12 năm và 12 dấu ấn Triều đại Đức Giáo Hoàng Phanxicô (2013-2025)
TGPSG/Aleteia.org --- Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã hoàn tất hành trình dương thế vào ngày 21 tháng 4 năm 2025, đã không ngừng nỗ lực dẫn dắt “con thuyền Giáo Hội” để Giáo Hội có thể chu toàn sứ mạng của mình một cách trọn vẹn hơn.
“Accepto” - “Tôi chấp nhận”
Đó là vào lúc 19g05 thứ Tư 13-3-2013, trước bức bích họa Phán Xét Chung trong Nhà nguyện Sistina, Hồng y Jorge Mario Bergoglio chính thức nhận sứ vụ Tông đồ mà các Hồng y cử tri đã trao phó cho ngài, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.
Không ai rõ tâm trạng của vị Hồng y người Argentina lúc ấy, ngoại trừ có thể là Đức Bênêđictô XVI. Từ nơi cư trú tại Castel Gandolfo, vị giáo hoàng vừa thoái vị chỉ vài ngày trước đó, đang dõi theo để thấy người kế nhiệm mình xuất hiện trên bao lơn Đền thờ Thánh Phêrô. Một tháng trước, ngài đã công bố quyết định rút lui vì không còn đủ sức khỏe thể lý và tinh thần để tiếp tục sứ vụ Phêrô - một hành động khiêm nhường và đầy can đảm.
115 Hồng y cử tri đã quy tụ tại Vatican, và trong một quyết định mang tính lịch sử, họ đã hướng ánh nhìn về bên kia Nam bán cầu - đến Argentina - để tìm thấy nơi một con người giản dị, là chính sức mạnh mà Giáo Hội đang cần.
Trước sự hiện diện của hơn 200.000 tín hữu đang tụ họp tại quảng trường Thánh Phêrô, vị tân Giáo hoàng - người chọn danh hiệu Phanxicô, theo tinh thần khó nghèo của thánh Phanxicô Assisi - đã chính thức tiếp nối người tiền nhiệm đến từ nước Đức, và khai mở một triều đại giáo hoàng mang dấu ấn riêng biệt. Cũng như Đức Bênêđictô XVI từng khác biệt với Đức Gioan Phaolô II, và Đức Gioan Phaolô II khác Đức Phaolô VI, Đức Phanxicô đã đem đến một nhịp sống mới, một cách thế mới trong mục vụ và chứng tá.
Giờ đây, khi hành trình trần thế của Đức Phanxicô đã khép lại, chúng ta cùng hồi tưởng lại 12 công trình lớn mà ngài đã thực hiện - mỗi công trình cho một năm trong suốt 12 năm ngồi trên ngai Tông Tòa Thánh Phêrô. Trước muôn vàn thử thách, những công trình ấy nhiều khi đòi hỏi nơi ngài một nghị lực phi thường - như là những nỗ lực lớn lao trong sứ vụ kế vị Thánh Phêrô.
1. Ra đi đến những vùng ngoại vi
Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Mosul, Iraq, vào ngày 7- 3-2021
“Nói về vị giáo hoàng kế tiếp, chúng ta cần một người, khởi đi từ chiêm niệm và thờ lạy Đức Giêsu Kitô, sẽ giúp Giáo hội ra khỏi chính mình và đến với những vùng ngoại vi hiện sinh của nhân loại.”
Đó là những lời Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio phát biểu chỉ 6 ngày trước khi ngài được tuyển chọn làm người kế vị Thánh Phêrô.
Lời phát biểu ấy đã trở thành kim chỉ nam cho triều đại giáo hoàng của ngài. Đức Giáo hoàng Phanxicô, người Argentina đầu tiên trong lịch sử, tin rằng một Giáo hội tự mãn là Giáo hội mất sức sống. Ngài kêu gọi Kitô hữu đứng dậy khỏi vùng an toàn để đến với những vùng ngoại vi của nhân loại, nơi tội lỗi, đau khổ và bất công hiện diện.
Từ đây, Đức Phanxicô đã triển khai các sáng kiến mục vụ và hai thông điệp xã hội nổi bật:
• Laudato si’ (2015) kêu gọi hoán cải sinh thái để bảo vệ trái đất và người nghèo.
• Fratelli tutti (2020) khuyến khích một nền văn hóa huynh đệ và liên đới toàn cầu.
Ngài không ngần ngại đặt chân đến những nơi chưa từng có Giám mục Rôma nào đến, như bán đảo Ả Rập, Iraq và Nam Sudan, để loan báo Tin Mừng hòa giải và hy vọng. Đức Phanxicô luôn kêu gọi Giáo hội mở rộng cửa và không hành xử như một "trạm kiểm soát hải quan", đặc biệt chú trọng đến những ai bị bỏ rơi nơi các bậc cửa nhà thờ.
