Cảm nhận đám cưới miền Tây
WGPSG -- Tôi có dịp về một xã nghèo miền Tây để tham dự đám cưới của một người bạn thân trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba (22 và 23.10.2012). Đám cưới miền Tây thật chan hòa niềm vui và ấm áp tình người. Đó là cảm nhận không chỉ riêng tôi mà còn của rất nhiều người có mặt trong ngày cưới.
Cha mẹ vất vả chuẩn bị đám cưới cho con
Trước hết, trong ngày rước cô dâu về nhà trai, tôi cảm nhận dường như có những giọt nước mắt đang đọng lại trong đôi mắt của người mẹ bạn tôi. Bác chủ hôn mời chú rể uống ly rượu để cảm ơn cha mẹ đã vất vả lo lắng trong những ngày qua. Ly rượu ấy không phải để “chén chú chén anh” ngây ngất men rượu cay, nhưng mang ý nghĩa hết sức cao quý: uống một ly rượu với mẹ cha để thể hiện lòng hiếu thảo của người con. Bởi thế, ly rượu tuy nhỏ bé nhưng tình thương thật tràn đầy.
Thật vậy, dì và dượng của tôi đã vất vả trong suốt hơn 3 tháng qua để lo lắng nhiều thứ cho ngày đám cưới: quà cưới cho con, thiệp mời khách, đặt nhà hàng về các món ăn, chuẩn bị mâm quả, thuê xe rước dâu, thuê dàn nhạc, chỗ ngủ cho khách v.v… Đám cưới miền Tây tuy diễn ra từ tối hôm trước cho đến trưa ngày hôm sau, nhưng khâu chuẩn bị phải lo lắng từ rất xa. Thật vất vả và lắm nhiêu khê. Dì tôi tâm sự rằng, mấy ngày gần tới đám cưới dì không ngủ được nhiều vì lo lắng cho ngày cưới của con. Thế nhưng, tình thương dành cho con trong ngày đám cưới đầu tiên trong gia đình đã giúp dì vượt qua tất cả. Quả thật, tình mẹ bao la, không bút mực nào kể xiết.
Người thân, bạn bè nhiệt tình phục vụ đám cưới
5 giờ sáng thứ Hai, 22.10.2012, anh em chúng tôi đến chợ Hồ Thị Kỷ, phường 1, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh, để mua hoa về chưng trong ngày cưới. Đường về miền Tây xa nhưng chúng tôi không cảm thấy mệt vì con người ta chỉ có một lần đám cưới trong cuộc đời. Hơn nữa, chúng tôi đã từng ăn chung, ở chung một nhà, học chung một trường, đi học chung đường, biết bao kỷ niệm ân tình thật khó quên. Vì vậy, tình bạn chỉ thật sự ý nghĩa khi con người ta nhiệt tình, nhiệt tâm phục vụ nhau bằng cả tấm lòng: người thì cắm hoa, người thì lo trang trí sân khấu, người thì sắp xếp bàn ghế, người chuẩn bị ly, bình uống trà, người lo tiếp khách v.v…
Bên cạnh đó, mấy người cậu và dì ruột của bạn tôi cũng rất nhiệt tình lo lắng cho cháu như lo mượn bàn ghế, phụ tiếp khách, trang trí sân khấu, thức khuya nấu ăn, thậm chí họ còn thức tới sáng để chung vui ngày cưới. Quả vậy, đám cưới miền Tây tuy không lộng lẫy, sang trọng như những tiệc cưới ở nhiều nhà hàng Sài Gòn, nhưng nó thật chân tình và ấm áp niềm vui, chan hòa sự chia sẻ và giúp đỡ nhau bằng tất cả tình người.
Mọi người ai cũng vui trong ngày cưới
Ngay từ tối hôm trước, quý ông bà cô bác, anh chị em, và những người bạn thân thương đã đến chung vui bữa cháo khuya với gia đình chú rể. Mọi người vừa ăn, vừa uống rượu đế, vừa thưởng thức những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn. Nhiều người thức tới sáng để uống trà, trò chuyện thâu đêm. Đám cưới miền Tây là cơ hội để mọi người cùng vui trong tình nghĩa xóm làng. Điều đặc biệt trong ngày đám cưới bạn tôi đó là sự nhiệt tình của bà con họ nhà gái. Mọi người bên ấy ai cũng khen cảnh vật và con người miền Tây: thật bình dị và chân chất thật thà, nhiệt tình với mọi người bằng cả tấm lòng. Trong số họ, có những người đã bước lên sân khấu để giao lưu văn nghệ với nhà trai với những ca khúc về ngày cưới quê hương. Trước khi chia tay về lại Sài Gòn, một số người bên họ nhà gái còn muốn ở lại để vui hết mình với đám cưới miền Tây của nhà trai… Thật khó quên cảnh đi bộ trên con đường làng với những bóng mát của những hàng cây dừa rợp bóng hơn 1 cây số về nhà trai.
Dẫu biết rằng “cuộc vui nào cũng tàn, buổi họp mặt nào rồi cũng tan” nhưng những gì còn đọng lại trong ngày đám cưới miền Tây sẽ luôn ấn tượng nơi tâm trí nhiều người. Thiết nghĩ rằng đó cũng là một nét đẹp giữa đời thường, một nét văn hóa ngày cưới miền Tây tuy không lộng lẫy, tiện nghi như miền thành thị nhưng người miền Tây luôn đối xử với nhau bằng cả tấm chân tình như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi…”
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19