Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 17 Thường niên năm C

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 17 Thường niên năm C

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 17 Thường niên năm C

Lc 11,1-13

Kính thưa anh chị em

Chúng ta vừa được nghe những lời dạy của Chúa Giêsu về sự cầu nguyện. Có rất nhiều đề tài chúng ta có thể khái thác qua bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng ở đây tôi chỉ xin được dừng lại một vài điều tôi muốn chia sẻ với anh chị em.

1. Trước hết khi cầu nguyện Chúa dạy chúng ta phải nói với Thiên Chúa như thế nào?

Chúa bảo phải thưa với Thiên Chúa là Cha.

Thiên Chúa là Cha. Chúa Giêsu muốn chúng ta gọi Thiên Chúa như thế.

+ Thế nhưng có nhiều người đã không có được một quan niệm như thế về Thiên Chúa.

+ Trong một lá thư gửi cho các tín hữu thuộc tổng giáo phận Saint Étiene bên Pháp, các Đức Giam mục trong giáo phận này đã phải phàn nàn là: "Có nhiều người ngày nay đã biến Thiên Chúa thành một nhà phù thủy hay một người giữ kho"

Biến thành phù thủy với hy vọng có thể được thỏa mãn những gì mình mong muốn  nhưng không được thỏa mãn

Biến thành người giữ kho để khai thác kiếm chác.

Nếu quan niệm về một Thiên Chúa như thế thì việc nói chuyện với Ngài sẽ chẳng khác gì một cuộc săn lùng, trả giá hay xin xỏ.

Điều đó chắc chắn không làm Chúa bằng lòng.

+ Trong bài Tin Mừng hôm nay một cách gián tiếp Chúa bảo chúng ta không được coi Thiên Chúa như vậy. Người dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là "Ab-ba! Cha".

+ Danh từ Abba mà Chúa dùng trong bài Tin Mừng hôm nay cũng có một ý nghĩa rất đặc biệt. Thường thì trong ngôn ngữ thông thường, người ta thường dùng từ Pater, tiếng Latinh - tiếng Père trong Pháp ngữ để xưng với một người có phúc được gọi là Cha. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay dùng tiếng Abba - Abba là Cha hay tương tự như Im-ma là Má. Đây là từ ngữ của một đứa trẻ Do thái mới tập nói gọi Cha hay Mẹ của mình.

Trong tiếng Việt chúng ta cũng thấy tương tự như thế. Một đứa trẻ khi mới bắt đầu tập nói muốn gọi tên Cha hay Má của nó thì thường nó phải bụm môi lại rồi mới có thể phát âm tiếng Ba và Má. Ừm-ba, Ừm-má: Ba - Má.

+  Vậy thì khi xử dụng kiểu nói như vậy rõ ràng là Chúa Giêsu cố dạy cho chúng ta biết khi đến với Thiên Chúa chúng ta phải đến với tâm tình nào: Đó là tâm tình của một trẻ thơ.

+ Khi Thánh Phanxicô khó khăn trình lên Đức Thánh Cha Honnriô II bản qui luật của Dòng để xin Ngài phê chuẩn thì Đức Thánh Cha có hỏi thánh nhân:

- Có bao giờ con thấy Chúa chưa?

Phanxicô:

  • Dạ thưa có. Con  vừa thấy đêm hôm qua.

Đức Thánh Cha:

  • Người có nói gì với con không?

Phanxicô:

- Người và con ở bên nhau suốt đêm mà không nói được gì. Tuy nhiên mỗi lần con nói "AB-BA" với Người thì Người lại trả lời với con: "CON TA". Cứ  thế ...chẳng có gì hơn cho tới sáng.

Hãy đến với Thiên Chúa trong tâm tình của một người con và Thiên Chúa là Cha của mình.

2. Thế như thế nào là tâm tình của một người con còn trẻ?

Thánh nữ Têrêxa trả lời thay cho tôi: Đó là luôn tin tưởng vào tình thương và sự tốt lành của Thiên Chúa.

Cũng trong buổi yết kiến Đức Thánh Cha ở trên, sau khi Đức Thánh Cha đã xem lướt qua bản qui luật, Ngài dừng lại hơi lâu một chút ở chỗ nói về sự nghèo khó, Đức Thánh Cha rất lấy làm ngạc nhiên vì những khoản luật ấy khắt khe quá. Ngài thắc mắc hỏi Phanxicô:

- Con ơi! Anh em con sẽ lấy gì mà sống?

