Báo cáo của Tổng Giáo phận TP.HCM gửi các Giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam

Báo cáo của Tổng Giáo phận TP.HCM gửi các Giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam


PHẦN MỘT : BÁO CÁO VỀ NHỮNG SINH HOẠT MỤC VỤ CỦA GIÁO PHẬN

I. Hội ngộ Linh Mục trong Năm Linh Mục

1. Mục tiêu: củng cố tình huynh đệ hiệp thông trong hàng LM, hỗ trợ cho đời sống và việc mục vụ của LM.

2. Phương thế: gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đời sống mục vụ của LM.

3. Thuận lợi: đáp ứng nhu cầu của tình huynh đệ hiệp thông, hiệp nhất trong một đức tin.

4. Khó khăn: tình hình và thời sự làm phân tán, gây phân hoá. Điều đó nhắc mọi người ý thức sống theo Lời Chúa dạy "trong mọi gian truân thử thách, hãy kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện" .

5. Công trình lâu dài: gia cố, canh tân gian nhà hiệp thông cho hàng linh mục.

II. Những nét chính của sinh hoạt mục vụ trong 3 năm 2007-2010

1. Xây ngôi nhà gia đình thành nôi của sự sống, mái ấm của tình thương, mái trường đầu tiên giáo dục đức tin.

2. Mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin cho dân Chúa. Xây giáo xứ thành cộng đoàn đức tin và bác ái.

3. Chuẩn bị cập nhật hoá Chỉ Nam cho đời sống và công việc mục vụ của linh mục.

4. Liên kết các Ban Mục vụ giáo phận trong một nỗ lực chung là canh tân ngôi nhà gia đình giáo phận:

- Các Ban MV Phụng Tự, Thánh Nhạc, Thánh Kinh, Giáo lý, Ơn Gọi: hướng đến canh tân gian nhà mầu nhiệm.

- Các Ban MV Thiếu Nhi, Giới Trẻ, Gia Đình, Di Dân: hướng đến canh tân gian nhà hiệp thông.

- Các ban MV Caritas, Truyền Giáo, Truyền Thông, Văn Hoá, Giáo Dục, Đối thoại liên tôn : hướng đến canh tân gian nhà sứ vụ.

III. Giáo phận triển khai chủ đề "Giáo Hội mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ" nhằm hướng đến thực hành

Giáo phận tổ chức cho mỗi thành phần linh mục, tu sĩ, giáo dân (HĐGX, Giáo lý viên, các Giới và đoàn thể tông đồ...) hội thảo, trao đổi, góp ý, giúp nhau ý thức tham gia vào công trình "xây dựng Giáo Hội, ngôi nhà chung của chúng ta".

A. Mầu nhiệm

1. Ý nghĩa

Để bày tỏ khuôn mặt Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô, Đền thờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tại Việt Nam cần quan tâm đến việc tăng trưởng và đào sâu mối hiệp thông của mỗi tín hữu với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đồng thời mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi phải trở thành mẫu mực cho đời sống Giáo Hội ở mọi cấp độ: giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn dòng tu, gia đình. Ở tâm điểm của mối hiệp thông sâu xa này là bí tích Thánh Thể, vì “không có cộng đoàn Kitô hữu nào có thể được xây dựng mà không đặt nền tảng và trung tâm nơi việc cử hành Thánh Thể” (Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia, số 33). Nhờ cử hành Thánh Thể, các tín hữu đón nhận Chúa Giêsu vào cuộc đời mình, được Lời Người nuôi dưỡng, Mình Máu Người ban sức mạnh, và biến đổi chúng ta thành Thân Mình Người là Giáo Hội.

2. Những câu hỏi gợi ý suy nghĩ và trao đổi

2.1. Cho các linh mục và Hội Đồng Giáo Xứ

- Trong năm qua, giáo dân trong giáo xứ đã tham dự Thánh lễ Chúa nhật và ngày thường như thế nào?

- Có thể làm gì để giúp người giáo dân tham dự Thánh Lễ cách ý thức, tích cực và sống động hơn?

- Anh chị em giáo dân trong giáo xứ có tha thiết với việc lắng nghe, suy niệm, học hỏi và sống Lời Chúa không? Giáo xứ đã quan tâm đến việc giáo dục đức tin ra sao?
- Giáo xứ đã làm gì và có thể làm gì để thúc đẩy việc lắng nghe và sống Lời Chúa?

2.2. Cho các đoàn thể tông đồ giáo dân và các giới

- Các thành viên trong đoàn thể của các anh chị đã tham dự Thánh Lễ Chúa nhật và ngày thường ra sao?

- Đoàn thể của các anh chị đã làm gì để thúc đẩy các thành viên tham dự Thánh Lễ cách ý thức, tích cực và sống động hơn?

