Bài giảng Chúa nhật: Chúa Nhật 4 mùa Vọng Năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa Nhật 4 mùa Vọng Năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa Nhật 4 mùa Vọng Năm A

Mt 1,18-24
“Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Đavít”.

Có hai sự kiện nổi bật qua bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe. Sự kiện thứ nhất đó là vai trò tích cực của thánh Giuse trong việc Chúa Giêsu sinh và sự kiện thứ hai đó là danh xưng của Chúa khi ngài xuống thế nhập thể làm người. Ngài được gọi Emmanuel, Thiên Chúa ở với loài người.

1. Vai trò của thánh Giuse.

a. Sự đóng góp của thánh Giuse vào công trình nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu là được thể hiện qua hai khía cạnh:* Cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu Đavít, nhờ thế thực hiện đúng lời Thiên Chúa đã hứa xưa từ thời Cựu Ước (Câu 20b: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít” ; Câu 21 “Ông sẽ đặt tên cho con trẻ”: Thánh Giuse đặt tên cho Chúa Giêsu nghĩa là nhận Chúa Giêsu là con mình theo pháp lý) ;* Bao bọc Đức Maria và Chúa Giêsu (câu 20c “Đừng ngại đón Maria về ; câu 24 “Khi tỉnh giấc, Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” ; câu 25 “Và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”)

b. Chúng ta tự hỏi: Thánh Giuse là người như thế nào mà lại được Thiên Chúa ưu ái đến như thế ?

Chúa đã dựa vào tiêu chuẩn nào để chọn thánh Giuse. Chúa không dựa vào những tiêu chuẩn mà con người thường dựa vào đó để tuyển chọn như trình độ, có khả năng, có kinh nghiệm nhưng Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ tiêu chuẩn Chúa muốn là tiêu chuẩn như thế nào: Thánh Matthêu đã ghi “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính (Mt 1,19)

Vâng, Chúa đã căn cứ vào tiêu chuẩn công chính nơi một người thợ mộc nghèo khó để chọn thánh Giuse để cộng tác với Người trong công việc vô cùng trọng đại đó là công trình cứu chuộc loài người.

Sách Giáo Lý mới số 227 đã viết thật hay: Đối với những ai lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Thiên Chúa, Người hứa sẽ ban cho họ đủ mọi sự. Mọi sự đều là của Chúa: ai có được Thiên Chúa thì có mọi sự, miễn là Thiên Chúa có người ấy (T. Cyprien 21).Thánh Augustinô nói: “Sống công chính tốt lành không gì khác hơn là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực mình”. Chúng ta dành cho Người một tình yêu trọn vẹn (nhờ tiết độ), không gì lay chuyển nổi (nhờ can đảm), chỉ vâng phục một mình Người (nhờ công bình), luôn tỉnh thức để khỏi sa vào cạm bẫy của mưu mô và gian dối (nhờ khôn ngoan)” Đó là cách sống đẹp lòng Chúa nhất (T.Au-tinh, những thói quen của Hội Thánh Công Giáo 1,25,46).

Người ta hỏi ý kiến thánh Phanxicô Salê: Cha thích sống lành mạnh hơn, hay thích sống qua ngày đoạn tháng trong cảnh bất toại liệt giường này ?

- Tôi không thích điều nào hết. Tôi dửng dưng đối với cả hai. Tôi chỉ mong ước thánh ý Chúa trong điều này cũng như trong điều nọ.

- Nhưng nếu khỏe mạnh Cha sẽ làm được nhiều việc thiện hơn ?

- Tôi không muốn chọn phương pháp phụng sự Chúa. Trong lúc khỏe mạnh tôi sẽ thờ phượng Chúa trong hoạt động, và khi ốm yếu, tôi sẽ làm tôi Chúa bằng chịu đựng. Duy Chúa có quyền chọn điều Ngài thích. Trong cả hai đàng tôi sẽ làm theo thánh ý Người là tôi chu toàn nhiệm vụ.

- Nhưng sống lâu để thâu tích công phúc và chết sớm bất ngờ Cha ưa điểm nào ?

- Tôi không thích ý muốn trong những điểm đó. Sống lâu sống vắn và chết bất ngờ là những điều tôi hoàn toàn giữ thái độ trung lập. Tôi đã phó trót mình cho Chúa quan phòng săn sóc, mà từ trước đời đời người đã định đoạt cuộc sinh tử của tôi.

- Cha có thích được thoát ly khỏi đời tạm này để lên Thiên đàng thẳng băng hay còn phải giam giữ lại trong luyện hình ?

- Tôi vui lòng đi tới nơi Chúa định. Dầu nơi đó thế nào tôi vẫn khoái chí sung sướng. Với thánh ý Chúa, luyện ngục sẽ trở nên, Thiên đàng sẽ thành luyện ngục cho tôi.

Đó là thái độ của người công chính. Chúng ta hãy cố sống như thế để được Chúa yêu thương.2. Danh xưng của Chúa khi ngài xuống thế nhập thể làm người. Ngài được gọi Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Một Thiên Chúa xa vời đã trở thành gần gũi con người. Ngày xưa tại vườn địa đàng “cứ chiều chiều Thiên Chúa xuống đi dạo và trò chuyện với con người. Việc Chúa đối xử với con người như thế đã là một việc kỳ diệu lắm rồi. Thế nhưng vào thời sau hết này: Thiên Chúa không những ở gần kề con người mà con mang lấy cả thân xác như con người để cùng chia sẻ cuộc sống làm người với con người trên cõi dương gia này. Việc đó là sao con người dám ước mong. Nhưng Thiên Chúa đã làm thế. Thật không còn gì hạnh phúc hơn.

