Bài giảng Thánh lễ vọng mừng hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

Bài giảng Thánh lễ vọng mừng hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

LỄ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ
PHÊRÔ và PHAOLÔ

Lễ Vọng
Cv 3,1-10 ; Gl 1,11-20 ; Ga 21,15-19

Anh chị em rất thân mến,

1. Chiều nay chúng ta cử hành Lễ Vọng hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, một lễ trọng đối với Giáo hội Công giáo. Có lẽ nhiều người trong anh chị em có tên thánh Phêrô hoặc Phaolô, xin chúc mừng! Hôm nay cũng là lễ Quan Thầy của tôi, Chủ Chăn bất xứng của anh chị em, tên thánh của tôi là Phaolô, người mà anh chị em cầu nguyện cho mỗi lần cử hành Thánh lễ. Xin cám ơn anh chị em!

2. Tuy tên thánh của tôi không phải là Phêrô, nhưng mỗi lần đọc hay nghe đọc đoạn Phúc Âm Thánh Gioan hôm nay (Ga 21,15-19), tôi đều rất xúc động, vì câu nói của Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21,15). Nếu Chúa hỏi tôi, tôi không biết trả lời ra sao! Tôi yêu mến Chúa nhiều, nhiều lắm! Nhưng không chắc có hơn anh chị em! Thế là tôi nài xin Chúa: “Xin cho con yêu mến Chúa nhiều hơn nữa, nhiều hơn anh chị em con, nhiều hơn những người này!” Con không thi đua về thứ gì khác, nhưng chỉ thi đua về Tình yêu thôi. Xin cho con về nhất đi, hoặc ít ra thuộc về 3 người đầu, hay ít nhất là thuộc về 10 người đầu (top ten).

3. Còn Thánh Phaolô thì có cách diễn tả khác: Chúa Giêsu là “người yêu”, là “người tình” của tôi (x. 2 Cr 5,14); Người “không ngừng ám ảnh tôi”. “Tôi sống mà không phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Theo thư Galát, Thiên Chúa đã dành riêng Phaolô, ngay khi Ông còn trong lòng mẹ để Phaolô loan báo Tin Mừng về Con của Ngài cho các Dân ngoại. Ước gì Thiên Chúa cũng ban cho tôi đặc sủng loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu cho những người chưa biết Chúa. Có Chúa Giêsu Kitô sống trong tôi, trong con người và cuộc đời tôi, tôi sẵn sàng chia sẻ sự sống và tình yêu của Chúa cho người khác, nhất là những người bất hạnh.

4. Thánh Phêrô là “người môn đệ ngay từ thưở ban đầu của Chúa Giêsu” (x. Ga 1,35-42). Ông là một con người rất tự nhiên, sôi nổi, nhiệt thành, và nhiều lúc nóng nảy. Nhưng Phêrô có những câu nói để đời, mà Chúa Giêsu và Giáo hội sau này chắc chắn không bao giờ quên: “Bỏ Ngài chúng tôi sẽ đi theo ai, Ngài mới có những lời mang đến sự sống đời đời” (Ga 6,67-68). Ông cũng là con người yếu đuối mỏng dòn, nói nhiều, nhưng thực hiện chẳng được bao nhiêu. Chúa biết Ông rất rõ, nên Ngài không chấp nhất, mà thường xuyên tha thứ cho Ông. Chúa cũng biết rất rõ trái tim của Ông, nhìn thấu Tình Yêu của Ông dành cho Chúa, và Chúa hỏi về Tình yêu, để rồi đặt Ông đứng đầu Hội Thánh của Ngài.

5. Thánh Phaolô là “người thợ làm vườn nho của giờ sau cùng”, vì trước đó, Ông đã không biết, không những ông không làm gì, mà còn phá phách vườn nho của Chúa, giết hại những người làm việc trong đó. Nhưng rồi Chúa Giêsu cũng chọn Ông, vì Thiên Chúa Cha đã tiền định như thế. Thần Khí của Chúa Phục Sinh đã biến đổi Ông một cách toàn diện, thay đổi hoàn toàn con người của ông. Và cuối cùng, Ông đã thuộc về Chúa một cách trọn vẹn, đến nỗi không còn có gì có thể tách ông ra khỏi Tình Yêu của Chúa. Ước gì Thần Khí của Chúa Phục Sinh cũng biến đổi con người bất xứng của tôi, để tôi được ít là một phần, giống như Thánh Quan Thầy là Phaolô.

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin thương đổi mới hồn xác của con. Amen."

Nhà thờ Chính toà Sài Gòn, Chúa Nhật ngày 28-06-2015

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top