Mặc dù có những tranh cãi về các vấn đề đồng tính và ly dị tái hôn, Đức Phanxicô luôn bảo vệ giáo lý Công giáo về hôn nhân và tính dục. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh lòng thương xót, cho rằng mọi người đều xứng đáng được yêu thương và đồng hành, dù tình trạng của họ thế nào.
Ngài để lại di sản về một Giáo hội luôn tìm kiếm sự thật trong tình yêu và công lý, đồng thời kêu gọi mọi người "ra đi, đến với những vùng ngoại vi, nơi Thiên Chúa đã đến trước chúng ta."
2. Giải quyết khủng hoảng khí hậu
Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican vào ngày 17-4-2019
Hiếm có tông huấn nào có ảnh hưởng sâu rộng như Laudato si’, bản văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về "chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta". Thông điệp này đã tiếp cận hàng triệu người, kể cả những người không theo Công giáo nhưng đang lo ngại về sự cấp bách của biến đổi khí hậu.
Đức Phanxicô từng giải thích rằng Ngài chọn tên mình để luôn nhắc nhở về các giáo huấn của Thánh Phanxicô Assisi, một vị thánh nghèo khó. Lấy cảm hứng từ đó, Ngài muốn làm sống lại toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội về sinh thái học, nhưng theo một phong cách mới mẻ và táo bạo. Ngài kêu gọi thế giới hoán cải, từ thái độ tiêu dùng ích kỷ đến cách thức đối xử với môi trường, đồng thời nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu đang tác động nặng nề nhất đến những người nghèo.
Vào mùa thu năm 2023, khi đã gần 87 tuổi và lo ngại trước sự chậm trễ của các nhà lãnh đạo chính trị, Đức Phanxicô đã viết một tông huấn tiếp theo Laudato si’, mang tên Laudate Deum. Trong tông huấn này, Ngài dành trọn một chương để bàn về Hội nghị COP28 tại Dubai. Ngài đã có ý định tham dự hội nghị để nâng cao nhận thức toàn cầu, nhưng cuối cùng phải hủy bỏ kế hoạch vì lý do sức khỏe.
3. Đối diện với khủng hoảng di dân bằng lòng thương xót
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận áo phao từ một thành viên của SOS Mediterranee, một tổ chức phi chính phủ châu Âu chuyên cứu hộ người di cư trên biển.
Vào ngày 8- 7- 2013, chỉ vài tuần sau khi lên ngôi giáo hoàng, ngài đã quyết định thăm hòn đảo nhỏ Lampedusa của Ý để “khóc cho những người di cư đã mất.” Đứng trước biển, sau một phút lặng im suy tư, Ngài thả một vòng hoa tưởng niệm hàng nghìn người đã chết đuối tại Biển Địa Trung Hải, nơi đã trở thành một “nghĩa trang lớn” do hậu quả của cuộc khủng hoảng di cư và nạn chết đuối. Theo Liên Hợp Quốc, từ năm 2014 đến 2020, hơn 20.000 người di cư đã mất mạng tại Biển Địa Trung Hải. Cử chỉ này mở đầu cho một loạt hành động tiếp theo, bao gồm các lời kêu gọi và sáng kiến nhằm hỗ trợ người di cư.
Năm 2015, trong một lời kêu gọi chưa từng có, Ngài yêu cầu mỗi giáo xứ ở châu Âu nhận một gia đình di cư. Một năm sau, sau chuyến thăm Lesvos (Hy Lạp), Ngài đưa 3 gia đình người Hồi giáo Syria về định cư tại Rôma.
Một số tín hữu Công giáo cho rằng Đức Thánh Cha quá ngây thơ về vấn đề di cư. Đối với họ, những lời kêu gọi liên tục của ngài để đón nhận người di cư sẽ đe dọa hòa bình và nền văn hóa. Mặc dù biết rõ về những chỉ trích này, Đức Thánh Cha vẫn không bị lay chuyển. Ngài khẳng định rằng người di cư chính là “hình ảnh của Chúa Kitô đang gõ cửa nhà chúng ta,” như ngài đã nói trong chuyến thăm Maroc năm 2019, khi gặp gỡ những người di cư. Ngài thừa nhận quyền của các quốc gia trong việc bảo vệ biên giới và chỉ ra sự cần thiết phải giúp người di cư hòa nhập vào xã hội. Tuy nhiên, các chính sách này phải luôn được đặt trong bối cảnh ghi nhớ rằng người di cư là những con người có khuôn mặt, tên tuổi và ước mơ.
Năm 2020, trong thư huấn từ Fratelli tutti, Ngài nhấn mạnh rằng châu Âu “hoàn toàn có đủ phương tiện để bảo vệ nhân phẩm con người và tìm ra một sự cân bằng hợp lý giữa trách nhiệm đạo đức kép: bảo vệ quyền lợi của công dân và đồng thời bảo đảm sự giúp đỡ, tiếp nhận người di cư.”
