Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm A

Mt 24, 37-44
"Cho nên anh em cũng vậy,
anh em hãy sẵn sàng"(Mt 24,44)

Chúng ta bắt đầu vào Mùa Vọng: Mùa Vọng có hai đặc tính: “vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế”. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi.

A- Đoạn Kinh Thánh chúng ta vừa nghe là lời Chúa dặn các môn đệ về việc Ngài trở lại. Qua đoạn này chúng ta thấy có những sự thật quan trọng cần phải lưu ý sau đây:

1. Chúa nói Ngài sẽ trở lại nhưng không xác định thời giờ. Vì thế việc tìm biết ngày giờ Chúa Quang Lâm là một việc làm phạm thượng, vì làm điều đó là tìm cách chiếm đoạt những bí mật riêng của Thiên Chúa. Phận sự của con người không phải là tìm cách xác định ngày Chúa trở lại nhưng là chuẩn bị chính mình và tỉnh thức đợi chờ ngày đó.

2. Thời giờ sẽ đến hết sức bất ngờ cho những kẻ miệt mài nơi vật chất thế gian. Trong câu chuyện ngày xưa, khi thời tiết còn tốt, Noê đã chuẩn bị sẵn sàng cho nên khi cơn nước lụt đến ông và gia đình ông đã được cứu. Ngược lại những người khác vì cứ mải mê ăn uống, cưới vợ gả chồng, nên khi cơn nước lụt đến quá đột ngột, họ không kịp trở tay và vì thế họ đã bị nước lụt cuốn đi hết.

Câu chuyện này quả là một lời cảnh cáo cho loài người. Đừng có quá miệt mài với cõi đời tạm mà quên đi cõi đời đời mai sau, đừng có quá quan tâm đến việc thế gian, mà quên rằng có một Thiên Chúa và vấn đề sống chết đều nằm trong tay của Ngài. Bất cứ khi nào Ngài gọi, buổi sáng, buổi trưa, hay buổi chiều chúng ta đều phải sẵn sàng.

3. Sự quang lâm của Chúa là lúc phân rẽ và phán xét. Đó là lúc Chúa tập hợp lại những ai thuộc về Ngài.

Nếu ngày giờ Chúa trở lại không ai biết được thì mọi người đang sống phải thường xuyên chuẩn bị cho ngày giờ đó.

B- Để chuẩn bị cho chu đáo, cần phải tránh những thái độ sau đây:

a) Trước hết là sống không cảnh giác. Sống không cảnh giác sẽ rước lấy tai họa: một tên trộm sẽ không bao giờ gởi thư báo trước mình sẽ đến viếng nhà nào. Vũ khí chính của anh ta là sự bất ngờ, vì vậy một chủ nhà có của cải lúc nào cũng phải canh chừng. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải hiểu điều này cho đúng. Chúng ta phải luôn nhớ rằng Chúa cảnh giác chứ không nhằm chơi khăm chúng ta, dường như cứ nhằm lúc nào chúng ta sơ hở là Chúa trở lại. Đàng khác, khi trông đợi Chúa trở lại không phải là chúng ta phải luôn sống trong sợ hãi kinh khiếp, mà là phải vui như náo nức trông chờ ngày vui vẻ vinh quang sắp đến.

b) Cũng phải tránh thái độ cứ cho rằng mình còn có nhiều thời giờ. Đây là thái độ rất nguy hại. Trong kho tàng những câu truyện ngụ ngôn người ta đọc được câu chuyện này: Câu chuyện về ba con quỷ học việc. Chúng đến trần gian để tập sự. Chúng nói với Satan là chúa quỷ về những kế hoạch cám dỗ loài người. Con quỷ thứ nhất nói:

- Tôi sẽ bảo với loài người là không có Thiên Chúa.

Con quỷ thứ hai nói:

- Tôi sẽ bảo với họ là không có địa ngục.

Satan trả lời: “Mi sẽ không lừa dối ai được bằng những cách đó, ngay đến bây giờ loài người vẫn biết có một địa ngụa dành cho tội nhân”.

Con quỷ thứ ba nói:

- Tôi sẽ bảo với loài người đừng có vội vã làm gì”.

Satan đáp: “Đi đi, mày sẽ làm hại được vô số loài người bằng cách đó”. Ảo tưởng nguy hiểm nhất là ảo tưởng cho rằng mình còn có nhiều thời giờ. Cái ngày nguy hiểm nhất trong đời một người là khi người đó học được chữ ngày mai, và trì hoãn vì không ai biết ngày mai có đến với mình nữa không.

Lịch sử còn ghi lại câu chuyện bi thảm sau đây: Pháp quan Archais ở Thebea đang ngồi uống rượu với một số đông dũng sĩ của mình, bỗng có một sứ giả bước vào mang cho ông một bức thư báo cáo về một âm mưu sát hại ông. Thay vì mở ngay bao thư ra đọc, ông nhét ngay vào trong túi và nói:

- Để mai hễ hay.

