Cách thánh Phanxicô Salêsiô và thánh Gioanna Phanxica Chantal thay đổi thế giới

Cách thánh Phanxicô Salêsiô và thánh Gioanna Phanxica Chantal thay đổi thế giới

Cách thánh Phanxicô Salêsiô và thánh Gioanna Phanxica Chantal thay đổi thế giới

Thánh Phanxicô Salêsiô (1567-1622) là một người uyên thâm về luật pháp, như thánh Anphongsô Liguori (1696-1787) cũng là một tiến sĩ Hội Thánh...

“Hãy phó mình hoàn toàn cho Thiên Chúa,

rồi bạn sẽ tìm thấy hình thức tử đạo của bạn!”

“Linh hướng là gì?” Không giống bí tích Thống hối thuộc thần học hệ thống, hay các việc bác ái, linh hướng là một ý niệm khó định nghĩa hơn nhiều.

Có lẽ để dễ hiểu linh hướng có thể được định nghĩa nhờ vào các ví dụ thật sự cho thấy thế nào là việc linh hướng tốt, vững chắc, theo nghĩa thông thường, đã đưa đến những kết quả cụ thể, như các vị đại thánh và các hội dòng hoàn toàn mới mẻ. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ xem đến hai vị thánh, cũng là hai người bạn, được đặt tên theo Kẻ hèn mọn Thánh thiện của Thiên Chúa tức thánh Phanxicô Assisi: là thánh Phanxicô Salêsiô và thánh Gioanna Phanxica Chantal – cùng với sự có mặt của một vị đại thánh khác ở nước Pháp là thánh Vinh Sơn Phaolô.

Thánh Phanxicô Salêsiô

Thánh Phanxicô Salêsiô (1567-1622) là một người uyên thâm về luật pháp, như thánh Anphongsô Liguori (1696-1787) cũng là một tiến sĩ Hội Thánh. Sau khi nhận chức cắt tóc vào lúc còn rất trẻ, và rồi nhận các bằng luật, ngài dần dần được trao nhiệm vụ không có gì đáng ao ước là làm Giám mục Geneva, vì vào thời điểm ấy đó là thành trì của phái Calvin với niềm tin mạnh mẽ vào hai số phận – niềm tin rằng bạn hoặc được cứu độ hoặc bị tuyên án, mà bạn thì không thể làm được gì để lựa chọn. Phanxicô có nhiệm vụ tái truyền giáo cho nước Thuỵ Sĩ bất quy phục.

Nhưng ngài không đơn độc. Từ khi ngài được sinh ra mẹ ngài đã chỉ định Cha Deage làm gia sư cho ngài, và Deage theo Phanxicô đến bất cứ nơi nào ngài đến. Khi cha Deage qua đời, Phanxicô tìm được chỗ dựa tinh thần nơi người anh em họ, kinh sĩ Louis de Sales, làm người cố vấn tinh thần và linh hướng cho vị giám mục trẻ này.

Chúng ta thường nghĩ các thánh là những kẻ “hơn người” được trọng vọng – cuộc sống của họ đầy hạnh phúc, phép lạ và những việc thiện liên tiếp, thỉnh thoảng gặp một nỗi thống khổ được ghi nhận như một phúc lành êm dịu. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đời tương đối ngắn ngủi của ngài, thánh Phanxicô Salêsiô gặp phải những cuộc tấn công hung ác, bị những tên sát nhân mai phục, trải qua một đêm trốn trên cây vì sợ mất mạng, và ít nhất một lần bị tấn công thể lí bởi cả một đám đông thù nghịch lăng nhục và đánh đập ngài.

Dù bất hạnh như thế, thánh Phanxicô Salêsiô không ngừng viết những luận văn ngắn về tôn giáo và một sách Giáo lí của Giám mục.

Nhưng điều quan trọng hơn cho chúng ta mà ngài đã đáp ứng, là vào năm 1604, Gioanna Phanxica Chantal, được ngài linh hướng.

Thánh Gioanna Phanxica Chantal

Cha của Gioanna Phanxica là chủ tịch nghị viện Burgundy. Bà có cuộc hôn nhân tốt đẹp; nhưng không kéo dài: chồng bà mất trong một tai nạn khi đi săn thú, ba người con mất lúc còn nhỏ, và bà đến sống với cha chồng 75 tuổi. Theo đánh giá chung, ông này rất khắc nghiệt và rất đỗi keo kiệt đối với con dâu.

