Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc. Từ những thế kỷ trước, từ đời Lý - Trần - Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng.
Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ. Tết là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên.
Chữ “Nguyên” có nghĩa là bắt đầu, chữ “Đán” có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, Tết là do xuất xứ từ “tiết” (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt đối với một nước thuần nông như Việt Nam.
Theo tín ngưỡng dân gian, bắt đầu từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ.
Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ cách hàng ngàn cây số vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ, nhìn lại nơi mà một thời bàn chân bé dại đã tung tăng và mong được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời. Mấy tiếng “Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn.
***
Hiện nay, theo luật thì người Việt chỉ được nghỉ ăn Tết trong 4 ngày, từ 30 tháng Chạp tới mùng 3 tháng Giêng (âm lịch). Trên thực tế, không khí Tết sẽ dùng dằng ở lại cho đến hết tháng Giêng, thậm chí lâu hơn.
Trước và sau Tết Nguyên Đán, người Việt có nhiều phong tục khác nhau, tùy theo từng địa phương. Dưới đây chúng ta sẽ cùng điểm qua một số phong tục chính:
Lễ ông Công ông Táo
Ông Công ở đây là Thổ Công, là vị thần cai quản đất đai, giới tính được xác định là nam. Ông Táo là thần bếp, hay Táo Quân, thực chất lại không phải một vị mà là hai ông và một bà. Lễ ông Công ông Táo được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp. Trong ngày này, ông Công được cúng ở bàn thờ chính trên nhà, còn ông Táo được cúng dưới bếp. Đồ cúng thường đi kèm với mấy con cá chép, vì người ta cho rằng vào dịp cuối năm, ông Công ông Táo cưỡi cá chép bay về Thiên đình, trình bẩm những việc xảy ra trong dân gian trong năm vừa qua.
Lễ Tất niên
Tất niên có nghĩa là hoàn tất công việc một năm cũ. Vào chiều 30, nhà người Việt nào cũng chuẩn bị một mâm cơm cúng ông bà tổ tiên để tiễn biệt năm cũ. Sau đó, cả nhà quây quần bên mâm cơm.
Theo phong tục, trong thời điểm tất niên, mỗi người phải thu xếp thanh toán hết nợ nần, xóa bỏ những xích mích trong năm cũ để hướng tới một năm mới thuận hòa hơn.
Lễ Giao thừa
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng của năm, khi mà năm cũ ủ rũ ra đi và năm mới rộn ràng bước tới. Vào thời điểm giao thừa, các gia đình làm lễ Trừ Tịch. Lễ Trừ Tịch được hiểu là lễ đem vứt những điều không may mắn của năm cũ đi, và đón lấy những điều tốt đẹp của năm mới đến.
Một điều không thể thiếu trong lễ Giao thừa trước đây, mà nay đã bị cấm, đó là đốt pháo đón giao thừa. Theo dân gian truyền lại, tiếng pháo là để xua đuổi ma quỷ của năm cũ. Cảm xúc đốt một bánh pháo dài, khói thuốc pháo thơm nồng tràn đầy trong phổ và con mèo chạy tọt vào gầm giường vì sợ là những ký ức không bao giờ phai của người Việt Nam về cái Tết của một thời xa xưa...
***
Đón xuân, đón năm mới (hay Tân niên)
Sau giao thừa đến Tân Niên - đón một năm mới. Có rất nhiều phong tục cần tuân thủ vào thời điểm này. Thứ nhất là phong tục xông đất (hay "đạp đất" của người miền Trung). Người Việt quan niệm rằng ngày đầu tiên của năm sẽ quyết định "vận mạng" của cả năm: Do đó, người xông đất là người khách thứ nhất trong năm. Phải có người xông đất rồi, thì trong nhà mới mở cổng ngõ để đón tiếp mọi người và để cho người trong nhà ra đường. Người ta tin rằng, đức hạnh của người xông đất sẽ xua đuổi những cái xấu cũ ra khỏi nhà và đồng thời mang sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng mới cho gia chủ.
Thứ hai, phải kể đến việc xuất hành du xuân. Cùng với các bà mẹ, nam thanh nữ tú thường thích đi ra đường đón xuân. Đích đến thường là các đình, chùa, miếu, điện... để cầu may và xin lộc. Người ta tin rằng việc cầu phúc cầu may đầu năm tại chùa chiền miếu mạo sẽ linh thiêng hơn, và nhiều người xin quẻ ở đây để đoán việc sẽ xảy ra trong năm. Đa số không quên bẻ lấy một cành cây trước cửa đình - cửa đền, để về nhà cắm trên bàn thờ cho đến hết Tết. Phong tục này gọi là hái lộc, tượng trưng cho việc đem lộc trời đất về nhà, khiến cho cây cối trước chùa thường tơi tả sau Tết.