Lên án những ai coi người di cư là “kém nhân tính hơn” và đối xử với họ như vậy, Đức Giám mục Rôma cho rằng, “Đối với người Công giáo, cách suy nghĩ và hành động này không thể được chấp nhận, vì nó đặt những ưu tiên chính trị nhất định lên trên những niềm tin sâu sắc của đức tin chúng ta.”
Ngài lại một lần nữa tái khẳng định lời kêu gọi này trong chuyến thăm Marseille vào tháng 9 năm 2023: “Những người có nguy cơ chết đuối khi bị bỏ mặc giữa biển phải được cứu vớt. Đó là một nghĩa vụ của nhân loại, đó là một nghĩa vụ của nền văn minh!” Ngài tuyên bố.
4. Nỗ lực vì hòa bình thế giới
Đức Giáo hoàng Phanxicô làm kinh ngạc các nhà lãnh đạo đối địch của Nam Sudan khi hôn chân họ như một lời kêu gọi hòa bình.
Mỗi tháng Mười, tên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại được nhắc đến trong các dự đoán về người chiến thắng giải Nobel Hòa Bình. Mặc dù chưa bao giờ nhận được giải thưởng này, nhưng những đóng góp của ngài cho hòa bình thế giới là điều không thể phủ nhận. Với vai trò là vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo Hội, ngài luôn không ngừng nỗ lực để giải quyết hoặc xoa dịu những cuộc khủng hoảng quốc tế.
Một trong những dấu ấn lớn của ngài là việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 2014, với sự trung gian của Tòa Thánh. Đây là một sự kiện mang tính lịch sử, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa hai quốc gia này. Ngay từ những ngày đầu trong nhiệm kỳ của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nỗ lực xây dựng hòa bình giữa Israel và Palestine, mặc dù không thể ngăn chặn được cuộc chiến đẫm máu tái diễn giữa Hamas và Israel trên mảnh đất thánh.
Trong những thời điểm khủng hoảng, ngoại giao của ngài luôn dựa trên đối thoại, điều mà ngài coi là yếu tố cốt lõi để hòa giải. Ngài không ngần ngại đặt bản thân vào nguy hiểm vì hòa bình, như khi vào tháng 4 năm 2019 ngài đã hôn chân Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và đối thủ của ông, Riek Machar, để kêu gọi họ tìm ra con đường hòa bình. Đây là hành động đầy tình yêu thương và quyết tâm trong nỗ lực khôi phục hòa bình cho một quốc gia đang chịu đựng chiến tranh.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng luôn lên án việc sử dụng vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh rằng giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn là một nghĩa vụ đạo đức và nhân đạo. Lặp lại lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI - “Không bao giờ chiến tranh nữa!” - ngài đã đặt câu hỏi trong Fratelli tutti về khái niệm “chiến tranh chính nghĩa,” một khái niệm mà ngài cho là “rất khó biện hộ” trong thời đại ngày nay.
Ngay sau khi quân đội Nga tham gia vào xung đột với Ukraine vào ngày 24-2- 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có một hành động đặc biệt chưa từng có: ngài một mình đến Đại sứ quán Nga tại Tòa Thánh để “bày tỏ sự lo ngại.” Cử chỉ này đã mở ra một loạt các lời kêu gọi hòa bình mạnh mẽ trong các bài giảng, diễn văn, và các bài huấn dụ Angelus của ngài. Vào ngày 8-12-2022, trong một buổi cầu nguyện với Đức Mẹ Maria, ngài đã rơi nước mắt, nhắc đến “nhân dân Ukraine đang phải chịu đau khổ.” Để giữ cửa đối thoại mở, ngài cũng cho biết sẵn sàng đến Moscow để nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin.
Những hành động này là minh chứng rõ ràng cho tâm huyết và tình yêu mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho hòa bình và sự hòa giải giữa các dân tộc. Ngài không chỉ là một lãnh đạo tôn giáo, mà còn là một người đấu tranh không mệt mỏi vì hòa bình và sự công bằng trên thế giới, luôn kêu gọi mọi người mở rộng vòng tay đối thoại và hòa giải.
5. Hướng tới một Giáo hội hiệp hành
Thánh lễ bế mạc Công nghị cho Amazon, ngày 27-10-2019.
Vào buổi tối ngay sau khi được bầu chọn, tại ban công Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã để lại một dấu ấn sâu sắc khi tự giới thiệu mình một cách đơn sơ là một giám mục, và gọi Giáo hội Rôma là “Giáo hội chủ tọa trong đức ái trên toàn thể các Giáo hội.” Theo nhà viết tiểu sử Austen Ivereigh, việc sử dụng lại “công thức cổ xưa” này biểu lộ ý hướng của vị kế nhiệm Thánh Phêrô: cổ võ tinh thần hiệp thông, cộng tác và phân định chung trong đời sống Giáo hội. Công thức này (Giám mục của Rôma) từ lâu đã mang ý nghĩa không phải về quyền lực tối cao, mà là về trách nhiệm phục vụ và hiệp thông trong tình yêu thương.