Xuyên qua cuộc sống u tối đầy thất vọng này là một tia sáng thật sự. Thánh Phanxicô Salêsiô giảng tại Dijon và Gioanna, khi nghe ngài giảng, “nhận ra ngài là người bà đã từng gặp trong một thị kiến và biết ngài là vị linh hướng mà bà đã cầu xin Chúa gởi đến cho bà”.

Ba năm sau, thánh Phanxicô Salêsiô chia sẻ với bà ý tưởng ngài muốn thành lập một hội dòng cho các nữ tu gọi là Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng. Điều độc đáo là trong dòng này các chị không phải ở trong nội vi – nhưng ngay cả giám mục Geneva cũng không thể thông qua ý tưởng sáng tạo như thế, vì vậy các nữ tu dòng Thăm Viếng phải sống theo Luật thánh Augustinô đã có từ xưa.

Bởi vì ngài phải quay lại giáo phận của mình ở Geneva, nên thánh Phanxicô Salêsiô đưa Gioanna Phanxica đến gặp thánh Vinh Sơn Phaolô, vị thánh gốc Paris chuyên chăm sóc người nghèo, và ngài giúp bà điều hành tu viện của bà ở Thành Đô Ánh Sáng và trở thành cha linh hướng của bà, khi ngài xong việc với thánh Louis de Marillac, là người cùng với ngài thành lập tu hội Nữ tử Bác ái.

Nhưng khi ấy bóng tối một lần nữa ập xuống trên Gioanna Phanxica. Thánh Phanxicô Salêsiô qua đời năm 1622, con trai bà chết năm 1627 khi chiến đấu với người Anh, và một dịch bệnh khủng khiếp xảy ra trên khắp nước Pháp. Dù dịch bệnh cho Gioanna cơ hội thực hành các việc bác ái, thì vào năm 1632 con rể bà qua đời, và người bạn bình thường của bà là Michel Favre – cha giải tội của thánh Phanxicô Salêsiô – cũng qua đời.

 Cuộc đời lận đận của thánh nữ chỉ êm ái nhờ đức tin không lay chuyển vào Thiên Chúa và một người bạn vĩ đại, tốt lành là vị linh hướng của bà – thánh Phanxicô Salêsiô, và, trong thời gian khá ngắn, thánh Vinh Sơn Phaolô. Thánh Vinh Sơn nói về Gioanna Phanxica thế này:

Bà là người tràn đầy đức tin, tuy nhiên suốt đời bà bị hành hạ bởi các tư tưởng chống lại đức tin. Dù bên ngoài bình an và tâm trí thanh thản như các linh hồn đã đạt tới nhân đức cao độ, bà chịu những thử thách nội tâm đến độ bà thường nói với tôi tâm trí bà đầy các kiểu cám dỗ và sự kinh tởm đến nỗi bà phải cố gắng không nhìn vào bản thân mình. Nhưng dù đau khổ dường ấy gương mặt bà không bao giờ mất bình thản, cũng như bà chưa lần nào giảm lòng trung thành mà Thiên Chúa đòi hỏi bà. Thế nên tôi xem bà là một trong những linh hồn thánh thiện nhất tôi được gặp trên mặt đất này”.

Chính Gioanna Phanxica nói với các nữ tu dòng Thăm Viếng của bà rằng:

Hãy phó mình hoàn toàn cho Thiên Chúa, rồi bạn sẽ tìm thấy hình thức tử đạo của bạn! Tình thương của Thiên Chúa dùng gươm đâm vào những nơi kín ẩn nhất trong tâm hồn bạn và phân cách chúng ta ra khỏi chính mình. Tôi biết một người đã bị tình thương tách rời khỏi mọi sự thân thiết nhất đối với bà, hoàn toàn và dứt khoát như thể lưỡi gươm của một bạo chúa cắt đứt linh hồn lìa khỏi thân xác”.

Rồi người viết tiểu sử ghi thêm: “Chúng ta có thể thấy bà đang nói về chính mình”.

Nỗi thống khổ nội tâm, đêm tối tâm hồn và tình trạng khô khan thiêng liêng: nếu đây là số phận cuộc đời của người có cha linh hướng là vị thánh tiến sĩ vĩ đại Phanxicô Salêsiô – và sau đó là thánh Vinh Sơn Phaolô – thì làm sao trên mặt đất này chúng ta lại mong thoát được một cuộc sống không chỉ có đau khổ về tinh thần, mà còn có cả những thiếu thốn và tấn công về thể lí nữa?

Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Lê Tấn Bảo
Chuyển ngữ từ: ncregister.com
Nguồn: giaophanmytho.net

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top