Bài học “Đức khiêm nhường”

Bài học “Đức khiêm nhường”

WGPSG -- Là đoàn viên Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTT), chúng ta phải noi theo Chúa Giêsu về “sự khiêm nhường”, như Chúa đã nói: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Đức khiêm nhường là chủ đề huấn đức của Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng – Tổng linh hướng GĐPTTT Giáo phận Sài Gòn - trong các phiên họp BCH GĐPTTT Giáo phận Sài Gòn hiện nay.

Trong phiên họp BCH GĐPTTT Giáo phận Sài Gòn, vào lúc 9g00 ngày 18/8/2012, tại giáo xứ Bình Đông hạt Bình An, có sự hiện diện của Cha Giuse Nguyễn Quốc Thắng – chánh xứ Bình Đông – linh hướng GĐPTTT hạt Bình An và xứ đoàn Bình Đông, BCH GĐPTTT Giáo phận, Đại diện BCH các giáo hạt: Bình An, Chí Hòa, Hóc Môn, Phú Thọ, Sài Gòn – Chợ Quán, Thủ Đức, Tân Định, Thủ Thiêm, Tân Sơn Nhì và Xóm Mới, Cha Vinh Sơn tiếp tục huấn đức về “Tinh thần tông đồ”.

Trước hết, cha nhắc lại: Mình là đoàn viên GĐPTTT thì buộc phải khiêm nhường, vì đó là bản chất của chúng ta. Bởi vì chúng ta phải yêu mến Chúa và bắt chước Chúa (vì Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường), và tâm tình phạt tạ buộc chúng ta phải khiêm nhường, như Chúa đã nói với chúng ta: “Hãy học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).

Cha nhắc lại cái tên GĐPTTT: Nhiều cha, nhiều người thắc mắc tại sao không nói “Gia đình Thánh Tâm” cho nó đẹp, dễ chấp nhận. Cha đã giải thích: Từ “Phạt tạ” có nghĩa là đền bồi những sự sỉ nhục mà thiên hạ đã làm cho Chúa phải chịu, Chúa chẳng đòi điều đó, nhưng tinh thần khiêm nhường đòi chúng ta phải đền bồi những sự sỉ nhục mà thiên hạ đã xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa. Từ “Phạt tạ” nói lên sự “khiêm nhường”, nếu bỏ đi từ phạt tạ, nghe nó êm tai, nhưng mất đi cái mục đích của chúng ta.

Khiêm nhường là chiến lược để mà chinh phục. Như chúng ta biết, một người khiêm tốn là người dễ gây thiện cảm với người khác, người kiêu căng ngạo mạn là người làm cho người khác có ác cảm. Cho nên muốn chinh phục người khác theo cách tự nhiên ở đời thì mình phải có sự khiêm nhường. Khiêm nhường làm cho người ta có tình cảm với mình, ai khiêm nhường thì người ta dễ tin cậy vào người đó hơn.

Nhưng khiêm tốn mà thôi thì chưa đủ, vì nếu khiêm tốn ở bên ngoài thì coi chừng nó chỉ là giả dối, cho nên muốn chinh phục người khác mình phải khiêm nhường thật sự trong tâm hồn. Một người khiêm nhường thực sự sẽ có sức thuyết phục để chinh phục người khác. Do đó, làm tông đồ của Thánh Tâm Chúa, chúng ta phải khiêm nhường thật sự. Chúng ta nhìn xem cách Chúa Giêsu khi cư xử với người phụ nữ phạm tội ngoại tình, Chúa không có trách mắng, răn đe, Chúa chỉ nói một điều: “Chị hãy về đi và đừng phạm tội nữa”; với ông Gia-kêu, Chúa chỉ nói: “Hôm nay tôi muốn đến nhà ông”; với người đàn bà bên giếng Gia-cóp, Chúa nói: “Chị không có chồng đúng rồi, năm người đang ở với chị không phải là chồng chị đâu”. Chúa nói nhẹ nhàng thế thôi, nhưng tất cả họ đều biến đổi và đã đi rao truyền cho mọi người.

Nếu chúng ta có một tâm tình khiêm nhường thật sự, khiêm nhường cả bên ngoài lẫn bên trong, thì chắc chắn việc làm của chúng ta sẽ có sức chinh phục. Chúng ta thử suy nghĩ xem, tại sao đoàn thể chúng ta chưa phát triển, vì chúng ta chưa chinh phục được người ta, vì chúng ta còn chất chứa nhiều sự kiêu căng ngạo mạn, chưa có hay nếu có thì chỉ có sự khiêm nhường bên ngoài mà thôi.

