Viếng Thánh Thể

Viếng Thánh Thể

WGPSG -- Có bao giờ khi đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, nhà thờ Tân Định, hay bất kỳ một giáo xứ nào đó trong giáo phận Sài Gòn, chúng ta dành cho mình những giây phút viếng Thánh Thể: Thánh Thể đặt trong nhà Chầu, hay Thánh Thể đặt trong ngôi Nhà Tạm ở nhiều nhà thờ? Một linh mục đã viết rằng: những giây phút bên Chúa Giêsu Thánh Thể là những phút giây chúng ta được chữa lành, nâng đỡ và là những phút giây tâm hồn và cuộc đời chúng ta được biến đổi. Thế nhưng, thực tế cho thấy có mấy ai làm được như thế. Vậy thì, vấn đề cốt lõi được đặt ra: Tại sao phần lớn người Kitô hữu chúng ta hôm nay thường ngại viếng Thánh Thể? Viếng Thánh Thể có liên hệ gì đến vận mệnh cuộc đời của mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay?

Trước hết, những náo nhiệt và bộn bề lo toan của cuộc sống Sài Gòn đô thị hôm nay, có lẽ là cơ hội để mỗi người Kitô hữu chúng ta cần chậm lại nhịp sống hối hả quen thuộc, chậm lại những toan tính với biết bao công việc ở chốn thị thành, để có cho mình những giây phút thinh lặng và cầu nguyện gặp gỡ Chúa, để cảm nhận được tình thương của Chúa trong cuộc đời chúng ta. Vâng, chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa bằng những thực tế nghiệt ngã của bản thân, và gia đình: những niềm vui và nỗi buồn, những thành công và thất bại, những âu lo khắc khoải về tương lai v.v… Tất cả những nỗi niềm ấy sẽ là những lời cầu nguyện rất thật và đẹp lòng Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự trong Nhà Tạm như lời Chúa Giêsu đã nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28) Thế nhưng, có lúc chúng ta sẽ thấy nặng nề, mệt mỏi, và không biết nói gì với Chúa Giêsu Thánh Thể. Có lúc chúng ta chỉ ngồi im lặng, thậm chí ngủ quên lúc nào không hay. Thế nhưng, chính những lúc ấy Chúa nói với chúng ta, Chúa đến với chúng ta trong sự im lặng và nhẹ nhàng sâu lắng của một tình yêu trao ban đến tận cùng. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã có được kinh nghiệm như thế: mỗi lần viếng Thánh Thể, ngài không nói gì cả mà chỉ yêu mến Chúa Giêsu mà thôi.

Tuy nhiên, những vất vả lo toan, những ồn ào sôi động của lối sống thị thành khiến chúng ta không còn thời gian để dành cho Chúa, để cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì thế, Chúa Giêsu Thánh Thể vẫn hiện diện trong ngôi Nhà Tạm ở nhiều giáo xứ, chủng viện hay nhà dòng, nhưng đó là một sự hiện diện lặng lẽ, và cô đơn, bởi vì tình yêu trao ban của Chúa dường như chỉ là tình yêu một chiều, một tình yêu đơn phương vì sự thờ ơ, lãnh đạm của chúng ta. Thật vậy, đối với những Kitô hữu sống đời thường, sẽ không có được thói quen viếng Chúa mỗi ngày. Đối với những người sống đời tu, nhiều người có được thói quen ấy, nhưng để giữ được thói quen tốt lành: viếng Chúa mỗi ngày là điều không phải mấy ai cũng làm được. Nói đến đây, xin được dẫn chứng trường hợp các cha già ở nhà hưu: các ngài thường dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện, viếng Thánh Thể mỗi ngày. Đây chính là niềm vui thiêng liêng sâu xa, giúp các cha vượt qua những buồn bã và cô đơn của đời linh mục lúc tuổi già xế bóng: cô đơn vì bệnh tật, cô đơn vì ít người thăm viếng chuyện trò v.v… Quả thật, nếu một ai đó biết dành cho mình những khoảng thinh lặng, để suy nghĩ, cầu nguyện và chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, thì họ sẽ cảm nhận được một sự bình an vô tận, một nguồn sức mạnh yêu thương có thể giải tỏa được rất nhiều vấn nạn trong cuộc sống của người ấy, nhất là những lúc cô đơn, thất vọng, chán nản, những giờ phút đen tối nhất của cuộc đời.

Tiếp đến, nếu ai trong chúng ta đã nhiều lần viếng Thánh Thể thì có lẽ sẽ có được nhiều kinh nghiệm thiêng liêng quý báu. Đó chính là những giây phút chúng ta trải lòng mình ra trước cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa: những yếu đuối, sai lầm và tội lỗi, những ước muốn và khuynh xấu trong tận đáy lòng chúng ta, những ưu tư và khắc khoải trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Vì vậy, đó chính là những giây phút chúng ta cảm nhận được một sự thanh thản, nhẹ nhàng và hạnh phúc, bởi vì chúng ta đang thật sự là chính mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Một linh mục đã chia sẻ rằng: giây phút viếng Thánh Thể là những phút giây chúng ta nhìn lại quá khứ, sống với hiện tại, và hướng tới tương lai. Đó chính là những phút giây chúng ta sống trong niềm hy vọng, trong sự quân bình, và vui tươi bởi tình Chúa- tình người.

Ngoài ra, những lần quỳ trước Thánh Thể là cơ hội để chúng ta khiêm tốn nhận ra thân phận tội lỗi của bản thân, và là cơ hội để chúng ta cầu nguyện cho người khác: cầu nguyện cho cha mẹ, người thân; cầu nguyện cho người đang sống trong cảnh nghèo khổ, bệnh tât, cô đơn và túng thiếu; cầu nguyện cho Giáo hội và cho tất cả mọi người. Vì thế, những giây phút viếng Thánh Thể là những lần Chúa Giêsu mở rộng quả tim của chúng ta, để chúng ta biết nghĩ đến người khác, biết luôn tìm cách thực hiện những nghĩa cử yêu thương cho người khác. Phải chăng đây là những nét đẹp Tin Mừng cốt lõi mà Chúa Giêsu gieo vào lòng mỗi người Kitô hữu chúng ta? Chúng ta có thể cảm nhận được điều này nơi mẹ Têrêsa Calcutta: Mỗi ngày mẹ và các Sơ trong nhà Dòng dành một tiếng đồng hồ viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. Chính điều này đã tiếp thêm sức mạnh và động lực tình yêu, để mẹ và các chị em trong dòng dấn thân phục vụ cho người bệnh tật và nghèo khổ ở đất nước Ân Độ.

Cuối cùng, viếng Thánh Thể là thời gian gặp Chúa bằng con đường của đức tin và quả tim. Những giây phút viếng Thánh Thể là những phút giây Chúa Giêsu huấn luyện tâm hồn và trái tim mỗi người chúng ta bằng chính ngọn lửa tình yêu mãnh liệt của Ngài. Đó là những phút giây huyền nhiệm, có thể xoay chuyển và biến đổi 180 độ cuộc đời chúng ta. Ước gì, mỗi lần tham dự Thánh lễ, mỗi lần tới bất kỳ một giáo xứ nào đó, nhiều người trong chúng ta dành ít phút viếng Thánh Thể, để cảm nhận được rằng, Chúa đang yêu thương chúng ta, và chúng ta cần Chúa trong đời.

Top