Xin để lại anh em!

Xin để lại anh em!

Vào lúc 15g00 ngày 26/10/2010, quý cha và bà con đồng hương Bút Đông đã đến kính viếng, hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho cha giáo Phêrô Cao Văn Đạt - người con và là cha Linh hướng thân yêu của dân làng. Ngài ra đi trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Ngài ra đi sau ngày “Khánh nhật Truyền giáo”, như là sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho ngài, vị mục tử cả cuộc đời luôn ưu tư và chăm lo cho công cuộc truyền giáo.

Nhìn ngắm di ảnh ngài, nỗi xúc động trong tôi cứ trào dâng, bao kỷ niệm về ngài tái hiện trong tâm trí tôi. Tôi may mắn được tiếp xúc với ngài nhiều lần để bàn chuyện của đồng hương. Thật có lỗi, nếu tôi không nói lên những ưu tư và trăn trở của ngài về công cuộc tái thiết và chăm lo cho công cuộc truyền giáo đối với Giáo hội nói chung, và đối với quê hương Bút Đông nói riêng.

Con người của truyền giáo

- Năm 1966: Sau khi thụ phong linh mục, ngài là cha giáo Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn.

- Năm 1968: Du học tại Đại học Salésien-Rôma, chuyên ngành Tâm lý giáo dục.

- Năm 1971: Tốt nghiệp Cử nhân Tâm lý học.

- Năm 1973: Đậu bằng Tiến sĩ Tâm lý giáo dục.

- Năm 1973-1974: Tu nghiệp tại Hoa Kỳ.

- Năm 1975: Đất nước thống nhất, ngài là cha giáo Đại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn và thỉnh giảng tại Đại Chủng viện Hà Nội.

- Năm 1992: Tu nghiệp tại Philippin.

- Năm 1975-2010: Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn. Cả cuộc đời linh mục ngài là cha giáo ở ĐCV, ngài đã thể hiện tấm lòng hy sinh lớn lao, hăng say nhiệt tình chu toàn bổn phận mình không biết mệt mỏi, ra Bắc vào Nam, đi đến các dòng tu, cộng đoàn, xứ đạo… để trao ban những gì mình có và mọi người cần.

Người con ưu tú của Bút Đông

Trong thầm lặng, ngài rất hăng say và nhiệt thành lo cho đồng hương Bút Đông trong Nam cũng như ngoài Bắc.

- Trùng tu thánh đường: Thời gian nhà thờ Bút Đông chưa có cha xứ, mỗi lần ra ĐCV Hà Nội giảng dạy, ngài đã tranh thủ về dâng lễ với dân làng. Khi thấy ngôi nhà thờ xuống cấp, ngài đã tìm mọi cách để trùng tu. Tôi nhớ mãi hình ảnh, ròng rã mấy tháng trời, cha con cùng đi “quyên tiền” ở các xứ đạo ở TP HCM để giúp quê hương Bút Đông tái thiết nhà thờ. Đã có lần ngài ngấn lệ, khi nhìn chúng tôi cầm thau, đứng ở các cửa nhà thờ để quyên tiền. Những lần như thế, ngài thường kể những câu chuyện vui ở quê nhà để động viên chúng tôi, rồi cha con ra quán ăn mì gói lót dạ chờ lễ sau.

- Cổ võ ơn gọi: Ngài thường tâm sự với nhiều người, đồng hương Bút Đông vẫn tự hào có nhiều Giám mục và linh mục. Thế nhưng bao năm làm cha giáo, ngài rất trăn trở khi thấy con em không còn thiết tha dâng mình cho Chúa nữa. Khi gặp chủng sinh người đồng hương, ngài rất vui mừng hướng dẫn tận tình, và để lại cho đàn em nhiều kinh nghiệm sống rất đáng quý.

(Nghe audio – Bài giảng của cha Giuse Nguyễn Ý Định)

Trong các dịp đồng hương mừng lễ bổn mạng (Lễ Đức Mẹ Mân Côi), ngài luôn vận động và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho ơn kêu gọi. Ngài nhiệt tình cộng tác với Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức để vận động thành lập “Quỹ khuyến học dành cho ơn gọi giáo sĩ, tu sĩ”. Xem bài - Đồng hương Bút Đông: Mừng lễ bổn mạng (http://www.tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20101007/6956).

Vẫn tin rằng sống chết là do sự an bài của Thiên Chúa, thế nhưng ngài đột ngột ra đi, mang theo bao dự tính và ưu tư, đã để lại nhiều cảm xúc và thương tiếc cho mọi người. Nhưng Thiên Chúa rất nhân từ, đã ban cho ngài có những điều kiện để giã biệt mọi người mà không ai nhận ra:

- Năm nay, nhân ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi (03/10), ngài không có mặt cùng đồng hương miền Nam mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi - bổn mạng đồng hương Bút Đông, nhưng ngài hiệp dâng Thánh lễ Tạ ơn mừng bổn mạng cùng với dân làng tại quê hương. Thật là hồng ân, vì đây là Thánh lễ Tạ ơn cuối cùng của ngài tại nơi chôn nhau cắt rốn.

- Cảm tạ hồng ân, vì tại miền Nam đã thành lập được “Quỹ khuyến học dành cho ơn gọi giáo sĩ, tu sĩ” theo như mong ước của ngài.

- Cảm tạ hồng ân, vì cách đây 2 tháng, Chúa Thánh Thần đã thôi thúc ngài gửi lại cho Ban đại diện lý lịch trích ngang, địa chỉ, điện thoại… quý Giám mục, linh mục, quý xơ, quý tu sĩ nam nữ của đồng hương Bút Đông mà ngài đã dày công ghi chép.

Nhìn ánh mắt sâu thẳm của ngài, tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng thôi thúc của ngài - Anh em hãy thay tôi thực hiện những gì còn lại, phần tôi:

Xin vĩnh biệt mọi người
Tôi ra khơi lần cuối
Không một lời giã biệt
Hẹn nhau trong Nước Trời
Xin để lại anh em
Tình đồng hương mãi mãi.

Top