Cha tiếp tục bài học “khiêm nhường”. Cha đã dùng phương cách nói nhẹ nhàng để diễn đạt: Khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức. Như chúng ta biết, đầu mố́i mọi thứ tội, đó là “kiêu ngạo”, ngược lại với khiêm nhường. Nếu không có đức khiêm nhường thì mọi nhân đức khác đều không có giá trị; ở đây, chúng ta tìm hiểu về 3 nhân đức căn bản đối với Chúa: Đức tin, Đức cậy, Đức mến.

Đức tin: Đức khiêm nhường là nền tảng của Đức tin. Nếu không có sự khiêm nhường thì làm sao chúng ta có thể tin được. Ngày xưa, các ông biệt phái, luật sĩ, nhiều người Do Thái thấy Chúa làm nhiều phép lạ, mọi người được thuyết phục, nhưng do thiếu sự khiêm nhường. Họ nói: “Tại sao ông này lại làm được việc đó, tại sao ông này lại lại xưng mình là con Thiên Chúa…”. Họ đòi giết Chúa vì họ không có sự khiêm nhường, nên không nhận ra sự thật. Nhưng khi có sự khiêm nhường, sẽ có sự biến đổi, như ông sĩ quan đại đội trưởng, chứng kiến diễn tiến việc Chúa trút hơi thở cuối cùng, ông tin và đã thốt lên: “Quả thật, ông này là con Thiên Chúa!”. Vì sự khiêm nhường, ông ta đã nhận ra Chúa; còn những ông biệt phái, Pha-ri-siêu, nhiều người Do Thái không có sự khiêm nhường nên đ không nhận ra Chúa.

Khiêm nhường là nền tảng của mọi sự. Lịch sử Giáo hội cho thấy, nhiều người được đánh giá là đạo đức, thông thái, nhưng cuối cùng trở thành những người rối đạo, lập bè rối, bởi vì thiếu sự khiêm nhường. Chúng ta thấy Lu-tê-rô, theo đánh giá là người đạo đức, thánh thiện, muốn canh tân Giáo hội, nhưng thiếu đức khiêm nhường nên đã chống lại Giáo hội, trở thành bè phái, và ly khai với Giáo hội.

Đức khiêm nhường là nền tảng cho niềm tin vào Kitô giáo. Nếu thiếu đức khiêm nhường thì không thể tin vào Chúa, tin vào Giáo hội, chính nhờ đức khiêm nhường chúng ta mới tin vào Chúa, tin vào Giáo hội, kể cả đôi khi chúng ta thấy có những điều không hiểu, những điều bất toàn.

Giáo hội là lữ hành trần thế nên có điều này điều kia, nhưng có đức khiêm nhường, chúng ta mới vững tin vào Giáo hội địa phương, như tại giáo xứ chẳng hạn, đâu phải cha xứ nào cũng đạo đức tuyệt vời, vì linh mục cũng là con người nên cũng có điều này điều kia, nhưng nhờ có đức khiêm nhường, chúng ta vẫn tin vào sự lãnh đạo của cha xứ. Hội đoàn cũng thế, không phải ai lãnh đạo hội đoàn cũng đều là người tuyệt vời, họ có điều này điều kia, nhưng nếu có sự khiêm nhường, chúng ta chấp nhận sự tương đối đó, mà chấp nhận sự lãnh đạo, hướng dẫn của lãnh đạo đoàn thể mình.

Đức cậy: Người không khiêm nhường là người ỷ vào sức lực, sức mạnh của mình, không còn trông cậy vào Chúa nữa, chẳng cậy vào ai, chỉ cậy vào mình. Thực tế trong thế giới ngày nay, người ta ỷ vào mình, ỷ vào khoa học kỹ thuật, không còn tin vào Thiên Chúa nữa nên làm những điều có thể nói là ngông cuồng, quái gở.

Chúng ta thấy nhân loại ngày càng phát triển. Cách đây khoảng 50 năm, người ta nói: Nếu dân số con người cứ tăng như hiện nay, thì không còn đất để mà sinh sống, lấy lương thực đâu mà ăn. Do đó, con người quá lo xa nên đi đến chỗ phá thai, vì tự tin vào khoa học nên họ không tin vào Chúa, không trông cậy vào Chúa mà cứ dựa vào mình. Nhưng thực tế thì khác, dân số tăng thật đấy, nhưng con người biết làm nhà ở cao tầng, lương thực cũng tăng một cách chóng mặt, đó là Thiên Chúa ban cho con người trí khôn để mà phát triển, làm cho lương thực tăng gấp bội. Đời sống của mình cũng vậy, không biết trông cậy vào Chúa nên chỉ sinh hai con, vì sợ không có khả năng nuôi, biết đâu nếu biết trông cậy vào Chúa thì sinh 3, 4, 5, 6… Chúa vẫn lo liệu. Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy, có lúc chúng ta chẳng lo được gì, nhưng nếu trông cậy vào Chúa, thì Chúa lo cho tất cả. Rõ rang rằng đức khiêm nhường là nền tảng của đức trông cậy.