Trong Tông huấn đầu tiên của ngài, Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng: “Việc tập trung quyền lực quá mức, thay vì hữu ích, lại làm phức tạp đời sống và hoạt động truyền giáo của Giáo hội.” Ngay từ đầu triều đại, vị giáo hoàng đến từ Argentina đã triển khai nhiều sáng kiến để cổ võ một cung cách điều hành mang tính hiệp hành - nghĩa là mọi thành phần Dân Chúa cùng nhau lắng nghe, phân định và hành động dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Một trong những bước đi cụ thể là việc thành lập một nhóm nhỏ các Hồng y đến từ nhiều châu lục nhằm hỗ trợ ngài trong việc cải tổ Giáo triều Rôma. Cùng với đó, Đức Thánh Cha cũng khuyến khích trao thêm quyền chủ động cho các Thượng Hội đồng Giám mục - một cơ chế hiệp hành đã được canh tân mạnh mẽ qua Công đồng Vaticanô II - để các hội nghị này thật sự trở thành nơi lắng nghe và phân định chung của hàng giám mục với Đức Giáo hoàng.
Năm 2021, Đức Thánh Cha đã khởi xướng một Thượng Hội đồng toàn cầu với chủ đề “Hướng tới một Giáo hội hiệp hành”, kéo dài trong 3 năm. Mục tiêu của tiến trình này là giúp Giáo hội trở nên hiếu khách hơn, khơi dậy tinh thần tham gia của mọi thành phần Dân Chúa, tăng cường sức sống truyền giáo, đồng thời vượt qua những hình thức điều hành khép kín, mang tính giáo sĩ trị hay tập trung quyền hành quá mức.
Với mong ước phát huy vai trò của giáo dân và phụ nữ trong đời sống Giáo hội - đặc biệt tại cấp giáo xứ, giáo phận và cả tại giáo triều - Đức Giáo hoàng đã lần đầu tiên bổ nhiệm các giáo dân, bao gồm cả phụ nữ, làm tham dự viên của Thượng Hội đồng Giám mục với quyền biểu quyết. Dù không lãnh nhận chức thánh, họ vẫn được mời gọi tích cực đóng góp trong tiến trình phân định và đối thoại của Hội Thánh, trong tinh thần hiệp thông với huấn quyền và dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
6. Đổi mới văn hóa Giáo hội để đối phó với khủng hoảng lạm dụng tình dục
Đức Giáo hoàng Phanxicô tại hội nghị thượng đỉnh về lạm dụng tình dục, tháng 2-2019
Tiếp nối đường hướng của Đức Bênêđictô XVI, Đức Giáo hoàng Phanxicô quyết tâm phát động một “cuộc chiến toàn diện” chống lại nạn lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương trong Giáo hội. Một năm sau khi được bầu chọn, ngài đã thành lập một ủy ban chuyên trách nhằm đề xuất các sáng kiến thích hợp nhất để bảo đảm rằng “những tội ác như đã xảy ra sẽ không bao giờ tái diễn.”
Tháng 8 năm 2018, khi nhiều vụ việc bị phanh phui, Đức Thánh Cha đã công bố Thư gửi Dân Thiên Chúa, trong đó ngài xác định chủ nghĩa giáo sĩ trị là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm dụng. Tiếp đó, vào tháng 2 năm 2019, một hội nghị cấp cao bất thường về vấn đề này đã được triệu tập tại Rôma.
Vài tuần sau, Tự sắc Vos estis lux mundi được công bố, buộc tất cả hàng giáo sĩ và tu sĩ phải tố giác mọi hành vi lạm dụng mà họ biết. Tự sắc cũng yêu cầu mọi giáo phận trên thế giới thiết lập các hệ thống tiếp nhận tố giác ổn định và dễ tiếp cận. Đáng chú ý, văn kiện này còn quy định quy trình điều tra các giám mục hoặc bề trên bị nghi ngờ phạm tội hoặc bao che cho tội ác.
Tháng 12 năm 2019, Đức Giáo hoàng bãi bỏ “bí mật tòa thánh” đối với các vụ án liên quan đến tội ấu dâm. Đến tháng 5 năm 2021, ngài tiến hành cuộc cải tổ quan trọng đối với một chương của Bộ Giáo luật liên quan đến các hình phạt nghiêm trọng, chính thức đưa tội phạm liên quan đến trẻ vị thành niên vào danh sách các tội nặng. Ngoài ra, việc công bố báo cáo điều tra chưa từng có về cựu Hồng y McCarrick -người bị kết luận là đã phạm nhiều tội lạm dụng- cho thấy thiện chí của Đức Thánh Cha trong việc làm sáng tỏ những thiếu sót của Tòa Thánh trong vụ việc này.