Phanxicô trả lời:

- Dòng tu của con là một bà mẹ nghèo nhưng Thiên Chúa là một người Cha giầu có. Sau cuộc sống này Người đã hứa cho chúng con cả Thiên đàng- Vậy lẽ nào Người lại có thể có thể từ chối chúng con, những con người đang ở dưới thế này, những gì nhỏ bé theo nhu cầu của chúng con.

Qua thí dụ hai người bạn trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta tương tự như thế. Con người với con người mà còn biết đối xử với nhau như vậy, chẳng lẽ Thiên Chúa là Cha mà lại thua con người hay sao. Chính vì thế mà Chúa bảo: "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mới cho" và Chúa còn nhấn mạnh: "Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ thì sẽ mở cho"  (Lc 10,9-10)

Phải biết tin tưởng vào tình thương và sự tốt lành của Thiên Chúa mỗi khi chúng ta đến với Ngài.

3. Đó là nguyên tắc nhưng trong thực tế có nhiều khi chúng ta không thấy hay chưa thấy được tình thương cũng như sự tốt lành của Thiên Chúa.

Có nhiều anh chị em phàn nàn với tôi: "Con xin hoài mà chẳng thấy Chúa cho. Con đi tìm đến mỏi cả mắt mà con cũng chẳng tìm ra; gõ đến mỏi cả tay mà cũng chẳng thấy cửa mở ra đâu".

Quả thực là nhiều lúc cũng có như vậy thật.

Tại sao thế?

Thay vì đi tìm một câu trả lời ở đâu đâu thì chúng ta hãy bình tĩnh đọc tiếp lời Của Chúa Giêsu: "Ai trong anh em là một người Cha, khi con của mình xin bánh mà lại cho nó đá sao? Khi con mình xin cá..lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó sao? Hoặc nó xin trứng mà lại cho nó con bò cạp sao?"

Chắc chắn những người làm cha sẽ không bao giờ làm như thế. Nếu con người còn biết đối xứ tốt với con cái của mình như thế thì không lẽ Chúa là Cha mà lại đối xử tệ hơn con người sao. Chắc là không thể. Tôi tin như thế.

Trong cuốn sách Giáo Lý Mới tôi đọc thấy những lời rất hay như thế này: "Bạn đừng buồn nếu bạn không được Thiên Chúa ban ngay điều bạn xin, vì Người muốn cho bạn được nhiều lợi ích hơn nữa, nhờ bạn kiên trì kết hợp với Người trong cầu nguyện. Người muốn tôi luyện những ước muốn của chúng ta trong cầu nguyện, để chúng ta có khả năng đón nhận những gì Người sẵn lòng ban" (GLM số 2737).

Thiên Chúa là Cha, Người sẽ làm những gì tốt nhất cho chúng ta. Hãy tin tưởng vào Người.

Trong truyện tích của Thánh Thomas More, một trong những vị thánh rất nổi tiếng về lòng trung thành đối với Chúa, người ta có đọc được một mẩu truyện nhỏ này:

Có một người mù kia là một người rất đạo đức thường khi cầu nguyện người đó luôn kết thúc ý nguyện bằng một câu như thế này: "Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con."

Một hôm kia người đó được dẫn đến trước mộ thánh Thomas More thành Cantobury. Trước mộ thánh nhân, người mù cầu xin cho mình được nhìn thấy. Lời cầu nguyện của anh được nhậm lời ngay. Anh được sáng mắt, nhìn thấy tất cả. Anh vô cùng sung sướng thế nhưng khi về đến nhà anh sực nhớ ra là mình quên câu kết thúc lời cầu nguyện như anh vẫn luôn làm. Anh cảm thấy hối hận về việc đó. Sau đó anh lại ra trước mộ thánh Thomas More để cầu nguyện lại. Lần này anh cầu xin để anh mù trở lại và không quên kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng câu: "Nếu điều đó có ích cho Linh hồn của con". Vừa kết thúc lời cầu nguyện đó anh bị mù trở lại thật. Mù trở lại nhưng anh lại rất vui. Khác hẳn với trước kia nhiều khi anh buồn anh nản về số phận hẩm hiu của mình. Bây giờ thì khác hẳn, anh sống can đảm, yêu đời, vui tươi vì anh biết rằng Chúa luôn làm  những gì tốt đẹp nhất cho anh.

Top