Đức mến: Nếu không có đức khiêm nhường thì không thể nào yêu mến anh em được. Cái tôi của mình là trên hết, không coi ai ra gì, hơi đâu mà nhường nhịn, yêu thương, tha thứ. Chúng ta để ý coi, tình yêu thương có được là nhờ mỗi người chịu thiệt đi một chút. Nếu dành cho nhau sự bình đẳng, ăn miếng trả miếng thì không có tình yêu thương. Bằng chứng là, chúng ta thấy xã hội Tây phương, như Mỹ chẳng hạn, người ta nghĩ đến sự công bằng, họ có sự công bằng tuyệt vời lắm, họ không có sự gian lận, họ ghét tối kỵ gian lận, nhưng hậu quả của sự nhấn mạnh về công bằng, đó là không có tình người. Việt kiều đi sang Mỹ thấy khổ lắm, vì không có tình người, về Việt Nam sướng hơn, ở Mỹ chỉ có công bằng thôi, có nghĩa là họ không có chịu thiệt, không chấp nhận thiệt thòi, hy sinh thì làm sao mà có tình yêu thương. Cho nên sự khiêm nhường là sẵn sàng để mình chịu thiệt, sẵn sàng tha thứ cho nhau thì lúc đó mới có tình yêu thương, mới có đức mến.

Cho nên, Đức khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức.

Mặt khác, thiếu đức khiêm nhường thì sẽ trở thành mù quáng, dẫn đến rất nhiều tật xấu trong cuộc sống. Thí dụ: Thiếu đức khiêm nhường thì không thể vâng lời, viện dẫn nhiều lý do để không vâng lời. Ngày hôm nay, trên các trang mạng, người ta phê bình chỉ trích đủ thứ: nhân danh tự do, nhân danh quyền được nói, được góp ý, thậm chí người ta cho đó là biểu hiện của sự văn minh, thậm chí ĐHY, Đức cha, người ta cũng đưa lên mạng nói chẳng ra gì cả, chẳng biết đúng hay sai, có khi đúng mà nói kiểu đó thì chẳng còn gì nữa!

Thiếu đức khiêm nhường thì anh cũng như tôi, tôi cũng như anh, tôi đóng góp cho anh một cách thoải mái, rốt cuộc chẳng còn gì. Vì con người không ai vẹn toàn, không tật này thì tật khác, bới ra là bảo đảm có. Kinh nghiệm trong gia đình giữa vợ và chồng, ông bới xấu bà, bà bới xấu của ông, mặc dù là bới đúng, không sai, nhưng sẽ thối um lên. Cho nên thiếu khiêm nhường thì nguy hiểm lắm, không thể vâng lời, nhất là trong một đoàn thể. Ví dụ như hình ảnh của đống rác. Cho nên một điều quan trọng là có đức khiêm nhường, chúng ta dễ chấp nhận người khác, dù người đứng đầu ít tuổi hơn mình, vì người đó có trách nhiệm, mặc dầu có khuyết điểm, tật xấu này nọ nhưng chúng ta cũng chấp nhận, vì con người có ai vẹn toàn đâu.

Thiếu đức khiêm nhường, chúng ta sẽ là người gây chia rẽ, bất hòa, bất chấp kỷ luật, bởi vì không thích người khác hơn mình, mà muốn chứng tỏ mình, muốn chứng tỏ mình thì kéo bè kéo cánh. Trong đoàn thể, nếu thiếu đức khiêm nhường sẽ chia rẽ bất hòa, người kiêu căng ngạo mạn đi đến đâu cũng gây chia rẽ bất hòa, mất lòng, chê bai người này người kia; khiêm tốn hiền hòa thì tạo nên sự đoàn kết.

Thiếu đức khiêm nhường sẽ trở nên thiếu khôn ngoan. Người kiêu căng thì tin vào mình một cách thái quá, không còn biết lắng nghe người khác, sẽ trở nên mù quáng. Người khiêm nhường thì biết lắng nghe, biết chấp nhận cái hay, cái tốt của người khác, và sẽ trở nên khôn ngoan.

Thiếu đức khiêm nhường thì sẽ lỗi đức bác ái. Bởi vì bác ái là hạ mình xuống, tha thứ, nhịn nhục. Người thiếu đức khiêm nhường thì không có nhịn, “nó nói một thì mình nói hai”, hay ít nhất là “mắt đền mắt, răng đền răng” chứ không có đùa, không có chuyện bỏ qua, không tha thứ, không nhịn nhục. Cho nên chúng ta thấy thiếu đức khiêm nhường thì không thể có bác ái được.