Tuy nhiên, triều đại giáo hoàng này vẫn còn những thiếu sót. Nhiều nạn nhân tiếp tục lên tiếng về sự chậm trễ và thiếu quyết liệt từ phía Rôma trong việc thực thi cải tổ. Chính Đức Phanxicô cũng đã thừa nhận: “Tôi đã phạm những sai lầm nghiêm trọng”, liên quan đến vụ việc ở Chilê khi ngài từng bênh vực một giám mục bị nghi ngờ bao che cho linh mục lạm dụng.
Việc Cha Hans Zollner, Dòng Tên, từ chức khỏi Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên vào tháng 3 năm 2023 - chính ủy ban mà ngài đã góp phần sáng lập từ năm 2014 -càng làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả và cơ chế điều hành của cơ quan này. Tuy vậy, việc công bố bản báo cáo đầu tiên -dù còn dè dặt- vào cuối năm 2024 cho thấy thiện chí của Vatican trong việc phối hợp các nỗ lực bảo vệ trên toàn cầu.
7. Chống lại nạn giáo sĩ trị
Đức Giáo hoàng Phanxicô được bao quanh bởi các hồng y.
Ngay từ khi bắt đầu sứ vụ giáo hoàng năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo các giám mục Mỹ Latinh về hiểm họa của giáo sĩ trị. Vào mùa Hè năm 2018, sau vụ bê bối lạm dụng tình dục tại Ireland, trong Thư gửi Dân Chúa, ngài kêu gọi dứt khoát từ bỏ não trạng sai lầm về quyền bính trong Hội Thánh.
Ngài chỉ ra mối liên hệ giữa việc lạm dụng quyền hành, một hậu quả của giáo sĩ trị, và tội lạm dụng tình dục: “Nói ‘không’ với lạm dụng là nói ‘không’ mạnh mẽ với mọi hình thức giáo sĩ trị.” Những lời cảnh báo của ngài đối với hàng giáo sĩ sống xa rời đoàn chiên đã trở thành một chủ đề xuyên suốt triều đại giáo hoàng của ngài.
Đồng thời, Đức Phanxicô cũng không ngừng cảnh báo nguy cơ “giáo sĩ hóa giáo dân.” Quan điểm này phần nào lý giải việc ngài không tiến hành truyền chức cho những người nam đã lập gia đình, dù Thượng Hội đồng Amazon (10/2019) đã đề xuất mở ra hướng này.
Việc bổ nhiệm giáo dân vào các vị trí quan trọng trong Giáo triều Rôma thể hiện rõ nỗ lực của ngài nhằm củng cố vai trò của giáo dân trong cơ cấu Hội Thánh. Đặc biệt, ngài đã cho phép giáo dân có quyền bỏ phiếu tại Thượng Hội đồng Giám mục - một quyền trước đây chỉ dành riêng cho hàng giám mục.
8. Nâng cao vai trò của phụ nữ
Đức Giáo hoàng Phanxicô chào một phụ nữ trong buổi cầu nguyện đại kết với người di cư tại thành phố Nicosia, Cộng hòa Síp
Vào tháng 8 năm 2013, Đức Phanxicô chia sẻ: “Tôi cảm thấy đau lòng... khi thấy trong Hội Thánh... vai trò phục vụ của phụ nữ dần dần bị biến thành sự lệ thuộc.” Vấn đề vị thế của phụ nữ trong Hội Thánh là một mối quan tâm sâu sắc đối với Đức Thánh Cha. Ngài đã nhiều lần nhấn mạnh cần phát triển một “thần học về phụ nữ.” Năm sau đó, ngài trao Giải thưởng Ratzinger cho bà Anne-Marie Pelletier - một nữ học giả Kinh Thánh người Pháp chuyên nghiên cứu về chủ đề này.
Dù trong Tông huấn Querida Amazonia (2020), Đức Phanxicô khép lại khả năng truyền chức phó tế cho phụ nữ, ngài vẫn khuyến khích tiếp tục suy tư thần học về vai trò này. Ngài ủng hộ các kết luận của Thượng Hội đồng về tính Hiệp hành cuối năm 2024, vốn đề xuất hướng mở trong vấn đề nữ phó tế.
Bên cạnh đó, ngài còn bổ nhiệm nhiều phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo cao cấp trong Giáo triều. Tháng 1 năm 2025, ngài bổ nhiệm nữ tu Simona Brambilla - người Ý - làm Tổng trưởng Thánh bộ Đời sống Thánh hiến, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Cũng trong tháng đó, ngài bổ nhiệm nữ tu Raffaella Petrini làm Thống đốc Quốc gia Thành Vatican - một vai trò trước đây vốn dành cho hồng y.