- Đoàn thể đã và có thể làm gì để thúc đẩy các thành viên học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa?

2.3. Cho các gia đình Công giáo

- Gia đình (anh chị) có ý thức mình là một cộng đoàn thờ phượng Chúa không? Có thường xuyên cầu nguyện chung trong gia đình? Có đọc Lời Chúa trong giờ kinh chung của gia đình không?

- Anh chị có thể làm gì để gia đình thực sự trở thành cộng đoàn thờ phượng Chúa?

B. Hiệp thông

1. Ý nghĩa

Cắm rễ sâu trong bí tích Rửa tội, được củng cố nhờ bí tích Thêm Sức và được thường xuyên nuôi dưỡng nhờ bí tích Thánh Thể, tất cả mọi tín hữu công giáo – giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân – đều có trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội và hiệp nhất yêu thương nhau trong tình bác ái. Nhờ đó, Giáo Hội thực sự trở thành một Giáo Hội hiệp thông và tham gia.

2. Những câu hỏi gợi ý

2.1. Cho các linh mục và HĐGX

- Bầu khí hiệp thông yêu thương trong giáo xứ hiện nay ra sao? Có những bất hòa và chia rẽ không? Nếu có, đâu là những nguyên nhân chính và cần phải làm gì để khắc phục?

- Anh chị em giáo dân đã tham gia vào công việc chung của giáo xứ như thế nào? Đâu là những mặt mạnh và mặt yếu?

- Sự hợp tác giữa cha xứ và HĐGX hiện nay ra sao? Có những thuận lợi và khó khăn nào? Có thể làm gì để có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa cha xứ và HĐGX?

- Giáo xứ đã làm gì để thể hiện tình bác ái yêu thương đối với những người nghèo khổ và bất hạnh, trong cộng đoàn cũng như trong khu vực mình đang sống?

2.2. Cho các đoàn thể tông đồ và các giới

- Đoàn thể của các anh chị đã tham gia các sinh hoạt mục vụ trong giáo xứ và giáo phận như thế nào?

- Để thúc đẩy sự tham gia tích cực của người giáo dân vào đời sống và sinh hoạt của giáo xứ, các anh chị có những ước muốn và đề nghị gì?

2.3. Cho các gia đình công giáo

- Gia đình công giáo là tế bào căn bản của Giáo Hội, và Giáo Hội là cộng đoàn hiệp thông. Vậy gia đình anh chị đã sống sự hiệp thông yêu thương như thế nào?

- Gia đình anh chị đã làm gì để tham gia vào công việc chung của giáo xứ? Anh chị có thể làm gì để góp phần xây dựng giáo xứ của mình?

C. Sứ vụ loan báo Tin Mừng

1. Ý nghĩa

Mọi tín hữu công giáo đều được kêu gọi và có trách nhiệm tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sứ vụ này cần được thực hiện ở cả ba mức độ. Thứ nhất là đón nhận và để cho Tin Mừng thấm nhập vào đời sống của mình, do đó phải thường xuyên hoán cải và trở về với Tin Mừng. Thứ hai là đem Tin Mừng đến cho người khác qua lời rao giảng cũng như qua đời sống làm chứng cho Tin Mừng. Thứ ba là đem những giá trị của Tin Mừng (chân lý, tình yêu, công lý, hòa bình) thấm nhập và biến đổi mọi lãnh vực trong đời sống con người.

2. Những câu hỏi

2.1. Cho các linh mục và HĐGX

- Giáo xứ đã có những nỗ lực nào trong việc giới thiệu Tin Mừng của Chúa cho những anh chị em ngoài Giáo Hội? Có những dự định gì trong tương lai?

- Giáo xứ có thúc đẩy anh chị em trong giáo xứ quan tâm đến những vấn đề chung trong đời sống xã hội không (vd. giữ gìn vệ sinh môi trường, bài trừ tệ nạn xã hội…)?

- Giáo xứ góp phần thế nào trong việc bài trừ những tệ nạn xã hội trong khu vực mình sống, và góp phần xây dựng đời sống xã hội tốt đẹp hơn?

2.2. Cho các đoàn thể tông đồ và các giới

- Đoàn thể của các anh chị đã góp phần vào sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng cách nào và như thế nào?

- Trong lãnh vực chuyên môn của mình (y tế, giáo dục, thương mãi…), các anh chị đã có những nỗ lực nào vào sứ mạng loan báo Tin Mừng?

- Người giáo dân hiện diện trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội. Anh chị có thể làm gì để đem những giá trị Tin Mừng (chân lý, tình yêu, công lý, hòa bình) vào môi trường làm việc của mình?

2.3. Cho các gia đình công giáo

- Cha mẹ là người có trách nhiệm “phúc âm hóa” con cái. Vậy anh chị đã có những nỗ lực nào trong công việc này? Đâu là những thuận lợi và khó khăn?