Thứ ba là phong tục thăm hỏi, chúc tết và lì xì. Bố mẹ chúc con cái học giỏi và thành đạt, con cái chúc bố mẹ mạnh khỏe sống lâu. Họ hàng chúc nhau an khang, bạn bè chúc nhau thịnh vượng. Tới mỗi nhà, người lớn thường cho tiền trẻ con trong những bao màu đỏ, gọi là mừng tuổi (hay lì xì ở trong Nam). Tiền phong bao thường là tiền lẻ, với ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm.
Mồng một chúc Tết mẹ cha
Mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy.
Kiêng kỵ trong ngày Tết
Trong mấy ngày Tết, người Việt kiêng không cãi nhau, bởi họ tin rằng cãi nhau, bực tức trong ngày Tết sẽ khiến cả năm xúi quẩy - mất thuận hòa. Ông bà cha mẹ nhắc con cháu trong nhà từ phút giao thừa trở đi không được nghịch nghợm, cãi cọ nhau. Người lớn cũng tránh quở mắng trách phạt trẻ em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành.
***
Hoa Tết
Hoa không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Bắc là hoa Đào. Theo truyền thuyết, có cành Đào trong nhà vào dịp Tết sẽ giúp trừ tà ma. Hoa Đào có nhiều loại: bạch đào, bích đào, hồng đào... và nơi trồng đào nổi tiếng nhất miền Bắc là Nhật Tân, Nghi Tàm (Hà Nội). Nghệ nhân ở đây nổi tiếng với khả năng ghép đào, hãm đào, uốn sửa hình để cho những cây đào dáng đẹp nhiều hoa nở vào đúng tết. Nay làng đào Nhật Tân đã bị xóa sổ để nhường chỗ cho khu đô thị mới Nam Thăng Long.
Còn ở miền Nam, hoa Mai được dùng để đón Tết. Hoa mai cũng có rất nhiều loại: mai tứ quý màu đỏ, hồng mai, chi mai, bạch mai màu trắng pha hồng, hoàng mai màu vàng... nhưng phổ biến hơn cả là hoa mai vàng. Hoa mai cũng năm cánh nhưng không nhiều lớp như hoa đào. Cánh Hoa mịn màng như lụa. Cành mai nâu sẫm, ngắn, rất gân guốc nhưng cũng rất mềm mại. Chính vẻ đài các này mà nhiều người cho rằng từ xa ngắm cành mai như đàn bướm vàng đậu hờ trên các nhánh cây trông rất thanh nhã, khiêm nhường. Hoa mai tượng trưng cho phẩm tiết cao quý, khí phách của người quân tử, là niềm cảm hứng rất kinh điển trong thi ca. Đã hơn một nghìn năm trôi qua nhưng những câu kết trong bài thơ chữ Hán của Mãn Giác Thiền Sư vẫn còn vang mãi:
Mạc vi xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
nghĩa là:
Đừng tưởng (Chớ Bảo) xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
Dù sống xa quê nhà, hay dù sống ở bất cứ nơi đâu, chúng ta bằng mọi cách bảo tồn và phát triển nền văn hoá dân tộc Lạc Việt.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam
-
Quà Tết cho người vô gia cư -
Noel ấm áp tình người -
Đồng hương Thái Bình miền Nam: Họp mặt Tân niên -
Đồng hương Đàn Giản: mừng Xuân đoàn viên -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Thông điệp của mùa xuân -
Giờ kinh Giao Thừa -
Trăng Rằm miền biên giới -
Vầng Trăng Yêu Thương
bài liên quan đọc nhiều
- Thông điệp của mùa xuân
-
Giờ kinh Giao Thừa -
Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam -
Lời kinh đêm Giao thừa -
Năm Thìn, tản mạn chuyện Rồng -
Tất niên và tân niên -
Mồng 3 Tết: Thánh hoá công ăn việc làm -
Nhớ lắm bếp củi ngày xưa! -
Đạo Hiếu theo quan niệm Công giáo -
Tại sao người ta đeo nhẫn cưới ở ngón áp út?