Việc nữ tu Nathalie Becquart được bổ nhiệm làm Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục năm 2021 đánh dấu một cột mốc quan trọng: chị là phụ nữ đầu tiên có quyền bỏ phiếu trong Thượng Hội đồng. Cùng năm, nữ tu Alessandra Smerilli được bổ nhiệm làm Phó Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện. Đức Phanxicô cũng đã đưa ba phụ nữ vào Bộ Giám mục, cùng nhiều nữ tu và nữ giáo dân khác vào các vị trí chủ chốt trong Giáo triều.
9. Cải tổ Giáo triều và minh bạch tài chính
Lễ công bố tuyên ngôn “Dignitas Infinita” do Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin trình bày vào ngày 8-4-2024.
Ngay từ đầu triều đại, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác định cải cách cơ cấu điều hành của Vatican là một ưu tiên hàng đầu. Trong bài diễn văn Giáng Sinh năm 2014, ngài công khai chỉ trích các “căn bệnh thiêng liêng” đang tồn tại trong Giáo triều Rôma, như thói quan liêu, tìm kiếm quyền lực và thiếu tinh thần phục vụ. Những lời lẽ thẳng thắn đó phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của ngài trong việc thay đổi tận gốc cách thức hoạt động của bộ máy Tòa Thánh.
Một yếu tố quan trọng thúc đẩy Đức Giáo hoàng Phanxicô đẩy mạnh cải cách là vụ bê bối Vatileaks. Vatileaks là vụ rò rỉ hàng loạt tài liệu mật từ bên trong Vatican, đặc biệt liên quan đến các vấn đề tài chính và chính trị trong Tòa Thánh. Vụ việc này nổ ra vào cuối triều đại của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI (2012), khi các tài liệu nội bộ, bao gồm những vấn đề gây tranh cãi về quản lý tài chính, các cuộc đấu đá quyền lực và những bất đồng chính trị trong Giáo triều, bị công khai. Vụ rò rỉ này không chỉ gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng Công giáo mà còn khiến dư luận phải đối mặt với sự thiếu minh bạch và lạm dụng quyền lực trong các cơ quan của Vatican. Chính những yếu tố này đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho Đức Phanxicô trong việc thúc đẩy các cải cách sâu rộng, đặc biệt là trong việc cải tổ tài chính và quản lý.
Trước tình trạng đó, Hồng y đoàn đã tín nhiệm trao cho Hồng y Bergoglio - tân Giáo Hoàng Phanxicô - nhiệm vụ thanh lọc và cải tổ toàn diện. Ngài thành lập một nhóm cố vấn hồng y đa châu lục để cùng nhau điều phối các hướng cải cách. Trên thực tế, nhiều hội đồng giáo hoàng đã được sáp nhập, hệ thống truyền thông Vatican được tái cấu trúc, và đặc biệt, cơ chế tài chính đã được giám sát chặt chẽ hơn bao giờ hết. Các biện pháp cải cách nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm đã được triển khai mạnh mẽ.
Một bước ngoặt quan trọng trong quá trình cải cách là việc tước quyền quản lý tài chính của Phủ Quốc vụ khanh - cơ quan vốn từng nắm giữ lượng tài sản khổng lồ của Vatican. Việc miễn nhiệm Hồng y Angelo Becciu vào năm 2020, sau khi ông bị nghi ngờ tham nhũng và biển thủ tài chính, cùng với phiên tòa xét xử ông, cho thấy sự thay đổi không chỉ trên giấy tờ mà thực sự đã tạo ra một nền văn hóa trách nhiệm và minh bạch mới trong Tòa Thánh. Những sự kiện này chứng minh quyết tâm của Đức Phanxicô trong việc làm sạch và cải tổ Vatican.
Những cải cách này đã được chính thức hóa trong Tông hiến Praedicate Evangelium (2022), thay thế văn kiện Pastor Bonus từ thời Đức Gioan Phaolô II. Văn kiện mới mở đường cho việc bổ nhiệm giáo dân - bao gồm cả phụ nữ - đứng đầu các Thánh bộ, thể hiện rõ tính hiệp hành và sự tham gia rộng rãi hơn vào việc điều hành Giáo hội. Quyết định này là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa Giáo hội và đảm bảo sự tham gia của tất cả mọi người trong việc điều hành và quản lý.
Tuy nhiên, đến cuối triều đại, trong nội bộ Vatican bắt đầu xuất hiện sự mệt mỏi. Một số nhân viên cho rằng các cải cách chưa đủ sâu rộng và chưa giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại lâu dài trong hệ thống. Họ cảm thấy rằng các thay đổi còn thiếu quyết liệt và chưa có tác động sâu sắc đến những thói quen lâu dài trong Giáo triều. Mặc dù vậy, những cải cách mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện vẫn đặt nền móng vững chắc cho một Giáo triều minh bạch hơn, hiệu quả hơn và phục vụ tốt hơn cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Điều này chứng tỏ rằng cải cách trong Giáo triều là một quá trình dài và cần tiếp tục để có những thay đổi sâu rộng hơn.