- Theo anh chị, Giáo Hội có thể làm gì để đồng hành và giúp đỡ anh chị trong sứ mạng này?

PC. Ngoài tất cả những câu hỏi trên, anh chị em (linh mục, tu sĩ, giáo dân) còn có những đề nghị gì cho đời sống giáo phận?

 

PHẦN HAI: BÁO CÁO CỦA UỶ BAN MỤC VỤ DI DÂN THUỘC HĐGM.VN

Khai mở cho các Ban MV Di Dân các giáo phận liên kết "giáo phận gốc" với "giáo phận tiếp nhận" hướng đến hai mục tiêu chung:

1. Hỗ trợ cho giáo phận tiếp nhận trở thành chiếc tàu ông Noe chở người di dân nhập cư đi đến sự sống.

2. Phối hợp giáo hội gốc với giáo hội tiếp nhận giúp cho di dân trở thành sứ giả Tin Mừng trong môi trường mới.

 

PHẦN BA: HƯỚNG VỀ ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM

Đại Hội Dân Chúa Việt Nam từ 21-25 tháng 11.2010
tại Trung Tâm Mục Vụ, 6bis Tôn Đức Thắng, TP.HCM
(Bản thảo III, 6.8.2010)

I. Chủ đề (Giáo Hội mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ)

1. Giới thiệu "Giáo Hội mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ" như bản thiết kế ngôi nhà chung của Dân Chúa.

2. Ý nghĩa mục đích: soi sáng và trợ lực cho các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, suy nghĩ, góp ý cho việc gia cố, phục chế, canh tân ngôi nhà chung của mình trên nền đá vững chắc là Lời Chúa (xem Mt 7,24-25), và trên 4 trụ cột vững bền là chân lý và tình thương, hoà bình và công lý (x.TV 85,11; Thông điệp "Tình Yêu trong Chân Lý").

PC. Đề nghị mỗi giáo phận tổ chức cho mỗi thành phần giáo sĩ, giáo dân học hỏi, góp ý canh tân Giáo Hội, đồng thời bầu đại biểu dự Đại Hội Dân Chúa với nhiệm vụ chuyển các ý kiến đến Đại Hội.

II. Đại biểu (tổng số là 280-300)

1. Các giám mục VN (30-40)

2. Ban Thư Ký Đại Hội (20) (50-60 trọ và ăn sáng tại TT.MV)

3. 26 LM Tổng Đại diện

4. 8 LM Giám đốc ĐCV (34 trọ và ăn sáng bên dòng Phaolô)

5. 26 Đại diện LM 26 giáo phận

6. 30 Đại diện các dòng tu (56 trọ và ăn sáng bên dòng Phaolô)

7. 120-130 giáo dân, đại diện Hội Đồng Giáo Xứ, Giáo lý viên, Ca đoàn, các Giới và đoàn thể tông đồ giáo dân... (120-130 trọ và ăn sáng tại ĐCV)

8. Khách mời (mời 20-25 vị dự Đại Hội từ chiều T.Tư 24 đến hết T. Năm 25.11.2010, và trọ ở khách sạn) :

- Đại diện Bộ Truyền Giáo, Bộ Ngoại Giao Vatican, HĐGH về Mục vụ Di Dân, ĐHY Sepe,

- Đại diện các HĐGM lo mục vụ di dân cho các cộng đồng CGVN hải ngoại,

(Đức, Pháp, Canada, Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã lai, Campuchia, Thái Lan)

- Đại diện vài tổ chức Bác Ái hỗ trợ Giáo Hội tại Việt Nam.

PC. Ban Tổ Chức lo bố trí chỗ ăn ở cho các thư ký và tài xế của các đại biểu.

III. Chương trình ( từ chiều Chủ Nhật 21.11 đến hết Thứ Năm 25.11.2010)

CN 21.11 

Ban Tiếp Tân Đại Hội tiếp đón các đại biểu từ lúc 14:00...

16:45 có xe đưa tất cả các đại biểu đi dự lễ khai mạc tại nhà thờ chánh toà.

17:15 Thánh lễ khai mạc. 18:30, xe đưa tất cả về dùng cơm tối tại Đại Chủng viện.

T.Hai 22

6:30 Ăn sáng tại nơi trọ.

T.Ba 23

7:30 Tại Hội trường : Kinh Sáng, Giới thiệu đề tài, tham luận, góp ý... Giải lao...

T.Tư 24

10:30 Thánh lễ tại Nhà Nguyện Đại Chủng Viện.

11:30 Cơm trưa tại ĐCV. Nghỉ trưa.

14:30 Kinh Chiều. Giới thiệu câu hỏi hội thảo nhóm. Hội thảo nhóm... Giải lao.

17:00 Báo cáo ý kiến của mỗi nhóm tại Hội trường.

