Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Phục sinh năm C
XEM TẬN MẮT BẮT TẬN TAY
(Ga 20, 19-31)
1. Chúng con thân mến,
Chúng con đang ở trong những ngày mừng Chúa phục sinh. Cha thấy trong những câu chuyện xẩy ra ở trên trần thế này không có câu chuyện nào lại lạ lùng và đem lại nhiều biến đổi lớn lao nơi cuộc sống con người cho bằng sự việc Chúa phục sinh cả.
Vâng! Đúng như vậy. Việc Chúa phục sinh đã để lại rất nhiều những thay đổi lạ lùng. Cha kể cho chúng con một vài bằng chứng:
Thí dụ như câu chuyện của ông Phêrô trong sách Tông Đồ Công Vụ.
Cái chết của Chúa đã làm cho ông thất vọng, hèn nhát...
Nhưng sau khi Chúa phục sinh ông ấy đã là một người can đảm khác thường.
Trước kia ông không dám nói về Chúa. Người ta mới nhìn mặt ông mà nói: “Ông này cũng ở trong nhóm với người ấy... ”, ông đã vội chối ngay.
Nhưng sau khi Chúa phục sinh, không những ông không chối mà còn can đảm làm chứng cho Chúa. Ông nói trước toàn thể Hội đông tôn giáo Do Thái: “Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã mắt thấy tai nghe”.
Rồi chúng con thấy: Trước kia, quyền hành ông chẳng có là mấy.
Bây giờ Chúa cho ông nhiều quyền hành lắm.
Một lần ông và Gioan lên đền thờ, gặp một người què từ khi mới sinh ngồi ăn xin tại cửa Đẹp (Cvtd 3,1-10). Thấy hai ông, anh cũng đưa tay xin. Phêrô và Gioan nhìn anh ta và nói:
- Hãy nhìn chúng tôi đây.
Anh ta nhìn, tưởng sẽ được gì... nhưng không. Phêrô nói:
- Vàng bạc thì tôi chẳng có.
Vậy có gì thì tôi cho anh cái này.
Nhân danh đức Giêsu Nazareth... hãy đứng dậy mà đi.
Nói rồi Phêrô cầm tay người ấy nâng anh lên... anh ta thấy bàn chân và mắt cá trở nên cứng cáp... và anh ta bước đi.
...anh ta vừa đi vừa nhảy... người què... bây giờ không còn phải lê lết nữa.
Khỏi rồi, hết què rồi.
2. Bây giờ chuyển qua bài Tin Mừng. Chúng con vừa nghe bài Tin Mừng do thánh Gioan kể lại (Gn 20,19-31
Cha hỏi các con: “Chúa Giêsu làm thế nào để các môn đệ và các bào đạo đức biết là Chúa đã phục sinh?”
Nhưng trước hết cha hỏi các con nhờ cái gì mà người ta biết được những cái ở bên ngoài mình là có thật?
- Nào nói đi...
Nhờ các giác quan: là mắt, là mũi, là tai, là lưỡi, là da.
Chúng ta vẫn gọi
Mắt là thị giác
Mũi là khứu giác
Tai là thính giác
Lưỡi là vị giác
Da là xúc giác
Khi Chúa sống lại, Chúa cho con người dùng giác quan để nhận ra Chúa.
Tin Mừng kể: “Đức Giêsu gọi bà Maria! Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” - nghĩa là “Lạy Thầy”. Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha”. Bà Maria Mácđalena đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà (Ga 20,16-17). Chúa Giêsu gọi và Maria Mađalena đã thấy, đã nghe.
Tin Mừng kể tiếp: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,19-20).
Chưa hết. Cũng Tin Mừng Gioan còn ghi: “Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,25-29).
Cuối cùng Thánh Luca còn kể: “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?"Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông (Lc 24,37-42).
Như vậy là các môn đệ của Chúa đã sử dụng các giác quan Chúa ban để thấy được Chúa Giêsu sau khi sống lại là một người thật, bằng xương bằng thịt để các môn đệ có thể nhận ra và tin vào Ngài.