Và qua ngày mai thì ông bị giết chết. Trước khi bức thư bị khui ra thì cả chính phủ bị bắt trọn.

Vị pháp quan Archais đã hất sứ điệp ấy qua một bên vì ông nghĩ hãy còn nhiều thời giờ. Quan tổng đốc Phêlít ngày xưa đã run rẩy trước sứ giả của Chúa là Phaolô nhưng vẫn chần chừ nói rằng: “Bây giờ ngươi hãy lui ra, đợi khi nào rảnh, ta sẽ gọi lại”. Nhưng từ chỗ đó chúng ta không thấy chỗ nào nói đến ông ta rảnh cả.

Một thiếu nữ người Mã lấy chồng khá giàu quê ở Nữu Ước. Ngày kia trên đường từ California trở về nhà, cô gặp tai nạn đường sắt, bị thương rất nặng và ít hi vọng sống. Lúc còn trẻ, cô rất đạo đức, vì xuất thân từ một gia đình tốt và có giáo dục. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đã đưa cô vào một môi trường khác hẳn. Ở đây, không còn một ai nói tới Thiên Chúa và vĩnh cửu, không một ai nghĩ đến phần rỗi linh hồn mình. Lúc đầu, thái độ và bầu khí dửng dưng với tôn giáo này làm cho cô khó chịu, nhưng dần dần, cô tiêm nhiễm sự xa hoa và lạc thú, để rồi cuối cùng, chính cô cũng không còn lưu tâm gì đến Thiên Chúa và linh hồn. Và bất ngờ, một tai nạn đã kéo cô ra khỏi vùng xoáy của các lạc thú để ném cô vào vòng tay của Tử thần.

-Tôi sẽ chết ư? Nàng khắc khoải hỏi vị bác sĩ đang đứng bên cạnh.

- Thưa bà, tôi cũng lo sợ như thế.

- Tôi còn sống được bao lâu nữa?

- Có thể một giờ.

Nghe vậy, toàn thân cô rùng mình. Cô đưa tay che mặt lại và nằm yên, không động đậy trong giây lát. Sau đó, hình như cô lấy hết sức còn lại, nói với giọng truyền lệnh: “Hãy đưa tôi về Nữu Ước”.

- Không thể được! Người thầy thuốc nhẹ nhàng trả lời. Cô hãy nằm yên, mọi cử động lúc này đều nguy hại cho cô.

- A, bác sĩ ơi! Tôi đã có thể làm biết bao điều tốt lành, với tiền của tôi. Nếu tôi trung thành với đức tin thời thơ bé, tôi đã có thể làm biết bao điều tốt lành cho những kẻ sống quanh tôi! Nhưng tôi chỉ nghĩ đến những cuộc giải trí và trang điểm. Và bây giờ tôi chỉ còn sống được một giờ nữa thôi! Bây giờ thì quá chậm rồi!

Cô gái đáng thương này thực ra không sống được một giờ như dự đoán, bởi vì sự giao động đã cướp đi mạng sống của cô vài phút sau đó.

Vị bác sĩ sau đó đã tuyên bố rằng ông chưa bao giờ nghe một điều đáng sợ hơn hai tiếng “quá chậm” của người thiếu phụ sắp chết này!

Để đừng rơi vào tình trạng bi thảm của vị pháp quan, của viên tổng trấn, của người thiếu phụ, chúng ta hãy bắt chước em học sinh sau đây: một ông thanh tra học đường khi đến thăm trường tiểu học nói với các em học sinh rằng: “Tôi sẽ trở lại đây. Vậy từ nay cho đến ngày tôi tới, trò nào giữ được bàn mình sạch sẽ, thì sẽ được thưởng.

- Khi nào ông trở lại? Vài học sinh hỏi.

- Chưa biết hôm nào! Vị thanh tra trả lời.

Trong số các học sinh trong trường, có một cô bé quả quyết rằng mình sẽ chiếm được phần thưởng. Ai nghe cũng phải cười vì cô gái ấy có tiếng là không chỉnh tề. Có người hỏi:

- Bàn của cô có tề chỉnh bao giờ đâu mà mong được phần thưởng?

- Từ nay, mỗi buổi sáng tôi sẽ thu xếp một lần, cô bé đáp.

- Nhưng nếu ông thanh tra đến vào buổi chiều hay buổi tối thì sao? Người ấy hỏi lại. Cô gái yên lặng một lúc rồi nói: thôi, tôi hiểu rồi! như thế thì lúc nào tôi cũng phải giữ bàn của tôi cho được tề chỉnh.

Nếu chúng ta muốn được Chúa thưởng ban thì cũng phải tỉnh thức và cầu nguyện như vậy.

 

Top