18:00 Cơm chiều tại ĐCV. Gặp gỡ, giao lưu riêng hay nhóm... Nghỉ đêm

PC. Mỗi ngày giới thiệu, tham luận, hội thảo về một đề tài: T.Hai "Giáo Hội mầu nhiệm"; T.Ba "Giáo Hội hiệp thông"; T.Tư "Giáo Hội sứ vụ".

T.Năm 25

7:30 Kinh Sáng. Trình bày bản thảo "Sứ diệp của Đại Hội gởi cộng đồng dân Chúa VN". Các đại biểu góp ý điều chỉnh, bổ sung, biểu quyết... Giải lao...

10:30 Phát biểu của quý khách mời ...

11:30 Cơm trưa tại ĐCV. Nghỉ trưa

14:30 Kinh Chiều. Đúc kết các ý kiến đã được đóng góp trong Đại Hội.... Giải lao

16:00 Thánh lễ bế mạc Đại Hội tại Nhà Nguyện ĐCV

17:00 Cơm chiều tại ĐCV

19:00 Công bố "Sứ điệp Đại Hội gởi cộng đồng dân Chúa Việt Nam".

Lễ Hội tại sân TT.MV, với sự tham dự của các thành phần dân Chúa trong giáo phận.

Mời đại diện Chính Quyền cùng các Tôn giáo bạn đến dự Lễ hội lúc 19:00.

PC. Sẽ có bảng phân công chủ lễ, giảng lễ, giới thiệu đề tài hội thảo, chủ toạ Đại Hội, trình cho HĐGM thống nhất.


PHẦN BỐN: ĐỀ NGHỊ TU BỔ, MỞ RỘNG CẤU TRÚC TỔ CHỨC CỦA HĐGM.VN

Tình hình mở ra và bối cảnh toàn cầu hoá hôm nay đòi hỏi HĐGM.VN mở rộng cấu trúc tổ chức, tu bổ và canh tân ngôi nhà của mình, hỗ trợ cho các giám mục hoàn thành chức năng làm trung tâm hiệp thông và làm mục tử dẫn dắt dân Chúa trong xã hội hôm nay:

- HĐGM.VN làm nhịp cầu hiệp thông giữa Giáo Hội tại VN với Giáo Hội toàn cầu,

- HĐGM.VN làm nhịp cầu hiệp thông giữa Giáo Hội tại VN với các HĐGM khác, cách riêng những nơi có sự hiện diện của cộng đồng công giáo VN, và với Liên HĐGM Á châu, đặc biệt những nơi có đông người Việt.

- HĐGM.VN làm cầu nối cho sự hiệp thông giữa các Giám mục cùng các Ủy Ban giám mục với nhau,

- HĐGM.VN hỗ trợ cho các giám mục có kế hoạch lâu dài cùng chương trình cụ thể cho công việc huấn luyện các thành phần dân Chúa, đặc biệt là hướng dẫn giáo dân ngày càng trở nên người công giáo tốt và công dân tốt trong xã hội hôm nay, theo như lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha.

Con đường tất yếu để trở nên người công giáo tốt và công dân tốt là:

(1) Ý thức sống trong ánh sáng chân lý và tình thương của Chúa Giêsu Đấng cứu độ, để ngày càng tăng trưởng về mọi phương diện theo hình mẫu của Người là Chân Lý tròn đầy và là Đạo yêu thương.

(2) Ý thức thể hiện những giá trị đạo đức xã hội theo giáo huấn của Giáo Hội cũng như theo truyền thống đạo lý và văn hóa lành mạnh của dân tộc, đồng thời tham gia vào công trình kiến tạo một cộng đồng nhân loại mới chung một đời sống chan hoà ánh sáng chân lý và tình thương, hoà bình và công lý, để nên men muối và chứng nhân Tin Mừng Đạo yêu thương. 

(3) Ý thức luôn bước theo Chúa Cứu Độ yêu thương tới cùng và khiêm tốn phục vụ cho Tin Mừng cùng sự sống dồi dào và sự phát triển vững bền của con người và xã hội, ý thức luôn theo ơn soi dẫn và cộng tác với Chúa Thánh Thần đổi mới và xây dựng hiệp nhất, để mọi lời nói và việc làm của mình trổ hoà bình an và hoan lạc, hoa từ bi và bác ái, hoa hiệp thông và hiệp nhất cho gia đình cũng như cho cộng đoàn và xã hội.

(4) Khi gặp sự cố ngoài ý muốn, nhớ bình tâm cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, và theo ánh sáng đức tin tham khảo ý kiến nhau trong gia đình, trong cộng đoàn, để không bị lôi cuốn đi vào con đường khôn khéo của thế gian với những thủ đoạn đối phó tình thế, và những biện pháp loại trừ nhau.

Ngày 23.8.2010
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
TGP.TP.HCM

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top