3. Vấn đề còn lại hôm nay là thái độ của các tông đồ và của mỗi người chúng ta.
Các môn đệ của Chúa đã tin vào Chúa. Niềm tin đó đã biến các ngài trở thành những chứng nhân bằng cả cuộc sống của mình.
Phần chúng ta như Chúa Giêsu đã nói với Ông Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29).
Chúa đã sống lại. Ngài đã hiện ra cho các tông đồ, Ngài đã hiện ra cho Tôma, Ngài cũng đã hiện ra cho một số những người khác. Đó là sự kiện các tông đồ đã làm chứng. Và đức tin Công giáo của chúng ta đã không sợ sệt khi đặt nền tảng trên những sự thật này.
Như vậy, dù chúng ta tin hay không tin thì Chúa cũng vẫn là như thế: Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đã chết và đã sống lại. Ngài luôn ở giữa chúng ta. Thánh Gioan đã có lần nói: “Ở giữa các ông có một Người mà các ông không biết” (Ga 1,26).
Vâng! Chúng ta hãy tin vào Ngài.
Sau thế chiến thứ hai ít lâu, trong khi dọn dẹp những ngôi nhà bị chiến tranh tàn phá, người ta còn thấy được những lời rất cảm động này được ghi trên một bức tường của một ngôi nhà thờ đã đổ nát. Những lời đó như sau:
Tôi tin vào mặt trời ngay cả khi nó không còn chiếu sáng.
Tôi tin vào tình yêu ngay cả lúc tôi không cảm thấy sự hiện diện của nó.
Tôi tin vào Thiên Chúa ngay cả lúc Người hoàn toàn thinh lặng.
Hãy tin vào Ngài và để cho Ngài dìu dắt chúng ta đi trên mọi nẻo đường của cuộc sống.
Hãy tin vào Chúa. Ngài không bao giờ lừa dối chúng ta.
Hãy để Ngài cùng cùng bước đi với chúng ta, để Ngài dạy cho chúng ta biết phải sống như thế nào cho xứng đáng với danh nghĩa là con của Thiên Chúa
Hãy tin vào tình thương của Ngài. Hãy phó thác đời ta cho Ngài. Làm được như thế chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ thành công,
“Phúc cho những ai không thấy mà tin.” Amen.
Bài 2: HÃY NHÌN XEM
Lời Chúa: Ga 20,19-31
19 Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an!" 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em". 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ".
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. 25 các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tôma đáp: "Nêu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin".
26 Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an" 27 Rồi Người bảo Tôma: "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin". 28 Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" 29 Ðức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"
30 Ðức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
1. Qua câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn nói với mọi người về vấn đề gì?
a. Chúa muốn cho mọi người biết Chúa đã sống lại và đang sống giữa loài người.
b. Chúa cho mọi người biết sau khi Phục sinh Chúa vẫn là người đang sống.
c. Các môn đệ và những người đạo đức luôn sống với Chúa có thể kiểm chứng.
d. Tất cả đều đúng.
2. Chúa phục sinh đem lại cho con người những điều gì?
a. Đem lại niềm tin cho mọi người về cuộc sống hạnh phúc mai sau.
b. Làm cho cuộc sống con người không còn khổ đau nữa.
c. Làm cho cuộc sống của mỗi người luôn no đủ không còn thiếu thốn.
d. Làm cho cuộc sống sống của mọi người luôn được an vui hoà bình.
3. Chúa Giêsu muốn gì nơi những người tin Chúa?
a. Chúa muốn họ tin vào việc Chúa Phục sinh và sống không cần lo cho tương lai.
b. Chúa muốn họ tin vào mầu nhiệm phục sinh và sống can đảm làm chứng cho Chúa.
c. Chúa muốn họ được bảo đảm về cuộc sống vật chất ở đới này.
d. Chúa muốn cho họ luôn biết sống cuộc sống vô tư và không cần làm việc để sinh sống.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B