John P., một linh mục Ái nhĩ lan, sau nhiều năm tận tâm thuyết phục một thanh niên bỏ đạo trở về với Giáo hội, đã phải hoài công vô vọng. Bao lời khuyên răn cứ như “nước đổ lá môn”.

Nhưng rồi một lần kia, Mẹ Têrêsa Calcutta được mời đến thăm Ái nhĩ lan. Ban tổ chức có thu xếp một buổi nói chuyện thân mật giữa Mẹ với các bạn trẻ. Mẹ chỉ nói giản dị về tình yêu Thiên Chúa: Chúa yêu thương các bạn; Ngài luôn đồng hành với các bạn. Sau đó Mẹ rời thành phố và ai về nhà nấy.

Trời mỗi lúc mỗi khuya! Khi mọi vật đang chìm vào tĩnh mịch, chợt một hồi chuông điện thoại reo vang phá tan giấc ngủ của cha John P. Ngài nhấc vội chiếc điện thoại, và đầu dây bên kia là giọng nói của chàng thanh niên năm nào:- Alô, con muốn xưng tội với cha. Con muốn trở về cùng Giáo hội.- Chuyện gì xảy ra cho anh vậy ?

Vị linh mục hỏi lại. Ngài tưởng chừng chàng thanh niên đang bị tai nạn hiểm nghèo nào đó nên vội dọn mình ra đi. Nhưng anh ta trả lời:

- Thưa cha, vì chiều nay Mẹ Têrêsa đã nói với con một lời đánh động lòng con rất nhiều.

Vị linh mục ngạc nhiên:

- Mẹ nói lời gì, và nếu tôi không lầm thì nhà thờ chật ních. Mẹ lại đâu có cơ hội để gặp riêng anh ?

- Vâng thưa cha, Mẹ không gặp riêng con, nhưng Mẹ đã nói với mọi người, trong đó có con. Mẹ nói rằng: “Chúa ở với các con”.

Nghe thế, vị linh mục càng ngạc nhiên hơn nữa:

- Ủa, đã nhiều lần tôi cũng nói với anh như thế, nhưng sao hôm nay anh lại bị thuyết phục bởi lời nói ấy của Mẹ Têrêsa ?

Anh thanh niên chậm rãi giải thích:

- Thưa cha, vì Mẹ đã nói câu đó từ thẳm sâu của tâm hồn. Mẹ đã nói với con bằng tất cả con tim của mình.

Một câu nói không phát ra từ một công thức có sẵn hay do một thói tục xã giao thông thường thúc đẩy, nhưng khởi đi từ chốn thâm sâu của một tâm hồn yêu thương mới có khả năng thuyết phục, hoán cải, và truyền đạt được ý nghĩa chân thực nhất của danh hiệu Emmanuel-Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Trong mỗi Thánh lễ, biết bao lần vị linh mục đọc lên cầu chúc: “Chúa ở cùng anh chị em,” nhưng thử hỏi đã có được bao nhiêu lần lòng tôi bồi hồi xúc cảm vì sung sướng trước sự kiện này ? Rất nhiều lần tôi nghe, đáp, hát, đọc những lời kinh nguyện có cùng một nội dung như thế, nhưng có mấy lần tôi cảm nhận được Thiên Chúa hiện hữu thật sự trong cuộc đời của mình ? Phải chăng vì chưa đọc và nghe với tất cả tâm hồn ?

 ”Ở cùng” chính là ngôn ngữ của tình yêu, vì chỉ có yêu ai người ta mới nghĩ đến “ở cùng”. Vì yêu nên mới có việc Thiên Chúa đến “ở cùng” con người, mới có danh hiệu Emmanuel, mới có cảnh Giavê mang kiếp lầm than để thông chia nỗi đau của con người, và chưa hết, mới có danh hiệu Giêsu, nghĩa là Giavê cứu thoát.

Vì yêu thương con người nên Thiên Chúa muốn cứu thoát. Ðể cứu thoát, Ngài đã đến ở cùng. Có lẽ không nỗi đợi chờ hay một thỏa mãn nào đáng giá hơn hình ảnh của Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ, hiện thân của tình yêu ở cùng.

Danh hiệu Emmanuel không chỉ gợi lên trong tôi ý thức về ân phúc tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, về những lời cầu chúc được lập đi lập lại trong các Thánh lễ đang cần được nói và nghe với tất cả tâm hồn, nhưng còn là lời mời gọi chúng ta hãy xích lại gần nhau và sống thân ái hơn trong tình người. Như Thiên Chúa đã phá đổ bức tường ngăn cách, dù đó là sự ngăn cách vô biên-giữa Tạo hoá và loài thụ tạo, giữa trời cao với đất thấp, giữa vô hình và hữu hình-chúng ta cũng được mời gọi hãy phá đổ những ngăn cách giữa con người với con người, để việc tôi “ở cùng” mọi người trong an hoà sẽ là một phản chiếu rõ nét khuôn mặt của Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Amen.

Top