài coi như vồn vã, nhưng thực chất bên trong chỉ là trống rỗng.

Trống rỗng vừa nặng nề lại vừa đau xót vẫn có trong nhiều trường hợp yêu nhau.

Cái trống rỗng gây thất vọng nhất chính là trống rỗng trong nhiều sinh hoạt tôn giáo.

Mang trong mình cảnh trống rỗng, người ta phản ứng bằng nhiều cách. Có người lao mình vào cảnh truỵ lạc. Có người đi tìm thế giới giải trí. Có người tự tạo nên một cảnh sống ảo.

Để lấp đầy cái trống rỗng nội tâm, người ta thường hay dùng đến các hình thức nặng về dáng vẻ bề ngoài. Nhưng nội dung vẫn trống rỗng. Đó là bệnh hình thức.

Thực ra, hình thức vẫn cần, nhưng phải làm sao, để đằng sau hình thức, người ta có thể đón nhận được sự sống nào đó. Sự sống đó là do giá trị nhân bản, giá trị trí thức, giá trị đạo đức, giá trị tu đức.

Những giá trị ấy là những chân lý toả sáng và những tình yêu đốt nóng.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không ngừng cảnh cáo những cảnh sống đạo lấy hình thức làm chính. Cảnh sống đạo hình thức để lại một sự trống rỗng tệ hại.

Sự trống rỗng ấy rất tệ hại, bởi vì nó như một chứng bệnh nguy hiểm. Nó làm cho con người trở nên như người thiếu máu.

Để chống lại thứ bệnh nguy hiểm đó, thiết tưởng phải tăng cường đời sống suy tư lành mạnh và đời sống đạo đức đích thực.

Thực là vui, nếu thấy một địa phương phát triển về vật chất, mà cũng phát triển về suy tư lành mạnh và đạo đức đích thực.

Thực là mừng, nếu thấy đạo đời cùng nỗ lực chống lại tình hình trống rỗng.

Vui mừng đó chưa đều khắp, nhưng vẫn là niềm hy vọng lớn cho Đất Nước và Hội Thánh Việt Nam.

Một tình trạng nguy hiểm nữa cũng phải để ý trong thời bình, đó là tình trạng hỗn độn.

2/ Chống lại tình trạng hỗn độn

Thời bình dễ xuất hiện tình trạng hỗn độn. Hỗn độn nói ở đây là cảnh trà trộn giữa người tốt và người xấu.

Thánh Phêrô viết: “Trong dân chúng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả. Giữa anh em cũng vậy, sẽ có những thầy dạy giả hiệu, đó là những kẻ sẽ lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong... Vì tham lam, họ dùng lời lẽ gọt giũa để trục lợi” (2 Pr 2,1-3).

Còn thánh Gioan tông đồ thì quả quyết: “Giờ đây, nhiều tên phản Kitô đã xuất hiện” (1 Ga 2,18).

Thánh tông đồ còn nói thêm: “Nhiều ngôn sứ giả đã lan tràn khắp thế gian” (1 Ga 4,1).

Thời các thánh tông đồ đã có cảnh hỗn độn dữ dằn như thế. Thời nay cảnh hỗn độn cũng vẫn tái diễn, với nhiều hình thức, từ thô sơ đến tinh vi.

Cảnh hỗn độn thời nay có cái khó riêng của nó. Đó là khó phân biệt được rõ ràng người tốt người xấu, việc phải việc trái. Hoặc có biết, nhưng phải chấp nhận cảnh xô bồ đó.

Sự hỗn độn xảy ra ngay chính trong bản thân chúng ta. Một thí dụ dễ thường xảy ra, đó là những chọn lựa của chúng ta. Chọn lựa đó có thực do Chúa Thánh Thần soi dẫn, hay do ý riêng và biết đâu do ma quỷ? Ma quỷ thường có những kế hoạch tế nhị. Nó xúi người ta làm những việc ban đầu có vẻ đạo đức, nhưng thực ra sẽ đưa tới những hậu quả xấu, do vô vàn cái xấu lẻn vào.

Trước cảnh hỗn độn xưa và nay, Chúa dạy chúng ta phải “tỉnh thức và cầu nguyện”. Nhìn chung, sự cầu nguyện và tỉnh thức vẫn sống động nơi nhiều lương tâm tại Việt Nam. Tạ ơn Chúa.

Một cảnh sau cùng, mà thời bình rất cần cảnh giác và chiến đấu, đó là cảnh đi tìm hạnh phúc một cách tuỳ tiện.

3/ Chống lại tình trạng tuỳ tiện

Con người của thời bình là con người săn tìm hạnh phúc. Hạnh phúc thời bình là một thứ siêu thị. Có nhiều thứ để chọn. Mình chọn, mà người khác không chọn, thì cũng không sao. Chẳng ai ép mình phải chọn cái này mà bỏ cái kia. Mình chọn cái mình thích.

“Chọn cái mình thích”, khi trở thành chủ trương cho việc đi tìm hạnh phúc, thì tất nhiên sẽ đụng đến những nguyên tắc đạo đức. Trật tự luân lý không còn. Tu đức về vâng phục ý Chúa không còn. Giá trị về sự từ bỏ mình không còn. Đó là cảnh tuỳ tiện nguy hiểm.

Từ việc chọn sự gì mình thích như một hạnh phúc, sẽ gây nên khủng hoảng trong gia đình, và xã hội. Khủng hoảng đó nếu tồn tại, thì việc sống Phúc Âm, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cũng may là tại Việt Nam hôm nay, tình trạng tuỳ tiện đang bị khống chế bởi nhiều sức mạnh đạo đức.

***

Trong thời bình tại Việt Nam hôm nay, nhiều người đã có kinh nghiệm về ba tình hình vừa kể:

– Tình hình trống rỗng,

– Tình hình hỗn độn,

– Tình hình tuỳ tiện.

Ba tình hình đó đòi chúng ta phải chiến đấu với nhiều sức sống nội tâm. Vì thế, về mặt nào đó, có thể nói: Chiến đấu trong thời bình sẽ khó hơn chiến đấu trong thời chiến. Tuy biết là khó, nhiều người vẫn quyết tâm chiến đấu một cách kiên trì. Đó là điều đáng mừng và đáng được nâng đỡ.

Top