10. Đối thoại với Hồi Giáo
Đức Giáo hoàng Phanxicô được bao quanh bởi các vị lãnh đạo tôn giáo trong một cuộc gặp liên tôn tại thành phố cổ Ur, tỉnh Dhi Qar, miền nam Iraq.
Một trong những dấu ấn quan trọng của triều đại Đức Giáo hoàng Phanxicô là việc thúc đẩy đối thoại liên tôn với Hồi giáo. Đây là một nỗ lực không chỉ sâu sắc mà còn đầy thiện chí, nhằm xây dựng cầu nối và tăng cường sự hiểu biết giữa các tôn giáo. Đức Phanxicô đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về việc đối thoại, xây dựng lòng tin và sự hòa hợp trong một thế giới đang đối mặt với nhiều thử thách.
Trong bối cảnh các xung đột và bạo lực liên quan đến chủ nghĩa cực đoan, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng "văn hóa gặp gỡ" là con đường duy nhất để vượt qua hận thù. Ngài đã phát biểu tại hội nghị hòa bình ở Đại học Al-Azhar (Ai Cập) vào năm 2017, khẳng định rằng không thể nhân danh Thiên Chúa để biện minh cho chiến tranh và bạo lực.
Một mốc quan trọng trong hành trình này là chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào tháng 2 năm 2019, nơi Đức Phanxicô và Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb đã ký kết Tuyên ngôn về "Tình huynh đệ nhân loại". Văn kiện này kêu gọi sự hợp tác giữa các tôn giáo để bảo vệ phẩm giá con người, thúc đẩy hòa bình, tự do tôn giáo và bác ái. Đây là một dấu ấn quan trọng, mở ra nhiều sáng kiến đối thoại và giáo dục toàn cầu.
Thông điệp Fratelli tutti (2020) tiếp tục phát triển tinh thần đối thoại này, với những lời trân trọng dành cho Imam Al-Tayyeb. Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định rằng tôn giáo đích thực luôn đi kèm với tình yêu thương, hòa bình và sự tôn trọng lẫn nhau.
Chuyến tông du Iraq năm 2021 cũng là một dấu mốc quan trọng, khi Đức Giáo hoàng gặp gỡ Đại giáo chủ Shiite Ali al-Sistani tại Najaf. Đây là một bước đi mang tính lịch sử, mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa các hệ phái Hồi giáo và Công giáo.
Với việc bổ nhiệm Tổng giám mục Tehran, Đức cha Dominique Mathieu, làm Hồng y vào tháng 12 năm 2024, Giáo hội tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đối thoại liên tôn, không chỉ bằng lời nói mà còn qua các hành động thiết thực và đầy ý nghĩa.
11. Đại kết Kitô Giáo (Ecumenism)
Đức Giáo hoàng Phanxicô trong một cuộc gặp đại kết tại Hội đồng Đại kết các Giáo hội Thế giới ở Geneva, vào ngày 21-6-2018.
Đại kết Kitô giáo là một trong những dấu ấn nổi bật trong triều đại giáo hoàng của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Vào ngày 12-2-2016, gần một nghìn năm sau Cuộc ly giáo lớn năm 1054, Đức Giáo hoàng đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với Thượng phụ Chính thống giáo Moscow lần đầu tiên. Cuộc gặp gỡ này, diễn ra tại sân bay Cuba, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc làm ấm mối quan hệ giữa hai Giáo hội, thể hiện nỗ lực của Đức Giáo hoàng trong việc thúc đẩy hòa bình và hiệp nhất giữa các Kitô hữu.
Mặc dù sau đó, một số thách thức và khó khăn đã xuất hiện trong mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo Nga, Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn tiếp tục thể hiện tinh thần đại kết trong việc kêu gọi hòa bình và đối thoại. Những khó khăn này không làm giảm đi quyết tâm của ngài trong việc xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với các anh em Kitô hữu ở khắp nơi.
Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã đến Stockholm, Thụy Điển, vào năm 2016 để kỷ niệm 500 năm Cải cách Tin Lành. Cùng với các đại diện của Liên đoàn Tin Lành Thế giới, ngài đã ký một tuyên bố chung kêu gọi vượt qua "những xung đột của quá khứ" để hướng tới một sự hiệp thông và đoàn kết sâu sắc hơn.
Vào năm 2018, ngài thực hiện chuyến hành hương đại kết đến Geneva, Thụy Sĩ, để kỷ niệm 70 năm thành lập Hội đồng các Giáo hội Thế giới, tổ chức đại diện cho khoảng 348 Giáo hội Chính thống, Tin Lành và Anh giáo, với tổng cộng 500 triệu tín hữu.