Thiếu đức khiêm nhường thì không thể sống chung một cách bình an. Thật bất hạnh thay khi một đoàn thể mà toàn những con người kiêu căng; một đoàn thể mà có đức khiêm nhường thì người ta sống đoàn kết gắn bó với nhau. Trong một gia đình, người nào cũng đặt cái tôi của mình lên trên thì xào xáo suốt, nhưng gia đình có ông bố nhẹ nhàng, khiêm tốn thì sẽ bớt đi lục đục; cả ông bố bà mẹ khiêm tốn, hiền hòa với nhau, thì gia đình sẽ hạnh phúc. Trong một đoàn thể còn chia rẽ, căng thẳng, bất hòa là do thiếu đức khiêm nhường. Mỗi đoàn viên chúng ta có tinh thần khiêm nhường, sống khiêm nhường thì đảm bảo đoàn thể chúng ta sẽ sống gắn bó, đoàn kết, yêu thương nhau, đoàn thể sẽ sống chung với nhau một cách hòa bình. Mọi thành viên trong gia đình mà loại bỏ đi tính kiêu căng, sống khiêm nhường thì gia đình sẽ hạnh phúc.

Trong đoàn thể, người thiếu khiêm nhường thì không thể nào chu toàn nhiệm vụ được. Bởi vì người thiếu khiêm nhường là người làm theo ý riêng mình, thích thì làm không thích thì thôi, không làm theo ý tập thể, lại còn áp đạt tập thể theo ý riêng mình. Người khiêm nhường biết lắng nghe người có trách nhiệm, lắng nghe ý kiến chung, làm theo ý chung của đoàn thể mình thì sẽ chu toàn được.

Theo kinh nghiệm, một đoàn thể hoạt động đem lại hiệu quả là mọi người bỏ đi được tính kiêu căng, có tính khiêm nhường. Cha chia sẻ một kinh nghiêm rất cụ thể của cha trong nhiều kinh nghiệm: “Khoảng năm 1977 – 1978, tôi đang học trong chủng viện lớp triết 1, lúc đó chủng viện chỉ có 2 lớp triết 1 và triết 2, và cả 2 lớp Sài Gòn chỉ có 33 thầy. Hôm đó, đi hát lễ tại Nhà thờ Đức Bà, ngày lễ Truyền chức linh mục, cha bề trên bảo hát, chúng tôi chấp nhận hát, khi ra nhà thờ, có thầy đánh nhịp (người này thuyết phục được mọi người, mọi người rất nghe lời thầy). Trước khi hát lễ, thầy nói với anh em: Chúng ta phải nhớ điều này, trước kia chủng viện hát lễ trên gác đàn có khoảng 200 người, hiện nay chúng ta chỉ có 33 người, theo khảo sát thì âm thanh Nhà thờ Đức Bà lại không đảm bảo, lúc được lúc không, có nghĩa mình phải hát buông, coi như không có âm thanh, nên chúng ta phải một lòng một ý với nhau, khi hát nhìn vào người đánh nhịp, cố gắng hát cho đều tiếng để cho nghe cho hay. Khi hát xong, có một ông cha người ngoại quốc đến bắt tay ca trưởng nói: “Các thầy hát tốt lắm, có vài thầy giúp lễ và nhiều người nói hát hay lắm”.

hực tế, tôi phát hiện ra khi đó âm thanh nhà thờ tốt, các ông bình thường hát ngang lắm nay hát không chọi tiếng, các ông hướng về ca trưởng để hát, nên hôm đó hát hay, hát có hồn. Khi về, cha Phó bề trên là Cha Kỷ nói: “Hôm nay hát hay lắm!”. Đó là vì mọi người bỏ cái tôi của mình, tôn trọng ca trưởng, hát hết cả tâm tình nên nó đạt kết quả. Cũng lớp chúng tôi, những lần sau hát ở nhà không đạt bằng, vì những ông có cái tôi lớn, khi hát thì nhìn đi nơi khác, không hướng về ca trưởng, lại hát to hơn người khác.

Nếu mình có sự khiêm nhường thì sẽ có đoàn kết với nhau, đem lại hiệu quả công việc. Nếu không có sự khiêm nhường, dù có hay mấy cũng không chu toàn công việc được giao phó. Đức khiêm nhường rất cần thiết, đem lại hiệu quả cho cuộc sống, nhất là sinh hoạt đoàn thể, làm tông đồ thì đức khiêm nhường càng cần thiết nhiều hơn nữa.

Top