Phong cách và nhân cách của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã giúp ngài xây dựng các mối quan hệ thân thiết với các anh em Kitô hữu, đặc biệt là với Thượng phụ Bartholomew của Constantinople, người mà ngài đã gặp gỡ gần 10 lần và người đã truyền cảm hứng cho thông điệp Laudato si' của ngài, cũng như với Tổng giám mục Canterbury, Justin Welby, người mà ngài đã hợp tác trong việc giải quyết xung đột ở Nam Sudan.
Cuối năm 2023, văn kiện Fiducia Supplicans đã dẫn đến phản ứng từ cộng đồng Copts, khi họ thông báo đình chỉ đối thoại thần học với Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng Phanxicô luôn coi trọng việc duy trì đối thoại và tiếp tục nỗ lực để làm sống lại các mối quan hệ hòa bình trong đại kết Kitô giáo.
Cái chết của Đức Giáo hoàng đã để lại cho người kế nhiệm ngài một kế hoạch thăm Thổ Nhĩ Kỳ cùng Thượng phụ Bartholomew để kỷ niệm 1.700 năm Hội nghị Nicaea, tiếp tục khẳng định cam kết của Giáo hội Công giáo đối với sự hiệp nhất và hòa bình giữa các Kitô hữu.
12. Đức Giáo hoàng Phanxicô và sự hiệp nhất trong phụng vụ
Đức Giáo hoàng Phanxicô cử hành Thánh lễ.
Ngày 16-7-2021, Đức Giáo hoàng Phanxicô ban hành Tự sắc Traditionis Custodes, với mong muốn củng cố sự hiệp nhất trong đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Trong văn kiện này, ngài điều chỉnh lại việc cho phép cử hành Thánh lễ theo Sách lễ Rôma 1962 - vốn từng được Đức Bênêđictô XVI mở rộng trong Tự sắc Summorum Pontificum năm 2007 - và không còn sử dụng cách gọi “hình thức ngoại thường” của nghi lễ Rôma.
Đức Phanxicô bày tỏ ưu tư mục vụ trước thực trạng, ở một số nơi, việc sử dụng Sách lễ cũ bị khai thác như một dấu hiệu phản kháng lại các cải tổ phụng vụ của Công đồng Vaticanô II. Với tấm lòng của vị mục tử, ngài mong muốn phụng vụ trở nên nguồn hiệp thông chứ không phải nguyên nhân gây chia rẽ. Dù vậy, quyết định này cũng dẫn đến một số ý kiến khác nhau trong lòng Giáo hội, đặc biệt tại một số quốc gia như Pháp và Hoa Kỳ.
Tháng 2 năm 2022, Đức Giáo hoàng xác nhận cho Hội Huynh đoàn Thánh Phêrô được cử hành phụng vụ theo nghi thức công đồng Tridentino khi trung thành với Đức Giáo hoàng. Đồng thời, ngài trao cho các giám mục địa phương quyền phân định cụ thể, tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu mục vụ tại mỗi giáo phận.
Tuy nhiên, Đức Phanxicô vẫn mong muốn có sự hiệp nhất hết sức có thể trong phụng vụ, theo đúng giáo luật của Sách lễ do Đức Phaolô VI ban hành năm 1969.
Vào ngày 29-6-2022, với tông thư Desidero desideravi, ngài nhắc lại rằng phụng vụ phải bảo đảm “là một và là cùng một lời cầu nguyện”, có khả năng diễn tả sự hiệp nhất của Giáo hội như Công đồng Vatican II mong muốn.
Tác giả: Camille Dalmas
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Aleteia.org
bài liên quan mới nhất

- Hồng y đoàn tổ chức phiên họp khoáng đại lần thứ 4, chuẩn bị cho lễ tang của một vị mục tử
-
Hành trình sứ vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô qua hình ảnh -
Đài Rai của Ý: hơn 170 phái đoàn nguyên thủ quốc gia và chính phủ, 450 ngàn người tham dự tang lễ ĐTC Phanxicô -
Hồng y đoàn tổ chức Phiên họp Khoáng đại thứ ba, bắt đầu thảo luận về Giáo hội -
Tín hữu Công giáo tiễn biệt Đức Thánh Cha Phanxicô lần cuối tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô -
Tiểu sử Đức Giáo hoàng Phanxicô (1936 – 2025) -
Lời cảm ơn từ khắp nơi trên thế giới -
Phiên họp thứ 2 của các Hồng y; 20 ngàn người viếng Đức Thánh Cha trong 8 tiếng đầu tiên -
Massimiliano Strappetti – Người Cuối Cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô Gặp Và Cảm Ơn Trước Khi Qua Đời -
Trực tiếp tại Đền thờ & Quảng trường thánh Phêrô - viếng ĐTC
bài liên quan đọc nhiều

- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2023 -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y